Thursday, June 30, 2022

TƯỚNG DO TÂM SINH, CẢNH TÙY TÂM CHUYỂN

“Tướng do tâm sinh” là câu nói xuất hiện cả trong Phật gia và Đạo gia. Thông thường chữ tướng ở đây là để chỉ hình thức biểu hiện của sự vật, tức là cái hình tượng xuất hiện bề mặt của các sự vật mà người ta nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày, mà hình tượng ấy biến hóa muôn hình vạn trạng, đều do nhân tâm khác nhau mà thành ra các trạng thái biểu hiện khác nhau...


Phật gia giảng “tướng do tâm sinh”, chủ yếu là để chúng sinh hiểu rằng “vật có thể thấy kia, thực ra không phải là vật như thế". Phật gia cũng giảng: “Vạn sự vạn vật thảy là không, thực sự đều là tâm chướng. Tâm người phàm tục thì đâu đâu cũng là ngục tù". Chữ tướng này là giả tướng, hư tướng, huyễn tướng, chứ không phải chân tướng, thực tướng, thế nên mới bảo người ta đừng chấp trước vào cái tướng này, nếu không sẽ bị vạn vật thế gian trói buộc. Nếu có thể siêu thoát ra khỏi sự giam hãm của sự vật đó thì sẽ đến được bến bờ hạnh phúc phía bên kia rồi.

Trong thuật xem tướng thì chữ tướng này thông thường là nói về tướng mặt, tức tướng mạo một người. “Tướng do tâm sinh” có nghĩa là: người ta có tâm cảnh thế nào thì sẽ có tướng mạo là thế ấy. Tư tưởng và thành tựu của một người có thể nhìn ra được thông qua biểu hiện đặc trưng của khuôn mặt.

Sách «Tứ Khố Toàn Thư» luận thuật rằng: “Chưa cần xem tướng người, mà trước tiên hãy nghe giọng nói của người ấy. Chưa cần nghe giọng nói người ta mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ấy. Chưa cần xem hành vi người ta mà trước tiên hãy xem xét cái tâm của người ấy". Đây cũng là nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người. Sự thay đổi tướng mặt chính là do tâm thay đổi mà biểu hiện ra bên ngoài.

Sự thay đổi tướng mặt chính là do tâm thay đổi mà biểu hiện ra bên ngoài. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Từ tướng ăn mày thành quan cao tước lớn

Chuyện kể rằng: Bùi Độ sống vào thời nhà Đường, thuở còn trẻ nghèo khổ cơ cực, bất đắc chí. Một hôm, trên đường đi anh gặp thiền sư Nhất Hạnh. Đại sư nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt nông nổi, đường vân dọc chạy vào trong miệng. Đây chính là tướng ăn xin đầu phố, sẽ chết vì đói, vì vậy thiền sư khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu thiện.

Mấy ngày sau, Bùi Độ lên núi Hương Sơn, nhặt được một chiếc đai ngọc của một phụ nữ và tìm trả cho người ta, nhờ thế mà cứu được tính mạng của người cha cô ấy. Hôm sau Bùi Độ lại gặp thiền sư Nhất Hạnh. Đại sư coi mặt Bùi Độ thấy ánh mắt trong sáng, tướng mặt đã hoàn toàn thay đổi. Thiền sư bảo với Bùi Độ rằng sau này anh nhất định sẽ làm quan lớn.

Bùi Độ cho rằng thiền sư đang đùa với mình, chỉ cười suông, nhưng thiền sư Nhất Hạnh nói: “Tấm thân bảy thước chẳng bằng khuôn mặt bảy tấc, khuôn mặt bảy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc, cái mũi ba tấc chẳng bằng một chút từ tâm”. Thiền sư hỏi anh gần đây đã làm được việc tốt gì. Sau khi biết chuyện Bùi Độ trả lại đai ngọc, thiền Sư đã khen ngợi thiện hạnh của anh.

Quả nhiên Bùi Độ sau này làm trọng thần của bốn đời vua là Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông. Ông cũng được xem là “quan tướng toàn tài”, đương thời có địa vị và danh tiếng lớn “Công cao trung nguyên, vang danh biên ngoại”. Trong sử sách nhìn nhận Bùi Độ là “đức độ vẹn toàn thuỷ chung suốt bốn đời vua”, “uy danh đức độ và sự nghiệp của ông sánh với Quách Phần Dương”. Bùi Độ có năm người con, đều danh tiếng hiển hách, có nhiều thành tựu.

Quả nhiên Bùi Độ sau này làm trọng thần của bốn đời vua là Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông. (Ảnh NTD Việt Nam tổng hợp)

Từ tướng công danh thành họa sát thân

Bùi Chương là người Hà Đông tỉnh Sơn Tây. Cha mẹ của Bùi Chương có quan hệ thâm giao với Thần tăng Đàm Chiếu Pháp sư. Pháp sư tinh thông tướng thuật, ông coi tướng Bùi Chương, thấy thiên đình (phần trán) rộng đầy đặn, địa các (phần cằm) vuông vức tròn đầy, là tướng tương lai làm nên công danh sự nghiệp, nhất định sẽ có nhiều thành tựu.

Khi hai mươi tuổi, Bùi Chương cưới Lý Thị làm vợ. Một năm sau đó anh đến Thái Nguyên làm quan, vợ con phải để lại ở nhà. Mấy năm sau Bùi Chương trở về nhà, lại gặp Đàm Chiếu Pháp sư. Pháp sư rất ngạc nhiên thấy tướng mạo của anh đổi khác hẳn: thiên đình lõm vẹo, địa các nhọn hẹp, lòng bàn tay có hắc khí xoay quanh. Pháp sư bèn bảo với Bùi Chương: "E rằng sẽ gặp tai hoạ bất trắc, phải cẩn thận đề phòng".

Sau đó Pháp sư gạn hỏi xem anh có làm gì thất đức không. Bùi Chương suy xét rồi kể rằng: "Mấy năm ở Thái Nguyên chỉ có việc thông dâm với phụ nữ là trái với luân lý mà thôi, chứ không làm gì trái với lương tâm cả".

Đàm Chiếu Pháp Sư thở dài và nói: “Vốn dĩ cậu có tiền đồ tốt đẹp, sao chẳng biết trân quý? Tư thông với vợ người ta, cậu đã huỷ hết phúc đức của mình rồi. Thật đáng tiếc thay”.

"...Tư thông với vợ người ta, cậu đã huỷ hết phúc đức của mình rồi. Thật đáng tiếc thay”. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Sau đó không lâu Bùi Chương thật sự gặp tai hoạ. Một lần, khi anh đang tắm trong nhà tắm thì bị thuộc hạ xông vào hành thích, một nhát đao trúng bụng, gan ruột lòi ra mà chết.

Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển

Có câu ngạn ngữ xưa rằng: “Hữu tâm vô tướng, tướng do tâm sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, câu này có nghĩa là: "Có tâm mà không có tướng, thì tướng cũng sẽ do tâm mà sinh ra. Có tướng mà không có tâm, thì tướng ấy cũng sẽ bị mất đi theo cái tâm ấy". Tướng mạo con người sẽ tùy theo cái tâm thiện - ác của người đó mà thay đổi.

Kỳ thực, từ Đông y cổ đại cũng như sinh lý học và tâm lý học hiện đại là có thể thấy rằng đạo lý “tướng do tâm sinh” cũng giản đơn thôi. Cái tướng mạo của người ta là do ‘hình’ và ‘thần’ hợp lại mà thành. Hình tướng hoàn toàn thuộc về đặc trưng sinh lý, còn thần thái thì bao hàm nhân tố sinh lý lại quyết định bởi sự tu dưỡng hậu thiên. Nhất cử nhất động, từng ý từng niệm trong cuộc sống, qua thời gian lâu dần sẽ ngưng kết và cố định lại ở trên khuôn mặt. Điều này cũng có nghĩa là: “Có ở bên trong thì ắt hiển hiện hình tướng ra bên ngoài".

Tâm niệm nảy sinh, cũng sẽ tác dụng lên thân thể; nếu như tâm niệm an hoà tĩnh tại, thần thanh khí sảng, cách nhìn rộng mở, lỗi lạc quang minh, thì sẽ khiến khí huyết hài hòa, ngũ tạng an định, các chức năng, các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết hoạt động bình thường, thân thể khỏe mạnh, và sẽ thể hiện ra mặt mũi sáng sủa, thần thái ngời ngời, khiến ai trông thấy cũng cảm thấy thoải mái, cảm thấy thân thiện an hoà, và tự nhiên muốn gần gũi, muốn được kết giao cùng.

Có thể nhìn nhận quan hệ giữa tướng và tâm như thế này: “Tướng” là bề mặt, là biểu hiện bên ngoài, “Tâm” là bên trong, là hoạt động nội tâm. “Tướng” là hư huyễn không thực, ở trạng thái bị động, là phản ánh ra ngoài của “Tâm”, “Tâm” thế nào thì “Tướng” thế nấy. “Tướng” là tùy theo “Tâm” biến hoá mà biến hoá theo, cũng gọi là “cảnh tùy tâm chuyển”, “tướng tùy tâm thiên” (cảnh thay đổi theo tâm, tướng chuyển dịch theo tâm). Cũng có thể coi “Tâm” là nhân của “Tướng”, “Tướng” là quả của “Tâm”.

“Tướng” là hư huyễn không thực, ở trạng thái bị động, là phản ánh ra ngoài của “Tâm”, “Tâm” thế nào thì “Tướng” thế nấy. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Nếu một cá nhân không làm chủ nổi cái tâm của chính mình, thì sẽ bị động theo ảnh hưởng và lôi kéo của hoàn cảnh bên ngoài, chính là “tâm tùy cảnh thiên” (tâm thay đổi theo cảnh) rồi. Nếu có thể làm được bất động tâm, thế thì, chính là đã chế ước được ngoại cảnh không cho phát sinh biến hoá. Thế nên, Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng: “Vạn vật thế gian đều do hình tướng biến hoá ra, tâm bất động, vạn vật sẽ bất động, tâm bất biến, vạn vật sẽ bất biến".

Do đó có thể nói, bất kể hoàn cảnh hay tướng mạo như thế nào đi nữa, thì đều là “tâm” mình quyết định; “tướng” là chiếc gương của “tâm”. Vậy làm người thì nên có tâm cảnh thế nào?

Tuân Tử viết: “Xem tướng ngoại hình không bằng xem tướng tâm, luận về tâm không bằng luận về đức”.

Sách "Thái Thanh Thần Giám" - cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất trong thuật xem tướng thời xưa, có luận về đức thế này: “Tu đức là trên hết, mà biểu hiện là tu dưỡng hành vi", và: "Đức ở trước ngoại hình, ngoại hình ở sau đức"; "Bỏ ác theo thiện thì có thể tiêu tai tránh hung".

Tường Hòa
Theo Nhược Thủy

VƯƠNG DƯƠNG MINH: "NGƯỜI MUỐN THÀNH ĐẠI SỰ, KHÔNG NÊN QUẤN LẤY MẤY CHUYỆN VỤN VẶT"

Ý nghĩa sâu xa trong lời nhắn nhủ của ông chắc chắn sẽ là một tấm thảm dài, trải sẵn con đường thành công cho bạn!


Một lần, có một vị tiền bối đến thành phố tôi đang ở để làm khảo sát nghiên cứu. Với tư cách là người bản địa, việc đưa tiền bối đi khắp nơi để tham quan là điều đương nhiên.

Tại lối vào của một khu danh lam thắng cảnh, anh ấy đã bị vài đứa bé ăn xin bảy, tám tuổi chặn lại. Bọn trẻ túm chặt lấy quần áo của tôi như muốn nói "không cho tiền thì không được đi". Tôi có nghe qua về kiểu ăn xin này, rằng một số người lớn có tâm địa độc ác thường dùng sự thương cảm của mọi người để lợi dụng trẻ em, buộc chúng đi ăn xin, sau đó mang tiền về cho họ. Vì vậy tôi không có ý định cho tiền dù chúng có chèo kéo đến cỡ nào.

Tiền bối đứng ở bên cạnh thấy vậy, lập tức móc ra 100 ngàn từ trong ví, đưa cho đám nhóc rồi vội vàng kéo tôi rời đi.

Vào được bên trong khu du lịch, anh ấy đã nói một điều mà có lẽ cả đời tôi cũng không bao giờ quên:

"Tôi biết nguyên nhân cậu không cho tiền không phải là vì tiếc tiền, mà là vì không muốn góp phần cổ xúy cho những khuất tất phía sau đó. Nhưng cậu có bao giờ nghĩ rằng nếu cậu cứ để bản thân vướng vào những đứa trẻ đó, nó sẽ làm trì hoãn chuyến đi tiếp theo của chúng ta không? Cậu phải nhớ, những người có chí lớn sẽ không bao giờ lãng phí thời gian và sức lực của mình vào những việc nhỏ nhặt."


Đã mấy năm trôi qua, càng ngày tôi càng cảm thấy câu nói này anh ấy quả thật là một đạo lý sâu sắc trong cuộc đời. Vì người sáng lập ra "tâm học", hiền nhân Vương Dương Minh cũng có cùng quan điểm như thế.

Khi còn đi học, ông đã từng hỏi giáo viên của mình một câu: "Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời của một người?"

Thầy ông trả lời: "Điều quan trọng nhất, tất nhiên là phải học, để lấy công danh, và làm quan lớn."
Vương Dương Minh tên thật là Thủ Nhân tự Bá An, ông là nhà chính trị, nhà tư tưởng, triết học xuất sắc nhất thời nhà Minh, được đánh giá là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trong suốt cuộc đời của mình, Vương Dương Minh được người đời ca tụng và biết đến là bậc hiền nhân với những bài học triết lý nhân sinh sâu sắc.
Vương Dương Minh nghe xong, lập tức phản bác lại: "Con nghĩ điều quan trọng nhất của cuộc đời là học hành và làm một người thánh hiền."

Một người là giáo viên dạy dỗ nhiều người, một người là Vương Dương Minh, chỉ mới là một cậu học trò ham học, thế mà góc nhìn lại quá khác nhau, cao thấp phân rõ.

Ngày nay, có rất nhiều người dù đã đến độ tuổi trung niên nhưng vẫn cảm thấy mơ hồ, rằng tại sao họ đã làm việc rất chăm chỉ rồi, mà vẫn không đạt được gì? Trên thực tế, về bản chất là do tầm nhìn của họ quá hạn hẹp.

Người có tầm nhìn hẹp sẽ thà lãng phí thời gian còn hơn để những người đứng sau lợi dụng mấy đứa trẻ ăn mày thành công; họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt của việc có được chức vụ cao, nhưng lại không biết cái "lợi sâu xa" của việc làm một người thánh hiền.

Chính những điểm khác biệt này đã khiến cuộc sống và sự nghiệp của một số người thuận buồm xuôi gió, trong khi một số người dù có cố gắng đến đâu cũng không thể đạt được thành tựu gì.

Nhưng may mắn là, tầm nhìn là thứ mà con người có thể tu dưỡng được. Trong tác phẩm "tâm học" của Vương Dương Minh, có một tư tưởng như thế này: "Ôm hoài bão chẳng khác nào đau tim." Nếu trái tim bạn đang đầy nỗi đau, liệu bạn có thời gian để buôn chuyện và lo bao đồng hay không?

Ý của Vương Dương Minh rất đơn giản, chẳng hạn như khi bạn bị cảm, làm sao bạn có sức để lo việc khác được? Bạn phải tập trung vào những thứ chính yếu như "chóng mặt, nghẹt mũi, hắt hơi". Nếu bạn đối xử với mục tiêu của mình cũng tương tự như thế, thì làm sao bạn có thời gian rỗi để ngồi dây dưa vào những câu chuyện phiếm, những người nhàn rỗi và những điều nhỏ nhặt?


Thực tế, trí thông minh giữa người và người không có cách biệt quá lớn. Lý do sự phát triển nghề nghiệp và cuộc sống của mọi người cách nhau quá xa là do tầm nhìn của họ không giống nhau mà thôi.

Ví dụ, bạn vì muốn tập trung cho sự nghiệp nên đã không tham gia tiệc tối cùng các đồng nghiệp, vì thế nên họ đã nói bạn là một người lòng dạ sắt đá. Suy cho cùng, mục tiêu của bạn là sự nghiệp chứ không phải giải trí, nên bạn cũng không cần quá bận tâm về người khác nghĩ gì.

Lý do tại sao nhiều người dù đã lăn lộn chục năm, nhưng khi bước vào tuổi trung niên vẫn không đạt được gì là vì họ quá để tâm những chuyện nhỏ, lo người khác sẽ đàm tiếu về mình. Nếu cứ mãi vướng trong những vướng mắc này, thì cơ hội sẽ vụt mất hết tất cả.

Tựu chung lại, dù là một "tuổi trẻ tài cao" hay một "lão già" đã lăn lộn trong xã hội nhiều năm, nếu muốn đạt được thành tựu to lớn, nhất định phải ghi nhớ loại trí tuệ "tâm học" này của Vương Dương Minh: "Hãy ôm hoài bão như thể đang đau tim."

Trần Anh / Theo: Trí Thức Trẻ

ĐEM THÚY VÂN ĐÁNH TRÁO THÚY KIỀU

Dù có đúc tượng hay không, thì cá basa cũng phải lên… bàn thờ. Nuôi cá basa không kinh tế bằng nuôi cá tra thì nuôi làm gì? Số phận cá basa đã được an bài cả vài năm trước vụ kiện chống phá giá (2002), huống chi hơn 15 năm sau, cá basa chỉ còn là hàng hiếm, đãi bè bạn chơi lấy thảo, còn đâu ra mà tìm ở siêu thị cho tốn công. (Vũ Thế Thành)

Tượng đài cá basa bên bờ sông Hậu (Châu Đốc)

Tôi không “mặn” hàng đông lạnh lắm, nhưng kẹt thì nuốt cũng trôi. Trước Tết, lòng vòng siêu thị kiếm mấy món tôm cá mực lẩu đông lạnh, đụng đâu nấu đó sơ xịa, lai rai ba ngày Tết. Rượu ngon, mà mồi đưa cay không nổi. Duyên nợ với ngành thủy sản 20 năm, nông nỗi đưa cay thế này coi như… tổ vật. Đành chờ hết mùng, thưa chuyện với các đại gia thủy sản, mà trước tiên là câu chuyện chính danh.

Vào khu hàng đông lạnh, thấy đâu cũng toàn là basa, nào là basa fillet, basa xiên que, basa tẩm bột, basa há cảo, basa muối ớt, basa đậu hũ, basa chả giò… Cá basa đâu ra mà lắm thế?

Chị khó nuôi, em ăn bạo

Các basa và cá tra cùng họ pangasiidae, cùng giống phụ pangasius (giống như tên đệm), nhưng loài (tên) thì khác nhau. Cá basa gọi theo tên khoa học là pangasius bocourti, còn cá tra là pangasius hypophthalmus.

Về độ ngon (nếu dễ tính), thì cá basa và cá tra đều ngon “mười phân vẹn mười”, nhưng cá basa “so về tài sắc lại là phần hơn”. Nếu hiểu “tài” là độ ngon, thì thịt cá basa nhỉnh hơn cá tra. Còn “sắc” thì phải xem lại. Cá basa đầu ngắn bụng bự mà khen đẹp thì cần thay đổi về tiêu chuẩn thẩm mỹ.

Cá basa và cá tra đều tìm thấy ở hạ nguồn sông Mekong. Vào độ tháng tư, cá tra bơi ngược dòng về Biển Hồ (Kampuchia), còn cá basa ngược dòng xa hơn, về tận vùng Pakse (Hạ Lào). Những nơi này có điều kiện thích hợp để cá sinh sản. Sau khi nở, cá con lội xuôi dòng về hạ lưu. Trước đây, người dân Châu Đốc, Hồng Ngự, Đồng Tháp vớt cá con, rồi nuôi trong ao hoặc bè. Hiện nay, việc cho đẻ nhân tạo hai loại cá này đã được chủ động trong nước.

Cá Basa

Cá tra nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên có thể nuôi được ở ao (môi trường oxy thấp hơn nuôi bè), mật độ nuôi cao hơn. Cá tra ăn tạp và ăn bạo, nên chóng lớn. Thời gian từ lúc nuôi đến khi lên thớt cũng nhanh hơn (lợi về kinh tế).

Cá basa đầu ngắn bụng bự, nhiều mỡ, nên còn gọi là cá bụng. Cá basa thuộc loại khó nuôi, đòi hỏi môi trường oxy nhiều hơn, nên phải nuôi bè. Nuôi bè thì phải đóng bè, thức ăn rơi vãi, trôi theo dòng nước, lại phải nuôi lâu, năng suất xả fillet kém, nên giá thành cao. Bù lại, cá nuôi bè, nước chảy liên tục không bị hãm, nên thịt trắng, thơm tho (không mùi bùn).

Lại tìm những chốn đoạn trường mà… bơi

Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ rất “kính nể” cá tra. Năm 2002 họ đã chính thức đưa cá tra đấu tay đôi với cá catfish Mỹ. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam bị kiện chống phá giá (anti dumping). Một biến cố xui xẻo đáng… hãnh diện!

Thưở còn bị cấm vận (trước năm 1994), Việt Nam chủ yếu xuất cảng fillet cá basa qua ngõ Hongkong. Khi nhu cầu tăng, Việt Nam mới xuất thêm cá tra.

Cá tra dễ nuôi, giá rẻ, thịt cũng gần giống như basa, nên dần dần lấn lướt. Ở thời điểm bị kiện phá giá, phần lớn fillet cá xuất khẩu là cá tra, nhưng tên ghi trên nhãn thì loạn xà ngầu. Tử tế thì gọi chung chung là pangasius, còn không, thì cứ mập mờ là basa fillet, basa pangasius, basa Mekong, basa catfish… Trước vụ kiện, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm lấy tên “catfish” để gọi cá thuộc giống pangasius. Không một doanh nghiệp nào đủ can đảm gọi đúng tên fillet cá tra hay Tra fish.

Cá Tra

Hai chữ cá tra dễ làm người ta liên tưởng đến cá… cầu tiêu. Thực ra khoảng 20 năm trước, cá tra đã được nuôi công nghiệp rồi, nuôi bè hoặc đăng quầng (nuôi trong ao, thông nước với sông, nên nước ao không bị tù hãm). Trước khi khởi kiện, Hội nuôi cá catfish Mỹ (CFA) đã cho người qua Việt Nam sục tìm khuyết điểm của việc nuôi và chế biến cá tra, xét nghiệm mức ô nhiễm nguồn nước, dioxin, thủy ngân… Nếu cá tra mà nuôi theo kiểu hầm cầu thì đã “tới số” với CFA từ khuya rồi, khỏi kiện cáo chi cho phiền phức. Chỉ cần một bài báo về an toàn thực phẩm trên tờ Washington Post, thì nước Mỹ sẽ vĩnh biệt cá tra.

Thịt cá tra thơm ngon rẻ, không vương mùi bùn như catfish Mỹ (nuôi ao), lại hợp vệ sinh, thì bị lên thớt “chống phá giá” là điều dễ hiểu. Trong cuộc chơi chống phá giá, những điều vô lý đều có thể trở thành… có lý. Hậu quả là có doanh nghiệp bị áp thuế tới hơn 40%.

Sau vụ kiện, tên basa bỗng nhiên nổi tiếng trên thế giới. Thiên hạ tự hỏi vì sao anh khổng lồ lại đánh te tua thằng con nít thế này, bèn đua nhau dùng thử. Cá tra được mùa! (Làm gì còn cá basa thứ thiệt nữa mà xuất, nếu còn thì cũng rất ít). Từ vài chục triệu USD ở thời điểm vụ kiện, kim ngạch xuất cảng cá tra lên tới khoảng 1,8 tỉ USD vào năm ngoái (2014).

Ngay sau vụ kiện, khi còn nhập nhằng tên gọi, tôi cũng máu lên, đề nghị nên dùng chữ basa là tên gọi chung cho các loài cá thuộc giống pangasius. Coi như dựa hơi tên basa để thuận lợi xuất cảng các loại cá khác, và đó cũng là tên gọi đặc thù cho nhiều loại cá ở đồng bằng sông Mekong. Kèm theo sau basa là tên khoa học của loài cá đó, chẳng hạn, Basa Hypo (cá tra), Basa Bocourti (cá basa thứ thiệt), Basa Conchophilus (cá hú), Basa Kremfi (cá bông lau)… Nhưng quan đầu tỉnh lúc đó không ưng, ngài muốn tên basa là đặc trưng cho địa phương ngài, và cho đúc tượng cá basa bên bờ sông Hậu.


Duyên hết, nghiệp còn

Dù có đúc tượng hay không, thì cá basa cũng phải lên… bàn thờ. Nuôi cá basa không kinh tế bằng nuôi cá tra thì nuôi làm gì? Số phận cá basa đã được an bài cả vài năm trước vụ kiện chống phá giá (2002), huống chi hơn 15 năm sau, cá basa chỉ còn là hàng hiếm, đãi bè bạn chơi lấy thảo, còn đâu ra mà tìm ở siêu thị cho tốn công.

Bây giờ xuất cảng, các doanh nghiệp đều phải ghi rõ tên cá tra là pangasius hypophthalmus, đâu dám giỡn chơi với Tây với Mỹ. Vậy mà các đại gia thủy sản lại (nỡ) đùa dai với những người anh em tiêu dùng trong nước, xài tên basa tá lả. Đem Thúy Vân đánh tráo Thúy Kiều, coi sao được!

Lịch sử basa đã sang trang. Basa khởi duyên, cá tra hưởng nghiệp. Duyên hết, nghiệp còn. Nhớ nhau thì xôi gà cúng quảy, thả cá phóng sanh, chứ mang tên cúng cơm basa ra xài hoài, coi bộ hơi “bất kính” với con cá khuất mặt, phải thế không các đại gia thủy sản?

Vũ Thế Thành (Đà Lạt, 2016)

KỲ LẠ NGÔI LÀNG KHÔNG NGƯỜI GẦN 80 NĂM Ở ANH, TẤT CẢ CƯ DÂN ĐỀU RỜI ĐI, CHỈ ĐỂ LẠI 1 LỜI NHẮN CẢM ĐỘNG

Tyneham được coi là một ngôi làng "ma" vì hoàn toàn vắng bóng người từ năm 1943, thời điểm giữa Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.


Ngoài ra, nó còn được biết tới với cái tên "ngôi làng đã mất" bởi người dân địa phương. Ngôi làng nằm trong một thung lũng hẻo lánh giữa 2 rặng đồi Purbeck Dorset, phía Tây Nam nước Anh.

Một bốt điện thoại công cộng cũ trong làng

Ngôi làng có một lịch sử rất lâu đời, với dấu vết về sự định cư của nhiều nền văn minh trước đây. Các di chỉ cho thấy từng có người sống từ suốt thời đại đồ sắt đến thời kỳ La Mã sau này. Làng cũng có một nhà thờ cổ thờ Thánh Mary được xây dựng vào thế kỷ 15.

Tuy vậy, giờ đây không còn ai sống ở làng, sau khi mọi cư dân rời đi vào năm 1943 bởi một cuộc di tản.

Nhà thờ ở Tyneham

Địa hình của vùng được cho là lý tưởng cho các cuộc diễn tập quân sự. Khi quân đội Mỹ đến đây vào giữa Thế chiến 2, họ đã lập nên nhiều căn cứ mới. Trước tình hình đó, cộng với việc lo cho an nguy của thường dân trong chiến tranh, họ đã yêu cầu dân làng rời đi và tái định cư ở một địa điểm mới.

Tổng cộng 7.500 mẫu Anh (hơn 3.000 héc ta) đã được Bộ Chiến tranh Anh trưng dụng ngay trước dịp Giáng sinh năm 1943.

Đáng buồn rằng điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều người dân sẽ mất đi ngôi nhà của mình, nhưng nhiều người hy vọng rằng một ngày kia họ có thể trở lại. Trong số khoảng 225 người rời Tyneham, một cư dân đã để lại lời nhắn trên cánh cửa nhà thờ cho đội quân tiếp quản:


"Xin hãy giữ gìn thật cẩn thận nhà thờ và những căn nhà; chúng tôi đã bỏ nhà mình đi - nơi mà gia đình chúng tôi từng sinh sống suốt nhiều thế hệ - để giúp giành chiến thắng trong trận chiến gìn giữ tự do cho nhân loại.

Chúng tôi sẽ trở lại vào một ngày kia và xin cảm ơn các anh đã đối xử thật tốt với ngôi làng".

Mặc dù vậy, những cư dân xưa của Tyneham đã không bao giờ đặt chân trở lại làng nữa. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người định cư ở những ngôi nhà mới tại Wareham cách đó 6 dặm (khoảng 10km).

Những cư dân xưa của Tyneham đã không bao giờ đặt chân trở lại làng nữa.

Nhưng một số khác không bằng lòng và mong muốn được trở về. Thậm chí còn có một cuộc biểu tình đòi quyền được quay lại Tyneham đã diễn ra.

Một cuộc khảo sát công khai đã được tiến hành vào năm 1948 để giải quyết vấn đề. Cuối cùng, một lệnh mua bắt buộc được đưa ra và đất làng thuộc về quyền sở hữu của Bộ Quốc phòng Anh từ đó.

Nhiều cuộc vận động sau đó vẫn được tiến hành để đưa những người di tản về Tyneham. Tuy vậy, không có sự nhất trí nào giữa các nhà vận động, chính quyền và Bộ Quốc phòng được đưa ra.

Dù sao đi nữa, những ngôi nhà trong làng đã dần bị thời gian tàn phá và trở nên không thể ở được sau thời gian dài sử dụng làm cơ sở huấn luyện quân sự. Phần lớn các biệt thự cổ có tuổi đời từ thế kỷ 14 đã bị phá dỡ vào năm 1967 bởi Bộ Xây dựng Anh lúc đó.

Làng bị bỏ hoang và trở thành địa điểm du lịch

Hiện nay, ngôi làng vẫn bị bỏ trống và được dùng làm địa điểm du lịch. Nhiều người hiếu kỳ tìm đến làng để chứng kiến bầu không khí được giữ vẹn nguyên từ năm 1943, may mắn khi nhiều căn nhà đang còn ở tình trạng khá tốt.

Theo: Trí Thức Trẻ
Link tham khảo:




Wednesday, June 29, 2022

CHUYỆN GÌ XẢY RA KHI HỔ VÀ SƯ TỬ GIAO PHỐI VỚI NHAU?

Trong tự nhiên, ở các vườn thú hay khu bảo tồn, sư tử và hổ đôi khi giao phối với nhau, tạo ra những "đứa con lai" kỳ lạ.


Nhiều người trong số chúng ta ắt hẳn từng xem những đoạn video hay hình ảnh của những con vật vừa giống sư tử, mà cũng mang theo những đặc điểm của hổ như vằn đen, màu cam đậm hơn... Đây thực ra là những "đứa con lai" kỳ lạ khi hổ và sư tử quyết định giao phối với nhau.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp này thường mắc các dị tật bẩm sinh dẫn đến tử vong ngay sau khi sinh, hoặc có kích thước khác thường khi chúng lớn lên. Những con lai cũng thường gặp vấn đề khi tương tác với các thành viên của loài bố mẹ vì các đặc điểm hành vi của chúng thường biểu hiện dưới dạng pha trộn các thói quen của cả hai loài, hơn là của loài này hay loài khác.

Những "đứa con lai" kỳ lạ khi hổ và sư tử quyết định giao phối với nhau.

Theo định nghĩa chung, có 2 loài lai chính là Liger (sư tử đực + hổ cái) và Tigon (hổ đực + sư tử cái). Ngoài ra, nếu các Liger và Tigon tiếp tục giao phối với các thành viên khác trong bầy, chúng sẽ tạo ra nhiều biến thể con lai sau đó như: Ti-liger (hổ đực + liger cái), Ti-tigon (hổ đực + tigon cái), Li-liger (sư tử đực + liger cái), Li-tigon (sư tử đực + tigon cái).

Trong đó, dễ bắt gặp nhất là Liger và Tigon. Tính đến năm 2019, có khoảng 100 con Liger và ít hơn 100 Tigon được cho là tồn tại, chủ yếu là tại các vườn thú và khu bảo tồn hoang dã.

1. Sư hổ (Liger)

Sư hổ có danh pháp khoa học Panthera leo x Panthera tigris, là con lai giữa sư tử đực và hổ cái. Chúng có kích thước từ 2,9 đến 3,3 mét, ngoại hình với màu cam hoặc màu be, sọc lông đen trên lưng và những đốm trên bụng xen lẫn các mảng màu đen, nâu sẫm, con đực có thể có bờm ngắn.

Sư hổ là là con lai giữa sư tử đực và hổ cái.

Sư hổ chính là loài động vật lớn nhất trong họ nhà mèo, với việc một cá thể có trọng lượng trung bình hơn 320kg. Vào năm 1973, một chú sư hổ đực sống tại vườn thú Bloemfontein ở Nam Phi đã được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là loài động vật họ mèo lớn nhất thế giới với trọng lượng lên đến 798kg.

Sự sinh sản đầu tiên được biết đến giữa sư tử đực và hổ cái trong điều kiện nuôi nhốt có thể xảy ra vào khoảng cuối những năm 1700.

Theo các nhà khoa học, việc sư hổ có trọng lượng lớn là do những biến đổi về gen tăng trưởng. Cụ thể, trong sư tử đực có gen tăng trưởng rất mạnh, nhưng hổ cái lại không có gen hạn chế sự tăng trưởng tương ứng.

Do đó, sư hổ luôn có trọng lượng lớn hơn bố mẹ của nó. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng, loài này không ngừng tăng trưởng kích thước trong suốt cuộc đời.

2. Hổ sư (Tigon)

Trái ngược với sư hổ, hổ sư (Panthera tigris x Panthera leo) là con lai giữa hổ đực và sư tử cái. Chúng có kích thước nhỏ hơn đáng kể so với sư hổ, khi chỉ dài từ 1,2 đến 2,7 mét, và thường mắc chứng thấp lùn.

Hổ sư là con lai giữa hổ đực và sư tử cái.

Sở dĩ xảy ra điều này là bởi hổ đực không có gen tăng trưởng, mà sư tử cái lại có gen kìm hãm tăng trưởng, khiến Tigon thường có kích thước nhỏ hơn cả bố và mẹ.

Ngoài ra, do việc thụ thai khi cho hổ đực giao phối sư tử cái không cao bằng việc cho sư tử đực kết hợp với hổ cái nên ở thời điểm hiện tại, số lượng hổ sư ít hơn rất nhiều so với sư hổ. Giống như tất cả các giống mèo lai khác, chúng thường xuyên bị dị tật thần kinh, vô sinh, ung thư, viêm khớp, suy nội tạng và giảm tuổi thọ.

Trường hợp cá biệt được ghi nhận tại Vườn thú Alipore ở Ấn Độ, khi một con hổ sư cái tên là Rudhrani, sinh năm 1971, đã giao phối thành công với một con sư tử châu Á tên là Debabrata. Rudhrani đã sinh ra 7 con lai litigon, và phần lớn trong số này đã sinh trường ổn định trong nhiều năm.

Theo: Dân Trí
Link tham khảo:



SUY NGẪM TỪ "HIỆU ỨNG LỒNG CHIM"

Cái gì cũng không nỡ vứt bỏ thì không thể nói tới chất lượng cuộc sống.


Từ phức tạp quay trở về giản đơn, hãy để nội tâm trở lại trong sáng

Năm 1907, Giáo sư James cùng với bạn của ông là nhà vật lý Carlson nghỉ hưu, rời khỏi Đại học Harvard. Một ngày nọ, hai người cá cược, James nói với Carlson rằng: "Tôi nhất định sẽ khiến anh nuôi một con chim”.

Carlson không đồng tình: “Tôi không tin! Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có một con chim”.

Sau đó, vào ngày sinh nhật của Carlson, James đã tặng ông một chiếc lồng chim đẹp tinh xảo.

Bất cứ khi nào có khách đến nhà Carlson, và nhìn thấy chiếc lồng chim trống, hầu như họ sẽ hỏi: “Thưa giáo sư, con chim của ông nuôi bị chết khi nào?”

Carlson lúc đầu kiên nhẫn giải thích: “Tôi chưa bao giờ nuôi chim”.

Vì quá nhiều hỏi nên Carlson quyết định đơn giản là mua một con chim.

Đây chính là “hiệu ứng lồng chim” nổi tiếng trong tâm lý học: Nếu một người sở hữu một chiếc lồng, rất có thể anh ta sẽ mua một con chim thay vì vứt chiếc lồng đi.

Cuối cùng, con người trở thành kẻ bị giam cầm trong lồng. Trong cuộc sống, “hiệu ứng lồng chim” cũng không phải là mới. Chúng ta luôn mưu cầu, và cuối cùng bị vật chất điều khiển, sống với gánh nặng.

1. Sở hữu càng nhiều, hạnh phúc càng rời xa

Một lần trên mạng, tình cờ tôi đọc được câu chuyện của một cư dân mạng:

Mẹ của cư dân mạng này là một người chuyên tích trữ đồ, chiếc tai nghe kém chất lượng được tặng khi rút thăm mua hàng, chiếc túi kéo ren bằng lụa đựng kẹo đám cưới, cái áo len trái mùa, những cuốn tạp chí cũ mà bà đã không giở ra trong hơn mười năm, tất cả bà đều không nỡ vứt bỏ.

Cư dân mạng này đã nhiều lần cố gắng dọn dẹp, vứt đi một số thứ không cần dùng nữa nhưng luôn bị mẹ cô ngăn cản.

Cô bất lực và chỉ muốn rời đi càng sớm càng tốt, nhưng cô không bao giờ nghĩ rằng sau khi cô vào đại học, phòng ngủ của cô cũng bị chiếm dụng.

Ban đầu nó là căn phòng ngủ yên tĩnh và ấm áp của cô ấy, nhưng sau đó nó được lấp đầy bởi những chiếc áo phông trắng ố vàng và những chiếc khăn lụa rẻ tiền, và nó đã biến thành một cửa hàng tạp hóa.


Tích trữ quá nhiều đồ ở nhà không chỉ khiến môi trường bừa bộn, mà còn mang đến nhiều phiền phức cho cuộc sống.

Có lần, cô ra khỏi thành phố và cần số hộ chiếu, cô nhờ mẹ tìm giúp, mẹ cô lục tung các thùng hàng hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng tức giận nói: “Mẹ không tìm thấy”. Vì quá lo lắng, cô ấy đã nói vài câu với mẹ, cuối cùng hai mẹ con giận nhau. Cô cho biết mỗi lần về nhà là như vào bãi rác, bảo mẹ dọn đồ thì hai người lại cãi nhau.

Có thể có nhiều người giống như bà mẹ này, luôn cho rằng không vứt đi là một kiểu tiết kiệm, nên đồ càng ngày càng chất đống, không gian ngày càng chật hẹp. Khi không gian sống bị siết chặt đến mức không thở nổi thì phiền phức và lo lắng sẽ tự nhiên ập đến.

Hạnh phúc của đời người đến từ việc giảm tối đa sự phụ thuộc vào những thứ bên ngoài. (Ảnh pexels)

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Epicotita từng nói: “Hạnh phúc của đời người đến từ việc giảm tối đa sự phụ thuộc vào những thứ bên ngoài”.

Khi chúng ta sở hữu một thứ gì đó, thực ra chúng ta cũng bị nó chiếm hữu. Nếu bạn luôn bị ràng buộc bởi những thứ vô dụng thì hạnh phúc sẽ mãi xa tầm tay.

2. Người mà cái gì cũng muốn có thì cuối cùng chẳng được gì

Một ngày nọ, một số sinh viên khuyến khích nhà triết học Socrates đi dạo quanh khu chợ sôi động.

Người học trò: “Trong chợ có vô số thứ mới lạ, đến đó chắc chắn thầy sẽ quay lại với rất nhiều thứ”.

Sau khi Socrates trở về, các học trò háo hức chờ Socrates chia sẻ những gì ông thu hoạch được, nhưng Socrates đã xoè hai bàn tay trắng và nói: “Lợi ích lớn nhất của chuyến đi của ta lần này là khám phá ra rằng, có rất nhiều thứ trên thế giới này mà ta không cần”.

Nhiều khi chúng ta sống không hạnh phúc không phải là chúng ta nhận được quá ít, mà là chúng ta mong muốn quá nhiều. Cuộc sống đầy đủ đòi hỏi những phép trừ không ngừng, và tìm được tâm chân thật trong khoảng trống.

Khi nhà văn Khoan Khoan 35 tuổi, cùng chồng từ Bắc Kinh đến Đại Lý (khu tự trị của dân tộc Bạch ở Vân Nam) định cư, hai người định cho bớt đồ dư thừa đi, khi sàng lọc và đóng gói, cô không khỏi thở dài: “Tôi đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để mua rất nhiều thứ mà tôi không cần”.

Sau khi đến Đại Lý, không có các cửa hàng rực rỡ, và nhu cầu vật chất được giảm xuống mức tối thiểu.

Bánh mì, mứt, sữa chua được các cửa hàng xung quanh chuyển đến thường xuyên nên cô dần không còn ham muốn mua sắm nữa.

Khoan Khoan cho biết, tôi nhớ mình đã nhìn những sản phẩm đắt tiền và đẹp đẽ trong cửa sổ dưới ánh đèn đường ở nơi phồn hoa nhất của thành phố, trong lòng nổi lên ham muốn chiếm hữu, chán nản khi không có được nó, và cố gắng mong ước đến một ngày có được nó.

Nhưng khi bạn thực sự nhìn vầng trăng trong sáng, bạn sẽ cảm thấy rằng mọi thứ bạn có là một sự ràng buộc.

Trong cuộc sống này, nhu cầu của con người là vừa phải, dư thừa có thể dẫn đến tai họa.

Sự phong phú của vật chất không đồng nghĩa với sự dồi dào của cuộc sống, chỉ bằng cách học cách kiềm chế ham muốn, chúng ta mới có thể duy trì hạnh phúc trong thế giới phức tạp.

Chỉ khi biết đủ là vui, duy trì một tâm trí trong sáng, bạn mới có thể trải nghiệm vẻ đẹp thuần khiết và giản dị nhất của cuộc sống.

3. Càng buông càng gần với hạnh phúc

Có lần tôi đọc được một tiêu đề trên mạng: Đâu là chân lý cuộc sống mà rất lâu bạn mới hiểu ra?

Có người trả lời: “Từng mê lạc trong chủ nghĩa vật chất hời hợt, chìm đắm trong sự ganh đua và khoe khoang. Mãi đến khi đi nhiều hơn và đọc nhiều sách, tôi mới thực sự hiểu câu nói, thế giới là của bản thân mình không liên quan gì đến người khác”.

Trong thời đại ngày nay, tất cả mọi người đều bị ràng buộc bởi dục vọng tiến lên, nhưng người thực sự khôn ngoan mới có thể thoát khỏi gông cùm của vật chất, và tìm thấy sự tự do của tâm hồn.

Tiểu thuyết gia Tiền Chung Thư cho rằng, con người sống trên đời, mọi thứ bên ngoài đều không quan trọng, chỉ có kiến ​​thức bên trong và sự phong phú về tinh thần mới là nền tảng xác lập vị thế.

Tôi ấn tượng với câu nói: “Chỉ khi mọi thứ trở về đơn giản, người ta mới có cơ hội suy ngẫm về sinh mệnh của chính mình”.

Nhà thơ Lâm Hòa Tịnh thời Tống quanh năm sống ẩn dật dưới chân núi, và duy trì cuộc sống giản dị bằng nghề bán mơ. Lúc bình thường, ông có thể tự do chèo chiếc thuyền nhỏ qua lại, hay tựa vào gốc cây mơ già và ngắm nhìn đàn hạc trắng nhảy múa, sống một cuộc đời tự do và mãn nguyện.

Trong nhà của Haruki Murakami, một nhà văn Nhật Bản, không có TV, sàn nhà sáng có thể soi gương, chỉ mặc vài bộ quần áo và ăn những bữa ăn đơn giản, nhưng ông đã xây dựng đế quốc tiểu thuyết của riêng mình.

Một người thực sự minh bạch không bị mệt mỏi bởi những thứ bên ngoài. (Ảnh pexels)

Trên thực tế, mức độ đòi hỏi của một người đối với vật chất hoàn toàn phản ánh mức độ phong phú của tâm hồn người đó.

Một người thực sự minh bạch không bị mệt mỏi bởi những thứ bên ngoài. Cuộc sống không phải là một lễ hội nông cạn, mà là một loại tu luyện tinh thần. Cách tốt nhất để sống cuộc đời còn lại là sống với hiện tại bằng tâm thanh tịnh và tự tại.

Từ phức tạp trở về với giản đơn, để nội tâm trở lại thuần khiết, chúng ta mới có thể mang lại cho cuộc sống ý nghĩa từ một cấp độ cao hơn.

Tagore có một bài thơ kinh điển:

Một đêm, tôi đã đốt cháy tất cả ký ức của mình,
Từ đó những giấc mơ của tôi trở nên rõ ràng;
Một buổi sáng, tôi đã vứt bỏ tất cả ngày hôm qua,
Bước chân của tôi từ đó nhẹ nhàng

Con người càng buông, sẽ càng dễ có được hạnh phúc, càng ít gánh nặng thì càng gần với bản nguyên của hạnh phúc.

Tối giản không phải là để trở thành một người khổ hạnh, mà để chúng ta không trở thành nô lệ của dục vọng. Biết tiết chế, có lựa chọn, trong cuộc sống hối hả và nhộn nhịp của thế giới, sẽ cảm nhận được tự tại của riêng mình.

Minh An
Theo Aboluowang

THANH LONG "7 SẮC CẦU VÒNG" Ở MEXICO

Không chỉ có vẻ ngoài độc đáo mà loại thanh long này còn đủ màu sắc trông đẹp mắt và hấp dẫn vô cùng.


Thanh long là loại trái cây có nhiều ở Việt Nam, thế nhưng từ trước giờ bạn chỉ thấy thanh long có đúng 2 loại màu là ruột trắng và đỏ mà thôi. Do đó, khi được nhìn thấy loại thanh long đẹp mắt này ở Mexico thì thế nào nhiều bạn cũng thích mê và muốn được thưởng thức ngay lập tức cho xem.


Loại thanh long đặc biệt này của Mexico có tên gọi là Pitaya, đây là loại trái cây rất phổ biến ở tiểu bang Jalisco và một vài tiểu bang khác, nhưng theo người dân Mexico lẫn các khách du lịch thì Pitaya ở Jalisco là có vị ngon ngọt nhất nước.


Pitaya có thân cây tương tự như giống xương rồng sa mạc, cũng cùng họ với loại cây thanh long phổ biến ở Việt Nam nhưng có nhiều gai nhọn hơn. Đặc biệt, loại cây Pitaya này có hoa rất đẹp nhé. Sau khi hoa tàn thì quả Pitaya sẽ dần to và chín ngon.


Pitaya là loại trái cây có theo mùa, mỗi mùa Pitaya như vậy chỉ kéo dài trong khoảng 7 – 8 tuần, thường bắt đầu từ cuối tháng 4 cho đến tháng 6 hàng năm, khi những cơn mưa đầu tiên xuất hiện thì Pitaya cũng bắt đầu xuất hiện rộ cây.


Pitaya có đặc điểm là chỉ bảo quản được trong 2 ngày nên để không bị tồn hàng khi bán thì người nông dân phải thu hoạch Pitaya từ sáng sớm tinh mơ. Lúc này, trời còn tối đến mức phải sử dụng ánh đèn rọi từng quả để hái cho kịp bán hết trong ngày.


Điểm đặc biệt của quả thanh long Pitaya chính là bên ngoài được phủ một lớp đầy gai nhọn. Do đó, công việc thu hoạch Pitaya cũng không dễ dàng gì. Do cây Pitaya khá cao nên đôi khi người nông dân phải dùng sào dài để hái. Và sau khi hái xuống thì họ phải dùng dao để tách bỏ lớp gai bên ngoài ra rồi mới cho vào giỏ được lót đầy lớp lá đinh lăng mềm mại và mang ra chợ bán.


Như đã nói ở trên thì điểm thu hút nhất của Pitaya chính là ở màu sắc bắt mắt của nó. Đa dạng hơn hẳn loại thanh long phổ biến ở Việt Nam, Pitaya có rất nhiều màu sắc hấp dẫn như trắng, hồng tím, đỏ tươi, vàng cam. Và bên trong ruột quả Pitaya thì vẫn có nhiều hạt đen nhỏ không khác gì quả thanh long bạn nhé. Ngoài ra, lớp vỏ ngoài của Pitaya cũng thường có nhiều màu sắc từ nhạt đến sậm nên khi đặt Pitaya lên kệ bán thì Pitaya đã bắt mắt ngay từ xa khi vừa nhìn thấy.


Pitaya được công nhận là loại trái cây giàu chất xơ, vitamin C, chất chống oxy hóa nên loại quả này rất được người dân Mexico ưa chuộng. Đặc biệt, ngoài cách ăn tươi như thanh long thì Pitaya còn được người Mexico sử dụng như một nguyên liệu trong việc chế biến các loại bánh truyền thống, bánh phương Tây hoặc thức uống ngon miệng. Và với màu sắc vốn đã bắt mắt của Pitaya nên các món bánh và thức uống này đều tăng độ hấp dẫn lên rất nhiều lần.


Quả thanh long Pitaya nhỏ xinh lại đầy màu sắc như 7 sắc cầu vồng đúng là nhìn đẹp mắt không thể tả. Do đó, khi đến Mexico vào tháng 4 – 6 thì bạn nhớ đừng bỏ qua loại quả hấp dẫn quá mức này. Đặc biệt, ngoài việc mua quả Pitaya để thưởng thức hương vị thì bạn cũng nên nhớ đến tham quan các vườn Pitaya để chụp ảnh sống ảo, bảo đảm sẽ cho ra bộ ảnh chất ngoài sức tưởng tượng đó nhé.

Nguồn: CNN, madeleinecocina
Theo: kenh 14
Link tham khảo:



Tuesday, June 28, 2022

HUYỀN THOẠI HẠ KHÔ THẢO (夏枯草)

Dưới triều nhà Minh, chế độ khoa cử đã mở rộng. Các Quận, Châu, Phủ, Huyện, đều có trường Quan Lập mở ra để dân chúng khỏi phải bỏ làng xóm đi học quá xa. Nhưng dù sao, văn chương chữ nghĩa vẫn là một thứ xa xỉ đối với đại chúng, nên chỉ con em của những kẻ giàu sang, có tiền của, thế lực, danh tiếng, hay giai cấp cao mới vào học được các trường này. Tốt nghiệp ra, khóa sinh sẽ được cấp bằng Tú Tài và gia đình nào có được một ông Tú là đủ làm cho cả làng, cả họ vẻ vang hãnh diện vô cùng.


Cậu Tú trong huyền thoại này nhà không giàu nhưng cậu có một bà mẹ rất đảm đang. Mồ côi cha từ bé, mẹ cậu một mình vừa chăn nuôi, gồng gánh, làm thuê làm mướn, vừa cầm bán vườn ruộng, tất cả những gì đáng giá có thể đổi thành tiền bạc cơm gạo để nuôi đứa con duy nhất ăn học thành tài.

Đỗ xong cậu Tú không muốn đi xa để họccao hơn, cậu chọn cách tự học để được ở lại trong làng, được gần gủi săn sóc mẹ già. Nhà chỉ còn có một mảnhvườn nhỏ trồng trọt hoa màu không có lợi tức nhiều, nhưng cậu Tú viết thuê, viết mướn, làm các thủ tục giấy tờ cho cả làng nên mẹ con đủ sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau qua ngày.

Một hôm trời vừa vào hạ, bà mẹ xưa nay vốn rất mạnh khỏe bỗng nhiên bị bệnh. Trong làng chỉ có một thầy lang duy nhất, là người có thể mời được, cậu Tú vội rước ngay thầy về nhà xem bệnh cho mẹ. Sau khi chẩn bệnh thầy cho biết là mẹ cậu Tú bị bệnh “loa lịch” tức là tràng nhạc một trong những chứng nan y. Thầy chỉ hứa tận lực của thầy còn thì xin nhờ Trời.

Cậu Tú theo đơn thuốc của thầy lang cho, bốc thuốc và sắc theo lời chỉ dẫn. Nhưng mẹ cậu uống thuốc mấy ngày liền vẫn không thấy bớt chút nào. Trái lại bệnh còn nặng lên gấp bội. Cổ bà sưng to và làm mủ, rồi cương lên, bật cả máu mủ ra làm bà đau đớn nhức nhối vô cùng.

Xóm giềng bà con đều lắc đầu bảo:

- Bệnh này có mà Trời cứu!

- Mắc phải bệnh này chỉ còn lo hậu sự mà thôi!

Cậu Tú buồn khổ vô cùng vì cậu rất có hiếu. Mẹ đã hy sinh suốt đời để nuôi cậu ăn học đỗ đạt, cậu quyết tâm phụng dưỡng mẹ, hy vọng tương lai dùng tài họcgây dựng sự nghiệp làm cho mẹ vẻ vang hãnh diện vì mình. Không ngờ mẹ bỗng nhiên bị bệnh, mà lại là chứng “chỉ có Trời cứu”.


Cậu Tú ngày đêm vừa hầu hạ săn sóc mẹ vừa thành tâm cầu nguyện xin Trời Phật xui khiến cho cậu gặp thầy hay để xin cứu bệnh, cầu xin mẹ sẽ sống thực lâu để cho cậu có cơ hội báo hiếu báo ân.

Có lẽ lòng thành của cậu đã cảm đến các đấng thiêng liêng, nên vài hôm sau, bỗng có người làng chạy đến mách là một vị lang trung vừa mới đến làng này để thăm bệnh. Lang Trung vốn là một chức quan dưới đời các vua nhà Tần, Đông Hán, Đường. Nhưng không hiểu tại sao tước hiệu này bỗng biến thành danh xưng cho các vị Ngự y, Y quan. Dần dần người không làm quan mà biết làm thuốc, chữa bệnh cũng được gọi là Lang Trung, rồi bình dân hóa thành Cụ Lang, Ông Lang, thầy Lang.

Các cụ Lang Trung dưới đời nhà Đường thường đi vân du hái thuốc, và chữa bệnh dọc theo cuộc hành trình tùy hứng. Một số đệ tử theo Thầy để gồng gánh mang xách những hành lý, thuốc men, lương thực. Dọc đường qua các rừng núi, đồng ruộng, cụ giảng dạy cho đệ tử biết nhận dạng những cây thuốc. Từ những thứ dược thảo mọc đầy rừng, cho đến những cây lẻ loi khiêm nhường ẩn náu tận trong kẻ đá kín đáo, cụ lang đều chỉ dạy cách cắt hái chế biến, và chúng đệ tử thành kính ghi nhận những lời giảng dạy quí báu của suốt cuộc hành trình. Mỗi khi đến một làng mạc nào, cụ Lang Trung dừng lại thăm bệnh. Chúng đệ tử lại có dịp học cách chẩn bệnh, định bệnh, bệnh lý và khai toa cho thuốc.

Cứ thế cụ Lang Trung và chúng đệ tử đi lang thang hết làng này sang làng khác thăm bệnh, hết núi này sang núi khác hái thuốc và cuộc sống vân du hành y tuy không làm giàu của cải nhưng tình người thì tràn đầy.

Cậu Tú nghe tin cụ lang vào làng mừng quá vội vàng chạy đến nhà vị trưởng lão, nơi các cụ Lang Trung ghé thăm trước nhất khi đến một địa phương mới, để rước cụ về nhà thăm bệnh cho mẹ.

Sau khi chẩn mạch và khám bệnh xong cụ lang bảo:

- “Cậu Tú đừng lo. Trong mấy khu rừng núi quanh đây có rất nhiều cây thuốc trị được bệnh này. Tôi đã chú ý nhận xét trước khi vào làng. Chúng ta phải đi hái ngay mới được!”

Nói xong, cụ đem các đệ tử vào rừng hái thuốc để về trị bệnh càng sớm càng hay.

Chiều hôm ấy cụ lang đến đem theo một gánh dược thảo lá cành còn đầy những búp hoa mầu tím. Cụ lang bảo đệ tử rửa sạch cho vào nồi đất sắc lấy nước cho bệnh nhân uống. Quả như lời cụ nói, dược thảo rất linh nghiệm. Mẹ cậu Tú uống thuốc vài ngày sau, cổ hết sưng và tất cả đau đớn khổ sở đều tiêu tan. Uống thuốc thêm vài ngày nữa, những vết thương đã bật mủ cũng khô, và liền da lại như thường. Thấy bà già đã dần dần hoàn toàn bình phục, cũng như tất cả bệnh nhân khác trong làng. Cụ lang định đi sang làng bên cạnh nhưng mẹ con cậu năn nỉ xin cụ ở lại vài ngày dưỡng sức và cũng để cho mẹ con cậu khoản đải để tạ ơn thầy. Trước khi từ giã cụ lang nói:

- Mẹ con cậu tưởng là mang ơn tôi chữa lành bệnh, thực ra chính tôi cũng đuợc một phần thưởng không bạc vàng châu báu nào sánh được. Tôi đã thu hoạch được một số thuốc quí không đâu có, và từ nay, lúc đi vân du chữa bệnh,córất nhiều người đang đau khổ vì bệnh này, cũng sẽ được may mắn lây.

Cụ còn nói riêng với cậu Tú:

- Cậu rất có hiếu với mẹ làm tôi cảm động vô cùng. Vì vậy tôi sẽ dạy cho cậu biết thuốc này để cứu người khác.

Cụ lang nói xong dẫn cậu Tú lên núi dạy nhận dạng cây thuốc quí. Đó là một thứ cây nhỏ mọc đầy tràn đồi núi, lá hình bầu dục có hoa tím.

- Từ nay về sau nếu có ai bị bệnh loa lịch như mẹ cậu, lấy hoa này rửa sạch, sắc cho uống, đây là một vị thuốc rất quí đối với chứng bệnh này.

Cậu Tú vừa vui mừng vừa ngạc nhiên đáp lại:

- Thưa cụ giống cỏ dại này mọc tràn đồng, đâu cũng có mà lại là thuốc quí, xin cảm ơn cụ đã cho con kiến thức cứu khổ cứu bệnh này. Thật là một báu vật.


Cụ lang mỉm cười gật đầu:

- Đúng rồi, không phải ai cũng biết được báu vật, bây giờ biết rồi, cậu phải trân quí và phải dùng để giúp đời.

Thầy trò vị lương y đi rồi, mẹ cậu Tú bệnh cũng đã lành hẳn, sinh hoạt lại êm ấm, mẹ con săn sóc quí mến nhau như xưa. Bà con bạn bè ai cũng đều ngạc nhiên, và mừng như chính mình gặp may, cứ bàn tán mãi không thôi.

Mùa hạ qua rất nhanh, chẳng mấy chốc đã sang Thu. Khí trời mát mẻ, sức khỏe dồi dào mẹ con cậu Tú thấy sung sướng hơn bao giờ cả. Mỗi ngày cậu Tú làm việc giấy tờ sổ sách giúp người đổi công lấy thực phẩm, tối về nhà cậu lo học thêm đợi thi đậu cao hơn để được việc làm thanh nhàn hơn. Trước giờ đi ngủ hai mẹ con bao giờ cũng chuyện trò bàn bạc những công việc xảy ra ban ngày, những dự tính tương lai cho cậu Tú, đó là giờ phút thanh nhàn sung sướng nhất.

Một hôm hai mẹ con đang cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ, vừa sắp đi ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa cấp tốc như ai đang có chuyện nguy hiểm xảy ra, cậu Tú vội đứng dậy ra mở cửa. Một thanh niên cùng lứa tuổi với cậu Tú thấy cửa vừa hé mở là xông vào gần ngã xuống đất. Cậu Tú đỡ anh ta dậy rót nước mời uống, mời ngồi nghỉ mệt. Chàng thanh niên tự giới thiệu mình là người làng bên kia núi, anh ta vừa đi vừa chạy từ sáng nhưng vì đường núi xa xôi, lại khó đi nên mãi bây giờ mới đến được.

Cậu Tú hỏi:

- Anh ở xa đến tìm tôi chắc có việc gì cần lắm. Xin cho biết, đừng ngại gì cả.

Thanh niên đã bớt mệt đáp lại một hơi:

- Mẹ tôi bị bệnh loa lịch, bệnh mới phát nhưng có vẻ nặng lắm. Tôi nghe nói cụ thân sinh ra ông cũng bị bệnh ấy, và đã được chữa khỏi. Người ta cũng đồn rằng cụ Lang Trung đã truyền lại môn thuốc ấy cho ông, xin ông làm phúc cứu mẹ tôi.

Cậu Tú nghe xong chợt nhớ đến hôm cụ lang dắt cậu lên núi dạy cho cậu tìm cây thuốc và cách dùng. Cây thuốc ấy mọc đầy rừng núi đi vài bước là có. Cậu Tú vui vẻ trả lời:

- Được rồi, chú đừng lo. Mai chúng ta lên núi hái thuốc. Bây giờ chắc chú vừa đói vừa mệt. Hãy ăn uống nghỉ ngơi lấy sức. Mai hái được thuốc lại còn phải mang về nhanh cho bà cụ dùng.


Cậu Tú và mẹ mời chàng thanh niên ăn cơm, lại còn nhường giường của mình cho chàng ta ngủ.

Sáng cả nhà dậy thực sớm, từ khi mặt trời chưa mọc để sửa soạn đi hái thuốc.

Cậu Tú kể lại tình hình, bệnh trạng của mẹ lúc đau như thế nào và chữa bệnh bằng cây thuốc quí bao lâu thì lành. Hai người mang theo dụng cụ cần thiết và bao tải chuẩn bị đựng thuốc, hớn hở lên núi. Một người hy vọng cứu mẹ, một người sung sướng vì thấy mình giúp được việc cho người khác.

Thanh niên tối hôm qua trông khổ sở tiều tụy quá chừng, nhưng nay thấy cậu Tú đầy tự tin nên cũng bớt lo lắng. Cậu Tú vừa đi vừa nhớ đến cảnh vật trên núi mấy tháng trước, lúc cụ Lang đưa cậu đi hái thuốc. Cậu an ủi thanh niên:

- Chú đừng lo. Lúc mẹ tôi bị bệnh ấy, tôi còn đau khổ hơn cậu bây giờ, vì cả làng không ai biết cách chữa. Bây giờ chúng ta đã học được cách trị bệnh, và cây thuốc quí này lại mọc đầy rừng, yên trí đi, bệnh của bà cụ thế nào cũng sẽ khỏi. Vừa đi vừa nói chuyện nên chẳng mấy chốc hai người đã lên đến đỉnh núi.

Một điều quái lạ là cảnh vật, trên núi hôm nay hoàn toàn khác hẳn. Hai tháng trước cây thuốc quí đầy hoa, tím cả một vùng trời, thế mà nay chỉ một cây nhỏ một cành hoa cũng không thể nào tìm thấy. Chàng thanh niên t hấy cảnh vật trên núi hoàn toàn trái hẳn với sự mô tả của Cậu Tú nên cũng đâm ra nghi ngờ cho là cậu Tú dối mình để đem mình ra làm trò cười. Còn cậu Tú hết ngạc nhiên đến sợ hãi, chạy đông chạy tây tìm kiếm, lục lọi tất cả các khe núi một cách tuyệt vọng. Cây thuốc quí biến mất không để lại một dấu vết gì. Thuở ấy, dưới danh phận Tú Tài phải là một người học sách thánh hiền, là một văn nhân, là người quân tử biết trọng chữ Tín. Con nhà có học sống theo châm ngôn “Quân tử vô nhị ngôn”, người quân tử không nói hai lời, người quân tử không bao giờ lỗi hẹn, không nói sai sự thực. Nhà nho phạm lỗi này là một đại sĩ nhục. Thế mà bây giờ cậu Tú phạm hết các lỗi.

- Cậu hứa chữa lành bệnh, cậu nói cây thuốc mọc đầy núi, sự thực không có gì hết. Nhục nhã này nước mấy sông cũng không rửa sạch. Cậu Tú mặt mày, tái xanh, tái xám rồi đỏ ửng, mồ hôi toát ra như tắm. Vừa buồn rầu vừa hổ thẹn, cậu Tú nói:

- Có lẽ tôi nhớ sai chăng! Có thể không phải là quả núi này . . .

Thế là hai người đi lang thang khắp cả mấyngọn núi lân cận người có thể leo được, Nhưng đâu cũng giống nhau, cây thuốc có hoa tím không hề thấy tông tích bóng dáng đâu cả.

Nhìn thanh niên tuyệt vọng, mệt mỏi thất thểu ra về. Cậu Tú thấy đau đớn buồn phiền, còn hơn lúc mẹ cậu bị bệnh. Vì lúc ấy cậu chỉ thấy buồn khổ chứ không bị cái nhục nhã “quân tử nhị ngôn”!

Cậu Tú về nhà rầu rỉ ăn nuốt không xuống, đêm nằm cũng không ngủ được, cứ mơ màng tưởng tượng đến cảnh hoa tím nở đầy đồng lẫn với cảnh muôn vật đều vàng úa tàn tạ lạnh lùng.


Sáng hôm sau trong lúc đang mơ màng vì quá mệt mỏi. Cậu Tú nghe mẹ gọi đánh thức cậu dậy ra đón cụ Lang Trung vị lương y đã chữa lành bệnh cho bà đã trở lại.

Cậu Tú nghe gọi, mừng quá, vội nhảy choàng dậy, mặc áo chạy ra đón cụ lang Trung. Cậu quên cả chào hỏi khách sáo, vừa thấy mặt cụ là kể lể liên hồi những sự việc vừa xảy ra với cảnh tượng đồng khô cỏ cháy, cây thuốc biến mất cho cụ Lang nghe.

Cụ lang nghe xong tươi cười bảo:

- Ấy chính vì thế mà tôi lại phải mất công trèo đèo lội suối trở lại đây. Vì có một điều quan trọng nhất mà lúc lên núi hái thuốc tôi quên nói cho cậu biết.

Cậu Tú vẫn còn ngạc nhiên tưởng mình nằm mơ. Cậu đang khổ sở vì cây thuốc thì cụ Lang Trung như có thần linh mách bảo hiện về giải đáp thắc mắc về vị thuốc có hoa tím không tên cho cậu.

Cụ Lang nói tiếp:

- Bất cứ cây thuốc gì cũng có mùa thu hoạch. Tôi quên nói cho cậu biết là dược thảo này phải hái vào mùa hạ, lúc hoa đang nở rộ. Thu đến hoa tàn cành khô rồi tàn lụi không còn gì nữa. Mùa này cậu lên núi cố nhiên là không thể tìm thấy bóng dáng nó.”

Cậu Tú nghe xong, ngẩm nghĩ một lúc trả lời:

- Thưa cụ, cây thuốc này chưa có tên mà nó tàn tạ vào cuối mùa hạ, vậy ta cho nó tên là Hạ Khô Thảo được không?

Cụ lang nghe nói đặt tên cho cây thuốc gật gù có vẻ đồng ý:

- Được bậc khoa cử Tú Tài đặt tên cho thì còn gì bằng. Từ nay Hạ Khô Thảo không còn bị gọi là cây thuốc có hoa tím nữa. Trong rừng hàng trăm cây cỏ mang hoa tím. Ta mừng cho Hạ Khô Thảo được tên đúng y như tính cách của mình.

Cả hai cùng vui cuời vì đã giải thích được thắc mắc. Cụ Lang Trung cho cậu Tú một bao thuốc Hạ Khô Thảo để cậu lập tức mang sang làng bên chữa bệnh cho bà cụ mẹ chàng thanh niên hiếu hạnh. Bà cụ già may mắn nhận được thuốc kịp nên khỏi bệnh.


Và từ đó, cả mấy làng quanh vùng núi sản xuất Hạ Khô Thảo, thêm một công việc mới. Cứ vào cuối mùa hạ họ bắt đầu thu hoạch Hạ Khô Thảo, rửa sạch phơi khô để dành lúc cần,và chở đi bán cho các tiệm thuốc xa khác.

DƯỢC THẢO HẠ KHÔ THẢO (Prunella Vulgario L)

Hạ KhôThảo tháng 8 bắt đầu tàn. Vào hạ khi quả đã chín, hái phơi khô. Tất cả các bộ phận cành hoa và quả đều dùng được. Vị đắng, cay, tính hàn, không độc, vào hai kinh Can và Đảm. Có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, làm sáng mắt.

Thuốc trị loa lịch (tràng nhạc), lỡ loét, mụn nhọt có mủ, giải trừ nhiệt độc ở tử cung.

- Hiện nay ngoài dùng để trị bịnh hoàng đảm cấp tính, sưng gan, Hạ Khô Thảo còn có tính chất sát trùng nên được dùng để rửa vết thương ngoài da. Bị đánh bị thương dùng Hạ Khô Thảo tươi tán nhỏ đắp vào vết thương.

Trong dân gian, người tacũng cho biết, Hạ Khô Thảo dùng nấu nước uống thay trà còn có tác dụng hạ huyết áp, hay làm bớt các triệu chứng khó chịu của cao huyết áp.

Theo: nguyenkynam

 



LAM KINH - CỐ ĐÔ ÍT NGƯỜI BIẾT Ở THANH HÓA

Cách trung tâm Thanh Hóa khoảng 50 km, khu di tích Lam Kinh có nhiều công trình bề thế với lịch sử hàng trăm năm.


Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt. Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Nơi này còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh – Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua.


Đường dẫn vào hoàng thành có một con sông đào tên là sông Ngọc. Dòng chảy này bắt nguồn từ Tây Hồ, vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách Hoàng Việt dư địa chí, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp.


Trên sông Ngọc có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch. Cầu uốn cong bắc qua sông Ngọc, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh.


Qua cầu khoảng 50 m đến một giếng cổ, trước kia có thả sen. Nước giếng trong xanh quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống, cung cấp nước cho điện Lam Kinh.


Hàng năm có rất đông du khách đến viếng điện Lam Kinh và tham quan chụp ảnh tại giếng cổ. Đây là một trong những giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay.


Muốn vào khu chính điện, khách phải đi qua Ngọ môn có 3 gian, gian giữa rộng 4,6 m, gian bên rộng 3,5 m. Nền Ngọ môn rộng 11 m, dài hơn 14 m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6 m, cửa hai bên rộng 2,74 m và được bố trí hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là kích thước lớn, đường kính chân cột 78 cm.


Trước Ngọ môn có con nghê đá đứng canh. Phần lưng và đế nghê vẫn còn giữ nguyên bản, có niên đại hàng trăm năm. Phần đầu và chân trước mới được phục dựng lại gần đây.


Khu di tích còn lưu giữ nét đẹp của không gian Việt với “cây đa, giếng nước, sân đình”. Bên phải sân rồng (còn gọi là sân chầu) là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm mới xuể.


Qua Ngọ môn vào đến sân rồng. Sân trải rộng khắp bề ngang chính điện và đến sát thềm hai nhà tả vu và hữu vu với tổng diện tích hơn 3.500 m2.


Chính điện Lam Kinh bố trí theo hình chữ “công” gồm 3 tòa điện lớn xây trên nền đất rộng, là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Đây là công trình kiến trúc gỗ quy mô, với hàng cột cái của cả ba điện có đường kính đến 62 cm. Nằm sau khu chính điện là Thái miếu Lam Kinh gồm 9 tòa được bài trí trang nghiêm, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Nhưng hiện tại mới có 5 Thái miếu được phục dựng.


Điện phía trước gọi là Quang Đức, điện dọc ở giữa gọi là Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là Diên Khánh. Hai điện Quang Đức và Diên Khánh đều có 9 gian, gian giữa rộng nhất, hai gian hai đầu hồi chỉ rộng 2 m tạo thành hành lang bao quanh cả 3 điện.


Thành điện Lam Kinh phía bắc dựa vào núi Dầu, phía trước thành hướng nam và nhìn ra sông Chu – có núi Chúa làm bình phong, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía tây. Năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2012, khu di tích Lam Kinh tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Khởi nguồn, lễ hội Lam Kinh bắt đầu sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về an táng tại Lam Kinh năm 1433. Ngày nay, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi) tháng 8 Âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.

Hữu Khoa / Theo: Vnexpress