Saturday, February 15, 2020

CHỦ CHỢ CÂU LÃNH

Nếu từ trước đến nay nếu nghe 2 tiếng "chủ chợ" , tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà sẽ có rất nhiều người nghĩ ngay đến chủ chợ Bình Tây, ông Quách Đàm, người có công xây chợ mà cho đến nay vẫn được mọi người nhắc nhở và hương khói cho ông trong khuông viên chợ Bình Tây.

Hôm nay thấy có một clip mới của "Vân Sơn Du Ký-Tập 15" về tỉnh Đồng Tháp nên xem, trong clip này anh có giới thiệu về vợ chồng ông chủ chợ Câu Lãnh, được người dân lập nên một đền thờ thật lớn. Tôi rất ngac nhiên vì là lần đầu mới biết về chuyện này nên tìm ngay tài liệu để share lại cho những người bạn nào chưa biết như tôi. (LKH)




Về “chợ Câu Lãnh” nghe kể chuyện xưa

Nếu ai có dịp về chợ thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) mà hỏi đến câu chuyện mang tính huyền thoại, tâm linh nhưng cũng giàu tính nhân văn của đôi vợ chồng đã hy sinh để mang lại sự sống cho nhiều người dân nơi đây thì ai ai cũng tường tận.

Người làm nghề kinh doanh mua bán lại càng tin, càng “ngưỡng mộ” hơn vì họ luôn tin rằng sự buôn may, bán đắt, gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt chính là nhờ sự phù hộ độ trì của vợ chồng ông Đỗ Công Tường. Người dân quanh vùng này quen gọi họ là vợ chồng ông chủ chợ Câu Lãnh.


Bà Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ phường Mỹ Phú, thành phố (TP) Cao Lãnh), làm nghề kinh doanh mặt hàng kim khí - điện máy tại chợ này đã ba mươi năm, cho biết: “Ông bà chủ chợ rất linh ứng, luôn phù hộ cho bà con mua bán khỏe mạnh, làm ăn tấn tài, tấn lộc, nên tụi tui thường xuyên đến đây thắp hương, khấn nguyện…”.

Chuyện kể rằng: Thuở xưa khu vực chợ này hoang sơ, vắng vẻ. Khoảng năm 1810, trong đoàn người từ miền Trung vào đây lập nghiệp, có ông bà Đỗ Công Tường, tên thường gọi là Lãnh. Nhờ chí thú làm ăn, kinh tế ông bà ngày một khấm khá. Ông bà lập được một vườn quýt rất lớn tạo nơi thuận tiện mua bán trao đổi, lâu ngày thành một chợ nhỏ ngày càng sung túc.

Do tính tình hiền lành, nhân hậu, thường giúp đỡ kẻ hoạn nạn, khuyên bảo mọi người ăn ở ngay thẳng, nên ông được dân cử giữ chức câu đương, lo phân xử những vụ tranh chấp trong làng. Do đó, chợ đổi tên là chợ Ông Câu.
 

Năm Canh Thìn (1820), vùng này xảy ra bệnh dịch tả rất nghiêm trọng làm nhiều người chết. Nhiều bô lão cho rằng do bị trời quở phạt. Thương nhân dân, ông bà bèn lập bàn thờ giữa chợ ông Câu van vái và xin thế mạng cả hai để người dân khỏi bệnh. Rất lạ lùng là sau khi lập đàn trời cầu nguyện cho dân tai qua nạn khỏi từ ngày mùng 6 - mùng 8, tới sáng ngày mùng 9 thì bà bỗng lâm bệnh, đến tối thì qua đời. Đang lo tang lễ cho bà, thì ông phát bệnh qua đời. Qua ngày hôm sau thì mọi người dân bỗng nhiên khỏi bệnh. Tưởng nhớ công ơn và sự hy sinh đó, người dân cùng nhau dựng ngôi miếu thờ ông bà bên rạch Thầy Khâm gọi là miếu Ông Bà Chủ Chợ. Từ đó, chợ Ông Câu được gọi là chợ Câu Lãnh, lâu ngày nói trại thành Cao Lãnh. Hiện nay tỉnh Đồng Tháp có hai đơn vị hành chính cùng tên là huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh.

Đền thờ vợ chồng ông bà Câu Lãnh, nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: Phan Thị Anh Thư).

Giai thoại thứ hai về vợ chồng ông bà chủ chợ là những năm đầu thế kỷ 20, một số cư dân từ miền Bắc và miền Trung vào đây làm ăn sinh sống bỗng nhiên bị bệnh lạ phát sinh. Nghe đồn về sự linh ứng của ông bà chủ chợ nên họ đến đây thắp hương cầu nguyện. Bất ngờ xảy đến: Tất cả bệnh nhân bỗng nhiên khỏi bệnh.Từ đó họ thành lập Hội cúng tế để cúng bái, duy tu, bão dưỡng, xây dựng đền khang trang cho đến ngày nay.

Năm 1936, vua Bảo Đại sắc phong cho ông bà là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”. Từ đó miếu ngày càng được trùng tu, mở rộng.

Ngôi đền hiện nay nằm tại trung tâm thành phố, có không gian rộng lớn nên rất thuận tiện cho mọi người đến viếng thăm, cúng bái. Phía trước cổng có tượng của bốn con sư tử đặt ở hai bên cổng. Ở mỗi cửa của cổng tam quan đều có mái nóc, trên có lợp ngói, được trang trí nhiều họa tiết, nổi bật với hai gam màu vàng và đỏ. Sau cổng là một khoảng sân hơi hẹp có nhiều cây kiểng quý như: Mai vàng, mai chiếu thủy, thiên tuế. Đền thờ gồm có một nhà chính và một nhà phụ. Ngay cửa chính của đền thờ là một tấm bia bằng kim loại ghi công tích của ông bà.

Tượng thờ ông bà Đỗ Công Tường (Câu Lãnh) ở trong đền thờ. 

Chánh điện chia thành nhiều gian, mỗi gian có một trang thờ riêng, thờ các vị thần khác nhau, như gian thờ Quan Thánh Đế, gian thờ Khổng Tử và có cả gian thờ Thành hoàng của đình thần Đình Trung. Phía sau cùng là gian chính điện, nơi thờ ông bà. Năm 2012, xây mới công trình Đền thờ ông bà chủ chợ Câu Lãnh khởi công và năm 2014 hoàn thành với kinh phí hơn 12 tỉ đồng, trong đó, riêng hai tượng đồng của ông bà Đỗ Công Tường cao 1,8 mét, trị giá hơn 500 triệu đồng. Tất cả kinh phí đều do nhân dân đóng góp. Mỗi năm, ngày lễ giỗ ông bà được tổ chức từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 6 âm lịch.

Lăng mộ ông bà Đỗ Công Tường ngày nay được trùng tu đẹp đẽ

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 20/4/2001, gắn với một giai thoại về nhân nghĩa ở đời của đôi vợ chồng nhân đức, sống vì mọi người.

Phan Thị Anh Thư


No comments: