Thursday, June 13, 2019

ĐÁM MA BÁC GIUN

Thú thật, khi viết bài báo dài về tập Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa, tôi rất thích bài Đám ma bác Giun, nhưng rốt cuộc bình được một đoạn rồi phải rút bỏ. Bởi vì đọc đi đọc lại, thích thì thích thật, thích từ khi còn học tiểu học, nhưng bình cách nào cũng không ổn vì bài thơ đầy mâu thuẫn.

Bác Giun chết, đàn kiến tha bác như tha một con mồi, sao lại hóa thành đám tang trang trọng, thiêng liêng? Mà không khí tang lễ được cu Khoa miêu tả cứ như là tang lễ cung đình vậy! Đúng là nhóc con nhìn con giun to tướng so với đàn kiến nên cứ tưởng là vua.


Trong bài thơ chỉ có mỗi câu cuối là hiện thực:

Kiến đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần…

Bọn kiến no say nhờ cái chết béo bở???

Nhưng cái hiện thực đó thật là nghịch lý so với không khí tang lễ thiêng liêng và cao cả mà cu Khoa tưởng tượng và hư cấu trong toàn bộ bài thơ:

Bác Giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
Cầm hương kiến đất bạc đầu
Khóc than kiến cánh khoác màu áo tang
Kiến lửa đốt đuốc đỏ đàng
Kiến kim chống gậy, kiến càng nặng vai
Đám ma đi đến là dài
Qua những vườn chuối vườn khoai vườn cà…

Đọc bao nhiêu lần vẫn không giải thích được vì sao cu Khoa viết như vậy. Bài thơ viết về không khí tang lễ rất đặc thù của văn hóa Việt Nam, đang thiêng liêng và cao cả, bỗng dưng kết lại hai câu thật vô duyên. Ăn uống no say gì trong cái không khí ấy?

Đến bây giờ mới hiểu. Chẳng có gì là tưởng tượng hư cấu cả. Khoa đã viết như Khoa nhìn thấy: đàn kiến tha giun và đám ma của con người. Hai hình ảnh này chập lại trong đầu thằng bé và bùng nổ thành thi ca. Cái ẩn khuất của đám tang người được soi chiếu bằng cảnh đàn kiến tha giun. Đám tang với trẻ con là thế. Mà không chỉ trẻ con. Đất nước này bốn nghìn năm vẫn thế. Mỗi khi có đám tang, người ta kéo nhau xem đông lắm. Đám tang càng lớn, người xem càng đông. Như xem hội vậy. Dẫu biết là có kẻ nhân cơ hội được ăn uống no say, nhưng không khí đông đúc ấy cũng an ủi phần nào linh hồn người đã khuất.

Trong bài thơ, thân xác bác Giun rồi sẽ được táng trong bụng kiến và tan thành đất, nhưng linh hồn bác sẽ an vui cực lạc khi biết trước khi làm thịt mình, bọn kiến đã tổ chức cho mình một tang lễ linh đình. Người đời sẽ bình: “Bác Giun ra đi trong lòng yêu thương vô hạn của đàn kiến”!

Tiên sư cu Khoa. Nhớ hồi nhỏ tớ cũng thích đi xem đám tang như cậu vậy. Đám tang người Việt đẹp lắm, lung linh sắc màu và rộn ràng náo nhiệt.

CHU MỘNG LONG

No comments: