Friday, March 31, 2023

VẺ ĐẸP CỦA THIẾU NỮ VIỆT NAM HƠN 100 NĂM TRƯỚC RA SAO?

Émile Gsell (1838-1879) một trong những nhà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đã từng đến Sài Gòn vào những năm 1875. Tại đây, ông đã chụp rất nhiều hình ảnh về cảnh quan và con người ở vùng đất này, đặc biệt trong đó có khá nhiều hình ảnh chân dung về vẻ đẹp của thiếu nữ Việt thời bấy giờ.

Ảnh: zingnews

Émile Gsell là một nhiếp ảnh gia người Pháp làm việc tại Đông Nam Á, trở thành nhiếp ảnh gia thương mại đầu tiên có trụ sở tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Mặc dù ông đã chết khi mới chỉ có hơn 40 tuổi, nhưng trong thời gian ở Việt Nam Émile Gsell chụp rất nhiều hình ảnh về cảnh quan, đời sống, chân dung con người ở vùng đất này, trong đó có nhiều ảnh phản ánh nét đẹp của những thiếu nữ Việt xưa.

Sau đây là một số ảnh chân dung thiếu nữ Việt hơn 100 năm trước của nhiếp ảnh gia Émile Gsell:

Hình ảnh gương mặt thanh tú của một tiểu thư ở Nam Kỳ. Ảnh: Émile Gsell, nguồn: bianvn 

Hình ảnh một người phụ nữ tương đối khá giả ở Nam Kỳ. Ảnh: Émile Gsell. (nguồn zingnews) 

Hình ảnh tiểu thư con một nhà giàu với trang phục lụa là bóng bẩy, cổ đeo kiềng bạc. Ảnh: Émile Gsell. nguồn: bianvn 

Ảnh một người phụ nữ mặc áo dài, tóc búi kiểu bánh lái, sau lưng khoáng chiếc nón cụ. Ảnh: Émile Gsell. nguồn: bianvn 

Ảnh thiếu nữ xứ Bắc Kỳ, đầu đội khăn xếp, tay cầm quạt, ngồi kiểu xo chân trên ghế gỗ. Ảnh: Émile Gsell. nguồn: bianvn 

Ảnh hai thiếu nữ mặc áo dài, tay chẽn, người phụ nữ bên trái búi tóc kiểu Nam Kỳ (tóc bánh lái), còn người phụ nữ bên phải đầu đội nón cụ. Ảnh: Émile Gsell. nguồn: bianvn 

Ảnh một người phụ nữ Bắc Kỳ khá giả ngồi trên ghế gỗ, tay cầm quạt, đứng bên cạnh là một cô bé người ở cũng cầm chiếc quạt trên tay. Ảnh: Émile Gsell. nguồn: bianvn 

Bức ảnh ‘Tứ đại mỹ nhân’ nức danh Hà Nội một thời, cô Síu Cột Cờ, cô Phượng Hàng Ngang, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. nguồn: giadinh.suckhoedoisong 

Ảnh chân dung một người phụ nữ ở miền Bắc. Ảnh: Émile Gsell. nguồn: bianvn

Nguồn: bianvn

SỰ TÍCH CHÙA MÈO VÀ CHUYỆN "MIÊU THẦN CỨU CHÚA"

Ở Thanh Hoá có một ngôi chùa linh thiêng mang tên chùa Mèo - gắn với sự tích lịch sử 'Miêu thần cứu chúa'.


Chùa Mèo hay còn gọi là Miêu thiền tự - di tích lịch sử văn hóa xây dựng từ thế kỷ 13, tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (Lang Chánh - Thanh Hoá). Ngôi chùa này gắn với sự tích “Miêu thần” cứu anh hùng Lê Lợi trước sự truy bắt gắt gao của giặc Minh.

Mèo thần cứu Lê Lợi

Theo các nguồn sử liệu, chùa Mèo được hình thành từ thời nhà Trần. Lúc bấy giờ chùa có tên là chùa Chu, do công chúa nhà Trần là Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Trong khi xây dựng chùa và khai khẩn đất hoang, bà con nơi đây đã đào được một pho tượng đá gọi là bụt.

Chùa có địa thế chuẩn mực theo thuyết phong thủy xưa. Có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh, trước mặt là dòng sông Âm chảy qua. Thế đất đẹp nên đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” - ý nói nhất chùa Hương, nhì chùa Hà, ba là chùa Chu.

Tương truyền vào năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần cùng nghĩa quân lánh nạn đi qua chùa Chu, thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, ông đã sai nghĩa quân bắt theo con mèo cùng đi lánh nạn.

Cũng có tích kể rằng, khi giặc Minh xua quân và chó săn tới vây chùa Chu - ngay chỗ Lê Lợi đang ẩn nấp. Chỉ trong gang tấc là thủ lĩnh Lam Sơn bị phát hiện rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này bỗng dưng có một con mèo từ đâu lao ra, lũ chó săn và quân giặc lùa theo con mèo, Lê Lợi được giải nguy.

Tích xưa cũng kể rằng, đó là một “Miêu thần”, đã ngự ở chùa từ khi công chúa nhà Trần hưng công dựng thiền tự. “Miêu thần” trấn giữ tại ngôi chùa, vừa để bảo vệ vừa để chờ vị “chúa chủ” của núi rừng. Đến khi Lê Lợi xuất hiện, gặp tình thế nguy hiểm thì “Miêu thần” tự xuất hiện để cứu chúa thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù.

Chùa Mèo phối thờ vua Lê Lợi.

Vùng chùa Mèo có nhiều địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Minh của anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn như: Núi Chí Linh (dãy Pù Rinh) nơi 3 lần nghĩa quân Lam Sơn rút lui để củng cố, xây dựng lực lượng (hiện nay vẫn còn bia đá ghi lại). Hang Láu, thác Húng, núi đá, hòn bi - nơi xảy ra các trận tây kích của nghĩa quân Lam Sơn.

Sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua và với nỗi nhớ vùng quê, nơi có địa danh chùa Chu độ trì cho sự nghiệp chống giặc toàn thắng. Vua Lê đã sắc chỉ cho quan Lê Khả vào Mường Chanh đốc thúc thổ Lang cùng bà con nơi đây tu sửa, nâng cấp chùa Chu đổi tên thành chùa Mèo - gắn liền với đồi Mèo, với sự tích “Miêu thần”.

Hang Láu gắn liền với truyền thuyết về Lê Lợi: “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, suối Vớ là nơi Nguyễn Trãi thả lá có chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”… Ngoài ra còn có nhiều địa danh ghi lại dấu tích và góp phần cùng vua và nghĩa quân an nghỉ, luyện rèn, ẩn náu chống giặc Minh toàn thắng. Đó là ghế đá vua Lê thường ngồi thưởng ngoạn, tảng đá mài gươm của nghĩa quân Lam Sơn.

Thác chó ngáp

Gần với chùa Mèo là thác Ma Hao cũng gắn liền với nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến chống giặc Minh. Những người cao tuổi ở xã Trí Nang kể rằng: Vào thế kỷ 15, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. Lê Lợi và đoàn quân của ông bị giặc Minh bủa vây phải rút quân lên núi Chí Linh (Pù Rinh) để củng cố lực lượng.

Quân giặc truy sát ráo riết. Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh núi Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức vì mệt thì gặp một thác cao chảy xiết. Vì quân giặc đuổi sát phía sau nên Lê Lợi và quân lính phải mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia.

Còn con chó do sức đã kiệt mà suối lại rộng không thể theo được chỉ đứng ngáp. Khi quân giặc đuổi đến, con chó liền quay lại cắn xé đàn chó của giặc rồi nhảy xuống dòng nước mà chết, đủ thời gian cho nghĩa quân Lam Sơn trốn kịp.

Thác Ma Hao gắn với sự tích “chó ngáp” cứu nghĩa quân Lam Sơn.

Khi quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính tìm xác con chó quý của mình và truyền lệnh chôn cất nó tử tế. Từ đó, thác có tên theo tiếng người Thái là Má Háo, đọc chệch đi là Ma Hao - tức là chó ngáp.

Thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, có diện tích trên 178ha bao gồm thác nước, suối và rừng. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác lớn.

Dưới chân thác là những khối đá lớn được bào mòn theo thời gian tạo nên nhiều hình thù kỳ thú, chỗ thì tạo hình tượng như là đàn voi đang quỳ xuống núi, nơi thì các hòn đá chồng xếp lên nhau thành hình trống mái, chỗ thì các hòn đá như những quả trứng khổng lồ đủ mọi kích thước.

Cho đến nay, thác Ma Hao vẫn còn rất nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp vào nên đem lại cho những người đến thưởng lãm cảm giác hòa cùng rừng núi nước non, và còn nghe những câu chuyện mang âm hưởng hào khí năm xưa.

Danh tích ghi ơn

Vào cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14, triều Lê (1718), đông đảo bà con và nhiều bản hội xứ Thanh đã cùng nhau tổ chức hưng công nhiều tiền của đúc chuông đồng lớn cung tiến, dâng lên chùa Mèo.

Chùa Mèo được xây cất theo kiểu Tam quan và lợp bằng ngói mũi. Có chiếc chuông ghi hẳn tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự: “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự Hồng chung” (Ghi chép về việc làm chuông chùa Mèo). Niên đại đúc chuông cũng được khắc rõ ràng là vào ngày Tết cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (năm 1718).

Chuông chùa Mèo thuộc loại lớn, được đúc khá sắc nét và mang nét nghệ thuật của thời Lê trung hưng. Thân chính trụ tròn, cao 1,09m, đường kính miệng chuông 0,5m, chu vi 1,49m. Quai chuông với đôi rồng đấu đuôi vào nhau tạo nên dáng cong tròn.

Đỉnh quai chuông có hình nậm rượu chia thành nhiều múi nối dọc xuống thân. Thân rồng mập, đầu ngẩng cao, mắt tròn, mũi to, miệng há rộng và ngậm viên ngọc. Toàn thân rồng phủ vảy kép, vây ở lưng hình ngọn lửa uốn theo hình quai chuông.

Thân chuông được chia thành bốn ô và trang trí nhiều hoa văn đặc sắc. Chuông có 6 núm để gõ, hoa văn sắc nét và chính xác như một dấu ấn di sản nghệ thuật thời Lê. Bốn ô của chuông ghi bài minh nói về chùa, về giá trị tâm linh của chuông, đồng thời ghi tên người công đức và niên đại của chuông.

Chuông chùa Mèo.

Bài minh chuông chùa Mèo có đoạn ghi: “Âm vang của tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh. Tiếng chuông có thể phát huy được ý niệm lương thiện của con người, do đó từ xa xưa người ta đã dùng tiếng chuông đồng làm công cụ trợ giúp cho những lời giáo hóa của các bậc thánh nhân”.

Những dòng chữ khắc ghi trên 4 mảng thân chuông còn là minh chứng về dấu ấn Lê Lợi nơi đây. Trong sách “Lam Sơn thực lục” viết năm 1431, vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã xưng danh là “Chúa động Lam Sơn đề tựa”, kêu gọi tập hợp sự đoàn kết các dân tộc vùng núi xứ Thanh cùng khởi nghĩa. Những lúc khó khăn, hoạn nạn, Lê Lợi dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc ở châu Lang Chánh xưa giúp đỡ để kháng chiến chống quân Minh.

Đến giai đoạn lịch sử chống giặc nhà Thanh, anh hùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã dừng chân và vào chùa Mèo dâng hương cầu khấn cho cuộc kháng chiến chống giặc Thanh thắng lợi.

Linh ứng đã đến với nghĩa quân, cuộc kháng chiến đại phá quân Thanh toàn thắng. Quang Trung Nguyễn Huệ sau đó có chiếu chỉ cho thổ ty Lang Mường một lần nữa trùng tu, nâng cấp chùa Mèo và khắc tự, ghi danh nghĩa quân tại chùa Mèo.

Hòa Nam / Theo: Giáo Dục & Thời Đại



KỲ MÔN ĐỘN GIÁP: BÍ MẬT GIÚP LĂNG MỘ VÕ TẮC THIÊN NGÀN NĂM KHÔNG THỂ PHÁ

Lăng tẩm của các hoàng đế cổ đại luôn được xây dựng khi họ còn sống, hết sức tráng lệ, còn có lượng lớn vàng bạc châu báu tùy táng. Thế nên lăng mộ hoàng đế luôn ở trong tầm ngắm của bọn đào trộm mộ.


Lăng mộ mà Võ Tắc Thiên an táng cùng Lý Trị đã từng bị người ta dùng dao kiếm chém, cũng bị pháo lớn bắn, cũng đã từng bị kẻ đào trộm mộ huy động lên đến 400.000 người mà cũng không tìm thấy vị trí cụ thể của Càn Lăng. Người ta cho rằng, bên cạnh lăng mộ của Tần Thủy Hoàng và Thành Cát Tư Hãn, mộ Võ Tắc Thiên là ngôi mộ cổ khó khai quật nhất Trung Quốc. Lăng mộ của bà không những khiến bọn trộm mộ không biết đâu mà lần, mà ngay cả các thiết bị khoa học kỹ thuật cao cũng không nắm chắc được.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu các bí thuật chống trộm mộ của thời cổ đại.

Bí thuật cổ đại chống trộm mộ

Vào một đêm tối gió lớn của những năm cuối triều Kim, giữa khu rừng rậm rạp của ngoại ô phía đông Lạc Dương, tên trộm họ Chu dẫn theo một đám huynh đệ cùng nhau đào một lăng mộ lớn. Sau khi vào bên trong lăng mộ, bọn chúng hoa hết cả mắt bởi vô số vàng bạc châu báu bên trong. Vậy là chúng tức tốc di chuyển kho báu lớn đi.

Tên trộm Chu đi thẳng tới quan tài ở giữa lăng, cạy mở quan tài 7 lớp xong, mắt hắn sáng lên, trong lòng vui sướng bởi vàng bạc châu báu trong đó quả thực là vô giá, hắn chọn lấy những thứ đắt giá nhất, duy chỉ có chiếc đai lưng ngọc đeo trên thi thể trong lăng là không thể lấy ra được. Từ thi thể có thể thấy lúc còn sống người này là một nam nhân vóc người cao lớn, cứng rắn. Còn tên trộm mộ họ Chu vóc người lại gầy nhỏ nên hắn không di chuyển được thi thể nằm trong lăng mộ. Không muốn bỏ qua chiếc đai ngọc quý giá này nên hắn đã nghĩ ra một cách: lấy dây thừng buộc vào cánh tay thi thể, vật lộn hết sức nâng nửa thân trên của thi thể cho ngồi dậy. Thế là tên trộm họ Chu mừng rỡ gỡ chiếc đai lưng ngọc ra.

Nhưng không ngờ, lúc đó lại xảy ra một sự việc đáng sợ!

Miệng của chủ nhân lăng mộ hé mở, phụt ra những dịch thể đen đen, vô cùng hôi thối. Tên trộm không kịp né và mặt dính đầy dịch. Tên trộm Chu hét lớn lên trong đau đớn, khiến đồng bọn đều sợ khiếp vía, tưởng rằng thi thể trong mộ sống dậy. Bọn chúng vứt hết châu báu, ba chân bốn cẳng bỏ chạy.

Khi về nhà, tên trộm Chu nghĩ rằng đã bị trúng độc của xác chết, sắp chết rồi. Nhưng vài ngày qua đi không có vấn đề gì, hắn vô cùng vui sướng. Nhưng sau lần trộm đó, mặt hắn biến thành đen, rửa cũng không thể sạch. Và mọi người gọi hắn là Chu Mặt Đen. Vì mang khuôn mặt đen như thế dễ khiến mọi người chú ý. Vài ngày sau, câu chuyện trộm mộ lan truyền ra, Chu và đồng bọn của hắn bị quan phủ gọi lên chất vấn. Bởi ngôi mộ mà tên Chu tới trộm không phải là ngôi mộ bình thường mà đó là lăng Vĩnh Xương nổi tiếng - mộ của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận.

Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (Nguồn wikipedia)

Sự việc trộm mộ này được ghi chép lại trong “Thứ Trai Lão Học Tùng Đàm” do Thịnh Như Tử thời nhà Nguyên viết. Tên của kẻ trộm mộ cũng được ghi lưu vào trong sách. Chu Mặt Đen có thể nói là một trong những nhân vật nổi bật trong các tên trộm mộ.

Trong văn hóa truyền thống Á Đông thường cho rằng ‘nhập thổ vi an’ (an nghỉ dưới đất), không muốn quấy rầy sự yên nghỉ của tổ tiên. Đào trộm mộ là việc khiến người ta cảm thấy vô cùng vô sỉ, vô đạo đức.

Bắt đầu từ thời đại Tiên Tần, nếu kẻ trộm mộ bị bắt tại hiện trường, hắn sẽ phải chết. Chu Mặt Đen và đồng bọn của hắn trong câu chuyện trên cuối cùng cũng phải chịu hình phạt, bị đánh đến chết.

Theo ghi chép sách luật của thời nhà Hán, phàm là kẻ trộm mả đào mộ, mua bán đồ tùy táng ăn cắp, người trông coi mộ biển thủ, đều phải bị phanh thây. Hình phạt phanh thây này còn tàn khốc hơn cả xử ngũ mã phanh thây.

Nhưng kho báu khổng lồ trong các hầm mộ luôn có sức mê hoặc quá lớn, đặc biệt là trong lăng của các Hoàng đế. Vì vậy, bất chấp luật hình hà khắc cũng không thể ngăn chặn được những tên trộm mộ.

Vì vậy, những biện pháp bảo vệ lăng mộ của các vương hầu, tướng lĩnh liên tục được tăng cường để tránh sự quấy phá của những kẻ đạo tặc. Từ đó thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bí thuật chống trộm mộ. Dưới đây là tóm tắt một số kỹ thuật bí mật thời cổ đại.

Mộ hố lửa

Phía trên mộ bôi lên những thứ như bùn trơn và than củi để bí mật lấp huyệt mộ, đồng thời ngăn nước ngấm vào mộ thất, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm không thay đổi cho bên trong mộ. Thể khí trong huyệt mộ biến thành metan, thể khí này dễ cháy. Kẻ trộm mộ thời xưa không giống như các nhà khảo cổ, chúng chỉ dám ra tay hành động vào buổi đêm và không có ánh đèn soi sáng. Vì thế, sau khi cậy hầm mộ và thăm dò ở bên trong, cũng phải dùng lửa để soi rõ. Nhưng khi lửa gặp metan sẽ bốc cháy, khiến bọn đạo tặc bị ngập trong biển lửa.

Cuối năm 1972, một bệnh viện ở Trường Sa cải tạo chỗ đất trống, có người đã phát hiện ra thổ nhưỡng vốn là màu đỏ lại biến thành vô cùng xốp, rút que thép ra thấy có một loại khí phun ra. Lúc đó có công nhân bên cạnh châm điếu thuốc, chất khí gặp lửa liền bốc cháy làm mọi người xung quanh hoảng sợ và phải vội ngừng ngay thi công để đảm bảo an toàn.

Lăng mộ Mã Vương Đôi (Nguồn wikipedia)

Qua khảo sát phát hiện, phía dưới công trình có một hầm mộ. Lăng mộ ‘vô tình’ bị phát hiện do khí ga này chính là mộ Mã Vương Đôi, di chỉ khảo cổ nổi tiếng ở Trường Sa, tỉnh Hà Nam.

Kỹ thuật mộ hố lửa này có ưu điểm đó là không đòi hỏi kỹ thuật khó, dễ làm mà lại đơn giản, có hiệu quả; hơn nữa nó rất phù hợp với công nghệ chống thấm dột cho các công trình xây dựng lăng mộ, không cần thêm chi phí bổ sung.

Nhưng cũng có người cho rằng kỹ thuật xây mộ cổ đại kiểu này là tác dụng phụ tự nhiên mang lại, không phải có ý làm ra như vậy.

Chống trộm cơ giới

Cách chống trộm thứ hai này khó hơn một chút, gọi là chống trộm cơ giới. Ví dụ, chôn quan tài thật ở nơi rất sâu, phía trên phủ đầy đá, rồi đổ đầy cát mịn hoặc đá nhỏ, sau đó đặt quan tài giả lên và lại dùng cát mịn chôn cất. Như thế sau khi kẻ đào trộm mộ đào tới quan tài giả sẽ bị sa vào trong cát, bị cát vùi lấp. Đây gọi là mộ chứa đá chứa cát.

Mộ Quách Trang Sở ở Thái Huyện, tỉnh Hà Nam chính là dùng cách này để chống đào trộm mộ và thiết kế bẫy có phần tinh xảo hơn. Ví dụ như dưới lăng mộ đào một hố, rồi đặt dưới đó dàn chông sắc nhọn dựng đứng tầm 10 cm, trên hố che lấp bằng tấm gỗ, giữa các tấm gỗ có trục và dưới nó treo một vật thể có trọng lượng tương đồng, nó đóng vai trò để cân bằng. Trên tấm gỗ có bố trí che đậy. Nếu kẻ trộm tới và dẫm lên tấm gỗ, thì phía bên dưới tấm gỗ sẽ lật, và tên trộm sẽ bị rơi xuống bẫy chông phía dưới và cơ hội sống sót là hoàn toàn không thể.

Hầm chông chống trộm mộ (Hình chụp từ clip)

Cách phòng trộm cao cấp hơn chút, sẽ sắp xếp vũ khí ẩn. Máy nỏ là một loại kỹ thuật Mặc gia, chỉ cần chạm vào vũ khí ẩn sẽ bất ngờ bắn tên giết chết kẻ trộm mộ. Dĩ nhiên vẫn có các biện pháp khác phòng chống trộm mộ như đổ chất độc...

Những cách này có thể quy về các biện pháp chống trộm có tính chất vật lý hoặc hóa học, có thể coi là những kỹ thuật khá thấp kém. Chỉ cần tên đào trộm mộ có kinh nghiệm, hay chịu tìm hiểu kỹ thuật thì cũng đều có thể tránh khỏi những cái bẫy đó. Vì thế, bí thuật chống trộm mộ kỹ thuật cao cấp nhất thực sự chính là loại thứ 3 chúng ta sẽ đề cập tới trong bài viết này

Chống trộm bằng phong thủy: Kỳ môn Độn giáp

Chính là dựa vào bố trí phong thủy lựa chọn đất làm mộ, dựa vào thuật Kỳ môn Độn giáp để xây lăng mộ và sử dụng sự hỗ trợ của sức mạnh linh giới để đối phó với những tên đào trộm mộ.

Lăng mộ như thế có thể nói đã đạt tới mức độ an toàn đẳng cấp rất cao. Nghe thì có vẻ huyền hoặc nhưng Càn Lăng nằm tại Càn Huyện, tỉnh Thiểm Tây là một lăng mộ như thế.

Vào thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, nước Hậu Lương có một Tiết độ sứ tên là Ôn Thao, dẫn đầu quân đội đóng tại Quan Trung. Ôn Thao vốn khởi nghiệp từ kẻ đạo tặc, và 18 lăng mộ đế vương triều Đường đều ở Quan Trung. Vào thời đại thịnh vượng của nhà Đường, dù là hoàng gia, quý tộc hay dân thường, đều lưu truyền tập tục hậu táng (an táng long trọng). Kho báu trong lăng mộ hoàng đế không cần nói cũng biết nhiều và hấp dẫn tới mức nào.

Đối với Ôn Thao, 18 lăng mộ Hoàng Đế này giống như một núi vàng. Trong 7 năm làm tiết độ sứ, hắn đã đào 17 lăng mộ Hoàng Đế, trong đó có Chiêu Lăng của Đường Thái Tông. Hắn đã đào trộm được vô số vàng bạc châu báu và cũng đã hủy hoại đi rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá và bị người đời sau thóa mạ.

Trong 18 lăng Hoàng Đế, chỉ có duy nhất một lăng mộ, hắn không thể ra tay. Đó chính là Càn Lăng, nơi chôn cất Đường Cao Tông cùng Võ Tắc Thiên.

Võ Tắc Thiên (Nguồn wikipedia)

Không lẽ Ôn Thao hoàn lương? Hay hắn thấy đã kiếm đủ rồi nên rửa tay, thoái xuất giang hồ? Thực ra không phải, mà đúng ra là hắn đã tìm đủ mọi cách nhưng không để động vào Càn Lăng.

Khi đào Càn Lăng, hắn đã huy động hàng vạn nhân mã. Nhưng kỳ quái là lần đầu lên núi thì gặp trận gió bão đột ngột, cát đá bay tung, cuồng phong bốn bề, binh sĩ không nhìn rõ là ngày hay là đêm nên bọn chúng không có cách nào có thể đào mộ. Nhưng đợi khi đội quân đào mộ rời đi, thời tiết lập tức trở nên trong sáng. Ôn Thao liền hiểu ra vấn đề.

Mặc dù hắn là tên đạo tặc, nhưng hiểu một chút về thuật phong thủy. Đây cũng là nguyên nhân trước đây hắn liên tục ra tay đào trộm mộ. Hắn biết cách nghiên cứu về bố trí phong thủy của lăng mộ, biết có thể ra tay tại chỗ nào, đào trộm lúc nào thì có thể phá mộ dễ dàng nhất.

Lúc đó hắn liền vội xuất quẻ, quả đúng là hắn bói ra được ngày lành. Tới ngày đó, hắn tập hợp người, ngựa, đục núi, động thổ, đào Càn Lăng. Tương truyền, lần thứ hai này, nhóm của Ôn Thao thực sự đã tìm ra được cửa vào lăng mộ và một số kẻ đã vào được bên trong. Khi bọn chúng đi vào huyệt mộ, đã xảy ra một chuyện đáng sợ.

Đường trong mộ vốn đang tối om đột nhiên biến thành sáng bừng rực rỡ. Ánh nến xoẹt một cái tất cả đều thắp sáng lên. Tất cả bọn đạo tặc ở bên trong sợ khiếp hồn, không có ai nhóm lửa, làm sao nó lại tự động sáng lên. Khi bọn chúng đang hoảng loạn, cửa đá cạch một cái liền đóng lại, và nhóm trộm bị nhốt ở trong, ánh sáng cũng lập tức biến mất. Những kẻ đi vào trong hầm mộ không thể trở ra được.

Về việc này, có cách giải thích rằng: đường trong hầm mộ có rất nhiều phốt pho trắng, khi gặp không khí nó sẽ tự cháy lên, không có oxy nó sẽ tự động dập tắt. Những kẻ bị mắc kẹt bên trong sẽ bị chết vì thiếu oxy. Ôn Thao dù tham lam nhưng cũng nhát chết và hiểu rằng chút công phu của bản thân không phá nổi Càn Lăng. Từ đó, hắn vứt bỏ ý định đào trộm Càn Lăng. Đây không phải là truyền thuyết mà đã thực sự được ghi vào trong sử sách.

Trong quyển 40 của ‘Tân Ngũ Đại Sử’ có viết “Duy Càn Lăng phong vũ bất khả phát”, chính là một khi đào tới Càn Lăng lập tức sẽ nổi lên gió bão, không thể tiến hành đào bới.

Ngoài Ôn Thao, còn có không ít kẻ đã động chạm tới Càn Lăng. Vào cuối triều Đường, Hoàng Sào đã huy động 40 vạn đại quân để đào Càn Lăng, đào ra một cái rãnh sâu hơn 40m nhưng không tìm ra được cửa mộ, đành phải bó tay. Ngày nay, tại phía tây đỉnh núi Lương Sơn vẫn còn một cái rạch sâu, nó được đặt tên “rãnh Hoàng Sào”.

Vào khoảng 1000 năm sau, thời Dân Quốc, tướng Tôn Liên Trọng đã phái hẳn một binh lực chuyên để đào Càn Lăng, đã dùng thuốc nổ với kỹ thuật tiên tiến nhiều lần nổ bom để tìm lăng mộ. Lúc đó, sau khi nổ phát hiện ra một đường mộ với dải đá 3 tầng thẳng đứng. Khi binh lính chuẩn bị tiến vào, thì đột nhiên một làn khói dày đặc bay lên, trở thành cơn lốc xoáy, bầu trời mờ mịt, cát đá bụi mù. Bảy binh sĩ người Sơn Tây vừa xông lên, lập tức thổ ra máu mà chết. Những người còn lại, không ai dám tiến tới đào tiếp mộ. Tương truyền có một tiểu đoàn lính được tướng Tôn phái đi đào mộ, chỉ còn vài người sống sót trở về.

Trong lịch sử, những kẻ có ý đồ đào trộm Càn Lăng, có tên tuổi ghi lại có 17 kẻ, nhưng không một kẻ nào thành công. Càn Lăng có thể được gọi là lăng Hoàng đế kiên cố nhất.

Bí mật trong quá trình xây dựng Càn Lăng

Đương nhiên, việc nó được xây dựng một cách rất kiên cố là một nguyên nhân. Trong “Tân Đường Thư” viết: “Càn Lăng huyền khuyết thạch môn, dã kim cố khích” (Càn Lăng cửa đá, dùng kim loại nóng chảy để gia cố bít những khẽ hở).

Sau khi quan tài của Võ Tắc Thiên được đặt vào lăng xong xuôi, tất cả đường hầm mộ đều dùng những khối đá hình chữ nhật bịt chết cứng. Giữa các khối đá ngang dọc đều dùng các thanh sắt liên kết lại để gia cố, không thể dịch chuyển được, các chỗ có khe hở còn lại đều đổ kim loại nóng, khiến nó vô cùng kiên cố, không gì có thể lọt vào, và những kẻ đào trộm mộ không cách nào có thể ra tay.

Tuy xây dựng kiên cố cũng không thể trụ vững nổi trước những nhóm đào trộm chuyên nghiệp. Điều quan trọng là chúng đều gặp phải những hiện tượng kỳ dị không thể giải thích nổi gây tổn hại binh tướng và làm chúng sợ khiếp vía.

Càn Lăng (Nguồn wikipedia)

Ở đây nói tới càn Lăng cần phải nhắc tới hai bậc thầy tướng học triều Đường - Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong. Khi Võ Tắc Thiên đăng cơ, họ đã nhận lệnh Hoàng đế, đi tìm đất xây cất lăng mộ cho Võ Tắc Thiên.

Hai nhân vật này chính là tác giả của tác phẩm kinh điển “Thôi Bối Đồ”. Kể rằng, khi đó, hai người chia nhau ra đi khắp nơi trên cả nước để tìm vùng đất đắc địa cho lăng mộ. Sau khi Viên Thiên Cang tới Quan Trung, một lần quan sát thiên tượng nửa đêm, ông phát hiện ra giữa núi có khí màu tím bay lên, xông thẳng tới sao Bắc Đẩu. Khí tím xuất hiện là một điềm lành, ông đi theo làn khí tím đó và tìm ra nơi này, và ông vùi đồng bạc xuống đất để lấy làm ký hiệu.

Lý Thuần Phong cũng tìm ra nơi này. Ông dựa trên góc độ địa hình học tìm ra phong thủy, phát hiện hai đỉnh đông tây núi Lương Sơn đối nhau, nhìn từ xa giống như ngực của người phụ nữ, nhìn tổng quan bức tranh thì toàn khu vực Lăng trông như một quý phu nhân đang ngủ say, quả thực kỳ diệu không tả và cao quý như Thiên Tôn. Lý Thuần Phong biết đây chính là nơi mình cần tìm, lập tức lấy bóng mình để xem hướng, dùng đá vụn sắp đặt bát quái, đặt cây trâm cố định đánh dấu vào chỗ đã định.

Đường Cao Tông Lý Trị được hai người lần lượt báo cáo, liền phái Trưởng Tôn Vô Kỵ đi trước xem xét (Nguồn wikipedia)

Sau khi Đường Cao Tông Lý Trị được hai người lần lượt báo cáo, liền phái Trưởng Tôn Vô Kỵ đi trước xem xét.

Vô Kỵ đến nơi mà Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang đánh dấu, vô cùng kinh ngạc bởi cây trâm mà Lý Thuần Phong cắm đúng vào lỗ giữa của đồng xu Viên Thiên Cang vùi dưới đất.

Viên Thiên Cang và Lý Thuần Phong, một người quan sát thiên văn, một người tra địa lý, đều cho ra một kết quả giống nhau, không sai lệch một ly.

Từ bên ngoài quan sát, hình dạng đất Càn Lăng hoàn toàn nghênh hợp âm dương lưỡng nghi, là tổ hợp hòa hợp tuyệt vời giữa trời và đất. Theo ghi chép phong thủy lưu truyền dân gian cho rằng kiến trúc địa cung Càn Lăng được kiến tạo chiểu theo Dương độn Cửu cục và Âm độn Cửu cục của Kỳ môn Độn giáp. Mỗi cửa của lăng mộ đều thiết kế phương vị tuân theo ‘Bát trận đồ’ của Vũ Hầu (tức Gia Cát Lượng): 8 cửa là Sinh, Cảnh, Khai, Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Kinh. Người tiến vào mộ vào ngày nào thì phải đi vào cửa tương ứng, nếu không tìm không được đường mà bị kẹt ở trong mộ là chuyện nhỏ mà rất có thể sẽ kích hoạt cơ chế. Thậm chí việc thiết kế các bước đều tuân theo bát quái và âm dương tương hợp, vào ngày khác nhau phải đi các bước lẻ chẵn khác nhau. Tóm lại, vô số trùng trùng các cơ chế là một phương diện, mà quan trọng hơn là có thuật phong thủy và Kỳ môn Độn giáp điều động sức mạnh quỷ Thần để bảo vệ Càn Lăng.

Trên đây đề cập tới những từ khá cao thâm và huyền ảo của phái âm dương, thực ra liên quan tới lăng mộ trong các nền văn minh cổ khác nhau đều có những câu chuyện như vậy ví như lời nguyền của Pharaoh đối với những kẻ quấy phá sự an nghỉ của ngài, chỉ có điều mỗi nền văn minh khác nhau có những biểu hiện khác nhau.

Chúng ta có thể thấy kỹ thuật xây dựng, hệ thống bẫy, và Kỳ môn Độn giáp hợp lại với nhau thì dù là thiên quân vạn mã hay những tên trộm mộ đẳng cấp cũng đều phải thất vọng tay không ra về. Và Càn Lăng quả xứng danh là lăng mộ được thiết kế chống trộm đẳng cấp và là một trong những lăng mộ khó khai quật nhất Trung Quốc.

Minh An
Theo: Wenzhao studio



TUỆ SỸ - NHÀ TU "PHI PHÀM"

Hai chữ “phi phàm” tôi mượn từ Bùi Giáng, nhà thơ dưới mắt nhiều người vẫn thường thắc mắc không biết là “Điên hay Tiên”. Bùi Giáng kể lại một câu chuyện giữa ông và nhà tu Tuệ Sỹ như sau:


“Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.... Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi”

“Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty”

“Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình. Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm?

(hết trích)

Nhà thơ Bùi Giáng và Nhà tu Tuệ Sỹ

Theo lời kể của Bùi Giáng, ông còn nói với Tuệ Sỹ: “Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn”.

Câu trả lời của Tuệ Sỹ khiến nhà thơ “Bàng Dúi” hoảng hồn, hoảng vía: “Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng?”

Cũng cần phải nói thêm về ni cô Trí Hải. Thích nữ Trí Hải (1938-2003) là một trong những giảng viên đầu tiên giảng dạy tại Thiền viện Vạn Hạnh và Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, từng làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Bà cũng là một tác gia và dịch gia Phật giáo.

Chân dung Thích nữ Trí Hải (1938 – 2003)

Trở lại với Hòa thượng Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, người gốc Quảng Bình nhưng lại sinh tại Paksé, bên Lào. Ông là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam.

Ngày 1/4/1984, ông bị bắt cùng với Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ hai nhân vật này vì họ là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào thời điểm chính quyền Việt Nam đang cố gắng kiểm soát hội Phật giáo.

Đầu năm 1978, ông bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm, đến năm 1981 thì được trả tự do. Tháng 9/1988, ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Tháng 11/1988, sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân.

Ngày 1/9/1998, ông được thả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà tại miền Bắc. Trước khi thả, nhà cầm quyền yêu cầu ông ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ tịch nước, ông trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi!”.

Công an nói không viết đơn thì không thả, nhưng ông vẫn không viết và bắt đầu tuyệt thực. Cuối cùng thì chính quyền đã phải phóng thích ông sau 10 ngày nhà tu tuyệt thực. Một năm sau đấy, cũng vì lý do tiếp tục hoạt động trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ông cùng thầy Thích Quảng Độ bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.

Chân dung Hòa thượng Tuệ Sỹ

Tin mới nhất cho biết nhà tu Tuệ Sỹ hiện đảm nhận chức vụ Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong tình hình Phật giáo đang bị thao túng bởi một giáo hội “quốc doanh” do nhà nước kiểm soát với định hướng “Đạo Pháp - Dân tộc - Xã hội Chủ nghĩa”.

Sau khi lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Hoà thượng Thích Quảng Độ - đức Đệ ngũ Tăng Thống - qua đời vào ngày 22/2/2020, Giáo hội vẫn chưa có đức Tăng Thống mới. Vì vậy, chức Chánh Thư Ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống hiện là chức vụ cao nhất của Giáo hội.

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Kể từ khi có “giáo hội quốc doanh”, Phật giáo nổi lên với hiện tượng các nhà sư hùng cứ tại những địa phương nên mới có câu “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh” (Thích Nhật Từ trụ trì tại chùa Giác Ngộ, phía Nam và Đại đức Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng, miền Bắc). Ngay chính “giáo hội quốc doanh” cũng tỏ ra “không thể kiểm soát” được những giáo hội địa phương!

Nhà tu Tuệ Sỹ: Người gầy đét trên quê hương điêu tàn

Đời sống như một quán trọ, khách trọ đến rồi đi. Sanh rồi tử, muôn trùng, thăm thẳm, vô biên, vô tận. Con người đắm chìm trong cái quán trọ đó mà sinh ra đủ thứ chuyện để làm ngăn nẻo về của những bước chân viễn mộng.

Vậy thì, bị ngăn nẻo về, không về được nên quay lại để sống với chính mình. Đóng cửa phòng, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhịn đói, tuyệt thực. Ngày chỉ uống nước chanh pha đường. Có lúc xỉu trên bàn vì đói. Nhà sư đã thốt lên những câu thơ ai oán:

“Ta cưỡi kiến đi tìm tiên động
Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ
Cóc và nhái lang thang tìm sống
Trong hang sâu con rắn nằm mơ”

(“Giấc Mơ Trường Sơn” - An Tiêm, tr. 68, 2002)

Tuệ Sỹ, một nhà tu sinh năm 1943, chỉ cao 1.59m, cân nặng 39,5kg, ... nhưng trong ông tiềm tàng một năng lực “phi thường” (chữ của nhà thơ Bùi Giáng). Ông đã từng được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards vào năm 1998.

Người ta tự hỏi, không biết “nhà tu gầy còm, ốm yếu” có thể làm gì trong cơn “pháp nạn” của Đạo Phật?

Tác phẩm của Nguyễn Hiền Đức: “Tuệ Sỹ - Viên Ngọc Quý”

Theo: Nguyễn Ngọc Chính
(Nhà xuất bản Văn học Phật giáo - Thư viện Hoa Sen


ROBERT SMALLS - NGƯỜI NÔ LỆ DŨNG CẢM NHẤT LỊCH SỬ

Robert Smalls có lẽ là một trong những nhân vật đặc biệt nhất trong lịch sử với cuộc đời phi thường.

Nguồn: WATM

Con tàu hơi nước từ từ trườn vào cảng, cố gắng yên lặng hết sức có thể trong phạm vi cho phép của tiếng bánh guồng đập vào nước và tiếng động cơ gầm gừ. Một màn sương mù giúp ẩn giấu bọn họ, trong lúc những người trên tàu cố gắng nỗ lực hành tung kín đáo nhất có thể.

Họ đang trong một nhiệm vụ bí mật và nguy hiểm vào đêm tháng 5 năm đó - một nhiệm vụ có thể thay đổi hoặc chấm dứt cuộc đời những người này.

Trên con tàu không có một viên sĩ quan nào hết, chỉ có một người đàn ông trong trang phục thuyền trưởng đứng trên boong tàu. Người này tên Robert Smalls, và trên con tàu vừa được đánh cắp này, ông đang đưa bản thân và những người bên dưới boong tới tự do, thoát kiếp nô lệ.

Smalls vốn được sinh ra với số phận nô lệ vào 23 năm trước đó, ngày 5/4/1839. Mẹ ông là một người hầu tên Lydia Polite ở Beaufort, Nam Carolina. Robert có phần may mắn hơn những đứa trẻ nô lệ khác khi người ta nghi rằng chủ của ông - Henry McKee, cũng chính là cha ông. Dù vậy, mẹ ông vẫn muốn con mình thấu hiểu nỗi đau của những nô lệ da đen tại nước Mỹ thế kỷ 19 bằng cách cho ông ra đồng làm việc và bắt phải chứng kiến những trận đòn roi.

Cuộc trốn thoát định mệnh

Kế hoạch đánh cắp con tàu hơi nước dài 45m CSS Planter cũng bắt nguồn từ chính những trải nghiệm trên. Robert thậm chí còn là một trong những hoa tiêu giỏi nhất cảng, hiểu những con nước như lòng bàn tay đến mức có thể điều hướng, phát hiện những bãi cạn hay vùng nước nông kể cả trong đêm tối - một kỹ năng đặc biệt quan trọng trong quá trình tẩu thoát hôm đó.

Mặc dù bị các sĩ quan da trắng coi thường và từ chối gọi là hoa tiêu vì thân phận nô lệ, Robert đã tự đóng vai thuyền trưởng trên con tàu định mệnh đó để rời khỏi Charleston.

Robert mới 12 tuổi khi được ông chủ gửi vào thị trấn. Qua nhiều năm, ông đã trải qua vô số công việc, từ bồi bàn tại một nhà hàng sang chảnh, người dựng cột buồm, đến bốc xếp hàng lên tàu trước khi được tuyển vào thủy thủ đoàn của tàu Planter. Robert cảm thấy đặc biệt gần gũi với những dòng nước và với đầu óc kinh doanh nhạy bén, từ số tiền công 1 đô mỗi tuần, ông tiết kiệm được khoản tiền lên tới 100 đô bằng việc bán hoa quả, bánh kẹo và thuốc lá trên boong tàu.

Castle Pinckney, chốt chặn đầu tiên trên hành trình của họ - Nguồn: Getty

Robert vốn định dùng số tiền dành dụm đó để tự mua lấy tự do cho mình. Tuy nhiên, rất sớm thôi ông đã có một kế hoạch khác là tẩu thoát ngay trên con tàu Planter đêm 12-13/5/1862. Mọi chuyện bắt đầu khi 3 sĩ quan quản lý tàu bỏ cả quy định và để mặc thủy thủ đoàn toàn nô lệ trên tàu để lên bờ. Đây không phải lần đầu tiên họ làm vậy - Robert đã chờ thời cơ này từ trước và dặn những người khác chuẩn bị sẵn sàng. Trong số thủy thủ đoàn, chỉ có 2 người không ở lại với ông.

Khi thời điểm đến, họ khởi động nồi hơi và cho tàu chạy lừ lừ tới một điểm hẹn trước - nơi họ sẽ đón gia đình mình, gồm cả vợ con Robert, trước khi chèo ra khơi.

Tại Charleston, Robert đã kết hôn với một nô lệ khác tên Hannah, họ có đứa con gái đầu là Elizabeth. Mặc dù được ở chung, nỗi sợ về việc bị bán đi và chia ly cả gia đình khiến Robert cân nhắc việc mua lại vợ con mình từ người chủ của họ.

Tuy nhiên, giá tiền cho cả hai lúc đó đã là 800 đô, quá nhiều với con số dành dụm được của Robert. Vào lúc người con thứ hai ra đời, hai vợ chồng thảo luận với nhau và nhất trí rằng cách duy nhất để họ có thể ở bên nhau là trốn thoát.

Với tổng cộng 16 nô lệ gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên tàu, Planter quay ngược lại và khởi hành trong chặng nguy hiểm nhất của hành trình. Nếu bị bắt được, họ sẽ đối mặt những hình phạt khủng khiếp nếu không muốn nói là cái chết. Khói và âm thanh từ động cơ của con tàu khiến nó gần như không có cơ may nào băng qua cảng Charleston mà không bị phát hiện.

Vậy nên, Robert biết rằng họ phải diễn sao cho con tàu trông có vẻ như đang đi tuần tra một cách hết sức bình thường bằng cách băng qua 4 trạm kiểm soát quân đội với các ụ súng trên bờ biển có khả năng thổi bay cả con tàu.

Fort Sumter - chốt chặn cuối cùng đến tự do của 16 người nô lệ - Nguồn: Getty

Lý do cho loại vũ khí này là cuộc Nội chiến Hoa Kỳ lúc đó đã diễn ra trong 13 tháng, khi Charleston là một cảng quan trọng đối với phe miền Nam. Tuy nhiên, phe Liên Bang đã áp đặt một cuộc phong tỏa hải quân đối với toàn bộ đường bờ biển của Liên minh miền Nam, vì vậy các tàu của Liên minh đã thả neo cách đó chỉ vài dặm. Smalls biết điều này bởi Planter là một tàu điều động vũ trang để vận chuyển vũ khí cho quân đội. Vào thời điểm ông trốn thoát, nó có 4 khẩu đại bác và 200 pound đạn dược trong kho.

Smalls biết rằng mình sẽ giao con tàu này cho phe Liên Bang trên con tàu trốn thoát kiếp nô lệ. Ông đã dành tới vài năm để hiểu con tàu như lòng bàn tay và cách vượt qua mỗi điểm kiểm soát. Vào ban đêm, ông mặc đồ thuyền trưởng và thậm chí còn diễn ra dáng vẻ như một thuyền trưởng thực thụ.

Planter đã vượt qua 3 trạm kiểm soát - Castle Pinckney, Fort Ripley và Fort Johnson - mà không xảy ra sự cố, nhưng trạm kiểm soát cuối cùng là Fort Sumter: một pháo đài đáng sợ trên một hòn đảo nhân tạo với những bức tường cao và nhiều hỏa lực.

Những người còn lại trên tàu muốn đi vòng qua chốt chặn cuối cùng này nhưng Robert tin rằng điều đó chỉ khiến họ có vẻ khả nghi. Vào khoảng 4h15 phút sáng, ông phát tín hiệu và một lúc sau mọi chuyện đã rõ ràng: họ đã vượt qua bình an.

Tuy nhiên vẫn còn một chướng ngại cuối cùng: Hải quân Liên Bang đang phong tỏa có thể bắn vào Planter - một con tàu kẻ địch, đặc biệt nếu nó còn treo cờ Liên Minh. May mắn là Robert kịp phát hiện ra điều này và thay lá cờ bằng một tấm ga trải giường trắng. Chỉ một lúc sau, con tàu tiếp cận USS Onward và giải thích mọi việc trước sự ngỡ ngàng của các thủy thủ Liên Bang.

Khi giao nộp con tàu, Robert không quên căn dặn: “ Tôi đang giao lại vật liệu chiến tranh này gồm những khẩu pháo để Ngài Abraham Lincoln tận dụng thật tốt”.

Vị anh hùng của tự do

Nhờ chiến công này, báo chí tại Liên Bang miền Bắc lúc đó ca ngợi ông là một anh hùng chiến tranh. Nhờ giao nộp tàu Planter, ông được nhận một khoản tiền thưởng 1.500 đô. Ông nổi tiếng đến mức được gặp Tổng thống Lincoln và đã phần nào truyền cảm hứng cho quyết định để binh lính da đen tham gia quân đội Liên Bang.

Robert được tuyên dương khắp các mặt báo vì thành tích của mình - Nguồn: Getty

Nhưng đó vẫn chưa phải là phần kết câu chuyện về Robert mà trái lại, mới là phần mở đầu cho cả cuộc đời tự do phía trước. Điều đầu tiên ông làm dưới vai trò một công dân tự do là tham gia hải quân Liên Bang và lên tới chức thuyền trưởng USS Planter, trở thành người da đen đầu tiên nắm giữ vị trí này trong quân đội Mỹ.

Sau khi Nội chiến kết thúc, Robert không chọn ở lại miền bắc mà thay vào đó quay về Nam Carolina để tiếp tục sự nghiệp vì người da đen. Sau khi học đọc và viết, ông trở thành một doanh nhân thành công, xây dựng trường học cho học sinh da đen và mở một tòa báo. Sự nghiệp quân ngũ của Robert cũng không kém lẫy lừng khi ông giải ngũ với quân hàm thiếu tướng.

Thời kỳ Tái thiết sau chiến tranh lần đầu tiên mở ra cánh cửa chính trường cho người da đen, và Robert là một trong những người đầu tiên bước qua nó. Từ năm 1868, ông phục vụ trong Hạ viện Nam Carolina, trước khi trở thành thành viên của Thượng viện vào năm 1870.

Đến lúc đó, ông đã thể hiện sự sẵn sàng đấu tranh cho quyền của người da đen: khi bị loại khỏi một chiếc xe điện chỉ dành cho dân da trắng ở Philadelphia vào năm 1864.

Là một chính trị gia, ông đã giúp soạn thảo hiến pháp mới của tiểu bang, thành lập Đảng Cộng hòa Nam Carolina và vận động cho công tác xã hội cũng như giáo dục.

Nguồn: Getty

Năm 1874, Smalls được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ, và phục vụ một số nhiệm kỳ không liên tiếp. Nhưng lời hứa trong cuộc Tái thiết rằng người da đen có thể trở thành công dân được bỏ phiếu tại Hoa Kỳ - được gói gọn trong Tu chính án 14 và 15 - đã không còn tồn tại.

Người miền nam da trắng tước bỏ các quyền của người da đen, đưa ra các luật hạn chế và tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia da đen. Smalls phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và hối lộ, sau đó bị kết án 3 năm tù giam, trước khi cuối cùng được ân xá.

Trước khi mất đi vị thế chính trị, Robert đã có một bài phát biểu lịch sử vào năm 1895. “Chủng tộc của tôi không cần sự bảo vệ đặc biệt, lịch sử của họ trên đất nước này đã chứng minh họ bình đẳng với bất kỳ người dân nào ở bất cứ đâu. Tất cả những gì họ cần là một cơ hội bình đẳng trong trận chiến của cuộc đời” - ông nói.


Sự lạc quan vào bình đẳng chủng tộc theo Robert đến tận cuối đời, tương tự như lòng tốt của ông. Sau khi mua lại ngôi nhà của người chủ cũ Henry McKee, thỉnh thoảng lại có một người phụ nữ già cả đãng trí tìm tới vì tin rằng mình từng sống ở đó - người đó chính là vợ McKee. Không bận tới quá khứ, Robert vẫn đón bà vào và chăm sóc.

Robert Smalls mất năm 1915, ở tuổi 75, và để lại một di sản đáng nhớ về cuộc đấu tranh giành tự do cũng như bình đẳng không ngừng nghỉ của người da đen tại Hoa Kỳ.

Thạch Anh / Theo: Thể Thao Văn Hóa
Nguồn: History Extra
Link tham khảo:



Thursday, March 30, 2023

ĐẾN NƠI BÁN ĐƯỢC HƠN 10 TỶ NẮM CƠM MỖI NĂM

Ở quốc gia này, cơm nắm vốn được coi là món ăn khoái khẩu của người dân trong suốt nhiều thế kỷ.


Cơm nắm Onigiri được xem là món ăn phổ biến và khoái khẩu của người dân Nhật Bản trong suốt nhiều thế kỷ. Không chỉ được đánh giá ngon lành, tiện lợi, món cơm nắm còn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của "xứ sở hoa anh đào".

Mỗi năm, quốc gia này bán được tới hơn 10 tỷ gói cơm nắm với đầy đủ mọi hương vị, được coi là một trong những thực phẩm phổ biến nhất tại đây.

Mỗi năm Nhật Bản bán được hơn 10 tỷ gói cơm nắm các loại

Có thể nói, món cơm nắm đi liền với lịch sử hình thành của nước Nhật. Theo tài liệu để lại, những nắm cơm nhỏ xinh này có lịch sử từ thời kỳ Yayoi cách đây hơn 2.000 năm (khoảng năm 200 đến năm 250 sau Công nguyên).

Thời điểm đó, người ta làm những nắm cơm tròn nhỏ từ thứ gạo hơi dính. Cái tên Onigiri xuất hiện từ thời kỳ Nara (710-794). Khi đó, người Nhật bắt đầu hình thành thói quen mang theo những nắm cơm trong các chuyến đi chơi. Tới thời kỳ Kamakura (1185-1333), các võ sỹ samurai khi ra chiến trường cũng không quên mang theo cơm nắm với tảo biển gói bên ngoài.

Món cơm nắm đã xuất hiện ở Nhật cách đây hơn 2.000 năm

Nhưng phải tới thời kỳ Edo (1603-1868), người ta mới dùng tảo biển khô bọc quanh từng nắm cơm. Kể từ đó, cơm nắm onigiri được sáng tạo thành nhiều hình dáng khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là hình tròn hoặc hình tam giác. Những nắm cơm ngon được nắm bằng tay và không làm quá chặt.

Tới cuối thế kỷ 19, những ga tàu trên khắp nước Nhật bắt đầu bán cơm bento với thành phần chính là cơm nắm. Đến ngày nay, những nắm cơm này vẫn xuất hiện trong các bữa trưa tại trường học ở Nhật, bán nhiều ở các sân ga, cửa hàng tiện lợi, quán rượu, nhà hàng .... được khách nội địa và khách quốc tế tới mua.Cơm nắm nhân cá ngừ, vỏ rong biển bọc ngoài.

Cơm nắm được trang trí như tác phẩm nghệ thuật

Những nắm cơm ngày nay được làm nhanh gọn nhưng tạo ra bữa cơm đơn giản mà hoàn hảo, tiện cho người sử dụng khi phải di chuyển nhiều.

Chúng được kết hợp từ gạo, muối, rong biển nori, kết hợp cùng cá bào, cá ngừ trộn sốt, lươn nướng hoặc thịt nướng là thành phần nhân bên trong. Loại cơm được nhiều người yêu thích nhất có thể kể tới gà trộn cùng rau, hay cá ngừ và sốt mayo.

Cơm nắm nhân cá ngừ, vỏ rong biển bọc ngoài

Muốn thưởng thức món cơm nắm "đúng điệu" chuẩn Nhật, du khách có thể tìm tới nhà hàng Asakusa Tokyo. Nhà hàng mở cửa từ năm 1954, vốn dành cho những tín đồ sành cơm nắm. Cũng là những nguyên liệu quen thuộc, nhưng dưới bàn tay chế biến kéo léo của đầu bếp đã tạo ra những nắm cơm đẹp đẽ mà ngon miệng.

Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, nhiều món ngon hấp dẫn mới lạ xuất hiện thêm, nhưng cơm nắm vẫn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Nhật.

Quốc Việt / Theo: Dân Trí



5 MÓN ĂN KINH DỊ NHẤT MAROC KHIẾN DU KHÁCH CHỈ DÁM ĐỨNG NHÌN

Những món ăn này chỉ cần nghe tên hoặc nhìn thôi đã khiến bạn không dám đụng đũa vào.

1. Ốc sên

Ốc sên

Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều quầy hàng bán ốc sên trên khắp Maroc, đặc biệt là ở Jamaa El Fna, Marrakech.

Những nồi ốc bốc khói nghi ngút, còn người dân địa phương chen nhau ngồi trên các ghế đẩu nhỏ là hình ảnh rất quen thuộc khi ghé tới quốc gia này.


Để ăn món này cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng tăm rút thịt ốc ra, sau đó chấm với nước dùng cực kỳ mặn mà nhiều người Ma-rốc tin là tốt cho tiêu hóa và hạ sốt. Những con ốc sên này có mùi vị như nấm nhưng dai hơn một chút.

2. Não cừu


Nếu đến Jamaa El Fna, Maroc khi mặt trời lặn, bạn sẽ thấy vô số quầy hàng thực phẩm bắt đầu chật kín khách du lịch cũng như người dân địa phương.

Những người chào hàng rất nhiệt tình, họ cố gắng hết sức để mời bạn vào trong lều của họ. Nổi bật nhất trong số này là những quầy hàng bán não cừu.


Những miếng não cừu được phơi bày trước mặt thực khách, sau khi nhìn nó có lẽ bạn sẽ không thể nuốt được dù có chế biến ngon cỡ nào đi chăng nữa.

Não cừu rất to, thường cắt thành miếng nhỏ trước khi ăn. Kết cấu của nó rất mềm, vị kỳ lạ, người ta thường rưới thêm một loại nước sốt đặc biệt lên trên.

Người dân địa phương rất thích món này và đánh giá nó rất cao.

3. Đầu cừu


Nếu bạn có thể ăn não cừu, đừng bỏ qua đầu cừu nhưng nhìn nguyên một chiếc đầu cừu trên đĩa có thể khiến bạn ám ảnh.

Thông thường, khi có yêu cầu gọi món này, đầu bếp sẽ chặt nó ra làm tư, cắt miếng nhỏ hơn.


Đầu cừu có vài chỗ chứa nhiều chất béo, khá ngon nhưng không kém phần kinh dị.

4. Lá lách nhồi

Đối với những người yêu thích nội tạng động vật, lá lách nhồi là một món ngon. Người ta sẽ nhồi vào trong lá lách cừu các loại nhân thơm ngon như thịt bò, thịt cừu xay được tẩm gia vị và cơm, cuối cùng mang đi nướng.


Khác với tim và gan, lá lách nhồi là món ăn không thường xuyên được nấu trong các hộ gia đình ở Maroc.

Tuy nhiên, nó luôn là món ngon cháy hàng ở các quán nướng và các cửa hàng bán thịt, nơi những người thích nội tạng có thể gọi 1 hoặc 2 cái lá lách nhồi, mang về là nướng nó trên chảo hoặc vỉ.


Thoạt nhìn, lá lách nhồi giống như một chiếc xúc xích cỡ lớn. Lá lách đóng vai trò là vỏ bọc bên ngoài, nó được cắt lát để dễ ăn hơn.

5. Bọ xít


Thói quen ăn uống của người Malawi ở Maroc rất đặc biệt. Ngoài các món kể trên, món ăn kinh dị nhất trong mắt du khách chính là ấu trùng bọ xít. Món này không thường thấy trên khắp Maroc, chỉ xuất hiện ở một số khu vực đặc biệt.


Những con bọ xít này sống chủ yếu ở hồ Malawi, trứng của nó nở rất nhanh nên người dân đánh bắt cấp tốc rồi mang về nấu ngay, tránh để chúng nở thành con.


Vì kích thước rất bé nên người ta phải thu gom số lượng lớn mới đem đi chế biến. Thông thường món này chỉ để đãi khách chứ không bày bán phổ biến.

Theo: Báo Giao Thông