Wednesday, June 12, 2019

HỒ XUÂN HƯƠNG ĐI MỸ!

Sẽ ra sao khi thơ Hồ Xuân Hương được dịch sang tiếng Anh?

Hồ Xuân Hương đi Mỹ! Một tin không mới nhưng nhiều thú vị. Ai trong chúng ta chắc cũng đã từng đọc Hồ Xuân Hương (HXH) và cũng đã phải ngẩn ngơ, khâm phục thơ bà.


Thế rồi bỗng dưng bà khăn gói lên đường đến Mỹ. Hẳn đã không quên mang theo cái yếm thắm, chiếc võng điều, cái quạt nan… rất quen thuộc để đi “đấm xứ người”.

Và dĩ nhiên cũng đã không quên răn đe: “Này này chị bảo cho mà biết/Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”! Vậy mà có kẻ dám… mó, dám xông vào hang để bắt… hùm! Đó là nhà thơ John Balaban, người Mỹ, người đã dám dịch thơ HXH sang tiếng Anh: “Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương”, do Copper Canyon Press xuất bản, với 48 bài thơ được chọn lọc, in bằng cả ba thứ tiếng: tiếng Nôm, tiếng quốc ngữ (Việt) và tiếng Anh.


Nhà văn Lý Lan – đang sống ở Mỹ – đã có một bài viết: “Hồ Xuân Hương goes to the US” trên Women Poets nói rằng khi nghe thơ HXH được dịch sang tiếng Mỹ, nhà văn cũng lo lắm, mặc dù biết dịch giả John Balaban là một nhà thơ lớn, giỏi tiếng Việt. Bởi liệu làm sao mà người Mỹ có thể hiểu nổi thứ tiếng Việt kỳ diệu trong thơ HXH, liệu làm sao mà người Mỹ có thể hiểu bài thơ “Vịnh ốc nhồi” hay chỉ thấy có một con ốc trong đó? Và “Đèo ba dội” nữa, “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu” làm sao họ hiểu nổi hay chỉ thấy toàn đá và cây cối, rong rêu? Vậy hãy nghe chính dịch giả, John Balaban giải thích cách dịch HXH của ông.


Ông nói ông rất hiểu có một thứ “thơ đằng sau thơ” trong thơ HXH nên đã cố gắng dùng những tiếng “nhiều nghĩa” trong tiếng Anh để dịch thơ bà. Thế nhưng liệu ngôn ngữ Anh có kiểu “nói lái” như người Việt không? Chịu! Dịch giả đành phải chú thích dài dòng mà thôi. Do vậy làm sao có thể toát được cái thần, cái hồn của thơ HXH? Chẳng hạn khi dịch hai câu: “Thuyền từ cũng muốn về Tây trúc/Trái gió cho nên phải lộn lèo”, ông chỉ có thể dịch thành “My boat of compassion would have sailed to Paradise/If only bad winds hadn’t turned me around” thì đọc sao còn “chẳng cũng khoái ư” được nữa, sao còn là thơ HXH được nữa? John Balaban đành phải chú thích rằng thì là tiếng Việt có cách nói lái tài tình, hoán đổi dấu, đổi vần, nhờ đó đã làm cho từ mang một cái nghĩa mới.

Nhưng thế thì làm sao còn HXH? Nó trần trụi quá. Nó thô tục quá. Đọc HXH, ta không hề thấy cái cảm giác đó, cái trần trụi, cái thô tục đó! Cuối cùng thì dịch giả đành phải “khuyến cáo” người đọc khi đọc thơ nữ sĩ nên đọc theo kiểu “paramita” (đáo bỉ ngạn), nghĩa là đọc bờ bên này mà hiểu bờ bên kia thôi vậy! Chuyện quả là không dễ chút nào!


Tôi đang lo rồi đây, sau HXH, liệu rằng có một hôm đẹp trời nào đó, Bùi Giáng lại khăn gói lên đường sang Mỹ nữa chăng? Dám lắm chứ! Và lúc đó chúng ta hẳn coi làm thế nào mà người ta dịch Bùi Giáng, tác giả của Mưa nguồn, của Lá hoa cồn v.v… “Mộng đi đi khắp lá cồn/Tồn lai mộng trở lại nguồn đầu tiên”. Thậm chí những câu như “Mình ôi! ta gọi là nhà/Nhà ôi! ta gọi mình là nhà tôi”… (Bùi Giáng) thì cũng không dễ mà lột được cái thứ tiếng Việt này của Bùi Giáng? Nhưng sao lại nói chuyện này ở đây?

Số là mới đây tôi có dịp về một vùng quê sông nước trong chương trình Sức khỏe cộng đồng để bàn thảo về vấn đề môi trường, vấn đề giải quyết cầu tiêu trên sông rạch, trên ao cá. Một bác nông dân nói: lúc này về đây mấy thầy hết thấy trâu đi cày và gấu đi cày nữa rồi! Tôi hết sức kinh ngạc. Đã đành lúc này người ta sử dụng máy cày thay trâu nhiều rồi nên ít thấy trâu đi cày, chớ còn gấu đi cày thì chưa nghe thấy bao giờ!


Không lẽ vùng này người ta nuôi gấu đi cày thiệt? Mọi người cười ồ. Một đồng nghiệp trẻ ở địa phương nói vào tai tôi: Thầy ơi, phải hiểu như người ta nói “Hương qua đèo” mới được! À, ra vậy! Trời đất ơi! Tiếng nước tôi! Thì ra phải nói lái lại thì mới hiểu. Mà phải phát âm chuẩn giọng Nam bộ nữa. “Trâu đi cày” thành “trâu đi cài” và “Gấu đi cày”…!

Thú vị là ở chỗ đó. Làm sao dịch được sang tiếng Anh cho mấy người bạn nước ngoài cùng nghe đây, hỡi nhà thơ John Balaban?

BS Đỗ Hồng Ngọc

No comments: