Wednesday, August 31, 2022

MAY MẮN HAY PHƯỚC ĐỨC ?

Trên báo chí thường thuật nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra nhưng vẫn có người sống sót hay không hề hấn gì trong khi tất cả những người chung quanh chết hay bị thương nặng... Nhiều người cho đó là may mắn, hay "phước đức ông bà để lại" hay..."phước 70 đời"

Trong 3 kết luận đó, câu cuối cùng đúng chính xác theo lời Phật dạy.


Theo đạo Phật, không có sự may mắn ngẫu nhiên, vì nếu có thì làm sao giải thích tại sao may mắn đến với người này mà không đến với người kế bên, cũng không chắc là do "phước đức ông bà để lại" vì nếu nhìn lại cuộc đời Ông bà cha mẹ tổ tiên của mình, nhiều khi cuộc đời của họ thật khốn khổ bất hạnh, phước của họ không đủ đem lại cho họ chút sung sướng hạnh phúc nào, lấy gì họ để lại cho con cháu về sau dùng..nó cũng như tiền bạc gia sản...chỉ khác nhau hữu hình và vô hình thôi.

Chỉ có duy nhất phước đức chính bản thân mình tích tụ từ bao đời trước, như một cái mền bông khổng lồ bao bọc lấy mình khi hoạn nạn ập tới trong cuộc đời, như thuyền to giữa biển, như áo lạnh cực tốt giữa cơn bão tuyết..hay áo giáp sắt che kín thân trước cung tên giáo mác đạn dược đang phóng tứ tung.

Hoạn nạn từ bên ngoài tới là do những ác nghiệp mình tạo ra đời trước hay đời này, đáo hạn thì nó tới không gì ngăn cản nó được, không tránh đâu thoát nó được, cách duy nhất là hứng chịu... vấn đề là hứng chịu với cái áo giáp phước đức dầy hay mỏng, lành lặn hay rách nát thôi.

Vậy làm sao tạo đươc chiếc áo giáp vạn năng này?

Phật dậy Phước phải do chính mình tạo nên chứ không thể cầu mà có.

Làm phước thì được phước, cầu phước thì không có phước. Giống như kiến thức phải học mới có, sự no bụng phải ăn mới được chứ không thể cầu xin phép lạ từ ai.

Làm phước là làm những việc nhắm vào sự lợi ích của người khác, dẫu mình không huê hưởng hay thậm chí phải chịu hy sinh, thiệt thòi về thời gian công sức của cải…

Nguyên tắc thật đơn giản nhưng chính xác không hề sai chạy mảy may.


Một việc làm như vậy dẫu nhỏ bé đến mấy cũng sinh phước, còn chỉ nhắm cho lợi ích bản thân thì dẫu tốn kém bao nhiêu cũng không mảy may sanh ra chút phước nào.

Người kém phước dẫu ở giữa người thân thuộc quen biết, cũng vẫn phải vất vả khó nhọc tự lo mọi việc, có cần giúp đỡ cũng phải kêu cầu nhưng cũng chẳng được vừa ý bởi trong quá khứ, ngay những người thân này cũng chưa được mình giúp đỡ nên đời này họ không có ý muốn báo đáp.

Người có phước dẫu một mình ở nơi xa lạ trong hoàn cảnh nào cũng được giúp đỡ tận tình và không gặp khó khăn, được che chở bảo bọc an toàn trong hoạn nạn, hay ở giữa kẻ thù.

Nay vui, đời sau vui
Làm Phước hai đời vui
Người ấy vui, an vui
Thấy nghiệp tịnh mình làm.
(Kinh Pháp Cú 16)

Thích Tánh Tuệ

VỀ ĐỒNG THÁP MƯỜI THƯỞNG THỨC ỐC TREO GIÀN BẾP

Ốc treo giàn bếp là một trong những món ăn nghe khá lạ tai với nhiều người. Nhưng với người dân Đồng Tháp thì đây là một đặc sản không thể thiếu.


Ốc treo giàn bếp

Ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cứ vào mùa lũ rút, nội đồng bắt đầu khô cạn, cá rút xuống ao đìa, sông rạch trú ẩn cũng là dịp để bà con tát đìa bắt cá, tôm và nhiều loại khác như rắn, rùa, cua, ếch , ốc.

Nói đến ốc lúc này nhiều người chê vì cho rằng bắt ốc làm gì phải xách mỏi tay. Tuy nhiên, chỉ có dân “ghiền” hay người sành điệu, biết thưởng thức mới bắt ốc để dành bằng cách treo trên giàn bếp chờ những tháng khô hay những ngày Tết mới dùng đến.


Không phải loại ốc nào cũng có thể làm thành ốc treo giàn bếp. Mà ốc lác mới chính là lựa chọn duy nhất để làm được món ăn này. Bởi ốc lát có thịt ngọt, dai sần sật, thân hình to béo, chắc khỏe; có đặc tính sống rất lâu, dù trong môi trường sống không thuộc về mình. Khi bắt được ốc lát, người ta rửa thật sách ốc rồi cho vào giỏ đan tre, treo lên trên bếp, ở nơi mà khói bếp hằng ngày có thể xông hơi lên chỗ ốc lát.

Cũng chính vì thời gian để ăn được ốc treo giàn bếp khá lâu, nên giá thành của ốc treo giàn bếp cũng không thấp. Nếu ốc lát bắt được ở nội đồng bán có giá dưới 20.000 đồng thì ốc treo giàn bếp có thể có giá đến 50.000 đồng.


Món ngon khó cưỡng

Mùa nào cũng vậy, ốc bắt được đem về rửa sạch, đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Ốc lác treo giàn bếp để lâu 4-5 tháng vẫn sống. Ốc treo giàn bếp béo mập, để hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu.

Ốc lác treo giàn bếp thường lựa loại to, khi cần sử dụng con nào cũng mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Chuẩn bị cho một buổi tiệc, sau khi rửa sạch hết bụi bặm, ta sắp ốc vào một nắp khạp có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống; những con ốc nghe có nước bắt đầu cục cựa, há miệng, quơ râu uống nước.


Khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước, ta bắt từng con vạt đít, cho vào nồi có sẵn một lớp sả, chút muối và đổ thêm ít nước, đun chừng mười phút thì sôi, các con ốc đã há miệng. Bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại bếp độ vài phút là ốc chín.

Những con ốc đã chín trốc mày, mề ốc vàng, mình ốc trắng tươi như bông bưởi nhìn thật bắt mắt. Nêm tí nước mắm sả ớt, nặn thêm chút chanh rồi nhanh tay bưng húp nhẹ miếng nước ốc, ngọt vô cùng. Mình ốc mềm mụp, chấm vào nước mắm sả ớt thật ngon tuyệt.


Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm vừa mập, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng.

Khi này muốn dùng ốc lát, chúng ta chỉ cần rửa sạch, cho ốc vào nồi rồi luộc khoảng 20 phút. Đến khi mài ốc hở ra thì dùng được. Những ốc lát chín đều sẽ mề màu vàng, thân trắng muốt, chấm với nước mắm chua ngọt thì ngon không sao tả được. Ngoài ra, ốc treo giàn bếp còn được nhiều người chế biến theo kiểu hấp sả, nước ngọt từ món ốc này sẽ rất thanh đạm, bổ dưỡng. Như thế những món ăn ở Đồng Tháp chế biến từ ốc treo giàn bếp rất phong phú, mang lại nhiều trải nghiệm khó quên đối với những ai có dịp thưởng thức.

Ái Vy
Theo: Làng Việt online



CODEX GIGAS: CUỐN SÁCH KỲ QUÁI BÍ ẨN NHẤT THẾ GIỚI

Có một cuốn sách ra đời vào thế kỷ 13, chứa đựng toàn bộ tri thức của nhân loại và được coi là văn bản Trung cổ lớn nhất thế giới. Điều bí ẩn nằm ở chỗ, nó được cho là hoàn thành chỉ trong một đêm. Bạn có tin không


Cuốn sách giữ nhiều kỷ lục

Cuốn sách này có tên là Codex Gigas, theo tiếng Latin có nghĩa là “Quyển sách khổng lồ”. Nó cao 92cm, rộng 50,5cm và dày khoảng 20cm và bạn sẽ không thể tự mình nhấc nó lên được bởi nó nặng tới 75 kg. Codex Gigas dày 320 trang và được làm từ da bò.

Rất nhiều nội dung trong cuốn Codex Gigas không được tìm thấy trong bất kỳ văn tự cổ nào khác, khoảng một nửa cuốn sách là phiên bản Thánh kinh bằng tiếng Latin gồm Kinh cựu ước và Tân ước. Những trang còn lại là những văn tự ngắn về bách khoa toàn thư: Lịch sử y học, Thảo dược, cách trị bệnh nguy hiểm nhất, cách giải độc, các bài về phép thuật…

Cuốn sách này có tên là Codex Gigas, theo tiếng Latin có nghĩa là “Quyển sách khổng lồ”. Rất nhiều nội dung trong cuốn Codex Gigas không được tìm thấy trong bất kỳ văn tự cổ nào khác. (Wikipedia)

Đem lại điềm xấu

Codex Gigas là một bản thảo ra đời từ đầu thế kỷ 13, có nguồn gốc từ Bohemia, một trong những vùng đất lịch sử của Cộng hòa Séc. Vào khoảng năm 1229, tu viện Bohemia bị cháy rụi, vì vậy nó đã được chuyển tới lưu giữ tại Tu viện Cistercians Sedlec trước khi được tu viện Benedictine ở Břevnov mua lại.

Một lần nữa, cuốn sách Codex Gigas lại bị đổi chủ khi tu viện Benedictine gặp khó khăn về tài chính. Để lấy tiền cầm cố, các tu sĩ đã bán bản thảo này cho một tu viện ở Broumov. Không lâu sau khi nó chuyển tới “ngôi nhà mới”, tu viện này cũng xảy ra những vấn đề tài chính nghiêm trọng.

Năm 1594, một người đàn ông chịu trách nhiệm bảo vệ bản thảo này đã chuyển nó tới Prague, bổ sung Codex Gigas vào bộ sưu tập báu vật của hoàng đế Habsburg Rudolf II. Một vài năm sau, hoàng đế Habsburg Rudolf II phát điên và buộc phải thoái vị.

Trong cuộc bao vây của quân đội Thụy Điển tại Praha vào cuối cuộc Chiến tranh Ba mươi năm (1648), toàn bộ kho báu của hoàng đế Rudolf II, trong đó có cuốn bản thảo Codex Gigas đã bị quân đội Thụy Điển tịch thu như là chiến lợi phẩm chiến tranh và chuyển đến Stockholm.

Cuốn sách này đã đem lại điềm rủi cho tất cả những nơi mà nó "đặt chân" tới. (Sharon Hahn Darlin Flickr - CC BY 2.0)

Từ năm 1649 cho tới nay, bản thảo này được lưu giữ trong Thư viện Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm. Nhưng vào ngày 7/5/1697, một trận hỏa hoạn dữ dội đã xảy ra tại lâu đài hoàng gia ở Stockholm, và Thư viện Hoàng gia chịu thiệt hại khá nặng nề.

Để cứu khẩn cấp cuốn Codex Gigas khỏi ngọn lửa hung dữ, người ta buộc phải ném nó ra ngoài cửa sổ Thư viện. Kết quả là một vài người bên ngoài đã bị thương khi chẳng may bị ném trúng do cuốn sách khá nặng và nó đã bị rách nát hư hỏng một số trang bản thảo.

Dù sao, Codex Gigas cũng tạm thời yên ổn “trú” tại Thư viện Hoàng gia Thụy Điển từ đó cho đến tháng 9/2007, sau 359 năm xa cách, Codex Gigas trở lại “cố hương” Prague cho đến tháng 1/2008 và được trưng bày tại Thư viện Quốc gia Séc.

Năm 2009, Codex Gigas trở về Thư viện Hoàng gia Thụy Điển và nằm yên từ đó cho đến nay. Mỗi ngày, nó thu hút khá đông lượng khách tham quan tới chiêm ngưỡng, và người ta không thể không đặt câu hỏi, làm thế nào ai đó có thể hoàn thành cuốn sách khổng lồ này trong vòng một đêm?

Năm 2009, Codex Gigas trở về Thư viện Hoàng gia Thụy Điển và nằm yên từ đó cho đến nay. (Wikipedia)

Bán linh hồn cho quỷ

Có nhiều lý do khiến Codex Gigas được coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới, không chỉ vì kích cỡ và nội dung bên trong mà còn vì vẻ đẹp bề ngoài của nó, với những đường viền và hoa văn trang trí vô cùng tinh tế, đẹp mắt.

Ngoài ra, có khá nhiều sự huyền bí vây quanh Codex Gigas, mà một trong số đó là nội dung và những bức hình minh họa trong cuốn sách này. Nhiều trang văn bản được trang trí bằng những đường viền phong cách, những mẫu tự phức tạp và các minh họa cầu kỳ.

Trong số nhiều minh họa, có một bức minh họa gây sự chú ý ở trang 290. Đó là bức chân dung của quỷ Satan trong hình dạng nửa người nửa thú, với móng vuốt và chiếc lưỡi dài. Thực tế, trong các văn bản cổ xưa để lại, những hình vẽ về ma quỷ không phải là điều hiếm thấy. Nhưng để dành trọn một trang khổ to cho chân dung của chúa tể bóng tối là một điều khá bất thường. Vậy điều gì khiến bức chân dung này lại có thể “chễm chệ” như vậy?

Có một bức minh họa gây sự chú ý ở trang 290. Đó là bức chân dung của quỷ Satan trong hình dạng nửa người nửa thú, với móng vuốt và chiếc lưỡi dài. (Wikimedia Commons)

Có một truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 13, có một tu sĩ tên là Herman the Recluse vì phạm phải một tội lỗi nghiêm trọng, ông đã bị giam hãm trong ngục, ngày ngày đối mặt với bốn bức tường. Trong nỗ lực tuyệt vọng để tránh một sự trừng phạt nghiêm khắc dành cho mình, Herman đề nghị được viết một cuốn sách chứa đựng tất cả kiến ​​thức của nhân loại trong một đêm duy nhất, để đổi lấy sự khoan dung.

Herman đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ bất khả thi này, nhưng khi thời hạn sắp kết thúc, ông ta đã cầu xin thiên thần sa ngã Lucifer, làm cách nào đó giúp ông ta hoàn thành cuốn sách trước khi trời rạng sáng. Tất nhiên, Herman đã phải đổi linh hồn của mình cho quỷ dữ, đồng thời đã thêm hình ảnh của chúa tể hắc ám vào cuốn sách như một biểu hiện của lòng biết ơn.

Chính vì vậy, Codex Gigas bị coi là cuốn sách “điềm dị” trong suốt nhiều thế kỷ. Người ta tin rằng cuốn sách không mang lại điều gì cho người sở hữu nó ngoài sự bất hạnh, bệnh tật và bi kịch.

Người ta cũng không hiểu vì sao Herman đã không cầu nguyện những điều tốt đẹp thần thánh thiêng liêng, mà chỉ vì muốn cứu mạng sống của mình đã cầu viện tới ma quỷ – những thế lực rất lưu tâm tới việc thúc đẩy con người phá bỏ lề luật của Thiên Chúa và phạm nhiều tội lỗi.

Lucifer là một trong bốn vị vua Địa Ngục, được gắn với tội lỗi kiêu ngạo, bởi vì sự kiêu ngạo của bản thân mà hắn đã rơi khỏi ân sủng của Thiên Chúa. (Wikipedia)

Nhưng đó chỉ là giả thuyết bởi còn khá nhiều điều bí ẩn xung quanh cuốn sách khổng lồ này.

Khoa học chưa thể giải thích

Theo truyền thuyết thì cuốn sách này do tu sĩ Herman the Recluse viết và hoàn thành chỉ trong một đêm. Chính vì vậy nó gây tò mò và bí ẩn đến nỗi các nhà khoa học và các chuyên gia đã phải bắt tay vào cuộc để tìm hiểu.

Họ xác nhận rằng, chữ viết tay thống nhất xuyên suốt toàn bộ các trang văn bản trong Codex Gigas thực sự chỉ do một người viết. Nhưng xem xét tập hợp các trang văn bản với nội dung khác nhau, bao gồm các bức vẽ minh họa và các đường viền trang trí phức tạp, các nhà khoa học ước tính thực tế để một người hoàn thành cuốn sách này, phải mất khoảng từ 25-30 năm.

Theo truyền thuyết thì cuốn sách này do tu sĩ Herman the Recluse viết và hoàn thành chỉ trong một đêm. Tuy nhiên các nhà khoa học ước tính thực tế để một người hoàn thành cuốn sách này, phải mất khoảng từ 25-30 năm. (Wikimedia Commons)

Với các nét chữ viết tay rất đều nhau, theo các chuyên gia Tâm lý, thì cho thấy người viết cuốn sách này không có dấu hiệu ảnh hưởng của tuổi tác, bệnh tật, hoặc tâm lý bất an. Thêm nữa, các nhà khoa học cũng ước tính rằng, nếu một người dành 6 tiếng trong một ngày và 6 ngày trong một tuần để viết, thì người đó cũng phải mất tới 5 năm để hoàn thành cuốn sách.

Nếu người ghi chép là một tu sĩ, chỉ có thể viết khoảng ba giờ trong một ngày, điều này có nghĩa là bản thảo có thể phải mất tới 10 năm để viết. Người ra, việc trang trí bản thảo cũng tốn khá nhiều công phu, vậy nên có thể mất ít nhất 20 năm hoặc thậm chí có thể là 30 năm.

Vậy nên cho đến nay, Codex Gigas vẫn là cuốn sách bí ẩn nhất thời đại.

Xuân Trường / Theo: NTDTV
Link tham khảo:




CÂU CHUYỆN TẢNG ĐÁ

Có một tảng đá được chẻ làm hai:

Một nửa làm thành tượng Phật.

Một nửa làm thành bậc thang.


Bậc thang không phục hỏi tượng Phật rằng :

- Chúng ta vốn dĩ cùng là đá, tại sao người ta chà đạp tôi, nhưng lại sùng bái người ?

Tượng Phật trả lời :

- Vì người chỉ chịu 4 nhát dao đã có được hình hài đó, còn ta lại trải qua trăm ngàn ngọn dao đục đẽo, đau đớn muôn vàn!

Lúc đó bậc thang im lặng...

Cuộc đời con người cũng vậy. Mọi thứ đều có giá của nó. Trải qua đắng cay đau khổ mới hiểu được giá trị của hạnh phúc. Khi nhìn người khác thành công huy hoàng, đừng đố kỵ vì họ trả giá nhiều hơn bạn gấp nhiều lần .

Cuộc sống muôn màu, mỗi chúng ta ai cũng có một sứ mệnh, một trách nhiệm. Hãy cứ là chính mình và làm tốt nhất công việc của mình.

(Sưu tầm.trên mạng)


ĂN THỊT BÒ TỪ BÉ ĐẾN LỚN, NHƯNG BẠN CÓ BIẾT VỚI TỪNG PHẦN THỊT, CHẾ BIẾN NHƯ THẾ NÀO MỚI LÀ NGON NHẤT?

Cứ đến những ngày thời tiết lành lạnh như thế này, người ta lại nhớ đến các món beefsteak nóng hổi, nghi ngút khói sực mùi thơm; không thì cũng là những món hầm, ninh nhừ mềm rục, thịt tách khỏi xương dễ dàng.


Thịt bò được xem như là một loại protein rất được ưa chuộng và hầu như có thể chinh phục tất cả các món ăn trong ẩm thực. Mỗi phần thịt lại có một ưu điểm riêng, phù hợp với khẩu vị mỗi cá nhân và đôi khi chỉ thích hợp để chế biến theo một kiểu duy nhất. Chính vì vậy, chọn phần thịt như thế nào để món ăn đạt được vị ngon tuyệt đối mà không cần chế biến quá kì công?

Nạc vai - beef chuck: phần thịt này khá dai, nắm nhiều mối nối vì nằm giữa nách, xương vai và chân phía trên. Vì vậy, để chế biến thịt nạc vai hiệu quả nhất, người ta thường dùng để làm các món hầm để làm mềm thịt. Do nhiều mỡ nên phần này cũng có thể dùng để làm thịt xay, bò viên.

Đối với phần thịt này có thể mang đi nướng hoặc làm bò viên cũng đều rất ổn.
Thịt sườn - beef rib: thịt sườn khá mềm nên luôn được ưu ái sử dụng vào các món nướng hoặc chiên, chế biến đơn giản nhưng vẫn đạt độ ngon tuyệt đối.

Vốn dĩ phần thịt đã mềm sẵn nên không cần phải chế biến cầu kì hoặc tẩm ướp trong thời gian dài. Càng làm theo cách đơn giản, phần thịt lại càng ngon đúng vị.
Ức - beef brisket: phần thịt này có lẫn cả gân, khi ninh nhừ thì hay được gọi là nạm. Phần ức có nhiều mỡ và gân hơn nữa thì gọi là gàu. Ức bò khá dai nên thường được hầm, là phần thịt luôn dễ tìm thấy trong các quán phở truyền thống của người Việt.

Hình ảnh những chiếc biển hiệu đề phở tái-nạm-gàu-gân không hề xa lạ với người Sài Gòn, hầu như quán phở nào cũng phục vụ đầy đủ.
Thịt ba chỉ - beef plate: phần thịt gồm cả nạc lẫn mỡ nhưng mỡ chiếm nhiều hơn nằm ngay dưới xương sườn, gồm các xương sườn cụt và đôi khi kèm theo sụn. Đây là phần thịt được ưa chuộng nhiều nhất và khá dễ chế biến, dù là món lẩu, món nướng hay thịt xay thì đều phù hợp.

Đặc biệt trong hầu hết các nhà hàng bán đồ nướng hoặc lẩu, thực khách luôn thuận miệng gọi một phần thịt ba chỉ vì phần thịt mềm, mọng nước, không khô chút nào.
Thịt chân giò - beef shank: chân giò bò khá dai, được chia ra thành hai phần cho dễ phân biệt đó là thịt bắp chân trước và chân sau. Phần bắp nhỏ nằm ở chân trước gọi là bắp hoa, phần nằm giữa lòi bắp đùi ở chân sau được gọi là bắp rùa, mềm hơn bắp hoa. Được ưa chuộng nhiều nhất vẫn là kiểu hầm hoặc luộc để giữ được độ ngon có sẵn của thịt bắp.

Bắp bò cũng không phải là một phần thịt quá khó để chế biến, thường được kết hợp cùng nguyên liệu gừng, xả hoặc làm gỏi cũng rất ổn.
Thịt thăn vai - beef short loin: phần thịt lưng bò luôn được đánh giá là một trong những phần thịt hảo hạng, thơm ngon nhất. Để chế biến phần thịt này, chỉ cần ướp chút gia vị cơ bản muối, tiêu, đường và nướng lò là đúng vị.

Thịt thăn ngoại - beef sirloin: là phần thịt được cắt từ thăn vai, khá ít mỡ và cơ, vị rất mềm. Phần thăn ngoại được dùng làm bít tết là chủ yếu vì có các phần mỡ nhỏ khiến thịt không bị khô khi chiên hoặc nướng. Bò lúc lắc cũng là một sự lựa chọn thích hợp đối với thịt thăn ngoại.

Chế biến phần thịt này khá nhanh, ít tốn thời gian do bản chất thịt đã mềm sẵn. Dù nướng, hay chiên cũng không sợ món ăn bị khô.
Thịt thăn nội (hay còn gọi là thăn chuột) - beef tenderloin: là phần thịt sáng giá nhất của con bò. Sớ thịt nhỏ, mềm, ít mỡ, ngay cả khi chỉ cần chế biến cơ bản cũng có thể toát ra hương vị ngon đặc biệt. Nổi tiếng nhất trong việc sử dụng phần thịt này phải kể đến món thịt bò Beef Wellington của đầu bếp trứ danh Gordon Ramsay.

Trong giới ẩm thực, không ai là không biết đến món ăn trứ danh này của đầu bếp Gordon Ramsay. Công phu từ khâu chuẩn bị nguyên liệu ban đầu đến quá trình chế biến và bày trí đều rất khéo léo, làm dậy lên toàn bộ vị ngon vốn có của miếng thịt.
Thịt bụng ( hông/thịt bò sườn) - beef flank: là phần thịt khá giống thịt ba rọi, có mỡ và gân xen kẽ. Dùng trong các món ninh hay bò viên là một sự lựa chọn tối ưu. Nếu chế biến theo kiểu nướng thì nên ướp trước để phần thịt không bị dai.

Thịt bụng tuy khá giống thịt ba rọi nhưng không được mềm bằng. Phần thịt này cần phải được ướp trước để miếng thịt không bị dai và khô.
Thịt mông - beef round: là phần thịt ít được sử dụng nhiều do chế biến khá khó, nhiều nạc nhưng lại dai. Tuy nhiên, phần thịt mông sẽ mềm hơn nếu được dùng cho các món hầm.

Phần thịt khá thích hợp với những người ngại ăn mỡ. Cách hầm hoặc ninh vẫn là hai phương án tối ưu nhất để chế biến chúng.
Xương sườn và thịt thăn được biết đến như là phần thịt mềm và dễ cắt nhất của bò, trong khi phần cơ vai và cơ chân là những bộ phận khá dai và kén chọn do thường xuyên vận động. Nhìn chung, các phần thịt cứng ở những bộ phận hoạt động nhiều sẽ ưu tiên chế biến bằng cách hầm hoặc ninh; những phần mềm có thể linh hoạt chế biến theo sở thích cá nhân mỗi người nhưng được ưu ái nhất vẫn là cách nướng hoặc áp chảo nhanh để không bị dai thịt.

Một khi đã hiểu rõ được những ưu - nhược điểm của các phần thịt thì sẽ có cách chế biến phù hợp mà không cần tốn nhiều thời gian và công sức mà món ăn vẫn ngon, đầy đủ hương vị nhất.

Quỳnh Anh / Theo: saostar

Tuesday, August 30, 2022

VÔ THẦN TỐT HAY KHÔNG TỐT, LUẬT NHÂN QUẢ CÓ HAY KHÔNG?

Có bạn phê phán rằng tôi có vẻ vô thần và điều ấy là không tốt, con người vô thần sẽ có xu hướng làm điều xấu bởi không tin ở luật nhân quả. Nói về điều này sẽ dài dòng một chút, nhưng cũng nên nói.

Một Phật tử Việt Nam (hình minh họa). Ảnh: Getti Images

Tôi tôn trọng tất cả những tôn giáo dạy con người sống có lễ nghĩa, có trước sau, theo một trật tự hợp với tính thiện của con người. Khi xã hội làm được vậy, ấy là một xã hội có đạo.

Tôi không tin ở kiếp trước, kiếp sau, đơn giản là bởi kiến thức, suy nghĩ lô-gic và trải nghiệm của tôi là vậy và điều ấy không phải là một cái tội.

Người ta sống tốt không phải vì cái suy nghĩ là mình làm điều tốt để kiếp sau mình được hưởng phúc. Ta làm điều tốt bởi điều ấy khiến cái bản thể hướng thiện của ta cảm thấy thế là đúng và do vậy mà lòng ta vui.

Làm điều tốt để mưu cầu điều tốt hay ích lợi đến với mình trong tương lai, điều ấy không sai nhưng làm thấp đi một chút tính cao thượng trong tâm người, nó có hơi hướng giống như một sự đầu tư sinh lợi, một sự tính toán kinh tế.

Nếu bản thể của ta là chân, thiện, mỹ thì khi ta làm những điều chân, thiện, mĩ, lòng ta vui, ta cảm thấy cuộc sống của ta có ý nghĩa và ta có lòng tự hào, không cần sự khen ngợi từ bên ngoài. Người đời khen hôm nay, chê ngày mai, nhưng nếu ta có được cái nhận thức tự tại, ta sẽ an bình và vững vàng, không phụ thuộc khen chê của người, điều mà giống như làn gió luôn thay đổi.

Phật là người trần mắt thịt, sở dĩ Phật được tôn kính bởi trí tuệ của người quá siêu việt, giáo lý cuả Ngài quá sâu sắc, xuyên suốt, giải thích thấu đáo mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên, mối quan hệ xã hội và quan trọng nhất là trong tâm người. Phật không có phép thần thông biến hoá, chỉ có bọn lợi dụng Phật để kiếm lợi mới có giả vờ mình có phép thần thông biến hoá để lừa đảo.

Nhờ thiền định tu luyện mà Phật có được khai ngộ sáng láng, chính vì vậy mà ngài bảo tính phật có trong mỗi người. Tính phật chính là những gì nhân bản nhất, thiện nhất, chân nhất của con người. Không xa lạ, không cao vời mà gần gũi trong mỗi bản thể, chỉ có điều có chịu nhìn vào tâm mình để mà tu luyện, để khai mở không hay thôi.

Giờ nói về luật nhân quả.

Luật nhân quả không xa xôi. Tôi không tin ở kiếp trước, kiếp sau không có nghĩa là tôi không tin ở luật nhân quả.

Bạn nhìn thấy một con vật đang đau đớn, bạn nói một câu nói thương xót, ánh mắt từ bi, cử chỉ chăm sóc dịu dàng... những điều ấy tác động đến chính con bạn. Sự lặp lại nhiều lần sẽ khiến nó thành đứa trẻ có lòng bi, có lòng thương yêu con vật và tất nhiên là thương yêu con người. Nó lớn lên sẽ sống yêu thương và chan hoà. Ấy là bạn đã gây nhân và đạt quả tốt.

Một quan chức quen đấu đá, thấy đồng chí đối thủ của mình ngã bệnh chết, buông lời hỉ hả, đứa con sẽ học được sự ác độc.

Một kẻ giầu có bởi BOT bẩn, bởi tiền cướp được nên coi thường đồng tiền, nhìn người chỉ nhìn vào tiền, trí tuệ tăm tối, buông lời khinh mạn người nghèo. Những đứa con của kẻ ấy lớn lên trong vàng bạc lấp lánh nhưng tâm hồn ô trọc, không thể hiểu được những gì đẹp đẽ của con người.

Một chính trị gia mánh khoé, chuyên nịnh trên nạt dưới, hèn với giặc, ác với dân, cả đời quay cuồng trong quyền tiền không thể dạy con một câu về tình thương yêu, về sự chân thành, về cái đẹp trong văn học nghệ thuật hay cái đẹp nói chung của cuộc sống con người. Mà nếu có mở mồm dạy thì chính hắn ta cũng tự hiểu là mình đang nói dối, sẽ ngượng mồm.

Cái thằng tấn công tình dục cô gái trong thang máy là hệ quả của một sự giáo dục như vậy. 8 năm trước, nó cũng đã chỉ biết dựa vào quan hệ để giải quyết vấn đề. Sự ngu xuẩn không dễ thay đổi. Từ nhỏ nó học được bài học bẩn nên nó thành một con người bẩn. Đến cái nụ hôn, một cái đẹp mà nó cũng chỉ biết hành xử bẩn để đạt được.

Ảnh Tượng Phật chụp dịp lễ Phật Đản ở Hà Nội. Ảnh: Getty Images

Đấy là nhân xấu gây quả xấu.

Đấy chính là nhân quả, rất gần gũi dễ hiểu chứ không hề xa xôi.

Là con người, hãy tin ở tính thiện của con người. Tôn giáo có mặt tốt nhưng trong lịch sử nhân loại, chính mâu thuẫn tôn giáo đã gây ra đổ máu và bao đau khổ. Người đời theo tôn giáo này, chê tôn giáo kia, vậy là mâu thuẫn, nhỏ nhen hạn hẹp, do vậy mà không mang được lợi ích an bình cho xã hội.

Tin hay không tin ở tôn giáo không phải là vấn đề. Vấn đề đáng nói là tính chân, thiện, mĩ của con người.

Người cộng sản thời kì đầu đả phá tôn giáo, phá bỏ chùa chiền, thờ ông bà còn bị quy chụp là mê tín dị đoan. Giờ thì lại mê tín quá mức, quan chức xì xụp vái lậy, xoắn xuýt thầy bà. Đấy là do văn hoá sống nông cạn, không tin vào con người nên lúc thế này, lúc thế khác. Cả đời chỉ coi quyền lực, vị trí là quan trọng, bao thời gian chỉ lo đấu đá, lúc nào đọc sách, lúc nào suy ngẫm và thiền định đâu để hiểu sâu sắc những điều ấy.

Họ thực ra là những con người yếu kém về văn hoá, yếu đuối về tâm hồn, chính vì vậy mà họ hay sai lạc. Sai lạc nên không nhất quán, hay thay đổi, gió chiều nào che chiều nấy.

Tôi tôn trọng tôn giáo, trân trọng những giáo lý đẹp đẽ nhưng không hề tin một cách mê muội. Hơn hết là tôi tin ở con người, tôi tin ở chính tôi.

Mỗi kiếp người có một sứ mạng thiêng liêng và nếu ta tin ở điều ấy, ta sẽ làm được những điều tốt đẹp đáng kể.

Đoàn Bảo Châu
BBC Tiếng Việt (26/03/2019)

(*Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giả - nhà văn, nhà báo Đoàn Bảo Châu.)

DÊ HÓA CHÓ

Thuở xưa, có một tu sĩ Bà La Môn ra chợ mua dê về tế thần. Nhìn con dê béo tốt, một bọn lưu manh rắp tâm đánh cắp. Sau một hồi bàn tính, một tên bước ra, giả bộ ngạc nhiên hỏi ông Bà La Môn:


- Sao ngài cõng chó lên lưng mà đi như thế kia? Nó bị đau chân hả?

Tu sĩ nổi cáu quát:

- Mắt với mũi, dê mà mi dám bảo là chó à?

Tên lưu manh bỏ đi sau cái nhún vai bất cần. Lát sau, một tên khác lại chặn đường hỏi tu sĩ:

- Thưa ông Bà La Môn, chó là một con vật khả ố, sao ông lại để nước miếng nó dây vào người thế kia?

Tu sĩ cãi:

- Này cậu, đây là dê chớ không phải là chó.

Gã lưu manh lắc đầu, mỉm cười bỏ đi. Ông Bà La Môn bắt đầu nao núng, đặt con dê xuống đất buộc vào cổ nó rồi kéo đi. Tên lưu manh thứ ba bước đến hỏi:

- Thưa ngài, chắc ngài chuẩn bị dắt chó đi săn?

Vị tu sĩ cãi:

- Ðây là con dê mà!

Gã lưu manh bỏ đi sau một chuỗi cười ròn rã. Ông Bà La Môn ngơ ngẩn đứng dụi mắt hồi lâu vẫn nom thấy rõ ràng là mình đang dắt một con dê.

Tên lưu manh thứ tư lại đến, chào ông và hỏi:

- Ngài mua con chó này giá bao nhiêu thế?

Vị tu sĩ vô cùng hoang mang nghĩ bụng:

- Có lẽ đây là con chó thật. Tên lái buôn phù thủy đã làm mù mắt ta.


Một vị Bà La Môn cao cả như ta mà dắt chó đi thì còn ra cái thể thống gì. Ông bèn quăng dây, thả rong con dê và bươn bả đi tìm gã lái buôn để ăn thua đủ. Gặp cơ hội bằng vàng, bọn lưu manh tóm lấy con dê và chuồn mất.

Bạn thân mến!

Sự giả dối được lặp đi lặp lại nhiều lần lại hóa thật. Ông Bà La Môn trên đây bị lừa mất con dê là tại vì “quý lỗ tai mà khinh con mắt”. Mà nào có mỗi mình ông ta đâu! Tôi và bạn cùng tất cả những ai trên thế gian này đều bị lừa, tự lừa và lừa gạt lẫn nhau cả.

Từ cái “bản lai vô ngã”, nghĩa là trong những lúc ở một mình, quán chiếu lại mình, ta thấy rõ ràng, thân và tâm ta đều là những tổ hợp nhân duyên tạm bợ, rất đỗi mong manh và vô thường. Không có cái gì là ta, thường tồn, bất biến… vậy mà, vừa gặp mặt nhau, chúng ta đã tay bắt mặt mừng:

- Ồ, sao lúc này bạn đẹp ra thế? Trẻ hơn lúc trước nhiều (trong khi sự thật thì càng ngày càng già càng xấu thì có!).


Có lẽ vì thế mà kinh điển thường ca tụng chữ TÍN: “Tín là cội nguồn và đạo, là cha mẹ chư Phật!”. Tín đây là niềm tin vững chắc nơi mình, không bị những trò giả dối của trần cảnh lường gạt đến độ “thấy dê hóa chó” đó bạn ạ!

Nghiệp ác chưa thuần thục
Người ngu tưởng ngọt ngon
Nghiệp ác đã thuần thục
Người ngu chịu khổ sầu.
(Pháp Cú 69)

Nguồn: “Hư hư lục”
Thích Nữ Như Thủy

BÁT PHONG XUY BẤT ĐỘNG (八風吹不動 TÁM GIÓ THỔI KHÔNG ĐỘNG)

“Bát phong xuy bất động” (tám gió thổi không động) là một giai thoại vui, thâm thúy và tràn đầy thiền vị về mối thâm giao giữa thi hào Tô Đông Pha (1037-1101) và Thiền sư Phật Ấn (1032-1098).


Chuyện kể rằng, một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất hài lòng, bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ của Tô Đông Pha như sau:

Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.

稽首天中天,
毫光照大千.
八風吹不動,
端坐紫金蓮.

Tạm dịch là :

Đảnh lễ Bậc Giác ngộ,(*)
Hào quang chiếu vũ trụ.
Tám gió thổi chẳng động,
Ngồi vững tòa sen vàng.

(*) thiên trung thiên tức là Phật, Bậc Giác ngộ

Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy chữ nghĩa và ý tứ rất hay nhưng biết quá rõ bạn mình nhờ văn hay, chữ tốt, dùng tâm thức bén nhạy để làm thơ chứ không phải là bậc thượng sĩ thâm nhập nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, đạt đến Thượng thừa “Tám gió thổi không động” nên thay vì khen ngợi ngài liền cầm bút phê vào hai chữ “phóng thí” (放屁 đánh rắm- hạ phong) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Đông Pha. Quả như điều mà Phật Ấn đã dự đoán. Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong liền đùng đùng nổi giận, lập lức bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ấn.


Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia. Thiền sư Phật Ấn liền cười xuề: Ông nói “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã bay sang sông rồi. Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra mình còn vọng động.

Về bát phong hay bát thế phong, nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người.

Tám ngọn gió ấy gồm:

1-Lợi 利 (được lợi lộc),
2-Suy 衰 (mất mát, hao tổn),
3-Hủy 毀 (bị hạ thấp, làm nhục),
4-Dự 譽 (được tôn vinh),
5-Xưng 稱 (được khen ngợi),
6-Cơ 譏 (bị chê bai),
7-Khổ 苦 (khổ đau),
8-Lạc 樂 (hạnh phúc).


Con người thường giao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống.

Khi được lợi (lợi) thì vui mừng hớn hở, ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối.

Khi bị hạ thấp (hủy), gặp thất bại, cảm thấy rất khó chịu bất mãn còn khi thành công, được tôn vinh (dự) thì sung sướng, hài lòng.

Khi được mọi người ca ngợi, tung hô (xưng), thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế diễu, vu khống (cơ), thì hậm hực, bức xúc không yên.

Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, than vãn và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.

Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối diện với tám ngọn gió này.

Kinh Phật dạy: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì tám gió thổi không động”. Cũng như chuyện “gió động hay phướn động”, thì ra tâm người động chứ gió và phướn chỉ là chuyện bên ngoài.

Những giao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là yên lặng. Phải quán sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối.


Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó. Vì thế, được hay mất, vinh hay nhục, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường cửu. Nhờ thường xuyên quán sát với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu, bị chê không giận v.v… thì có thể chế ngự được bát phong.

Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời là điều có thể thực hiện được nhờ thực tập và thành tựu tuệ quán về ba sự thật Vô thường- Khổ-Vô ngã của vạn pháp.

Theo: vedepphatphap



Monday, August 29, 2022

HỘI CHỨNG HIKIKOMORI - MỘT THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN Ở NHẬT BẢN

Hikikomori là một hội chứng tâm lý nguy hiểm đang xuất hiện rất nhiều ở thế hệ trẻ ở Nhật Bản. Có những thanh niên Nhật thậm chí đến 10 năm không bước ra khỏi nhà là chuyện rất bình thường. Hãy cùng Vietmart tìm hiểu chi tiết hơn về hội chứng kỳ lạ này nhé.


Hội chứng Hikikomori là gì?

Hikikomori (引きこもり) là hiện tượng những người tự giam mình trong phòng, từ chối tham gia vào đời sống xã hội và các hoạt động gia đình trong khoảng thời gian dài từ 6 tháng trở lên, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình. Những người mắc hội chứng này chỉ ở lỳ trong phòng và lên mạng suốt ngày, họ chìm ngập trong thế giới ảo và hoàn toàn cách ly với cộng đồng.

Những đối tượng mắc phải chứng hikikomori đại đa số thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, ngoài ra còn một số ít là người trung niên. Theo số liệu thống kê, hiện nay ước chừng có gần 50 ngàn trường hợp trên cả nước Nhật Bản nhưng trên thực tế con số có thể lên đến hàng triệu người.

Hội chứng hikikomori

Hikikomori khá giống với Neet, là một thuật ngữ chỉ những người suốt ngày chỉ biết chơi game. Bản chất họ vẫn là người có đi học, làm ra tiền và một số người còn có địa vị trong xã hội. Tuy nhiên phần lớn thời gian họ sử dụng vào việc chơi game và sống khá cách biệt với xã hội.

Nhiều người được gọi là Neet cũng một phần nguyên do là vì học xong không tìm được việc làm nên suốt ngày ở nhà họ chỉ biết chơi game và lâu dần thành người ăn bám xã hội. Một số Neet còn lại do gia đình có điều kiện nên họ tự mình tách biệt xã hội luôn.

Những biểu hiện của hội chứng Hikikomori

Hikikomori ở Nhật có 2 kiểu cơ bản. Thứ nhất là những người sợ, không tự tin khi tiếp xúc xã hội, không dám ra ngoài, đi học đi làm. Kiểu thứ hai là quá mê thế giới ảo bao gồm truyện tranh, phim hoạt hình, các trò chơi điện tử… nên họ chỉ muốn ở trong phòng để được xem, đọc, chơi cho thỏa thích.


Khi họ suốt ngày ở trong phòng thì họ phải sống dựa dẫm vào gia đình. Với nền văn hóa coi trọng sự tự lập như ở Nhật Bản thì đó là cách sống đáng chê trách nhất. Người Nhật rất khinh thường những người còn trẻ khỏe mà lại không tự đi làm, sống dựa dẫm vào người khác. Thế nên, những cha mẹ nào có con cái mắc chứng hikikomori thường không dám để lộ cho bên ngoài biết.


Với các hikikomori, tất cả những sinh hoạt thường ngày như ăn, uống, ngủ, nghỉ tất cả đều gói gọn trong căn phòng chỉ vài mét vuông. Câu chuyện về những chàng trai đã ở trong căn phòng của mình 2 năm, 3 năm thậm chí là 10 năm mà không hề ra ngoài là điều rất bình thường tại Nhật Bản.

Thỉnh thoảng, những cô cậu này có thể đi ra khỏi nhà. Họ sẽ thường đi đến những cửa hàng tiện lợi 24h ở gần nhà để mua đồ ăn. Ngoài ra, có những người hầu như là không bao giờ ra khỏi phòng.

Căn phòng của những hikikomori là đa phần đều khá nhỏ, rất bừa bộn vì toàn những vỏ chai lọ, hộp mỳ đã hết,… Không gian luôn tối tăm và có phần tù túng. Điểm đặc biệt của căn phòng đó là không thiếu thứ gì mà một hikikomori cần: những chồng truyện tranh, đĩa phim, trò chơi điện tử, tivi và một chiếc máy tính có kết nối internet…


Không học hành hay lao động nặng nhọc nên nhu cầu ăn uống của họ đôi khi chỉ là vài cốc mì hay những hộp đồ ăn sẵn để có thể tồn tại sống qua ngày. Đa phần các hikikomori chọn lối sống “ngủ ngày cày đêm”. Ban ngày, họ thường đi ngủ và khi đêm xuống, họ sẽ tiếp tục các sở thích của mình.

Ngày này qua ngày khác, họ mất dần mối quan hệ giữa những người bạn bè, hàng xóm và các thành viên trong gia đình. Khi nổi giận, hikikomori thường trút lên những người thân thiết nhất. Rất nhiều trường hợp bố mẹ bị chính con cái của mình khủng bố, buộc phải ngủ hay trốn trong xe hơi hoặc trong nhà tắm.

Nguyên nhân dẫn đến Hikikomori

Một trong những lý do khiến số người mắc chứng hikikomori gia tăng có lẽ là do họ đã quá mệt mỏi với các mối quan hệ.


Thế giới ngày nay là một thế giới tiện lợi, nơi bạn có thể sử dụng máy tính cá nhân, Internet, điện thoại thông minh, v.v., nhưng những thứ này đã thay đổi cơ bản cách thức giao tiếp. Thông thường, mọi người có thể tương tác với nhau trên Internet hoặc trên điện thoại thông minh của họ ngay cả khi họ nói chuyện trực tiếp. Thật là tiện lợi và thoải mái.

Khi đối nhân xử thế, chúng ta cần phải hiểu tâm tư của nhau và quan tâm đến nhau. Thực tế là một khi chúng ta đã quen với sự tiện nghi của internet và điện thoại thông minh, có nhiều người sẽ cảm thấy mệt mỏi với những mối quan hệ rắc rối.


Nhật Bản không ngừng nỗ lực sản xuất các trò chơi ngày càng siêu ảo. Khá đông giới trẻ đam mê phát cuồng phim ảnh và các trò chơi điện tử cho nên họ đã lựa chọn thế giới ảo làm điểm tựa tinh thần duy nhất cho bản thân. IT, lĩnh vực vốn là niềm tự hào của Nhật Bản, lại cũng chính là nguyên nhân thứ hai gây ra lối sống hikikomori.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một nơi có môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt về mảng giáo dục. Từ sức ép cạnh tranh để đỗ vào các trường tốt, hoặc cạnh tranh giữa các bạn trong lớp đã nảy sinh ra những tiêu cực xâm phạm tâm lý, như: bắt nạt, hành hung ở trường học.


Nhiều bạn bị mắc bệnh trầm cảm chỉ bởi vì quá nhát, hoặc do học nổi trội ở một bộ môn nào đó, mà đã bị các bạn trêu chọc và bắt nạt. Sức ép từ thi cử và nạn bạo hành học đường đã khiến các em sợ đến trường và dần dần mắc hội chứng hikikomori.

Ngoài ra, chỉ khoảng gần 20% học sinh may mắn thực hiện được giấc mơ được biên chế suốt đời tại các tập đoàn danh tiếng. Số đông thanh niên không được tuyển dụng, cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa, và rồi họ tự rút lui và biến mất khỏi xã hội.

Hikikomori có phải là bệnh không?

Nhiều người đã không hiểu đúng khi nói hikikomori là một căn bệnh. Đa phần các thanh niên với hội chứng này đều mắc các chứng bệnh tâm lý liên quan hoặc tồn tại các tổn thương, sang chấn tâm lý. Với nhiều người, họ chấp nhận điều đó như một lối sống bình thường vì đơn giản họ đã quá chán xã hội và việc giao tiếp bên ngoài.

Theo bác sĩ tâm thần kiêm Giáo sư Đại học Tsukuba, Saito Tamak “Hikikomori không phải là tội phạm bạo lực hay bệnh nhân rối loạn tâm thần”. Họ không mắc bệnh hay có xu hướng thích làm điều ác, mà chỉ đơn giản là những con người yếu đuối về tâm hồn, không dám đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.


Họ cần phải được gia đình và mọi người trợ giúp để lấy lại lòng tự tin, sau đó dần tái hòa nhập xã hội. Hiện tổng cộng số tội phạm bạo lực là người mắc chứng hikikomori còn chưa tới 10 trường hợp. Nếu lập bảng so sánh, đây chính là nhóm người có tỉ lệ phạm tội thấp nhất.

Nhiều người còn định kiến “hikikomori có nguy cơ trở thành tội phạm” khiến việc tái hòa nhập cộng đồng của họ trở nên khó khăn cũng như làm tăng khả năng gây án khi bị chỉ trích, hay bị coi thường. Bởi vì suy cho cùng, không ai muốn chọn trở thành một hikikomori.


Một xã hội phát triển, luôn có những mặt trái dù ít nhiều mà mỗi quốc gia đều phải hứng chịu và chấp nhận. Hội chứng hikikomori đang hoành hành trong thế hệ thanh nhiên Nhật Bản ngày nay cũng như thế.

Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng hội chứng Hikikomori có thể chữa khỏi, bệnh có thể hồi phục và người bệnh có thể tái hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, chưa kể đến việc cần phát hiện bệnh càng sớm càng tốt rất khó khăn, bởi thế sự quan tâm và động viên giúp sức là trách nhiệm của mỗi người, không chỉ ở bạn bè, người thân, gia đình, nhà trường, mà của cả toàn xã hội.

Theo: Vietmart