Saturday, June 29, 2019

CHINA TOUR 2019 - NGÀY 5: HOÀNH THÔN (宏村)

Hai ngày mưa tầm tã, hôm nay có lẽ trời thương cho ngày cuối chúng tôi còn ở khu vực Hoàng Sơn nên cho một ngày nắng ấm. Nói ấm cũng không đúng mà phải nói là sáng sớm đã nóng trong mùa hè ở nơi này. Sáng nay chúng tôi được đưa đi tham quan một ngôi làng cũ có cái tên là Hoành Thôn (宏村).


Xe dừng trong khu cho bus, chúng tôi băng qua đường vào một bãi đậu xe nhỏ. Ở đây có những hàng cây thật cao, xanh mướt, thỉnh thoảng có từng đám mây trắng bay là đà xuống theo cơn gió thổi qua. Đó thật ra là hoa hay hạt của giống cây trồng trong khu vực này, nó nhỏ mỏng manh như Bồ Công Anh, tôi đoán có lẽ là cây gòn vì thân cây thật to và có gai, trái khô như trái gòn treo lủng lẳng trên cây. Anh dẫn đoàn chạy đi lấy vé và chúng tôi xếp hàng vào bên trong. Nói với các bạn dù không phải là dịp nghỉ lễ nhưng ở Trung Quốc tất cả các khu du lịch hay cảnh điểm đều rất đông người hàng ngày, tôi đoán du khách chỉ chừng 20% chớ còn lại là dân bản địa, họ đi từng đoàn từ các tỉnh khác về chỉ số ít là dân sống ở địa phương.



Chúng tôi đi vào bên trong bước theo ven hồ, hồ rất lớn nước phẳng lặng trong như gương. Dọc theo bờ hồ có rất nhiều người ngồi vẽ tranh, cảnh khu làng phía bên kia thật đẹp chiếu xuống tấm gương nước càng thêm xinh. Đó là tại sao có rất nhiều người họa cảnh. Tôi đến đây lần đầu tiên trong đời nhưng không hiểu sao lại có một ấn tượng rất mạnh dường như đã quen, đã gặp qua ở đâu. Tôi hỏi bà xã sao nơi này quen quá, mình đã đi qua rồi phải không. Bà xã nói chắc anh nằm mơ nhưng cuối cùng tôi biết tôi đã thấy qua nơi này rồi sau khi nghe anh dẫn đoàn giải thích rằng nơi đây thường được các hảng phim lấy làm ngoại cảnh và nổi tiếng nhất là phim "Ngọa Hổ Tàng Long" (臥虎藏龍) đạo diễn Lý An (diễn viên chánh là Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di...).
Hoành thôn (tiếng Trung: 宏村; bính âm: Hóngcūn; nghĩa đen: "Làng Hoành") là một ngôi làng nằm tại thị trấn Hoành Thôn, Y huyện, thành phố Hoàng Sơn, trong khu vực lịch sử Huệ Châu, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc, gần sườn tây nam của dãy núi Hoàng Sơn. Năm 2000, khu di tích thôn cổ Hoản Nam, tiêu biểu là Tây Đệ và Hoành thôn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhờ dấu ấn đậm nét của một làng quê mang đậm phong cách Trung Quốc với đường cổ, cầu cổ, bia đá, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ.                                                                             
Thôn Hoành có hình con trâu, có hệ thống nước nhân tạo và những khu vườn rất độc đáo, được mệnh danh là "Ngôi làng trong tranh". Ngôi làng được xây dựng năm 1131 đời Nam Tống với hơn 800 năm lịch sử, tên cũ là "Hoằng thôn" (弘 hoằng nghĩa là mở rộng ra) sau vì kiêng húy "Hoằng Lịch" (弘曆) của Càn Long mới đổi là "Hoành" (宏). Nhìn từ trên cao xuống, ngôi làng trông như một con trâu đang nằm trên một vùng đất có núi và nước. Ngọn núi Lôi Cương gần đó là đầu con trâu, hai cây cổ thụ là hai sừng trâu, những ngôi nhà cổ sắp xếp trật tự dưới chân núi là mình trâu, bờ đê hình bán nguyệt giữa làng là dạ dày. Kênh rạch rộng 1 mét chạy dài hàng km quanh co các ngôi nhà để dẫn nước suối vào nhà giống như ruột trâu. Bốn cây cầu bắc qua suối là bốn móng của con trâu.                                                                                                                 
Hiện nay, thôn Hoành có khoảng 150 ngôi nhà cổ có niên đại từ đời nhà Minh-Thanh được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh, mỗi một ngôi nhà có một phong cách khác nhau. Một trong số đó là một bảo tàng trưng bày nhỏ.                       
(Theo Wikipedia)
Khi bạn bước lên cây cầu đá giữa hồ nhìn xung quanh mới thấy tuyệt vời của khung cảnh này. Hồ có bông sen, bông súng mọc dưới chần cầu còn xa xa là mặt nước phẳng một bên là bức tường trắng. Đi vào một cổng nhỏ thì một ngôi nhà cổ như một cái trường học mà khi vào trong tôi thật sự xúc động khi thấy một tấm bình phong cổ xưa trong có ghi toàn bộ "Chu Hy Gia Huấn" (朱熹家訓) mà đôi khi tôi có lấy mấy câu post lên cho các bạn đọc chơi. Theo cô gái hướng dẫn tại điểm tham quan và những tấm biển trên cổng thôn này của gia tộc họ Uông (汪) đã làm quan to trong triều Thanh nhiều đời vì bên trong còn để lại mấy cái kiệu rất đẹp và  nhà từ đường rất bề thế.


Ngay giữa thôn là một cái hồ nước hình bán nguyệt, bên trong còn rất nhiều căn nhà mà bây giờ phía trước cửa nhà đã trở thành hàng quán, đường đi quanh co nhưng lát đá và dọc theo con đường đó là hàng mương nước chảy trong veo, có cá nuôi trong đó, lúc đi ngang qua anh bạn cùng đoàn chỉ cho tôi phía bên dưới mương có một con lươn màu vàng đang ngo ngoe trong cái hang nhỏ.


Trưa nay chúng tôi được ăn trưa ở một nơi đặc biệt VIP, nơi đây chỉ có 2 bàn ăn của bọn tôi và được biết đây là phòng đọc sách của ông quan lớn họ Uông của thôn này cất lên trong một khu vườn, phía sau là rừng tre khoảng mấy trăm năm trước. Nói nghe xôm vậy chứ bên trong đã được gắn máy lạnh cho mát, sàn lót ván mới tinh. Bên ngoài khu vườn cũng có một cái đình và trong đình cũng có một bàn ăn nhưng không có máy lạnh. Ăn trưa xong chúng tôi tiếp tục tham quan những ngôi nhà khác, ngôi nhà nào cũng tương tự nhưng chỉ có những hoa văn trạm trổ trên các cây cột hay mái nhà hoặc những bức tranh, hoành phi treo bên trong là thuộc loại cổ xưa, di tích.


Hôm nay là ngày chót chúng tôi ở Hoàng Sơn, buổi xế trưa chúng tôi được đưa ra ga xe lửa Hoàng Sơn Bắc (黃山北) để xuống Vũ Di Sơn (武夷山) khởi hành lúc 15:36 giờ. Tôi đi Trung Quốc rất nhiều lần nhưng chỉ bằng máy bay, từ tỉnh này qua tỉnh nọ cũng bằng máy bay hoặc xe bus. Lần này tôi đề nghị đi thử bằng xe lửa tốc hành của Trung Quốc vì đã nghe qua, thấy nhiều nhưng chưa thử.


Dù chỉ là một ga nhỏ nhưng ga Hoàng Sơn Bắc cũng rất lớn và hiện đại với hơn 5 đường rầy và lúc nhập ga cũng được rà soát an ninh như đi ở phi trường. Vì có một vài bạn đồng hành đã đi rồi nên lúc chúng tôi được gọi nhập trạm, chúng tôi xếp ngay ở số cửa có ghi sẵn dưới đất. Lúc xe lửa đến, xe đậu lại và chính xác cửa lên ngay con số đó, vì thời gian không quá 10 phút cho lên xuống nên bọn tôi liệng các hành lý lên xe thật nhanh. Trên toa có số ghế chỗ ngồi y như trên máy bay nhưng chổ để hành lý rất ít, nếu xách tay có thể để ở ngăn bên trên đầu nhưng bọn chúng tôi mỗi người mang theo từ một tới hai cái va li lớn không chỗ để phải để ngay lối đi và lần này thì chúng tôi lại chất va li gần ngay cửa để lúc xuống thì tuôn xuống thật nhanh mới kịp giờ. Xe dừng lại ở nhiều trạm nhưng khi khởi hành lại thì chỉ mấy phút đã đạt gần 280-290 cây số giờ có lúc gần 300 trong khoảng đường dài, rất nhanh và rất êm không lắc. Trên xe mỗi toa có 2 cầu tiêu được quét dọn sạch sẽ, thỉnh thoảng có người đẩy xe bán nước hoặc thức ăn nhẹ, đôi lúc là anh bảo vệ an ninh đi qua lại và vệ sinh thì tuyệt đối tốt vì gần như mỗi toa đều có nhân viên quét dọn và hay qua lại thường xuyên.



Chúng tôi đến Vũ Di Sơn lúc gần 5 giờ chiều, ra trạm thật nhanh như kế hoạch nên mọi việc đều tốt không lo cho số hành lý quá nhiều. Trạm này có tên là Vũ Di Sơn Đông, trạm lớn hơn trạm Hoàng Sơn Bắc, có rất nhiều tuyến đường. Anh chàng dẫn tour mới đã đợi chúng tôi ngoài cổng với cái bảng K&R Travel trên tay. Anh chàng này hơi yểu điệu (không biết có cong cong không) nhưng rất hay cười, anh ta nói với chúng tôi lúc trên xe là kế hoạch hôm nay hơi thay đổi một chút vì tối nay trời tốt chúng tôi sẽ xem show biểu diễn trước thay cho tối mai vì ngày mai có thể có những con mưa nhẹ không thích hợp để xem show lộ thiên.



Chúng tôi về khách sạn nhận phòng, nghỉ một chút rồi đi ăn cơm tối và đi xem show. Mỗi lần qua Trung Quốc là lần nào cũng có đi xem biểu diễn. Toàn là những show đình đám rất hoành tráng của Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn, các show đều là sân khấu lộ thiên mà diễn viên có khi cả ngàn người cùng biểu diễn, ngồi xem hoa cả mắt vì không biết phải nhìn về phía nào. Lần này càng ngạc nhiên hơn với show "Ấn tượng Đại Hồng Bào" (印象大紅袍) vì show lộ thiên biểu diễn trên sàn quay 360 độ. Sàn quay không phải là sân khấu mà là chỗ ngồi của hơn 2000 khán giả sẽ quay từ từ thưởng thức biểu diễn liên tục của sân khấu vòng tròn. Một đêm xem đầy ấn tượng.

(còn tiếp)
LKH

Clip tham quan Hoành Thôn

Show "Ấn tượng Đại Hồng Bào"

No comments: