Wednesday, July 24, 2019

CHINA TOUR 2019: NGÀY 8: CỔ LÃNG TỰ (鼓浪嶼) - NAM PHỔ ĐÀ TỰ (南普陀寺)

Có lẽ các bạn thấy lạ trong cái tựa đề của bài này khi đọc qua 2 chữ "tự" phải không? Trong từ Hán Việt nó cùng một chữ viết nhưng có nghĩa khác nhau: một chữ tự (嶼) có nghĩa là một hòn đảo nhỏ và một chữ tự (寺) có nghĩa là cái chùa. Đây là 2 cảnh điễm chính mà tôi sẽ tham quan trong ngày hôm nay.


Chiều hôm qua chúng tôi đã xuống đến Hạ Môn và sau khi ăn tối về chúng tôi còn đi dạo chợ đêm trước khi về khách sạn nghỉ ngơi. Sáng nay chúng tôi thức sớm ăn sáng và xuống lobby của khách sạn chụp hình vì nó đẹp quá. Xe đã đến, lên xe tôi hỏi bà xã hôm nay mình đi đâu thì bà xã cho biết sẽ ra đảo có tên là Cổ Lãng Tự, tôi cũng không để ý lắm. Khi đến bến tàu Hạ Môn vào bên trong, anh dẫn đoàn dặn chúng tôi đứng chờ và anh chạy đi lấy vé. Bên trong bến tàu này qua đông, từng đoàn du lịch này vào đến đoàn khác. Sau khi lấy vé, chúng tôi đi vào bên trong chờ vì còn sớm nên đi loanh quanh trong khu triển lãm của bến tàu. Có rất nhiều tranh vẽ, hình ảnh cũ, có một căn nhà nhỏ kiểu Âu châu bên trong có một cây đàn dương cầm mà rất nhiều người đứng chờ để chụp ảnh. Tôi cười nói với bà xã: sao mấy người thích chụp với cây đàn này. Bà xã tôi nói vì hòn đảo mình sắp đến còn được gọi là "Đảo Dương Cầm" hồi nãy trên xe anh dẫn đoàn có nói ngày xưa trên đảo có nhiều tòa đại sứ quán và gần như toàn người Âu chậu họ hay đàn dương cầm vang lên nên người ta mới gọi là "Đảo Dương Cầm". Tôi mới chợt nhớ ra mình đã từng đọc qua tài liệu và đã có post tài liêu về hòn đảo Piano này mấy năm trước. Hòn đảo đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới tháng 7 năm 2017.
Cổ Lãng Tự hay đảo Cổ Lãng là một hòn đảo nhỏ chỉ dành cho người đi bộ nằm ở ngoài khơi bờ biển Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc. Hòn đảo có diên tích khoảng 2 km², có dân số khoảng 20.000 dân, đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất Trung Quốc với khoảng 10 triệu du khách mỗi năm. Cổ Lãng Tự không chỉ cấm xe ô tô, mà còn cấm cả xe đạp. Phương tiện cho phép duy nhất là xe điện dịch vụ của Nhà nước.                                     
Khách du lịch có thể ra đảo bằng phà từ đảo Hạ Môn. Người dân địa phương đi phà nhanh mất khoảng 5 phút, chạy từ 7 giờ 10 đến 17 giờ 50 và cứ 20 phút có một chuyến. Còn du khách và những người không phải địa phương thì phải đi phà từ bến phà du lịch quốc tế đi mất 20 phút và chi phí là 35 tệ. Sau 18 giờ thì du khách có thể đi thuận lợi hơn khi có thể đi được phà nhanh. Dịch vụ đó hoạt động suốt đêm và cứ 20 phút một chuyến. Từ 18 giờ đến 0h thì sẽ mất 35 tệ, và từ 0h đến 7h sáng hôm sau sẽ là 40 tệ.                                                                 
Cổ Lãng Tự nổi tiếng với những bãi biển, các con đường quanh co và kiến ​​trúc đa dạng của nó. Nó được đánh giá xếp hạng là điểm du lịch hấp dẫn 5A (mức độ cao nhất của Trung Quốc) bởi Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) và đứng vị trí đầu bảng trong danh sách các danh lam thắng cảnh hấp dẫn của tỉnh Phúc Kiến.                                                                                                                       
Về mặt hành chính, hòn đảo hiện nay là Cổ Lãng Tự nhai đạo thuộc Tư Minh, thành phố Hạ Môn.                                                                                                 
Trong một khoảng thời gian, Cổ Lãng Tự là khu định cư quốc tế riêng biệt duy nhất tại Trung Quốc, ngoại trừ một khu định cư quốc tế ở Thượng Hải. Ngay sau khi Hạ Môn trở thành một cảng hiệp ước sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất và Điều ước Nam Kinh năm 1842, những người nước ngoài trên hòn đảo đã thành lập tổ chức không chính thức. Các cơ quan lãnh sự, nhà thờ, bệnh viện, trường học, trạm cảnh sát được xây dựng bởi những cộng đồng nước ngoài ở đây mang kiến ​​trúc theo phong cách thời kỳ Victoria. Năm 1942, hòn đảo bị chiếm đóng bởi Nhật Bản cho tới khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc năm 1945. Tiếng Phúc Kiến là phương ngữ được sử dụng trên đảo, cũng như tại Hạ Môn. (Theo Wikipedia)
Thật ra nếu nhìn thì thấy đảo không xa bờ là mấy nhưng khi lên tàu, nó chạy vòng quanh phải mất hơn nửa tiếng mới cập vào bến. Anh dẫn đoàn đã cho chúng tôi biết trước là phải chuẩn bị đôi chân thật khỏe vì mình phải đi bộ trên đảo hơn 2 tiếng. Đều bất ngờ nhất cho tôi là trên đảo trồng rất nhiều hoa phượng đỏ dọc theo lối đi, một số hoa phượng còn sót lại và nhiều là những trái phượng còn nhỏ treo lủng lẵng trên cây. Tôi thật sự xúc động vì đã lâu lắm, mấy chục năm rồi mới thấy lại hoa phượng đỏ.



Chúng tôi theo con đường lúc thì lên dốc lúc thì xuống dốc hai bên là những khu phố cổ, những tòa biệt thự cổ mà ngày xưa là các dinh thự của các đại sứ quán của khoảng 13 quốc gia đã trú đóng ở đây. Trong thời Mãn Thanh, trên đảo có nhiều tòa đại sứ quán nhất Trung Quốc, năm ngoái khi đi Thiên Tân, tôi được biết là ở đó có khoảng 5 tòa đại sứ nhưng không biết là thời kỳ đó có tòa đại sứ nào ở Bắc Kinh hay không.



Cũng giống như lúc ở Thiên Tân đi tham quan các khu di tích của Ý, đối với người Trung Quốc bản địa họ rất thích thú và chụp ảnh nhưng với chúng tôi thì đi xem thì xem nhưng không phải là một ấn tượng mạnh. Chúng tôi đi khu công viên vào viện bảo tàng Piano. Trong đó có rất nhiều đàn dương cầm mà cái nào cũng cả trăm tuổi và hình ảnh của các nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới. Ở trong khu triển làm này nhìn qua cửa sổ có thể thấy cảnh biển và khu công viên phía dưới thật đẹp và bức tượng thật lớn của Trịnh Thành Công trên một ghềnh đá cao nhìn ra biển.



Anh dẫn đoàn đưa chúng tôi vào một tiệm bán đồ lưu niệm và các loại bánh mức, hải sản khô. Ở đây được thử tự do và có người mời trà nước. Vậy là phải tốn chút tiền rồi đó, ai cũng mua một số đồ biển khô như hào khô, điệp khô...vì nghĩ là nó còn rất rẻ so với ở Úc. Lại tiếp tục đi, lúc đi qua ngôi giáo đường cũ có mấy cặp đôi đang chụp ảnh cưới, họ thích là đúng vì đây như một Âu châu thu nhỏ nếu như không biết trước chúng ta đang ở Trung Quốc. Trong những khu vực này cũng có rất nhiều tiệm bán quà, nhà hàng, có những quán nhỏ bán trái cây gọt sẵn ghim vào que tre như ở Việt Nam ngày trước, họ ghim từng xâu mận, ổi, xoài,..thấy thèm nhưng chẳng dám mua ăn.



Chúng tôi loanh quanh thì thấy trở ra bờ biển nhìn lại thì cũng gần 3 giờ trên đảo, vừa đến bến tàu thì cơn mưa ụp đến và càng lúc càng lớn, qua được bến kia bờ thì mưa như trút nước, quá lớn. Cũng phải cám ơn trời vì nếu mưa sớm hơn thì chúng tôi lại phải đội mưa ngắm cảnh như mấy ngày trước.


Hôm nay chúng tôi đi ăn trưa rất trể vì vợ chồng tôi và một cặp khác cùng đoàn khi lên bờ phải lục túi xách tìm áo mưa mặc nên bảo anh dẫn đoàn và những người khác ra ngoài đón xe trước. Lúc chúng tôi đi ra thì thấy cửa chánh nên đi thẳng. Mưa quá to, không thấy xe, mà cũng không thấy mấy người trong đoàn. Tìm không ra, chúng tôi phải đợi gần nửa tiếng mới thấy xe chạy đến, anh dẫn đoàn đội mưa chạy ra hỏi có sao không mà không thấy chúng tôi, họ đợi ở phía sau bên trong khu chờ đợi vì anh tài xế thấy mưa nên chạy xe vào bên trong, còn chúng tôi thì chạy ra bên ngoài vì tưởng xe ở cổng trước. Một sự nhầm lẫn đáng tiếc khiến mọi người phải cùng đợi.



Kỳ đi này như đã nói, chúng tôi phải đi bộ thật nhiều vì ngày nào cũng leo núi, dạo công viên hay phải tham quan các phố cổ. Ăn trưa xong là chúng tôi đến một khu phố cổ của Hạ Môn. Ở đây cái chính là khu ẩm thực và hàng lưu niệm. Các hàng quán bán đủ các thứ từ đồ biển, đến đồ nướng chiên và thức uống. Nhưng nói thưc nhìn thì nhìn nhưng mua ăn thì không dám, mưa thì vẫn rơi. Một ngày thật tệ, chúng tôi đi lòng vòng một hồi rồi trở lại bãi đậu xe. Trong đoàn có một gia đình vì không khỏe nên họ quyết định đón taxi về khách sạn chớ không theo chúng tôi tham quan một ngôi chùa cổ lớn nhất Hạ Môn và ăn chay ở đây vì chúng tôi đã đặt sẵn từ trước.



Xe chạy vòng về phía thành phố, cặp theo ven biển, chúng tôi xuống xe đi lên một con dốc để vào chùa Nam Phổ Đà. Phía trước cửa chùa nhìn ra vịnh và phía bên kia là một tòa nhà cao tầng mà người dẫn đoàn cho biết đó là đại học Hạ Môn, một trường đại học rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Chùa thật đẹp, uy nghi và như lời anh dẫn đoàn dặn, tôi không chụp ảnh và quay clip để tôn trọng nơi trang nghiêm này.



Bên trong chùa có tượng hộ pháp thật to, đài thờ Quan Âm, dọc 2 dãy hành lang có tượng 18 vị La Hán. Anh chàng dẫn đoàn của tụi tôi đi đến đấu là thuyết minh đến đó, có lẽ hay lắm hay sao mà mấy đoàn du lịch khác cứ bàm theo nghe anh ta nói nhưng có lẽ tôi tìm tài liệu để các bạn đọc cho rõ hơn:
Phật học viện Nam Phổ Đà                                                                                   
Chùa Nam Phổ Đà (Hạ Môn) là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của vùng Mân Nam, tọa lạc dưới chân núi Ngũ Lão, một danh sơn xứ Lộ Đảo, lưng tựa vào dãy núi Tú Kỳ, mặt hướng ra hải cảng Bích Trưng, phong cảnh thật hữu tình tú lệ. Chùa được xây dựng vào khoảng giữa thời gian năm Đại Trung, Hội Xương, đời Đường. Ban đầu có tên là Tứ Châu Tự (泗州寺).                                                 
Thời Ngũ Đại đến đầu đời Tống, bấy giờ từng có các bậc cao tăng đến đây dựng am tranh tu hành. Đến thời Minh Lý (?)chùa được mở rộng xây cất lầu các khang trang, hình thành quy mô ở bước đầu, vào đầu đời nhà Thanh được trùng tu và đổi tên là Nam Phổ Đà như ngày nay.                                                           
Năm 1942, Nam Phổ Đà được chuyển đổi từ một ngôi chùa địa phương thành ngôi Tòng lâm dành cho thập phương chúng tăng tới lui tu học. Năm sau đó, Phật Học Viện được thành lập tại đây. Từ đó, chư vị cao tăng thạc đức trong và ngoài nước thường đến hoằng dương Phật pháp (Sau này, vao năm 2004 Nam Phổ Đà cũng đã long trọng chào đón phái đoàn hoằng Pháp của Thiền sư Nhất Hạnh đến dạy thiền cho Tăng chúng cùng phật tử). Phật tử từ các nơi đều đến đây cầu kinh nghe pháp, ngôi già lam được một thời hưng thịnh, tiếng đồn vang xa.                                                                                                                           
Qua một thời gian điêu tàn theo chiến tranh, sau khi Tân Trung Quốc lập quốc, chùa lại được phục hưng. Hiện nay, điện đường lầu viện được xây dựng lại, nguy nga bề thế; lâm cung phạm vũ cũng được trùng tu, huy hoàng tráng lệ; chúng thường trụ đến số vài trăm, trang nghiêm phạm hạnh; Phật học viện Mân Nam được thành lập, giáo học tinh chuyên. Ngôi cổ sát được sống lại, pháp vận càng xương long, đạt đến thời thịnh thế của lịch sử; vượt cả sự rực rỡ của thời đại. (Nguồn: khuongviettu.com)
Sau đó chúng tôi được mời qua phòng ăn để ăn tối với các món chay. Nghe nói ở đây thường xuyên có tiệc chay nếu du khách đặt trước. Phòng ăn chúng tôi được trang trí thật tao nhã với các bức tranh họa thật đẹp, phòng chỉ có 2 bàn nhưng thật rộng. các thức ăn được đưa lên từng món. Có tất cả 10 món ăn thật ngon và thật đẹp. Tôi không thích ăn chay nhưng những món này không chê vào đâu được nó ngon lắm luôn và phía bên ngoài phòng ăn có rất nhiều ảnh và bài khen tặng của các tờ báo chuyên về ẩm thực. Tôi từng đi qua Hong Kong ăn chay ở một ngôi chùa dường như là Bửu Liên Tự ở Đại Nhỉ Sơn Hong Kong nhưng ở đây vẫn ngon hơn với cảm nhận của tôi, một người chưa thích ăn chay.



Trên đường về khách sạn, chị Hồng có thương lương được với người tài xế nên anh ta sẽ đưa chúng tôi đến khu Sim City là một trung tâm thương mãi lớn ở Hạ Môn. Nó quá lớn và có quá nhiều đồ để ngắm và để sắm. Chúng tôi ở đây đến hơn 10 giờ tối mới đón taxi mà trên tay ai cũng xách nhiều bao nặng tay nhưng nhẹ túi ra về.

(còn tiếp)
LKH


No comments: