Friday, April 30, 2021

NGÔI NHÀ ĐƯỢC XÂY VÌ CHỦ GHÉT HÀNG XÓM

Hollensbury Spite House được mệnh danh ngôi nhà siêu mỏng, khi chỉ rộng 2,1m và dài 3,7m.


Khu phố cổ của thành phố Alexandria, bang Virginia được nhiều du khách ghé thăm trước đại dịch nhờ bề dày lịch sử. Nơi đây có những tòa nhà được xây từ thời Georgia đến Victoria, và cả các ngôi nhà hiện đại đan xem. Bên cạnh những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, con phố còn thu hút du khách bởi một điểm đến độc đáo: nhà giả Hollensbury.

Ngôi nhà có chiều rộng 2,1m và chiều dài 3,7m. Nó từng được kênh truyền hình Oprah Winfrey Network và Ripley's Believe It or Not mệnh danh là "ngôi nhà mỏng nhất nước Mỹ". Ngày nay, du khách thường đến trước ngôi nhà màu xanh dương này và dang tay khi chụp ảnh để chứng tỏ độ mỏng của mặt tiền. Nó cũng trở thành một trong những điểm nổi tiếng được du khách check-in nhiều nhất trên Instagram xứ cờ hoa.

Du khách tạo dáng trước ngôi nhà. Ảnh: Kristian Summerer for Visit Alexandria

Dù ngôi nhà có "ngoại hình" bắt mắt, vui nhộn, Hollensbury Spite có quá khứ không mấy vui vẻ. Nó được xây dựng vào năm 1830 bởi John Hollensbury, người chủ sở hữu một trong những ngôi nhà liền kề ngay đó. Vào một ngày, sau khi đã chịu đựng quá đủ tiếng ồn ào từ xe ngựa, những gã say xỉn ở ngay con hẻm cạnh nhà mình, John quyết định hành động. Ông đã xây một ngôi nhà bịt kín hẻm của mình để ngăn chặn những âm thanh phiền toái.

"Hãy tưởng tượng có ngày bạn ghét hàng xóm say xỉn đến mức xây cả một ngôi nhà trong ngõ của mình", một du khách viết về chuyến thăm ngôi nhà gần đây.

Thiết kế của ngôi nhà không thay đổi quá nhiều. Ảnh: Library of Congress; Kristian Summerer/Visit Alexandria

Ngày nay, ngôi nhà thuộc về Jack Sammis, người mua lại nó với giá 135.000 USD vào năm 1990. Anh và vợ, Colleen, sau đó sử dụng nơi này như một nơi nghỉ dưỡng mỗi khi ghé thăm khu phố cổ. Trả lời New York Times vào năm 2008, Jack cho biết vợ chồng mình từng cho một cặp đôi thuê căn nhà. Những vị khách này chuẩn bị cho chuyến vòng quanh thế giới trên du thuyền nên họ muốn biết mình có thể sống trong một cabin nhỏ hẹp suốt hành trình hay không. Cuối cùng, cặp đôi đó đã hoàn thành thử nghiệm và lên đường.

"Tôi thích ý tưởng rằng một ngôi nhà thế này có thể tồn tại. Nó khiến thế giới trở nên kỳ diệu hơn đôi chút", Colleen nói.

Mặc dù được xây vì không ưa hàng xóm, ngôi nhà hiện tại được nhiều du khách đánh giá là rất cuốn hút. Ảnh: Kristian Summerer/Visit Alexandria

Ngày nay, Hollensbury Spite là một trong số ít những ngôi nhà giả trên khắp thế giới. Theo Old Town Home, khu phố cổ của Alexandria còn ít nhất ba ngôi nhà giả khác được xây trong những con ngõ lịch sử quanh đó.

Những ngôi nhà mang thiết kế để trêu tức hàng xóm xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2015, Zipporah Lisle-Mainwaring muốn phá bỏ ngôi nhà ở London của mình, nhưng khi hàng xóm phản đối kế hoạch này, cô quyết định sơn nó bằng những đường kẻ sọc trắng và đỏ như hình cây kẹo, theo Guardian. Hay một người đàn ông ở Lebanon từng xây nhà siêu mỏng để che khuất tầm nhìn ra biển của nhà anh trai.

Anh Minh (Tổng hợp)
Link tham khảo:



NGHIỆP THỰC SỰ CÓ TỒN TẠI HAY CHỈ LÀ TƯỞNG TƯỢNG?

Nghiệp được định nghĩa là tương lai của một người được quyết định bởi những thứ người đó đã làm. Như vậy, nếu làm nhiều điều tốt thì tương lai sẽ được hưởng nhiều thứ tốt đẹp hay còn gọi là phúc báo. Nhược bằng, làm điều xấu thì sẽ phải gánh chịu hậu quả, hay còn gọi là quả báo.

Gieo Nhân nào thì sẽ gặp Quả ấy và mối liên hệ với Nghiệp quả. (Ảnh: Internet)

Nhiều ngành khoa học luôn muốn khám phá xem chuỗi nguyên nhân-kết quả này có thật hay không, trong đó có ngành tâm lý học. Đã có rất nhiều phân tích dưới góc độ tâm lý để xem nghiệp có thật sự tồn tại, hay chỉ là do tâm lý con người gây nên ảo tưởng như vậy.

Nghiệp có tồn tại không

Một bài nghiên cứu tâm lý gần đây có dựa vào hai luận điểm để phản biện nghiệp không thật sự tồn tại. Họ cho rằng, nếu như định nghĩa về nghiệp khẳng định hành động của một người sẽ quyết định điều sẽ xảy ra trong tương lai, thì tuyên bố này mâu thuẫn với khái niệm về số phận. Theo thuyết số phận, điều gì phải xảy ra thì sẽ xảy ra thôi.

Luận điểm thứ hai đưa ra chính là nếu làm nhiều điều thiện lành được hưởng phúc báo, thì tại sao trong cuộc sống không ít người tốt nhưng lại hay gặp những điều bất hạnh và ngược lại.

Thuyết về nghiệp hay số phận hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau. Vì sao bài nghiên cứu đó cảm thấy có sự mâu thuẫn giữa hai thuyết này, chính vì họ đã thiếu đi một yếu tố quan trọng khi nhìn nhận vấn đề, đó là thuyết luân hồi.

Nghiệp thực sự có tồn tại. Và sự tồn tại của nó chỉ có thể được minh bạch khi đặt cùng thuyết luân hồi.


Mối liên hệ giữa Nghiệp và Luân hồi

Luân hồi có thật hay không? Ngày nay, khoa học hiện đại đã phải dần thừa nhận sự thực tại của hiện tượng luân hồi. 

Luân hồi thực sự tồn tại nghĩa là một người luôn có nhiều kiếp sống khác nhau. Do vậy số phận của họ không chỉ được quyết định bởi hành động của kiếp sống hiện tại, mà sẽ được xem xét trên một trục thời gian kéo dài nhiều kiếp.

Nhìn nhận được vấn đề dưới góc độ này, người ta có thể dễ dàng lý giải tại sao một người tốt lại phải chịu nhận nhiều thứ xấu ở đời này. Bởi vì ở những kiếp sống khác, họ hẳn đã phạm tội, hoặc có nhiều hành động xấu. Những điều không may phải nhận ở kiếp sống hiện tại chính là nghiệp quả họ phải trả cho những gì đã gây ra ở (những) kiếp sống trước đó. Tuy nhiên, những hành vi tốt ở đời này cũng góp phần làm giảm mức độ nghiêm trọng của nghiệp phải trả, hoặc đặt định cơ sở cho những phúc báo họ sẽ nhận trong tương lai ở kiếp này, hoặc kiếp sống tiếp theo.

Thuyết số phận nói: điều gì xảy ra sẽ xảy ra thôi. Đúng thế! Một vài chục năm tốt đẹp ở cuộc đời này có thể không đủ để hóa giải, bù đắp cho những sự việc xấu hay những tội đã phạm ở một hay nhiều kiếp trước. Nên những gì phải xảy ra cũng sẽ phải xảy ra. Chứ không giống như những gì con người vẫn tưởng tượng cho rằng đã làm bao điều tốt đẹp ở đời này thì phải được hưởng quả ngọt.

Qua đó, luân hồi cũng lý giải vì sao nhiều người sống rất tệ hại nhưng kiếp sống này của họ vẫn được hưởng nhiều may mắn, thuận lợi.

Con người vì sao luôn cảm thấy cuộc sống có nhiều bí ẩn hay mâu thuẫn? Chính bởi họ luôn không để tư duy của mình vượt qua những hạn cuộc cố hữu, ăn sâu trong tiềm thức, do sự giáo dục trên nền tảng khoa học sơ khai mang lại, chứ không chịu đi cùng sự phát triển của khoa học hiện đại.


Tất cả các ngành khoa học đều đã có những khám phá, phát hiện, phủ nhận những học thuyết cố hữu thủa ban đầu.

Khảo cổ học liên tục phát hiện ra những dấu tích tồn tại nhiều nền văn minh tiên tiến khác nhau với những niên đại lên tới hàng trăm triệu năm, thậm chí cả tỉ năm. Như thế, chẳng phải đã phủ nhận thuyết tiến hóa của Darwin? Khoa học vũ trụ đã có những nghiên cứu về sự tồn tại của nhiều thời không khác nhau, hay còn gọi là thuyết đa vũ trụ. Nhà tiên tri Edgar Ceyce đã chữa lành nhiều trường hợp bệnh y học bó tay, chỉ bằng liệu pháp thôi miên, xem nhân quả tiền kiếp.

Có thể nói những ai còn ngần ngừ, thậm chí cực đoan cho rằng những vấn đề liên quan đến luân hồi, hay nghiệp chỉ là mê tín, là những người đã bị tụt hậu so với chính khoa học thực chứng ngày nay.

Lê Na / Theo: ntdvn

LỊCH SỬ CÓ NỢ GÌ TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH?

Nhà báo Pháp Paul Dreyfus là một trong 25 nhà báo Pháp có mặt tại Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của tháng Tư năm 1975.

Tổng thống Dương Văn Minh (đeo kính, cúi đầu) bị bộ đội cộng sản đưa đi. ẢNH: GETTY IMAGES

Trong cuốn sách của mình với tựa đề "và Sài Gòn sụp đổ" (Et Saigon tomba - Collection Témoignages 1975), tác giả đánh giá sự kiện Sài Gòn thất thủ là sự kiện 'quan trọng nhất' với hệ thống cộng sản châu Á sau cuộc tiến vào Bắc Kinh năm 1949 của Mao.

Ông thuật lại những cảm nhận cá nhân qua những lần tiếp xúc với đại tướng Dương văn Minh, tổng thống cuối cùng của miền Nam, theo giới thiệu sau qua lời dịch của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris:

Theo Paul Dreyfus, tướng Minh là "một người minh mẫn và nắm vững tình hình".

Những tâm sự của tướng Minh thời điểm đó mang lại một cách đánh giá đa chiều về nhân vật gây nhiều tranh cãi.

"Tôi thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngoài."

Nhà báo Pháp viết trong cuốn sách:

"Tôi gặp tướng Minh vào ngày thứ hai, trong một villa rộng lớn, yên bình, không bày biện xa hoa, bao bọc xung quanh bởi một vườn hoa, nơi ông sống từ nhiều năm, ở giữa Sài Gòn. Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hơn một giờ, ông nói cho tôi biết cơ hội mỏng manh về đàm phán với phía bên kia ra sao.

Ông mô tả xúc động về tình trạng kiệt quệ của quân đội, những tướng lĩnh mất tinh thần, những kho đạn và chiến cụ gần như trống rỗng, vật tư bị bỏ mặc, bộ máy hành chính bất lực, dân chúng lo lắng và những người của Thiệu không làm gì khác là cất giấu đô la, vàng, trang sức cùng những tác phẩm nghệ thuật của họ...

Tướng Minh có giọng nói chậm rãi và nhẹ nhàng. Cặp mắt không chớp sau cặp kính gọng kim loại, nhưng người ta nhận thấy rõ rệt ông bối rối sâu sắc trước hiện tình đất nước ông."

Không ra nước ngoài

Cuốn sách 'Và Sài Gòn sụp đổ' của Paul Dreyfus. ẢNH: CAOPHONGPHAM@YMAIL.COM

"Thế nào đi nữa, ông nói với tôi, tôi sẽ không đi đâu cả. Hạnh phúc hay bất hạnh đó vẫn là tổ quốc tôi. Tôi đã sống những năm định cư ở Bangkok. Tôi không thiếu thốn gì. Nhưng tôi cảm thấy rất bất hạnh. Tôi thích sống trong ngục tù của tổ quốc tôi còn hơn tự do ở nước ngoài."

Cuối cuộc phỏng vấn, tôi hỏi ông thẳng thắn rằng, ông nghĩ sao sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng của một nhân vật chính trị.

"Nếu để làm bù nhìn, thì chắc chắn không. Nhưng nếu tôi có thể hữu ích hay có thực quyền thì tôi sẽ không từ chối." Từ cách nhìn của tôi, từ thời điểm này, tướng Minh đã sẵn sàng.

Hôm nay (24/4/1975), ông già không có chút sinh khí (chỉ tổng thống Hương) đã đến gặp tướng Minh nêu ra một vai phụ số hai : đó là chức Thủ tướng. Vai trò mà một người tiền nhiệm vừa bỏ lại sáng nay."

Minh cự tuyệt, vì ông không có toàn quyền. Ngày mai, ông sẽ có tất cả.

Nếu không, Việt Cộng sẽ bắt đầu đặt quyền cai trị lên Sài Gòn."

Khi CIA giả danh Khmer Đỏ

"Thứ Sáu 25/4/1975. Sau khi Phnom Penh sụp đổ, CIA sử dụng một đài tiếp vận radio từ Okinawa, hòn đảo lớn phía Nam quần đảo Nhật Bản. Những nhân viên bí mật của Mỹ phát sóng dưới danh nghĩa những người Khmer. Họ đưa tin như từ chức năng quyền lực của Khmer Đỏ.

Đài phát thanh gián điệp này tung những tin thất thiệt, hướng vào cộng đồng dân chúng Campuchia, hy vọng gây những bất ổn cho những chủ nhân mới của đất nước.

Dinh Độc Lập trong ảnh chụp ngày 3/05/1975. ẢNH: GETTY IMAGES

Cũng là CIA, trong một buổi phát thanh đội lốt ngôi sao đỏ đã đưa tin, có một cuộc đảo chính tại Hà Nội và họ nói rằng đã có ba sư đoàn Bắc Việt rút về cứu nguy cho miền Bắc."

Bình luận về việc xuyên tạc này, giám đốc CIA tại Sài Gòn hả hê với những ai muốn nghe:

"Đó thật sự là chương trình duy nhất hoạt động tốt."

Thật khó tin, nhưng đúng như thế!

Tướng Minh và sứ mệnh bất khả thi

"Tối thứ Bảy, Thượng và Hạ viện nhất trí trao toàn quyền cho tướng Minh hoạt động ngõ hầu mang lại một 'nền hòa bình trong danh dự', trong lúc cả tối thứ Bảy và Chủ Nhật đạn pháo nã vào trung tâm quyền lực giữa Sài Gòn.

Người dân thủ đô sống trong thấp thỏm trước những đợt pháo kích ngày càng gia tăng. Những sư đoàn Bắc Việt và Việt Cộng được chiến xa hạng nặng hỗ trợ chỉ còn không đầy 30 km cách thủ đô VNCH. Những tướng lĩnh can đảm nhất cũng nói rằng tất cả đã mất.

"Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Trần Văn Đôn u ám trước tấm bản đồ ngày càng đen tối. Các chuyến bay 'Galaxia' của không quân Mỹ hối hả chuyển những công dân Hoa Kỳ di tản. Tất cả như trong tình trạng như khi Byzance thất thủ, các chân tay thân cận của Thiệu theo chân chủ chạy trốn với những valy chật căng đô la, nữ trang, vật dụng quý giá, nhà băng đóng cửa , nền kinh tế sụp đổ.

Trong tình thế gần như tuyệt vọng, Lưỡng viện và ông tổng thống mắt lòa, chậm chạp với tuổi già vẫn còn loay hoay bàn cãi về thủ tục bàn giao chính quyền cho tướng Minh, mà không 'vi hiến'.

Trong không khí nghẹt thở, lưỡng viện bỏ phiếu cho giải pháp tình thế hệt như trong buổi đẹp trời của Đệ Tam Cộng hòa. Cuối cùng, sau một ngày điên rồ, khi màn đêm đã buông xuống Sài Gòn, Lưỡng viện Quốc hội nhất trí chuyển giao hoàn toàn quyền lực cho tướng Minh."

Một người cộng sự thân thiết của tướng Minh đã nói với tôi ngay từ hôm qua không úp mở:

"Chúng tôi nắm một sứ mệnh không thể thực hiện nổi."

Thứ Tư, ngày 30/4/1975: 'Tôi đợi các ông ở đây'

Bộ đội cộng sản đem cờ Mặt trận Giải phóng vào cắm ở Dinh Độc Lập 30/04/1975. ẢNH: GETTY IMAGES

Cuốn sách mô tả tiếp giờ phút tiếp quản:

"Nhóm sĩ quan cấp cao nhảy xuống xe. Xung quanh họ là những binh sĩ đầy súng ống. Họ chạy nhanh qua những bậc thang rộng của Phủ Tổng thống, vượt qua phòng khánh tiết và gặp tướng Minh trong phòng làm việc của ông ta.

'Tôi đã đợi các ông ở đây', tướng Minh nói. Buổi sáng cùng ngày, lúc 10 giờ, ông đã cho phát trên radio lời tuyên bố gửi đến đối phương.

Minh từ căn phòng của Phủ Tổng thống đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị Nam Việt Nam ngừng bắn. Rất trầm tĩnh, Minh trao đổi với các phụ tá và một vài bộ trưởng mà chỉ trong thời gian ngắn ông đã tìm được ra.

Các chiến binh Bắc Việt ngay lập tức vây quanh ông. Trong số những sĩ quan của đoàn quân chiến thắng có những Việt Cộng hoạt động bí mật tại Sài Gòn, không mặc quân phục, không mang quân hàm, quân hiệu, có người biết rất rõ tướng Minh. "

Ông ta tiến gần và nói:

"Ông đã làm một việc lớn cho Việt Nam, ngăn không cho Sài Gòn bị phá hủy. Chúng tôi cám ơn ông, tướng Minh."

Minh đáp lại rằng, ông hy vọng vào sự nghĩa hiệp của người chiến thắng."

Nhà báo Paul Dreyfus cũng suy tư về chuyện ông Minh đã nghĩ gì:

"Có lúc nào, ở thời khắc ngắn ngủi những ngày trước, tướng Minh đã nghĩ là khả thi thỏa thuận được một cuộc đàm phán? Tôi không tin. Trong lần gặp gần nhất với ông, khi chưa nắm bộ máy quyền lực, tôi nhận thấy ông đã nghĩ rằng việc đầu hàng là không tránh khỏi. Song không nghi ngờ gì, tướng Minh hy vọng có thời gian để dàn xếp thể thức ra sao.

"Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử, là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đớn đau không cần thiết.

Vai trò của ông đã hết.

Thật ngắn ngủi.

Song chúng ta nợ sự đánh giá lại về một con người tỉnh táo và can đảm này."

Các đoạn trích do nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris chuyển ngữ. Quý vị có ý kiến, bài vở về chủ đề 30/04 xin gửi về: vietnamese@bbc.co.uk.

Theo: BBC Tiếng Việt (28/04/2017)

Sau 1975

Sau ngày 30 tháng 4, ông không phải đi cải tạo và sống tại Sài Gòn (Thành phố HCM). Ông còn được mời làm cố vấn cho Chính phủ mới. Có hình ảnh cho thấy ông thường xuyên đi bầu cử như một công dân chế độ mới.

Tháng 10 năm 1981, Chính quyền Việt Nam cho phép ông được xuất cảnh sang Pháp chữa bệnh và đoàn tụ gia đình. Năm 1988 ông chuyển sang Hoa Kỳ, sống với vợ chồng người con gái tại Pasadena, California và định cư luôn tại đây.

Ngày 9 tháng 8 năm 2001, ông qua đời tại nơi định cư, hưởng thọ 85 tuổi.

(Theo: Wikipedia)


Thursday, April 29, 2021

ẨM THỰC TẠI “NÓC NHÀ CỦA THẾ GIỚI” - VÙNG ĐẤT THIÊNG TÂY TẠNG


1. Trà bơ

Chắn chắc một điều là bạn phải thử món trà bơ – loại trà “quốc hồn quốc túy” của Tây Tạng thì mới gọi là đã đặt chân đến du nơi đây. Đây là loại trà vô cùng đặc biệt, giúp làm ấm và tăng cường năng lượng cho cơ thể đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng.

Vì thế, nếu có thể bạn nên uống càng nhiều loại trà này càng tốt nhé. Trà bơ được chế biến từ trà đen, bơ Yak, muối và sữa bò. Khi nếm ngụm đầu tiên, vị mặn của muối, ngọt của sữa bò có thể làm bạn chưa quen và cảm thấy khá kỳ cục, nhưng dần dần ngụm thứ hai, thứ ba trở lên hương vị béo béo của bơ quyện cùng vị ngọt, đắng sẽ làm bạn bắt đầu thấy “ghiền” và một tách trà sẽ không bao giờ là đủ.

Người Tây Tạng rất thân thiện, hiếu khách, họ không ngần ngại mời bạn món trà bơ này. Dĩ nhiên bạn cũng không nên từ chối nếu không muốn bị cho là thất lễ, hơn nữa một món trà độc đáo như vậy rất đáng để thưởng thức.

Thành phần chủ yếu để tạo nên nét đặc trưng của "Trà bơ"

Món "Trà bơ" đặc biệt của người dân vùng cao nguyên Tây Tạng

2. Mì Thukpa

Mì Thukpa là món ăn không kém phần phổ biến, đây là món ăn đặc trưng của vùng phía đông Tây Tạng. Thành phần chính của món ăn này là mì sợi nhỏ bhatsa dai dai, ăn kèm với thịt cừu hoặc thịt bò cùng nước dùng cay cay đậm đà nóng sốt.

Nếu bạn muốn ăn chay thì người ta cũng sẵn sàng phục vụ. Thukpa nổi tiếng trứ danh không chỉ ở nội địa, mà còn nổi tiếng ở các nước như Nepan, Bhutan, Bắc Ấn Độ. Ở Tây Tạng, Thukpa là món ăn truyền thống trong dịp đầu năm mới, các nhà hàng ở Tây Tạng thường có món thukpa trong thực đơn.
 

Với sợi mì và cùng với cách nấu rất riêng của người dân đã tạo nên món mì Thukpa với hương vị cay cay đậm đà

3. Bánh Tsamba

Món ăn đặc sản của Tây Tạng này sẽ để lại ấn tượng về một nền văn hóa lúa mạch tiêu biểu của đất nước cao nguyên này. Lúa mạch hoặc đậu Hà Lan sau khi được xoay nhuyễn, xào chín với trà bơ hoặc với trà mặn, sữa chua hoặc rượu lúa mạch, sau đó vo thành viên, tạo hình.

Món bánh nhỏ gọn, dễ mang đi cũng như dễ bảo quản này thường có trong các bữa ăn của người Tây Tạng. Vị ngọt ngọt bùi bùi, giòn miệng, Tsamba cung cấp chất dinh dưỡng cao thường được thưởng thức kèm với với trà bơ.
 

Món bánh pha trộn đơn giản với những hương vị khá nhau cho cảm giác bùi bùi và thơm ngậy

4. Bánh bao Momo

Bánh bao Momo có hình thù khá giống với bánh bao Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng có phần to và nặng hơn nhiều. Vỏ bánh được làm từ bột mì còn nhân bánh làm từ thịt xay và các loại rau như cải bắp, cải bó xôi hay hành tươi, được mang đi hấp hoặc chiên, sau đó được ăn theo kiểu súp gồm rau cải xanh, củ cải trắng, thịt, mì sợi.

Thường được ăn kèm với mì Thukpa, bánh Momo rất phổ biến trong các bữa ăn của người Tây Tạng, Nepal.


Nhìn thì khá giống Há Cảo nhưng đừng gì thế mà nhầm lẫn nhé, với món Momo nó sẽ rất đặc biệt và không hề phụ lòng của các du khách

Theo: VYC Travel

"HẺM NƯỚCTIỂU" Ở TOKYO

Omoide Yokocho hay còn được gọi là “hẻm nước tiểu”, một trong những nơi tụ tập nhiều quán nhậu bình dân kiểu cũ ở thủ đô Nhật Bản.

Con hẻm Omoide Yokocho tọa lạc tại quận Shinjuku được người địa phương gọi là “hẻm nước tiểu” vì lúc mới hình thành, không quán rượu nào ở đây có nhà vệ sinh. Do đó, sau khi nhậu, cánh đàn ông tiện thể “xả” ngay trong hẻm. Ngày nay, nó là một trong những điểm đến nổi tiếng của thủ đô. Ảnh Izakaya

Kết thúc thế chiến thứ 2, hơn 300 cửa tiệm mở ra, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 80 quán rượu đang hoạt động, chuyên phục vụ các món nướng, canh hầm thịt, mì ramen… 17h-22h là thời điểm lý tưởng để ghé hẻm vì dãy đèn lồng treo trước cửa tiệm thắp sáng trong ngõ hẹp như đưa bạn về thời Showa (1926-1989) của nước Nhật. Ảnh: wonguy974

Năm 1999, con hẻm trải qua một trận hỏa hoạn lớn, phá hủy gần như toàn bộ quán ăn. Sau đó, chính quyền phục dựng nhằm bảo tồn nét văn hóa của Tokyo cũ. Con phố được dọn sạch sẽ, xây thêm nhà vệ sinh. Dù không trồng cây nhưng mỗi mùa, các cửa tiệm trang trí một kiểu khác nhau như xuân thì gắn cành anh đào còn thu về thì treo lá phong giả khắp nơi. Ảnh swedishnomad

Nhờ vậy, nó càng ngày càng hút du khách nước ngoài đến check-in. Chọn một góc vắng người, hoặc đi chơi về khuya, ghé sang khi hàng ăn đóng cửa gần hết, bạn có thể chụp cả trăm kiểu ảnh sống ảo đẹp khỏi chê. Nhất là ngày mưa nhỏ, khung cảnh lại càng ảo diệu. Ảnh anniesbucketlist

Đặc trưng quán ăn ở đây là không gian rất nhỏ, gồm dãy bàn dài cho khách ngồi chung với nhau. Vì thế nó phù hợp với những người hay đi nhậu một mình hoặc nhóm ít người. Quầy nấu ăn ngay trước mặt, đầu bếp vừa chế biến, vừa trò chuyện cùng thực khách. Ảnh thepoorichgirl.

Omoide Yokocho không có các nhà hàng hạng sang hay quán ăn lâu đời hàng trăm năm. Tuy nhiên nhiều người nhận xét, đây là một trong những địa điểm bán xiên nướng “đỉnh” nhất Tokyo. Và bạn phải thưởng thức kèm ly bia mát lạnh thì mới đúng điệu. Giá đồ ăn khoảng 400 yên/xiên (khoảng 90.000 đồng) tùy quán.

Đa số hàng quán đóng cửa ban ngày nên khá vắng, bạn có thể tạo dáng đủ kiểu, chụp ảnh ngay giữa đường. Nó được nhiều người tìm đến tới nỗi có cả website riêng, hướng dẫn đầy đủ cách tìm đường đi từ ga Shinjuku đến Omoide Yokocho. Địa chỉ: 1 Chome-2 Nishishinjuku, Shinjuku City, Tokyo. Ảnh discovernihon

Theo: Vi Yến/ Ngôi sao
Link tham khảo:


NHẮC LẠI CUỘC ĐỜI CỐ TỔNG THỐNG VNCH TRẦN VĂN HƯƠNG

Tháng 3/1975: tàu hải quân HQ504 chở 7000 người từ Huế và Đà Nẵng chạy loạn vào Nam sau khi các đô thị phía Bắc của VNCH tan rã trước sức tấn công của Lực lượng VNDCCH

Trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống ngày 21/4/1975 ông Trần văn Hương hứa:


"Tôi xin hứa với anh em trong quân đội là ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn nữa thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em binh sĩ."

Ông Hương đã thực hiện lời hứa, từ chối lời mời di tản của người Mỹ và người Pháp, từ chối nhận "quyền công dân" dưới thể chế cộng sản, chết trong nghèo túng sau năm 1975. Nhân dịp 30/4 năm nay xin được kể lại về ông.


Sinh năm 1902 tại Vĩnh Long, nhờ học giỏi ông Trần Văn Hương được ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm, cùng thời với nhà cách mạng Nguyễn Thái Học.

Sau khi tốt nghiệp ông về Sài Gòn dạy môn văn chương ở Collège Le Myre De Villers, thành lập từ năm 1879, trường xưa nhất tại Việt Nam mà năm 1953 được đổi tên thành trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chánh Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam, vua Bảo Đại giao cho Trần Trọng Kim thành lập Chính phủ, và ông Trần Văn Hương được làm Đốc Học tỉnh Tây Ninh.

Tháng 8/1945, ông Hương tham gia Việt Minh, làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh Tây Ninh.

Đến năm 1946, ông Hương thấy Việt Minh quy chụp cho nhiều trí thức là Việt gian rồi đem thủ tiêu, ông về quê tuyên bố bất hợp tác, lên Sài Gòn làm tiệm thuốc Tây.

Năm 1953, ông Hương cùng ông Trần Văn Văn và một số nhân sĩ lập đảng Phục Hưng, và ông Hương được cử làm chủ tịch.

Đấu tranh chính trị

Tháng 10/1954, ông Trần Văn Hương được bổ nhiệm làm Đô Trưởng thủ đô Sài Gòn nhưng xin từ chức sau vài tháng.

Ngày 26/4/1960, ông Hương cùng 17 nhân sĩ quốc gia thành lập nhóm Tự Do Tiến Bộ, tổ chức họp báo công bố một bản tuyên cáo tại khách sạn Caravelle.

Nội dung Bản Tuyên Cáo rất ôn hòa chỉ yêu cầu Tổng thống Ngô Ðình Diệm mở rộng chính quyền để các nhà trí thức có thể hợp tác với chính phủ nếu được yêu cầu.

Ngày 11/11/1960, ông Hương ký tên ủng hộ cuộc đảo chánh do Đại tá Nguyễn Chánh Thi khởi xướng, ông bị bắt trong tù ông có viết một tập thơ lấy tên là "Lao trung lãnh vận" (Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù).

Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông Trần Văn Hương lại được bổ nhiệm làm Đô trưởng Sài Gòn, nhưng chỉ vài tháng ông được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời ra làm Thủ tướng.

Ông làm thủ tướng được 84 ngày thì Trung tướng Nguyễn Khánh lật đổ Chính phủ dân sự và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu bị truất phế.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (bìa phải) và Phó TT Trần Văn Hương (kiếng đen) thăm nghĩa trang quân đội ở Thủ Đức - ảnh chụp năm 1973, DAVID HUME KENNERLY

Người con trai đầu của ông Hương tên là Trần Văn Dõi tự là Lưu Vĩnh Châu theo Việt Minh ra Bắc khi biết ông Hương làm Thủ tướng có viết một lá thư nhờ ông Ung Văn Khiêm là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Bắc Việt trao cho ông Hương.

Ông Hương nhận thư, thảo luận với người con thứ tên là Trần Văn Ðính cả hai đồng ý chuyện quốc gia phải đặt trên chuyện gia đình, bởi thế ông đã từ chối không liên lạc với người con ở miền Bắc.

Năm 1967, ông Hương cùng ông Mai Thọ Truyền lập liên danh Người Gieo Mạ ra tranh cử Tổng thống nhưng chỉ được 10% phiếu cử tri ủng hộ đứng hàng thứ tư.

Cộng tác với ông Thiệu

Tháng 5/1968, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu mời ông Hương ra làm Thủ tướng nhưng cũng chỉ được 96 ngày thì ông xin từ chức cũng không cho biết lý do.

Quyết định này làm nhiều người ủng hộ ông Hương thất vọng, vì trước đó liên danh Người Gieo Mạ đã cùng các liên danh thất cử khác họp báo tố cáo có gian lận bầu cử và yêu cầu Quốc hội Lập hiến hủy bỏ kết quả bầu cử để tổ chức một cuộc bầu cử khác.

Giáo sư Sử Địa Lâm Vĩnh Thế hỏi ông Hương vì sao ông đã nhận lời làm Thủ tướng được ông trả lời như sau:

"… Lúc đó chỉ có ông Thiệu là có khả năng chống cộng thật sự, lại nữa vụ Mậu Thân cho thấy Việt cộng đã mạnh lắm rồi, mà Hoa Kỳ thì lại có ý chủ hòa, ông Johnson thì ép mình phải đi hoà hội Paris… nên cần phải ủng hộ ông Thiệu."

Giáo sư Thế nhận xét ông Hương chống cộng triệt để nhưng ông cũng là một người yêu nước chân chính để vì đại cuộc mà bỏ qua mâu thuẫn cá nhân.

Năm 1971, ông Hương đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống.

Ông Hương rất liêm chính nên những kẻ tham nhũng rất sợ ông, miền Trung bị lụt ông tới ngay để thăm dân và cứu trợ, trong chiến dịch Hạ Lào khi Hoa Kỳ thất hứa không trợ giúp không quân cho miền Nam ông họp báo chỉ trích Mỹ…

Báo chí đặt cho ông danh hiệu "Cụ Già Gân" còn dân chúng miền Nam trân quý kêu ông bằng "Cụ Hương" vì là văn viết nên tôi xin phép gọi bằng ông Hương.

Trong việc điều hành đất nước ông Hương rất gắn bó với ông Nguyễn văn Thiệu cho đến khi ông Thiệu từ chức dựa trên Hiến Pháp chính thức trao quyền Tổng thống cho ông.

Từ chức tổng thống…

Trong bài diễn văn trước Lưỡng viện Quốc Hội ngày 26/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương cho biết đã tiếp xúc với Đại tướng Dương Văn Minh để mời ông Minh đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng, nhưng ông Minh không chịu mà đòi phải nhường cho ông Minh chức Tổng thống.

Ông trả lời ông Minh là không thể trao quyền cho ông ấy vì còn có Quốc Hội và phải tuân theo Hiến Pháp vì thế ông cho Quốc Hội biết để mọi người bàn tính và quyết định.

Ngay ngày hôm sau Quốc Hội họp, đồng ý sửa lại Hiến Pháp và trao quyền Tổng thống cho ông Dương Văn Minh để thương thuyết với phía cộng sản.

Sang ngày 28/4/1975, ông Hương chính thức từ chức và trao quyền Tổng thống cho ông Dương Văn Minh.

Tổng thống Dương Văn Minh (đeo kính, cúi đầu) bị bộ đội cộng sản đưa đi trong ngày 30/04/1075, ảnh: Getty Images

Từ chối di tản…

Ngày 29/4/1975, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin có đến nhà gặp ông Hương vừa để từ giã về nước, vừa để gởi lời Chính Phủ Hoa Kỳ mời ông Hương sang Mỹ lánh nạn, ông trả lời:

"Thưa Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm, đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó.

"Nay ông Đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông Đại sứ, nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi.

"Tôi cũng dư biết cộng sản sẽ vào Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam.


"Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước.

"Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi."


Trước đó, Tòa Đại sứ Pháp cũng ngỏ lời sẵn sàng đưa ông rời khỏi Việt Nam để đi Pháp.

Nước mất nhà tan

Theo Hồi ký của bà Phan Cẩm Anh vào tối ngày 30/4/1975 hai vợ chồng cháu ông Hương là đại úy Phan Hữu Cương và trung úy Trần Mai Hương (là bạn thân của bà Phan Cẩm Anh) đã uống thuốc ngủ tuẫn tiết ngay tại nhà ông Hương.

Đại úy Phan Hữu Cương là cháu ruột kêu ông Hương bằng cậu và cũng là sĩ quan cận vệ cho ông Hương nên gia đình ở chung với ông Hương.

Họ để lại lời trăn trối: "…xin nhờ lòng tha thứ của cụ Hương và gia đình vì không thể sống khi đất nước rơi vào tay kẻ thù…", người nhà phát hiện nhưng chỉ cứu được người vợ.

Từ chối 'quyền công dân'

Ngày 28/4/1975 sau khi từ chức tổng thống, ông Hương dọn về ngôi biệt thự nhỏ và cũ nằm ở cuối con hẻm đường Phan Thanh Giản vách tường của ngôi nhà đã có nhiều chỗ nứt nẻ, nền nhà nhiều chỗ gạch vỡ tung lên, màu vôi không được trùng tu sơn quét.

Giáo sư Lâm Vĩnh Thế cho biết sau Hội Nghị Hiệp thương Thống nhất Hai Miền Nam Bắc, chính quyền mới muốn trao trả "quyền công dân" cho ông Hương tại ngôi nhà để tuyên truyền.

Bà Phan Cẩm Anh cho biết khi một cán bộ cộng sản đọc "chính sách khoan hồng và rộng lượng" của nhà nước đối với những "thành phần" như ông Hương, ông trả lời:

"Tôi xin phép từ chối, không nhận cái quyền công dân này vì dù gì tôi cũng là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi mà giờ đây vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo.

"Tôi sẽ là người sau cùng nhận cái quyền công dân này, sau khi binh sĩ và nhân viên của chúng tôi đã được thả và nhận lại quyền công dân."


Những năm tháng cuối đời

Vì từ chối nhận "quyền công dân" ông Hương không được cấp hộ khẩu, không có phiếu mua lương thực, và còn bị quản thúc ba năm tại gia.

Ông Hương phải sống đạm bạc, thiếu thốn, ốm đau và cũng như những người miền Nam khác để có thể sống qua ngày ông phải bán dần đồ vật trong nhà từ bộ áo vest cũ đến những đồ kỷ niệm.

Bà Trần Văn Văn và bạn bè từ Pháp gởi thuốc về giúp ông chữa trị, thuốc không dùng hết cũng được mang ra chợ trời thêm chút gạo bó rau cho gia đình.

Bà Phan Cẩm Anh bạn thân của cháu gái ông Hương có chồng là bác sĩ mới ra trường, khi biết ông Hương bệnh nặng cần người chăm sóc, ông chồng bác sĩ đã tình nguyện thường xuyên đến tận nhà để chăm sóc cho ông.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa với tên gọi mới là Nghĩa trang Nhân dân Bình An tọa lạc tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam

Muốn nằm cạnh anh em binh sĩ

Cựu tổng thống Trần văn Hương mất ngày 27/1/1982, gia đình nghèo đến độ không còn tiền mua hòm, người tài xế cũ của ông xin được phúng điếu chiếc quan tài, người chủ trại hòm ở Chợ Lớn, một người Việt gốc Hoa, nghe nói mua cho ông Tổng thống xin chỉ lấy nửa giá tiền của chiếc quan tài.

Ông Hương có ước nguyện được chôn trong nghĩa trang Quân đội Biên Hòa để được nằm bên anh em binh sĩ nhưng không được chính quyền cộng sản chấp nhận, nên người nhà đã quyết định hỏa táng ông tro cốt được rải trong khu vực.

Hơn 40 năm qua người Việt quốc gia vẫn trân quý công ơn của ông, ở hải ngoại nhiều cộng đồng đến ngày ông mất đã cử hành lễ giỗ để tri ân một người đã một lòng một dạ xây dựng Việt Nam Cộng Hòa.

Ôn lại cuộc đời ông, tôi nhớ lại lời học giả Phạm Quỳnh viết trong bài "Đi tìm một chủ nghĩa Quốc Gia" xuất bản năm 1938:

"Một người theo chủ nghĩa quốc gia là một người hết lòng gắn bó với đất nước và nòi giống mình, có một ý thức cao về tình đoàn kết quốc gia và truyền thống lịch sử; là một người yêu nước, nhưng yêu nước không chỉ bằng tình cảm mà còn bằng lý trí, một người muốn nâng mức độ yêu nước của mình lên thành một chủ thuyết đạo đức và chính trị."

Ông Hương quả là một mẫu người tiêu biểu theo chủ nghĩa quốc gia, ở miền Nam có không ít những người như ông, nhưng dường như họ đã thất bại xây dựng được một chủ thuyết về đạo đức và chính trị chung cho cả nước, để cuối cùng bị chủ nghĩa cộng sản quốc tế xóa nhòa.

Nay, ở thế kỷ thứ 21, người Việt lại phải đối đầu với chủ nghĩa (quốc tế) toàn cầu mà mục tiêu cũng là xóa bỏ văn hóa, đạo lý, truyền thống dân tộc và xóa nhòa mọi nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội và cả biên giới của mọi quốc gia.

Nhân 30/04, tôi nghĩ chúng ta cần tìm hiểu những điểm mạnh, điểm yếu, những thành công và thất bại của các thế hệ trước, để cùng nhau gìn giữ và phát triển những điều hay, lẽ phải, đồng thời bảo vệ được bờ cõi ông cha để lại.

Nguyễn Quang Duy

Bài thể hiện quan điểm của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia.
Theo: BBC Tiếng Việt (27/04/2021)



KHỐI VÀNG TỰ NHIÊN KỲ LẠ NHẤT THẾ GIỚI

Khối vàng mang tên “Sừng của Ram” được phát hiện vào năm 1887, quý hiếm đến mức các nhà khoa học sau từ trước đến nay đều không dám ước tính giá trị.

"Sừng của Ram" có hình dạng hết sức kỳ lạ.

Theo The Sun, “Sừng của Ram” được tìm thấy tại một mỏ vàng ở Colorado, Mỹ, cách đây 132 năm. Đó là một khối vàng chẻ ra làm 3 nhánh, uốn cong ở đầu. Khối vàng cao 12cm, nặng khoảng 0,22kg,

Khối vàng này được coi là một tuyệt tác do thiên nhiên tạo nên. Vậy nên suốt hơn 1 thế kỷ qua, không có ai dám phân tích khối vàng vì lo ngại các thí nghiệm có thể làm hỏng cấu trúc của nó.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu cũng không nhắc đến giá trị của khối vàng vì lý do an ninh.

Mới đây, nhóm nghiên cứu đên từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos sử dụng máy gia tốc hạt để tìm hiểu cấu tạo của khối vàng, bằng cách bắn các hạt nguyên tử neutron, có thể xuyên qua bề mặt của vàng.

Kết quả cho thấy "Sừng của Ram" là một hợp kim của vàng và bạc, trong đó bạc chiếm tới 30%. Vàng tự nhiên sở dĩ có thể được đúc thành các tuyệt tác đẹp và hiếm có là nhờ việc chúng được làm nóng tự nhiên từ trong lòng đất rồi chảy ra các kẽ đá thành các dải vàng.

“Sừng của Ram” hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Khoáng chất và Địa chất thuộc trường Đại học Havard, Mỹ.

Chi tiết nghiên cứu sẽ được sớm công bố và có thể hé lộ thêm những điều con người chưa biết về khối vàng bí ẩn này.

Đăng Nguyễn - Daily Mail
Link tham khảo:


Wednesday, April 28, 2021

ĐĨA HỦ TÍU XÀO NGON NHẤT MALAYSIA

Nhiệt độ đang là 35 độ C trong bóng râm, vậy mà ông Tan Chooi Hong khom người trên một cái chảo nóng rực, không đổ một giọt mồ hôi.

ẢNH: MATT BRANDON

Ngọn lửa từ than củi bùng lên và nhảy múa bên thành chảo, nổ lách tách khi ông bỏ nguyên liệu từng thứ vào, giống như cha của ông đã dạy ông gần 60 năm trước.

Vua hủ tíu xào

Char kway teow (炒粿條), món ăn đường phố nổi tiếng nhất của Malaysia, là một món hủ tíu xào đơn giản được làm từ xì dầu, trứng, sò huyết, giá, lạp xưởng và một vài con tôm.

Nó có mặt trên khắp đất nước - được thực khách ngấu nghiến tại các hàng quán lề đường, hay được thưởng thức tại các khu ăn uống tập trung - nhưng chỉ có một ông 'vua' char kway teow, và ông ấy ở Penang.

Chú Tan, cách người ta gọi ông, là một người đàn ông 79 tuổi rắn chắc với mái tóc bạc trắng và ánh mắt sáng rực hiểu biết.

Ông đã nấu món độc nhất này trên một chiếc chảo lưu động gắn vào xe đạp và được đẩy vào vị trí bên đường Siam ở trung tâm George Town trong hàng chục năm. "Tôi không nhớ mình bao nhiêu tuổi khi bắt đầu. Nhưng char kway teow là tất cả những gì tôi biết," chú Tan nói.

Sự nổi tiếng không ngờ của chú Tan bắt đầu hồi năm 2012 khi ông được một người địa phương phỏng vấn và đưa lên Facebook.

Kinh nghiệm nấu nướng hàng chục năm, kết hợp với hương vị nhiều tầng của hủ tíu mỡ màng ám mùi khói được cân bằng hoàn hảo với lạp xưởng mặn - ngọt, nhanh chóng khiến những người trẻ có tâm hồn ăn uống chảy nước miếng.

Không có gì bằng một dĩa hủ tíu đơn giản với câu chuyện thú vị đằng sau, và người trẻ Penang mê nó.

Bài báo lan truyền nhanh chóng và mọi người bắt đầu bay đến hòn đảo chỉ để thưởng thức món ăn của ông.

Năm 2015, đầu bếp nổi tiếng Martin Yan, được biết đến với chương trình truyền hình Yan Can Cook đã ghé thăm quán của ông trong chương trình 'Hương vị Malaysia'.

Nếu không phải lần nổi danh đó không làm nên danh hiệu 'Vua' của chú Tan, thì chắc chắn đó là nhờ xếp hạng 14 (trên 50) tại Đại hội Ẩm thực Đường phố Thế giới năm 2017.

Ngày nay, chiếc xe chảo ven đường của ông là điều không thể thiếu trong giới ẩm thực và ông được nhiều người tôn sùng là phục vụ món char kway teow ngon nhất, hợp vị nhất ở Malaysia, bán ra hàng trăm dĩa mỗi ngày và thực khách phải xếp hàng hàng giờ.

ẢNH: KIRSTEN RACCUIA

Chú Tan không lóa mắt bởi sự nổi tiếng và muốn kín tiếng. Khiêm tốn và nhút nhát, ông không hiểu mọi người làm nhặng lên để làm gì và không cho rằng char kway teow do ông làm ngon hơn bất kỳ của ai khác.

Tài nghệ điêu luyện

"Cha tôi không đến trường để học bất kỳ nghề nào. Đó không phải là lựa chọn. Ông phải làm việc cho cha mình, vì vậy ông làm char kway teow mỗi ngày bên cạnh cha," con gái ông, cô Tan Evelyn, nói với tôi. "Và ông đã làm việc không ngừng nghỉ."

Các thành phần nguyên liệu để làm món char kway teow đơn giản đến nỗi phải rất điêu luyện mới làm đúng. Thành phần chính là bánh hủ tíu cán mỏng. Không có quán char kway teow tự trọng nào lại sử dụng bánh hủ tíu khô, vì vậy, chú Tan thường nhận những bọc bánh tươi, dai được đều đặn giao bằng xe scooter.

Tôi quan sát ông thêm vào từng thứ một một cách điêu luyện, chỉ bằng cách nhìn và cảm.

Ông thảy một vốc đầy hủ tíu mướt vào cái chảo nóng hừng hực và dùng một cái sạn kim loại bản rộng để đảo nó trong tỏi và mỡ heo đang chờ.

Sau khi đẩy hủ tíu lên phía trên chảo, ông khéo léo đập một quả trứng bỏ vào giữa, dùng cái sạn đập trứng để lòng đỏ chảy vào hủ tíu.

ẢNH: MATT BRANDON

Một ít nước tương xì dầu, một muỗng đầy tương ớt và một ít nước tạo thành loại sốt mịn thấm vào sợi hủ tíu. Sau đó, chú Tấn thảy vào một vài con tôm và một vài lát lạp xưởng ngọt. Sau cùng, một vài con sò huyết được cho vào chảo đảo lên. Cuối cùng ông bỏ lên trên một nắm giá giòn, hẹ và tóp mỡ giòn tự làm.

Ông nhìn hủ tíu đang bốc hơi để có độ sệt hoàn hảo rồi múc nó vào một chiếc đĩa melamine và bắt đầu lại từ đầu. Toàn bộ quá trình diễn ra nhanh như chớp - chưa đầy hai phút - và chú Tan làm có vẻ rất nhẹ nhàng.

Trong khi nhiều quán dùng bếp gas, chú Tan nấu trên than củi, xào từng dĩa một để có hương vị tối đa và có 'wok hei', có nghĩa là 'hơi chảo'.

Wok hei là mức độ mùi khói của hương vị mà than củi tạo cho món ăn và được làm nên một cách tài tình bằng cách nấu đúng liều lượng ở đúng nhiệt độ. Đó là điều mà nấu bằng gas không làm được.

Nguồn gốc món ăn

Một số người nói rằng than củi là bí quyết thành công của chú Tan, nhưng "khách hàng thích món char kway teow của cha tôi hơn người khác là vì ông đã hoàn thiện nó trong 60 năm," Evelyn nói. "Các quán khác cũng dùng than và nguyên liệu tương tự, nhưng không ai có cái tài nấu như ông. Ngay cả anh trai tôi Kean Huat, vốn học nghề từ ông, cũng không có."

ẢNH: KIRSTEN RACCUIA

Những người khác thì gán thành công của chú Tân vào một loại nước sốt bí mật.

"Tôi thề. Không có nước sốt bí mật nào cả; đó là tài nấu nướng của ông," Evelyn quả quyết. "Tôi không thể làm ngon như anh hay cha. Anh tôi mất nhiều năm để học từ cha và tay nghề của anh ấy vẫn đang tiếp tục cải thiện. Việc này mất cả đời. Chỉ cần hỏi cha tôi."

"Nếu tôi đưa cho anh những nguyên liệu như vậy, anh không thể làm ra hương vị giống như tôi," chú Tan tán đồng.

Mặc dù char kway teow đã trở thành đồng nghĩa với ẩm thực đường phố Penang, nhưng nguồn gốc của nó lại ở Trung Quốc.

Vào thế kỷ 19, làn sóng di dân Hoa kiều khiến người Triều Châu và Phúc Kiến từ các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến ở đông nam Trung Quốc đến đây.

Trong cùng thời gian đó, Penang phát triển dưới sự cai trị của Anh và trở thành một trung tâm trung chuyển nhộn nhịp đem đến nhiều cơ hội việc làm.

Người Phúc Kiến đến Penang làm việc trong các đồn điền cao su và làm thương nhân và lái buôn, trong khi người Triều Châu tìm việc làm ở các mỏ thiếc và làm ngư dân. Họ đem theo một số thứ chủ yếu trong gian bếp của họ như xì dầu, đậu hũ miếng và hủ tíu gọi là 'kway teow'.

Trong tiếng Phúc Kiến, 'char' có nghĩa là 'xào' và 'kway teow' có nghĩa là 'sợi bánh bột gạo', dùng để chỉ hủ tíu.

Thứ mà khởi thủy chỉ là món hủ tíu xào đơn giản ở các tỉnh đông nam Trung Quốc với thịt heo, nước mắm và nước xì dầu đã được biến đổi thành món ngon hải sản khi nó đến bờ hòn đảo này.

Lúc đầu, nó được các ngư dân và người đi nhặt sò muốn kiếm thêm bán vào ban đêm. Thay vì các nguyên liệu truyền thống, họ sử dụng những gì có sẵn nhiều để làm nên phiên bản điều chỉnh của món ăn.

Đó là món ăn của người nghèo và những Hoa kiều khác đã ngấu nghiến nó như là một món ăn nhanh, rẻ, ngon miệng để họ có sức hàng giờ dưới nắng nóng.

Món này đã trở thành món chủ đạo của dân lao động.

'Thần tượng của thực khách'

"Khi làn sóng di dân Triều Châu và Phúc Kiến đến từ Trung Quốc, họ đi một mình, bỏ lại vợ con. Do không có ai nấu ăn cho họ, họ sống nhờ thức ăn đường phố rẻ tiền," Nazlina Hussin, chuyên gia ẩm thực Penang và là người viết sách, cho biết.

"Từ trên chảo đến trên đĩa, char kway teow không mất nhiều thời gian. Những người đàn ông này có thể ghé vào ăn bữa trưa rồi quay lại làm việc trong vòng vài phút."

ẢNH: GETTY IMAGES

Ngày nay, hầu hết người Hoa ở Penang là người gốc Phúc Kiến và Triều Châu.

Đây là nơi duy nhất ở Malaysia mà tiếng Phúc Kiến được sử dụng rộng rãi, và đó là lý do tại sao char kway teow vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với Penang.

Mặc dù bạn có thể tìm thấy món ăn này ngoài Penang, nhưng dân địa phương nói rằng nó không ngon bằng trừ phi nó được người Phúc Kiến hay Triều Châu làm.

Đó là lý do tại sao người ta bay đến đây từ Kuala Lumpur và Singapore và xếp hàng hàng giờ dưới nắng nóng để thử char kway teow của chú Tan.

Thêm nữa, ông là một trong những huyền thoại char kway teow lâu đời nhất ở Malaysia. Có sự tôn kính trong đó. "Hầu hết khách hàng đến đây vì cha tôi. Mọi người nói ông ấy là thần tượng char kway teow. Vì vậy, nếu ông ấy không đứng bếp, họ sẽ lái xe bỏ đi," Evelyn nói.

Năm 2018, lần đầu tiên sau gần 60 năm, chú Tan nghỉ bán.

Theo chỉ định của bác sĩ sau khi phẫu thuật thủy tinh thể, ông đã đóng quán trong sáu tháng, và người hâm mộ ông, giống như người hâm mộ bất kỳ thần tượng nào, nổi khùng lên.

Cả đảo gần như sụp đổ, và truyền thông địa phương than khóc việc ông đột ngột nghỉ bán.

"Hôm nay chúng ta phải chịu sự mất mát lớn nhất của nhân loại," trang web ẩm thực Penang Foodie viết. "Quán Char Koay Teow Siam Road chắc là sẽ đóng cửa vĩnh viễn."

Truyền nghề cho con trai

ẢNH: KIRSTEN RACCUIA

Con trai chú Tan tiếp quản trong thời gian ngắn nhưng dân địa phương không hài lòng với anh; Dân Penang là những thực khách trung thành và họ muốn ăn char kway teow của bậc thầy.

Sau sáu tháng đồn thổi hoành tráng, "Chúng ta phải tìm chỗ; chúng ta không thể để mọi người thất vọng," Evelyn tuyên bố.

Thay vì quay lại chỗ cũ bên đường, họ quyết định tìm mặt bằng trên cùng con phố. Ngày nay chú Tan vẫn xào nấu từ chiếc xe đẩy hàng có gắn chảo; chỉ là nó đậu trước cửa tiệm.

"Giờ đây, tôi và con trai tôi thay phiên nhau nấu. Khi tôi mệt, tôi có thể ngồi xuống xem Kean Huat làm tiếp món của tôi," ông nháy mắt nói.

"Điều đó không dễ dàng. Nhưng nó là đầu bếp char kway teow thế hệ thứ ba, và dù nó không bắt đầu lúc còn nhỏ như tôi, nhưng nó có thể hoàn thiện kỹ năng của mình một ngày nào đó."

Char kway teow của chú Tan không chỉ là lịch sử Penang trên dĩa; đó là lịch sử gia đình ông.

Ông hy vọng Kean Huat sẽ xứng đáng danh tiếng của cha và truyền nghề cho thế hệ tương lai để tiếp bước 'vua'.

Nhưng từ giờ cho đến khi đó, "Tôi không có ý định nghỉ hưu. Chừng nào tôi còn đứng được và xào trên chảo, tôi vẫn sẽ ở trên đường Siam này," chú Tan cười nói.

Bạn có muốn thử món này?

Địa chỉ quán chú Tan là 82 Siam Road, George Town, cách góc phố cắt đường Anson Road một tòa nhà.

Hãy cắt ngắn thời gian xếp hàng bằng cách đến vào khoảng 14:30, ngay khi chú Tan chuẩn bị nghỉ. Ông đứng xào từ 12:00 đến 15:00, rồi chuyển cho người con trai đứng bếp tiếp cho tới 18:30. Nhưng các bạn nhớ là quán đóng cửa vào các ngày Chủ Nhật và thứ Hai nhé.

Kirsten Raccuia
BBC Travel
Link
tiếng Anh:



XÚC XÍCH - MÓN ĂN TRỞ THẢNH BIỂU TƯỢNG CHO NGÀY BẦU CỬ Ở AUSTRALIA

Xúc xích thường được bán cho cử tri tại các điểm bầu cử để gây quỹ và dần trở thành một nét văn hóa chính trị của Australia.


Đêm trước cuộc bầu cử ở bang Tây Australia năm 2013, một nhóm bạn trẻ ngồi tập trung thảo luận về cách bỏ phiếu. Giữa không khí tranh luận sôi nổi về chính trị và chính sách, một câu hỏi "cấp bách" hơn xuất hiện và họ lập tức đăng nó lên Twitter.

"Chào mọi người, hãy cho chúng tôi biết nơi bạn sẽ tìm thấy món xúc xích vào ngày mai", Kimberley Seats, người có mặt đêm đó kể về dòng trạng thái được đăng lên Twitter, kèm hashtag #democracysausage (xúc xích dân chủ). Kể từ đó, cụm từ này nhanh chóng phổ biến và trở thành một phần của văn hóa chính trị Australia.


Năm 2016, Trung tâm Từ điển Quốc gia Australia tuyên bố "xúc xích dân chủ" trở thành "Từ của năm". Kể từ đó, người dùng mạng xã hội Australia thường xuyên sử dụng thuật ngữ này để chỉ việc mình đã hoàn thành nghĩa vụ bỏ phiếu của công dân. Trong cuộc thăm dò mới nhất, Australia năm nay dự kiến mở 1.800 điểm bầu cử trên khắp cả nước, nơi cử tri có thể vừa bỏ phiếu vừa mua xúc xích.

Cụm từ "xúc xích dân chủ" dường như cũng đang trở thành hiệu ứng toàn cầu, khi món ăn dân dã này được bày bán tại các điểm bỏ phiếu ở cơ sở ngoại giao Australia tại London, New York, Tokyo, Berlin, Kuala Lumpur và Vanuatu. Theo thống kê, biểu tượng xúc xích đã được tự động thêm vào các hashtag liên quan trong hơn hai triệu dòng trạng thái Twitter mùa bầu cử này.

Thủ tướng Australia Scott Morrison nướng xúc xích trong chiến dịch vận động của đảng Tự do hôm 18/4. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Twitter cũng hợp tác với các đơn vị tổ chức bầu cử Australia nhằm chỉ dẫn cho người dùng tìm thấy các điểm bỏ phiếu, cũng là điểm bán xúc xích bằng một ứng dụng tương tác trong ngày bầu cử. Google cũng sử dụng dữ liệu bản đồ tương tác để làm điều tương tự.

Năm nay, tỷ lệ đăng ký bỏ phiếu ở Australia đạt mức kỷ lục với hơn 16 triệu người, tương đương gần 96% cử tri. Tỷ lệ này ở Mỹ năm 2016 là 61% và ở Anh năm 2017 là 69%, cả hai quốc gia trên không bắt buộc đăng ký bầu cử.

Việc xúc xích trở thành biểu tượng cho ngày bầu cử ở Australia bắt nguồn từ truyền thống ăn điểm tâm với món bách mỳ kẹp xúc xích vào buổi sáng ngày bỏ phiếu bầu quốc hội nhằm lựa chọn ra đảng cầm quyền và thủ tướng mới của người Australia.


Tại các điểm bỏ phiếu ở trường học và nhà thờ, nhiều tổ chức xã hội hay thiện nguyện mở quầy bán sandwich kẹp xúc xích phục vụ cho cử tri nhằm lấy tiền gây quỹ, số tiền có thể được sử dụng để xây thư viện hoặc thiết bị mới cho các trường học. Nhiều người thậm chí còn cho rằng ăn xúc xích khi đi bỏ phiếu là truyền thống giúp cho các cử tri trở nên đoàn kết hơn.

Theo nhà sử học chính trị Judith Brett, xúc xích bắt đầu được bán tại các quầy hàng di động trong các sự kiện cộng đồng ở Australia từ những năm 1980. "Nền dân chủ Australia sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu những quầy bán xúc xích", cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từng nói khi ông bỏ phiếu tại Sydney.

Mai Lâm (Theo CNN)
Link tham khảo:




NHỮNG KỶ LỤC ĐẦY BẤT NGỜ TRONG LỄ TRAO GIẢI OSCAR 2021

Sáng 26/4 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Oscar, giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới lần thứ 93 đã diễn ra tại Los Angeles (Mỹ) với nhiều kỷ lục bất ngờ.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 93 được tổ chức tại tòa nhà Union Station ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: CNN

Cách thức tổ chức chưa từng có trong lịch sử

Lễ trao giải Oscar lần thứ 93 đã khép lại với với cách thức tổ chức chưa từng có trong lịch sử. Lễ trao giải diễn ra tại tòa nhà Union Station ở Los Angeles, thay vì địa diểm truyền thống là Nhà hát Dolby.

Do đại dịch COVID-19, Oscar chỉ được tổ chức trực tuyến và phát trên kênh ABC. Không có người dẫn chương trình, không có khán giả, người được đề cử cũng không cần đeo khẩu trang khi tham dự buổi lễ.

Chương trình lễ trao giải do các nhà sản xuất Steven Soderbergh, Stacey Sher và Jesse Collins thực hiện. Đạo diễn Steven Soderbergh cho biết: “Buổi lễ không giống bất cứ điều gì đã được tổ chức trước đây. Đại dịch đã mở ra cơ hội để chúng ta thực hiện một điều gì đó chúng ta chưa từng”.

Song giới chuyên gia bình luận lễ trao giải năm nay thiếu những giây phút nghẹt thở và thời khắc kịch tính. Phần tưởng niệm các nghệ sĩ quá cố bị chê chóng vánh, thiếu cảm xúc. Tuy nhiên, điểm cộng là lễ trao giải diễn ra ngắn gọn hơn mọi năm với có nhiều dấu ấn đặc biệt nhất trong lịch sử Oscar, với những giải thưởng lịch sử lần đầu tiên được trao cho phụ nữ và người da màu.

Bộ phim giành nhiều giải thưởng nhất tại Oscar thứ 93

Bộ phim Nomadland thắng lớn tại Oscar. Ảnh: CNN

Có vẻ như mọi dự đoán dành cho Nomadland tại Oscar 2021 đều chuẩn xác. Bộ phim của đạo diễn Chloe Zhao (趙婷 Triệu Đình) đã trở thành bộ phim hay nhất trong lễ trao giải Oscar lần thứ 93. Bản thân bà Shao u gx giành giải đạo diễn xuất sắc nhất.

Bộ phim dựa trên cuốn sách phi hư cấu có tiêu đề “Nomadland: Sống sót tại nước Mỹ trong thế kỷ XXI” xuất bản năm 2017 của nhà báo Jessica Bruder. Năm nay, Nomadland nhận được 6 đề cử.

Dù có kinh phí sản xuất khá khiêm tốn, chỉ trên 5 triệu USD, với dàn diễn viên chủ yếu là không chuyên, nhưng kể từ khi được công chiếu ngày 11/9/2020 tại Liên hoan phim Venice, Nomadland đã nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình phim.

Điều đáng chú ý là nữ diễn viên Frances McDormand của bộ phim cũng đã giành giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. McDormand đóng vai Fern, người phụ nữ thực hiện hành trình xuyên miền Trung Tây nước Mỹ bằng xe tải. Qua đó, nhân vật chính Fern, vừa mất chồng và nhà, đã trải nghiệm cuộc sống mới, được tiếp cận với cộng đồng những người sống du mục trên xe tải tại xứ Cờ hoa.

Người già nhất giành giải thưởng Oscar

Diễn viên Anthony Hopkins. Ảnh: CNN

Anthony Hopkins, diễn viên lớn tuổi nhất, đã giành được giải thưởng "Nam diễn viên xuất sắc nhất" tại lễ trao giải Oscar lần thứ 93.

Theo đó, nam diễn viên 83 tuổi đã mang về tượng đài Oscar nhờ vai diễn người cha mất trí nhớ trong bộ phim "The Father". Diễn xuất của ông khiến người xem đi từ run rẩy đến sững sờ, rồi bùi ngùi xúc động khi cảnh quay cuối cùng khép lại. Diễn viên Hopkins đã không có mặt để nhận giải thưởng.

Việc nam diễn viên Hopkins giành chiến thắng đã khiến một số người thất vọng. Điều này cũng khiến các nhà phê bình vô cùng bất ngờ. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng cố tài tử Chadwick Boseman sẽ thắng với vai diễn cuối cùng trong phim Ma Rainey's Black Bottom.

Bộ phim "The Father" - cũng đoạt giải "Kịch bản chuyển thể xuất sắc" trong lễ trao giải lần này.

Nữ đạo diễn gốc Á đầu tiên giành được tượng vàng

Đạo diễn gốc Trung Quốc Chloé Zhao (趙婷 Triệu Đình). Ảnh: CNN

Nữ đạo diễn Chloé Zhao (趙婷 Triệu Đình) giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim "Nomadland" và được giới phê bình đánh giá cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hạng mục giải Oscar chiến thắng được trao cho một phụ nữ da màu, đồng thời là nữ đạo diễn thứ hai giành giải thưởng danh giá này.

Theo đó, phải đến 93 năm, Viện Hàn lâm mới chọn một người phụ nữ châu Á trở thành đạo diễn xuất sắc nhất. Cho đến năm nay, cũng mới chỉ có 5 phụ nữ, tất cả đều là người da trắng, được đề cử giải Đạo diễn xuất sắc nhất và chỉ có một người được xướng tên là Kathryn Bigelow vào năm 2010 cho tác phẩm "The Hurt Locker". Chiến thắng của Chloé Zhao ghi dấu ấn về ảnh hưởng của phụ nữ châu Á trong ngành giải trí.

Các tờ The Guardian, NBC News đánh giá, chiến thắng của cô mang tính lịch sử. "Bộ phim này dành cho bất cứ ai có niềm tin và can đảm để sống tốt ", Chlóe Zhao phát biểu.

Trước Oscar 2021, Chlóe Zhao đã giành tới 47 giải Đạo diễn xuất sắc trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay, trong đó bao gồm tất cả giải quan trọng nhất như Quả cầu Vàng, BAFTA, và DGA của Hiệp hội đạo diễn Mỹ.

Nữ diễn viên Hàn Quốc đầu tiên giành giải thưởng

Nữ diễn viên kỳ cựu Yuh-jung Youn đã giành được giải thưởng “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” nhờ vai diễn trong bộ phim "Minari" và trở thành nữ diễn viên Hàn Quốc đầu tiên chiến thắng ở hạng mục này.

Bộ phim Minari kể về một gia đình từ Hàn Quốc chuyển đến Arkansas (Mỹ) để bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình này gặp phải nhiều khó khăn khi dẫn theo người bà, do diễn viên Youn thủ vai. Bộ phim này cũng như diễn viên Youn, đã nhận được nhiều lời ngợi khen của giới phê bình.

Nữ diễn viên kỳ cựu Yuh-jung Youn. Ảnh: CNN

Oscar là giải thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, là một trong các sự kiện phim ảnh nổi tiếng và uy tín bậc nhất thế giới. Năm nay là lần thứ 93 sự kiện được tổ chức, vinh danh các tác phẩm điện ảnh phát hành từ ngày 1/1/2020 đến 28/2/2021.

Ngoài các giải thưởng nổi bật trên, hạng mục "Nam diễn viên phụ xuất sắc" đã thuộc về Daniel Kaluuya với diễn xuất ấn tượng trong phim "Judas and the Black Messiah".

Các hạng mục đề cử về âm nhạc cũng đã được trao cho chủ nhân của mình. Trong đó, "Bài hát gốc hay nhất" đã được trao cho "Fight for You" của phim "Judas and the Black Messiah". Nhạc phim gốc hay nhất thuộc về nhạc của phim hoạt hình "Soul". "Soul" cũng thắng giải Phim hoạt hình hay nhất, một kết quả không ngoài dự đoán.

Một số giải khác như "Phim hoạt hình ngắn hay nhất" đã được trao cho "If Anything Happens I Love You" của đạo diễn Will McCormack và Michael Govier. Hạng mục "Phim nước ngoài hay nhất" đã xướng tên bộ phim "Another Round" của Đan Mạch. Kịch bản chuyển thể hay nhất được trao cho kịch bản phim The Father. Kịch bản gốc hay nhất được trao cho kịch bản phim “Promising Young Woman”.

Hải Vân/Báo Tin tức
Link tham khảo:



Tuesday, April 27, 2021

QUETZAL - MỘT TRONG NHỮNG LOÀI CHIM ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI

Lúc trước tôi có post cho các bạn một bài nói về sự kỳ lạ khi đến viếng đền Kukulcan trong quần thể Chichen Itza ở Mexico, khi các bạn vỗ tay phía trước đền thì tiếng vang lại sẽ nghe như tiếng chim mà người ta nói đó là tiếng chim Quetzal. Hôm nay tôi lại tìm được một bài viết về loại chim này nên post cho các bạn đọc nè. (LKH)


Nuốc nữ hoàng (Chim đuôi seo): một trong những loài chim đẹp nhất thế giới

Nuốc nữ hoàng, tên tiếng Anh là Resplendent Quetzal, là loài chim có bộ lông màu xanh lục bảo lấp lánh tuyệt đẹp và phần lông ở ức là màu đỏ thẫm. Chính vì vẻ đẹp lạ thường này mà nó được xem là biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa Maya cũng như của người Aztec.

Nuốc nữ hoàng sống trong rừng mây trên núi từ miền nam Mexico đến miền tây Panama, nên vùng đất này cũng nằm trong những trong những điểm đến được săn lùng nhiều nhất của những người chơi chim.

(Ondrej Prosicky/Shutterstock)

Loài này thuộc họ Trogonidae, các thành viên của chúng được phân biệt bởi bộ lông sặc sỡ và đặc tính độc đáo của chúng là mổ vào gỗ mềm hoặc cây mục để tạo lỗ làm tổ.

Nuốc nữ hoàng là một loài chim ăn tạp. Chúng ăn hoa quả, quả mọng, côn trùng, thằn lằn, ếch và bất cứ động vật nhỏ nào mà chúng bắt được. Tuy nhiên, theo Ủy ban Bảo tồn Chim Hoa Kỳ, thức ăn chúng thích nhất là quả bơ dại cỡ nhỏ, chúng sẽ nuốt cả quả vào sau đó sẽ nhả hạt ra sau khi đã ăn hết phần thịt quả.

(Ondrej Prosicky/Shutterstock)

Đây được xem là một trong những loài chim đẹp nhất trên thế giới. Con chim mái có lớp lông rực rỡ gồm các màu xanh lam, xanh lục và đỏ ; tuy nhiên, chim đực lại không nổi bật lắm mặc dù chúng sôi nổi hơn.

Theo National Geographic, ngoài chiếc mào màu xanh lá cây, khi đến mùa giao phối, những chiếc lông đuôi của chúng sẽ có thể phát triển dài tới gần 1 mét.

Điều này có nghĩa là khi đến lượt ấp 2-3 quả trứng được đẻ bên trong thân cây, con đực có xu hướng xếp lông trên lưng để tránh bị chú ý. Mặc dù vậy, đôi khi lông của chúng dài đến mức tưởng như lộ cả ra ngoài.

Không ngạc nhiên khi lông vũ của loài chim này đóng một vai trò quan trọng. Khi con đực cố gắng gây ấn tượng với đồng loại của mình trong mùa giao phối, chúng sẽ bay xuống từ trên cây cao để khoe những chiếc lông đuôi dài đằng sau. Ngoài màn trình diễn đẹp mắt đó, con đực còn hót cho con cái nghe.

(Wang LiQiang/Shutterstock)

Lông đuôi của loài chim này có ý nghĩa về mặt văn hóa. Giai cấp thống trị Aztec sẽ bắt những con chim đực để lấy lông đuôi làm mũ đội đầu, sau đó thả chúng ra.

Đối với người Maya, Nuốc nữ hoàng cũng có địa vị gần như thần thánh. Loài chim này không thể bị thuần hóa và bị bắt sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, nên đã trở thành một biểu tượng của tự do. Những chiếc lông vũ bị rụng hoặc được nhổ lấy đã trở thành một loại tiền tệ có giá trị, chính vì thế mà “Quetzals” (tạm dịch: Chim đuôi seo) trở thành tên gọi của đơn vị tiền tệ của Guatemala, bắt đầu từ năm 1925.

(Mirek Srb/Shutterstock)

Hiện nay do nạn phá rừng và săn trộm nên quần thể Nuốc nữ hoàng đang bị giảm dần. IUCN liệt kê số lượng hiện tại của loài chim này là còn khoảng 50.000 và xếp vào tình trạng “Gần bị đe dọa”. Rất may, tại các khu bảo tồn như El Jaguar ở Nicaragua và Vườn quốc gia Los Quetzales ở Costa Rica, người ta đang bảo vệ môi trường sống trong rừng nhiệt đới của loài chim này.

Vốn dĩ người ta đã biết rằng loài chim này có tiếng rằng chúng sẽ không sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, tuy nhiên ZooMAT ở miền Nam Mexico đã hợp tác với Thủy cung Thế giới Dallas để ấp hơn một chục quả trứng kể từ năm 2003. Việc thả những con chim này vào rừng mây của Khu dự trữ sinh quyển El Triunfo ở bang Chiapas có thể là một bước nhỏ trong việc xây dựng lại quần thể hoang dã này.

Đào Nguyên
Theo The Epoch Times