Hồi nhỏ có những lúc theo ba tôi đi ăn sáng vào những ngày nghỉ học hay chủ nhật, thường thì hay vào "tiệm nước", nếu nhớ không lầm thì hay vào tiệm Viễn Lạc ở hàng Dừa hoặc Khung Ký ở Phan Đình Phùng ngang rạp Minh Châu. Lúc đó ba cho tôi uống cà phê. Khi cà phê bưng ra, ba tôi cầm ly cà phê rót vào đĩa lót ly cho nó mau nguội, rồi tôi bưng đĩa lên "húp" và lấy "dầu cha quẩy" chấm vào cà phê mà ăn. Thời đó tôi chưa biết thưởng thức cà phê nhưng nhai dầu cha quẩy chấm cà phê thì ngon tuyệt cái mùi mà nói đến tôi vẫn còn như ngửi được. Cà phê thời đó gọi là cà phê vợt hay cà phê kho.
Khi lớn thời trung học tôi dă biết thưởng thức cà phê, sáng nào cũng một cái "xây chừng", bây giờ nhớ lại dường như lúc đó it người uống cà phê đá, chỉ uống cà phê đen hoặc cà phê sữa nóng. Những lần về VN dường như không thấy cà phê vợt nữa mà lúc nào cũng là cà phê đá và phải là cà phê phin. Sao vậy ? Cà phê vợt đâu rồi ? Lên mạng tìm tòi, cà phê vợt vẫn còn nhưng rất ít. Việt kiều về đâu chịu tim quán bình dân hay vĩa hè, lúc nào cũng muốn vào quán có máy lạnh thì chỉ có cà phê phin thôi. Bây giờ thì cùng nhau đi tìm nhé:
TRUY TÌM MÓN CÀ PHÊ VỢT CỦA SÀI GÒN XƯA
Thời gian đã dần nhấn chìm loại hình cà phê vợt từng nổi danh này vào dĩ vãng. Tuy vậy, ở đâu đó giữa Sài Gòn, những quán cà phê vợt vẫn còn âm thầm phục vụ những khách hàng thân thiết đã hàng chục năm có lẽ.
Nằm sau lưng chợ Thiếc, trên đường Tân Phước, quận 11, quán cà phê vợt của ông Thanh đã tồn tại hàng thập kỷ một cách âm thầm.
Gọi là quán nhưng thật chất đấy là căn nhà của chủ nhân, có phần lụp xụp và tối, trên sàn bày vài cái bàn gỗ cũ và ghế thấp. Bên ngoài là quầy cà phê của ông Thanh với xe hàng và những dụng cụ đã nhuốm màu thời gian. Ông Thanh cho biết quán giờ chỉ phục vụ các bạn bè thâm niên trong xóm, chủ yếu là người Hoa Chợ Lớn.
Để pha cà phê, người chủ phải thức dậy từ rất sớm. Gọi là cà phê vợt vì phải dùng một cái vợt vải hình túi để pha. Bột cà phê được cho vào vợt, sau đó trụng vào nước sôi trong cái siêu đất sắc thuốc men vàng. Vì tính chất giữ mùi của đồ đất nên cà phê pha bằng siêu đất thế này sẽ có được mùi thơm rất đượm, khác hẳn với cà phê pha phin. Nhiều quán cà phê vợt từ xưa đã chỉ rửa vợt bằng nước sạch, không rửa bằng xà phòng vì sợ sẽ mất hết mùi cà phê đã thấm vào cái vợt vải. Vợt càng dùng lâu năm, càng đen, thì cà phê càng ngon.
Cà phê vợt, cũng như cà phê phin, ngon nhất là nước đầu. Cà phê đã pha thường chia ra thành hai phần: một phần để nguội dành cho khách uống với đá, phần còn lại để trong một cái ấm nhôm nhỏ được giữ nóng trên lò dùng pha cho khách uống nóng. Tuy độ đậm đặc có phần không bằng cà phê pha phin do thiếu đi áp lực nén bột cà phê nhưng nó lại mang một hương vị rất riêng. Nhiều người cho biết khi đã quen thuộc với mùi vị cà phê vợt rồi, người ta sẽ thấy khó để chuyển sang một loại cà phê khác.
Giá cà phê ở quán ông Thanh không cao, chỉ khoảng sáu đến tám ngàn đồng một ly. Ông cho biết vì khách chủ yếu là dân bình dân trong xóm nên ông cũng không muốn tăng giá cao.
Có một thời, cà phê vợt từng nở rộ ở đất Sài thành và những vùng lân cận, giá cà phê tính bằng hào. Thời gian qua đi, do sự Tây hóa của cà phê phin và các loại cà phê espresso, cà phê vợt dần lui vào dĩ vãng. Hiện giờ không còn nhiều quán cà phê vợt ở Sài Gòn. Chủ của những quán này hầu hết là những người đã có tuổi, sống với nghề vì niềm vui hơn là vì đồng tiền. Nếu có dịp, bạn hãy đến thưởng thức loại hình cà phê xưa này để cảm nhận hương vị của Sài Gòn thị tứ một thời.
Alex Trần
(theo Thế giới Văn Hóa)