Sunday, January 19, 2020

CUỐI NĂM ĂN THỊT VỊT XẢ XUI

Tổng kết cuối năm bằng thịt vịt: Vừa xả xui, vừa tốt cho dạ dày

Nhiều người quan niệm ăn thịt vịt đầu tháng hay đầu năm sẽ đem đến điều không may mắn nhưng không phải ai cũng biết đây là món ăn tốt sức khỏe.

Thịt vịt là món ăn ngon và tốt cho sức khỏe.

Trong khi giá thịt lợn đang leo thang, thậm chí còn cao hơn cả giá bò thì mọi người đi tìm những loại thực phẩm khác thay thế. Và một trong số đó có thịt vịt, không chỉ giá cả hợp lý mà còn ngon bổ bất ngờ.

Chứa nhiều khoáng chất, tốt cho dạ dày và hệ thần kinh

Theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ công tác tại Bộ Y tế, trong 100 g thịt vịt thì có đến 25 g protein, 201 calo và các dinh dưỡng như canxi, lipit, protit, phospho, kẽm, magie, đồng, vitamin B, A, E, K,... Không chỉ có vậy thịt vịt còn là thực phẩm tốt cho dạ dày tiết dịch mới và bổ dưỡng với hệ thần kinh.
 
Thịt vịt chứa nhiều vitamin và khoáng chất.

Trong sách Nhật dụng bản thảo của Trung Quốc chia sẻ: “Vịt bổ phần âm của ngũ tạng, máu, dạ dày, giải nhiệt, làm hết giật mình, kinh sợ, giúp nuôi dưỡng dạ dày, sinh tân dịch, trấn định tâm thần.”

Như vậy không chỉ ngon mà thịt vịt còn rất bổ dưỡng, giải nhiệt cơ thể, tốt cho dạ dày và cả hệ thần kinh.

Thế nhưng theo quan niệm, nhiều người đầu tháng vẫn tránh thịt vịt như tránh tà vì sợ vận đen đeo bám. Vậy mà đến cuối tháng món ăn này lại đắt khách với lý do: thịt vịt giải vận đen, đánh bay xui xẻo.

Những người cần kiêng thịt vịt

Tuy nhiên đối với những người mới phẫu thuật, bác sĩ Hoàng Xuân Đại cho biết không nên ăn thịt vịt. Bởi chúng có vị tanh, tính hàn nên sau khi phẫu thuật ăn thịt vịt có thể khiến vết mổ sưng tấy, khó lành thậm chí mưng mủ.

Đối với người bị bệnh gout cũng nên tạm biệt với món thịt này bởi trong thịt vịt có hàm lượng purin cao, làm tăng axit uric trong cơ thể.
 
Nhưng không phải ai cũng ăn được thịt vịt.

Những điều cấm kỵ khi ăn thịt vịt

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay bạn không nên ăn thịt vịt cùng thịt ba ba.

Khi ăn kết hợp 2 loại thực phẩm này khiến hàm lượng dinh dưỡng của chúng giảm đi. Thịt ba ba có vị ngọt còn thịt vịt có tính mát. Khi ăn chung có thể gây tiêu chảy.

Một loại thực phẩm khác là mận khi ăn chung cùng thịt vịt có thể gây ra nóng ruột. Bên cạnh đó nhiều người cho rằng không được ăn thịt vịt với đậu đỏ.

Tuy nhiên đây là quan niệm sai vì theo lương y Đinh Công Bảy, Hội Dược liệu TP.HCM thì thịt vịt nấu đậu đỏ là bài thuốc xưa, có tác dụng chữa thiếu máu.

Công thức gồm 1kg thịt vịt, 50g đậu đỏ, 100g lạc, 30g vỏ bí đao, như vậy bạn đã có nồi canh bổ dưỡng thơm ngon.

Khi chế biến thịt vịt cần lựa chọn các gia vị cẩn thận để tránh làm mất đi giá trị dinh dưỡng của thịt.
Thịt vịt không hề khiến bạn trở nên may mắn hay đen đủi hơn nhưng chắc chắn chúng là thực phẩm bổ dưỡng, nếu bạn biết cách sử dụng và chế biến đúng.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: