Saturday, June 18, 2016

VỤ ÁN "HẮC MẪU ĐƠN THI"

Hồi còn nhỏ có đi xem phim "Nữ Hiệp Hoa Hồng Đen" (我阿媽係黑玫瑰) chỉ tưởng là cái tựa phim cho vui chớ đời nào có hoa hồng đen.


Nói đến hoa là ai cũng nghĩ đến màu sắc tươi mát, sặc sỡ ít ai nghĩ đến màu hoa đen, nếu không muốn nói đến những đóa hoa héo khô. Có khi thấy có những loại hoa màu sắc không bình thường, tôi cứ nghĩ là hoa khô đã được nhuộm màu. Sau này đọc được một bài về loại hoa hồng màu đen huyền Halfety cực hiếm của Thổ Nhĩ Kỳ, thấy các loại hoa cúc đại đóa màu xanh lá cây, xanh dương, tím...do công của các nhà khoa học chuyên về lai giống thực vật đã tạo ra những giống mới với màu sắc đặc biệt.
 
Hôm nay, tìm được một tài liệu nói về giống hoa Mẫu Đơn đen, càng lại không ngờ tới. Giống hoa "Hắc Mẫu Đơn" này dính liền với một câu chuyện về vua Càn Long được viết trong "Thanh Cung Bí Sử". (LKH)


CÀN LONG VÀ VỤ ÁN VĂN TỰ "HẮC MẪU ĐƠN THI"
 
Hoằng Lịch tuy là người con thứ 4 của Hoàng đế Ung Chính nhưng nhờ văn võ song toàn lại có hiếu thảo với cha mẹ, nên khi Ung Chính sắp lâm chung đã truyền chiếu chỉ lập Hoằng Lịch lên làm vua. Năm Bính Thìn 1736 Ung Chính mất, Hoằng Lịch lên ngôi Hoàng đế hiệu là Cao Tông và đặt niên hiệu là Càn Long (乾隆).


Sau khi lên làm vua, Càn Long ban chiếu lệnh đại xá cho tù nhân và theo di chiếu của vua cha, tiếp tục mở rộng chủ trương “ngu văn trị” xóa bỏ những tác phẩm văn học có tư tưởng tiến bộ, bằng mọi thủ đoạn đề cao các tác phẩm của Hoàng đế.
 
Vua Càn Long nhà Thanh luôn luôn có tinh thần cảnh giác, đề phòng người Hán phản loạn. Ngoài những phương sách chính trị, quân sự, ông còn để ý đến văn chương. Bản thân ông cũng thích thơ văn, ưa sáng tác. Ông biết bọn văn sĩ “phản động” thường có dụng ý khéo léo gài tư tưởng chống đối vào câu vào chữ.


Thẩm Đức Tiềm (沈德潜) là một nhà thơ, một đại họa sĩ nổi tiếng đương thời. Vua Càn Long thường đọc thơ của Thẩm Đức Tiềm, đối đãi với nhà thơ bằng con mắt trọng thị. Vua cũng có lần đưa những bài thơ “ngự chế” của mình nhờ ông sửa chữa. Song nhà vua vẫn để ý theo dõi.
 
Khi Thẩm Đức Tiềm qua đời, nhà vua còn ban cho một đặc ân hiếm có là ngài thân hành ngự giá đến viếng mộ nhà thơ. Tiện dị, vua hỏi han các con cháu xem ông cụ còn để lại di cảo gì. Bọn con cháu của Thẩm Đức Tiềm, chẳng biết bao lăm chữ nghĩa, nghe vua hỏi thì chỉ thấy vinh dự, liền đệ trình cho vua tất cả trước tác của cha ông, chẳng lưu tâm gì đến chuyện phạm húy hay phạm thượng.


Càn Long dành thời gian đọc hết cả các di cảo của Thẩm Đức Tiềm. Bỗng vua đưa ra một phán quyết bất ngờ, làm kinh hoàng cả giới kẻ sĩ : quật mồ, phá bia, kéo thây trong áo quan ra chém đầu răn chúng ! Tất cả con cháu họ Thẩm, trừ một em bé 5 tuổi, còn thì nhất loạt sung quân, đày đi Hắc Long Giang.
 
Thì ra, trong số thơ văn để lại, nhà vua đọc được bài thơ Vịnh hoa mẫu đơn đen (咏黑牡丹诗). Bài có hai câu :

"Đoạt chu phi chính sắc
Dị chủng diệc xưng vương"

“夺朱非正色,
异种亦称王"
 
Nghĩa đen rất rõ ràng và có thể nói là tài tình. Hoa mẫu đơn vốn màu đỏ, nay nó lại có màu đen, vậy là một chủng loại hoa khác, thế mà nó cũng là vua các loài hoa !


Đọc hai câu thơ, Càn Long lại hiểu ra một ý khác. “Đoạt Chu” có nghĩa là cướp ngôi nhà Chu (tức là nhà Minh, vì thủy tổ nhà Minh là Chu Nguyên Chương). “Dị chủng” có nghĩa là giống quái lạ. Có thể hiểu đây là giống nòi Mãn Thanh, một tộc man khác chứ không phải giống nòi nhà Hán. Hiểu như thế thì rõ ràng câu thơ không còn là ám chỉ nữa, mà nói toạc ra rằng giống người quái lạ khác với người Hán mà cũng lên ngôi vua, vì đã cướp ngôi nhà Minh, không phải triều đại chính thống !


Nói thẳng thừng như vậy là một sự lăng mạ. Nhà vua tất nhiên thấy nhục nhã, nên thẳng tay trả thù.
 
Trình độ văn chương có hạn vậy mà Càn Long còn tập trung 360 tác gia nổi tiếng trên văn đàn để biên soạn nhiều bộ sách kinh điển, trong đó có bộ “Tứ Khố Toàn Thư” (四庫全書) để thi hành chính sách chuyên chế về văn hóa nhằm củng cố vương triều Thanh. Việc biên soạn bộ Tứ Khố Toàn Thư, Càn Long ra lệnh cái gì cần bỏ thì bỏ, cái gì cần đổi thì đổi. Vì vậy rất nhiều sách quý giá của Trung Quốc từ trước đó đến thời Càn Long nếu không hợp không cần là bỏ hết, bị đem ra đốt thành tro bụi.


Do đó trong việc biên soạn bộ Tứ Khố Toàn Thư, nếu là các văn bản triều Minh truyền lại, chỉ cần nội dung không có lợi cho triều đình nhà Thanh là đem đốt hết không cần bàn. Có tác phẩm không dính gì đến chính trị như “Ấn Học Ngũ Thư” của Cổ Viêm Đế cũng bị hủy. Theo như thống kê trong 10 năm biên soạn Tứ Khố Toàn Thư, chỉ riêng tỉnh Chiết Giang đã đốt sách đến 24 lần. Trên 500 loại sách bị hủy bỏ với hơn 10.000 bộ. Tỉnh Giang Tây cũng đốt trên 8.000 bộ sách các loại. Tính tổng cộng số sách được đốt trên 700.000 cuốn. Như vậy chính Càn Long là người đốt nhiều sách nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc.
 
Theo: Thanh Cung Bí Sử