Sunday, March 13, 2016

TRUYỀN THUYẾT BÁT KỲ

Cả tuần nay tôi ngồi luyện lại bộ "Lộc Đĩnh Ký 2014", một bộ phim mới của truyền hình TQ. Bộ sách tôi đã đọc 3 lần từ thưở nhỏ, sang Úc xem phim tập TVB 2 bộ (Vi Tiểu Bảo do Lương Triều Vĩ và Vi Tiểu Bảo do Trần Tiểu Xuân đóng), phim điện ảnh 3-4 phim theo từng đoạn.


Cốt truyện được Kim Dung đưa vào xung quanh việc truy tìm Tứ Thập Nhị Chương Kinh (四十二章經), thời đó tôi đọc và nghĩ đây là tiểu thuyết do ông dựng lên nhưng bây giờ tôi mới biết "Kinh Tứ Thập Nhị Chương" là có thật, là bộ kinh ghi lại những lời dạy của Phật sau khi thành đạo, là sự gom góp từ nhiều quyển kinh mà viết thành.
 
Cái cốt lõi không phải là kinh Phật mà là sự dàn dựng từ một truyền thuyết về kho tàng của Mãn Thanh, là long mạch phát tích của triều đại, giấu trong 8 quyển kinh được giữ bởi người tư lịnh của Bát Kỳ.
 
Mãn Thanh từ thời của Nỗ Nhĩ Cáp Xích (努爾哈赤) đã bắt đầu lớn mạnh, và công đầu của ông là sự thành lập chế độ Bát Kỳ (âm Mãn: Jakūn Gūsa), theo đó mọi người dân trong các bộ lạc Nữ Chân đều quy thuộc vào một trong 8 nhóm bộ lạc, được gọi là các "Kỳ" (gūsa). Mỗi kỳ là tập hợp tổ chức các bộ lạc, vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Như vậy, chế độ Jakūn Gūsa về mặt quân sự là 8 cánh quân, về mặt dân sự 8 nhóm bộ tộc, phân biệt bởi hiệu cờ chỉ huy, vì vậy còn được gọi theo âm Hán Việt là Bát Kỳ, mỗi Kỳ có một màu chủ đạo riêng biệt. Đây là một hình thức quân đội dân tộc, là sự hợp nhất giữa binh và nông.

Sự lớn mạnh của Mãn Thanh đưa dến việc mất nước của nhà Minh mà người đời sau ai cũng nói việc thua trận là do Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế có mở quan cho quân Thanh vào hay không, thì trước sau gì nhà Minh thối nát cũng phải thua trận. Nhà Minh đã bỏ chạy trước sự khởi nghĩa của Lý Tự Thành thì làm sau quân Minh có thể địch lại Bát Kỳ của Mãn Thanh. Thời đó Bát Kỳ của Mãn Thanh là một tâp hợp đoàn kết quân đội của quân người Mãn, Mông và cà người Hán.
 
Để hiểu một truyền thuyết phát khời của Bát Kỳ, sự lớn mạnh của Mãn Thanh, mời các bạn đọc bài sau do An Nhiên viết trong Vision Times. (LKH)



TRUYỀN THUYẾT BÁT KỲ
Tám rồng trời cuộn mình dựng triều đại

Bát Kỳ, tám lá cờ hiệu đại diện cho quân đội nhà Thanh, với truyền thuyết về nguồn gốc là câu chuyện thú vị chứng minh rằng văn hóa Trung Quốc là văn hóa thần truyền, mỗi hình ảnh, mỗi kí tự đều ẩn chứa trong đó nội hàm thâm sâu.
Hệ thống Bát Kỳ đã chính thức được lập ra bởi Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Thái tổ (người sáng lập) của triều đại nhà Thanh. Ban đầu, chỉ có bốn kỳ đại diện cho bốn đơn vị quân đội: Hoàng kỳ, Bạch kỳ, Hồng kỳ và Lam kỳ. Năm 1614, để đoàn kết các bộ lạc, hoàng đế quyết định bổ sung Tương Hoàng kỳ, Tương Bạch kỳ, Tương Hồng kỳ và Tương Lam kỳ. Hệ thống này được gọi là Bát Kỳ, trở thành hình thức tổ chức quân đội của cả Mãn Châu, Mông Cổ và nhà Hán. Có rất nhiều câu chuyện cảm động đằng sau hệ thống Bát Kỳ này.


Một trong số đó là câu chuyện thần thoại truyền kì về Bát Long. Ban đầu, Bát Long không hòa hợp với nhau. Chúng thường chiến đấu để giành ưu thế và hạ thấp những con khác.
 
Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng triệu tập Long Vương đến và nói: “Con người thế gian đang than oán vì Mặt trời và Mặt trăng dính lấy nhau, dẫn đến một nửa mặt đất tràn ngập ánh sáng, trong khi nửa còn lại luôn chìm trong bóng tối. Điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống loại người và muôn vật. Ta lệnh cho ngươi sai Bát Long giải quyết chuyện này”.
Nhận được lệnh, mỗi thành viên trong Bát Long đều cố hết sức tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Chúng cố gắng tách rời Mặt trời và Mặt trăng theo cách riêng, nhưng đều thất bại.


Cuối cùng, Long Vương hỏi chúng: “Tại sao các ngươi không hoàn thành nhiệm vụ Ngọc Hoàng giao cho?”
 
Bát Long phân trần: “Mặt trời và Mặt trăng quá nặng. Bất kể có cố gắng bao nhiêu, chúng tôi cũng không tách chúng ra được”.
 
Long Vương lại hỏi: “Vậy các ngươi làm thế nào?”. Các con rồng trả lời: “Chúng tôi thử sức từng người một”.
 
Sau khi nghe Bát Long trình bày, Long Vương rất tức giận và quở trách: “Các ngươi thật cố chấp. Thậm chí loài người còn biết cách dời núi Thái Sơn nhờ tập hợp sức lực. Các ngươi có thể làm được tất cả, miễn là biết phối hợp. Một bó tên sẽ không dễ dàng bị bẻ gãy như từng mũi riêng lẻ, đúng không? Lý do cho thất bại này là sự chia rẽ”.


Lúc này, những con rồng mới thấu hiểu vấn đề và ngay lập tức trở về Thiên thượng, bắt đầu hợp sức cùng nhau. Chúng chính là nguồn gốc của ký tự “Thanh” (青) trong tiếng Trung (có nghĩa là màu xanh, tuổi trẻ), với tám nét đại diện cho tám con rồng, chữ 青, thêm bộ Thủy (氵) tạo thành chữ 清, tức nhà Thanh.
 
Đầu nhọn bên trên ký tự được hình thành từ hai con rồng. Khi chúng hoàn toàn hợp sức, đầu nhọn giống như một cái nêm vững chắc. Các con rồng dùng thế hình nêm để chèn giữa Mặt trời và Mặt trăng rồi tách chúng ra. Sau khi được tách ra, Mặt trời đã đi trước Mặt trăng.
 
Nhiệm vụ đã hoàn thành, Bát Long kiệt sức rơi xuống mặt đất. Lập tức, một cơn gió mạnh thổi qua khiến mỗi con rồng bay lên và nằm trên những mẫu vải màu khác nhau nơi mặt đất. Kể từ đó chúng vĩnh viễn ở lại trên mảnh vải.
 
Đây chính là biểu tượng của Bát Kỳ trong suốt triều địa nhà Thanh sau này. Bởi vì màu sắc của tám con rồng và tám miếng vải khác nhau, nên màu sắc mỗi đơn vị quân đội cũng khác nhau.
 
Do Bạch Long, Thanh Long, Hoàng Long và Hồng Long rơi vào các miếng vải với màu sắc tương ứng nên chúng lần lượt trở thành Bạch kỳ, Lam kỳ, Hoàng kỳ và Hồng kỳ.


Trong khi đó, bốn con rồng khác lại rơi trên các mảnh vải vàng viền đỏ, trắng viền đỏ, đỏ viền trắng và xanh viền đỏ, nên chúng trở thành Tương Hoàng kỳ, Tương Bạch kỳ, Tương Hồng kỳ và Tương Lam kỳ.

Mỗi lá cờ thêu hình một con rồng nhỏ, trang trí với mây và lửa, tượng trưng cho các trận chiến chống nhà Minh.

An Nhiên – Theo Vision Times