Wednesday, November 6, 2024

HỒ XUÂN HƯƠNG ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ

Có thể bạn đã từng đi dạo, hoặc chạy quanh hồ Xuân Hương (Đà Lạt) bằng xe hơi. Thử đoán xem chu vi hồ là bao nhiêu? Bạn đã từng đi bộ cả một vòng hồ Xuân Hương chưa? Tôi đã từng như thế, tưởng-ngắn- hóa- dài của cái hồ kỳ cục này.


Chiều hôm đó, tôi cho nhân viên ra café Nhật Nguyên ngắm Đà Lạt hoàng hôn bên hồ Xuân Hương. Rồi bỗng buột miệng, tôi muốn đi dạo một vòng hồ… Nổi hứng nói thế thôi, chứ trong lòng cũng ngại. Nhưng nhìn ánh mắt chế diễu của đám nhân viên trẻ, tôi nổi cáu, … Ngồi yên đó, chờ tao về.

Tôi khởi đầu từ cầu Ông Đạo, đi vòng về hướng ngã ba Bùi Thị Xuân. Bề ngang của hồ ngắn, nên tưởng bở, nhưng chiều dài của nó thì lòng vòng, nhìn trước tưởng bờ, đến gần là khúc nghẹo, và cứ thế… Thoạt đầu tôi cũng jogging bài bản hẳn hòi, sau đó chỉ là…thả bộ.

Thả bộ cũng đến lúc chùn chân. Tiến thì không biết còn vòng đến đâu. Thoái thì lại quá muộn. Nhìn qua bên kia hồ lại ngắn như tầm tay… Phone reo, sếp đi đến chỗ nào rồi, để đem xe đến đón đi ăn tối… Chúng nó đổ dầu vào lửa – Ngồi yên đó, chờ tao về rồi mới được đi…. Đi một quãng, phone lại reo. Không bắt máy.

Tất cả mất 90 phút. Vận tốc 4 km/giờ, chu vi hồ khoảng 6 cây số. Ai không tin, cứ thử. Với tôi đó là thành tích không (nên) tái diễn. Thành tích này xảy ra cách nay… 18 năm, khi tôi chưa là di dân Đà Lạt.

Hồ Xuân Hương dài như mỏ quạ. Nơi đây là thung lũng, nước từ những ngọn núi cao ở Lạc Dương, theo dòng suối Cam Ly qua hồ Than Thở, đến hồ Xuân Hương, rồi vòng vèo thêm nữa, qua rạch nước (hay cống rãnh?), đổ “ầm ầm” xuống thác Cam Ly.

Ít ai ngờ được, hồ Xuân Hương là hồ nước nhân tạo (mà đa số các hồ ở Đà Lạt đều thế). Trước đây hồ Xuân Hương là nguồn nước cung cấp cho Đà Lạt. Trước đây thôi, chứ bây giờ lấy nước từ em Xuân Hương uống có mà…chết (mẹ)!


Nước sinh hoạt cho Đà Lạt hiện nay lấy từ hồ Dankia và Suối Vàng. Hồ Suối Vàng còn hoang sơ và đẹp lạ thường… Thỉnh thoảng tôi vẫn lên Suối Vàng (lên chứ không phải xuống), ngồicafé quán cóc ngồi cả buổi, có khi chỉ mình tôi là khách duy nhất.

Gần Suối Vàng là hồ Dankia. Bác sĩ Alexandria Yersin năm xưa đã đề nghị chọn vùng Dankia để xây dựng thành phố. Một trạm nông nghiệp đã được dựng tạm nơi đây, nhưng khoảng 20 năm sau, không hiểu sao địa điểm Đà Lạt hiện nay lại được chọn.

Nhân đây cũng nói thêm một ngộ nhận khác, sách vở đều nói bác sĩ Yersin là người đầu tiên khám phá ra Đà Lạt. Thật ra, trước đó 30 năm, khi Pháp mới chiếm Nam Kỳ, Nguyễn Thông, một quan chức nhà Nguyễn đã lần mò đến cao nguyên Langbiang (Lâm Viên). Đến được đây, nghĩa là ông đã phải đi qua cao nguyên Di Linh có độ cao thấp hơn nhiều so với cao nguyên Langbiang (1.000 so với 1.500 mét). Nguyễn Thông đã đề nghị triều đình đưa quân đến nơi đây lập trại, chăn nuôi trồng trọt và chờ cơ hội tái chiếm. Đề nghị của ông bị bác bỏ.

Ông Tô Văn Lai, nguyên là chủ Paris by night, trước đây là sinh viên của Viện đại học Đà Lạt vào đầu thập niên 60, nửa đêm cùng bè bạn ra chơi hồ Xuân Xuân Hương đã thách đố, đứa nào bơi qua hồ bằng một tay sẽ thưởng cái radio-cassette. Vậy mà cũng có một tay sinh viên chấp nhận cuộc chơi điên cuồng đó chỉ vì món hàng đắt giá thời thượng thuở đó.

“Trông như bãi cứt trâu nổi lên từ mặt hồ”.

Hồ Xuân Hương đẹp vào những tháng cuối năm, khi sương mù bao phủ cả mặt hồ vào sáng sớm. Ven hồ gần nhà thủy cục, hơn 10 năm trước vào một tối khuya tháng 12, tôi đã gặp Kiều lão Đà Lạt và xe gỏi khô bò xắp xắp…

Giờ đây, người xưa không còn, cảnh vật quanh hồ thay đổi nhiều, công trình này nọ lổn ngổn hoành tráng. Quả cầu vàng xanh trên nóc siêu thị Big C bên bờ hồ trông thật kỳ dị. Cô bạn tôi, một tiến sĩ văn học ra chơi Đà Lạt, ngồi từ quán café Bích Câu nhìn ra, buột miệng, “Trông như bãi cứt trâu nổi lên từ mặt hồ”.

Vũ Thế Thành
Theo: saigonthapcam



Tuesday, November 5, 2024

TOP GUN VÀ LOVE STORY, NHẠC PHIM KINH ĐIỂN QUA GIỌNG CA ELISA TOVATI

Thành danh trong làng nhạc vào năm 2011, Elisa Tovati là một gương mặt khá kín đáo trong giới nghệ sĩ Pháp. Song song với nghề ca hát, cô còn đóng phim, kể cả điện ảnh và phim truyền hình. Tập nhạc mang chủ đề ‘‘Cinéma’’ vừa được phát hành là album phòng thu thứ 6 của Elisa kể từ hai thập niên qua.

Ca sĩ Elisa Tovati. © Wikipedia

Sinh trưởng trong một gia đình nha sĩ, Elisa từ nhỏ nuôi mộng trở thành diễn viên sân khấu. Cô bé Elisa lớn lên với những bộ phim mà cô từng có dịp xem với mẹ. Những giai điệu mà Elisa được nghe trong phim, thấm vào tâm hồn cô từ lúc nào không hay, kể cả nhạc phim trong truyện cổ tích "Peau d'âne" (Công chúa da lừa), phim về lứa tuổi học trò "Diabolo Menthe" hay nói về sự ngăn cách chia tay do định mệnh an bài như "La chanson d'Hélène" (Bài ca vĩnh biệt) song ca với Marc Lavoine. Bản nhạc này được trích từ phim "Les choses de la vie" với Romy Schneider và Michel Piccoli trong vai chính.

Nhạc phim ‘’Love Story’’ của tác giả Pháp Francis Lai

Đeo đuổi giấc mơ điện ảnh, Elisa Tovati vào năm 15 tuổi theo học lớp đào tạo diễn xuất Cours Florent. Nhờ vậy, cô được tuyển đóng phim ban đầu cho màn ảnh nhỏ rồi sau đó là màn ảnh lớn. Vai diễn đầu tiên là lúc Elisa được 17 tuổi, trong bộ phim "Macho" (1994) của đạo diễn Bigas Luna, bên cạnh nam diễn viên Javier Bardem, trước khi anh trở thành một diễn viên hàng đầu của làng điện ảnh Tây Ban Nha, cũng như người vợ là ngôi sao màn bạc Penelope Cruz.

Về phần Elisa Tovati, cô thành danh tại Pháp nhờ đóng một trong những vai nữ chính trong loạt phim ăn khách "La vérité si je mens" (2001). Còn trên đài truyền hình, Elisa xuất hiện trong các bộ phim hình sự nhiều tập của Pháp là Thanh tra "Navarro" hay loạt phim hài "Nos chers voisins".

Hơn một thập niên có mặt trong làng phim, Elisa Tovati chuyển sang ghi âm sau khi tham gia một bộ phim ca nhạc. Có lẽ cũng vì Elisa vừa đóng phim vừa đi hát, cho nên cô không cho phát hành nhiều album như một ca sĩ hoạt động chuyên hẳn về một ngành. Cứ khoảng 4 năm, Elisa mới cho ra mắt một album, đổi lại các tập nhạc thường được đầu tư kỹ lưỡng. Giọng ca Elisa ăn khách từ album thứ nhì với ca khúc chủ đề "Il nous faut" ghi âm với nam ca sĩ người Bỉ Tom Dice.

Click vào để nghe Love Story bản tiếng Pháp: Une histoire d'amour

Qua album mang tựa đề "Elisa fait son cinéma", cô chọn những bản nhạc phim giàu cảm xúc, luôn đặt lên hàng đầu những giai điệu trữ tình, chỉ cần thoáng nghe qua là đủ làm hiện lên những hình ảnh khó quên. Album này bao gồm 17 bản nhạc, được chia thành hai mảng : những giai điệu kinh điển thường được phối rất mộc, trong khi các bản nhạc xưa lại được hòa âm theo nhạc pop tân thời.

Trong số các bài hát trên album này, giới yêu nhạc tìm thấy những tác phẩm quen thuộc từ nửa thế kỷ qua như ‘’Bilitis’’ hay "Love Story" (Chuyện tình), phim tình cảm Pháp mới hơn có ‘’L’un part l’autre reste’’ (Kẻ ở người đi), bộ phim nói về lứa tuổi học trò là "Diabolo Menthe" và nhất là ca khúc chủ đề của phim "La Boum" với thần tượng Sophie Marceau trong vai chính. Bản nhạc ‘’Reality’’ từng ăn khách qua giọng ca của Richard Sanderson.

Phiên bản tiếng Pháp của nhạc phim ‘’Top Gun’’

Elisa Tovati cũng tạo được dấu ấn riêng trong cách diễn đạt lại các bản nhạc phim nổi tiếng của nước ngoài trong nguyên tác hay qua các bản phóng tác tiếng Pháp. "Porque te vas" là bản nhạc chủ đề của bộ phim ăn khách"Cria Cuervos", từng đoạt giải thưởng lớn của ban giám khảo tại liên hoan Cannes năm 1976 và hai giải César cùng với Quả cầu vàng (Golden Globe) dành cho phim nước ngoài hay nhất. Riêng ca khúc chủ đề của bộ phim ‘’Top Gun’’ (Phi công siêu đẳng) từng ăn khách trong tiếng Anh qua phần trình bày của nhóm Berlin, nhạc phẩm "Take my breath away" từng được phóng tác sang tiếng Pháp với tựa đề “Le bleu des regrets" (Màu xanh hối tiếc). Người ghi âm đầu tiên trong phiên bản tiếng Pháp là ca sĩ Gérard Lenorman.


Với album ‘’Cinéma’’, Elisa Tovati cho thấy việc kết hợp hai bộ môn nghệ thuật âm nhạc và điện ảnh, tạo ra được sức mạnh có khả năng vượt qua rào cản ngôn ngữ. Trước khi có ca từ tiếng Pháp hay tiếng Anh, giai điệu chuyện tình ‘’Love Story’’ của tác giả Pháp Francis Lai không cần lời mà vẫn hay, không cần hiểu mà vẫn thấm.

Lối hát nhẹ nhàng tinh tế nhờ giọng gió của Elisa Tovati gợi lại nhiều khung trời hoài niệm với những bộ phim mà ta từng xem, nhưng đồng thời truyền thêm sức sống vào trong những giai điệu xuyên thế hệ, vượt thời gian. Khả năng diễn đạt cộng với lối hoà âm phối khí trau chuốt tạo ra bầu không khí đầy cảm xúc, âm thanh chẳng những quyến rũ mà còn giàu hình ảnh, những "thước phim" kỷ niệm đọng lại trong ký ức của biết bao người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy.

Đối với Elisa Tovati, ban đầu chọn nghề diễn viên, việc dành nguyên một album cho nhạc phim, tựa như chọn một vai diễn mới, thích hợp với lối diễn đạt có chủ ý của mình : những giai điệu nhẹ nhàng du dương cho tâm hồn man mác trầm buồn, chưa đành dứt bỏ vấn vương.

Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt

KHÚC GIANG XUÂN CẢM - LA ẨN


Khúc giang xuân cảm - La Ẩn

Giang đầu nhật noãn hoa hựu khai,
Giang đông hành khách tâm du tai!
Cao Dương tửu đồ bán điêu lạc,
Chung Nam sơn sắc không thôi ngôi.
Thánh đại dã tri vô khí vật,
Hầu môn vị tất dụng phi tài.
Nhất thuyền minh nguyệt nhất can trúc,
Gia trú Ngũ Hồ quy khứ lai.


曲江春感 - 羅隱

江頭日暖花又開
江東行客心悠哉
高陽酒徒半凋落
終南山色空崔嵬
聖代也知無棄物
侯門未必用非才
一船明月一竿竹
家住五湖歸去來


Cảm xuân trên sông Khúc
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Đầu sông hoa đã trổ vàng.
Giang Đông lữ khách, hoang mang nắng chiều.
Cao Dương bạn rượu tiêu điều.
Nam Sơn sừng sững từ nhiều năm qua.
Bất tài vô dụng mình ta.
Triều đình phế bỏ, quê nhà tìm lui.
Đầu thuyền trăng sáng ngậm ngùi.
Ngũ Hồ là chốn tìm vui trở về !


Sơ lược tiểu sử tác giả:

La Ẩn 羅隱 (833-909) tự Chiêu Gián 昭諫, người Tiền Đường, thi nhân đời Vãn Đường. Ông vốn tên là Hoành 橫, năm 20 tuổi bắt đầu thi tiến sĩ nhưng thi 10 lần không đỗ nên đổi tên là La Ẩn, tự hiệu Giang Đông sinh 江東生. Khi Hoàng Sào khởi nghĩa, ông tránh nạn ẩn cư tại núi Cửu Hoa ba năm. Tới năm Quang Khải thứ 3 (887), ông 55 tuổi về quê dựa vào Ngô Việt vương Tiền Lưu 錢鏐 (852-932) được giữ các chức Tiền Đường lệnh, Tư huân lang trung, Cấp sự trung. Ông mất năm Khai Bình thứ 3 (909) nhà Hậu Lương (Ngũ Đại) khi 77 tuổi.

Nguồn: Thi Viện

MÓN MÌ RAMEN CHÂN CÁ SẤU MUỐN ĂN PHẢI ĐẶT TRƯỚC VÀI THÁNG

Một tiệm mì ở Đài Loan đã sáng tạo món ramen chân cá sấu, lấy cảm hứng từ quái vật Godzilla, biểu tượng điện ảnh nổi tiếng Nhật Bản.

Chân cá sấu được hầm khoảng hai tiếng trước khi phục vụ khách. Ảnh: CNN.

Món mì độc lạ này mới được đưa vào thực đơn của nhà hàng Witch Cat Kwai, tọa lạc tại thành phố Douliu, miền nam Đài Loan.

Chủ nhà hàng chia sẻ món ramen chân cá sấu hay Godzilla ramen vẫn giữ hương vị gốc và sử dụng những nguyên liệu cơ bản gồm trứng cút, thịt heo, ngô non, măng khô, mộc nhĩ và chả cá. Điểm nhấn là một chiếc chân cá sấu chiếm nửa tô mì.

Người chủ cho biết chân trước cá sấu không dễ nhập, việc chế biến cũng kỳ công, mất nhiều thời gian. Do đó, mỗi ngày nhà hàng chỉ phục vụ hai tô Godzilla ramenm, giá khoảng 50 USD.

Phần chân trước cá sấu sau khi làm sạch được chà xát với rượu và hỗn hợp gia vị gừng, tỏi, hành. Khi đã thấm gia vị, chân được hầm trong nước dùng gia truyền của nhà hàng khoảng hai tiếng. Thời gian hoàn thiện món ăn mất khoảng ba tiếng.

"Nhiều thực khách nhận xét thịt cá sấu có vị giống thịt gà nhưng mềm và giòn hơn. Tôi lại thấy nó giống thịt gà om hơn", chủ nhà hàng nói.


Đây không phải lần đầu ở Đài Loan xuất hiện những món mì lạ, gây tò mò cho thực khách. Tháng trước, một nhà hàng ở Đài Bắc phục vụ món mì ramen bọ biển, một loài giáp xác 14 chân. Món này có công đoạn chế biến đơn giản hơn mì chân cá sấu. Đầu bếp hấp bọ biển khoảng 10 phút sau đó đặt lên bát mì ramen nóng hổi và phục vụ khách.

Hiện thực khách muốn thưởng thức mì chân cá sấu ở nhà hàng Witch Chat Kwai phải đặt trước và sau tháng 8 mới có suất. Tại Đài Loan, nuôi và ăn thịt cá sấu là hợp pháp.

Bích Phương / Theo: CNN
Link tham khảo:



QUÂN CHÚA NGUYỄN XUA ĐUỔI NGƯỜI ÂU CHÂU XÂM CHIẾM CÔN ĐẢO

Phí Tín, tác giả Tinh Tra Thắng Lãm [星槎勝覽], đảm nhiệm chức Thông sự [Phiên dịch] cho phái đoàn Trịnh Hoà, 4 lần xuống Tây dương. Từng đi qua các quốc gia tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương; trong đó có 5 vùng thuộc lãnh thổ Việt Nam hiện nay, như: Chiêm Thành, Linh Sơn [Phú Yên], Tân Đồng Long [Phan Rang, Bình Thuận], Thuỷ Chân Lạp [Nam phần], và Côn Lôn. Thời bấy giờ hầu như mọi chuyến hàng hải từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á đều lấy núi Côn Lôn làm chuẩn; vì Côn Lôn tức Côn Sơn hiện nay với đỉnh cao 577 mét, giúp tàu thuyền có thể thấy được từ xa. Phí Tín mô tả Côn Lôn trong Tinh Tra Thắng Lãm như sau:

Một bức hình quý về Côn Đảo xưa từ Cầu Tàu 914 hướng về Dinh Chúa Đảo

“Núi Côn Lôn.

Núi này đứng giữa biển rộng, làm tiêu chuẩn cho Chiêm Thành, Đông Tây Trúc [Pulau Aur] cùng nhìn vào. Núi cao mà vuông, gốc rễ sơn mạch rộng và xa, biển này gọi là biển Côn Lôn. Phàm thuyền bè đến Tây Dương phải chờ lúc thuận gió, đi [từ Trung Quốc] 7 ngày đêm có thể qua nơi này. Tục ngữ rằng “Phía trên thì sợ Thất Châu (1), phía dưới thì sợ Côn Lôn, cầm lái sai hướng, người và thuyền không còn.” Núi này không có vật lạ, không có nhà ở; nhưng có thể dùng cá, tôm, trái cây để ăn, sống trên cây hoặc trong hang.”

Trần Luân Quýnh [1687-1751] người huyện Đồng An, tỉnh Phúc Kiến; năm Ung Chính thứ 4 [1726] phụng chỉ đảm nhiệm Tổng binh trấn Đài Loan, sau làm quan đến chức Thuỷ sư đề đốc tỉnh Chiết Giang. Ông soạn sách Hải Quốc Văn Kiến Lục [海国闻见录], chép những điều tai nghe mắt thấy về các nước giáp biển tại phía nam Trung Quốc. Cũng như Phí Tín trong Tinh Tra Thắng Lãm, Trần Luân Quýnh rất lưu ý đến Côn Lôn; ngoài việc giới thiệu đảo này, tác giả còn cung cấp thêm các sử liệu về việc người Tây Phương từng tranh dành đảo và đã bị thất bại:

“Côn Lôn:

Côn Lôn đề cập đây không phải là núi Côn Lôn quanh co trên sông Hoàng Hà [Trung Quốc]. Vị trí nó tại phía nam Thất Châu Dương, có hai núi nhô lên trên biển, gọi là Đại Côn Lôn, Tiểu Côn Lôn. Núi lắm sự tích lạ, trên có nhiều cây có, trái ngọt; không có bóng người, do thần Rồng chiếm cứ.

Trước kia Hà Lan mất Đài Loan (2), việc Trung Quốc cấm biển chưa khôi phục. Rồi nhân 2 đảo Kim Môn [tỉnh Phúc Kiến], Hạ Môn [tỉnh Phúc Kiến] được lấy lại (3); Hà Lan mang quân đến cướp tại núi Phổ Đà [huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang], vào chùa phá tượng, chuông đồng. Có tượng Phật đời Vạn Lịch [triều Minh], đao kiếm không phá được; chúng bèn dùng đạn pháo phá huỷ, lấy những đồ vàng bạc vật quí; thấy tượng chúng liền mổ ra, lấy những đồ quí chứa bên trong, rồi mang đi. Đến Côn Lôn, bị thầnRồng quấy phá, bèn dùng súng pháo đánh nhau với Thần. Hai bên cầm cự mấy ngày, rồi người Hà Lan trở nên điên cuồng lấy cùi tay đấm vào ngực, có thêm người chết; bèn giong buồm đến Cát Thứ Ba [Jakarta, Indonesia], thuyền bị đụng chìm, còn sống sót được 10 người….”

[昆仑者,非黄河所绕之昆仑也。七州洋之南,大小二山屹立澎湃,呼为大昆仑、小昆仑。山尤甚异,上产佳果,无人迹,神龙蟠踞。
昔荷兰失台湾,边海界禁未复,因金、厦二岛平,荷兰掠普陀,毁铜像、铜钟。万历间,宫塑脱纱佛像,刀刃不能伤;驾火炮坏之,取里所实金银财宝。见像必剖,以取脏宝,悉收而去。至昆仑,意欲居之;龙与为患,藉火炮与龙斗。相持有日,后荷兰状若颠狂,自相戏以曲腕击背心,日益毙;扬帆而去,将至噶喇吧,船击碎,存活者可十人。]

Bản đồ Côn Đảo xưa có tên gọi Poulo Condor

Hãy dẹp câu chuyện thần thoại thần Rồng đánh nhau với quân Hà Lan, nhưng việc Hà Lan từ bỏ Côn Lôn là một sự kiện [fact], và Côn Lôn lúc bấy giờ là phần đất thuộc nước Quảng Nam do chúa Nguyễn cai quan, nên lực lượng gây khó khăn cho Hà Lan chính là nước Quảng Nam. Cũng theo tác giả Hải Quốc Kiến Văn Lục xác định lãnh thổ nước Quảng Nam từ tỉnh Quảng Bình đến Nông Nại [Đồng Nai], Đông Bộ Trại [Chân Lạp]; thực lực mạnh hơn Giao Chỉ [chúa Trịnh] miền bắc. Việc chúa Nguyễn đánh Hà Lan không chỉ xãy ra một lần. Vào năm Giáp Thân [1644] Thế tử Dũng Lễ hầu [tức chúa Nguyễn Phúc Tần tương lai] đánh phá giặc Hà Lan tại cửa Eo [cửa Thuận], một thuyền lớn giặc bị thiêu huỷ, Đại Nam Thực Lục (4) chép như sau:

“Thế tử Dũng Lễ hầu đánh phá giặc Ô Lan (nguyên chú: tức Hà Lan) ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin, Chúa đang tìm kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung, ước đưa thuỷ quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền cùng đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại, Trung bèn dục binh thuyền tiến theo, thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhắm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về. ”

Lại một lần khác vào đầu thế kỷ thứ 18, quân Anh đến chiếm Côn Sơn. Trấn thủ dinh Trấn Biên [Biên Hoà] Trương Phúc Phan dùng dân Chà Và [Java] làm nội tuyến tiêu diệt bọn chúng; sự việc ghi trong Đại Nam Thực Lục(5) như sau:

“ Tháng 8 năm Nhâm Ngọ [1702]…Giặc biển là người Man, An Liệt [English] có 8 chiếc thuyền đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người, tự xưng là Nhất ban, Nhị ban, Tam ban, Tứ ban [mấy ban chỉ cấp bực, như quan Một, quan Hai, quan Ba, quan Tư], cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên [Biên Hoà] là Trương Phúc Phan ( con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy Công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy.

…Mùa đông tháng 10 năm Quí Mùi [1703] dẹp yên đảng An Liệt [English]. Trước đó Trấn thủ Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và [Java, Indonesia] sai làm kế trá hàng đảng An Liệt, để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết; ở Côn Lôn hơn 1 năm không thấy Trấn Biên xét hỏi tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại; đâm chết Nhất ban, Nhị Ban, bắt được Ngũ ban trói lại; còn Tam ban, Tứ ban thì theo con đường biển trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì mang binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên Ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường.”

Ngoài sử liệu về Hà Lan, Hải Quốc Văn Kiến Lục còn đề cập đến việc người Anh trở lại Côn Sơn, bị quân chúa Nguyễn xua đuổi như sau:

“ Vào thời Khang Hy thứ 45, 46 [1706-1707] Hồng Mao [Anh] lại mưu lấy Côn Lôn, nhưng không dám trú gần núi, bèn làm phố gần bờ biển; cho rằng Côn Lôn là chỗ 4 biển lưu thông, nên tham vọng không dừng. Có thuyền buôn Trung Quốc chở gạch ngói đến bán cho Hồng Mao; thứ hàng này vốn ít, mà lời nhiều. Tối họ trú tại bãi cát, thấy người thiếu đi, sau biết rằng đã bị cá sấu ăn; bèn chặt cây làm rào vây quanh mới được yên; tối nghe trong núi có tiếng [chim?] kêu như dục về. Hồng Mao không hợp thuỷ thổ nên chết nhiều; lại bị phiên Quảng Nam [chúa Nguyễn]cướp giết gần hết, nên bèn bỏ nơi này.”

[康熙四十五、六年间,红毛又图昆仑,不敢近山居住,就海傍立埔头;以昆仑介各洋四通之所,嗜涎不休。有中国洋艘载砖瓦往易红毛洋货,以其本廉而利大。夜团宿于沙洲,人寂寂稀少,后密窥知为鳄鱼步岸所吞;伐木围栅稍宁,夜闻山中语语促归。红毛为水土不服,毙者甚多;又为广南番劫杀殆尽,仍虚其地]

* * *

Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sĩ cung đình thời Nguyễn

Vào tiền bán thế kỷ thứ 19, Hà Lan và Anh là hai đế quốc sừng sỏ liên tục vùng vẫy tại Á Châu, ngay nước lớn như Trung Quốc cũng phải lo lắng, mất ăn, mất ngủ trước các thế lực này.Côn Đảo nước ta, vị trí xa đất liền, lại nằm giữa con đường lưu thông quốc tế; nhìn xung quanh thì Phi Luật Tân bị Tây Ban Nha chiếm; Mã Lai, Tân Gia Ba bị Anh chiếm; riêng Côn Đảo vẫn giữ được thế tự chủ; công của chúa Nguyễn trong việc giữ nước thật không nhỏ. Bởi vậy con cháu đời sau; như vua Tự Đức, sau khi đánh mất 6 tỉnh Nam Kỳ, cảm thấy nhục với tổ tiên; đã tự xỉ vả mình một cách nặng nề trong Tự Biếm Dụ[ đạo dụ Tự Trách Mình] như sau:

Trên 200 năm khai sáng gìn giữ gian nan, bỏ trong một sớm; chính là tội của tên tiểu tử này,kể sao cho xiết! Túng sử có lập được nên công đức cũng không đủ chuộc được tội lỗi. Huống hồ Trẫm lại không công, không đức, chỉ trơ mặt, trơ thân ngồi nhìn, lần lữa cho đến già yếu; tuy thiên hạ không nỡ trách ta, nhưng lòng ta há lại không suy nghĩ?

[二百餘年創守艱難, 棄于一旦, 是予小子之罪, 不可勝言, 縱有何功德亦不足以贖. 况無功無德徒靦面尸位, 積日以至于衰老, 人不忍斥, 予豈何心]

Chú thích:

1.Thất Châu: đảo cách phía đông tỉnh Hải Nam khoảng trên 100 km, cũng như đảo Côn Lôn, cả hai đều nằm trên đường hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á.

2.Nước Hà Lan chiếm Đài Loan vào năm 1624, sau đó bị lực lượng phản Thanh phục Minh của Trịnh Thành Công đánh bại, Hà Lan bỏ Đài Loan năm 1662.

3.Sau khi mất Đài Loan, Hà Lan giúp cho nhà Thanh lấy lại Kim Môn, Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, từ lực lượng phản Thanh phục Minh.

4.Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục: Hà Nội, 2006, tập 1, trang 57.

5.Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo dục: Hà Nội, 2006,Tập 1, trang 115, 117.

Hồ Bạch Thảo
Theo: nghiencuulichsu

Monday, November 4, 2024

MỘT TỘI HAI LẦN ĐÒN

Ngày ấy, dù chưa được học thứ tự xã hội “Quân – Sư – Phụ” của Khổng Tử, nhưng chúng tôi được giáo dục với nguyên tắc phải kính trọng và nghe lời thầy cô hơn cả cha mẹ mình. Và quả thật như vậy, vì đã có những lần tôi bị phạm lỗi, ăn đòn hay bị bắt quỳ ở trường, khi về đến nhà không hiểu sao có “tình báo nhân dân” đưa tin, thế là tôi bị bắt quỳ và ăn đòn tiếp.


Tôi có may mắn được lớn lên và thụ hưởng nền giáo dục từ cả hai nền Cộng Hòa của miền Nam, từ bậc tiểu học cho đến trung học và một phần của đại học. Những kỷ niệm, những câu chuyện của thời đi học đó, tưởng chừng như chỉ là những chuyện được giữ lại để kể với nhau khi trà dư tửu hậu, giữa những bạn già sống cùng thời. Hoặc nếu may mắn lắm, kể cho các thế hệ mầm non tò mò về những chuyện xưa tích cũ.

Nhưng rồi, những “câu chuyện giáo dục” ngày nay cứ lũ lượt hiện ra, không muốn đọc, không muốn thấy mà cứ bị đập vào mắt. Từ chuyện thầy giáo, cô giáo làm tiền học trò, đến chuyện bố mẹ học trò xách dao lên trường tìm thầy cô xin tí huyết. Từ chuyện giáo sư có tiền thật bằng giả, đến chuyện quan chức giáo dục nói ngọng níu ngọng no. Công bằng mà nói, hiện nay rất nhiều thứ bị lên án là “thời mạt pháp”, không phải chỉ riêng giáo dục. Nhưng giáo dục là sự nghiệp trồng người, là sự nghiệp mà trước đây đã được Viện Đại Học Đà Lạt ghi lên emblem của trường, chữ Thụ Nhân, lấy ý từ bài thơ nổi tiếng của Quản Trọng:

Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc
Chung niên chi kế, mạc như THỤ NHÂN

(Kế hoạch một năm, không gì bằng trồng ngũ cốc
Kế hoạch mười năm, không gì bằng trồng cây
Kế hoạch trọn đời, không gì bằng TRỒNG NGƯỜI)

Sự nghiệp trồng người mà cũng mạt thì còn trồng được gì nữa??

Viết về nền giáo dục thời trước là cả một đề tài dài hơi và sâu rộng. Ở đây, tôi chỉ muốn ghi lại để chia sẻ một số hồi ức của tôi qua suốt thời đi học. Để thấy rằng, vì sao tôi nghĩ chúng ta đang ở vào thời mạt pháp của giáo dục.


Thời tiểu học, dưới nền Đệ Nhất Cộng Hòa, xã hội còn mang khá nặng quan niệm và tập quán lễ nghĩa của xã hội thời Khổng Giáo. Tôi còn nhớ mỗi sáng, khi cả trường đang đứng xếp hàng trong sân làm lễ chào cờ, phía ngoài đường lộ trước sân trường có ai lỡ đi xe ngang đều phải ngừng lại, xuống xe đợi cho xong buổi chào cờ mới lên xe đi tiếp, không có ngoại lệ. Còn khi đang đi trên đường, nếu gặp xe tang đi ngang cũng phải ngừng lại và ngả mũ chờ cho xe qua khỏi.

Ngày ấy, dù chưa được học thứ tự xã hội “quân – sư – phụ” của Khổng Tử, nhưng chúng tôi được giáo dục với nguyên tắc phải kính trọng và nghe lời thầy cô hơn cả cha mẹ mình. Và quả thật như vậy, vì đã có những lần tôi bị phạm lỗi, ăn đòn hay bị bắt quỳ ở trường, khi về đến nhà không hiểu sao có “tình báo nhân dân” đưa tin, thế là tôi bị bắt quỳ và ăn đòn tiếp. Thậm chí có lần còn bị dắt đến nhà thầy/cô để xin lỗi!! Có thể như vậy là hơi quá so với thời đại tân tiến ngày nay, nhưng rõ ràng nhờ vậy chúng tôi đã nên người, và đã giữ được đạo thầy – trò trong suốt cuộc đời!

Tôi được học nhiều bài học, với nhiều thầy cô, mà mãi đến nay tôi vẫn nhớ như in, những ấn tượng khiến tôi chẳng thể nào quên. Bài thơ sớm nhất mà tôi vẫn còn nhớ, là bài “Vịnh bức dư đồ rách” (sau này mới biết là của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi núi khéo bia cười!
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi

Với hình vẽ sơ sài bản đồ nước Việt Nam rách tơi tả. Chỉ có vậy mà tôi nhớ mãi, như ấn tượng đầu tiên về giải đất hình chữ S của mình, chẳng cần phải kêu gọi tự hào gì cả!!


Những bài học thời tiểu học, mỗi bài đều mang một ý nghĩa về đạo đức, về xã hội, về trách nhiệm của công dân, đi kèm với những câu chuyện được trích ra từ sách sử. Các chủ đề được rải đều trong chương trình cả năm, dạy dỗ chúng tôi biết cách cư xử với cha mẹ, anh chị em trong gia đình, với bạn bè, người quen ngoài xã hội, cho đến cách cư xử với cả loài vật. Sau này, khi được đọc Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, tôi rất thích thú và có ấn tượng mạnh với bài Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư. Tôi cố tìm cho bằng được bộ sách nổi tiếng này, để rồi đã ngỡ ngàng nhận ra nội dung của quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng cũng chính là nội dung của sách Quốc Văn lớp Ba (cũng là lớp Ba hiện nay) mà tôi đã được học, chỉ bớt đi vài bài mang tính chính trị thời Pháp thuộc. Cũng những câu chuyện về Cái Lưỡi, về Ông Châu Trí, về Quả Bứa … quen thuộc. Một bộ sách đã được soạn ra gần một trăm năm mà bây giờ mở ra đọc lại vẫn thấy tính nhân bản, tính đạo đức, tính học làm người bao trùm khắp các chương sách. Tôi tự nhủ, nếu bộ sách này vẫn được dạy trong các trường tiểu học hiện nay, dù có được cập nhật thêm chút cho phù hợp với xã hội hiện đại, liệu những chuyện của thời mạt pháp có vẫn xảy ra hay không!

Những thầy cô mà tôi được học, mỗi người đều có một vẻ, một phong cách rất riêng, những phong cách mà tôi khâm phục và nhớ mãi. Như cô giáo dạy Sử (Việt). Tôi vẫn dễ dàng nhớ lại hình ảnh Cô với cặp kính cận dầy cui, đang đi đi lại lại trong lớp, tay cầm một tập giấy chi chít chữ, và giảng cho chúng tôi nghe về một đoạn sử nào đó trong chương trình. Chương trình được ấn định bởi Bộ Giáo Dục, sách giáo khoa dựa theo để soạn nên đã có những nội dung cơ bản cần phải học. Nhưng cô luôn luôn đưa ra bài giảng riêng với những chi tiết không hề có trong các sách giáo khoa này, mà nếu bây giờ thì sẽ được gọi là những “behind the scenes” của chính sử. Vậy nên, trong khi cô giảng bài một cách say sưa như nói về một đề tài mà mình đam mê (nhưng cặp mắt lim dim sau cặp kính cận đó vẫn tóm ngay được cô/chú nào lo làm việc riêng hay nói chuyện với nhau), chúng tôi phải chép liên tục, ngoáy mù trời đến mức phải dùng đủ cách viết tắt cho kịp tốc độ giảng của cô. Tôi nghĩ, chắc cô cũng đã truyền được lửa đam mê môn Sử đó cho một vài học trò của cô. Chỉ tiếc là tôi còn có nhiều đam mê khác nữa nên không làm truyền nhân của cô được!

Năm lớp Chín (tức đệ Tứ), chúng tôi được học về Thế giới Sử, trong đó phần hấp dẫn nhất là hai cuộc chiến tranh Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Sử thế giới thường là một môn học khô khan, khó nuốt vì những sự kiện xảy ra xa xôi từ những đất nước xa lạ, con người xa lạ. Thế mà những giờ học lịch sử thế giới của chúng tôi lại trở thành những giờ học hấp dẫn, lôi cuốn nhất nhờ người Thầy tận tâm và đầy đam mê. Thầy có một bộ sưu tập rất đầy đủ tạp chí Paris Match về những sự kiện trên thế giới, và mỗi giờ học ông lại mang vào cuốn tạp chí có chủ đề về sự kiện xảy ra trong bài học hôm đó. Nhờ Thầy, chúng tôi đã mê say theo dõi từng bước diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bắt đầu từ vụ ám sát hoàng thân Franz Ferdinand ở Serajevo với những câu chuyện hậu trường đi kèm.

Nhưng lôi cuốn nhất vẫn là những câu chuyện về thế chiến thứ hai, vì cuộc chiến này dù sao cũng còn mới và gần gũi với Việt Nam. Thầy có rất nhiều tư liệu bằng hình ảnh chân thực từ các cuốn Paris Match được mang vào lớp. Nhờ những câu chuyện Thầy kể một cách say sưa và có minh họa bằng Paris Match, chúng tôi đã có những cái nhìn cụ thể về sự vươn lên nắm quyền lực và hình thành Đệ Tam Đế Chế (The Third Reich) của Hitler, về nhân vật Bộ Trưởng Tuyên Truyền Goebbels với những đòn tuyên truyền và phản tuyên truyền xuất sắc .. Về ngày D và giờ H (“ngày dài nhất” – The Longest Day) của chiến dịch đổ bộ tại Normandy, cho đến ngày tàn lụi của giấc mơ chủng tộc Aryan thượng đẳng. Và những khám phá về kế hoạch diệt chủng người Do Thái sau khi quân Đồng Minh tiến vào những vùng đất chết … Sự kiện, số liệu … chúng tôi có thể đọc được từ sách vở, báo chí, nhưng niềm đam mê của Thầy khi giảng dạy mà như kể chuyện đã khiến chúng tôi say sưa cuốn theo dòng lịch sử. Tôi chắc rằng đã có nhiều bạn được truyền cảm hứng từ Thầy để chọn ngành sư phạm sau này.

Năm lớp 10, Thầy dạy môn Địa Lý của lớp tôi là một người nhỏ bé, với cặp mắt to, nâu và những lời giảng bài thật dịu dàng, mềm mại. Nhưng khi đến bài nói về vùng duyên hải Nam Trung Phần, Thầy chợt như biến thành một con người khác khi mô tả nét đẹp của những cồn cát vùng Mũi Né, Phan Thiết, với sự hoang sơ và hùng vĩ lúc bình minh và kỳ bí khi hoàng hôn. Sự đam mê lộ rõ trên nét mặt Thầy, với niềm hạnh phúc khi truyền đạt những vẻ đẹp của đất nước cho hậu sinh chúng tôi, khiến tôi nhớ mãi và khắc ghi trong lòng, một ngày nào đó phải đến thăm cho bằng được những dang thắng này. Một hôm trên đường đi học, khi nhìn ra từ trên xe Lam, tôi chợt để ý một người với vóc dáng nhỏ thó quen thuộc, đang đội chiếc nón lá và đi bộ chậm rãi dưới cái nắng chang chang của mùa hè. Thật ngạc nhiên, khi tôi nhận ra đó chính là Thầy, và con đường mà Thầy đang đi bộ đến trường dài khoảng ba cây số! Thầy đi một cách chậm rãi và điềm đạm như đang đi dạo mát, y như cách Thầy giảng bài trong lớp. Hay như nhà hiền triết Diogenes đang soi đèn đi tìm người giữa ban ngày!

Những thầy cô dạy Việt Văn cũng đã truyền lại cho chúng tôi niềm say mê hiểu biết về nền văn học thời cận đại, thông qua những giai thoại về các nhân vật văn học của Việt Nam. Thầy dạy Việt Văn năm lớp 11 rất dí dỏm khi kể các giai thoại về Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ, với những bài thơ và câu đối không tìm thấy trong sách giáo khoa, như câu chuyện đối đáp với sư thầy kiêu ngạo của làng Uy Viễn

Sư thầy treo câu đối trước cổng chùa, thách thức kẻ sĩ đối lại : “Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng phật thánh thần tiên cũng khác tục!”

Nguyễn Công Trứ, lúc đó còn là nho sinh, bèn mỉm cười mà nguệch ngoạc đối lại “Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người!”

Hay cặp câu đối của Cao Bá Quát lúc bị đi đày làm giáo thụ ở Quốc Oai:

Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi


Cô giáo Việt Văn, trong khi chúng tôi đang thích thú nghe câu chuyện giai thoại về câu đối trên, bỗng làm chúng tôi cụt hứng khi phân tích sự vô lý (khiên cưỡng) của câu đối. “Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” vậy cộng lại ra một rưỡi à?? Rồi câu thơ của Nguyễn Khuyến

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Cũng bị Cô vạch ra: Đã là lá vàng trước gió khẽ đưa …. thì phải rất nhẹ nhàng, không thể đưa đánh vèo một cái như mũi tên bay được! Cô hay có những nhận xét tréo ngoe như vậy, khiến chúng tôi hiểu được là không có gì hoàn hảo, và mọi sự việc đều nên nhìn từ những khía cạnh khác nhau, giống như có một chủ đề mà Cô đã đưa ra cho chúng tôi biện luận: Chứng minh những thái cực thường gặp nhau.

Đi vòng qua Cao Bá Quát một chút, giờ phải quay lại với Uy Viễn Tướng Quân, vì tôi được học về ông những hai lần trong chương trình Việt Văn, lần đầu năm lớp 9 và lần sau năm lớp 11. Năm lớp 9, tôi được học Hàn nho phong vị phú:

Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.


Và nhớ mãi, nhờ cách giảng bài theo kiểu hài lạnh (kể chuyện hài hước mà mặt vẫn phớt tỉnh Ăng-Lê) của Thầy Việt Văn với những mẩu giai thoại đi kèm. Nhưng giai thoại về Nguyễn Công Trứ được nghe kể nhiều nhất là năm lớp 11. Đó cũng là năm của Mùa Hè Đỏ Lửa, năm mà tôi phải chia tay nhiều bạn bè lên đường ra trận trong lúc đầu còn xanh, tuổi còn trẻ. Một mặt nghe và học những bài về Chí làm trai, về chữ Nhàn, mặt kia nghe bom đạn nổ từng đêm, nghe tin chết trận hàng ngày! Thế nhưng, với tài dí dỏm khi kể về những giai thoại ngoài lề, Thầy Việt Văn (thầy khác, nhưng vẫn với phong cách hài lạnh) đã khiến tôi nhớ mãi và thậm chí mơ tưởng đến mẫu hình người trai của Nguyễn Công Trứ

Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

Để đến khi công đã thành, danh đã toại thì còn gì bằng được hát câu

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Và hưởng Nhàn khi đã hiểu câu

Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn

Cũng năm lớp 11, tôi được học Thầy Đinh văn Lô, ông thầy mà tôi đã được biết tiếng qua Trường Cũ của Duyên Anh, với đặc điểm “Thầy Lô có cái tật tức giận là nói lớn. Mà nói lớn là nước bọt văng tùm lum. Bọn ngồi bàn đầu phải lấy sách che mặt. Rồi tan học, bảo nhau lột giấy bao sách, vở”. Xin xác nhận điều này, mặc dù Duyên Anh có hơi quá lố một chút, vì tôi ngồi ngay bàn đầu nhưng chưa khi nào phải lấy sách che mặt rồi lột giấy bao. Nhưng có một điều khác mà Duyên Anh chưa biết về Thầy Lô. Năm đó Thầy là giáo sư chủ nhiệm lớp tôi. Chúng tôi có một chuyện nhỏ bị vướng tới chính quyền địa phương, và Thầy đã đứng ra bảo kê cho chúng tôi, vừa lo lắng vừa cằn nhằn như một người cha lo cho mấy đứa con quậy phá. Chúng tôi nợ mãi ơn Thầy, chẳng bao giờ trả được!!

Ngày trước, khi lên đến Đệ Nhị Cấp (lớp 10 đến lớp 12), chúng tôi đã được xem là người lớn, được Thầy Cô gọi là các anh chị, để khi bước vào bậc Đại Học, chúng tôi đã là những người trưởng thành và hiểu được trách nhiệm, bổn phận của mình đối với gia đình, với xã hội, với đất nước. Vì trước đó chúng tôi đã được trang bị đầy đủ cho hành trang vào đời của mình, những kiến thức cơ bản, kể cả những hình thức chính trị như chế độ Cộng Hòa Đại Nghị, chế độ Quân Chủ Lập Hiến, Tam Đầu Chế … ý nghĩa của Tam Quyền Phân Lập … và những hình thức Kinh Tế Tự Do, Kinh Tế Hoạch Định, những hình thái Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn, Công Ty Nặc Danh (Cổ Phần) …

Chuyện về thời đi học còn nhiều lắm, dài lắm. Nhưng chỉ với bấy nhiêu chuyện đó thôi, đã đủ để chúng tôi nhớ đến cả đời, để không bao giờ quên được những gì đã được dạy dỗ, được truyền đạt từ các Thầy Cô, với đường lối giáo dục lấy Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng làm nền tảng. Trưởng thành trong một nền giáo dục như vậy, có thể hiểu được vì sao chúng tôi xót xa, chán chường với những gì đang diễn ra của thời mạt pháp!!


Tôi chợt nhớ, có một đêm trăng tròn, chợt tỉnh giấc giữa đêm khuya, nhìn ra ngoài cửa và hiểu ra mình thức giấc vì ánh trăng vòi vọi trên cao đã chiếu vào phòng. Mùi hoa nguyệt quế thoang thoảng trong không gian, câu thơ ngày xưa bỗng hiện lên

Thị tại môn tiền Náo
Nguyệt lai môn hạ Nhàn

Một cảm giác khó tả dâng tràn trong tôi. Đã nhàn rồi đấy sao?

Nguyễn Văn Đạo

Viết để tưởng nhớ và ghi ơn các Thầy Cô: Cô Võ thị Hường – (Giáo sư Sử ), thầy Phạm Hoài Đức (Việt Văn), thầy Bùi Đức Chu (Sử – Pháp Văn), thầy … Chuyết (Địa Lý), thầy Đinh văn Lô (Toán), thầy Nguyễn Quang Xỹ (Việt Văn), cô Nguyễn thị Bất Tri (Việt Văn), cô Lê thị Túy Đại (Việt Văn), thầy Lê Hoàng Long (Âm Nhạc),…


ĐỆ NHẤT HỒI TIỀN THI - TÀO TUYẾT CẦN


Đệ nhất hồi tiền thi
Tào Tuyết Cần

Phù sinh trước thậm khổ bôn mang?
Thịnh tịch hoa diên chung tán trường.
Bi hỉ thiên bàn đồng huyễn diểu,
Cổ kim nhất mộng tận hoang đường.
Mạn ngôn hồng tụ đề ngân trọng,
Cánh hữu tình si bão hận trường.
Tự tự khán lai giai thị huyết,
Thập niên tân khổ bất tầm thường!


第一回前詩 - 曹雪芹

浮生著甚苦奔忙?
盛席華筵終散場。
悲喜千般同幻渺,
古今一夢盡荒唐。
謾言紅袖啼痕重,
更有情痴抱恨長。
字字看來皆是血,
十年辛苦不尋常!


Thơ đầu hồi thứ nhất
(Dịch thơ: Hoàng Nguyên Chương)

Phù sinh cùng cực nỗi long đong
Bữa tiệc phồn hoa vẫn cáo chung
Nghìn lối buồn vui tuồng ảo hoá
Mỗi trang kim cổ mộng bằng không
Chuyện chơi vẫn đọng khô dòng lệ
Tình đắm còn ôm hận cõi lòng
Chữ chữ xem ra đều rướm máu
Mười năm cay đắng lấy gì đong!


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tào Tuyết Cần 曹雪芹 (4/4/1710 - 10/6/1765) là một tiểu thuyết gia vĩ đại người Trung Quốc, tác giả của cuốn tiểu thuyết Hồng lâu mộng, một trong tứ đại kỳ thư của văn học cổ điển Trung Quốc.

Gia đình thế hệ trước của Tào Tuyết Cần là một gia đình quan lại thuộc tầng lớp đại quý tộc thời nhà Thanh Trung Quốc. Từ đời tổ đến đời cha của ông đã thay nhau giữ chức “Giang ninh chức tạo” là một chức quan to thu thuế trong triều đình. Năm lần vua Khang Hy tuần du phương Nam thì bốn lần ở lại nhà họ Tào. Ông nội ông là Tào Dần, một nhà văn xuất sắc vùng Giang Ninh. Đến đời của ông tất cả sự giầu sang quyền quý của gia đình đã trở thành quá khứ. Gia đình ông bị mắc nạn. Ông sống trong nghèo khổ, phải đưa gia đình đi khắp nơi để mưu sinh. Mười năm cuối đời ông đã dồn toàn bộ tâm huyết và tinh thần vào để tạo nên kiệt tác Hồng lâu mộng.

Nguồn: Thi Viện

NGƯỜI TA THƯỜNG NÓI: "NGỰA TỐT KHÔNG QUAY ĐẦU ĂN CỎ PHÍA SAU" CÒN VẾ SAU KINH ĐIỂN HƠN

Nền văn hóa Phương Đông có hàng nghìn năm lịch sử và văn hóa, không còn nghi ngờ gì nữa, những nền văn hóa kinh điển còn tồn tại cho đến ngày nay chính là biểu tượng cho trí tuệ của cổ nhân và những tinh hoa được chắt lọc và lưu giữ lại cho đến ngày nay.


Ngày nay, từ chỗ nhìn thấy các văn vật, cảm thụ được giá trị văn hóa lịch sử, càng ngày càng ít đi. Bởi vì những thứ này đều là tinh hoa do thời gian lưu giữ lại, quả thật có giá trị phi vật thể to lớn.

Hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu nói “Hảo mã bất cật hồi đầu thảo” (好馬不吃回頭草) tạm dịch ngựa tốt ăn cỏ không quay đầu, cũng thuộc về sự truyền thừa ngôn ngữ trong văn hóa cổ đại.

01

“Hảo mã bất cật hồi đầu thảo” câu nói này hầu như ai cũng đã từng nghe qua, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu cội nguồn của câu nói này nhé.

Ảnh “Hảo mã bấtt cật hồi đầu thảo”. Nguồn Aboluowang

Câu nói này thực sự bắt nguồn từ một điển cố. Câu chuyện này kể về một chú ngựa hiền lành đã trốn khỏi chuồng và đến đồng cỏ tự do. Sau khi con ngựa đến đồng cỏ, nó chỉ tìm cỏ non để ăn, và mỗi khi nó tập trung ăn cỏ non thì không bao giờ ngó trước ngó sau.

Câu nói này ở trong dân gian là để chỉ những người có khát vọng cao cả sau khi đã hạ quyết tâm, dù cho gặp phải ngăn trở lớn bao nhiêu cũng không bao giờ quay đầu.

Người ta thường thích dùng câu này đối với những người trẻ tuổi, khi mới bước vào xã hội, họ giống như những chú ngựa vừa ra khỏi chuồng, có khát vọng rất cao cả và tràn đầy nhiệt huyết, nhưng đồng thời cũng không dễ dàng chịu được đả kích. Đặc biệt những ai lớn lên dưới sự chăm sóc, bảo hộ của cha mẹ là những người dễ lùi bước và bỏ cuộc nhất khi gặp khó khăn. Câu nói này là một ẩn dụ thích hợp cho họ.

Ảnh Những người trẻ tuổi khi mới bước vào xã hội, họ giống như những chú ngựa vừa ra khỏi chuồng, có khát vọng rất cao cả và tràn đầy nhiệt huyết, nhưng đồng thời cũng không thể chịu được đả kích. Nguồn Aboluowang

Khi gặp phải những ngăn trở, đừng mải lo tính trước tính sau, “hảo mã bất cật hồi đầu thảo” ngựa tốt ăn cỏ không quay đầu, một khi đã chọn thực hiện những hoài bão của mình thì chỉ có thể nhìn về phía trước.

Con đường duy nhất là không lùi bước thì bạn mới có thể bước đi một cách suôn sẻ, và tự mình trở thành những nhân vật hàng đầu mà bạn khao khát. Đây là chân lý.

Đạo lý mà câu nói này muốn gửi gắm đến chúng ta, trong quá trình tiến lên có thể có chông gai, thăng trầm nhưng chỉ cần chúng ta luôn tập trung và luôn kiên định với mục tiêu thuở ban đầu thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện được.

02

Tuy nhiên câu “Hảo mã bất cật hồi đầu thảo” không phải là trọng điểm mà người viết muốn đề cập đến hôm nay. Có lẽ nhiều người không biết rằng phía sau câu này còn có một vế đối nữa đặc biệt kinh điển, đó là: “Trung thần vô sự nhị chủ tâm” (忠臣無事二主心).

Tại sao vế sau này lại kinh điển đến như vậy? Điều đầu tiên cần nhìn là sự đối xứng của câu trên và câu dưới, “hảo mã” và “trung thần” tương đối cân xứng.

Tiếp theo phải nói đến nguồn gốc xuất xứ của câu nói xuất hiện trong “Danh hiền tập” “nhất mã bất bị song an, trung thần bất sự nhị chủ” tạm dịch: một con ngựa không thắng hai yên, trung thần không thờ hai chủ.

Ảnh “Trung thần bất sự nhị chủ tâm”. Nguồn InternatTrong “Danh hiền tập” câu nói này có ý tứ là một vị đại trung thần không bao giờ phụng dưỡng hai vua.

Trong sử sách đã có ghi chép lại rất nhiều các nhân vật nổi danh nhìn chung họ đều có chung một quan điểm, đó là nhất định phải trung thành với triều đình, toàn tâm đối đãi với hoàng đế. Từ lịch sử cho thấy “trung thần vô sự nhị chủ tâm” là chí hướng chung của họ.

Trong thời kỳ triều đại phong kiến, Hoàng đế là vĩ đại nhất, là thần dân nhất định trong tâm phải nhất quán như một, nhiều công thần và tướng lĩnh quân đội đều tin tưởng vào điều này.

Nhiều người tự họ đều hết mực hầu hạ một vị quân chủ cho đến khi hoàng đế băng hà thì đã chọn cách lui xuống ở vị trí thấp hơn, thậm chí một số những thần tử còn trực tiếp từ quan trở thành dân.

Ảnh: Nhiều người tự họ đều hết mực hầu hạ một vị quân chủ cho đến khi hoàng đế băng hà, thì đã chọn cách lui xuống ở vị trí thấp hơn, thậm chí một số những thần tử còn trực tiếp từ quan trở thành dân. Nguồn K.sina.cn

03

Thực ra, dù là câu nói “hảo mã bất cật hồi đầu thảo, trung thần vô sự nhị chủ tâm” hay câu nói nổi tiếng “nhất mã bất bị song an, trung thần bất sự nhị chủ” ý nghĩa của nó đều thể hiện tinh thần vững vàng, bước trên con đường mình lựa chọn. Dù là cuộc sống hay công việc, chúng ta đều phải giữ ý chí kiên định, không thể lay chuyển.

Phần kết

“Hảo mã bất cật hồi đầu thảo” nhiều người chỉ biết câu thứ nhất, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn câu thứ hai, nhưng thực ra cho dù là câu thứ nhất hay câu thứ hai, thì những lời này đều là chân lý.

Đây chính là sức mạnh của tinh hoa văn hóa thần truyền dưới sự thử thách của dòng sông dài hàng ngàn năm lịch sử, cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị giáo huấn và giá trị tinh thần nội tại.

Trước những câu nói đầy khát vọng này, tác giả không khỏi cảm khái rằng quá trình phát triển của lịch sử quả là quá khó khăn, và tinh thần của người xưa thật quá là khí phách.

Biên dịch Minh Thư
Theo: Lý Vận – Aboluowang
Link tham khảo:

TRÒ CHUYỆN VỚI ÔNG KHOAI LANG CỦA CHÍNH LUẬN

Chính Luận là tên một nhật báo khá nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 1975. Tờ báo này có chuyên mục Chuyện Phiếm, nói nhăng nhít đủ chuyện trên trời dưới đất. Nhăng nhít nhưng châm chích nhau cũng chua cay đáo để.

Ông Khoai Lang còn khoe, ông biết làm thơ, nhưng con gái ông nói nhỏ vào tai tôi, ông làm thơ thua mẹ cô xa lắc.

Mới đây, tôi có dịp trò chuyện với ông Khoai Lang, người thường có bài trên mục Chuyện Phiếm này. Thực ra, tôi biết ông từ hơn ba năm trước, cũng đã trò chuyện với nhau, nhưng tôi lại không biết ông là… Khoai Lang. Ông mê một giống cây anh đào nào đó, không có ở Việt Nam. Tôi là bạn học của con rể ông, ở Thuỵ Sĩ. Lần đó tôi sang Thuỵ Sĩ chơi, ông con rể chặt cành anh đào ở vườn, nhờ tôi mang về Sài Gòn biếu bố vợ làm giống. Chuyện đơn giản, nhưng của một đồng, công một nén, từ lúc chặt cành đến lúc đến tay người nhận phải trong vòng 24 giờ để kịp nhúng nước. Tôi đã hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Lần trò chuyện đầu tiên, ông mơ màng nói với tôi về giấc mơ… anh đào, độc nhất vô nhị ở Việt Nam này. Vẫn biết cây xứ lạnh, đem trồng xứ nóng, chuyện lụi tàn đã rõ, nhưng tôi vẫn “báo hiếu” thay cho thằng rể của ông, phụ hoạ thêm vào giấc mơ của ông rằng, nếu anh đào ra hoa, tôi sẽ đem về Đà Lạt nhân giống, rằng tôi sẽ phát triển giống anh đào này ở xứ sở ngàn hoa của tôi, và rằng truyền thuyết các loài hoa Việt Nam sẽ ghi tên ông vào lịch sử… Ông càng hào hứng, xưng hô toa thế này, moa thế nọ… thân mật theo kiểu công chức thời Tây.

Hồm rồi, bạn tôi từ Thuỵ Sĩ về nước chơi, tôi nhờ bạn đem biếu ông via nó quyển Những thằng già nhớ mẹ. Ông tưởng tôi là dân thơ văn thứ thiệt, nên nhắn đến chơi. Lần gặp gỡ thứ nhì, tôi mới biết ông là Khoai Lang, một tay châm chích chua cay trong làng báo Sài Gòn một thời.

Ông kể, “Tôi làm trong ngành y, công chức thời Tây, cho đến thời ta. Chỉ đi làm, nuôi con ăn học, chứ biết chi chuyện viết lách. Chắt bóp mãi, cũng may có người quen giúp đỡ, mới cho được thằng con qua Tây học. Thế mà có tay viết báo mắng những người cho con ra nước ngoài học là giựt le. Tôi nổi nóng, viết bài phản ứng. Báo đăng trong mục Chuyện Phiếm. Tôi lại viết chuyện khác, sáng đưa bài, chiều báo đăng. Cứ thế, tôi thành ông Khoai Lang viết phiếm”.

Nói rồi, ông đưa tôi xem cả xấp những bài báo cắt ra từ báo Chính Luận. Giấy báo mong manh, ố vàng, nhưng chữ in vẫn còn rõ ràng để đọc. Cũng gần 50 năm rồi còn gì. Tôi trích ra đây hai đoạn bút chiến về du học giữa hai ông Lê Vũ và Khoai Lang, để biết kiểu viết phiếm của báo chí thời đó ra sao, lịch sự, nhã nhặn, nhưng không kém phần đá… đểu. Trích dẫn giữ nguyên chính tả và dấu chấm câu.

Lê Vũ: Các anh chàng học sinh mới 17, 18 tuổi đầu, còn ngờ nghệch lắm đâu đã biết tính lợi hại của các việc đời. Anh chỉ nghe bè bạn đấu hót nào ở đó lúc nào cũng dồi dào vấn đề đầm đìa nào là nhót thả cửa thâu đêm suốt sáng, bơ sữa, bom nho rẻ rề. Cứ nghe bè bạn đấu hót rồi mê đi là bỏ mẹ đấy các con ạ. (Du học – Mục Chuyện Phiếm, báo Chính Luận số ngày 8/1/1972)

Khoai Lang: … Vả lại sự thay đổi nếu có cũng là do tâm tính từng người hoặc do nơi giáo dục gia đình. Nhiều sinh viên về thăm nhà mà tôi gặp rất đàng hoàng về đầu tóc cũng như y phục: tóc hớt ngắn, quần không ‘ống voi, ống cọp’ cử chỉ lễ độ, lịch sự chẳng có gì lố lăng đáng trách. Hỏi nhỏ Tiên sinh nhé; ‘Lệnh huynh trước đây có bay bướm lả lướt lắm không?’ nếu có thì đúng là ‘Hổ phụ sinh hổ tử’ rồi, có gì là lạ!

(Du học và giựt le – Mục Chuyện Phiếm, báo Chính Luận số ngày 4/2/1972)

Bút chiến, mà lại là bút chiến kiểu phiếm, thì ngôn ngữ xỏ lá ba que tha hồ được tận dụng. Báo chí mà không có chuyện cây đè điện giựt, thì cũng phải chích điện cưa cây để lôi kéo độc giả.

Về chuyện du học, nếu phụ huynh có điều kiện thì nên cho con cái đi để mở rộng tầm mắt là đúng rồi. Tôi ngờ báo Chính Luận đăng bài nói ngang để khiêu khích độc giả. Ông Khoai Lang mắc bẫy, viết bài bút chiến. Lời qua tiếng lại, nhờ đó mà mới có một ông Khoai Lang châm chích.

Cũng trong bài Du học và giựt le, ông Khoai Lang có nói đến một chuyện thú vị về việc bán cours (giáo trình) ở đại học Luật khoa Sài Gòn hồi đó. Tôi trích để nhớ lại sinh hoạt trong môi trường đại học ở Sài Gòn một thời.

Khoai Lang viết: Nhưng cũng có một số ‘bực thầy’ đã khai thác cours của mình ‘khá kỹ’ như một dịch vụ thương mại. Các thầy đánh máy quay ronéo lấy, đóng thành tập, đánh số từng cuốn, ký tên sau sách của mình và ghi từng tên sinh viên đã mua sách để tiện nâng đỡ sau này.

Điều này có thật, và chỉ xảy ra ở đại học Luật khoa, nơi số sinh viên năm thứ nhất rất đông, cả hơn chục ngàn sinh viên, loại mới nhập trường cũng có, mà loại sinh viên thi rớt ‘muôn năm’ dồn lại cũng có. Nên bán cours cho sinh viên năm thứ nhất là áp phe định kỳ lãi lớn. Mỗi năm, cours lại ‘cập nhật’ chút ít, mà đề thi lại cứ nhắm vào những chỗ ‘cập nhật’ mà ra. Giáo sư luật mà kinh doanh, thì đúng… luật là cái chắc. Khi ông Khoai Lang viết bài đó, thì nhu cầu sinh viên mua sách nhiều, nên không phải quay ronéo như ông Khoai Lang nói, mà đưa ra nhà in xếp chữ làm bản kẽm, in hàng loạt hẳn hòi.

Đúng như ông Khoai Lang, một số vị giáo sư thực thụ (full professor) lão làng, lại thường giành dạy năm thứ nhất, thay vì năm cuối hoặc dạy các lớp cao học. Nhưng vụ bán cours kiếm lời này chỉ xảy ra ở trường Luật Sài Gòn thôi, chứ đại học Khoa học Sài Gòn, nơi tôi theo học thì không. Cours giao cho ban đại diện sinh viên, quay ronéo, bán gần như giá vốn, thầy cô không dính dáng gì tới chuyện in ấn bán buôn này cả.

Ông Khoai Lang còn khoe, ông biết làm thơ, nhưng con gái ông nói nhỏ vào tai tôi, ông làm thơ thua mẹ cô xa lắc. Mẹ cô là em ruột nữ sĩ Tương Phố. Bà mất năm 1973 tại Đà Lạt. Hơn một tháng sau ngày bà mất, trung tâm Văn Bút tổ chức buổi lễ tưởng niệm nữ sĩ tại Sài Gòn. Ông Khoai Lang là một trong những diễn giả hôm đó. Diễn văn của ông kết thúc bằng một bài thơ, có đoạn:

Giọt lệ thu buồn mờ viễn ảnh
Sông Tương mưa gió thấy đâu người?

Tôi chắc rằng, không có thơ nào mà em rể khóc chị vợ thê thảm hơn thế được.

Tôi muốn biết tên thật ông, để khi viết bài ông Khoai Lang có thể ‘truy xuất nguồn gốc’, nhưng ngần ngại. Người già thường hay mắc cỡ bất tử. Tôi quay sang hỏi nhỏ anh con rể. Ông thính tai, nghe được, và cao hứng bổ sung chi tiết nhân thân: Tên ông là Liệu, Nguyễn Đức Liệu, quê quán Hải Dương, 92 tuổi mụ, 91 tuổi đời.

Sài Gòn hồi đó, khoai tây đắt hơn khoai lang nhiều. Con gái ông thắc mắc, nếu đã thích khoai, sao không chọn bút hiệu Khoai Tây cho sang, mà lại chọn Khoai Lang chi cho mạt. Ông gạt phăng, Chúng mày con nít biết gì. Tôi cũng không hiểu vì sao ông lại lấy bút hiệu dân dã ấy. Tôi ngờ, ông viết phiếm, ít nhiều chọc ngoáy quan này, quan nọ, lại viết nham nhở như ông tự nhận, nên lắt léo, chặn đầu với thành ngữ Con kiến mày kiện củ khoai cho đỡ sợ.

Nhưng ông kể, hồi đó ông tán tỉnh một cô em thơm như mít (sic). Cô hỏi tên, ông buột miệng: Khoai Lang. Thế rồi hai người ra rít, xưng hô Khoai này, Củ nọ… với nhau. Khi viết bài phiếm đầu tiên, ông lấy luôn bút hiệu Khoai Lang cho tiện. Thấy tôi vẫn chưa hiểu, ông ngập ngừng một lát, mới thốt ra được: Tôi nói tục đấy!

bài, ảnh Vũ Thế Thành
Theo: TGTT

Sunday, November 3, 2024

CÚC ĐẠI ĐÓA HAY THẦN HOA CÚC

Phường Nhật Chiêu gần kinh thành Thăng Long có Vương sinh, dạo ấy vừa độ tuổi đôi mươi. Sinh dáng người thanh nhã, mặt tươi mắt sáng; là con trai mà răng trắng như ngọc, môi đỏ như son. Đàn bà con gái nhìn thấy sinh là mê mẩn tâm thần, đến độ có cô phát cuồng, nói năng lảm nhảm, suốt ngày gọi tên sinh.

(Hình: C.N/SGN)

Vương sinh là con nhà gia thế, thân phụ làm quan văn bát phẩm; chức tước tuy không cao nhưng cũng thuộc dòng dõi thư hương. Vì vậy sinh thích đọc sách, tập viết văn làm thơ. Dù không theo con đường khoa cử, sinh cũng được xem là người có ăn học. Thỉnh thoảng sinh hứng chí vì làm được bài thơ, tự cho là hay, ngâm nga vang nhà. Mấy cô gái hàng xóm nghe sinh ngâm thơ, chả hiểu ý nghĩa ra sao mà cứ tấm tắc khen lấy khen để.

Không may song thân theo nhau sớm quy tiên. Sinh không có chức phận, việc buôn bán lại không biết một tí gì nên gia cảnh ngày càng sa sút. Sinh phải bán dần đồ đạc trong nhà mà vẫn lâm cảnh giật gấu vá vai.

Nhà còn một mảnh vườn trồng cúc. Sinh mưu chuyện chăm sóc cúc lấy hoa đem bán mà sống, nhưng vì vụng việc trồng trọt nên cây còi cọc, hoa bé tí ti, đem bán chẳng ai thèm mua. Sinh buồn và thất vọng.

Một sáng sớm trời còn mù sương, Vương sinh ra vườn định tưới nước cho hoa thì bất chợt thấy một thiếu nữ xiêm y sang trọng nằm ngủ bên luống cúc. Sinh lại gần, thấy thiếu nữ thiêm thiếp giấc nồng, lại có hương thơm ngát. Sinh nghĩ thầm: một là ả a hoàn nhà nào đó trốn chủ đi chơi, la đà quá chén không nhớ lối về, bước lầm vào vườn cúc nhà mình rồi say rượu nằm vật ra. Hai, đó là một cô gái buôn phấn bán hương gặp đêm ế khách, tìm chỗ ngủ vật vờ.

Thấy trời lạnh mà thiếu nữ ăn vận phong phanh, sinh có lòng thương, lại không muốn phá giấc ngủ say nồng của nàng, bèn cởi cái áo khoác đã sờn vai mình đang mặc đắp cho nàng rồi nhẹ gót bước vào trong nhà.

Lát sau trời hửng nắng, Vương sinh lại ra vườn cúc thì không thấy thiếu nữ đâu; nhìn quanh, thấy có chiếc áo lông trắng rất đẹp treo ở một cành thấp của cây lộc vừng. Sinh lại gần, thấy chiếc áo dầy dặn, may rất khéo, thầm nghĩ áo này mà mặc vào thì ấm phải biết. Lại thấy áo có hương thơm như hương thơm của thiếu nữ. Sinh định thần, nhận ra đây không phải là hương thơm của son phấn mà là hương thơm tinh khiết của cỏ hoa.

Đứng ngơ ngẩn một lúc, Vương sinh lại quay vào nhà. Bất chợt thấy thiếu nữ ban sáng tự nhiên mở cổng vườn bước vào. Nàng đi đến đâu, hương thơm ngát đến đấy. Thiếu nữ đến gần sinh, cất tiếng nói giọng trong như ngọc: “Tạ ơn chàng cho mượn áo đắp trong lúc lạnh lùng.” Sinh lấy hết can đảm, hỏi thiếu nữ: “Thế áo đâu rồi?” Thiếu nữ cười, chỉ cái áo lông treo ở cành cây lộc vừng, nói: “Đấy!” Vương sinh cãi: “Không phải! Áo của ta cũ và sờn vai. Áo này đẹp quá, sang trọng quá! Nào phải của ta!” Thiếu nữ trả lời: “Ta hô biến, áo cũ sờn vai hoá thành áo lông cáo trắng.” Sinh đâm sợ, hỏi: “Áo lông cáo, vậy ra nàng là chồn ư?” Thiếu nữ cười khanh khách, hỏi ngược lại: “Nếu là chồn thì đuôi đâu?” Vừa nói thiếu nữ vừa quay nhẹ một vòng, đủ cho Vương sinh thấy cả trước lẫn sau thân mình nàng. Sinh lẩm bẩm: “Ừ nhỉ, chả có đuôi điếc gì cả. Vậy không phải là chồn. Nàng là gì?” Đáp: “Là thần!” Sinh nhạo: “Thần quái gì mà lại ngủ vật vờ cạnh luống cúc!” Thiếu nữ cười, đáp: “Ấy! Thần phải ấp cho cây đỡ lạnh lúc trời mù sương rồi thần ngủ quên mất!” Sinh bảo: “Sao điêu thế? Chưa thấy thần nào như vậy cả!” Thiếu nữ trả lời: “Nói thật, không tin thì thôi. Đi đây.” Nói rồi, thiếu nữ dợm bước đi thật, tuy nhiên vẫn ngoái cổ, dặn: “Lấy áo lông cáo trắng mà mặc vào cho ấm. Người mảnh dẻ như thân cỏ may, dễ cảm hàn đấy!”


Vương sinh khoác áo lông cáo trắng vào người, quả nhiên rất ấm mà hương thơm lại rất dễ chịu. Cả ngày hôm ấy sinh mặc áo, đêm đến đi ngủ cũng không cởi ra. Nằm mộng, sinh thấy thiếu nữ đến thăm mình.

Vài hôm sau, thiếu nữ lại đến, lại tự nhiên mở cổng vườn bước vào. Thấy Vương sinh, nàng nói: “Hôm nay ta muốn cùng chàng đánh chén.” Được đánh chén với người đẹp, Vương sinh mừng lắm, nhưng nghĩ lại cảnh cơ hàn của mình nên đỏ bừng mặt, luống cuống. Thiếu nữ hiểu ý, nói: “Đừng lo, có rượu ngon, nhắm tốt đây. Mau vào bếp đốt một lò than để hâm rượu.”

Vương sinh mừng quá, chạy ù vào trong bếp gây lò than hồng. Thiếu nữ ở buồng ngoài, lấy trong tay áo rộng ra, nào rượu, nào thịt, nào chén, bát bằng ngọc, nào thìa, đũa bằng ngà… toàn là những món rất sang trọng. Vương sinh bưng lò than từ trong bếp ra, nhìn thấy mọi vật, hoa cả mắt.

Nhập tiệc, thiếu nữ ăn uống khoan thai. Vương sinh cũng bắt chước ăn uống khoan thai. Thấy rượu ngon quá, hỏi rượu gì. Đáp: “Rượu cúc.” Thấy thịt ngon quá, hỏi thịt gì. Đáp: “Thịt dê.” Ngà ngà say, Vương sinh hứng chí đọc hai câu thơ:

“Thế gian tam sự nan trừ liễu:
Hảo tửu, phì dương, nộn nữ nhi.” (*)

Thiếu nữ nghiêm nét mặt, hỏi: “Chàng đọc mấy cái câu vớ vẩn này, lấy trong sách nào?” Vương sinh đáp bừa: “Trong sách của Đức Khổng Tử.” Thiếu nữ phì cười: “Đức Khổng Tử, ngài là bậc chính nhân quân tử, đấng vạn thế sư biểu, đời nào nói những câu như thế. Câu này trích trong sách của Đức Khổng Lồ, hoạ may…” Thế rồi cả hai cùng cười rất sảng khoái.

Thiếu nữ lại hỏi: “Ngoài chuyện biết mấy chữ trong sách, chàng còn thứ gì khác?” Vương sinh đáp: “Còn. Ta đẹp trai.” Thiếu nữ cười, nói: “Tự hào, tự tin quá nhỉ! Thế có đem cái đẹp trai mài ra mà sinh sống được không?” Nghĩ đến cảnh ngộ của mình, sinh thoáng buồn. Thiếu nữ tinh ý, nói sang chuyện khác. Hỏi: “Đọc sách, chàng có hiểu hoa cúc trồng trong vườn tại sao lại có tên là cúc không?” Vương sinh ớ người ra, đành trả lời là không biết vì không có sách nào cắt nghĩa cái tên này. Thiếu nữ trêu: “Chuyện bé bằng cái cúc như thế mà cũng không biết thì đọc sách phỏng có ích gì!” Nghe thế, Vương sinh chợt hiểu ra, trả lời: “À há, ta biết rồi! Hoa cúc nó bé bằng cái cúc nên người ta đặt tên nó như thế!” Vừa nói, sinh vừa mường tượng ra cái cúc tết bằng vải, nó nhỏ và có dáng giống như nụ hoa chớm nở.

Thiếu nữ thấy Vương sinh ngẩn người ra, bèn nói: “Sống thì phải khôn ngoan một tí chứ.” Sinh hỏi: “Thế nào là khôn ngoan?” Thiếu nữ không trả lời, đặt bàn tay lên trên bàn. Sinh bạo dạn nắm lấy bàn tay nàng, hỏi: “Thế này là khôn ngoan, phải không?” Thiếu nữ để yên, không trả lời. Sinh bèn nắm lấy cổ tay nàng, hỏi: “Thế này là khôn ngoan, phải không?” Thiếu nữ đáp: “Thế này là liều,” nhưng vẫn để yên. Sinh luồn bàn tay mình vào tay áo rộng của nàng, miệng hỏi: “Thế này là khôn ngoan, phải không?” Thiếu nữ nghiêm mặt, mắng: “Chết giờ! Muốn sống thì rút tay ra ngay!” Sinh sợ quá, rút tay ra liền một khi.

Tàn cuộc rượu, thiếu nữ đứng lên ra về, mặt nàng hồng như hoa đào, môi đỏ thắm như lựu chín. Sinh những chỉ muốn ôm nàng vào lòng nhưng cũng may, cầm lòng được.

(Hình: C.N/SGN)

Mươi hôm sau, thiếu nữ lại đến, Vương sinh nghĩ hôm nay lại được cùng nàng đánh chén nhưng không thấy gì cả. Thiếu nữ chỉ lấy trong tay áo ra một bình rượu, bảo Vương sinh: “Rượu hôm nọ uống ngon lắm phải không? Hôm nay ta chỉ cho chàng cách chưng rượu cúc. Mau ra vườn hái một rổ con hoa cúc vào đây.” Vương sinh nghe lời răm rắp, ra vườn hái cúc.

Thiếu nữ chỉ dẫn rất tỉ mỉ: “Rửa hoa cúc cho thật sạch, vẩy ráo nước, đổ tất cả cúc vào bình này.” Vương sinh làm theo. Xong xuôi, thiếu nữ bảo Vương sinh đem bình rượu ngâm hoa cúc ra vườn hạ thổ, dặn 49 ngày thì đào lên. Vương sinh lại răm rắp làm theo.

Đúng 49 ngày, Vương sinh đào bình rượu lên, vừa lúc thiếu nữ đến. Nàng bảo Vương sinh chiết rượu ra làm hai bình nhỏ, một bình để nguyên, một bình cho vào ít cam thảo. Nàng dặn: “Đây, rượu cúc đã xong. Bình rượu nguyên chất để chàng đãi các văn thi hữu. Bình rượu có pha cam thảo để chàng đãi các nữ nhân. Nhưng đó là lứa sau. Còn bây giờ chàng mang cả hai bình, theo ta ra vườn cúc.” Vương sinh bưng hai bình rượu, lẽo đẽo theo thiếu nữ ra vườn. Thiếu nữ áp hai bình rượu vào hai bên má rồi đặt môi hôn lên cả hai bình. Thế rồi nàng bảo Vương sinh tưới bình rượu nguyên chất vào một luống cúc và bình rượu pha cam thảo vào một luống cúc khác. Xong xuôi, thiếu nữ từ giã mà đi.

Hai luống cúc được tưới rượu mau chóng nảy ra nụ. Nụ lớn nhanh kết thành hoa. Luống cúc được tưới rượu nguyên chất nở hoa trắng muốt. Luống cúc được tưới rượu pha cam thảo nở hoa vàng óng, cả hai đều lớn lạ thường và toả hương thơm ngát.

Tiếng đồn vườn Vương sinh có giống cúc lạ lan ra khắp nơi. Từ đó ngựa xe nườm nượp đến vườn Vương sinh mua cúc. Thấp thoáng trong vườn, người ta thấy một chàng trai mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son, răng đều như hạt lựu, mình khoác áo lông cáo trắng sai bảo gia nhân khuân từng chậu cúc trắng, vàng cho khách. Đó là Vương sinh.

Vương sinh trở thành một tay cự phú nhưng trong lòng vẫn nghĩ rằng thà đánh đổi tất cả để được gặp thiếu nữ kia một lần nữa cũng lấy làm thoả. Một ngày kia đột nhiên thiếu nữ lại đến. Vương sinh mừng quá, khoa tay múa chân không còn ra thể thống gì cả. Thiếu nữ bảo: “Cuồng sinh giở trò gì trông buồn cười quá!” Rồi nàng nghiêm trang nói: “Hôm đầu tiên gặp nhau, ta bảo ta là thần mà chàng có vẻ không tin. Sự thật ta là thần hoa cúc. Hôm ấy trời lạnh quá, thương hoa cúc, ta lấy tấm thân mà sưởi cho hoa. Vì mất nội lực nên ta thiếp đi cạnh luống hoa. Chàng có lòng tốt lấy áo đắp cho nên ta đền ơn, ban cho thứ cúc đại đoá để chàng nhờ đó mà vừa thưởng hoa vừa có kế sinh nhai. Hôm nay ta đến để chúc lành và chào vĩnh biệt. Đừng mong có ngày gặp lại.”

Vương sinh chưa kịp nói câu nào thì thần hoa cúc đã trở gót, thoắt chốc không còn thấy đâu nữa.

—————

(*) Thế gian ba sự khó chừa:
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.

(Thơ của người xưa)

Quyên Di
Theo: saigonnhonews

HOA XOAN


HOA XOAN 
thơ: Lưu Trọng Lư

Từ buổi chàng xa non nước này
Em buồn ngày có tới đêm nay.
Xoan tây trước bến hai lần đỏ
Lệ nhỏ hai lần, chàng có hay?

Khỏi ốm chiều nay khâu trước cửa
Dừng kim em ngắm rặng xoan tây.
Vì đâu, chàng, xoan không đỏ nữa ?
Rộn ràng lá đổ bên sông đầy.

Nguồn: Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lưu Trọng Lư quê làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Ông học đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế thì ra Hà Nội làm văn, làm báo để kiếm sống. Ông là một trong những nhà thơ khởi xướng Phong trào Thơ mới và rất tích cực diễn thuyết bênh vực "Thơ mới" đả kích các nhà thơ "cũ". Ông mất tại Hà Nội. Con trai thứ chín của ông, Lưu Trọng Ninh cũng là một đạo diễn phim khá nổi tiếng của Việt Nam.

Nguồn: Thi Viện

CON ĐƯỜNG "HOÀNG TUYỀN LỘ" BỊ CẤM 400 NĂM CỦA TRUNG QUỐC: CON ĐƯỜNG THÔI MIÊN KHÔNG AI DÁM ĐẶT CHÂN TỚI

Tưởng chừng tiến bộ khoa học có thể làm mờ dần đi những ám ảnh của con người về thế giới siêu nhiên, nhưng trong thế giới rộng lớn này, vẫn không ít sự vật khiến giới khoa học lắc đầu khó hiểu.


Tại Trung Quốc, có một con đường bị phong tỏa hơn 400 năm nay và trở thành khu vực cấm cấp quốc gia, đó là "Hoàng Tuyền lộ" (黃泉路).

Nói là con đường song đây thực chất là tên gọi một khu rừng sâu nằm trong núi Ngõa Ốc, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Nơi đây được biết đến như một khu vực thắng cảnh và là địa điểm thám hiểm nổi tiếng nhưng không ai dám đặt chân tới nơi này vì những sự việc đặc biệt trong quá khứ.


Nó được gọi là "mê hồn đãng" – hố mê hồn, cũng có tên khác là con đường không lối về, bởi vì nhiều người đã bị lạc khi đi vào đây. Tại đây có rất nhiều sương mù, la bàn và các vật dụng chỉ phương hướng không thể hoạt động. Không thể tìm thấy đường, không thể đi ra, cộng thêm việc ở trong sương mù quá lâu sẽ làm con người bất tỉnh nhân sự.

Năm 1999, một kỹ sư sinh học và một chuyên gia về gấu trúc bất ngờ đi vào "Hoàng Tuyền lộ" (黃泉路) và không bao giờ trở về nữa. Trong những năm 1970, cũng rất nhiều đoàn thám hiểm đến đây và cũng không thấy trở về. Đến nay, số người bị mất tích không hề nhỏ!


Đến thời điểm hiện nay, chỉ có duy nhất một đội thám hiểm có thể sống sót trở về từ "Hoàng Tuyền lộ".

Theo lời kể của những người này, xung quanh khu rừng chỉ toàn là sương mù, chỗ nào cũng giống nhau, la bàn không hoạt động, đồng hồ điện tử thì quay nhanh hơn, mà lại không có phương hướng, lúc ngược lúc xuôi, hơn nữa trong rừng sâu nên cũng có nhiều "chướng khí" (khí độc trong rừng sâu).


Nếu ở thời gian dài chắc chắn cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, nên họ nhanh chóng trở về. May mắn là nhóm thám hiểm này đã đánh dấu những lối đi rất cẩn thận, bởi vậy mà có thể tìm được đường ra ngoài.

Các nhà khoa học vẫn không thể lý giải nổi tại sao khi vào đến "mê hồn đãng", la bàn không thể hoạt động, cũng như tại sao kim đồng hồ điện tử lại quay nhanh hơn.


Liệu có phải do từ trường không tồn tại ở nơi đó? Nó không hoạt động theo nguyên tắc của Trái Đất? Khu vực này hiện nay vẫn bị cấm ra vào và được canh gác vô cùng cẩn thận.

Con người thường gán cho những sự việc là do ma quỷ làm nếu họ không thể lý giải nổi. Những sự việc kỳ quái như vậy là sự thách thức nhưng cũng là khát vọng tìm hiểu đối với bất kỳ nhà khoa học nào.

Karry Tran / Theo: Sohu
Link tham khảo: