Friday, July 31, 2020

TRƯỜNG TƯƠNG TƯ (長相思)


Trường tương tư - Lương Ý Nương

Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân,
Tận nhật tư quân bất kiến quân.
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.

Ngã hữu nhất thốn tâm,
Vô nhân cộng ngã thuyết.
Nguyện phong xuy tán vân,
Tố dữ thiên biên nguyệt.

Huề cầm thượng cao lâu,
Lâu cao nguyệt hoa mãn.
Tương tư vị tất chung,
Lệ trích cầm huyền đoạn.

Nhân đạo Tương giang thâm,
Vị để tương tư bạn.
Giang thâm chung hữu để,
Tương tư vô biên ngạn.

Ngã tại Tương giang đầu,
Quân tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.

Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ.

Trường tương tư hề, trường tương tư,
Trương tương tư hề, vô tận cực.
Tảo tri như thử quải nhân tâm,
Hồi bất đương sơ mạc tương thức.

Trong Tình sử có chép vào triều nhà Chu đời Ngũ Đại, có người con gái của Lương Tiêu Hồ 梁瀟湖 tên Ý Nương 意娘, cùng với Lý sinh 李生 là họ hàng con cô con cậu. Lý sinh thường qua lại rất nhiều. Nhân ngày trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày trời thu, Ý Nương viết bài thơ này gửi cho Lý Sinh. Xem thơ, chàng cảm động, bỏ qua mọi sự sỉ nhục, trở lại nhà nàng và tìm mọi cách để thuyết phục cha nàng xin cho họ được làm bạn đời với nhau. Trước cảnh ốm đau tiều tụy và lời lẽ thống thiết của con trong bài thơ, cuối cùng người cha đã chấp nhận và cho họ được toại nguyện.


長相思 - 梁意娘

落花落葉落紛紛,
盡日思君不見君.
腸欲斷兮腸欲斷,
淚珠痕上更添痕.

我有一寸心,
無人共我說.
願風吹散雲,
訴與天邊月.

攜琴上高樓,
樓高月花滿.
相思未必終,
淚滴琴玄斷.

人道湘江深,
未抵相思畔.
江深終有底,
相思無邊岸.

我在湘江頭,
君在湘江尾.
相思不相見,
同飲湘江水.

夢魂飛不到.
所欠唯一死.
入我相思門,
知我相思苦.

長相思兮長相思,
長相思兮無盡極.
早知如此罫人心,
迴不當初莫相識.


Tương tư dài  (Dịch thơ: Hải Đà)

Tơi bời hoa lá rụng bay
Nhớ chàng đâu thấy …tháng ngày đợi mong
Đau lòng thiếp xót xa lòng
Ruột rà quặn thắt từng dòng lệ tuôn

Một mình thiếp hiểu thiếp buồn
Ai người chia sẻ cội nguồn ưu tư
Mây tan gió thổi phù hư
Nguyệt Hằng xao động lòng từ tâm giao

Ôm đàn đứng giữa lầu cao
Trăng khuya nở đóa hoa đào nguyên tiêu
Tương tư gẩy khúc nguyệt kiều
Lệ châu lã chã hồn phiêu du sầu

Sông Tương thăm thẳm đáy sâu
Tương tư da diết nỗi sầu hơn sông
Sông có đáy dễ dò sông
Sầu tương tư chỉ mênh mông vô bờ

Đầu sông chàng đứng thẫn thờ
Bẽ bàng mình thiếp đợi chờ cuối sông
Nhớ thương xa cách mịt mùng
Nước sông thắm thiết ta cùng uống chung

Hồn mơ nhập cõi mông lung
Hẹn nhau chín suối ta cùng gặp nhau
Tương tư có bước qua cầu
Hẳn ai mới thấu nỗi sầu mênh mang

Trường tương tư mãi thênh thang
Nỗi thương vô tận cưu mang tháng ngày
Nếu mà hiểu được lòng này
Thà không quen biết phút giây từ đầu.

Nguồn: Thi Viện

CAO QUY LINH (龜苓膏)

Món thạch làm từ mai rùa gây tranh cãi ở Hong Kong


Cao quy linh không còn xa lạ với thực khách bởi vị ngọt mát, nhiều công hiệu tốt cho sức khỏe, tuy nhiên lại là "án tử" của loài rùa.


Dù Hong Kong ngày càng hiện đại, nơi đây vẫn luôn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống trong cuộc sống hàng ngày, điển hình là văn hóa ẩm thực. Các quán trà thảo mộc kiểu xưa vẫn xuất hiện nhiều trên đường phố. Hầu hết các cửa hàng đều bán 4 đến 6 loại trà thảo mộc, tùy thuộc vào diện tích cửa hàng. Tuy nhiên, món không thể thiếu ở đây là cao quy linh. Loại thạch màu đen bóng được làm từ bột mai rùa và các loại thảo mộc Trung Hoa. Cao quy linh (thạch rùa) là món tráng miệng nổi tiếng ở Hong Kong. Ảnh: blogspot.


Đối với các khách du lịch đến từ phương Tây, nơi không coi rùa là đồ ăn, món này được liệt vào danh sách đồ tráng miệng kỳ quái. Thành phần cơ bản để làm nên món thạch này là bột mai rùa, mật ong, nhân sâm, cam thảo... Ảnh: mykitchen.


Những con rùa lấy yếm mài thành bột làm thạch được lựa chọn cẩn thận, phải là rùa vàng 3 vạch mới mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe. Nhưng từ khi loài rùa này nằm trong danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng thì các rùa hộp châu Á được sử dụng thay thế. Mai rùa thu hoạch lúc tươi sống nhưng phải để khô vài năm mới đến "độ chín" đủ để mài thành bột làm thạch. Ảnh: travelerfolio.


Theo sách cổ Trung Quốc, thạch giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, làm mát, trị thiếu khí âm, khô da, mụn nhọt, mất ngủ, ăn không ngon miệng... Cao quy linh có thể ăn cùng với sữa. Ảnh: squarespace.


Cao quy linh luôn cần được bảo quản trong các tủ giữ lạnh. Ảnh: bondingtool.

Như Bình


TẬP TỤC ĐẶT CHÂU BÁU VÀO MIỆNG NGƯỜI CHẾT

Sự thật ít người biết phía sau tập tục đặt châu báu vào miệng người chết của cổ nhân Trung Hoa

Trên thực tế, những món vàng bạc châu báu được cổ nhân Trung Hoa xưa đặt vào miệng người quá cố thực chất lại là một tập tục ẩn giấu nhiều ý nghĩa ít người biết.


Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, nghi thức an táng sở hữu địa vị vô cùng trọng yếu. Bởi cổ nhân cho rằng, sự kết thúc của một đời người cũng quan trọng không kém gì so với sự ra đời của một sinh mệnh.

Hơn nữa, người Trung Quốc vốn coi trọng đạo hiếu, cho nên mọi lễ nghi liên quan tới việc an táng vẫn luôn được tuân thủ một cách nghiêm khắc.

Thường dân bách tính vốn đã không dám xem nhẹ điều này, tầng lớp giàu có hay quan lại, hoàng tộc lại càng thêm phần xem trọng.

Cũng bởi vậy mà có những tang lễ hay lăng mộ hao phí một nguồn tài lực, nhân lực khổng lồ. Tiêu biểu trong số đó phải kể tới lăng mộ của Tần Thủy Hoàng hay đám tang của Từ Hi Thái hậu.

Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, nghi lễ an táng của cổ nhân Trung Hoa xưa từng tồn tại một tập tục hết sức đặc biệt. Đó chính là tập tục đặt vàng bạc châu báu vào miệng người chết.

Vậy liệu rằng những món vàng ngọc được đặt vào miệng người quá cố ẩn giấu những ý nghĩa đặc biệt gì?

Sự thật ít biết về tập tục đặt "báu vật" vào miệng người quá cố

Miếng ngọc hình ve sầu - vật phẩm từng rất được cổ nhân Trung Hoa ưa chuộng trong tập tục đặt vàng bạc châu báu vào miệng người quá cố. (Ảnh: Nguồn Internet).

Vào thời cổ đại, tập tục đặt châu báu vào miệng người chết đã được ghi lại từ rất sớm và được biết tới với tên gọi là "khẩu hàm".

Những nguồn sử liệu đáng tin cậy như "Chu Lễ" hay "Thuyết văn giải tự" thời nhà Hán đều từng nhắc tới tập tục này.

Lý giải một cách trực quan, "khẩu hàm" nhằm chỉ hành động đặt những vật phẩm trân quý như vàng bạc hay châu báu vào miệng người chết vào thời điểm chuẩn bị đặt họ vào quan tài.

Về những món châu báu được dùng trong tập tục này, người xưa cũng không quá câu nệ. Nếu là các gia đình thường dân có điều kiện kinh tế không quá khá giả, họ có thể chỉ cần đặt vào đó tiền đồng là đủ.

Còn đối với những gia đình dư dả hơn, thân nhân của người quá cố thường sẽ dùng các miếng ngọc được tạo tác thành nhiều hình dạng khác nhau.

Căn cứ theo ghi chép của các nguồn sử liệu, những miếng ngọc dùng để đặt vào miệng người chết thường sẽ được tạc hình các loài động vật quen thuộc trong đời sống hàng ngày như trâu, chó, lợn, dê…

Vào thời nhà Hán, người xưa ngày càng chuộng ngọc được tạo tác thành hình ve sầu. Tới thời Đường – Tống, tập tục nói trên dần trở nên cầu kỳ và câu nệ hơn. Các loại vàng, bạc, ngọc phỉ thúy cũng ngày một được ưa chuộng và sử dụng phổ biến.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Vào thời cổ đại, tầng lớp coi trọng tang lễ hơn cả vốn là hoàng tộc. Mà trong số các hoàng tộc thời phong kiến, tang lễ của Từ Hi Thái hậu vào thời nhà Thanh được biết tới là một trong những đại tang xa xỉ, tốn kém bậc nhất.

Tương truyền rằng năm xưa khi chuẩn bị được đưa đi an táng, người ta đã đặt vào trong miệng của Lão Phật gia khét tiếng ấy một thứ còn trân quý hơn cả vàng bạc. Đó chính là dạ minh châu.

Từ thời xa xưa, dạ minh châu đã là một loại đá quý nổi tiếng với khả năng phát sáng trong bóng đêm và đặc biệt là sở hữu giá cả vô cùng đắt đỏ.

Trong hồi ức của mộ tặc từng cả gan trộm lăng Từ Hi là Tôn Điện Anh, viên dạ minh châu trong miệng Thái hậu được miêu tả rằng:

" (Nó) bị tách ra làm hai miếng, ghép lại thành một hình tròn, lúc tách ra thì trong suốt, khi ghép lại thì tỏa ra thứ ánh sáng màu xanh lá, thậm chí ban đêm khi đứng cách xa cả trăm thước vẫn có thể soi rõ từng sợi tóc…".

Cũng theo ghi chép của một số tài liệu khác, viên dạ minh châu trong miệng Từ Hi sở hữu khối lượng xấp xỉ 157 gram, tương đương hơn 787 carat, giá trị lên tới 10,8 triệu lượng bạc (vào thời Dân quốc) và 810 nhân dân tệ hiện nay (ước tính hơn 2.855 tỷ Việt Nam đồng).

Ý nghĩa thực sự phía sau những món châu báu trong miệng người quá cố

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Vậy đâu là lý do khiến cổ nhân phải dùng tới những vật phẩm trân quý và đắt đỏ như vậy để đặt vào trong miệng của những người quá cố?

Theo lý giải của chuyên trang phân tích lịch sử Trung Quốc (Qulishi), tập tục này xuất phát từ 3 nguyên nhân dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Bảo quản thi thể người chết

Cổ nhân cho rằng, việc ngậm trong miệng những vật quý như vàng, vàng hay ngọc có thể sẽ tránh cho thi thể của người chết bị mục nát, thối rữa.

Cũng bởi vậy mà có người tin rằng, năm xưa khi bị mộ tặc Tôn Điện Anh bật nắp quan tài, thi thể của Từ Hi ở thời điểm đó vẫn sinh động như khi còn sống thực chất là nhờ vào tác dụng của viên dạ minh châu nghìn tỉ đặt trong miệng.

Nguyên nhân thứ hai: Hy vọng về cuộc sống tốt đẹp của người quá cố ở thế giới bên kia.

Những thân nhân của người quá cố thường đem những vật trân quý này tuẫn táng với mong muốn cuộc sống của họ ở thế giới bên kia luôn được sung túc, phú quý.

Có quan niệm còn cho rằng, những vật báu đặt trong miệng này có thể sẽ trở thành "lộ phí" giúp con đường đi tới hoàng tuyền của các linh hồn được suôn sẻ.

Nguyên nhân thứ ba: Thỏa mãn tâm nguyện của người quá cố

Năm xưa, Càn Long Hoàng đế sau khi qua đời được đặt vào trong miệng một miếng ngọc bội tạc hình ve sầu.

Có lý giải cho rằng miếng ngọc bội này là ẩn dụ cho hình ảnh ve sầu thoát xác, phá kén, thể hiện cho khát vọng được hồi sinh.

Tương tự như vậy, Từ Hi Thái hậu lúc sinh thời từng nổi tiếng là với sở thích sưu tầm châu báu, tiêu pha phung phí.

Vì vậy, viên dạ minh châu ngàn tỷ đặt trong miệng cùng với vô số châu báu bên trong quan tài thực chất nhằm mục đích thỏa mãn cho lòng tham vinh hoa phú quý của vị Lão Phật gia này.

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).

Trần Quỳnh /Theo Soha

VÔ ĐỀ - LÝ THƯƠNG ẨN


Vô đề (Tương kiến thì nan biệt diệc nan)
Lý Thương Ẩn

Tương kiến thì nan biệt diệc nan,
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ty phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vị thám khan.


無題(相見時難別亦難) 
李商隱

相見時難別亦難,
東風無力百花殘.
春蠶到死絲方盡,
蠟炬成灰淚始幹.
曉鏡但愁雲鬢改,
夜吟應覺月光寒.
蓬萊此去無多路,
青鳥殷勤為探看.


Vô đề (Gặp nhau đã khó ly biệt lại càng khó)
(Dịch thơ: Khương Hữu Dụng, Nam Trân)

Khó gặp nhau mà cũng khó xa,
Gió Đông đành để rụng muôn hoa.
Con tằm đến thác tơ còn vướng,
Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa.
Sáng ngắm gương, buồn thay mái tuyết,
Đêm ngâm thơ, thấy lạnh trăng ngà.
Bồng Lai tới đó không xa mấy,
Mượn cánh chim xanh dẫn hộ ta.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.

Nguồn: Thi Viện



Thursday, July 30, 2020

ĐI PHÚ YÊN NGẮM VƯỜN CÂY ĐỎ

Mùa này du khách nườm nượp tham quan vườn cây đỏ, trái đỏ (còn gọi là trái chua, trái dâu đất hoặc trái dâu da đất) trên cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên).


Đi Phú Yên ngắm vườn cây đỏ, ăn trái đỏ chua lè lưỡi

Trái đỏ có vị chua chua nếu ăn những trái ở dưới gốc, còn những trái hái từ trên ngọn lại ít chua hơn, có vị ngọt.

Bên trong lớp vỏ dày màu đỏ, rất chua, không ăn được là lớp cơm màu trắng, có từ 3 đến 4 múi, ăn ngọt ngọt, chua chua. 

Cây đỏ cao khoảng 5-7 mét, được trồng xen trong các vườn mít, vườn thơm ở cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên). Vùng này có độ cao 400m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm nên thích hợp loại cây này.
 

Trái đỏ mọc ra thành từng chùm từ thân cây, sum suê từ dưới gốc lên đến trên ngọn. Có những cây to hai, ba người ôm, trái chín đỏ vây quanh, rất đẹp.

Trái đỏ sum suê bao quanh cây. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Từ tháng Chạp năm trước, trên các thân cây nổi lên từng ụ rồi từ đó nhô ra các chùm trái nhỏ màu xam xám, rồi lớn dần, đỏ dần. Đến cuối tháng bảy âm lịch trái đỏ đã bắt đầu chín dần, nhưng chỉ từ trước và sau Tết Trung thu mới chín rộ.


Ấy là lúc thương lái bắt đầu tìm đến các vườn để chọn cây nhiều trái chín mà mua, hái, rồi chở về các chợ. Đây cũng là lúc các tay săn ảnh sục vào các vườn để tìm những góc ảnh đẹp.
 

Cũng từ đó mà những năm gần đây cứ đến mùa trái đỏ chín rộ, hàng đoàn khách từ các nơi tìm đến các vườn cây đỏ ở xã Sơn Xuân để tham quan, chụp ảnh, tạo cho vùng đất cao nguyên này một sắc thái du lịch mới.

DƯƠNG THANH XUÂN


MÁT-XA NUAD THÁI


Trong số các chóp mái cao vút lên và những tòa bảo tháp cẩn gốm ở chùa Wat Pho tại Bangkok là một cụm các tác phẩm điêu khắc có từ Thế kỷ 19.

Nằm dưới những mái che bằng gỗ, những mảng đá cẩm thạch lớn, được gọi là Kho Lưu trữ Văn học của chùa Wat Pho, tiết lộ nhiều điều huyền bí của đời sống Thái Lan cổ xưa và là một trong những bản ghi chép sớm nhất về các kỹ thuật của liệu pháp được tôn kính nhất của Thái Lan: Nuad Thai (tức là mát-xa Thái).


Được ghi nhận vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Unesco năm 2019, phương pháp chữa bệnh cổ xưa này được áp dụng bởi các vị sư tại ngôi chùa, bằng cách pha trộn các kỹ thuật giãn gân cốt, yoga và bấm huyệt để giúp thư giãn cơ thể.

Nếu như với mát-xa tại Thụy Điển hay mát-xa lomi lomi ở Hawaii, người được phục vụ chỉ tham gia một cách thụ động, thì với mát-xa Thái, người được mát-xa - vẫn mặc quần áo đầy đủ - hợp tác uốn cong lưng, duỗi người và co kéo chân tay với sự trợ giúp của nhân viên trị liệu để tăng cường sự linh hoạt.


Một số nhà trị liệu ở Thái Lan thậm chí còn giẫm lên lưng bệnh nhân để tác động sâu hơn đến các bó cơ, tuy nhiên kỹ thuật này không phải ai cũng dùng đến.

Tấm bảng ở chùa Wat Pho mô tả các đường 'sen' kết nối các huyệt đạo với các điểm bấm mát-xa

Được khắc vào đá cẩm thạch trên các mảng tường chùa Wat Pho là các đường 'sen' - cách gọi các dòng kinh mạch lan tỏa trên cơ thể - để hướng dẫn các nhà trị liệu đặt tay, chân hoặc khuỷu tay lên người được mát xa, tùy theo tình trạng sức khỏe của người đó.

Đường 'sen' được cho là những ống dẫn truyền năng lượng sự sống. Mỗi bức vẽ có đường viền của hình cơ thể người với các bộ phận như lồng ngực hoặc cột sống, và sơ đồ các đường màu đen mảnh kết nối giữa các chấm trên cơ thể với các điểm bấm huyệt trên cột sống. Mỗi điểm bấm huyệt lại được chú thích tương ứng với một bệnh.


Trong phương pháp trị liệu Nuad Thai, cơ thể người được hình thành từ bốn thành tố là đất, nước, gió và lửa, và người trị liệu cần phải điều khiển các huyệt đạo để tái cân bằng lại các thành tố và loại bỏ những tắc nghẽn năng lượng trong các đường 'sen'.

Gốc gác ra đời của Nuad Thai


Vào giữa Thế kỷ 19, trước khi y học hiện đại xuất hiện ở Thái Lan, ngôi chùa có từ Thế kỷ 16 này là nơi dạy nghề y, mà Nuad Thai là một phần quan trọng của chương trình truyền thụ. Và vì vậy, khi Đức Vua Bhumibol muốn mở một trường mát-xa Thái Lan vào năm 1955, không có gì ngạc nhiên khi Ngài chọn ngay chùa Wat Pho làm điểm khai sinh.

Ngày nay, học viên từ khắp nơi trên thế giới đến đây để học nghề; và dù cho Nuad Thai giờ đây được phục vụ ở khắp các spa trên toàn thế giới, nhưng linh hồn của liệu pháp này vẫn không mấy đổi thay tại nơi nó được sinh ra.


Trong khi chùa Wat Pho được coi là nơi ra đời chính thức của mát-xa Thái cổ truyền, thì những người đầu tiên sử dụng liệu pháp cổ truyền này lại sống cách chùa khá xa, rải rác ở các vùng thôn quê thuần nông của Thái Lan.

Theo truyền thống, mỗi làng quê đều có thầy lang, chuyên chữa bệnh bằng cách mát-xa, và dân làng thường tới xin giúp khi bị đau nhức sau những ngày lao động cực nhọc.

Thầy lang, thường là người lớn tuổi, sẽ bẻ sống lưng cho xương kêu răng rắc rồi gập người xuống, và cách làm này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các thầy lang thì không thu tiền khi mát-xa cho mọi người, bởi việc này là chăm sóc sức khỏe cho mọi người, theo đúng tinh thần phổ độ chúng sinh của Phật giáo.

Những người đầu tiên sử dụng liệu pháp Thái cổ này sống cách chùa Wat Pho khá xa, rải rác ở vùng thôn quê thuần nông của Thái Lan

Krairath Chantrasri, thầy dạy ở trường mát-xa Wat Pho, người quê vùng nông thôn Phetchabun ở miền bắc Thái Lan, đã tận mắt chứng kiến kiểu mát-xa chữa bệnh này trong cuộc sống nơi quê nhà.

"Ông nội tôi là một thầy lang chữa bệnh bằng mát-xa cho dân làng," anh cho biết. "Tôi chưa quá già, nên tôi nhớ rõ cảnh mọi người đến nhà ông tôi, và tôi được xem ông chữa bệnh cho họ như thế nào."


Nuad Thai được dùng ở hầu hết các gia đình nông thôn. Trẻ em thường được dạy các kỹ thuật xoa bóp để chúng có thể làm dịu các cơ bắp đau nhức của cha mẹ, ông bà sau ngày làm việc vất vả ngoài cánh đồng.

Mặc dù có thể không hiểu căn nguyên sâu xa và ý nghĩa của các điểm bấm huyệt, nhưng lũ trẻ con biết cách kéo đẩy chân tay và cách giẫm lên lưng để làm thư giãn cơ bắp của người lớn vốn đã phải làm lụng cực nhọc nơi đồng lúa.

Gốc rễ khiêm nhường của phương pháp trị liệu này có thể được nhìn thấy thông qua cách mà nó được thực hiện: đơn giản là trên một tấm nệm trải trên sàn nhà (y như những tấm nệm thường thấy trong các căn nhà truyền thống của Thái Lan).

Chantrasri được mẹ khuyến khích hoàn thiện kỹ năng ở trường Wat Pho, nhưng anh thật ra đã biết làm mát-xa từ khi còn nhỏ.

"Mẹ thường bảo tôi dẫm lên chân, lên lưng để mát-xa cho mẹ. Tôi đã được dạy các kỹ thuật mát xa, nhưng khi còn nhỏ, tôi chẳng để tâm ghi nhớ," anh nói. Giờ đây, với tư cách là một nhà trị liệu tại Wat Pho, anh không còn làm cách cách này nữa, vì chúng không phải là triết lý và chương trình giảng dạy của trường.

Các bảng vẽ tại Wat Pho có thể là văn bản công khai đầu tiên về mát-xa Thái, nhưng tài liệu sớm nhất về môn trị liệu này là một chiếu chỉ hoàng gia từ năm 1455, liên quan đến bộ phận chuyên làm mát-xa của triều đình.


Thế nhưng gốc gác sự tồn tại của Nuad Thai trong các cộng đồng thôn quê bắt nguồn từ sự tổng hợp của các truyền thống chữa bệnh khác nhau, Jan Chaithavuthi, đồng tác giả cuốn sách Mát-xa Thái cổ truyền chữa bệnh với Năng lượng Vũ trụ, nói.

"Ý tưởng về sức mạnh năng lượng sự sống trong thực hành mát-xa Thái có thể là do chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, các kỹ thuật thực tế làm cho mát-xa Thái trở nên độc đáo thì hoàn toàn do người Thái phát minh ra và lưu truyền qua nhiều thế hệ," bà nói.

Mát-xa Thái có hai phương thức: mát-xa dân gian và mát-xa cung đình.


Mát-xa dân gian Thái được thực hiện ở vùng nông thôn, và người thực hiện sử dụng tay, khuỷu tay, đầu gối và bàn chân của mình để giúp giảm đau cơ bắp cho dân làng. Đây là hình thức phổ biến nhất ở Thái Lan và trên toàn thế giới.

Mát-xa cung đình Thái là cách riêng của các ngự y thực hiện trong chốn hoàng cung, khi mà người chữa bệnh chỉ sử dụng tay và đầu ngón tay của mình để điều trị, không sử dụng cánh tay. Đây là phương pháp mà Bộ Y tế Công Thái Lan khuyên các phòng mát-xa trị liệu tại các trung tâm y tế cộng đồng và bệnh viện nên áp dụng.


Dù là cách thức nào đi chăng nữa, từ nhiều thế kỷ nay - mỗi hình thức mát-xa Thái nêu trên đều luôn bắt đầu với việc người làm mát-xa cất lời cầu nguyện biết ơn các sư phụ và cầu xin được giúp đỡ để chữa lành cho người bệnh.

"Chúng tôi sẽ nghĩ tới các sư phụ của mình và Chiwaka Komparaphat (danh y người Thái Lan, là người theo đạo Phật), người được coi là tổ phụ của nghề thuốc cổ truyền Thái Lan," Serat Tangtrongchitr, Giám đốc Trường Wat Pho cho biết.

"Chúng tôi cảm ơn các sư phụ và cầu nguyện họ giúp chúng tôi chữa lành cho khách."

Xóa bỏ tai tiếng của 'dịch vụ mát-xa' biến tướng

Chùa Wat Pho được biết đến như là nơi sản sinh ra mát-xa Thái truyền thống

Sau khi hình ảnh Nuad Thai bị quân đội Hoa Kỳ làm vấy bẩn với việc bị biến tướng thành thứ dịch vụ khác trong thời Cuộc chiến Việt Nam, năm 1985, chính phủ Thái Lan đã khởi động Dự án Hồi sinh Mát-xa Thái, một chương trình lấy lại sự thực hành mát-xa như một liệu pháp điều trị và giúp rũ bỏ hình ảnh đầy tai tiếng của môn này.

Các chuyên gia từ các lĩnh vực y tế công cộng, y học cổ truyền Thái Lan và mát-xa trị liệu đã làm việc cùng nhau để tạo ra một loạt các chương trình giảng dạy xác định những nguyên tắc và kỹ thuật của mát-xa Thái.

Dự án mất ba năm để hoàn thành và tập trung vào sự an toàn, hiệu quả trị liệu và quy tắc ứng xử khi hành nghề. Ngày nay, các nhân viên trị liệu mát-xa Thái phải đạt đủ 800 giờ học thì mới được cấp phép hành nghề.


Liệu pháp đã giúp nông dân Thái Lan phục hồi sung sức sau ngày dài lao động vất vả nay cũng trở thành một phần của chăm sóc y tế chính quy. Các bệnh viện Thái Lan hiện sử dụng Nuad Thai để phục hồi bệnh nhân đột quỵ và bệnh nhân tiểu đường, kết hợp với những phác đồ điều trị khác.

Nó cũng đã phát triển thành một ngành kinh doanh trị giá hàng triệu đô la, cung cấp sinh kế cho nhiều người Thái, bao gồm cả những người trước đây từng phải đứng bên lề xã hội.

Hiện nay có các trường dạy mát-xa Thái dành cho người khiếm thị ở Bangkok và Chiang Mai, và Trại Phục hồi Nhân phẩm phụ nữ ở Chiang Mai cũng có một trường dạy mát-xa cho các trại viên.


Nuad Thai cũng tỏ ra là một hoạt động thu hút mạnh đối với khách du lịch - dưới hình thức trải nghiệm mát-xa hoặc tự học các kỹ thuật xoa bóp.

Các trường mát-xa Thái như Trường Mát-xa Wat Pho và Trường Mát-xa Thái Lan (TMC) tại Chiang Mai, do Chaithavuthi đồng sáng lập, đã thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến từ Peru và Bắc Mỹ.

"Đào tạo thực hành yêu cầu rất khắt khe," Ashleigh Guthrie, nhà trị liệu người Anh đã theo học tại trường mát-xa Wat Pho, nói. "Các kỹ thuật đòi hỏi bạn phải có một thể chất khỏe mạnh vì nó là một phương pháp thực sự vận động liên tục. Nhanh nhẹn và linh hoạt cũng là tố chất phải có để làm chủ nghệ thuật của các bài tập kéo giãn cơ."

Các nhân viên trị liệu mát-xa Thái phải đạt đủ 800 giờ học trước khi được cấp phép hành nghề

Paul Buffel, một cựu chuyên gia tiếp thị người Canada, đã chọn học tại TMC ở Chiang Mai. Ông tin rằng việc thực hiện chuyến bay kéo dài 30 giờ quả là xứng đáng.

"Mát-xa Thái được hiểu rõ nhất, được tích hợp và thể hiện qua lăng kính của văn hóa Thái Lan," ông nói. "Người dân Thái, đất đai và văn hóa Thái Lan được thể hiện đầy đủ trong qui trình thực hành mát-xa Thái."

Mặc dù tất cả người dân Thái Lan hiện đều có quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí của chính phủ, nhưng các thầy lang nơi làng quê vẫn ảnh hưởng đến văn hóa Thái Lan cho đến tận ngày nay. "Chúng tôi vẫn sử dụng thuốc thảo dược Thái Lan, và mát-xa Thái là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi," Chaithavuthi nói.


Tangtrongchitr thì tin rằng liệu pháp cổ xưa này hiện càng ý nghĩa hơn bao giờ hết. "Có thể xung quanh chúng ta đông nghẹt người đấy, song thế giới hiện đại này dường như lại chỉ đơn độc có mỗi mình ta mà thôi. Mát-xa Thái giúp thu hẹp sự xa cách này, chữa bệnh và tạo sự kết nối giữa người với người."

Claire Turrell
BBC Travel
Link tiếng Anh:

ĐẤT HIẾM, ĐIỂM YẾU CỦA MỸ TRONG CUỘC ĐỌ SỨC VỚI TRUNG QUỐC

Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ lệ thuộc Trung Quốc. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng ý thức được về nghịch lý này và đã có những bước chuẩn bị đề phòng Bắc Kinh cắt nguồn cung cấp « nguyên liệu của thế kỷ 21 », như nhận định của nhà báo Guillaume Pitron, tác gia cuốn « Chiến tranh kim loại hiếm », NXB LLL (2018).

Một mỏ khai thác đất hiếm tại vùng Nội Mông. Trung Quốc kiểm soát 95 % sản lượng toàn cầu. REUTERS/Stringer

Truyền thông quốc tế dồn dập đưa tin về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ mùa xuân 2018 với những vòng đàm phán kéo dài, rồi đến thỏa thuận bán phần, trong đó hai đối thủ tuyên bố tạm buông vũ khí.

Ở hậu trường, bộ Quốc Phòng Mỹ lặng lẽ mở lại hồ sơ đất và kim loại hiếm và đã có những bước quan trọng nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nhà cung cấp gần như độc quyền của thế giới, đó là Trung Quốc.

Gần đây nhất, hãng tin Anh Reuters tiết lộ tháng 4/2020 Lầu Năm Góc quyết định tài trợ trở lại cho hai dự án khai thác đất hiếm nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự của Hoa Kỳ. Hai dự án nói trên liên quan đến các mỏ đất hiếm tại Texas và California : mỏ thứ nhất do tập đoàn Úc Lynas cùng khai thác với một đối tác Mỹ và mỏ thứ nhì do tập đoàn MP Materials quản lý. Ngoài ra, vẫn theo Reuters, chính phủ Mỹ sắp thông báo hỗ trợ cho MP trong một dự án thứ ba tại bang Nevada.

Sự can thiệp trực tiếp của bộ Quốc Phòng

Trong giai đoạn từ 2004 đến 2017 có đến 80 % kim loại hiếm Hoa Kỳ mua vào đều xuất xứ từ Trung Quốc. Ông khổng lồ châu Á này kiểm soát 40 % các mỏ dự trữ kim loại hiếm của thế giới (Việt Nam 18 % và Mỹ 1 %, theo nghiên cứu của Trung tâm địa chất Hoa Kỳ US Geological Survey). Năm 2018, Trung Quốc là nguồn cung cấp 70 % đất hiếm tiêu thụ trên toàn cầu và cho đến hiện tại 90 % đất hiếm được khai thác từ các khắp nơi trên thế giới đều phải nhờ đến Trung Quốc sàng lọc, để từ « đất » trở thành « kim loại » và có thể cung cấp cho các tập đoàn công nghiệp.

Tháng 5/2019, đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc đến thăm một nhà máy khai thác kim loại hiếm ở Giang Tây, tại Washignton, Lầu Năm Góc công bố một báo cáo với mục tiêu « giảm mức độ lệ thuộc của Hoa Kỳ vào đất hiếm Trung Quốc ». Bộ Quốc Phòng Mỹ chủ trương « trích xuất các khoản ngân sách cần thiết cho việc khai thác, xử lý và tích trữ các nguồn kim loại thiết yếu đối với an ninh quốc gia ».

Nhà báo Guillaume Pitron

Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Guillaume Pitron, chuyên nghiên cứu về đất hiếm và là tác giả của nhiều bộ phim tài liệu, nhiều bài phóng sự và cách nay hai năm cho ra mắt công chúng cuốn sách mang tên Chiến tranh Kim Loại Hiếm, Mặt Trái của Tiến Trình Chuyển Đổi Năng Lượng và Kỹ Thuật Số, NXB LLL (2018), không chút ngạc nhiên về việc bộ Quốc Phòng Mỹ trực tiếp can thiệp vào hồ sơ này.

Guillaume Pitron: Về phía Trung Quốc, hơn bao giờ hết, nước này ý thức được về thế thượng phong đang có được đối với Mỹ. Đây đương nhiên là một lợi thế cả về thương mại, lẫn công nghiệp và nhất là về mặt chiến lược. Không có đất hiếm của Trung Quốc, Mỹ không thể phát triển công nghệ chế tạo vũ khí, không có chiến đấu cơ F-35 hay xe bọc thép Abraham …

Vào lúc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang lên đến cao trào vào năm 2019, ông Tập Cận Bình đã viếng thăm một nhà máy khai thác kim loại hiếm ở Giang Tây, miền nam Trung Quốc. Truyền thông nước này đã loan tin rộng rãi về sự kiện nói trên, như để ngầm nhắc nhở Washington đây là điểm yếu của Hoa Kỳ.


Về phía Mỹ, phản ứng của Washington bao hàm từ vế chính trị đến công nghiệp. Hoa Kỳ tìm cách giảm mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc từ khâu khai thác các quặng mỏ, sàng lọc để có được kim loại hiếm. Thế rồi khâu thứ ba là biến các kim loại hiếm này thành nam châm. Chỉ dưới dạng sau cùng này mới có thể phục vụ cho các công nghệ cao. Dân biểu bang Florida, Marco Rubio và thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz đã vận động để cho ra đời một đạo luật cho phép khởi động lại các mỏ đất hiếm ở Mỹ.


Kế đến các tập đoàn công nghiệp đã nhập cuộc để khai thác mỏ đất hiếm ở bang Texas. Tuy nhiên khâu tiếp theo là sàng lọc để chắt ra được các kim loại hiếm và để chúng có thể được đưa vào các khâu sản xuất … Tất cả những giai đoạn này đòi hỏi rất nhiều thời gian, có thể là nhiều năm. Lầu Năm Góc can thiệp trực tiếp vào hồ sơ này, vì đây là một vấn đề liên quan đến an ninh của bản thân Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Mỹ huy động nhiều đối tác trong dự án này.


Hiện tại ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ chỉ sử dụng một khối lượng kim loại hiếm tương đương với 1 % nhu cầu của cả nước, theo như báo cáo năm 2016 của Viện Kiểm Toán Quốc Gia.


Nhìn rộng ra hơn, Mỹ là nguồn tiêu thụ đến 9 % đất hiếm của thế giới. Cho đến năm 2019, Mountain Pass tại bang California gần như là mỏ duy nhất còn hoạt động. Nhưng trớ trêu thay là 50.000 tấn đất hiếm được khai thác mỗi năm đều phải gửi sang Trung Quốc để được chế biến và trở về lại Hoa Kỳ dưới dạng kim loại.

Khởi động lại chuỗi cung ứng: nói dễ làm khó

Vẫn theo báo cáo của Lầu Năm Góc, đến năm 2022 « sẽ có thêm ba cơ sở khác đi vào hoạt động ». Trong một bài báo gần đây, Le Figaro tiết lộ núi Round Top Mountain tại bang Texas, cách không xa biên giới với Mêhicô, có thể là một giải pháp giúp Mỹ tự lập hơn về kim loại hiếm. Đây là nơi cất giữ 16 trong số 17 khoáng chất « hiếm » rất cần thiết đối với nền công nghiệp điện tử cao cấp. Tiềm năng khai thác trải dài trên 130 năm

Trước Lầu Năm Góc, tổng thống Donald Trump từ cuối tháng 12/2017 đã ban hành một sắc lệnh nhằm « bảo đảm các nguồn cung cấp chắc chắn và đáng tin cậy về các loại khoáng sản mang tính sống còn » đối với an ninh quốc gia. Đất hiếm cũng như uranium có tên trong danh sách gồm 35 mặt hàng này.

Có điều, như chuyên gia về kim loại hiếm Guillaume Pitron vừa nói, khai thác đất hiếm là cả một dây chuyền công nghiệp và đòi hỏi công nghệ đặc biệt. Vậy tới nay; cụ thể Mỹ đã làm được những gì để giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc ? Guillaume Pitron trả lời :

Guillaume Pitron: Hiện tại Mỹ đã mua lại tập đoàn Hitachi của Nhật, một vài công ty Hoa Kỳ làm chủ được công nghệ này, nhưng chỉ sản xuất ở mức độ cò con, không đủ để bảo đảm nhu cầu trên toàn quốc. Năm 2010 Viện Kiểm Toán Nhà nước của Mỹ trong một báo cáo thẩm định rằng sẽ mất 15 năm để khởi động lại toàn bộ ngành khai thác đất hiếm và chế tạo kim loại hiếm. Cần một quãng thời gian dài như vậy do ở đây liên hệ đến ít nhất là 5 hay 6 lĩnh vực công nghiệp khác nhau, với những kỹ thuật rất khác biệt. Thành thử nói Mỹ cần giảm mức độ lệ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc là một chuyện, làm được việc đó hay không lại là chuyện khác. Tương tự như vậy, khai thác mỏ đất hiếm là một chuyện, làm chủ được toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất kim loại hiếm lại là chuyện khác ».


Một trong những giải pháp khác Hoa Kỳ đang hướng tới trong khi chờ đợi kích hoạt lại dây chuyền sản xuất đất hiếm trên lãnh thổ Mỹ, đó là đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Hiện tại, ngoài Trung Quốc Mỹ có thể trông chờ vào ba đối tác khác, gồm Pháp, Estonia và Nhật Bản. Tuy nhiên, cả ba đều chỉ có khả năng cung cấp hạn hẹp. 
 
Trung Quốc một mình một chợ


Một nhà phân tích trong ngành được báo Le Figaro trích dẫn nhìn nhận, nếu như Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và một số các nước khác trên thế giới không nhanh chóng bảo đảm được các nguồn cung cấp kim loại hiếm và độc lập với Trung Quốc, thì sẽ « đến lúc chỉ còn có một mình Trung Quốc có khả năng sản xuất trang thiết bị công nghệ cao ».


Không chỉ ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ có nhu cầu tiêu thụ kim loại hiếm. Vào lúc mà Hoa Kỳ đang đánh cuộc vào thị trường xe hơi điện, nhu cầu về đất hiếm của Mỹ ngày càng lớn. Đòi hỏi độc lập với nhà cung cấp chính là Trung Quốc càng cấp bách. Tập đoàn USA Rare Earth đã rầm rộ thông báo khánh thành nhà máy chế biến đất hiếm đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc tại bang Colorado. Phía Mỹ cũng liên tục mở rộng đối tác với các tên tuổi trong ngành của Úc hay Nhật Bản. Cũng USA Rare Earth cho biết sẽ hợp tác với Hitachi của Nhật để mở một nhà náy tại bang Bắc Carolina với khả năng đáp ứng đến 17 % nhu cầu tiêu thụ của Hoa Kỳ.

Tất cả những dự án ít nhiều đã đi vào hoạt động nói trên cho thấy Mỹ đã có những bước tiến rất dài để dần dần tách rời khỏi nhà cung cấp gần như độc quyền của thế giới là Trung Quốc. Dù vậy chuyên gia về đất hiếm Guillaume Pitron cho rằng thế thượng phong của Trung Quốc trong lĩnh vực này không hề bị đe dọa :

Guillaume Pitron: Trung Quốc vẫn còn một lợi thế rất lớn so với Mỹ. 95 % đất hiếm sản xuất ra trên thế giới là từ Trung Quốc và có khoảng từ 70 đến 75 % nam châm kim loại hiếm cũng từ các nhà máy Trung Quốc mà ra. Đây là một lợi thế cả về mặt công nghiệp lẫn công nghệ mà chưa một ai có thể qua mặt được Trung Quốc. Cần nói thêm là Bắc Kinh đã mất hàng chục năm để leo lên đến đỉnh trong nấc thang công nghệ đó. Cho dù Hoa Kỳ có phát triển công nghiệp đất hiếm thì cũng không thể đảo ngược được tương quan lực lượng và Trung Quốc sẽ còn chiếm thế thượng phong trong nhiều năm nữa.

Thanh Hà
Theo: RFI Việt ngữ

CÂU CHUYỆN VỀ PENICILLIN

Câu chuyện về penicillin, liều thuốc kháng sinh và quả dưa lưới thay đổi lịch sử

Chúng ta còn sống ngày nay thật ra là nhờ một quả dưa lưới bị mốc đấy


Câu chuyện về penicillin thực sự bắt đầu vào năm 1929 với Alexander Fleming, một bác sĩ và nhà nghiên cứu tại bệnh viện St. Mary, London. Quay trở lại phòng thí nghiệm dưới tầng hầm của mình sau kì nghỉ mát, ông thấy một chiếc đĩa chưa rửa đã bắt đầu có nấm mốc bị nhiễm liên cầu khuẩn. Nhưng điều đáng nói ở đây là Fleming cũng nhận ra rằng quầng sáng trắng xung quanh nấm mốc đã giết chết vi khuẩn truyền nhiễm này. Mặc dù đây thật sự là một khám phá quan trọng, nhưng các nhà khoa học bây giờ cũng chỉ xem Fleming là một trong nhiều nhà khoa học đã khám phá ra loại thuốc thần kỳ diệu, nhưng không thể nhận ra tiềm năng của nó.

Fleming đã phát hiện bản chất kháng sinh có trong nấm Penicilium. Trong những tháng tiếp theo sau khi phát hiện ra, Fleming đã có thể nuôi cấy nấm mốc trong một loại nước dùng lỏng, chuyển qua bộ lọc có đặc tính kháng khuẩn mạnh. Tuy nhiên, nhiều người thời đó không biết rằng việc tìm đúng chủng nấm mốc để sử dụng là điều vô cùng khó khăn, có thể những mẫu nấm tìm được không đúng loại, hoặc sẽ không có khả năng sinh sôi mạnh mẽ. Sản lượng nấm mà Fleming tìm ra có sản lượng rất nhỏ, không ổn định, và thời gian phản ứng cũng rất chậm. Fleming đã định từ bỏ nỗ lực sau hơn 2 năm tìm kiếm không có kết quả.


Tua nhanh đến năm 1942, Anne Miller, một phụ nữ trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, mê sảng, và đang mất dần ý thức. Cô đã bị nhiễm liên cầu khuẩn, một căn bệnh cực kì phổ biến trước và trong thời gian xảy ra Thế Chiến thứ hai, và cái chết đang ngày càng đến gần với cô gái trẻ.

Trong lúc nguy cấp, các bác sĩ tại bệnh viện New Haven quyết định mang về cho cô một mẻ thuốc thử nghiệm chưa được bán. Loại thuốc này vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa đủ ổn định để mang đi bán hay sử dụng ở bất cứ nơi nào. Kì lạ thay, Miller hạ sốt, dần tỉnh lại chỉ sau một đêm dùng thuốc. Nhưng điều đáng buồn ở đây là loại thuốc này lúc đó cực kì ít và vẫn còn đang được nghiên cứu, nên các bác sĩ đã lấy mẫu nước tiểu của Miller để gửi về cho cơ sở nghiên cứu ở New Jersey để tiếp tục thực hiện các thí nghiệm. Và loại thuốc đó chính là penicillin.


Chỉ 1 năm sau đó, một tiến sĩ nghiên cứu của Phòng thí nghiệm nghiên cứu khu vực phía Bắc của Bộ nông nghiệp ở Illinois tên Mary Hunt đã thay đổi tất cả mọi thứ người bấy giờ biết về penicillin. Trong một ngày đi shopping, Mary quyết định đi tìm ở tất cả các chợ và siêu thị đủ loại đồ đã bị mốc: Từ bánh mì, rau quả, cho đến trái cây.


Sau một chuyến tìm kiếm dài, Mary mang về phòng thí nghiệm của mình một quả dưa lưới đã bị mốc, và những gì xảy ra tiếp theo đã cải thiện hoàn toàn tiến trình chữa bệnh của lịch sử.

Cô đã tìm thấy một chủng nấm mốc Penicilium có thể được sử dụng để sản xuất hàng loạt penicillin. Trước đó, penicillin vẫn chưa được tổng hợp với số lượng lớn vì công trình của các bác sĩ như Alexander Fleming vẫn chưa hoàn thiện. Nhờ phát hiện này, cô đã được đặt biệt danh là Mouldy Mary (Mary Mốc Meo). Biến thể của chủng nấm này mang lại gấp 1000 lần lượng penicilin như chủng mà Fleming đã phát hiện ra. Trong vòng 2 năm, 100 tỷ đơn vị penicillin đã được sản xuất mỗi tháng (một đơn vị penicillin là 0,6 microgram). Tất cả các chủng penicillin ngày nay chúng ta sử dụng đều là hậu duệ của mẫu nấm gốc trong quả dưa lưới năm 1943 mà Mary đã tìm ra.

Mẫu nấm mốc 90 năm tuổi để sản xuất penicillin lần đầu được tạo ra bởi Alexander Fleming được bán đấu giá với mức giá khổng lồ 15.000 USD.

Với chiến tranh thế giới thứ hai chuẩn bị bùng nổ, nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh lại trở nên cực kì bức thiết. Vào năm 1940, nhóm tiến sĩ do Howard Florey và Ernst Chain tại Đại học Oxford dẫn đầu đã xem lại các nghiên cứu của Fleming, và cố gắng phát triển các phương pháp để có thể cải thiện số lượng penicillin. Vì London lúc này đã bị đánh bom, nên họ đã đưa dự án sang New York và sau đó là Illinois, nơi Bộ phận nghiên cứu lên men mới của Phòng thí nghiệm nghiên cứu khu vực phía Bắc đang nghiên cứu quá trình chuyển hóa của nấm mốc.

Mặc dù ở đó đã có rất nhiều chủng nấm mốc khác nhau, nhưng có rất ít trong số đó có khả năng điều chế thành penicillin. Các nhà nghiên cứu bắt tay vào một trong những dự án có thể nói là do cộng đồng tài trợ đầu tiên. Họ kêu gọi công chúng gửi đến các mẫu đất, hạt mốc, trái cây và rau quả. Và chỉ với quả dưa lưới khiêm nhường đó, penicillin bắt đầu được sản xuất với số lượng lớn, cứu mạng sống của nhiều người cho đến cuối cuộc chiến, mở ra thời kỳ hoàng kim đối với y học. Cho đến năm 1945, đã có hơn 1 triệu người được dùng penicillin để chữa trị, đây là một bước tiến lớn so với con số ít ỏi 1000 từ năm 1943.


Tôi đã có cảm giác rằng đây sẽ là thứ gì đó tốt, nhưng tôi không ngờ rằng nó lại tốt đến mức này.                                                                     
- Alexander Fleming trong bài phát biểu khi nhận giải Nobel Y Học, tại buổi tiệc Nobel ở Stockholm ngày 10/12/1945 cùng với Ernst B. Chain & Howard Florey.

KaGe (tổng hợp)