Monday, November 25, 2019

PHẢN XẠ SEMMELWEIS

Nếu như sự bảo thủ là một lối suy nghĩ không chấp nhận cái mới đơn thuần chỉ vì danh dự và quan điểm của họ, thì đối với những người có phản xạ Semmelweis, họ không chấp nhận những cái mới không xuất phát từ danh dự và lối suy nghĩ của họ, mà nó xuất phát từ lòng đố kỵ. Họ không chịu chấp nhận những kiến thức mới khi những kiến thức mới ấy vì chúng khiến cho những quan niệm và kiến thức của họ trước đây không còn đúng.


Phản xạ Semmelweis

Trong những năm 1840, bệnh sốt hậu sản trở thành một hiểm họa trên khắp các bệnh viện châu Âu. Các bà mẹ sau khi sinh con được một thời gian ngắn thì lâm bệnh và qua đời. Đến năm 1847, cứ sáu bà mẹ sinh con thì có một người tử vong vì sốt hậu sản. Trước bối cảnh đó, có một bác sĩ người Hungary tên là Ignaz Philipp Semmelweis đã dành nhiều năm trời trong cuộc đời của mình để nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này. Nguyên nhân được ông tìm ra là do những bác sĩ phụ trách sinh sản không rửa tay kỹ trước khi thực hiện đỡ đẻ. Nhưng thời đó chưa có học thuyết về vi khuẩn nên ông không có nhiều lập luận khoa học để chứng minh cho nghiên cứu của mình. (Mời các bạn xem clip video phía dưới.)

Tuy nhiên, những phát hiện của ông không được những người trong giới y học chấp nhận. Ông bị mất việc và những ngày tháng cuối đời của ông phải sống trong nhà thương điên. Những bác sĩ tại nơi ông làm việc sợ rằng những nghiên cứu của ông sẽ làm mất danh dự của họ vì thời đó bác sĩ được coi là một tầng lớp cao quý trong xã hội. Họ không chấp nhận khi Semmelweis công bố rằng nguyên nhân của bệnh sốt hậu sản là do các bác sĩ rửa tay không kỹ, một điều làm ảnh hưởng đến danh dự của những người bác sĩ. Họ bác bỏ tất cả các thành quả của ông, hạ bệ ông và cuối cùng đưa ông vào trại tâm thần.

Mãi sau này, khi đã có các nghiên cứu và các học thuyết về vi khuẩn và bệnh dịch, người ta mới nhớ đến ông và công nhận thành quả của ông. Tên của ông được đặt cho trường đại học y danh tiếng ở Hungary, đại học Semmelweis. Người ta cũng thẳng thắng nhìn nhận lại những hành động sai trái đã đối xử với ông trước kia và đặt tên cho kiểu ứng xử ấy là Phản xạ Semmelweis (Semmelweis reflex).


Phản xạ Semmelweis hay hiệu ứng Semmelweis là một phép nói ẩn dụ để chỉ cho những hành vi xã hội theo xu hướng từ chối, thậm chí là chống lại những thông tin, những chuẩn mực hay những kiến thức mới khi những thứ ấy mâu thuẫn với những chuẩn mực, niềm tin hoặc định kiến đã có từ trước.

Những người có hành vi Semmelweis không chỉ không chấp nhận những cái mới, họ còn tìm cách hạ bệ và tiêu diệt những thứ ấy. Nếu như sự bảo thủ là một lối suy nghĩ không chấp nhận cái mới đơn thuần chỉ vì danh dự và quan điểm của họ, thì đối với những người có phản xạ Semmelweis, họ không chấp nhận những cái mới không xuất phát từ danh dự và lối suy nghĩ của họ, mà nó xuất phát từ lòng đố kỵ. Họ không chịu chấp nhận những kiến thức mới khi những kiến thức mới ấy vì chúng khiến cho những quan niệm và kiến thức của họ trước đây không còn đúng. Điều này có thể ảnh hưởng đến danh dự và sự nghiệp của họ, cho nên họ luôn tìm cách chối bỏ hoặc tiêu diệt những cái mới ấy để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong lịch sử đã từng có rất nhiều câu chuyện về những người ứng xử theo kiểu phản xạ Semmelweis. Galileo Galilei (Ga-li-lê), người đã đưa ra thuyết nhật tâm đã bị giáo hội công giáo Roma bắc buộc ông phải từ bỏ lập luận của mình và quản thúc ông tại gia cho đến cuối đời. Họ chối bỏ thuyết nhật tâm vì nó đi ngược lại với thuyết địa tâm vốn đã thống trị từ thời Aristoteles và nó trái ngược với cách giải nghĩa của kinh thánh đương thời.


Phản xạ Semmelweis là một hành vi ngụy biện để chối bỏ việc những kiến thức, chuẩn mực, đức tin của họ được người khác cho là sai trái. Họ chối bỏ chúng một cách ngang ngược mà không có dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm của mình. Khi những người chống lại một kiến thức mới ấy theo kiểu hành vi Semmelweis, kiến thức ấy sẽ trở thành điều hiển nhiên và người đưa ra những kiến thức tiến bộ kia bị coi là sai trái. Đây là điều vô cùng tồi tệ vì nó kìm hãm sự phát triển của loài người. Người ta bị số đông áp đảo theo kiến thức không còn đúng kia và không có cơ hội được tiếp xúc với những cái đúng đắn.

Điều này còn xảy ra ở ngay cả trong lĩnh vực chính trị. Khi một chính quyền với chế độ đi ngược lại sự phát triển của loài người, những phát kiến giúp đất nước phát triển sẽ bị coi là sai trái. Những người dám chỉ ra những cái sai của họ sẽ bị quy chụp là chống đối, phản quốc và sẽ bị hạ bệ với nhiều lý do khác nhau. Số đông người dân đã được nhồi não bằng những kiến thức hạn hẹp cũng sẽ hùa nhau mà quy chụp cho cái mới và đúng đắn kia. Người ta vẫn thường có một câu nói vui rằng:

"Khi tất cả mọi người đều khỏa thân, kẻ mặc quần áo là kẻ biến thái"

Hành vi phản xạ Semmelweis còn hiện hữu trong rất nhiều lĩnh vực trong đời sống. Một em học sinh phát hiện ra một phương pháp giải bài mới sẽ bị giáo viên chối bỏ phương pháp ấy và cho là sai chỉ vì nó tiến bộ hơn phương pháp mà thầy cô đó đã dạy từ trước đến giờ. Một bài văn được viết theo một phong cách mới dù hay nhưng vẫn bị điểm kém vì nó khác với phương pháp mà thầy cô đã dạy cho họ. Hay dễ nhận thấy nhất là khi giáo viên được học sinh nhắc khi vô tình giảng bài sai, không những không đón nhận ý kiến ấy mà giáo viên còn vùi dập học sinh với lý do rằng em học sinh ấy muốn công kích họ.


Có những phát kiến mãi mấy chục năm sau mới được đón nhận vì chúng bị chôn vùi bởi những kẻ chống đối bằng lối phản xạ Semmelweis. Nhưng cũng có những phát kiến mãi mãi đến bây giờ vẫn chưa được đón nhận và đã bị chôn vùi cùng với một phần lịch sử đã bị lãng quên. Đôi khi cái đúng chưa chắc sẽ thắng, bởi sau cùng, chân lý chính là kẻ chiến thắng. Cái đúng dù cho đúng tới đâu, nhưng nó quá ít và nó bị triệt tiêu thì nghiễm nhiên cũng sẽ trở thành cái sai trái.

Theo Incep.net


No comments: