Thursday, December 31, 2020

MÓN CANH "MẠNH BÀ" ĐỂ THỰC KHÁCH QUÊN ĐI MỌI PHIỀN MUỘN

Nhiều thực khách sẵn lòng đứng xếp hàng chờ lâu để được thưởng thức món canh vốn dĩ chỉ xuất hiện trong truyền thuyết Trung Hoa.


Một nhà hàng ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, thu hút rất đông thực khách tới thưởng thức món canh lạ tai: "Canh Mạnh Bà" (孟婆湯).

Đó vốn là món canh chỉ xuất hiện trong truyền thuyết Trung Hoa. Theo lời kể của quản lý nhà hàng, đây là món ăn giúp thực khách tạm quên đi những muộn phiền trong cuộc sống, cũng như tình hình dịch bệnh đang hoành hành khắp thế giới.

Món canh Mạnh Bà để thực khách quên đi mọi phiền muộn

Trong trang phục cổ trang, một người đảm nhiệm vai trò của Mạnh Bà, chế biến món canh trong chiếc nồi to để múc phục vụ khách. Xung quanh, thực khách xếp hàng đông đến mức vượt khỏi dự kiến ban đầu. Trong đó, đa phần là giới trẻ. Nhiều người còn giơ điện thoại ghi lại khoảnh khắc "Mạnh Bà" múc canh, phục vụ khách.

Được biết, người nảy sinh ra ý tưởng trên là ông chủ nhà hàng họ Dương. Ông dựa vào những câu chuyện dân gian để tạo nên món canh vốn dành cho những người muốn quên đi những hỉ nộ ái ố cuộc đời. Từ điều này, ông Dương đã tạo nên món canh để muốn tặng miễn phí cho thực khách dùng thử, với tên gọi "canh Mạnh Bà" hay "canh quên lãng".

Lượng khách đông ngoài sự dự kến

Mạnh Bà vốn là một nhân vật xuất hiện trong nhiều truyền thuyết Á Đông, gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và đạo Mẫu (Tứ Phủ) Việt Nam.

Theo thần thoại Trung Hoa, sau khi con người qua đời, linh hồn họ sẽ đi qua con đường gọi là Hoàng Tuyền lộ. Phía cuối đường bắc qua dòng nước là cầu Nại Hà. Những linh hồn đầu thải chuyển khiếp làm người đều qua nơi này, uống một bát canh của bà lão có tên Mạnh Bà để quên đi kiếp trước.

Nhân vật Mạnh Bà trong truyền thuyết Trung Hoa với món canh để quên lãng kiếp trước

Có lẽ món canh của ông Dương không thể giúp bỏ đi muộn phiền trong cuộc sống, nhưng rõ ràng sự hào phóng của ông chủ nhà hàng này là điều cần thiết cho cộng đồng, ít nhất vào thời điểm dịch bệnh như hiện tại.

Quốc Việt
Theo Ruply/ WK


BIẾT CÁCH ‘BUÔNG’ VÀ ‘GIỮ’, CUỘC SỐNG SẼ TỰ AN NHIÊN

Người ta thường nói rằng, cuộc đời như một chuyến đi xa. Trên nẻo đường đời, mỗi chúng ta đều phải băng qua rất nhiều cung bậc, và vô số các ngã rẽ khác nhau, vậy bạn sẽ học cách “buông” và “giữ” như thế nào để ‘lộ trình cuộc sống’ của mình luôn đồng hành với niềm vui và hạnh phúc?…


Đi nhiều để có thể trải nghiệm nhiều hơn, trên con đường mà mình đã lựa chọn. Và đến một ngày, chúng ta đều nhận ra rằng, ‘Cuộc sống chính là cho đi, mà không cần nhận lại’. Có những sự việc, thực sự ta cần phải buông bỏ, thì mới có thể tiếp tục bước tiếp về phía trước. Song có những việc, ta phải gánh trên vai mà đi… Có đôi lúc, cuộc sống thực sự khiến cho ta cảm thấy mệt mỏi. Và khi đứng trước một câu hỏi, ta phải phân vân để tìm ra đáp án cho mình.

Vậy, điều gì khiến cho chúng ta phải băn khoăn?

Có một câu chuyện vui, nói về giá trị của việc hiểu được sự buông bỏ trong cuộc sống như sau: Một hôm, Giáo sư đem lên giảng đường một cốc nước. Ông nhẹ nhàng giơ cốc nước lên, và mời các học viên của mình đoán về trọng lượng của nó. Các học viên trong lớp lần lượt đưa ra các đáp án. Đến lượt một sinh viên nọ, anh ta nói:

– Chiếc cốc này có thể nhấc lên bằng một tay, thì khẳng định là nó rất nhẹ.

Vị Giáo sư đáp:

– Điều đó là đương nhiên! Nhưng hãy thử nhấc lên, và giữ nguyên như vậy trong một phút, thì kết quả sẽ như thế nào?

Tất cả đều đồng thanh trả lời:

– Không thành vấn đề…!

Giáo sư tiếp tục hỏi:

– Vậy, nếu ta nhấc nó lên và giữ nguyên như thế trong một giờ đồng hồ?

Một sinh viên mạnh dạn nói:

– Làm như vậy sẽ rất mỏi, và thậm chí cánh tay sẽ cảm thấy đau đớn đến mức không thể nào chịu nổi.


Đây cũng chính là câu trả lời, mà vị Giáo sư muốn nghe. Vị Giáo sư già ôn tồn, nói:

– Các bạn biết không? Trong cuộc sống, người ta sẽ phải trải qua rất nhiều đau khổ! Nó cũng giống như chiếc cốc mà các bạn đang cầm trên tay, không cần biết là bên trong chứa bao nhiêu nước. Chỉ cần, ta cầm nó lên và giữ nó trong một thời gian lâu, thì sẽ càng ngày càng đau mỏi. Và nếu cứ tiếp tục kéo dài như thế, thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ hoàn toàn không thể chịu đựng được nữa. Điều đó có nghĩa là: Nếu như trong cuộc sống, chúng ta có thể học được cách buông bỏ, thì rất nhiều đau khổ sẽ không còn nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng: “Buông bỏ chính là một sự thu hoạch lớn trong cuộc sống!”. Đó là điều đầu tiên, mà chúng ta cần phải học. Và chỉ khi, chúng ta thực sự học được cách buông bỏ, và làm thật tốt điều đó, thì cuộc sống mới có thể trở nên tốt đẹp hơn.

Buông bỏ dục vọng, quay về bản chất thiện lương

Phàm là một con người, ai ai cũng mong muốn được sống trong cảnh giàu sang và danh tiếng. Điều đó chẳng có gì là sai cả, vì phú quý và danh vọng có thể khiến cho cuộc sống của mỗi chúng ta trở nên tốt đẹp hơn trong xã hội nhân loại. Nhưng xét cho cùng, vị thế hoàn toàn không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá về chất lượng cuộc sống là tốt, hay là kém.


Một tỷ phú, một doanh nhân, hay một ngôi sao danh tiếng lẫy lừng trên màn bạc… chưa chắc họ đều có một cuộc sống thực sự hạnh phúc, và thảnh thơi như chúng ta tưởng. Sự thật là trong xã hội hiện nay có rất nhiều người, tuy rằng họ có rất nhiều tiền, và rất nổi tiếng. Nhưng chưa hẳn, họ đã cảm thấy hạnh phúc và khoái lạc trong tâm, thậm chí không có một phút giây nào được bình an, quả đúng là:

“Sinh thời được ấm êm là mấy
Lợi – tình – danh đủ thấy bận lòng
Đèo bòng, theo đuổi, đếm đong
Xuôi tay nhắm mắt tay không nghẹn ngào”…

[Vô danh cư sỹ]

Vậy nên biết tiết chế dục vọng, quay trở về với bản tính thiện lương và các giá trị đạo đức nhân văn cao đẹp, ấy mới thực sự là cội nguồn hạnh phúc.

Buông bỏ quá khứ, và đối diện với tương lai

Chúng ta hãy cùng xem xem, một hoàn cảnh trong cuộc sống hết đỗi đời thường như thế nào? Tình huống như sau:

Trong lúc rửa bát, và người vợ không cẩn thận làm vỡ bát. Lúc này, người chồng sẽ phản ứng ra sao? Nếu là một người chồng tử tế, và thông minh. Anh ta sẽ nói:

“Không sao đâu em, ngày mai chúng ta sẽ cùng đi mua một bộ mới nhé!”. Nhưng vẫn có những người, họ không thể bao dung được đến như thế. Trước tiên họ sẽ trách mắng, và chỉ cần mở miệng là sổ luôn một tràng: “Cô sao mà hậu đậu như thế? Ngay cả một cái bát, cô cũng không cầm nổi!”… Nếu hành xử như vậy, có thể sẽ làm nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, từ một vấn đề rất nhỏ nhặt, và nhiều chuyện không hay có thể sẽ xảy ra như: Cãi vã, đánh lộn, ly thân, v.v… và không khó để đoán rằng kết quả sẽ ra sao. Chi bằng, hãy biết buông bỏ những điều không hay và luôn luôn thể hiện là một người sống bao dung, độ lượng. Học cách lãng quên đi những buồn đau, oán thù trong quá khứ cũng chính là để nhớ rằng, ta đang có một tương lai tốt đẹp, vậy xin hãy:

“Viết oán thù lên cát
Để cho gió cuốn đi
Và xin hãy khắc ghi
Lòng biết ơn lên đá

Trăm sông dồn biển cả
Nhờ biết hạ thấp mình
Gió vô ưu vô hình
Nhờ buông – không vướng víu”…

[Vô danh cư sỹ]


Biết nắm bắt cuộc sống, mới hay vị của cuộc sống…

Trong một bài văn hay, có đoạn viết: “Cuộc sống như là một chuyến xe đi tới phía cuối đời, và trên đường đi sẽ có rất nhiều trạm dừng chân. Nhưng thật khó để tìm được người nào có thể đồng hành cùng bạn, suốt từ đầu cho đến cuối chặng đường. Khi người đồng hành cùng bạn muốn xuống xe; cho dù muốn hay không, dù là vui hay buồn, hãy giữ lại cảm xúc trong lòng mà nói: ‘Tạm biệt!’. Một người rời đi, rồi sẽ có người dũng cảm tiến đến. Đây chính là hình dạng chân thực của cuộc sống, và bằng cách này cuộc hành trình mới thực sự có thêm thú vị”.

Trong kiếp nhân sinh, chúng ta luôn mong muốn có được cuộc sống hânhj phúc và thi vị. Đây cũng được gọi là một trạng thái ‘tiến vào và thoát ra’ – Học cách buông bỏ, nhưng đồng thời cũng phải học cách ‘nắm lấy’. Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn, và cơ hội không gõ cửa nhà ai hai lần. Vì vậy, hãy nắm lấy thời cơ!

Nắm lấy trách nhiệm, và gánh vác nó

Chúng ta phải có trách nhiệm gánh vác, và đảm đương tất cả mọi việc trong cuộc sống. Khi một người biết gánh vác trách nhiệm trên đôi vai của mình, thì chính là đã thực sự trưởng thành. Chăm sóc bố mẹ, nuôi dạy con cái, có trách nhiệm đối với công việc và đóng góp cho xã hội,v.v.. Đó chính là những điều mà mọi người đều phải có trách nhiệm gánh vác, và đảm đương. Có như thế, cuộc sống của bạn mới đầy đủ hương vị.

Làm người sống trên đời, biết được trách nhiệm mà mình đang gánh trên vai: chịu đựng càng nhiều, tất nhiên cũng sẽ được càng nhiều.

Nắm lấy niềm hứng khởi trong cuộc sống…

Có người nói rằng: “Tôi đến thế giới này, không có mục đích gì ngoài kỳ vọng sẽ minh bạch được một vài đạo lý. Một khi gặp được những thứ mà tôi cảm thấy hứng thú, thì như vậy đã thực sự toại nguyện rồi!”

Đảm đương trách nhiệm, xả bỏ đi những thứ xấu trong con người, không có nghĩa là quên đi bản thân mình. Bất cứ khi nào, ở tại hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải yêu thương cuộc sống này. Đối với thế giới này, ta luôn luôn quan tâm với một niềm thôi thúc mãnh liệt, để yêu và coi cuộc sống như một sự khởi đầu mới.


Xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và nó cũng khiến cuộc sống của rất nhiều người trở nên quá vội vã. Đến nỗi, ‘linh hồn không theo kịp bước chân của người ta’. Và một khi linh hồn bị rớt lại phía sau, thì cũng có nghĩa là con người sẽ chỉ như một cỗ máy: cứng nhắc, buồn tẻ và ảm đạm… Điều đó có đáng sợ không? Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều người cảm thấy thấm mệt với cuộc sống, thậm chí họ bị bế tắc vì không tìm ra lời giải cho cuộc đời. Bởi lẽ, cuộc sống là một phạm trù quá mênh mông và phức tạp. Một người bình thường, sẽ không thể nào lý giải cho đúng được.

Người xưa thường nói: “Đại đạo quý dung dị” (Đại đạo rất giản dị). Nếu mỗi chúng ta đều có thể sống hết mình, ai ai cũng biết trân quý cơ hội được sống trên cõi đời này, và thực sự thấu hiểu đạo lý đích thực của một kiếp nhân sinh. Như vậy, cuộc sống xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, và tất nhiên chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Theo: Lặng Nhìn Cuộc Sống

CÁ LÓC NHỨT ĐẦU NHÌ MÌNH

Sài Gòn nhiều tiệm bánh canh cá lóc có bán thêm món đầu cá lóc. Nhiều người khoái ăn bánh canh gọi thêm cái đầu cá lóc. Tôi chưa thử. Có một hôm thổ địa Sài Gòn Lê Văn Nghĩa rủ tôi và hai người bạn nữa nhậu đầu cá lóc. Vỡ lòng món này dịp đó. (Ngữ Yên)


Anh tự tay hấp và cho vào bình giữ nhiệt chở thẳng đến tiệm ăn nhẹ trên đường Ngô Thời Nhiệm sát bên cái mồ ma toà soạn Sài Gòn Tiếp Thị. Mỗi người một đầu. Lê Văn Nghĩa có vẻ hảo món này. Bốn cái thủ cấp ‘chà bá lửa’ với bộ đồ lòng lủng lẳng làm người ta dễ liên tưởng đến ó ma lai – người con gái rút cái đầu với bộ ruột lòng thòng đi ăn đêm bỏ cái xác lại nhà – trong những truyện tranh xưa.

Hôm đó thức chấm của món đầu cá là muối tiêu chanh. Pháp này không ưu. Theo tôi, hễ cá hấp, cá luộc gì cũng chấm mắm y. Mắm ngon cộng với chất ngọt từ thịt cá là một sự hoàn hảo. Và mắm chấm cá có hạn sử dụng nhất định. Chấm vài miếng, thay nước mắm mới. Cái ngon bền vững đến khi ăn hết. Và rùng mình kết thúc với độ béo của bộ đồ lòng. Muốn không rùng mình, phải ‘quy hoạch’ bằng cách dùng kéo cắt bộ đó ra nhiều miếng nhỏ. Cứ vài miếng cá một miếng lòng là ăn mà nhớ tới cái đầu khác trong những ngày sắp tới. Như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ‘ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới’. Tuyệt diệu nỗi nhớ để dành.


Lòng cá lóc là quý sản đối với dân miền Tây. Tôi được chỉ giáo điều đó trong một bữa nhậu ở Đầm Dơi, Cà Mau. Là bộ đồ lòng cá lóc dành cho người cao niên nhứt trong mâm. Ngưởi muốn ăn hay chia cho ai cũng đặng. Người khác lớ quớ đụng vào sẽ bị trừng phạt hoặc có khi bị vạ… tuyệt thông đấy. Nghĩa là bữa sau chẳng ai buồn mời người đó nhậu nữa.

Hôm 15/10/2020 tự nhiên nhớ lại món đầu cá lóc. Sài Gòn dễ gì có có lóc tự nhiên to con. Có có cũng ngoài tầm với trong mùa Covid, việc thì ít, mà ăn thì đều đều. Thôi thì chơi cá lóc nuôi. Ở chợ Thái Bình, quận 1, Sài Gòn, nếu chỉ mua đầu, giá tới 30.000, mà còn không có bộ đồ lòng. Mua nguyên con giá 48.000, người bán còn giúp làm cá, cắt đầu, để lại bộ đồ lòng dính theo đầu. Chị còn hỏi: “Lấy lòng nữa không?” “Lấy chớ.” Chị ta lay hoay lấy ra được một bộ. Trời đổ mưa, thôi đành không chờ chỉ kiếm thêm, vì sợ mắc mưa.


Nguyên con cá làm được tới ba món: đầu hấp, lườn ướp sả ớt chiên và đuôi và mình xắt thiệt mỏng kho tiêu cho mau thấm. Thiệt là lợi nhiều bề. Lui cui hấp hành, chụp hình minh họa. Vừa cúng hình lên ‘phây’, có cô gái bày: “Hôm nào hấp sả thử nhe chú!” Bèn hẹn những ngày sắp tới!

Hôm ở quán cùng với Lê Văn Nghĩa, không gian chật hẹp, muỗng, đũa nhiêu khê, ăn mất ngon một phần. Ở nhà, cứ tì tì mà ăn mà nhâm nhi, khi rút vào khoảng tự kỷ riêng của mình, hơi buồn vì nỗi thiếu tay, nhưng ngon diễm lệ qua từng miếng chấm với nước mắm cá linh.


Cá lóc lóc sâu vào ẩm thực của dân miền Nam. Có lẽ để chèo kéo khách trong Nam, dân Huế và Quảng Trị treo bảng dọc đường toàn món ‘cháo cá lóc’. Không còn cá tràu như họ vẫn gọi loại cá lóc đen. Người miền Tây phân biệt cá lóc đen và cá lóc bông gọi tắt là cá bông. Cá bông không dẻ thịt bằng cá lóc đen. Những người từng giao dịch với người miệt ngoải có khi gọi cá bông là cá quả.

Nhắc đến cá lóc làm nhớ lại những ngày sau năm 1975, thất học vì lý lịch, trở về quê nhà ở Vạn Giã làm ruộng. Lúc cao hứng bạn bè hay rũ đi câu cá trộm ở ao chùa, kiểu như Phùng Quán câu trộm cá ở Hồ Tây một thời. Bạn tập cho câu rê để nhử cá lóc. Lúc đó chỉ núp sau một gốc dừa cạnh ao chùa tha hồ câu. Hồi đó chùa vắng vẻ chớ không đông khách viếng như bây giờ. Hôm nào bắt được con cá người dân thả phóng sanh to kha khá, là bữa đó cả bọn xúm lại say la đà. Gặp bữa cá lóc dẫn theo bầy ròng ròng là chắc mẩm sẽ bắt được con cá mẹ, vì bảo vệ bầy cá con, nó thường trở nên nóng tính, dữ dằn.


Người miền Nam từ Sài Gòn xuống miền Tây khoái con cá lóc bao nhiêu, dân Mỹ hãi sợ loài cá này bấy nhiêu. Có loại cá lóc mà dân Mỹ gọi là cá đầu rắn phương Bắc được cho là loài xâm lấn mạnh, gây nguy hại cho môi trường. Có bang như Georgia có lịnh ‘Giết ngay lập tức’.

Đôi khi người Mỹ gán cho nó cái tên Frankenfish. Có lẽ họ từ cái tên Frankenstein, một nhân vật đã chế ra một tạo vật thông minh trong tiểu thuyết của Mary Shelley xuất bản năm 1818 bên Anh Quốc. Về sau, nghĩa của Frankenstein phái sinh thành quái vật. Gọi con cá lóc là Frankenfish vì cá mà biết đi bộ trên cạn, gọi nó là đầu rắn vì đầu nó giống con rắn. Từ cái tên này và từ con cá này, các nhà làm phim Mỹ ngẫu hứng đến ba bộ phim với nhan đề là Frankenfish, Snakehead Terror (Sự khủng bố của cá lóc) và Swarm of the Snakehead (Bầy cá lóc).

Ngữ Yên

Wednesday, December 30, 2020

NGÔI CHÙA "ĐẮT ĐỎ" NHẤT SINGAPORE

Tọa lạc trong khu phố Tàu của Singapore, Phật Nha Tự (佛牙寺) là một trong những ngôi chùa lớn nhất quốc đảo sư tử với kinh phí xâydựng khoảng 46 triệu USD. 


Tọa lạc tại khu phố người Hoa - South Bridge, Khu Di tích và Bảo tàng Phật Nha Tự là một điểm nhấn đẹp tại Singapore. Đây là một phức hợp kiến trúc đồ sộ gồm hệ thống đền thờ và bảo tàng nghệ thuật Phật giáo với sứ mệnh tập hợp, nghiên cứu và truyền bá văn hóa Phật giáo, đem đến cho mọi người sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa phong phú của Phật giáo qua những tác phẩm nghệ thuật trưng bày…


Được thiết kế bởi Hòa thượng Shi Fa Zhao với sự cố vấn của các chuyên gia trong, ngoài nước, Khu Di tích và Bảo tàng Phật Nha Tự được khởi công năm 2005 và khánh thành ngày vào tháng 5/2007, với tổng chi phí lên đến 62 triệu SGD (khoảng 46 triệu USD). Công trình gồm năm tầng nổi và một tầng hầm này là sự tổng hòa của ý tưởng Mandala với văn hóa nghệ thuật Phật giáo thời đại nhà Đường (Trung Hoa) theo trường phái mật tông Tây Tạng… Tên gọi “Phật Nha” xuất phát từ thực tế nơi đây có tôn giữ xá lợi Răng Phật được một vị đại sư Miến Điện truyền lại.


Đến với Khu Di tích và Bảo tàng Phật Nha Tự, du khách sẽ bị thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ nguy nga tráng lệ cùng màu sắc nổi bật của một công trình Phật giáo, vừa có nét cổ điển vừa mang tính hiện đại. Vào sâu bên trong, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi khám phá nhiều điều thú vị từ nghệ thuật đến tôn giáo, bởi ngoài việc thờ tự, nơi đây còn là một bảo tàng nghệ thuật Phật giáo.


Bỏ lại đằng sau sự huyên náo của phố phường đô hội, du khách có thể hòa mình vào cảnh trí trang nghiêm, thanh thoát của một ngôi chùa đầy uy nghiêm. Để tham quan hết các tầng của Phật Nha Tự, du khách có thể sử dụng thang bộ hoặc thang máy, đặc biệt hệ thống ghế điện để trợ giúp những người khuyết tật.


Khu vực tầng 1 được bố trí làm điện thờ chính với mười ngàn bức tượng Phật đính tường tượng trưng cho quan niệm Đức Phật nghìn mắt, nghìn tay phổ độ chúng sinh. Từ tầng 1 lên tầng 2 sẽ đi qua một tầng lửng, được bố trí làm sảnh Phật pháp, nơi đây chính là một bảo tàng về Bồ tát và các vị cao tăng, với nhiều tượng sáp các vị cao tăng nổi tiếng.

Điện thờ chính với mười ngàn bức tượng Phật đính tường


Tầng 2 là một tàng kinh các để trưng bày các bức thư pháp, tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc cùng những tài liệu Phật giáo đồ sộ. Tại đây có 3 giá sách lớn, bày biện rất khoa học và được bảo quản một cách nghiêm cẩn. Khu vực này được bố cục như một thư viện để các Phật tử có thể đến ngồi đọc sách trong không gian thiền định, hoặc thưởng thức văn hóa trà và đắm mình trong tiếng kinh kệ.


Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được đặt tại tầng 3. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập ấn tượng với hơn 300 bảo vật liên quan đến cuộc đời Đức Phật: nhiều bức bích họa lớn mô tả cuộc đời Đức Phật, nhiều tượng chạm khắc bằng gỗ, kim loại, đá và nhiều tư liệu, hình ảnh sưu tầm từ khắp các cùng đất Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Miến Điện, Malaysia, Thái Lan…


Tầng 4 của Phật Nha Tự là nơi tôn trí xá lợi Răng Phật với tâm điểm là ngôi bảo tháp xá lợi cao 3,6 m được làm từ 420 kg. Khu vực này được thắp sáng bởi cả trăm chiếc đèn lồng vàng treo trên cao, tạo nên vẻ lộng lẫy trang nghiêm.


Những người tới lễ Phật hoặc viếng chùa có thể tham gia các nghi lễ do các nhà sư cử hành từ khu vực quan sát chung. Hai lần mỗi ngày, bức rèm che xá lợi Răng Phật được kéo lên cho các tín đồ và du khách chiêm bái, cho đến khi các nhà sư kết thúc nghi lễ cầu nguyện.

Tầng cao nhất của Phật Nha Tự được thiết kế như một sân thượng với khu vườn nhà yên tĩnh ngay trên mặt đất cùng nhiều cây xanh và hoa phong lan - loại hoa được xem là biểu tượng của Singapore.

Khuôn viên tầng thượng đầy yên bình

Tầng hầm Phật Nha Tự là một khám phá thú vị đối với nhiều du khách. Tại đây có hẳn một hội trường đa năng, nơi diễn ra các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hay tọa đàm về Phật giáo… Ngoài ra, còn là nơi sinh hoạt của cộng đồng Phật tử Singapore. Nhiều Phật tử thích chọn nơi đây để tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc hoặc mừng thọ, sinh nhật… Đặc biệt tại đây còn bố trí cả khu nhà hàng, luôn sẵn sàng thức ăn chay phục vụ miễn phí Phật tử và khách tham quan.

Một công trình Phật giáo vừa có nét cổ điển vừa mang tính hiện đại


Tham quan Khu Di tích và Bảo tàng Phật Nha tự, du khách không chỉ có dịp tìm hiểu những giá trị của văn hóa nghệ thuật Phật giáo, mà còn được trải nghiệm cảm giác an nhiên tự tại của chốn thiền môn, trong một không gian thanh bình và lắng đọng…


Tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2007 nhưng Khu Di tích và Bảo tàng Phật Nha Tự đã sớm nổi tiếng với nghệ thuật kiến trúc và không gian bảo tàng, kết hợp hài hòa giữa cổ kính với hiện đại, đã trở thành một điểm nhấn độc đáo tiêu biểu cho sự phồn vinh và nền văn hóa đa sắc màu của Singapore.

My Tống / Travellive+


BẠN CÓ BIẾT, "XÃ TẮC" TRONG "GIANG SƠN XÃ TẮC" MANG HÀM Ý GÌ?

Trong Giang Sơn Xã Tắc thì Giang Sơn có nghĩa là sông núi, vậy còn Xã Tắc có nghĩa là gì?


Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng nghĩa hai chữ “Xã Tắc” như sau: “Thuở xưa dựng nước …tức quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở, nên lập nền Xã để tế Thần Hậu Thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước thì mất Xã Tắc, nên Xã Tắc cũng có nghĩa là quốc gia”.

Người xưa quan niệm rằng “Xã” là Thần lớn nhất trong số các Thần Đất. Còn “Tắc” là kê, lúa mạch, mang nghĩa tượng trưng cho các loại ngũ cốc, đặc trưng của những quốc gia sống chủ yếu vào nghề nông. “Tắc” mà không có “Xã” giống như ngũ cốc không có đất thì không sinh trưởng được. “Xã” mà không có “Tắc” thì đất đai hoang vu, không thể nuôi dưỡng con người.

Như vậy từ Xã Tắc bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thần, cũng liên quan đến một loại đàn tế xuất hiện ở nước ta từ hàng ngàn năm trước. Đó là đàn Xã Tắc. Đàn Xã Tắc dùng để thờ Thần Đất (Xã) và Thần Nông (Tắc). Thần Đất cai quản đất đai (bờ cõi quốc gia) và danh xưng chủ quyền sở hữu đối với đất đai đó (Triều đại). Thần Nông thuận theo ý chỉ của trời mà dạy cho dân làm nghề nông.

Thời xưa, đàn Xã Tắc do vua làm chủ lễ tế vào dịp khánh tiết, hoặc vua có thể ủy quyền cho quan đại thần làm chủ tế.

Khai quật di chỉ Đàn Xã Tắc. (Ảnh: Hạnh Phương – vtc.vn)

Đàn Xã Tắc chia làm 2 phần là Hộ đàn và Nội đàn, Hộ đàn ở phía ngoài và Nội đàn ở bên trong. Nội đàn là quan trọng nhất và lễ tế được tổ chức ở đây.

Nội đàn rộng, mặt nền tô 5 màu theo kinh dịch với vàng ở giữa (hành thổ), hướng bắc màu đen (hành thủy), hướng nam màu đỏ (hành hỏa), hướng đông màu xanh lá cây (hành mộc), hướng tây màu trắng (hành kim). Trên nền tầng có các bệ đá để phục vụ cho việc tế lễ.

Hộ đàn ở phía ngoài mỗi cạnh, nhằm bảo vệ an ninh cho việc cúng tế ở Nội đàn.

Đất để đắp đàn Xã Tắc phải là đất sạch từ tất cả địa phương trong nước, không dùng đất cũ. Đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của cả nước, nên rất linh thiêng. Cũng bởi vậy mà khi nói “Xã Tắc” nghĩa là nói đến đất đai của cả nước. Giang Sơn Xã Tắc có nghĩa là sông núi, đất đai của một quốc gia.

Mỗi khi thay đổi Triều đại thì đàn Xã Tắc của Triều đại trước phải bỏ để lập đàn Xã Tắc mới. Chính vì thế mà người xưa hay nói “Xã Tắc nhà Đinh”, “Xã Tắc nhà Lý”, hay “Xã Tắc nhà Trần”.

Vào thời nhà Ngô thì đàn Xã Tắc ở Sơn Tây, nhà Đinh lập đàn ở Hoa lư, nhà Lý ở Thăng Long, nhà Trần ở Thiên Trường, nhà Hồ ở Thanh Hóa, nhà Nguyễn ở Huế.

Đàn Xã Tắc nhà Nguyễn. (Ảnh: Khachsanhue.vn)

Lễ tế ở đàn Xã Tắc được tổ chức hàng năm hai lần vào ngày mậu của tháng giữa mùa xuân và mùa thu, tức tháng 2 và tháng 8 âm lịch.

Nói đến việc tế lễ, có một câu chuyện hay về vua Lý Thái Tông được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư thế này:

Mậu Dần, [Thông Thụy] năm thứ 5 [1038] , (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?” Vua nói: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”.

Người xưa tin vào mối liên hệ của con người với trời đất, vì thế trong việc cúng tế thì đều có lễ bố cáo với trời đất tổ tiên, rồi nhấn mạnh vào việc thuận theo trời đất, từ vua quan đến dân đều noi gương các bậc Thánh hiền khi xưa mà tự sửa mình, rồi mới mong trời đất thần linh cho mưa thuận gió hòa. Khi được mưa thuận gió hòa thì người xưa tin rằng đó là do mọi người đều thuận theo ý chí của trời đất mà tự sửa mình, nên trời đất mới cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trần Hưng

CHẢ VỊT GÓI LÁ MƯỚP

Phải khách thật quý mệ ngoại tôi mới ra tay chuẩn bị món này. Bởi món này rất công phu, tôi nhớ ngày nhỏ, phải “năm thì mười họa” mới được ăn một lần. Nhưng, tôi khẳng định rằng, chỉ cần ăn một lần thôi, chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi bởi hương vị của món này đọng lại rất lâu trong ký ức.

Chả vịt cuốn lá mướp hấp thơm nức, ngọt lịm. Ảnh: CTV

Vịt được ôn mệ nuôi. Mỗi khi chị em chúng tôi về, ông ngoại tôi sẽ đi bắt vịt và nấu nước sôi làm thịt, còn tôi và em gái theo mệ ngoại tôi ra vườn hái lá mướp. Giàn mướp có rất nhiều hoa vàng, trong khi mệ tôi chọn những lá mướp non không bị sâu để hái thì chị em chúng tôi thi nhau hái những bông mướp vàng rực đó.

Hái xong, mệ quay trở lại bếp. Ông đã làm xong con vịt, lòng mề để riêng đâu vào đó. Mệ bỏ nắm lá mướp vào thau, đổ nước vào rửa thiệt sạch rồi vớt ra, tay mệ thoăn thoắt rảy nước thiệt khô trước khi bỏ vào rá để cho ráo hơn nữa.

Cái thớt với dao chặt được bày lên trên hai tàu lá chuối xếp vào nhau. Mệ chặt nửa con vịt rồi bắt đầu lóc từng miếng thịt dưới lườn và đùi để vào một cái tô. Phần còn lại của con vịt, mệ chặt miếng vừa ăn rồi cho vào nồi để hon ăn với xôi.

Khi đã sơ chế xong, mệ cho phần thịt đã lọc ở tô ra thớt và bắt đầu băm thật nhuyễn, rồi cho thêm củ hành tím, một ít gừng và hạt tiêu vào băm cùng, sau đó sẽ là một chút muối và bột ngọt. Khi thịt vịt đã nhuyễn quyện với gia vị tạo nên một hỗn hợp sền sệt dính vào nhau, thì mệ cho vào tô trở lại, rưới lên một chút dầu đã phi sẵn hành rồi bắt đầu lấy lá mướp gói. Những chiếc lá mướp xanh được cầm gọn gàng trong lòng bàn tay, tay kia mệ lấy cái muỗng, xúc một muỗng chả vịt cho vào giữa chiếc lá, sau đó cuốn lại xếp chúng ngay ngắn trên cái xửng hấp của nồi hông xôi. Mệ cứ tỉ mẩn làm như vậy cho đến khi vét cái tô kêu keng két mới thôi.


Chiếc nồi hông xôi được tận dụng để hấp chả vịt. Nước sôi được cho vào dưới nồi, đặt xửng hấp lên và đậy kín nắp. Mệ hấp tầm 20 phút là xong. Lá mướp chín có màu xanh rất đẹp mắt, bên trong lá mướp chả vịt chín trông rất ngon lành. Thịt vịt thơm bùi quyện với mùi gừng, lá mướp sau khi hấp chín có vị ngọt rất khó cưỡng. Món chả vịt quấn lá mướp được chấm với nước chấm chua ngọt hoặc nước mắm gừng. Vị béo bùi của vịt quyện với vị mặn ngọt của nước mắm, mùi thơm của lá mướp quyện vào nhau rất ngon, lạ miệng.

Món này ăn chơi cũng được mà ăn với cơm rất hao cơm. Nếu làm mồi nhấm cũng rất tốn bia.

Nam Giao
Nguồn: Người Đô Thị Online



Tuesday, December 29, 2020

VÌ SAO NƯỚC Ở THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ ĐẠI TÂY DƯƠNG LẠI TÁCH LÀM ĐÔI?

Biên giới giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương giống như ranh giới của hai thế giới riêng biệt. Nước của chúng không chảy vào nhau và trộn lẫn nhau.


Khi nhìn vào bản đồ, nhiều người có thể cho rằng các vùng biển là một khối thống nhất. Chúng chỉ được phân thành các đại dương để đặt tên . Nhưng ít ai biết rằng, giữa các đại dương cũng có những ranh giới rất sống động.

Thật vậy, đến với khu vực là nơi giao nhau giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, du khách chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh giữa chúng có sự phân ranh giới rõ rệt. Dường như có một "bức tường" vô hình tồn tại, ngăn nước của hai đại dương hòa lẫn với nhau, tạo thành hai thế giới riêng biệt.

Vùng nước giao nhau giữa hai đại dương không chịu hòa lẫn.

Điều gì khiến cho nước giữa chúng không thể hòa làm một?

Thực ra đó là do cấu tạo nước của hai đại dương này khác nhau.

Nhìn từ trên cao, du khách có thể thấy chúng không giống nhau chút nào. Nước của Thái Bình Dương có độ mặn, thành phần, mật độ và cấu trúc hóa học khác so với đại dương còn lại.

Ranh giới giữa hai vùng nước có sự riêng biệt tới mức thậm chí cả đặc tính sinh học và vật lý cũng khác nhau. Chúng gọi là vùng đệm của đại dương. Các chuyên gia gọi đó là Halocline - hiện tượng làm ranh giới giữa các vùng nước có độ mặn khác nhau. Hiện tượng này xuất hiện khi độ mặn giữa các biển hay đại dương chênh nhau ít nhất 5 lần.

Khoảnh khắc ấn tượng giữa hai đại dương nhìn từ trên cao.

Trước đó, nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cousteau (1910 - 1997) từng lặn xuống eo biển Gibraltar (eo biển hẹp nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương) và phát hiện thấy các lớp nước có độ mặn khác nhau giống như được phân chia bởi một lớp màng trong suốt. Hơn thế nữa, mỗi lớp nước lại có một hệ động thực vật riêng.

Trên thực tế, ngoài hai đại dương này, một số vùng nước khác trên thế giới cũng xuất hiện cảnh tượng tương tự. Có thể kể tới nơi giao nhau giữa hai biển Skagerrak và Kattegat với màu nước khác nhau và hoàn toàn tách biệt.

Nơi giao nhau giữa hai biển Skagerrak và Kattegat.

Nếu như nước biển ở Skagerrak mặn hơn do gần với Đại Tây Dương, thì nước biển của Kattegat bị pha loãng bởi biển Baltic – nơi có độ mặn thấp hơn. Hai biển Skagerrak và Kattegat hội tụ ở Grenen dài tới 60km, tạo nên cảnh tượng tự nhiên kỳ diệu với những đợt giao thoa sóng và di chuyển trầm tích.

Nhờ hiện tượng độc đáo này, suốt trăm năm qua, hàng triệu du khách đã tới Skagen để chứng kiến kỳ quan tự nhiên hấp dẫn này.

Nơi nước của hai dòng sông không hòa lẫn, tạo nên cảnh tượng kỳ diệu.

Bên cạnh biển và đại dương, hiện tượng không hợp lưu giữa hai dòng sông cũng xuất hiện. Đó là cảnh tượng giữa sông Negro và Amazon không hòa lẫn, tạo nên hai mảng màu đen - nâu vàng riêng biệt.

Theo Dân trí
Link tham khảo:


SHINRIN-YOKU, VĂN HÓA "TẮM RỪNG" Ở NHẬT BẢN

Shinrin-yoku, văn hóa "tắm rừng" ở Nhật Bản, tuy chỉ là những thực hành đơn giản, liên quan đến trị liệu thông qua việc dành thời gian ở trong rừng, nhưng lại rất tốt cho sức khỏe, "giải độc" cho cuộc sống đô thị bận rộn của không ít người.


Tại Nhật Bản vào năm 1982, Bộ Lâm nghiệp nước này cho ra đời cụm từ "shinrin-yoku", chỉ việc “đắm mình vào không gian rừng” hay “tắm rừng”. Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài, mà chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng khứu giác, vị giác, thị giác, thính giác và xúc giác, bằng cách hít ngửi hương rừng, thưởng thức không khí trong lành, ngắm nhìn cây lá thay màu, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách, chạm vào lớp rêu xanh mượt, những viên đá nhẵn bóng hay vỏ cây xù xì và cảm nhận làn gió mơn trớn trên làn da. Và khi các giác quan được mở ra, chúng ta bắt đầu kết nối với thế giới tự nhiên.

Kết quả của các nghiên cứu Nhật Bản đã cho thấy việc "tắm rừng" giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tâm trạng, khả năng tập trung và mức độ căng thẳng

Từ những năm 1980, chính phủ Nhật Bản dần nhận thấy những tác động bất lợi do sự bùng nổ công nghệ đối với người dân đô thị như trầm cảm, mất tập trung, đau nhức cơ thể... Thành phố đông đúc không phải là nơi thư giãn thực sự, thay vào đó, chỉ những khu rừng mang lại cảm giác bình yên. Do đó, bộ Nông nghiệp Nhật Bản khuyến khích người dân kết nối với tự nhiên bằng liệu pháp sức khỏe đặc biệt này. Qua trải nghiệm về lại rừng xanh, con người không những được nâng cao thể chất mà còn được cải thiện cả sức khoẻ tinh thần. Hiện nay, loại hình này lan rộng và được ưa chuộng không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Shinrin-yoku đã dẫn đến một lối sống lành mạnh hơn cho mọi người ở mọi lứa tuổi

Trên khắp Nhật Bản đều có các trung tâm chuyên về liệu pháp shinrin-yoku này và sẽ cung cấp các tour du lịch có tổ chức dựa trên nhu cầu cá nhân của du khách. Với sự trợ giúp của hướng dẫn viên hoặc nhà trị liệu, du khách sẽ học cách sống chậm lại và tận hưởng thiên nhiên xung quanh, và có thể kết thúc liệu trình shinrin-yoku bằng một buổi trà đạo.

Thác Myouren là một điểm đến thích hợp để "tắm rừng"

Lối đi lên đền Himuro, Fujikawa

Nếu bạn muốn tự mình "tắm rừng", những công viên quốc gia tuyệt đẹp sẽ là điểm đến hoàn hảo. Nếu bạn thích đi bộ đường dài, bạn có thể đến dãy núi Alps Nhật Bản - bao gồm ba dãy núi ở vùng Chubu trên đảo Honshu với khí hậu tương tự như dãy Alps của châu Âu - kéo dài từ tỉnh Toyama đến tỉnh Shizuoka. Trên dãy Alps Nhật Bản, có một số đỉnh núi cao trên 3.000 m như đỉnh Kita (3.193 m), đỉnh Hotaka (3.190 m), và đỉnh Ontake (3.067m) - một núi lửa còn hoạt động.

Dãy núi Alps Nhật Bản

Núi Hotaka

Núi Yari ở tỉnh Nagano và Gifu

Nếu sở thích của bạn thiên về đi hành hương tâm linh, hãy đến Kii, bán đảo lớn nhất trên đảo Honshu của Nhật Bản, nằm về phía nam Osaka. Tại đây, bạn có thể trải nghiệm "tắm rừng" ở vườn quốc gia nổi tiếng Yoshino-Kumano rộng hơn 61.400 ha, với cảnh quan đa dạng như núi, sông, biển... và cả những tuyến đường mòn hành hương linh thiêng. Kumano Sanzan là tên bộ ba đền lớn nằm về phía đông nam bán đảo Kii, gồm Kumano Hongu Taisha, Kumano Hayatama Taisha và Kumano Nachi Taisha.

Vườn quốc gia Yoshino-Kumano

Khung cảnh đền Kumano Nachi Taisha còn thêm ấn tượng với dòng thác Nachi cao 133 m

Nếu bạn là người thích xem phim và đam mê mạo hiểm, hãy đi về phía nam đến vườn quốc gia Yakushima nằm trên đảo cùng tên, thuộc tỉnh Kagoshima, phía cực nam đảo Kyushu và khám phá nguồn cảm hứng cho Công chúa Mononoke của Studio Ghibli. Yakushima vốn là đảo cận nhiệt đới, hình dáng gần như một chấm tròn, nổi tiếng với những đỉnh núi cao nhất vùng Kyushu, cũng là quê hương của những cây tuyết tùng cổ xưa cả nghìn năm tuổi, lâu đời nhất đất nước. Nơi đây được coi là một trong những địa điểm "tắm rừng" lý tưởng nhất. Năm 1993, đảo Yakushima được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Hồ sơ di sản của UNESCO cho biết đây là nơi sinh sống của 1.900 loài và phân loài thực vật, 16 loài động vật có vú, 150 loài chim.

Vườn quốc gia Yakushima là nguồn cảm hứng cho Công chúa Mononoke của Studio Ghibli

Hương Thảo / Travellive+