Tuesday, March 31, 2020

TRẦM MẶC MỘC THÁP CHIỀU MƯA CÔ LIÊU

Gió mưa tơi bời. Tháp xưa u tịch. Leo lên tháp cao dõi tìm Hằng Sơn nhưng có gì đâu ngoài màn nước trắng trời. Trong gió mưa vần vũ, ngỡ như vẳng tiếng vó ngựa chàng Tiêu Phong xưa vọng về…


Chùa Huyền Không trên núi Hằng Sơn, ngọn núi được nhiều người biết đến trong tưởng tượng qua Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Ảnh: TL

Tôi xuống Đại Đồng bữa từ Mông Cổ về.Từ miền nắng trong veo, thảo nguyên khoáng đạt, chùng lòng với bên này trời xám xịt vần vũ mây. Đích đến chính là Vân Cương Thạch Động, Huyền Không Tự… danh tiếng, nhưng chưa đi vì “save the best for the last”. Không phải học đòi theo cao ý ông Obama khi trả lời phỏng vấn về chuyến thăm nước Việt trễ tràng, thường trên đường lang bạt tôi hay ghé mấy chỗ tiếng tăm sau cuối vì sợ sẽ ơ hờ với mấy nơi kém cạnh sắc hương – vì đã từng. Nên nhảy buýt đi Mộc Tháp trước, cũng không trông mong gì vì rất ít thông tin trên mạng.Để ngỡ ngàng, lần khân miết chốn xa ngái vắng tanh lạnh teo… mãi chẳng muốn rời.


Phút hiếm hoi nước ngưng đổ, Mộc Tháp chợt bừng sáng, với sự hỗ trợ của phướn cờ và đám cây lá mùa đông đang chuyển sắc.

Rủi xui chìm lỉm ở miền lắm danh thắng

Xa ngái miền Hoa Bắc giáp với Nội Mông, thành Đại Đồng (Datong), tỉnh Sơn Tây (Shanxi) ít người Việt biết tới lại khá nổi tiếng với các nhà khoa học, khảo cổ. Phố thị Bình Thành đã ra đời từ thời Hán, cuối thế kỷ 3 Tr.CN. Chiến bại lừng danh của Hán Cao Tổ trước người Hung Nô trong trận Bạch Đăng đi vào chính sử xảy ra ở chính Bình Thành trong năm 200 Tr.CN. Miền cửa ngõ có thành Vạn lý ngang qua, điểm dừng quan trọng các đoàn lữ hành trên cung thương mại Trung Nguyên – Mông Cổ, nhiều dấu ấn quan trọng văn hoá lịch sử được lưu giữ lại đây. Trong đó, Vân Cương với các kiệt tác cổ điển kiến trúc Phật giáo đã được xếp vào nhóm bốn hang động nổi tiếng nhất đất Trung Nguyên, bên cạnh Đôn Hoàng, Long Môn, Mạch Tích.

Ngoài danh động lừng lẫy, Đại Đồng còn kha khá địa danh nổi tiếng. Như núi Hằng cùng ngôi chùa treo cổ có thực Huyền Không Tự được Kim Dung thi vị hoá tài tình trong pho Tiếu ngạo giang hồ một thời khuấy đảo võ lâm… Ngay cả Mộc Tháp, dù ít được nghe nhưng bữa đó gió mưa bời bời tôi vẫn lần mò tìm tới chỉ vì tình cờ đọc biết người xây nên, Liêu Đạo Tông. Thoạt nghe lạ hoắc, nhưng khi biết đó là niên hiệu vị huynh đài kết nghĩa Gia Luật Hồng Cơ của chàng Tiêu Phong kiêu bạc người Khiết Đan, là lật đật dò đường đi nước bước. Hai chuyến xe buýt, một quãng dài lội bộ, mưa bay gió cuốn mù trời mới tới được với danh tháp trầm mặc vắng yên, mà có lẽ tôi là du khách duy nhất buổi chiều sũng ướt đó.


Một trong những danh động nổi tiếng của thành Đại Đồng. Ảnh: TL.

Trầm mặc tháp xưa bữa gió mưa mịt mù

Hơi trúc trắc khi tìm thông tin về Mộc Tháp (Muta) nguồn cơn từ việc chăm chăm dò guidebook, web tiếng Anh. Vì tháp chỉ là phần nhỏ của một ngôi chùa lớn nhưng tài liệu Anh ngữ lại ít đề cập.Tới khi biết được tên chùa, lại lớ ngớ tiếp vì đã mấy bận đổi tên. Lúc mới xây là Bảo Cung Tự, rồi đổi thành Phật Cung Tự… Còn tháp thì khi Mộc Tháp khi Thích Ca Tháp… Cả địa danh tháp toạ lạc.Dù dễ đến hơn từ Đại Đồng, tháp lại không thuộc Đại Đồng, mà thuộc về huyện Ứng, thành phố Sóc Châu.Rắc rối thiệt.

Lần mò, té ra tháp được nhắc kha khá trong sách vở Phật giáo Việt. Xây dựng năm 1056 thời nhà Liêu với tuyền thiết mộc, kiến trúc gỗ cổ xưa nhất, cao lớn nhất Trung Nguyên suốt thời gian dài này cho tới nay vẫn sừng sững là mô hình nhiều đền chùa phỏng theo, kể cả bên mình. Toà tháp bát giác thanh thoát nhìn thoáng chỉ thấy năm tầng do chỉ năm mái, nhưng thực tế đến chín tầng, cao 67,3m đã đứng vững qua nhiều trận động đất, có đợt kéo suốt bảy ngày, nhờ vào kết cấu đặc biệt của lớp cột trụ kép cả trong lẫn ngoài, với các rầm chia tán lực, giá đỡ… vừa chắc chắn vừa linh động. Là biểu tượng của sự kết hợp tài tình giữa kết cấu kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc, ngôi tháp gỗ cao lớn được làm mềm bởi chạm khắc, hoạ trổ chi li, xảo diệu. Không chỉ vậy, những pho tượng, bích hoạ tinh tế, đẹp đẽ bên trong càng tôn thêm giá trị cho bảo tháp. Nhất là pho tượng Thích ca Mâu ni cao 11m ở chánh điện tầng trệt, là lý do chùa được thay tên Phật Cung Tự, được phụ hoạ bởi nhiều chư Phật, Bồ tát, Phi thiên dáng thanh nhã nét cao quý…


Thú đau thương một chiều đông lạnh gió mưa giá rét, độc ẩm, độc thực chỉ những chén ly buốt ngọt vơi đầy là bạn đường.

Tôi rị mọ tới trúng bữa gió mưa tơi bời. Tháp ngàn năm tuổi đậm màu thời gian càng trầm mặc cô tịch. Một mình lang thang Phật Cung Tự thênh thang, leo lên Mộc Tháp mong thấy Hằng Sơn như đọc được, nhưng có gì đâu ngoài một màn nước trắng trời. Tụt xuống băng mưa qua quán vắng tanh độc ẩm, độc thực chờ ngơn ngớt nước để lội ra đường lớn đón buýt. Trong cái lạnh buốt cả trong lẫn ngoài – có công sức của mấy chai Thanh Đảo (Tsingtao) buốt ngọt, nhìn Mộc Tháp u tịch loáng thoáng bên kia màn mưa càng cô liêu. Trong tiếng gió mưa vần vũ, tưởng nghe đâu đây vó ngựa chàng Tiêu Phong cùng nghĩa huynh quốc vương nước Liêu xưa vọng thời gian về.Ra đi lòng khá bùi ngùi.Có còn duyên nào còn gặp lại nhau không Mộc Tháp?

Thái Hoãn

No comments: