Thursday, June 30, 2016

DỊCH HAY PHÓNG TÁC ???

Có một bài post của anh Bulukhin nói về một bài ca dao Việt Nam mà anh đang gơi ý cho chúng ta là bài ca dao này là loại dịch hay phóng tác từ một bài thơ Trung Quốc. Mời các bạn đọc chơi cho biết.


DỊCH HAY PHÓNG TÁC ?

Trong số ca dao Việt Nam nói về nghề nông và giá trị hạt gạo thì bài: "Cày đồng đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi! bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần " có mặt trong nhiều tuyển tập, chẳng hạn: TỤC NGỮ CA DAO DÂN CA VIẾT NAM của học giả Vũ Ngọc Phan (1). TỤC NGỮ CA DAO VIỆT NAM của Hồng Khánh – Kỳ Anh sưu tầm biên soạn (2), CA DAO VIỆT NAM do Bích Hằng tuyển chọn (3). Không thấy các tác gỉả của ba tập sách trên chú thích gì về bốn câu đó, làm người đọc đinh ninh là ca dao Việt, thuần túy Việt Nam. Nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh cũng “yên trí đó là một trong những bài ca dao hay nhất của xứ ta từ trước” (4) Nhưng thực ra nó được dịch từ thơ Trung quốc (5).

鋤禾日當午
汗滴禾下土
誰知 盤中餐
粒粒 皆辛苦

* Phiên âm
Sừ hòa nhật đương ngọ
Hãn trích hòa hạ thổ
Thùy tri bàn trung xan
Lạp lạp giai tân khổ

* Dịch thơ (chưa rõ dịch giả)
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.


Hiện nay có hai thuyết về tác giả bài thơ chữ Hán trên. Hoặc của Lý Thân (李紳,772-846) người Vô Tích tỉnh Giang Tô, hoặc của Nhiếp Di Trung (聶夷中, 837- 884) người Hà Đông. Có điều lạ, trong “Toàn Đường thi” (全唐詩) (5) bốn câu trên được xếp vào ngũ ngôn tứ tuyệt vừa để ở mục Nhiếp Di Trung vừa để ở mục Lí Thân.


Bu tui không hề có ý định xác minh Lí Thân hay Nhiếp Di Trung là tác giả, điều đó quá khó, vì chính các học gỉa thượng thặng của Tàu còn nói nước đôi, chưa dứt khoát được. Ở đây, bu muốn cùng các bạn luận giải xem tại sao từ: “sừ hòa nhật đương ngọ, hãn trích hòa hạ thổ, thùy tri bàn trung xan, lạp lạp giai tân khổ” mà một người Việt nào đó đã dịch ra: “cày đồng đang buổi ban trưa , mồ hôi thánh thót như mưa rộng cày, ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”.


1- Trước tiên chúng ta tìm hiểu nghĩa một số chữ Hán (6)
- Sừ 鋤 : khi danh từ, sừ là cái cuốc.
Ví dụ: Nguyễn Trãi có nói với bạn là Hữu Nhân: 他年淽溪約, 短笠荷春鋤 : “Tha niên Nhị Khê ước, Đoản lạp hạ xuân sừ”, nghĩa là: Năm nào hẹn về Nhị Khê đội nón lá, vác cuốc đi làm vụ xuân.
Khi động từ, thì sừ (鋤) là cuốc, ví dụ: sừ địa 鋤 地 là cuốc đất (7)
- Hòa 禾: lúa chưa tuốt ra khỏi bông, chưa cắt ra khỏi rơm rạ. Kinh thi có câu: Thập nguyệt nạp hòa giá 十月納禾稼 Tháng mười thu vào thóc lúa.
- Bàn 盤: Cái mâm. Mâm, khay. TruyệnThủy hử có câu: Thác xuất nhất bàn, lưỡng cá đoạn tử, nhất bách lạng hoa ngân, tạ sư 托出一盤, 兩個段子, 一百兩花銀, 謝師 . Nghĩa là: Bưng ra một mâm (gồm) hai tấm đoạn, một trăm lạng hoa ngân (để) tặng thầy.


2- Có hai câu đáng quan tâm:
- Câu thứ nhất: Sừ hòa nhật đương ngọ (鋤 禾日當午) Nếu cứ máy móc theo nghĩa từng chữ thì phải hiểu là: Cuốc lúa đương lúc ban trưa. Như vậy vô lí, vì không ai lại đi cuốc lúa. Nếu cày đồng thì chữ Hán đã có từ canh điền ( 耕田)
- Câu thứ ba: Thùy tri bàn trung xan (誰知 盤中餐)
Nếu máy móc theo từng từ thì phải hiểu câu này là: có ai biết được cơm trên mâm
- Có lẽ do cũng băn khoăn như bu tui nên Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng đã dịch cả bài như sau:
Xới lúa, trời đứng bóng
Mồ hôi đổ xuống ruộng
Ai biết cơm trong mâm
Hạt hạt đều cay đắng. (4)
Chữ sừ (鋤) là cuốc, được Nhà thơ Học giả Khương Hữu Dụng gọi là xới. Sừ hòa 鋤 禾 là xới lúa, tức là động tác làm cỏ lúa của nông dân.


3- Bu tui xin dẫn ra hai câu thơ của Nhiếp Di Trung trong “Điền gia nhị thủ” (田家二首)(5)liên quan đến sự cày đồng để đối chiếu với sừ hòa 鋤 禾 đã nói trên:

父耕原上田
子削山下荒

Phiên âm:
Phụ canh nguyên thượng điền
Tử tước sơn hạ hoang

Dịch nghĩa:
Cha cày ruộng trên cao
Con vở hoang dưới núi

4- Từ luận giải trên, bu tui hồ nghi bài ca dao:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.

Do một người Việt cực tài nào đó dựa vào bài thơ chữ Hán rồi phóng tác ra chứ không gọi là dịch được. Mong các bạn có lời chỉ giáo.------------------


(1) Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1971
(2) Nxb Đà Nẵng 2007
(3) Nxb Văn hóa Thông tin 2011
(4) http://www.thivien.net/viewwriting.php?ID=250
(5) huynhchuonghung.com
(6) Từ điển Hán Việt mạng.
(7) Từ điển Việt Hán của Đinh Gia Khánh
Bulukhin Nguyễn
(Sưu tầm trên mạng)