Sunday, March 27, 2016

BÁNH TAI YẾN

Thời nhỏ những món bánh mà những người bán hàng rong gánh qua, đội qua hay đẩy xe qua mà má tôi hay kêu lại để mua cho chúng tôi ăn vặt có thể là bánh cam, bánh còng, bánh tàng ong, bánh tai yến,..Hơn nửa thế kỷ không có nếm lại, cũng không thấy thèm, không ai nhắc cũng không thấy nhớ, có lẽ nó đã nằm sâu trong góc nào của tiềm thức.


Vậy đó, hôm nay lên mạng nhìn thấy cái hình, đọc cái tên sao mà da diết nổi nhớ, như tiềm thức trổi dậy, dường như cảm được mùi thơm, chất béo, ngot lịm cả tâm hồn. Có ai đồng cảm không nhất là những người đang sống ở hài ngoại mà thời gian ở ngoài còn dài hơn thời gian trong nước ?
Thế sự thăng trầm, thời cuộc đổi thay, tới những món ăn dân dã nghèo hèn cũng có thể từ từ biến mất theo sự tiến hóa của xã hội không biết tốt hay xấu. Nhưng sự phát triển đi theo qui luật kinh tế, cái gì không có lời nhiều, ít người thích thì đương nhiên phải bị đào thải, chỉ có mấy người già lẩm cẩm còn nhớ chuyện ngày xưa.
Tôi không lẩm cẩm, tôi chỉ muốn nhắc lại cái mà tôi đã từng ăn qua ngon mà rẻ cũng như ba tôi hoặc những người lớn thường nhắc đến cá cháy, cá anh vũ...Thôi bây giờ mời các bạn nhớ lại món bánh mà bây giờ cũng rất khó tìm. (LKH)

BÁNH TAI YẾN
Món bánh miền Tây dần mai một trên hè phố Sài Gòn.
Có thể giờ đây bánh tai yến và các loại bánh cam, bánh còng, bánh tàng ong không còn được trẻ con thôn quê ưa chuộng vì chợ quê cũng đã có bánh mì kẹp thịt, bánh cuốn, cá viên chiên… không khác gì thành phố. Những thứ bánh dân dã xưa kia trở nên lạc điệu vì vậy chả còn mấy ai bán nữa.


Nhưng thật tình cờ, cách đây không lâu vào một buổi xế trưa tôi đi ngang qua ngã tư Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng (quận 01), gần trung tâm náo nhiệt nhất của Sài Gòn bỗng thấy một bà cụ giống y như bà bán bánh ở những phiên chợ làng xưa, ngồi trên vỉa hè với đôi quang gánh bán bánh tai yến. Đó là loại bánh bột gạo, hương vị ngọt, béo ngậy xuất xứ từ vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Thật không còn gì vui và thú vị hơn với hình ảnh thân quen những tưởng đã tàn lụi, phai nhạt theo thời gian, chỉ có thể tái hiện trong giấc mơ ký ức bỗng hiện ra hằng ngày giữa nơi phồn hoa đô hội.


Hỏi chuyện thì được biết gánh bánh tai yến của bà đã trụ ở góc ngã tư này ròng rã suốt 20 năm bất kể ngày mưa tháng nắng. Chỉ hai cái sọt tre đan thưa mắt, miệng rộng, lồng vào đôi gióng và xỏ ngang cây đòn gánh nhuốm màu thời gian nâu bóng, một bên sọt kê cái bếp nấu dầu 10 tim trên đặt cái lò chiên bánh, sọt bên kia lủng củng những thứ bà rằn liên quan tới bánh tai yến như giấy gói, vật liệu linh tinh, trên cùng bày những chiếc bánh tai yến mới chiên xong để trong tờ giấy rộng cho thấm dầu. Không thể thiếu thùng bột pha sẵn. Như một vũ điệu nhịp nhàng, bà dùng tay cầm muỗng múc bột cho vào chảo, tay kia cầm cây gắp thăm trở bánh, cứ một mẻ bánh cho ra 5 cái bánh hình chiếc nón úp ngược, lòng bánh màu trắng ngà, bóng mượt, tai bánh viền “hoa văn” xoay tròn đều đặn có màu vàng rượm, cái nào y khuôn cái nấy, nhìn rất ngon mắt và kích thích khẩu vị của khách qua đường.


Bánh tai yến hình dạng giống tổ chim yến, đơn giản chỉ làm bằng bột gạo pha với một ít bột năng, gia vị gồm có nước cốt dừa, đường cát, hương liệu va ni cho thơm, tất cả quyện thành một thứ nguyên liệu hỗn hợp sền sệt. Bí quyết ở cách pha bột sền sệt mà không loãng, do người làm bánh lâu năm có kinh nghiệm tích lũy hoặc được truyền lại từ người đi trước trong gia đình cho con gái. Người thiện nghệ có thể thay nước cốt dừa bằng sữa tươi cho béo hơn, hoặc thêm một ít bột mì cho bánh giòn hơn nhưng không thể thay đổi những thành phần cốt yếu nhất đã kể. Lửa bếp phải vừa đủ độ nóng nhưng không “hỗn” để cho bánh phồng lên từ trong ra ngoài rồi kết “hoa văn” uốn lượn ở tai bánh vừa mỏng vừa giòn, khiến vị béo ngậy tan chầm chậm trên đầu lưỡi. Những điều ấy không phải ai cũng làm được.


Mỗi chiếc bánh tai yến thời bão giá chỉ có 5.000đ trong khi một gói xôi đã 10.000đ. Người làm bánh tai yến bỏ rất nhiều công sức nhưng đồng lời kiếm được chẳng bao nhiêu, đúng là cái nghề lượm bạc cắc chốn thị thành. Vậy mà bà cụ đã gắn bó với đôi quang gánh - “tiệm bánh” của bà suốt 20 năm, dầm mưa, dãi nắng nơi góc phố nhộn nhịp người xe, thầm lặng giữ lại món quà quê giản dị cho đời.
Từ Kế Tường
Ảnh: Giang Vũ