Monday, January 13, 2020

ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG (鳥盡弓藏)


"Điểu tận cung tàng" nghĩa là: khi chim đã chết thì người ta vác cung đi một nơi mà không dùng đến nữa. Nguyên câu Hán văn: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong". Nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết".

Nguyên đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), nước Việt và nước Ngô giao tranh. Vua Ngô là Phù Sai thất bại. Thế cùng lực tận và bị bao vây bức bách quá, định xin hàng. Phù Sai biết có hai bề tôi có uy quyền của Việt Vương Câu Tiễn là Tướng Quốc Phạm Lãi và Đại Phu Văn Chủng, nên viết một bức thư, buộc vào mũi tên, bắn vào thành Việt, mong hai người tâu giúp vua Việt cho hàng. Quân Việt lượm được đệ trình lên Phạm Lãi và Văn Chủng. Thư ấy nói:

"Tôi nghe giảo thỏ chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn. Sao quan Đại Phu không lưu cho nước Ngô tôi còn lại một chút để làm cái dư địa sau này".


Nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng không cho hàng. Cuối cùng Phù Sai tự tử.

Việt Vương Câu Tiễn chiếm được nước Ngô, bày tiệc rượu trên Văn Đài nước Ngô. Các quan vui say đánh chén nhưng Câu Tiễn lại có vẻ không vui. Phạm Lãi biết ý nhà vua không muốn nói đến công của kẻ hầu hạ đã diệt được Ngô mà lòng vua lại mang mối nghi kỵ, nên xin từ quan trí sĩ.

Nhưng trước khi bỏ nước đi du Ngũ Hồ, Phạm Lãi có viết thư gởi cho bạn là Văn Chủng. Thư nói: "Vua Ngô có nói: "Giảo thỏ đã chết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng chẳng còn". Ngài không nhớ hay sao! Vua Việt môi dài mỏ quạ là người nhẫn nhục mà ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, chớ cùng ở lúc an lạc thì không toàn, nay ngài không đi ắt có tai vạ".

Văn Chủng xem thư phàn nàn Phạm Lãi, cho họ Phạm xử như thế là khí quá!

Quả thực như lời Phạm Lãi nói. Câu Tiễn không chia cho các quan một thước đất nào, lại có ý khinh dể công thần. Văn Chủng buồn bã, cáo ốm không vào triều. Câu Tiễn vốn biết tài của Văn Chủng, nghĩ thầm: Ngô đã diệt, còn dùng hắn chi nữa, một khi hắn làm loạn thì sao trị nổi, nên muốn trừ đi.


Một hôm, Câu Tiễn đến thăm bịnh Văn Chủng, bảo:

- Ta nghe người chí sĩ không lo cái thân mình chết mà lo cái đạo mình không được thực hành. Nhà ngươi có 7 thuật, ta mới thi hành có 3 mà Ngô đã diệt, còn thừa 4 thuật, nhà ngươi định dùng làm gì?

Văn Chủng đáp:

- Tôi cũng không biết dùng làm gì cho được!

Câu Tiễn nói:

- Xin nhà ngươi đem 4 thuật ấy mà mưu hộ cho tiền nhân nước Ngô ở dưới âm phủ, phỏng có nên chăng?

Nói xong, lên xe đi về, bỏ thanh kiếm đeo tại chỗ ngồi. Văn Chủng cầm lấy xem thấy vỏ kiếm có đề chữ Chúc Lâu, là thanh kiếm của Phù Sai đưa cho Ngũ Viên tự tử khi trước. Văn Chủng ngửa mặt lên trời than: "Cổ nhân có nói "Ơn to thì không báo nữa", ta không nghe lời Thiếu Bá đến nỗi bị giết, chẳng cũng ngu lắm ru!"

Văn Chủng nói xong, cầm kiếm tự tử.

Lời nói: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong" được nhiều người về sau nhắc lại.

Đời Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Hàn Tín,người đất Hoài Âm phò Hán Lưu Bang, có tài cầm quân nên diệt Triệu, phá Ngụy, thắng Sở, làm cho Sở Bá Vương Hạng Võ phải bức tử ở Ô Giang. Hán Lưu Bang thấy tài của Hàn Tín quán thế thiên hạ và Tín có ý cậy công nên nghi Tín làm phản, lòng toan mưu mẹo chờ dịp giết Tín.


Khoái Triệt là tướng tâm phúc của Hàn Tín có khuyên: "Tôi lo thầm cho túc hạ, vì thấy túc hạ chắc rằng Hán Vương chẳng hại thì là lầm lắm: Hễ thú rừng hết thì ắt làm thịt chó săn, túc hạ phải lo cho xa mới được. Vả lại, dõng lược mà rúng chúa, thì mình khốn, công trùm thiên hạ lại chẳng được thưởng. Nay túc hạ mang cái oai rúng chúa, cầm cái công chẳng thưởng mà muốn cho được an thân sao?"

Hàn Tín cho là phải nhưng không nghe theo để đề phòng. Sau Hàn Tín bị vua lừa bắt tại Vân Mộng, kết án mưu phản, toan đem xử tử. Hàn Tín thở dài, than:

- Chim rừng hết thì cung ná quăng, chồn thỏ hết thì chó săn chết, nước giặc phá thì mưu thần mất, nay thiên hạ định thì tôi phải chết.

May nhờ trung thần là Đại Phu Điền Khẳn can gián nhà vua nên Tín được tha, nhưng bị tước hết binh quyền. Tuy vậy, cuối cùng, Tín bị vợ của Hán Vương là Lữ Hậu tên Lữ Trỉ âm mưu dụ bắt Hàn Tín và xử tử tại Vị Ương Cung.

Người đời sau có làm hai bài thơ tứ tuyệt tiếc Hàn Tín. Trong đó có những câu:

Mươi năm chinh chiến công lao nặng,
Một phút phủi rồi uổng xiết chi.


Và:

Chim hết ná quăng đà chẳng biết,
Hoài âm sao chẳng sớm lo âu.


Ở nước Việt Nam đời nhà Nguyễn (1802-1945), vua Gia Long Nguyễn Ánh sau khi thống nhất đất nước lại có ý nghi kỵ các công thần có tài cán lật đổ ngai vàng của mình, nên tìm dịp để giết hại. Nguyễn Văn Thành có tài thao lược đã theo phò Gia Long từ lúc còn nhỏ, lận đận lao đao với nhà vua, cũng như Đặng Trần Thường có tài văn học, trốn Tây Sơn vào Gia Định giúp vua, thế mà cả hai ông đều bị xử tử vì những lỗi tầm thường.

Tương truyền Đặng Trần Thường khi còn bị giam trong ngục, có làm bài "Hàn Vương tôn phú" bằng quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời Hán.

Sử gia Việt Nam, Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược", chép về đoạn này có viết: "...chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong rồi, ngài không bảo toàn cho những công thần, mà lại những chuyện nhỏ nhặt đem giết hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem đến những chuyện ấy cũng nhớ đến vua Hán Cao, và lại thở dài mà thương tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh về đời áp chế ngày xưa".


Ngày xưa, phần đông nhà vua nào cũng thế, chớ riêng gì vua Gia Long. Ngày nay cũng vậy thôi, mới có câu thành ngữ: "Được chim bẻ ná, được cá quăng nơm" để chỉ sự phản bội của nhà vua mà cũng là sự phản bội của những người đối với kẻ giúp mình được lập nên thân thế, địa vị.

Nguồn: maxreading

No comments: