Thursday, April 30, 2020

TRÊN ĐỜI NÀY, THỨ GÌ ĐÁNG SỢ NHẤT?

Trong cuộc sống đầy rẫy biến động, có biết bao nhiêu điều khiến con người cảm thấy bất an. Có khi nào bạn tự hỏi rằng điều gì làm mình lo sợ nhất chưa? Hãy đọc mẩu chuyện dưới đây, biết đâu bạn tìm được câu trả lời.


Tại một thiền quán trên đỉnh núi cao, cách khá xa thị trấn có một lão hòa thượng ẩn tu. Ông rất ít khi thu nhận đệ tử, chỉ nhận một tiểu hòa thượng bị cha mẹ bỏ rơi dưới chân núi từ lúc mới sinh ra.

Một hôm, lão hòa thượng quan sát thấy tiểu hòa thượng đang ngồi trầm tư, dường như suy nghĩ mông lung về một điều gì đó. Lão hòa thượng cất tiếng hỏi: “Con đang lo nghĩ điều gì mà nhìn vẻ mặt bất an như vậy?”.

Tiểu hoà thượng liền thưa: “Sư phụ, con đang nghĩ không biết con người sợ nhất điều gì vậy?”. “Con cho đó là điều gì?”, lão hoà thượng vừa cười vừa hỏi lại đệ tử.

– Sự cô đơn phải không ạ?

– Không đúng.

– Vậy thì là sự hiểu nhầm.

– Cũng không đúng.

– Tuyệt vọng.

– Chưa đúng.


Cứ như vậy, tiểu hoà thượng đưa ra hơn chục đáp án, nhưng lão hoà thượng đều chỉ lắc đầu. “Vậy thưa thầy đó là điều gì ạ?”, tiểu hoà thượng nóng lòng muốn biết đáp án. Lão hoà thượng từ tốn đáp: “Đó chính là bản thân con!”.

“Bản thân con?“, tiểu hoà thượng ngẩng đầu, mở to mắt dường như đã minh bạch ra điều gì đó, nhưng lại mơ hồ như không hiểu chuyện gì, nhìn sư phụ mong được điểm hoá.

Kẻ thù lớn nhất của con người không phải là người khác, mà chính là bản thân mình. (Ảnh: vi.wikipedia.org)

Lão hoà thượng cười đáp: “Kỳ thực tất cả những gì con vừa nói, cô đơn, hiểu nhầm, tuyệt vọng… tất cả đều là sự phản ánh thế giới nội tâm của con, đều là cảm giác trong lòng con. Con tự nói với chính mình: Những điều này thật đáng sợ, mình không thể chịu đựng được, như vậy chính là con đang thực sự sợ. Đồng thời, giả sử nói với bản thân mình: Không có gì đáng sợ cả, chỉ cần đối diện với nó một cách tích cực, mình sẽ chiến thắng tất cả. Vậy thì sẽ chẳng có gì đáng sợ nữa cả, hà tất phải khổ sở chấp nhất vào những huyễn tượng đó? Một người mà ngay cả bản thân mình cũng không sợ, vậy thì còn có điều gì đáng sợ hơn nữa? Cho nên, điều khiến con người sợ nhất không phải là những suy nghĩ kia mà là chính là bản thân mình”.

Tiểu hoà thượng nghe xong bừng ngộ. Hoá ra, tâm tịnh mưa cũng ngừng, tâm khởi thì bão bùng ùa đến.

Có lẽ chúng ta không thể cải biến kiếp nhân sinh, nhưng tối thiểu có thể cải biến nhân sinh quan của mình.

Có lẽ chúng ta không thể cải biến được hướng đi, nhưng tối thiểu có thể cải đổi được cánh buồm.

Có lẽ chúng ta không thể cải biến được những việc xung quanh, nhưng tối thiểu có thể cải biến được tâm thái của chính mình.

Kẻ thù lớn nhất của con người không phải là người khác, mà chính là bản thân mình. Chúng ta thường sợ hãi những điều chưa từng thực sự đối diện chúng. Nỗi sợ hãi ấy hình thành rồi bị thổi phồng lên chỉ thông qua tưởng tượng, qua sự ám ảnh nội tâm của mình mà thôi.


Khi Franklin D. Roosevelt nói rằng: “Nỗi sợ duy nhất mà chúng ta cần lo sợ chính là sợ chính nó”, có thể thấy nỗi sợ hãi mơ hồ đã khiến nhiều người chìm trong u tối. Ví như có rất nhiều người sợ ma quỷ, nhưng có một điều là những ma quỷ đó đều là tự bản thân họ suy nghĩ sinh ra.

Đánh bại chúng ta thường không phải là người khác, cũng chẳng phải hoàn cảnh, mà là trái tim mềm yếu của chính mình. Khi bạn tự mình vượt qua được bóng tối của sự sợ hãi, cả một bầu trời cơ hội mới sẽ mở rộng cửa chào đón bạn.

Yên Ba / Theo DKN

GẶP LÚC SA CƠ ĐỪNG BI LỤY, TRỜI SINH RA TA ẮT CÓ CHỖ ĐỂ DÙNG

Đời người như dòng sông, lúc êm đềm thư thái, lúc cuồn cuộn sóng gầm. Dù là ai đi chăng nữa, cuộc sống sẽ không bao giờ có được 3 ngày an ổn. Vậy nên, trong bất kể trong hoàn cảnh nào hãy cứ ung dung mà đối mặt.



Tây Lư đi du thuyết các vua nước chư hầu, qua sông chẳng may bị đắm thuyền. Người thuyền chài vớt ông lên, ôm bụng cười bảo: “Ông suýt chết đuối, cứu mình còn chẳng xong, tài gì mà đòi đi nói các vua chư hầu”.

Tây Lư đáp: “Hòn ngọc bích đem dệt cửi không tiện bằng hòn ngói. Hạt châu đem làm đạn bắn chim thì không tiện bằng viên đất. Ngựa kỳ ngựa ký, ngày chạy nghìn dặm, nhưng cho bắt chuột thì không nhanh bằng con mèo. Thanh gươm quý, đem mà khâu giày thì không tiện bằng cái dùi. Chú có tài lội nước, qua sông, vượt gió, nhưng nếu nay cho tiếp một ông vua chư hầu thì chắc mờ mịt, khác nào như quạ vào chuồng lợn”.

Quả thế. Mỗi người một tài, tuy nhất thời lâm vào hoạn nạn vì sở đoản, nhưng lại sẽ có ngày vinh quang bởi sở trường. Hà cớ phải thất vọng, bi quan.

Mãi đắm chìm trong thất bại, nhược điểm của bản thân, cũng như chăm chăm vào vết xước trên viên ngọc, mà quên mất rằng ta vốn là ngọc quý.

“Sông có khúc, người có lúc”, ấy là lẽ tự nhiên của đời người. (Ảnh: Nypost)

Trong một cái hồ nọ có một con ốc sên và một con ếch, cả hai cùng chung sống dưới một mái nhà nên thường xuyên gặp nhau. Nhưng cứ mỗi khi gặp ếch, ốc sên thường chẳng tỏ thái độ gì, có những lúc ếch chào mà ốc sên cũng chỉ ừ một tiếng cho xong chuyện rồi bỏ đi ngay, thái độ đó khiến cho ếch cảm thấy rất khó chịu.

Có một hôm, ếch đã không thể chịu đưng hơn được nữa, nó quyết định phải hỏi ốc sên cho ra nhẽ: “Này ốc sên, tôi có làm gì đắc tội với anh đâu, tại sao anh lại ghét tôi như vậy? Gặp tôi mà anh cứ coi như không thế?”.

Thấy ếch có thái độ rất thẳng thắn, ốc sên liền nói ra nỗi khổ của mình: “Họ hàng nhà ếch của anh ai cũng có bốn chân, có thể nhảy hết chỗ này tới chỗ nọ, trong khi đó tôi ngày nào cũng phải mang chiếc vỏ nặng trịch này, lê bước đi chậm chạp, cho nên trong lòng cảm thấy không vui”.
Ếch nghe thấy vậy mới nói rằng: “Ai cũng có cái khó riêng của mình. Anh chỉ nhìn thấy sự vui vẻ của chúng tôi, nhưng lại không hề nhìn thấy sự đau khổ của chúng tôi”.

“Các anh thì có gì là đau khổ chứ?”– Ốc sên hỏi ếch với vẻ hoài nghi.

Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng, mọi chuyện đến tận cùng rồi cũng êm xuôi, nếu chưa ổn thì chắc chắn chưa phải tận cùng. (Ảnh: Sohu)

Khi ốc muốn hỏi rõ nguyên nhân thì một con chim ưng từ trên cao đột nhiên lao xuống, ốc sên vội vàng cuộn vào trong vỏ của mình, chỉ thương cho con ếch là đã bị con chim ưng kia ăn mất. Ốc sên nhìn con chim ưng bay xa mà trong lòng cảm thấy hết sức đau xót.

Quả thực là, trời có khi nắng khi mưa, trăng có khi tròn khi khuyết. “Sông có khúc, người có lúc”, ấy là lẽ tự nhiên. Giữ tâm bình lặng trong sóng gió cuộc đời, một người nhìn thấu nguyên nhân của được – mất. Và hiểu ra, chỉ có một trái tim thuần tịnh, vị tha, dũng cảm mới là bảo vật quý giá nhất của đời người.

Tuệ Tâm

ẨM THỰC NGON & LÀNH: DAI VÀ MỀM

Thịt mềm thì dễ nhai, dễ cắt và dễ… nuốt. Thịt dai thì ngược lại, khó cắt khó nhai. Thịt mềm là phần thịt mà động vật ít hoạt đông. Lườn gà, thăn bò, thăn heo là thịt mềm.

Có nhiều cách làm mềm thịt khác nhau tùy loại collagen ở miếng thịt.

Thuỷ sản nói chung như tôm cá là thịt mềm, ngoại trừ mực, bạch tuộc vừa mềm lại vừa dai. Dai mềm là yếu tố lượng giá miếng thịt.

Thịt dai là do collagen

Collagen là protein có trong động vật.Từ lông tới da, từ xương tới thịt, từ gân sụn đến nội tạng… đều có collagen. Không có collagen thì những bộ phận này rã rời hết.

Có nhiều loại collagen khác nhau, thứ nhiều, loại ít trong mỗi bộ phận ăn được động vật, nên thịt mềm hơn gân sụn. Ngay trong thịt, lượng collagen cũng khác nhau. Thăn và lưng ít collagen hơn nên thịt mềm, thịt nơi nào con vật vận động nhiều như chân giò thì dai hơn.

Cũng có vài yếu tố khác ảnh hưởng tới độ mềm của thịt, như thớ thịt, lượng mô liên kết nhiều hay ít, rồi lượng mỡ trong thịt nữa, nhưng collagen là yếu tố quan trọng nhất.


Thịt nào mềm?

Thịt mềm theo “bản chất” (trước khi giết mổ) trước tiên tuỳ thuộc vào giống thịt. Cá, heo, bò, gà, dê cừu…) đều có độ mềm khác nhau. Cùng loại heo, nhưng thịt heo giống này mềm hơn thịt heo giống kia. Rồi thì con đực con cái, con non con già, thức ăn khác nhau… nên độ mềm thịt cũng khác. Chưa hết, thịt bò Mỹ, bò Úc cho độ mềm thịt khác với thịt bò Củ Chi.

Mức độ stress của con vật trước khi giết mổ, giết bằng đập búa, thọc tiết, gí điện… cũng ảnh hưởng tới độ mềm của thịt.

Nhưng quan trọng hơn cả, là loại thịt nào. Thịt thăn, thị sườn mềm vì bộ phận này ít cục cựa, nhưng ở phần thịt bắp và gân có collagen thuộc loại “dai bền”, vì đây là phần hoạt động của con vật, nếu không “dai bền” thì con vật dễ bị tổn thương.

Collagen chiếm 1 – 2% trong thịt thăn, nhưng cũng có thể tới 5 – 6% trong thịt bắp và gân.Các sợi cơ được bao bọc bởi một màng protein collagen, nhưng vấn đề là loại collagen nào, loại động vật nào (heo, bò, gà…), ăn thức ăn gia súc gì… sẽ có nhiều loại collagen với tỷ lệ khác nhau, và do đó ảnh hưởng tới độ dai mềm của thịt.


Làm mềm thịt

Làm mềm thịt (tenderizing) chủ yếu là làm “suy yếu” collagen để thịt mềm mại hơn, dễ nhai, dễ nuốt, dễ thưởng thức miếng thịt hơn. Cách làm mềm khác nhau tuỳ loại collagen có ở miếng thịt.

– Đập giập sơ miếng thịt bằng búa chuyên dụng hoặc bằng sống dao băm nhẹ thịt như mấy ông bán phở làm phở tái.Những tác động này làm giãn mô liên kết, làm thịt mềm.

– Hầm thịt (đun nhẹ lửa), làm một phần collagen chuyển thành gelatin, thịt sẽ mềm. Nếu dùng nhiệt quá cao, thịt lại dai vì nhiệt làm protein trở nên “rắn” hơn.

– Dùng enzyme để phân giải một phần collagen. Những enzyme này có trong đu đủ (papain), trái thơm (bromelain), trái kiwi (actinidin). Ướp thịt với một trong những trái cây này trước khi nấu.

– Tuỳ món ăn mà chọn giấm, nước cốt cam, chanh, táo, thậm chí với sữa chua ướp với thịt cũng làm mềm thịt được.


– Kiềm hoá thịt bằng cách ướp thịt với baking soda (bột nổi) hoặc hydrat hoá (hấp thu nước) thịt bằng cách ướp với phosphate cũng làm mềm thịt.

– Trữ thịt ở khoảng 2 độ C (nhiệt độ tủ lạnh) để thịt chín tới. Phương pháp này cần nhiều thời gian, từ vài ngày, có khi đến chục ngày tuỳ loại thịt.

Con vật khi còn sống, được cho ăn tử tế, thậm chí còn được nghe nhạc, massage (để khống chế lượng mỡ), đến khi vào lò ra thịt, còn bị nâng lên đập xuống tả tơi cho mềm thịt. Tất cả chỉ để phục vụ cho cái miệng của con người. Đời là bể khổ, nhưng con vật chắc chắn khổ hơn con người.

Vũ Thế Thành
Theo TGTT

Wednesday, April 29, 2020

CÓ MỘT LOẠI THẤT BẠI GỌI LÀ BẬN RỘN MÙ QUÁNG

Tại một ngôi chùa nơi khe núi có một lão thiền sư, ông có một đồ đệ rất chuyên cần, không kể đi hóa duyên, hay xuống bếp rửa rau, vị đồ đệ này từ sáng đến tối bận rộn không ngừng.


Nhưng trong tâm của tiểu đồ đệ rất mâu thuẫn và có chút bất mãn. Vành mắt của cậu càng ngày càng tối sạm.

Cuối cùng, cậu không thể chịu đựng thêm được nữa, đến tìm sư phụ. Cậu nói với lão thiền sư rằng: “Sư phụ, con thật sự quá mệt mỏi rồi nhưng cũng không thấy được thành tựu đâu cả, rốt cuộc là bởi nguyên nhân gì vậy?”.

Lão thiền sư trầm ngâm một lúc rồi nói: “Con hãy đem cái bát ngày thường con dùng để hóa duyên lại đây”.

Tiều đồ đệ liền đem cái bát ấy đến, lão thiền sư nói: “Tốt lắm, hãy để nó ở chỗ này, con hãy đi lấy mấy quả óc chó đến đựng đầy cái bát cho ta”.
Tiểu đồ đệ không rõ được dụng ý của sư phụ, ôm một đống quả óc chó đi vào. Khoảng chục quả óc chó này vừa đặt vào trong cái bát, toàn bộ cái bát đều đã đầy ắp cả.

Lão thiền sư hỏi tiểu đồ đệ: “Giờ con còn có thể cho thêm quả óc chó vào trong cái bát nữa không?”

“Không cho thêm được nữa, bát đã đầy rồi, nếu cho thêm nữa thì nó sẽ rơi ra ngay”.

“Ồ, bát đã đầy rồi phải không? Con hãy mang một chút gạo đến đây nữa”.


Tiểu đồ đệ lại mang một số gạo đến, cậu cho hạt gạo vào trong cái tô từ những khe hở của quả óc chó, không ngờ lại có thể cho được nhiều hạt gạo vào đến như vậy, cứ cho mãi cho đến khi bắt đầu rơi ra ngoài. Tiểu đồ đệ mới dừng lại, bất chợt giống như ngộ ra được điều gì đó: “Ồ, thì ra cái bát lúc nãy vẫn còn chưa đầy”.

Lão thiền sư: “Thế bây giờ đã đầy chưa?”.

Tiểu đồ đệ: “Bây giờ đã đầy rồi”.

Lão thiền sư: “Con hãy lấy một ít nước đến đây”.

Tiểu đồ đệ lại đi lấy nước, cậu lấy một gáo nước đổ vào trong cái bát, mãi cho đến khi nước trong bát tràn ra, lần này ngay đến cả khe hở cũng đều đã bị lấp đầy hết cả.

Lão thiền sư hỏi tiểu đồ đệ: “Lần này đã đầy chưa?”.

Tiểu đồ đệ nhìn thấy cái tô đã đầy rồi, nhưng lại không dám trả lời, cậu không biết liệu sư phụ có phải còn có thể cho thêm cái gì vào nữa hay không.


Lão thiền sư cười nói: “Con hãy đi lấy thêm một muỗng muối đến đây”.

Lão thiền sư lại cho muối tan vào trong bát nước, nước không có tràn ra chút nào. Tiểu đồ đệ như ngộ ra điều gì đó.

Lão thiền sư hỏi cậu: “Con nói xem điều này đã nói rõ gì nào?”

Tiểu hòa thượng nói: “Con biết rồi, điều này nói rõ thời gian chỉ cần ta biết khéo léo tận dụng thì luôn sẽ có đủ”.

Lão thiền sư lại cười, lắc đầu nói: “Đây vốn không phải điều ta muốn nói với con”.

Tiếp đó, lão thiền sư lại đổ những thứ trong cái bát kia vào trong một cái chậu, lấy ra một cái bát không. Hành động của lão thiền sư khá là chậm rãi, ông vừa đổ vừa nói: “Lúc nãy chúng ta cho quả óc chó vào trước, bây giờ chúng ta hãy làm ngược lại, xem thử sẽ thế nào?”.

Lão thiền sư cho một muỗng muối vào trong cái bát trước, rồi đổ nước vào, sau khi nước đầy rồi, thì vừa cho gạo vào trong cái bát, nước đã bắt đầu tràn ra ngoài, và khi trong chén đã đựng đầy gạo rồi, lão thiền sư hỏi tiểu đồ đệ rằng: “Con xem, bây giờ trong chén còn có thể cho quả óc cho vào được nữa không?”.

Lão thiền sư nói: “Nếu như sinh mệnh của con là một cái bát, khi trong cái bát toàn là những chuyện nhỏ nhặt giống như những hạt gạo này vậy, thì những quả óc chó đó của con làm sao có thể cho vào được đây?”.

Tiểu đồ đệ lúc này mới vỡ lẽ ra.

Nếu như bạn bôn ba cả ngày, vô cùng bận rộn, thế thì bạn hãy nghĩ thử: “Chúng ta làm sao mới có thể cho quả óc chó vào trong sinh mệnh trước đây? Nếu như sinh mệnh chỉ là một cái bát, lại nên làm thế nào để tách biệt quả óc chó và hạt gạo đây?”.


Chúng ta cần cho quả óc chó vào trong cái tô của sinh mệnh trước, nếu không cả một đời sẽ ở trong những chuyện nhỏ nhặt như hạt gạo, hạt mè, nước, thế thì ta không thể cho quả óc chó vào được nữa.

Bởi vì bận rộn mà bỏ lỡ những chuyện có ý nghĩa trọng đại đối với sinh mệnh, chính gọi là bận rộn một cách mù quáng. Bận rộn mù quáng có nghĩa là bạn đang đi đến thất bại, càng bận rộn càng nghèo khổ, càng nghèo khổ lại càng bận rộn!

Sinh mệnh là một cái chén không, nhưng nên cho cái gì vào trước? Cái gì mới là quả óc chó của bạn? Nếu như mỗi một người đều rõ ràng quả óc chó của mình là cái gì, thế thì cuộc sống đã đơn giản nhẹ nhàng hơn rồi.

Theo: ĐKN

BIỂU TƯỢNG CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA VÀ DÂN CHỦ CÓ TỪ ĐÂU?

Hình ảnh con lừa và con voi đã trở thành biểu tượng của đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ từ thế kỷ 19

Hai biểu tượng con lừa của Đảng Dân chủ và con voi của Đảng Cộng hòa đã hiện diện trên chính trường Mỹ từ thế kỷ 19. Biểu tượng con lừa của Đảng Dân chủ có nguồn gốc từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1828 của Andrew Jackson. Trong cuộc chạy đua đó, những đối thủ của Jackson gọi ông là “đồ con lừa” (Jackass). Tuy nhiên, thay vì chối bỏ tên gọi này, Jackson – vốn là một người hùng trong cuộc Chiến tranh năm 1812 và sau này là Nghị sỹ trong cả Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ – lại thấy thích thú với tên gọi đó và đã cho thêm hình ảnh con lừa vào những tấm áp phích tranh cử của mình. Jackson đã chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm John Quincy Adams và trở thành Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ đầu tiên của nước Mỹ. Trong những năm 1870, Thomas Nast, một họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa chính trị có ảnh hưởng lớn, đã giúp hình ảnh con lừa trở nên nổi tiếng như là biểu tượng của toàn Đảng Dân chủ.

Bức biếm họa mang tên “Sự hoảng loạn của nhiệm kỳ thứ ba” của Thomas Nast 

Đảng Cộng hòa được thành lập vào năm 1854, và sáu năm sau đó Abraham Lincoln trở thành Đảng viên Cộng Hòa đầu tiên đắc cử vào Nhà Trắng. Hình ảnh con voi được sử dụng làm biểu tượng của Đảng Cộng hòa trong ít nhất một bức biếm họa chính trị và một tranh minh họa trên báo trong thời kỳ Nội Chiến Mỹ (khi đó binh lính thường dùng cụm từ “trông thấy voi” để chỉ việc đánh trận), song con voi vẫn chưa trở thành biểu tượng của Đảng Cộng hòa cho đến khi Thomas Nast, người được coi là cha đẻ của tranh ảnh biếm họa chính trị hiện đại, sử dụng nó trong một bức biếm họa trên tạp chí Harper’s Weekly năm 1874.

Với tiêu đề “Hoảng loạn vì nhiệm kỳ thứ ba”, bức tranh của Nast chế giễu tờ New York Herald, tờ báo mà trước đó đã chỉ trích Tổng thống Ulysses Grant khi có tin đồn rằng Grant muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Bức biếm họa của Nast còn minh họa nhiều nhóm lợi ích dưới hình dạng các con vật khác nhau, trong đó có một con voi được gắn tên là “phiếu bầu của Đảng Cộng hòa” và đứng bên lề miệng hố. Nast còn sử dụng con voi để tượng trưng cho Đảng Cộng hòa trong nhiều bức biếm họa khác trong suốt những năm 1870, và đến năm 1880 thì những họa sĩ biếm họa khác cũng đã làm tương tự.

Chân dung họa sĩ Thomas Nast

Ngoài voi và lừa, tên tuổi của họa sĩ gốc Đức Nast còn gắn với một loài vật biểu tượng chính trị khác, đó là con hổ Tammany dữ tợn được vị họa sĩ mạnh bạo này sử dụng trong một bức biếm họa nổi tiếng trên tờ Harper’s Weekly vào năm 1871 nhằm công kích Hạ Nghị sỹ William “Boss” Tweed của New York và nhóm Tammany Hall, bộ máy chính trị đầy tham nhũng của ông ta. Tuy nhiên không phải mọi sản phẩm của Nast đều là về chính trị; ông cũng là người đã tạo ra hình ảnh Ông già Noel mà chúng ta thấy ngày nay.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang
Link tham khảo:


THẤT BẠI Ở ĐỜI CHÍNH LÀ CỐ GẮNG LÀM VỪA LÒNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Có một danh nhân từng nói: “Tôi không biết chìa khóa đến thành công là gì, nhưng chìa khóa của thất bại chính là việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người“. Điều đó hoàn toàn đúng.


Sống trên đời, nếu dành hết tâm trí mình để quan sát thái độ người khác, từ đó nương theo mà hành xử, chiều lòng họ, thử hỏi cuộc đời bạn có còn ý nghĩa gì? Khi ấy, phải chăng là bạn đang sống hộ người khác, phải chăng là muốn trao vận mệnh của mình cho kẻ khác?

Kỳ thực, mỗi cá nhân sinh ra đều có vận mệnh khác nhau, đều là những cá tính tự ngã khác nhau, có lòng tự tôn và nguyên tắc sống riêng biệt. Nếu chỉ biết chạy theo làm đẹp lòng người khác, chẳng phải bạn đã đánh mất đi giá trị, phẩm chất của mình rồi sao?

Bởi vậy, người xưa nói: “Vạn sự bất cầu nhân” (ý nói những chuyện trên đời này đừng nên mong cầu vào người khác). Khi cố lấy lòng người khác, chẳng phải là bạn cũng đang muốn được họ chiếu cố đến mình đó sao? Thực tế đã chỉ ra rằng điều này là hoàn toàn viển vông.

Cuộc đời và vận mệnh phải do chính mình nắm giữ và an bài. Sống tự tin, khẳng khái, hướng thiện, bao dung, rồi bạn sẽ có được tất cả những gì đáng có, rồi bạn sẽ chẳng phải nhờ vả, cậy cục, núp bóng ai. Đạo lý chỉ đơn giản như vậy.

Sinh mệnh của chúng ta không phải tồn tại vì để lấy lòng người khác. (Ảnh: pixabay.com)

Cố gắng lấy lòng người khác còn có một nguyên nhân nữa: Sợ bị tẩy chay, thù ghét nên cố làm bạn với tất cả. Công bằng mà nói, bạn không thể mong ở đời không có kẻ thù ghét mình, gây khó dễ cho mình. Cha mẹ, bạn bè, người thân có thể yêu thương bạn vô tư, chẳng toan tính. Nhưng đồng nghiệp, đối thủ đôi khi vẫn có thể căm hận bạn dù bạn chẳng làm gì sai.

Cuộc sống muôn vẻ, muôn màu là vậy. Có người ưu ái bạn thì cũng có kẻ gièm pha bạn. Có người tôn trọng bạn lại cũng có kẻ coi bạn bằng nửa con mắt mà thôi. Bởi thế, dẫu cố gắng đến đâu, nhọc lòng thế nào bạn cũng chẳng thể làm vừa lòng tất cả, chẳng thể đảm bảo rằng mình không còn bị ai thù ghét.

Nếu có ai đó thù ghét, cay độc, mỉa mai, chế giễu mình, bạn hãy luôn nhớ rằng: Trong miệng người khác, bạn không phải là con người bằng xương bằng thịt. Đã là như vậy, tại sao bạn còn phải thấy thống khổ, còn phải thấy mất mặt vì những lời đàm tiếu xung quanh? “Cây ngay không sợ chết đứng“, người quân tử thường để ngoài tai lời ong, tiếng ve của kẻ tiểu nhân.

Chỉ cần giữ được phong thái cao, mọi sự tình bên ngoài đều không thể làm bạn khó xử. Cổ nhân nói ấy là cái: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (nghĩa là lấy cái bất biến của tâm mình mà ứng xử với sự biến hoá của cuộc đời).

Vả chăng, nếu nghĩ thật sâu, có thể nhận ra rằng, bạn là tốt hay xấu hoàn toàn không thể dựa vào một lời nói bâng quơ của ai đó. Người ta nói bạn xấu, chắc gì bạn đã xấu. Còn khi họ khen bạn thật tốt, ai có thể khẳng định bạn hoàn mỹ đến thế đây?

Con người không nên sống quá mệt mỏi, hãy là chính mình. Dẫu thế gian có giao tình sâu nặng với bạn hay không, tâm vẫn nên tồn thiện niệm. (Ảnh: pixbay.com)

Cặp mắt thịt của con người chỉ nhìn thấy thân thể bề ngoài, đôi khi đánh giá tốt xấu, đúng sai cũng chỉ là “trông mặt mà bắt hình dong”. Chẳng ai có thể nhìn thấu nội tâm và vẻ đẹp thẳm sâu bên trong của bạn. Có phải như vậy không?

Cuối cùng, bạn hãy luôn ghi nhớ:
Đại bàng không cần tiếng vỗ tay khuấy động cũng tự mình bay bổng vút tận trời cao. Loài hoa hoang dại trong núi sâu không cần có người thưởng thức cũng đua nhau nở.
Làm người không cầu rằng ai cũng thích mình, chỉ cần bạn luôn chất phác, bao dung, lương thiện. Làm việc không cần phải giải thích để tất cả hiểu, chỉ cần bạn tận tâm nỗ lực là đủ rồi! Vậy mới hay:

Nhân sinh vạn thuở mải ganh đua
Quay cuồng một kiếp cố được thua
Trăm năm ánh chớp qua như mộng
Mới hay thế sự thảy trò đùa

Văn Nhược - Theo dkn.tv

Tuesday, April 28, 2020

BÍ MẬT PHONG THỦY TRONG CÁC CAO ỐC HONG KONG

Hong Kong là một trong những thành phố nhiều cao ốc nhất thế giới. Mỗi công trình đều được các thầy phong thủy và kiến trúc sư tính toán kỹ lưỡng.

Nghệ thuật sắp đặt các đồ vật và thiết kế kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên đã ăn sâu vào văn hóa Hong Kong. Phong thủy được xem là yếu tố quan trọng đem lại vận may và thành công. Ảnh: Lonely Planet.

Mọi thứ, từ hướng, hình dạng tòa nhà tới vị trí cửa vào hay cách bài trí nội thất, đều được cho là sẽ ảnh hưởng tới sự thịnh vượng hay cuộc sống của chủ nhân. Ảnh: Four Seasons.

Do đó, các thầy phong thủy thường xuyên được mời tới khi chủ nhân mua nhà hay lên kế hoạch cho văn phòng mới. Ngay cả các công trình kiến trúc và xây dựng lớn ở hòn đảo này cũng tuân theo phong thủy. Ảnh: Booking.

Nhiều công ty thậm chí còn có quỹ riêng hàng năm cho việc xem phong thủy. Những thay đổi có thể ở các chi tiết nhỏ như vị trí bàn giám đốc, tới yêu cầu tốn kém hơn như phá dỡ và xây lại một phần tòa nhà. Ảnh: Cookiesound.

Khi trụ sở của HSBC được xây dựng vào giữa thập niên 1980, thang cuốn được chuyển từ vị trí thẳng hàng với lối vào sang một bên để tránh luồng khí xấu từ cảng Victoria chạy vào văn phòng. Ảnh: Foster + Partners.

Tháp Bank of China không theo các nguyên tắc phong thủy và bị coi là không may mắn đến mức gần như không có ai thuê. Ảnh: Architectuul.

Thậm chí, tòa nhà có nhiều góc nhọn còn bị chỉ trích là tỏa năng lượng xấu, ảnh hưởng tới công việc kinh doanh xung quanh. Chủ nhân của Lippo Centre nằm đối diện một góc nhọn của tòa tháp đã phá sản. Ảnh: Paul Rudolph Heritage Foundation.

Để ngăn điều tương tự xảy ra, ngân hàng HSBC đặt hai tượng điêu khắc hình súng thần công trên nóc nhà. Ảnh: Quora.

Chúng được hướng về phía tòa Bank of China để bảo vệ HSBC khỏi năng lượng xấu tỏa ra. Ảnh: Amusing Planet.

Sự phát triển vượt bậc của Hong Kong trong những năm gần đây cũng được cho là nhờ phong thủy tốt. Thành phố này có núi sau lưng và nước phía trước - một địa hình tốt trong các nguyên lý phong thủy. Ảnh: SCMP.

Theo truyền thuyết, những dãy núi là nơi ở của rồng - mang năng lượng tích cực và mạnh mẽ. Năng lượng này truyền qua Hong Kong khi chúng từ núi xuống biển để uống nước và tắm táp. Ảnh: Respondhub.

Đó là lý do vì sao nhiều tòa nhà dọc mép nước có các lỗ trống ở giữa. Những lỗ hổng này tạo đường di chuyển không ngắt quãng cho các con rồng, giúp năng lượng tốt tiếp tục chảy khắp thành phố. Ảnh: Amusing Planet.

Hoàng Linh
Nguồn: zingvn


KHÔNG CÓ KẺ THÙ VĨNH VIỄN, KHÔNG CÓ BẰNG HỮU MUÔN ĐỜI, CHỈ CÓ LỢI ÍCH LÀ TRƯỜNG TỒN.

15/12/1978: Mỹ tuyên bố công nhận CHND Trung Hoa

Vào ngày này năm 1978, trong một trong những tuyên bố quan trọng của Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Jimmy Carter thông báo rằng vào ngày 01/01/1979, Mỹ sẽ chính thức công nhận nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa cộng sản và cắt đứt quan hệ với Đài Loan.


Sau khi Mao Trạch Đông thực hiện cách mạng thành công vào năm 1949, nước Mỹ đã kiên quyết từ chối công nhận chế độ cộng sản. Thay vào đó, họ tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho chính phủ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trên đảo Đài Loan. Năm 1950, trong Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ và CHND Trung Hoa đã đụng độ vũ trang; sang thập niên 1960, người Mỹ vô cùng tức giận khi CHND Trung Hoa ủng hộ và viện trợ cho chính quyền Bắc Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, thập niên 1970 đã mở ra trang mới trong quan hệ hai nước. Người Mỹ bấy giờ thấy rằng quan hệ gần gũi hơn với CHND Trung Hoa sẽ mang lại lợi ích kinh tế và chính trị. Về kinh tế, các doanh nhân Mỹ đã rất mong chờ được thâm nhập và khai thác thị trường khổng lồ ở Trung Quốc. Về chính trị, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tin rằng họ có thể chơi “lá bài Trung Quốc” – dùng quan hệ ngoại giao gần gũi hơn với Trung Quốc để gây áp lực lên Liên Xô trong một loạt các vấn đề, gồm cả các thỏa thuận vũ khí.

21/02/1972: Nixon thăm Trung Quốc nhằm tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung.

CHND Trung Hoa cũng mong muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với kẻ thù cũ. Họ tìm kiếm tăng trưởng thương mại với Mỹ thông qua bình thường hóa quan hệ, và đặc biệt, người Trung Quốc mong chờ những công nghệ có thể đạt được từ Mỹ. CHND Trung Hoa cũng cần tìm kiếm đồng minh vì họ đang đối đầu quân sự với một đồng minh cũ của mình là Việt Nam, và phía Việt Nam đã có một hiệp ước tương trợ với Liên Xô.

Tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan của Carter (do điều kiện của CHND Trung Hoa) đã khiến nhiều thành viên Quốc Hội Mỹ tức giận. Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (The Taiwan Relations Act) đã nhanh chóng được thông qua để trả đũa cho động thái này. Đạo luật này gần như đã cho Đài Loan địa vị tương tự như bất kỳ quốc gia nào được Mỹ công nhận, nó cũng chứa các quy định về việc tiếp tục bán vũ khí cho chính phủ Quốc Dân Đảng. Tại Đài Loan, Mỹ có một cơ quan đại diện “không chính thức”, tương đương cấp Đại sứ quán, nhưng có tên gọi là Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (American Institute in Taiwan). Cơ quan này sẽ phục vụ lợi ích của Mỹ tại đây.

Link tham khảo:
https://www.history.com/this-day-in-history/united-states-announces-that-it-will-recognize-communist-china


31/12/1978: Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan

Vào ngày này năm 1978, cờ tại Đại sứ quán Mỹ ở Đài Bắc và Đại sứ quán Đài Loan tại Mỹ đã bị hạ xuống. Đây là dấu hiệu hai bên đã chính thức chấm dứt quan hệ. Ngày 01/01/1979, Mỹ chính thức công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) tại Bắc Kinh.


Quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan và công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của chính phủ Mỹ đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ đại diện của chính phủ Quốc Dân Đảng. Trong một buổi lễ ngắn gọn ở buổi hạ cờ, một quan chức của Quốc Dân Đảng tuyên bố rằng hành động này “không có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản.” Ông chỉ trích Tổng thống Mỹ Jimmy Carter một cách mạnh mẽ, vì đã cắt đứt quan hệ với “một người bạn trung thành và đồng minh của nước Mỹ,” để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với “kẻ thù của chúng ta, chế độ Cộng sản Trung Quốc.”

Phía Mỹ đã không đưa ra bình luận nào, ngoại trừ việc đảm bảo cho những người đang chờ cấp visa và các dịch vụ khác tại Đài Loan, rằng Đại sứ quán Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động cho đến ngày 01/03/1979. Sau đó, một văn phòng “phi chính phủ” sẽ tiếp quản những nhiệm vụ này.


Đây thực sự là một kết thúc khá yên bình sau 30 năm người Mỹ từ chối không chính thức công nhận chính phủ cộng sản của Trung Quốc đại lục. Quyết định tiếp tục thắt chặt quan hệ với chính phủ Quốc Dân Đảng của Mỹ là rào cản chính trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Vào cuối những năm 1970, mong muốn phát triển quan hệ kinh tế với phe cộng sản và sự tin tưởng rằng mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục có thể giúp chống lại sự xâm lược của Liên Xô đã khiến các quan chức Mỹ xem việc tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan là phản tác dụng. Quyết định cắt đứt quan hệ với Quốc Dân Đảng của Tổng thống Carter đã loại bỏ trở ngại đó. Từ đây, một trong những mối quan hệ lâu đời và mang tính đối kháng nhất của Chiến tranh Lạnh dường như đã tan băng.

Link tham khảo:

RAU CÀNG CUA

ĐÂY LÀ LÝ DO VÌ SAO DÙ ĐẮT TIỀN ĐẾN MẤY BẠN CŨNG NÊN MUA RAU CÀNG CUA VỀ ĂN


Rau càng cua không chỉ là món ăn ngon mà còn là vị thuốc giúp phòng và chữa nhiều loại bệnh. Vào thời điểm khan hiếm, giá của nó còn đắt gấp đôi thịt nhưng người ta vẫn sẵn sàng rút hầu bao để mua về ăn.

Rau càng cua chứa nhiều chất dinh dưỡng như beta-caroten, can-xi, photpho, protein, vitamin B, C… rất có lợi cho sức khỏe. Theo Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, là món ăn bài thuốc rất thích hợp chữa trị chứng nhiệt miệng, viêm họng, táo bón, đau nhức cơ khớp, tiểu đường…


Nhiều nước trên thế giới xem rau càng cua là “thần dược” vì nó có khả năng trị nhiều loại bệnh. Ở Philippines, người ta dùng lá càng cua đắp để điều trị ung nhọt và vết loét. Người dân Trung Quốc và Brazil dùng nước ép rau càng cua để trị bệnh viêm kết mạc. Còn người Java lại dùng loại rau này để trị sốt rét, đau đầu…


Dưới đây là 3 cách chế biến rau càng cua để trị bệnh:

1. Rau càng cua xào tỏi chữa bệnh tiểu đường

Đối với người bị bệnh tiểu đường, rau càng cua là thực phẩm bạn không thể bỏ qua. Sử dụng càng cua đều đặn 3 lần mỗi tuần sẽ giúp người bệnh ổn định lượng đường huyết trong cơ thể.

Rau càng cua xào tỏi là món ăn dễ chế biến, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bạn có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

Nguyên liệu:

500g rau càng cua, tỏi, gia vị thông thường.

Cách làm:

Rau càng cua rửa sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo nước. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.

Dùng chảo phi tỏi để tạo mùi thơm cho món ăn, sau đó cho rau càng cua vào xào với lửa to. Dùng đũa đảo nhanh và đều tay, nêm nếm thêm gia vị vừa ăn, xào khoảng vài phút là được.


2. Nộm rau càng cua chữa thiếu sắt

Rau càng cua chứa nhiều khoáng chất giúp tăng sinh tế bào máu, nhờ đó bổ sung lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Khi kết hợp loại rau này với thực phẩm giàu sắt như thịt bò, món ăn này sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị thiếu sắt.

Nguyên liệu:

500g rau càng cua, 100g thịt bò, chanh, tỏi, ớt, hành tím, gia vị thông thường.

Cách làm:

Rau càng cua rửa sạch, ngâm nước muối loãng.

Thịt bò rửa sạch rồi thái lát mỏng. Dùng chảo phi hành tỏi rồi cho thịt bò vào, nêm thêm gia vị rồi xào vừa chín tới.

Hành tím, tỏi, ớt đem băm nhỏ cho ra chén, thêm đường và nước cốt chanh vào rồi khuấy đều hỗn hợp để làm nước trộn.

Cho thịt bò, rau càng cua vào một tô lớn, rưới nước trộn đã chuẩn bị vào rồi đảo đều để các nguyên liệu hòa quyện với nhau. Sau khi hoàn thành, cho nộm rau càng cua ra đĩa rồi thưởng thức.


3. Nước rau càng cua chữa viêm họng

Nước rau càng cua giúp thanh nhiệt, trị ho. Đây là bài thuốc được nhiều người áp dụng vì vừa đơn giản vừa mang lại hiệu quả cao.

Nguyên liệu:

300g rau càng cua, muối

Cách làm:


Rau càng cua rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng rồi vớt ra để ráo nước.

Xay nhuyễn rau càng cua rồi lọc lấy nước cốt. Đổ nước cốt rau càng cua ra ly, cho thêm vào một chút muối rồi uống.

Dùng nước rau càng cua ngày 3 lần, bạn sẽ bất ngờ vì kết quả mà nó mang lại.

Theo: Ẩm thực Việt

Monday, April 27, 2020

DU LỊCH MIỀN TÂY THƯỞNG THỨC MÓN THỊT CÚM NÚM

Cúm núm là giống chim trời có thịt ngon tương đương với thịt gà nên người dân thường gọi là gà nước. Cúm núm là món ăn dân dã miền miệt vườn miền Tây Nam Bộ, đã có từ thời khai hoang mở cõi.


Cúm núm không quá lớn, con trống chỉ vào khoảng 300-400 gam, con mái nhỏ hơn, mỗi con chỉ nặng khoảng từ 200-300 gam. Cái tên độc đáo có một không hai của giống chim trời này được đặt theo tiếng kêu “cúm, cúm cúm, cúm..” khá độc đáo của chúng. Khoảng lúc trời về chiều hay đêm khuya là tiếng kêu này vang rõ hơn cả.

Chim cúm núm – đặc sản mùa nước nổi miền Tây

Cách chế biến cúm núm

Có nhiều cách để chế biến cúm núm, hầu hết đều sử dụng các nguyên liệu dân dã nơi miệt vườn để ăn kèm, món nào cũng dễ dàng trở thành món ngon nhớ đời với những người đã từng được thưởng thức thứ gà nước, chim trời có một không hai này.

Cúm núm nướng


Món ăn phổ biến hơn cả phải kể tới cúm núm nướng. Nướng cũng là cách chế biến đơn giản, gắn bó với thuở khẩn hoang hơn cả. Cúm núm làm sạch, nướng trên bếp than, mùi thơm khen khét do mỡ từ thịt tươm ra đầy hấp dẫn. Thịt cúm núm nổi tiếng ngọt mềm, thêm hương khói thoảng thoảng, tạo nên món ăn hấp dẫn khó có thể chối từ.

Cúm núm khìa nước dừa

Cúm núm xào

Cúm núm xào bầu cũng là món ăn dễ thực hiện, dễ thưởng thức không kém. Cúm núm chọn con đực, làm thịt sạch sẽ rồi chặt miếng nhỏ, ướp tỏi, đường, bột ngọt cho đậm đà rồi xào săn với tỏi. Nói là xào nhưng người ta không dùng tới dầu mỡ gì thêm mà dùng chính mỡ của cúm núm tiết ra để làm thịt săn lại. Sau đó, cho một tô nước vào, nấu cạn nước còn một chén thì cho bầu vào xào, nêm cho vừa ăn cho ra đĩa có điểm hành, tiêu. Món ăn muôn phần giản dị mà thơm ngon đã trở thành đặc sản du lịch của vùng ĐBSCL.

Cúm núm rô ti

Cúm núm rô ti cũng được tẩm ướp kĩ càng, nhưng không xào mà chiên vàng ươm. Khâu sơ chế phải đảm bảo đủ các quy trình như nhổ lông, thui rơm, bóp với gia vị bí mật để khử mùi. Được xử lý kỹ như vậy nên khi thưởng thức, ngoài cái ngon của nguyên liệu, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm, vị đậm đà của gia vị. Nhất là dù nếm bất kỳ phần nào của cúm núm, bạn đều không có cảm giác vị tanh, nồng đặc trưng mà họ thịt nào cũng có.

Cúm núm nướng mọi

Người miền Tây còn có vô số món ngon được chế biến từ cúm núm như cúm núm khìa nước dừa, cúm núm quay lu, cúm núm chiên… Món nào cũng hấp dẫn, độc đáo như chính tên gọi của giống chim trời này.

Cúm núm nấu cơm nếp, đậu xanh

Nếu có dịp về miền sông nước miền Tây Nam Bộ, đừng quên tìm một quán lá con con, gọi đôi ba món cúm núm và thưởng thức hương vị đồng quê mộc mạc có một không hai này.

Theo Depplus


CẦN THƠ ĐI DỄ KHÓ VỀ


Chữ rằng: “Cần Thơ đi dễ khó về! Trai đi có vợ; gái về có con!”

Đó đó! Đúng y hịt đời tui vậy đó bà con ơi!

Như ai nấy nếu để ý đều biết bất cứ thị trấn, thị xã nào của Lục tỉnh Nam Kỳ, quê mình, đều kề cận một dòng sông.

Vì cũng có câu rằng: 

“Sông Cửu Long chín cửa hai dòng! 
Người thương anh vô số, nhưng anh chỉ một lòng với em!”



Rồi thòng thêm câu hỏi nữa: 

“Bên dưới có sông; bên trên có chợ. 
Ta với mình chồng vợ nên chăng?”

Thì em yêu, dân Cần Thơ, tóc em dài em cài hoa thiên lý, nghe anh hỏi mi mí… là em biết tỏng cái tim đen, bèn trả lời móc họng anh, như vầy: “Biết rồi mà bày đặt hỏi lôi thôi!”

Có nghĩa là: 
 
“Anh có thương em thì thủng thẳng em ừ! 
Anh đừng thương vội mẫu từ ‘quánh’ em!”



Ha ha! Mẫu từ, mẹ hiền, mà roi vọt bất tử quá vậy ta? Nhưng có nhằm nhè gì! Quánh em; chớ có dám quánh thằng rể đu đủ tương lai trời đánh nầy sao mà mình sợ chớ?! Nên tới luôn bác tài…Vì em đã chịu đèn rồi!

Chẳng qua là tới tuổi quân dịch, tui vào lính; nhưng bị bịnh mộng du! Bác sĩ quân y thuộc Hội đồng giám định y khoa khám, cho tui về hoãn dịch vì lý do sức khỏe!

Vì tối nào tui cũng ngủ mớ, tuột cái rột, ra khỏi giường, đi vòng vòng doanh trại, dạo mát trăng thanh; nhưng không có ý thức gì ráo!

Mật khẩu không biết, đêm cà lơ phất phơ… lính canh nó phơ ẩu là bỏ mạng sa tràng…
Thôi lính chê thì mình về đi học nữa vậy!

Năm 1970, tui theo thằng bạn thân, sau Tết, mùng Bốn, đi 

” Cần Thơ cho biết đó biết đây,
Ở nhà với Má biết ngày nào khôn?”



Từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, trên Quốc lộ 4, qua Bắc, leo lên xe Lam, chạy một hơi thôi, khoảng 1300 mét, là tới Ngã ba Lộ tẻ. Rẽ trái vào trung tâm thành phố Cần Thơ! Rẽ phải vào liên tỉnh lộ dẫn đến Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá và Hà Tiên.

Tại Ngã ba Lộ tẻ, có Bến xe mới xe lên Sàigòn; hoặc xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, chạy thẳng tắp từ đây tới tận quận Cái Răng; mà không phải đi qua trung tâm thành phố. Vào trung tâm Cần Thơ phải qua cây Cầu đôi bằng sắt, kiểu Eiffel, bắc ngang qua rạch Cái Khế.

Bên kia cầu là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, xưa dành cho mấy ông Tây; sau nầy là Dinh của Tư lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa .

Đi tới là dinh Tỉnh Trưởng! Trước mặt là một bùng binh khá rộng, nơi hội tụ của nhiều con đường chạy vòng vòng để khỏi đụng nhau.


Đường Phan Đình Phùng xuất phát từ đây, coi như là cái xương sống của thành phố, chạy ngang qua Ty Bưu điện, Tòa án, Tòa Thị Chính, Ty Cảnh Sát, Trường Tư thục Nam Hưng, v.v… xuống tận khu Cầu Xéo.

Một đường khác cũng từ dinh Tỉnh Trưởng hướng về Cầu Tham Tướng, là Đại lộ Hòa Bình. Nhưng dân quen gọi là đường Hàng Xoài, vì dọc theo đường có trồng xoài.

Đại lộ Hòa Bình, lớn nhưng ngắn ngủn, chấm dứt khi tới Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa (Nơi em yêu của tui làm đó nhe!). Đường Lý Thái Tổ, bắt đầu từ đây, chạy dài tới cầu đúc Tham Tướng.

Qua cầu, là đường Mạc Tử Sanh, phía bên trái là chợ chồm hổm, chỉ nhóm vào buổi sáng, nhưng tấp nập quanh năm vào buổi chiều tối vì có xề bánh cống, quầy hủ tiếu, gánh cháo gà cho dân nhậu bình dân.

(Tham Tướng là Mạc Tử Sanh, con của Mạc Thiên Tích (Hà Tiên), làm cận vệ cho chúa Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần. Năm 1777, quân Tây Sơn ồ ạt tấn công xuống miệt Trấn Giang (Cần Thơ)! Mạc Tử Sanh bị vây, chết trận nơi khoảng rạch nhỏ đổ ra sông Cần Thơ! Sau nầy dân chúng đặt tên là rạch Tham Tướng!)



Rạch Tham Tướng chạy vòng vòng phía trong, cắt ngang đường Tạ Thu Thâu, chui qua cái cầu sắt nhỏ, cầu Rạch Bần, vốn là đường thoát nước mưa tự nhiên cho Cần Thơ! Sau nầy nghe nói đã bị lấp! Nên bây giờ mưa lớn một chút là Cần Thơ ngập thấy thảm… thương luôn?! Tội nghiệp mấy em mắc mưa, ướt luôn cái quần lãnh Mỹ A hết ráo!

Cầu Tham Tướng đã biến mất, đường Mạc Tử Sanh đi về hướng Cái Răng cũng bị mất tên luôn, thành đường 30 tháng 4.

Ngã ba Tham Tướng xưa có doanh trại của đại đội Quân vận 411, dưới hàng cây bã đậu. Sau nầy là quán cà phê và quán nhậu bình dân.

Ôi những ngày đói rách, lang thang sau khi mất nước, tui không biết làm gì; chỉ biết long nhong như ở không lắm vậy! Và từng đóng đô thường trực ở đó.

Ngồi tréo ngoảy, trước mặt ly rượu thuốc ngâm ô môi, có màu cho dễ ực; vì màu trắng mắt mèo, e nó có nhúng một đầu tăm thuốc trừ sâu cho rượu trong veo… Thấy ớn quá hà!


Xa em, người đã cả gan bán chịu cho tui ngày cũ (mà không sợ bị giựt)! Biết giờ em giờ phiêu bạt tận phương nào, để tui gởi về em một, hai trăm đô Úc, bồi đáp cái ‘bát cơm phiếu mẫu’ ngày xưa?!

Phần để cho em có tiền mua trầu nhai bỏm bẻm, chống tay lên cằm mà nghĩ tui vẫn còn thương tưởng tới em?!

Nhưng nếu bà con mình ở tỉnh khác tới chơi; người ta khoái cái bến Ninh Kiều hơn là chợ Tham Tướng!

Bến Ninh Kiều, nơi nghĩa quân Lam Sơn đã đánh quân Minh xâm lược một trận tơi bời; nên nằm trên đường Lê Lợi.

Thế mới biết ông cha mình đặt tên đường, tên bến nước là đầy trí tuệ, có hậu ý; chớ không phải như sau nầy muốn đổi tên đường sao cũng được; tùy bữa say nhiều hay xỉn ít đâu nha mấy cha?!


Nhạc sĩ Lam Phương, là thầy giáo, miệt Rạch Giá, gần biển, nên 75, ông chạy sớm hơn ai hết thảy. Xa quê, tuốt bên trời hải ngoại, ông vẫn còn nhớ tới bến Ninh Kiều để: 
 
“Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về,
Thăm quê xưa với vườn cau thề,
Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô,
Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô!”

Đó là ông ước, ông mơ, ông nhớ về ngày tháng cũ: 
 
“Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều
Sao anh không thấy về Ninh Kiều? 
Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen
Đen như manh áo buồn chưa quen!”



Rồi ông nhớ cái thuở học trò! 

“Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường
Nay nghe sao khác từ tên đường
Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương
Tây Đô sẽ sống lại yêu thương!”

Cái trường, ông Lam Phương, đã từng theo học, bây giờ vẫn còn nhớ, là trường Phan Thanh Giản, trường công lập lớn nhất ở miền Tây, được thành lập vào đầu thế kỷ 20.
Học sinh ở các tỉnh lân cận, như nhạc sĩ Lam Phương hay nhà văn Sơn Nam, miệt Rạch Giá, vẫn phải khăn gói đến trường Phan Thanh Giản để học tiếp bậc “Đút rơm trâu ăn mê” (Diplôme) tức Trung học Đệ nhất cấp!

Tới năm 1964, trường Phan Thanh Giản lại được tách ra để thành lập Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm. (Em yêu của tui đã từng đi học ở đó!)



Sau 75, Trung học Phan Thanh Giản bị thay bằng Châu Văn Liêm.

Mà không phải chỉ cái trường học bị đổi tên đâu mà những con đường chu vi trường cũng chịu cùng chung số phận. Cổng trường nằm trên đường Phan Thanh Giản bị đổi thành đường Xô Viết Nghệ Tỉnh. Đường Pasteur, giữa trường Phan Thanh Giản và trường Đoàn Thị Điểm, bị đổi tên là Võ Thị Sáu.

Ông Pasteur, dù là Tây; nhưng có công lớn là đã chế ra thuốc chủng ngừa, cứu mạng hàng triệu người, không phân biệt màu da sắc tộc, khỏi bệnh tật! Công lớn với nhân loại khó có ai sánh bằng vậy mà cũng bị đuổi đi… để thay bằng chị Sáu… ‘mùa lê kim ma’ nở?
Nhưng tui buồn nhứt có lẽ là đường Võ Tánh, dọc bên hông trường, từ đường Phan Thanh Giản tới đường Ngô Quyền; đã đổi thành đường Trương Định.

Không phải tui (dám) ghét bỏ ông Trương Định, một anh hùng kháng Pháp, gì đâu. Mà chẳng qua con đường Võ Tánh, dẫu ngắn, có một khúc tẻo tèo teo thôi; nhưng nó lại mang quá nhiều kỷ niệm…


Phía sau lưng đường Võ Tánh nầy là xóm Cả Đài (theo tên Hương cả Phạm Thành Đài), bắt đầu từ cái chợ nhỏ cũng gọi là chợ Cả Đài kéo dài dài đến chùa Cây Bàng; nơi tui từng ở trọ gần trường để tiện đường… đi gõ đầu trẻ hồi năm nẳm.

Tui nhớ quán Ngọc Lan, chuyên bán cơm tháng cho quân nhân và công chức. Năm 1973, nếu mua vé cả tháng, sáng ăn đưa một vé, chiều ăn đưa một vé, bữa nào hỏng ăn, lại đi ăn cháo, gỏi đầu cá lóc (bự ế kinh), ngon hết biết, với em yêu ở đường Nguyễn Trường Tộ thì khỏi đưa vé…

Ăn hết xấp vé đó mua xấp vé khác, tốn 4 ngàn đồng bạc, dằn túi; không sợ đói bất tử vì đôi khi hứng xài ẩu… (Hồi thanh niên, đứa nào hỏng vậy cà?)

Từ quán cơm Ngọc Lan, có ông chủ lúc nào cũng mang mặc áo bỏ vô thùng bảnh tỏn, đi vài căn nữa thì tới tiệm chụp hình Phúc Vinh, nơi em yêu làm duyên, chụp tấm hình cho anh lộng bóp; để lúc nào cũng phải nhớ tới em! Và nếu vắng em, có con ‘quỷ hó’ nào dám lục bóp anh, thì nó thấy tấm hình bà La Sát nầy là nó sẽ bỏ chạy sút dép luôn!


Sau 75, người ta đói xanh râu, đói đến lòi hai cái lỗ tai; nên tiệm Phúc Vinh không còn chụp hình nghệ thuật nữa mà quay sang bán cháo, gỏi gà… để kiếm cơm!

Tui đã từng theo Giáo M. dạy Việt văn, em Bác sĩ H. ở hẻm 5, đường Phan Thanh Giản tới đây nhậu.

Giáo M. có người em gái trắng như bông bưởi!
Tắm xong, em hay ra hàng hiên ngồi hong tóc,
Mà tui tình cờ trông thấy… phải há hốc cái mồm!

Thưa bà con! Dù Cần Thơ không phải là nơi chôn nhau cắt rún của tui nhưng là quê hương yêu dấu ngậm ngùi của em yêu. Cần Thơ là quê vợ, là người tui rất sợ; nên tui còn yêu Cần Thơ hơn cả quê tui nữa đó!


Vì nơi đó có em… và còn có mấy em khác (tui thầm thương trộm nhớ) nhưng vì đã có vợ rồi nên tui đành phải giữ mối tình câm…Nên riết rồi… tui bị ‘hâm hâm!”

Tui xa Cần Thơ… Đi và đi luôn mấy chục năm!

Người xưa bên ấy, mới đây, gởi cho tui câu ca dao nầy, tui lén vợ, tui học thuộc lòng, kẻo quên: 
 
“Con chim buồn, chim bay về cội
Con cá buồn, cá lội trong sông
Em buồn em đứng em trông
Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người!”



Thôi xin tạ lỗi cùng em hẻm 5, đường Phan Thanh Giản!

Thân anh giờ như:“Chim vào lồng; như cá cắn câu! Cá cắn câu biết đâu mà gở; chim vào lồng biết thuở nào ra!”

Thôi đành “Hẹn nhau kiếp sau ta tìm thấy nhau!”

Đoàn Xuân Thu
Melbourne