Friday, September 30, 2022

NHỚ XE ĐÁ BÀO TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG NĂM XƯA

Một hôm đi ngang qua trường Trung học phổ thông An Hòa (TP.Cần Thơ) bắt gặp người bán hàng đẩy chiếc xe đá bào trước cổng trường khiến lòng tôi thoáng chút bâng khuâng, nhớ về quãng thời gian học trò của mình nơi quê nhà năm xưa.


Hồi ấy, trước cổng ngôi trường làng - nơi tôi đã bao năm theo học bao giờ cũng có hàng quà vặt bán cà rem, xôi, trái cây muối cam thảo, kẹo kéo... Và, trong số đó, tôi nhớ nhất là hình ảnh xe đá bào trước cổng trường bán si rô của chú Quyến. Vì trên tay chú luôn có cái chuông đồng lắc leng keng như “dụ khị” bọn chúng tôi. Chả thế mà hễ cứ giờ tan học là thấy chỗ chiếc xe bán hàng của chú luôn đông học sinh đứng xung quanh chờ mua si rô uống cho đã cơn khát.


Quan sát đồ nghề của chú, tôi thấy chiếc xe ba bánh thật gọn ghẽ, bên trên phủ mái che bằng vải hình chữ nhật, bên dưới là cái thùng gỗ bọc nhôm sáng bóng được chắn bởi những lan can nhỏ bao quanh cao khoảng 1 tấc để khi di chuyển đồ vật không bị đổ ngã. Trên mặt thùng là các thứ ly, tách cùng những chai si-rô mang màu đỏ của dâu, xanh của bạc hà, vàng của cam, tím của nho cùng cái bàn bào nước đá đã lên màu theo thời gian. Bàn bào ở đây là miếng gỗ tạp hình chữ nhật có 4 chân, trên mặt tấm gỗ phẳng phiu có khoét lỗ để tra lưỡi bào vào. Ngoài ra, còn có miếng thiếc đục lỗ hình chữ nhật có những gai nhọn đính lên tấm ván mỏng để khi cầm cục đá bào không bị trượt tay xây xướt. Bên dưới thùng xe có 2 cánh cửa khép hờ dùng để chứa đá cục cùng xô nước lã để rửa ly tách.


Mỗi buổi trưa đi học sớm (hoặc giờ tan lớp), bọn trẻ chúng tôi thường xúm xít bên chiếc xe của chú Quyến để mua ăn. Chú vui vẻ lấy đá trong thùng ra bào rồi nhanh nhẹn cho vào ly nhận chặt lại. Ai thích loại hương vị si-rô nào thì chú lấy chai xịt lên thứ đó. Cầm vắt đá nhận mát lạnh trong tay do chú trao, nhẹ nhàng đưa môi vào hút một miếng thấy thật thích thú trong lòng!. Có đứa vì hút quá nhanh nên chỉ còn xác đá trắng phếu mà thôi!. Thế là, bạn đứng bẽn lẽn bên cạnh chờ chú bán xong cho khách, lại gần “líu ríu” xin chú ít giọt si-rô chế thêm vào để hút cho đã thèm!. Thấy tôi đứng xớ rớ kế bên không dám thốt lời xin. Hiểu ý, chú bèn ngoắc tôi lại cho thêm ít giọt si rô nữa.


Những kỷ niệm tuổi thơ về xe đá bào trước cổng trường của chú Quyến đến nay vẫn còn in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Tôi không thể lý giải nổi tại sao bọn trẻ chúng chúng tôi ngày ấy lại thích món đá bào si - rô đến thế?. Phải chăng vì đời sống kinh tế quá khó khăn, món đá bào là món quà vặt nhớ lâu khi ấy, giúp qua cơn khát, vừa với túi tiền của bọn trẻ thơ quê nghèo lúc bấy giờ?.

Theo Theo Ba Cần Thơ / Dân Việt



NHẤT MỆNH, NHÌ VẬN, BA PHONG THỦY, TUY NHIÊN CÓ MỘT ĐIỀU CÒN QUAN TRỌNG HƠN

Một người nếu như luôn giữ tâm thái hoà ái, biết cảm ơn và yêu thương người khác, thường xuyên tươi cười, độ lượng, suy nghĩ tích cực sẽ dần dần chuyển biến năng lượng từ trường của bản thân theo hướng tích cực. Suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen, oán giận, độc ác sẽ dần dần thay đổi năng lượng từ trường của chúng ta theo hướng xấu đi.


Nhân sinh tại thế, vận mệnh đã sớm được an bài. Tuy nhiên vẫn có nhiều người không hài lòng với vận mệnh của chính mình, luôn tìm trăm phương nghìn kế những mong có thể thay đổi vận mệnh của bản thân. Vậy vận mệnh có thể thay đổi được không, điều gì mới thực sự ước chế đường đời của mỗi người chúng ta?

Trong cuốn Nhi Nữ Anh Hùng Truyện có viết: “Nhất mệnh, nhị vận, tam phong thuỷ", vậy đâu là chìa khoá để thay đổi vận mệnh con người?

Trong Luận Ngữ - Nhan Uyên có viết: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên", nghĩa là con người ta sinh ra trên đời sống chết đều có số mệnh, sướng khổ đều do trời định. Tuy vậy Phật gia có câu: “Vạn sự tuỳ tâm".

Vậy đâu là chìa khoá để thay đổi vận mệnh con người? (Ảnh qua soundofhope)

MỆNH

Tự cổ chí kim, bất luận là người có tin vào Thần Phật hay người không tin vào Thần Phật, nhưng đối với “mệnh" thì họ lại vô cùng tin tưởng. Vậy “mệnh" này do ai an bài? Chính là thiên định.

Trong văn hoá của người phương Đông, thường thì mọi người đều coi trọng bát tự (Giờ, ngày, tháng, năm sinh) bởi bát tự đối ứng với vận mệnh, mệnh hung cát khác nhau, bát tự cũng sẽ khác nhau.

Lấy một ví dụ, bất luận là thời cổ đại hay ngày nay, mọi người đều cho rằng đọc sách là cách tốt nhất để cải biến vận mệnh của mình: “Thập niên hàn song vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri". - Ý tứ là: “Mười năm đèn sách không ai hỏi, một sớm thành danh lắm kẻ tường”.

Ngoài ra có một số người không tin nhân quả, không tin thiện ác hữu báo, sẵn sàng thay đổi vận mệnh bằng mọi giá, miễn là có thể đưa mình đến “thành công" thì họ sẵn sàng bất chấp thủ đoạn. Và đương nhiên phần lớn những người này cuối cùng đều thân bại danh liệt, hoặc giả tổn thọ, mạng vong, cái được gọi là “thành công" đó cũng chẳng ích gì.

LÀM SAO ĐỂ THAY ĐỔI VẬN MỆNH

Chuyện kể rằng: vào triều đại nhà Minh, có một thư sinh tên là Tôn Hậu, gia đình bần cùng đành phải vượt sông đi dạy học để kiếm sống. Về sau, Tôn Hậu lại đến gia đình nhà họ Trương ở Đường Tây làm công việc ghi chép để đổi lấy miếng ăn.

Một hôm, đêm đã khuya, tỳ nữ nhà họ Trương vụng trộm chạy đến gian phòng mà Tôn Hậu đang ngủ. Tôn Hậu biết rõ ý tứ của tỳ nữ này nên đã lớn tiếng nói: “Trong Thái Thượng cảm ứng thiên nói rằng: “Tam Thai, Bắc Đẩu, Tam Thi Thần lúc nào cũng theo sát chờ đợi sẵn, để ghi chép lại hết sai lầm của từng người. Tưởng rằng, đêm khuya tĩnh lặng không người mà Thượng Thiên không biết hay sao?”, Tôn Hậu đã nghiêm khắc cự tuyệt.

Tuy nhiên sự việc này lại bị vị thầy giáo dạy học của nhà họ Trương nhìn thấy. Ông ta liền lén lút gọi mời tỳ nữ này đến gặp gỡ để tư thông.

Đến tết Đoan Ngọ, ông thầy giáo đó đột nhiên phát bệnh ung nhọt, toàn thân đau nhức, không có cách nào chữa trị. Lúc này, chủ nhà đành phải mời Tôn Hậu lên làm thầy giáo đứng lớp chính.

Một hôm, Tôn Hậu gặp người chú của mình tại Giang Khẩu. Người chú này kinh ngạc nói: “Bởi vì con trai của ta bị bệnh nên ta đến miếu thờ Thành hoàng cầu nguyện. Đến lúc trời tối, ta ngủ luôn ở đó, không ngờ mơ thấy Thần thành hoàng ngồi trên điện. Sau đó, vị Thần thành hoàng kêu thuộc hạ dâng cuốn sổ ghi chép những người có mệnh bị chết đói lên để sửa đổi. Từng tên từng tên được đọc lên, khoảng chừng mười mấy người thì ta nghe thấy có tên của cháu. Ta hỏi vị quan sứ: “Vì sao mà Tôn Hậu lại được cải sửa?”

Vị quan sứ nói: “Trong bổn mệnh của người này, vào năm 46 tuổi sẽ bị chết đói nơi đất khách quê người. Nhưng bởi vì vào đêm ngày 18 tháng Tư năm nay anh ta đã nghiêm khắc cự tuyệt thông dâm với một tỳ nữ, cho nên sẽ kéo dài tuổi thọ của anh ta thêm 24 năm. Đồng thời sửa lại số mệnh phải chịu đói khát thành được hưởng bổng lộc”. Nói đến đây, người chú này liên tục chúc mừng Tôn Hậu.

Về sau, học sinh theo học Tôn Hậu càng ngày càng đông, mỗi năm tiền học phí mà Tôn Hậu thu được lên đến hơn 100 lượng vàng. Đến năm 36 Vạn Lịch, Tôn Hậu 46 tuổi, quả nhiên năm đó mất mùa, giá gạo vô cùng đắt đỏ, những người nghèo hầu như không có tiền mua, người chết đói vô cùng nhiều. Nhưng Tôn Hậu không những tránh được kiếp nạn này mà cuộc sống cho đến cuối đời vẫn hết sức giàu có, Tôn Hậu thọ đến năm 70 tuổi, không bệnh mà qua đời. Ứng nghiệm với lời nói năm xưa ở miếu Thần hoàng.

Anh ta đã nghiêm khắc cự tuyệt thông dâm với một tỳ nữ, cho nên sẽ kéo dài tuổi thọ của anh ta thêm 24 năm. (Ảnh chụp phim Tam Tự Kinh)

VẬN

Cam La 12 tuổi làm tể tướng, Khương Thượng 80 tuổi mới gặp Văn vương. Vận ở đây có thể hiểu là một loại từ trường từ tiên thiên mang lại. Vận thế cũng còn được gọi là vận khí, ứng với sự biến hoá của thiên thể vũ trụ, ví như khí hậu bốn thời xuân hạ thu đông, nam bắc khác biệt.

Mạnh Tử từng nói: “Đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân". Ý tứ là: khi vận thế tốt thì nên giúp đỡ người khác, khi vận thế không hay thì nên chăm sóc lấy mình.

Bản tính tiên thiên của chúng ta mang theo vận khí của chính mình, vậy nên vận cũng mang ý nghĩa chuyển động, 10 năm thì vận lớn, 5 năm vận nhỏ. Ngoài ra còn cần phải căn cứ theo thiên can, địa chi và sự liên đới với sinh thần tương sinh tương khắc của mỗi người, ta sẽ thấy được vận khí mỗi năm mỗi khác, mỗi người mỗi khác.

CẢI VẬN

Vận là một loại từ trường mang theo tự thân của mỗi người. Mặc dù vận thế là do thiên định an bài tuy nhiên chúng ta có thể cải đổi từ trường của chính mình. Trong những mối quan hệ thường ngày chúng ta dễ nhận thấy rằng có một số người khiến ta vừa gặp đã mến, có người lại khiến ta có cảm giác khó chịu, đây chính là từ trường hai bên tạo thành.

Một người nếu như luôn giữ tâm thái hoà ái, biết cảm ơn và yêu thương người khác, thường xuyên tươi cười, độ lượng, suy nghĩ tích cực sẽ dần dần chuyển biến năng lượng từ trường của bản thân theo hướng tích cực. Suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen, oán giận, độc ác sẽ dần dần thay đổi năng lượng từ trường của chúng ta theo hướng xấu đi.

Tâm thái tích cực không chỉ chuyển biến từ trường xấu thành tốt cho bản thân mà còn hấp thụ những người khác có cùng từ trường tốt đến với mình, tạo nên những mối quan hệ tốt. Và đương nhiên vận cũng nhờ đó mà đổi thay, cơ hội tốt sẽ đến nhiều hơn. Vậy nên, thái độ tích cực chính là cách tốt nhất để cải vận.

PHONG THỦY

Phong thuỷ có nguồn gốc từ rất sớm, được bắt nguồn từ thời Ngụy Tấn, trong Táng Thư của Quách Phác, trong sách Quách Phác đã đưa ra định nghĩa về Phong Thủy như sau: “Táng giả, Tạng dã, Thừa sinh khí dã… khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ”. Quách Phác đã đưa ra khái niệm về “khí”, đồng thời đưa ra những phát hiện ngắn gọn về biểu hiện của hai loại nhân tố Phong và Thủy, từ đó nhận thức về sự xuất hiện và kết thúc của “khí”.

Do tác giả trong cuốn Táng Thư đã lần đầu tiên đưa ra danh từ Phong Thủy, cũng như đặt ra cái khung lý luận cho Phong Thủy, cho nên được coi là ông tổ trong giới Phong Thủy.

Có câu: “Địa linh nhân kiệt, nhất phương thuỷ thổ dưỡng dục nhất phương nhân", người phương đông chúng ta đối với phong thuỷ có sự nghiên cứu thâm sâu, các bậc thầy phong thuỷ nghiên cứu ra rằng mỗi vùng đất sẽ nuôi dưỡng ra mỗi kiểu người khác nhau. Đặc biệt là các bậc cao tăng ẩn sĩ khi xưa, thường chọn những danh sơn địa linh để cư ẩn, và trên thực tế phần lớn các danh sơn trên thế giới đều có các bậc tu hành cư ngụ.

Các bậc cao tăng ẩn sĩ khi xưa, thường chọn những danh sơn địa linh để cư ẩn. (Ảnh: Miền công cộng)

Một người có thể tìm được cho mình một khu vực có phong thuỷ tốt để sinh sống sẽ phần nào hỗ trợ tương sinh với vận mệnh của mình. Tuy nhiên đứng từ một góc độ cao hơn mà xét thì vạn vật tùy tâm, tất cả đều do tâm người mà định. Phong thuỷ dẫu tốt nhưng tâm người bất chính thì cũng vô ích, Thần đất, địa linh cũng sẽ rời đi. Ngược lại nếu một người tâm tính thiện lương, thì dù có sống ở đâu cũng là bảo địa phong linh.

Chuyện kể rằng, vào thời Bắc Tống, viên quan Phạm Trọng Yêm có xử lý một vụ kiện cáo về phân chia đất của hai người nhà. Trong đó có một miếng đất có tảng đá chỉ ngay trước cửa nhà gọi là “Vạn tiễn xuyên tâm", cả hai nhà đều không ai dám nhận mảnh đất đó nên tranh chấp phát sinh. Phạm Trọng Yêm nói: “Không sao, ta sẽ lấy miếng đất đó, ta sẽ đổi cho các ngươi”. Kết quả là sau khi đổi cho hai người họ không lâu, một hôm có trận mưa to gió lớn, nước cuốn ầm ầm, cuốn tất cả đá trong khu vực đó dồn về chỗ tảng đá trước trước cửa. Địa thế trước đây vốn dĩ là “Vạn tiễn xuyên tâm" nay lại thành “Vạn hỗ triều thiên”, biến thành bảo địa cát tường.

Phong thuỷ quan trọng nhưng lòng người hướng thiện còn quan trọng hơn, có câu: người thiện phúc tự tìm.

THIỆN LƯƠNG

Thiện ác hữu báo, tuy mệnh, vận, phong thuỷ đều là những nhân tố then chốt trong cuộc đời chúng ta, nhưng có một điều còn quan trọng hơn cả ba thứ trên gấp trăm ngàn lần, đó chính là lòng thiện lương. Cổ nhân có câu: “Người thiện lương không cần xem phong thuỷ", tại sao? Bởi Phật gia thường giảng: “Phật nhìn nhân tâm", một người tâm địa hiền hoà thì ở đâu trời đất cũng dung hoà.

Nhân sinh tại thế, đời người chính là trường lựa chọn, người chọn thiện lương trời cao ắt có an bài, một niệm khác nhau, kết quả cũng khác nhau. Trong cuộc sống, những gì bạn làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Bạn cho yêu thương, sẽ gặt hái yêu thương; trao hy vọng, bạn sẽ thu về hy vọng. Vậy nên, nếu bạn muốn được yêu thương, thì trước tiên hãy yêu thương người khác, nếu bạn muốn người khác đối xử tốt với mình, trước tiên hãy đối xử tốt với họ.

Người chọn thiện lương trời cao ắt có an bài. (Ảnh: Shutterstock)

Sinh mệnh của con người cũng tựa như một tiếng vọng, bạn dành lương thiện cho người khác, cuối cùng thiện lương lại quay trở về bên bạn. Dù bạn đối xử tốt với ai, thì nhìn xa hơn thực ra lại là tốt với chính mình. Khi bạn phát hiện thấy từng nhành cây, ngọn cỏ, từng bông hoa đều đang mỉm cười với bạn; khi bạn phát hiện ra rằng mọi chuyện đều hanh thông thuận lợi; khi bạn phát hiện ra những người xung quanh ngày càng yêu mến bạn, thì đó chính là tiếng vọng lại của thiện lương.

Phật gia giảng: “Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”.

Đúng vậy, trên mảnh đất trái tim nếu chúng ta ươm xuống những hạt giống lương thiện, thì sẽ có một ngày chúng kết trái đơm hoa. Làm người ta chọn thiện lương, dẫu phúc chưa đến hoạ đã rời xa. Khi bạn trao đi thiện lương, có thể bạn sẽ không nhận được sự báo đáp ngay lập tức; nhưng nhất định vào một thời điểm khác, trong một hoàn cảnh khác, Trời xanh đã tự có an bài…

Minh Vũ / NTDTV-eMagazine
Theo: soundofhope

NĂM CĂN CỔ TỰ VÀ CẶP ĐÀN KỲ LẠ CỦA PHẬT SỐNG CỬ ĐA (KỲ I)

Tại thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có một ngôi chùa nghèo nằm khiêm tốn ven quốc lộ 91 được người dân địa phương gọi là Năm Căn Cổ Tự. Họ cho biết trước kia chùa lợp ngói âm dương, vách gỗ.

Một góc Năm Căn Cổ Tự.

Cách nay không lâu, do chùa mục nát, sư trụ trì đã cho xây sửa mới nên nét cổ kính không còn. Ít người biết rằng, trong ngôi chùa đó có một cặp đàn cổ kỳ lạ.

Đó là cặp đàn "kình ngư hóa long" và "thần cù nghênh pháp" được đặt trên bệ thờ tiền hiền nơi chánh điện. Cả hai đều được chế tác bằng gỗ, giống kiểu dáng của đàn độc huyền cầm. Tuy nhiên, chiếc đàn "kình ngư hóa long" chạm trổ theo tích "cá hóa rồng" có đến 9 dây (cửu huyền cầm) và chiếc đàn "linh cù nghênh pháp" chạm trổ theo tích "cá sấu nghe thuyết pháp" có 3 dây (tam huyền cầm).

Vị trụ trì đầu tiên của chùa là sư Thượng Quyền Hạ Tịnh, viên tịch năm Nhân Dần, tức 1902. Vị trụ trì thứ hai là Hòa thượng Thích Thiện Chí, viên tịch vào ngày 7-8-Tân tỵ, tức năm 1941 dương lịch. Vị trụ trì thứ 3 là Hòa thượng Thích Chánh Quới (không rõ năm viên tịch). Và sư Thích Thiện Phước là trụ trì đời thứ 5 của chùa. Tiểu sử ngôi cổ tự chỉ có vậy.

Cả hai chiếc đàn đều chế tác theo nguyên lý tạo âm của đàn độc huyền cầm: Gốc dây bắt vào trục điều chỉnh cao độ âm thanh, đầu dây bắt vào cần điều khiển giai điệu. Với cách chế tác như vậy, chắc chắn khi chơi, loại đàn này sẽ tạo ra âm điệu buồn du dương như đàn độc huyền cầm. Những bậc cao niên địa phương cho rằng, Phật sống Cử Đa chế tác loại đàn này không phải để giải trí mà để … chuyển hóa vũ trụ, xoay vần tạo hóa.

Theo nhiều tài liệu tôn giáo ở vùng đất thiêng Bảy Núi, Ông Cử Đa đã chọn cửa ngõ huyết mạch nối liền Cao Miên (Campuchia) đến Thiên Cẩm Sơn (núi Cấm) và Ngọa Long Sơn (núi Tượng) cất một cái miếu để thờ cặp đàn.

Chiếc đàn cửu huyền.

Thuở đó, vùng Ngọa Long Sơn là đại bản doanh của Đức Quản cơ Trần Văn Thành - Người chỉ huy căn cứ Bảy Thưa - Láng Linh kháng Pháp. Sau khi khởi nghĩa Bảy Thưa - Láng Linh thất bại, thực dân Pháp đốt ngôi miếu ấy rất nhiều lần. Cứ mỗi lần bị đốt, ngôi miếu lại được người dân cất mới. Điều kỳ lạ là cặp đàn bằng gỗ nhưng không bao giờ bị cháy trong những cơn hỏa hoạn ấy. Lần bị thực dân Pháp đốt cuối cùng nền miếu bị bỏ hoang khá lâu. Sau đó, một tín đồ Phật giáo hệ phái Thiền Lâm tìm đến đây cất trên nền miếu một ngôi chùa lá. Vị tu sỹ thấy cặp đàn vẫn còn nguyên vẹn đã đặt lên bệ thờ. Những bậc cao niên địa phương không liên kết được những điều đó với bất kỳ tài liệu lịch sử nào, chỉ biết rằng: Hồi trẻ thơ, nghe ông bà xưa kể vậy, giờ kể lại.

Năm 1840, ông Trần Văn Thành, quê quán ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) gia nhập quân đội nhà Nguyễn giữa lúc Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên dựa vào quân Xiêm La quấy rối biên giới Việt Nam. Trần Văn Thành được triều đình cử làm Suất đội đánh đuổi quân xâm lược Miên - Xiêm.

Năm 1845, sau khi lập được nhiều chiến công, Trần Văn Thành được ban khen “Quản cơ tinh binh” và thăng chức Chánh quản cơ, chỉ huy 500 quân, trú đóng ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam. Năm 1846, Nặc Ông Đôn qui phục triều đình nhà Nguyễn nên cuối năm Đinh Mùi (1847), Trần Văn Thành xin giải ngũ về quê khẩn hoang làm ruộng và xin theo Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên học đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Chiếc đàn tam huyền và bức tượng Phật Cử Đa cải biên thành đức Đạt Ma

Khi thực dân Pháp cưỡng chiếm 6 tỉnh Nam kỳ, An Giang thất thủ, Trần Văn Thành qui tựu những tín đồ hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương lập nên đội quân khởi nghĩa Binh Gia Nghị. Trần Văn Thành tổ chức dân binh đắp ụ chiến đấu ở quê nhà (Cồn Nhỏ) để ngăn quân Pháp. Tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực đánh chiếm đồn Kiên Giang bị quân Pháp tổ chức phản công. Hay tin, Trần Văn Thành kéo quân đắp cản ở Ba Bần, Trà Kên (nay đều thuộc huyện Thoại Sơn) để ngăn cản tàu chiến Pháp đi tái chiếm tỉnh lỵ Rạch Giá, đồng thời cắt cử quân sang Kiên Giang tiếp cứu. Vũ khí thô sơ không thể chống lại tàu chiến của Pháp, Nguyễn Trung Trực đành lui quân ra Hòn Chông, Kiên Lương, Kiên Giang cố thủ để bảo toàn lực lượng. Trần Văn Thành dẫn lực lượng kháng chiến của mình vào Láng Linh, Bãi Thưa (ngày nay thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) dựng trại, tuyển quân, rèn đúc vũ khí chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong thời gian này ông đã tổ chức ám sát tên Chủ tỉnh Vĩnh Long là Salicetti tại Vũng Liêm.

Cuối năm 1868, hầu hết các phong trào kháng Pháp tại Nam Kỳ đều bị Pháp đàn áp tan rã gần hết. Lực lượng nghĩa binh của Trần Văn Thành lâm vào thế cô và ông trở thành nhân vật bị Pháp truy nã.

Trong khi quân Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, sát thương tầm xa thì vũ khí của quân kháng chiến chủ yếu là gươm, giáo, mác sát thương tầm gần. E ngại nghĩa quân nhụt chí chiến đấu, Trần Văn Thành phải sử dụng niềm tin huyền thuật để hun đúc tinh thần. Khi này Đoàn Minh Huyên đã viên tịch. Trần Văn Thành đã cùng nhà sư Ngô Tự Lợi (Tức Đức Bổn sư Ngô Lợi) – Một chí sỹ yêu nước khoác áo cà sa – lập nên một tôn giáo mới có tên gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy nền tảng giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương để thuyết pháp thu phục tín đồ nhằm qui tựu quần chúng nhân dân tham gia kháng Pháp.

Bàn thờ tiền hiền ở Chánh điện

Ngô Lợi kêu gọi người dân tập trung về vùng thánh địa Láng Linh để “Khi trời đất xoay chuyển, những người sống trong vùng đất thánh sẽ tồn tại. Ai ở ngoài sẽ chịu nạn tai” hoặc “Đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt”. Đó là thời điểm Trần Văn Thành kể câu chuyện Đức Phật Thầy Tây An sai ngài đi cắm 5 cây thẻ bài trấn yểm theo địa thế "ngũ long trấn phục" ở 5 điểm. Điểm trung tâm đặt trên núi Cấm (hang Ông Thẻ). 4 điểm kia là cột mốc địa giới kháng chiến cách điểm trung tâm hàng chục cây số, bao quanh một khu vực rộng lớn thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên. 

(còn tiếp)

Nông Huyền Sơn

Thursday, September 29, 2022

NAM THIÊN NHẤT TRỤ: CHÙA MỘT CỘT GIỮA LÒNG TRỜI NAM

Được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo bậc nhất của đất Sài Gòn, chùa Nam Thiên Nhất Trụ (100, Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức) còn được gọi bằng cái tên thân quen là chùa Một Cột. Một phiên bản độc nhất vô nhị của Diên Hựu Tự ở Hà Nội được dựng lên ở xứ sở phương Nam nhằm vẽ lại một thoáng lịch sử trong giấc mơ của Vua Lý Thái Tông, ngôi chùa được dựng lên với hình dáng của một đài sen vươn lên mạnh mẽ giữa lòng hồ sen.


Nam Thiên Nhất Trụ - chùa Một Cột được khai sơn ngày 8 tháng 4 năm 1958 bởi Hòa thượng Thích Trí Dũng và một đệ tử tục danh Đỗ Thị Vinh (pháp danh Đức Hiển nay đã xuất gia) đã yểm trợ ngài tạo lập nên.


Chùa Nam Thiên Nhất Trụ ở TP.HCM được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc và kiểu dáng chùa Diên Hựu thế kỉ XI. Tương truyền vào đời vua Lý Thái Tông (năm 1049), một đêm vua nằm chiêm bao thấy đức Phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa bé trai đưa cho nhà vua. Tỉnh dậy, vua bèn đem chuyện kể cho bầy tôi. Nghe xong, sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa như đã thấy trong mộng. Quả nhiên, ít lâu sau, hoàng hậu sinh được người con trai như mong muốn của nhà vua.


Chùa Một Cột ở miền Nam được xây dựng theo kiến trúc của các chùa chiền cổ ở miền Bắc, từ rui kèo, trính, xuyên, mái ngói... đến những đường nét hoa văn bài trí cũng như cách bố trí thờ phượng. Trụ chùa Một Cột đúc vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép; mái lợp ngói uốn cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp và nhỏ hơn.


Ngôi chùa được đặt trên một cột cao khoảng 12m. Trên mặt hồ, ngôi chùa vươn lên với ý niệm cao cả, vừa tạo nét gần gũi tinh khiết, vừa tạo nên không gian thanh tịnh.


Từ những chi tiết nhỏ nhất như các họa tiết, đầu đao, rồng phượng đều được miêu tả chân thật giống hệt với phiên bản ở Thủ đô Hà Nội


Bàn thờ Phật phía trong ngôi chùa Một Cột trời Nam


Mặc dù được khởi công vào năm 1958, thế nhưng do kiến trúc độc đáo với bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức nên gần 20 năm sau tính từ năm bắt đầu xây dựng, Nam Thiên Nhất Trụ mới hoàn thành, đó là vào năm 1977. Từ đó đến nay, Nam Thiên Nhất Trụ đã trải qua nhiều đời trụ trì, chùa khang trang, bề thế hơn.


Tổng thể Nam Thiên Nhất Trụ bao gồm: Chùa Một Cột dựng giữa hồ Long Nhãn, Chánh điện, các tôn tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Bồ tát Di Lặc, Quan Âm Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát, Nhà tưởng niệm Hòa thượng Thích Trí Dũng, Tăng đường,…


Không gian chánh điện hệt với kiểu kiến trúc chùa chiềng tại miền Bắc


Gian thờ Phật phía trong chánh điện


Nhà bia lưu niệm, kể lại quá trình thành lập nên chùa Nam Thiên Nhất Trụ


Đến với chùa Một Cột Thủ Đức, du khách, phật tử sẽ vừa tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, vừa thả hồn theo tiếng chuông mõ ngân vang. Trút bỏ hoàn toàn những g ánh nặng của cuộc sống xô bồ, cảm nhận tâm hồn mình như lạc vào cõi thần thiên Phật pháp.

Theo: Đức Nam- Hữu Nhật / PLO



ẨN Ý ĐẦY XÚC ĐỘNG ĐẰNG SAU CHIẾC KEM CÁ KHIẾN CẢ HÀN QUỐC YÊU THÍCH

Ăn suốt ngày, nhưng bạn có biết món kem cá của Hàn Quốc chứa đựng nhiều hơn một món ăn đường phố?


Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, đa dạng, với độ "phủ sóng" đạt tầm cỡ quốc tế.

Ở Việt Nam cũng vậy, nhờ các bộ phim truyền hình lãng mạn mà chúng ta biết đến kim chi, bánh gạo tokbokki, gimbab, và không thể thiếu món kem cá Bungeoppang.

Kem cá là một trong những món ăn đường phố rất phổ biến của Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, kem cá là món ăn đường phố thực sự phổ biến. Nó giống như một chiếc pancake hình con cá, bên trong có nhân kem và đậu đỏ ngon, ngọt, bùi và béo ngậy. Món ăn ấy thu hút mọi lứa tuổi, kể cả du khách nước ngoài cũng cực kỳ thích thú.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng món kem cá còn là một phương thức giúp người Hàn Quốc bộc lộ tình yêu của mình.

Xem trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, hoặc nếu bạn có người thân từ Hàn Quốc mà thích ăn kem cá, có lẽ bạn sẽ hiểu. Khi ăn, hầu như lúc nào cũng vậy, người Hàn bẻ phần đầu cá đưa cho người mình yêu, giữ lại phần đuôi cho mình.


Tại sao vậy? Trước tiên, chúng ta phải xét đến văn hóa ẩm thực của người Hàn Quốc, đó là sự chia sẻ. Một đứa trẻ khi có túi bánh sẽ mở ra chia cho tất cả các bạn, dù có thể nó sẽ giữ lại cho mình nhiều hơn một chút, nhưng ai cũng có phần và công bằng như nhau.

Hay thậm chí có trường hợp trong bữa ăn, các thành viên còn không có nổi một cái bát cho riêng mình.

Tất cả sẽ dùng chung một nồi nước, hoặc một chiếc đĩa lớn đựng đồ ăn mà thôi. Đối với họ, đó là phong cách ăn "gia đình", thể hiện sự gần gũi thân mật giữa những người thân thiết với nhau.


Giờ lại nói về món kem cá. Phần đầu cá là nơi chứa nhiều đậu đỏ nhất, nên người Hàn sẽ dành phần ấy cho người mình yêu thương, như một cách thể hiện tình cảm thật chu đáo và lặng lẽ.

Tình yêu chẳng cần nói nên lời, nhưng vẫn thể hiện sự quan tâm chăm sóc từ tận đáy lòng. Kem cá vì thế đã được người Hàn xem là món ăn của sự yêu thương tột cùng.


Bạn có biết: cách ăn kem cá sẽ thể hiện một phần tính cách của bạn?

Không chỉ là một món ăn đặc biệt, người Hàn Quốc còn lưu truyền một bài test tính cách thông qua việc bạn ăn phần nào của con cá trước. Hãy thử xem điều đó có ứng với bạn không nhé.

Đầu: Là một người lạc quan, không để ý tiểu tiết.

Đuôi: Cầu toàn nhưng lãng mạn

Bụng: Người đáng tin cậy, được nhiều người tin tưởng, nhưng mắc bệnh khó từ chối.

Lưng cá: Người nhạy cảm, dễ rơi nước mắt.

Bẻ làm đôi, ăn đuôi trước: Đáng tin, là người sẽ từng bước hoàn thiện cuộc sống và sự nghiệp.

Bẻ làm đôi, ăn đầu trước: Ý chí mạnh và năng động.

Nguồn thông tin: Quỳnh in Seoul, Amara, Visit Korea...

Theo OCT / Theo Trí Thức Trẻ

SỐNG Ở ĐỜI, ĐỪNG ĐỂ MỘT CHIẾC LÁ CHE MẮT MÀ KHÔNG THẤY NÚI THÁI SƠN

Đôi khi, ta chỉ thấy cây mà không thấy rừng, chỉ nhìn một chiếc lá mà không thấy cả Thái Sơn đang đứng giữa đất trời…


Xưa có một chàng nho sinh gia cảnh bần hàn. Mặc dù hàng ngày luôn chăm chỉ đọc sách, nhưng anh lại cổ hủ vô trí, mãi vẫn không ngộ ra được những điều cao thâm. Một hôm, anh đọc trong cuốn Hoài Nam Tử thấy có câu rằng:

“Đường lang tí thiền tự chướng diệp, khả dĩ ẩn hình.”
螳螂伺蟬自障葉 可以隱形
(Con bọ ngựa bắt ve nấp sau lá, có thể ẩn hình)

Ý là, bọ ngựa muốn bắt ve nên đã ẩn mình sau chiếc lá để đợi thời cơ, và nhờ chiếc lá ấy mà nó đã trở nên “vô hình” trước mắt con ve.

Chàng nho sinh cứ ngỡ rằng anh vừa mới học được một đạo thuật cao siêu, thế là, anh ta đi khắp nơi để tìm cho được chiếc lá kỳ diệu ấy. Tìm mãi tìm mãi, cuối cùng anh cũng thấy trên cây có một con ve đang đậu sau chiếc lá. Chàng nho sinh mừng rỡ, vội vàng hái xuống. Nhưng vì bất cẩn, anh lỡ tay đánh rơi chiếc lá xuống đất, lẫn lộn trong đống lá đã rụng.

Mất cả ngày trời tìm kiếm ngược xuôi, vậy mà phút chốc lại thành công dã tràng! Bỗng nhiên một tia sáng loé lên trong đầu, anh ta nghĩ ra cách là mang toàn bộ đám lá ấy về.

Về nhà thấy vợ, anh lấy từng chiếc từng chiếc che lên mắt rồi hỏi:

“Nàng có nhìn thấy ta không?”

Vợ anh thật thà đáp lại: “Thấy chứ!”

Rồi anh lại lặp lại với một chiếc lá khác. Sau nhiều lần như thế, người vợ không thể chịu đựng được những câu hỏi vô nghĩa của chồng, bèn bực mình nói rằng: “Không thấy!”


Anh ta tưởng thật, liền mang chiếc lá “có thể tàng hình” ấy ra ngoài ăn trộm nhưng rất nhanh chóng đã bị bắt tại trận. Sau khi quan sai nha nghe rõ sự tình, ông mới cười lớn rằng:

“Chàng ngốc ơi là chàng ngốc, cậu có đọc bao nhiêu sách thì cũng chỉ là con mọt sách thôi, chỉ biết lấy lá che mắt mà không nhìn thấy Thái Sơn!”.

Hát Quán Tử – Thiên Tắc cũng viết rằng: “Nhất diệp tế mục, bất kiến Thái Sơn” (一葉蔽目 不見泰山 Một lá che mắt, không thấy Thái Sơn). Con người ta thường bị mê hoặc bởi hiện tượng tạm thời trước mắt mà không thể nhìn thấy được bản chất của vấn đề và toàn diện sự vật. Cũng giống như thầy bói xem voi, người sờ được chân sẽ cho rằng ‘con voi sừng sững như cái cột đình’, người sờ được tai thì phán ‘con voi bè bè như cái quạt nan’, người sờ được ngà thì nói ‘con voi dài dài cứng cứng như cái đòn càn’, người sờ được đuôi thì lại kiên quyết ‘con voi tua tủa như cái chổi xể cùn’. Thực ra tất cả đều không sai, nhưng vì chỉ đúng một nửa nên mới trở thành sai, và nếu tin vào cái sai ấy thì cũng giống như đang mê hoặc chính mình.


Cuộc sống cũng vậy, dẫu có nắm được hết thảy mọi tri thức thế gian, làm chủ hết thảy mọi biện pháp công nghệ, thì chúng ta vẫn chỉ đang lần sờ trong chân lý vĩnh hằng của vũ trụ mà thôi. Những gì chúng ta có thể nghe thấy, nhìn thấy, sờ thấy, vẫn là quá nhỏ bé và hữu hạn, trong khi hiện thực lại rộng lớn vô cùng.

Bởi vậy, cổ nhân vẫn luôn giảng rằng: con người chính là ở trong “mê”, không nên vì lợi ích hiện thực mà bị giả tướng của đời thường làm mê hoặc. Chỉ khi nhắm mắt lại để tâm tĩnh tựa mặt hồ thì người ta mới có thể tìm thấy những ý vị cao thâm…

Theo: ĐKN

XE LÔI Ở CẦN THƠ VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐẬM CHẤT MIỀN TÂY

Xe lôi ở Cần Thơ là phương tiện di chuyển hàng ngày của người dân địa phương, đồng thời tạo nên điểm nhấn độc đáo đối trong du lịch. Vì vậy nếu có dịp du lịch Cần Thơ, bạn hãy trải nghiệm một lần cảm giác chông chênh khi ngồi trên xe lôi để hiểu hơn về loại phương tiện độc đáo, đậm chất miền Tây này.


Tìm hiểu về Xe lôi ở Cần Thơ?

Xe lôi là gì?

Xe lôi được nhắc đến để chỉ loại xe thông thường nhưng gắn thêm một bộ phận kéo phía sau, phù hợp để chở hàng hoặc chở người. Phần kéo thêm này sẽ vận hành theo sự chuyển động của xe thay vì có động cơ hay lực đẩy riêng. Ỏ miền Bắc, người ta quen gọi là xe kéo nhưng ở miền Tây lại được gọi là xe lôi.

Xe lôi đã xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ 20, phổ biến ở gần như tất cả các tỉnh thành nhờ tính ứng dụng cao

Xe lôi là xe tự chế để giúp người dân chở được thêm người hoặc thêm hàng hóa. Về cơ bản thì xe lôi khá thô sơ, nhưng lại có tính ứng dụng cao trong đời sống. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp loại xe này ở mọi nơi. Nếu ở vùng nông thôn, miền núi thì ta sẽ thấy xe lôi được dùng để chở lúa gạo, hoa màu, gia súc. Ở thành phố thì lại thấy các bà các cô bán hàng rong, bán rau, bán thịt chế cho mình chiếc xe lôi để chở được nhiều đồ hơn.

Về Xe lôi ở Cần Thơ

Như đã kể trên, xe lôi phổ biến ở hầu như tất cả địa phương, từ Bắc Trung Nam, đến nông thôn, thành thị. Thế nhưng điều đặc biệt là dùng xe lôi để chở khách du lịch thì có lẽ chỉ ở miền Tây mới có. Thế nên dần dần mới hình thành cụm từ Xe lôi ở Cần Thơ hay xe lôi ở miền Tây chở du khách rong ruổi khắp mọi nẻo đường miền sông nước. Thay vì đi Xe bus hay Taxi ở Cần Thơ thì trải nghiệm xe lôi chắc chắn sẽ khiến bạn khó quên.

Xe lôi Cần Thơ chở khách nước ngoài đi tham quan chợ nổi

Để phục vụ nhu cầu chở khách, Xe lôi ở Cần Thơ phổ biến nhất là những chiếc xe máy hoặc xe đạp gắn phía sau phần thùng tự chế phù hợp cho người ngồi. Những loại thùng này thường có hình bầu, khá giống với thùng xe xích lô. Thậm chí, xe lôi còn “xịn” hơn khi được gắn thêm mui vải cong để trùm lên che nắng che mưa.

Vì là loại xe tự chế nên xe lôi có khá nhiều kiểu dáng và kích thước. Có loại xe lôi để một người chở một người, cũng có loại xe lôi thùng dài phù hợp chở bảy tám người, thậm chí còn có thể chở thêm cả hàng hóa. Thông thường những chiếc xe lôi lớn này là của dân buôn, về từ vùng biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang, thuê để chở cả người cả đồ.

Xe lôi phục vụ đời sống thường có thùng lớn để chở được nhiều người và hàng hóa hơn

Còn trong du lịch, Xe lôi ở Cần Thơ dạng gần giống xích lô vẫn được ưa chuộng hơn. Một phần vì loại xe này mới lạ, một phần vì khi ngồi trên xe lôi dằn xóc, bạn lại có cơ hội để tận hưởng một Cần Thơ mộc mạc và gần gũi hơn. Bạn còn có thể được nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề đầy xúc động của các anh các chú gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kiếm kế sinh nhai và lo cho cả gia đình. Xe lôi cứ thế gắn liền với Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung, năm qua tháng lại trở thành đặc trưng của vùng sông nước này.

Xe lôi trở thành bản sắc của những tỉnh Tây Nam Bộ

Trải nghiệm đi Xe lôi ở Cần Thơ

Cảm giác khi bạn ngồi trên xe lôi sẽ khá chông chênh, tương tự như khi bạn ngồi trên xe xích lô. Thường người miền Tây chọn xe đạp với thanh ngang như xe Thống Nhất ngày xưa, yên khá cao nên khi kéo thêm thùng phía sau sẽ càng lênh khênh. Tuy nhiên bạn có thể yên tâm, xe lôi với 4 bánh và hầu hết đều được chở bởi các anh các chú đã dành nửa đời mình để đạp xe chở khách, nên sẽ đảm bảo an toàn cho bạn.

Xe lôi Cần Thơ có thiết kế khá giống xích lô, điểm khác lớn nhất là phần thùng xe để khách ngồi ở phía sau chứ không ở phía trước như xích lô

Thông thường, với khoảng 100.000 VNĐ, bạn sẽ có cho mình một cuốc Xe lôi ở Cần Thơ với thời gian chừng 45 phút. Xe sẽ đưa bạn đến tham quan những địa điểm du lịch nổi tiếng, đến Chợ nổi Cái Răng, đến miệt vườn theo yêu cầu của hành khách. Buổi tối, cảm giác ngồi trên xe lôi đi giữa phố phường Cần Thơ, ngắm nhìn những dòng sông êm đềm tĩnh lặng chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú. Hay bạn sẽ bất ngờ khi bắt gặp những đám cưới với đoàn rước dâu bằng xe lôi, cô dâu ngồi trong thùng xe được trang trí những bông hoa mộc mạc trông thật dễ thương biết bao. Xe lôi ở Cần Thơ như một phần cuộc sống và con người nơi đây, cũng mang đầy sự chân chất hồn hậu như mảnh đất này.

Trải nghiệm xe lôi Cần Thơ hứa hẹn để lại cho bạn những kí ức khó quên về miền đất này

Trên đây là những thông tin về Xe lôi ở Cần Thơ mà cẩm nang du lịch MIAvn đã tổng hợp được. Hi vọng khi có dịp tới đây bạn sẽ tự mình trải nghiệm và cho chúng tôi biết cảm nhận của riêng bạn nhé.

Tuyết Trịnh
Nguồn: cuongdulich

Ghi chú: Vĩnh biệt xe lôi

TT Online:- Sau hàng chục năm tồn tại, giờ đây xe lôi - phương tiện vận chuyển đặc trưng của miền Tây Nam bộ (đặc biệt là đất Tây Đô) - đã đến hồi cáo chung khi chính quyền quyết định “khai tử” chúng.



Wednesday, September 28, 2022

NHỚ QUÊ, NHỚ CÁ LINH BÔNG ĐIÊN ĐIỂN MÙA NƯỚC NỔI

Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây mà có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế.


Những ai từng sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền Tây mà nay sống xa quê hẳn sẽ hoài niệm về một mùa nước nổi hằng năm, vào khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch. Đây cũng là mùa loài cá linh xuất hiện đầu tiên theo dòng nước lũ, rồi tràn về khắp các sông và ao rạch.

Hồi đó, nhà tôi cũng ở ngay miệt sông nước. Khi còn nhỏ, tôi từng chứng kiến biết bao mùa nước lũ đổ về không chỉ mang theo phù sa vun bồi cho đồng ruộng, mà cá tôm cũng xuôi theo dòng tìm về với hạ lưu. Và cứ mỗi lần như vậy, tôi thấy biết bao xuồng ghe lại nhộn nhịp một mùa đánh bắt cá linh.

Cá linh đầu mùa nhỏ bằng mút đũa, được người dân gọi là cá linh non. Loại cá này có màu trắng, thân nhỏ, vảy nhuyễn và mềm. Cá còn non ngọt thịt, hầu như không có xương, rất béo. Món ăn làm từ cá linh rất phong phú, đậm đà hương vị. Khi nấu, cá không cần đánh vẩy, mà chỉ bóp bụng lấy ruột, rồi ngâm nước muối cho sạch nhớt là đã có thể chế biến được.


Với người dân miền Tây, mỗi mùa cá linh về cũng là lúc mọi người cùng chiêm ngưỡng loài bông điên điển nở khắp các triền đê, ven sông. Người dân quê kể lại, điên điển ngày xưa là cây hoang dã, rất dễ thích nghi với môi trường và có sức sống mãnh liệt. Trong ký ức tuổi thơ tôi luôn ẩn hiện những cô thôn nữ mặc áo bà ba, chống xuồng trong từng bờ rạch, bờ đê để hái những nhánh bông điên điển về làm rau ăn trong mỗi bữa cơm.

Bông điên điển có màu vàng, hương vị thơm, có độ giòn, bùi, béo. Chính cuộc sống khó khăn của người dân vùng lũ đã tạo nên sự sáng tạo trong mỗi bữa ăn. Vậy là người ta biết kết hợp những thứ cây nhà lá vườn thành những món ăn đặc trưng. Ở quê tôi, người ta còn dùng bông điên điển để làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi, xào với gỏi tép đồng... hoặc bông được ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá.

Tầm tháng 11 Âm lịch, lũ rút dần, cá linh đã già bằng ngón tay, thân có nhiều xương, vảy cá cứng hơn. Lúc này, cá nhiều ăn không hết, người dân tích trữ thành nhiều món như làm mắm, ủ thành nước mắm để dành ăn quanh năm. Bông điên điển cũng đến lúc tàn một mùa hoa, kết trái, chờ mùa sau.


Con cá linh và bông điên điển từ lâu đã trở thành món ăn thân thiết của những người miền Tây vào mùa mưa. Mùa này, trong từng bữa cơm gia đình không bao giờ thiếu con cá linh. Nhiều người dân quê cho rằng, dù cá linh đầu mùa hay cuối mùa thì đều được tận dụng hết để chế biến nhiều món ngon như cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho, canh chua cá linh, cá linh nướng, mắm cá linh, nước mắm... mang lại nhiều thú vị khi thưởng thức.

Ở Sài Gòn, biết bao lần tôi thèm món cá linh nấu với bông điên điển nhưng hiếm lần nào được thưởng thức, mà chỉ có cách lặn lội về tận quê. Các bác, các cô cũng thỉnh thoảng gọi điện lên thăm hỏi, rồi bảo “Bông điên điển sau hè đang chờ con về hái. Ráng thu xếp công việc để về mà thỏa sức ăn”. Nhưng với guồng quay công việc bận rộn như thế này, tôi đã nhiều lần nấn ná chưa kịp về.

Vừa rồi, bác từ quê lên thăm đã "tay xách nách mang" cả một kg bông điên điển được chính tay bác hái từ sau hè. Sẵn có bông, tôi liền chạy tìm khắp chợ ở Sài Gòn tìm bán cá linh còn tươi sống. Đi khắp các chợ, may thay tôi cũng chỉ tìm ra được một chỗ hiếm hoi bán loài cá này. Và như "bắt được vàng", tôi đã vội vã mua cá ngay để mang về nhà chế biến. Những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch bằng cách bóp nhẹ bụng lấy ruột ra, bỏ mật, sau đó rửa sạch, không cần đánh vảy, mà chỉ ngâm nước muối cho sạch nhớt, sau đó rửa sạch lại. Những chùm bông điên điển mà bác mang lên, tôi cũng tước bỏ cọng rồi rửa sạch, để ráo.

Và thành phẩm tôi tự nấu là món canh chua cá linh bông điên điển thơm phưng phức. Hai chị em tôi ngồi thưởng thức từng vị ngọt bùi từng con cá, nhấp nháp từng vị ngọt thơm từ bông điên điển quyện vào nhau trong bữa cơm chiều giản dị, nhưng sao thấy hạnh phúc và thân thương quá đỗi!


Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.

Người dân miền Tây có câu "Canh chua điên điển cá linh. Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon". Quả thật món ăn này đã khơi gợi biết bao nỗi nhớ quê da diết. Và cứ mỗi mùa nước lũ về là một lần tôi lại thấy những ức ký thuở ấu thơ như vẫn còn mãi với thời gian.

Trần Hà / Theo: ngoisao


BÍ ẨN HỒ CON RÙA: LY KỲ CHUYỆN TRẤN YỂM ĐỂ BẢO VỆ LONG MẠCH SÀI GÒN

Nằm ở trung tâm Sài Gòn, Hồ Con Rùa mang nét kiến trúc độc đáo và ẩn chứa trong mình nhiều câu chuyện có thật xen lẫn những truyền thuyết đã trở thành tâm điểm thu hút sự tò mò của nhiều du khách trong nước và quốc tế.


Nó nổi tiếng đến nỗi, vào ngày Cá Tháng Tư năm 1998, một tạp chí Anh quốc đã loan báo một bản tin ngắn: “Chính phủ Mỹ quyết định mua toàn bộ công trình kiến trúc Hồ Con Rùa đem về tòa Bạch Ốc. Quân đội Mỹ phải điều 4 máy bay trực thăng treo cáp 4 hướng để đưa Hồ Con Rùa vượt nửa vòng trái đất đem về Mỹ”.

Dù chỉ là dòng tin Cá Tháng Tư mua vui cho độc giả nhưng điều đó chứng tỏ Hồ Con Rùa đã được nhiều người biết danh tiếng.

Với thiết kế bát giác đặc trưng, Hồ Con Rùa được cho là sản phẩm trấn long mạch của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đây là công trình nổi tiếng không chỉ bởi kiến trúc đặc trưng mà còn gắn liền với những giai thoại huyền bí, ly kỳ.

Hồ Con Rùa thời đầu thế kỷ 20. Nguồn ảnh: chuabuuchau

Hồ Con Rùa là tên gọi dân gian của một hồ phun nước nhân tạo nằm giữa nơi giao nhau của ba đường: Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân, ở quận 1, Sài Gòn tạo thành một vòng xuyến giao thông. Hiện nay khu vực này có tên chính thức là Công trường Quốc tế.

Ban đầu, tại vị trí Hồ Con Rùa hiện nay, vào năm 1790 là vị trí cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy) do vua Gia Long cho xây dựng. Vua Minh Mạng sau đổi tên thành cửa Vọng Khuyết. Bốn năm sau khi cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835) bị dẹp tan, tức năm 1837, nhà vua hạ lệnh phá thành Bát Quái và xây một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng. Vị trí cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài vòng thành, nối thẳng con đường ngoài mặt tây thành xuống bến sông.

Sau khi chiếm được Sài Gòn năm 1859, người Pháp đã cho phá hủy toàn bộ thành Gia Định. Từ năm 1878 cho đến năm 1921, nơi đây được xây dựng một tháp nước để phục vụ nhu cầu cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Sau đó nó bị phá bỏ và mở rộng đường nối dài đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu).

Cũng tại vị trí này, người Pháp cho xây một tượng đài ba binh sĩ bằng đồng với hồ nước nhỏ, để đánh dấu cuộc xâm chiếm và biểu tượng của người Pháp làm chủ Đông Dương. Do đó, người dân thường gọi nó là Công trường Ba hình. Các tượng đài này tồn tại đến năm 1956 thì bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ. Giao lộ cũng được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.

Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, địa điểm Công trường Chiến sĩ trở thành vòng xoay giao thông của đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) và Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần – Trần Cao Vân). Trong những năm 1970 đến 1974, Hồ Con Rùa được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trùng tu và chỉnh trang. Trong đó có việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bê tông cao có dạng năm bàn tay xòe ra giống như các cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa.

Công trình được sửa lại có thêm hình tượng con rùa bằng hợp kim đội trên lưng bia đá lớn. Đó cũng là nguồn gốc tên gọi dân gian là Hồ Con Rùa. Đến năm 1972 thì nơi đây được đổi tên thành Công trường Quốc tế. Tuy nhiên, đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ, dù con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen cách gọi cũ bởi sự quen thuộc của nó.

Hồ Con Rùa năm 1972. Nguồn ảnh: chuabuuchau

Các vị cao niên kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của vùng đất này đã kể những giai thoại rằng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vốn là người đa nghi và tin vào phong thủy. Bởi vậy, sau khi nhậm chức tổng thống, ông luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng cho vị thế của mình. Vào năm 1967, nghe tin có thầy địa lý cao tay ở Hong Kong, ông Thiệu liền cho người mời sang Việt Nam để trấn yểm Dinh Độc Lập.

Sau vài ngày nghiên cứu, thầy địa lý nói: “Dinh Độc Lập được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng nằm cách đó non 1 km, rơi vào vị trí Công trường Chiến sĩ trận vong. Cần phải dùng một con rùa lớn trấn yểm đuôi rồng lại thì sự nghiệp của tổng thống mới mong bền vững”.

Tượng rùa đội bia khi chưa bị phá hủ. Nguồn ảnh: chuabuuchau

Nghe theo lời của vị thầy này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiệu cho xây hồ nước theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để trấn yểm của người xưa. Hồ có 4 đường đi bộ xoắn ốc đều hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội bia đá. Ngoài ra cột cao với hình tượng năm bàn tay xòe ra được xem như một chiếc đinh lớn đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại.

Lại có giai thoại khác liên quan đến việc hồ Con Rùa là sản phẩm trấn long mạch Sài Gòn. Giai thoại này gắn liền với nguồn gốc xây Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, lấy núi giả trong Thảo Cầm Viên làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy, tạo thế long chầu, hổ phục.

Người Pháp biết rõ điều này, liền cho xây nhà thờ Đức Bà mặt trước bên phải Dinh, hòng phá vỡ thế chữ Vương (gồm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Pastuer – Phạm Ngọc Thạch hiện nay), thêm một chấm thành chữ “Chủ” nhằm phá luôn long mạch của Dinh. Để phá vỡ ý đồ này của người Pháp, phải xây thêm hồ Con Rùa để phá thủy, làm nước phun lên. Do đó chuyện liên quan đến hồ Con Rùa thường liên quan đến thuật phong thủy, âm dương ngũ hành, không đơn thuần chỉ là một cái hồ nổi tiếng trong lòng thành phố.

Hồ Con Rùa hiện nay. Nguồn ảnh: chuabuuchau

Tuy vậy, có một câu chuyện mà rất ít người bình thường chú ý đến, bởi lẽ những bí ẩn này có liên quan tới thuật phong thủy và trấn yểm nên không phải ai cũng hiểu rõ tường tận. Đó là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm ngay giữa ngã tư Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn xưa chính là chùa Khải Tường. Đây là nơi chúa Nguyễn Phúc Ánh (Vua Gia Long sau này) trên đường tránh sự truy đuổi của Tây Sơn có ghé qua tá túc. Và hoàng tử Đảm – sau này trở thành vua Minh Mạng – đã được sinh tại nơi đây.

Tương truyền, khi hoàng tử Đảm – chân mệnh đế vương – ra đời, chùa Khải Tường đã phát ra hào quang đến 3 đêm liền. Nếu nhìn trên bản đồ chụp từ vệ tinh thì chùa Khải Tường thẳng trục với Dinh Độc Lập và vuông góc với hồ Con Rùa. Việc trấn yểm này còn liên quan đến ngũ hành, âm dương, phá thủy, giả sơn mà các thầy chiêm tinh, địa lý nào cũng phải biết.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hồ Con Rùa nằm thẳng trục với nhà thờ Đức Bà trên đường Phạm Ngọc Thạch, còn chùa Khải Tường thẳng trục Dinh Độc Lập. Bốn công trình nổi tiếng này đều được xây dựng tại những địa điểm mà xưa kia ít nhiều đều dính dáng đến long mạch của Sài Gòn và càng không phải ngẫu nhiên mà tạo thành một hình vuông, nếu chiếu bóng sẽ trở thành một đường thẳng.

Chùa Khải Tường xưa (ảnh do Emile Gsell chụp trong khoảng những năm 1871-1874)

Giữa một Sài Gòn năng động và tấp nập, hồ Con Rùa vẫn thu mình nơi đó. Trong dòng chảy lịch sử thăng trầm, có biết bao điều huyền bí xoay quanh công trình nổi tiếng này. Có người nghĩ đó là sự thiêng liêng của nơi này, có người cho đó chỉ là thần thoại được thêu dệt nên, cũng có người lại không mấy lưu tâm. Nhưng dù thế nào, những giai thoại này cũng cho chúng ta thấy rằng, hồ Con Rùa chỉ đang lặng lẽ bảo vệ sự bình yên và hưng thịnh cho thành phố Sài Gòn hoa lệ mà thôi.

Đăng Dũng tổng hợp
Theo: Vạn Điều Hay