Chào các bạn,
Bài này là để trả lời câu hỏi của Hàng: “Có thể nói là kiêu căng làm cho con người vô minh, lu mờ không nhìn ra bệnh của mình. Nhưng có nhiều người không phải kiêu căng nhưng vẫn không nhìn ra được bệnh cứ loay hoay là sao?”
Tam Tạng Đại Sư qua Thiên Trúc thỉnh kinh Phật với ba đệ tử Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, và Sa tăng. Ba đệ tử là biểu tượng của tham, sân, si.
Trư Bát Giới là tham – tham ăn nhậu, tham gái, tham tiền bạc của cải.
Tôn Ngộ Không là sân – thông minh, nhanh nhẹn, nhưng hay nỗi giận, hay kiêu căng.
Sa tăng là si – siêng việc, không tham lam, không sân hận, nhưng u mê đần độn, chẳng biết gì.
Đường Tam Tạng là biểu tượng cho tâm nguyên thủy của ta, Phật tính của mỗi chúng ta.
Tham lam và sân hận thì không thấy đường đã đành. Nhưng tại sao có người không tham, không sân, không kiêu, nhưng cứ u mê cả đời?
Nhà Phật có khái niệm “ngã”, tức là tôi. Bám vào “tôi” thì ta sẽ si mê.
Tham – ăn uống, tiền bạc, nhà cửa, chức phận – là bám vào tôi.
Sân – nổi nóng vì ai xúc phạm mình, nóng vì ai phê phán mình, nóng vì ai sai ý mình – đó là kiêu căng và bám vào tôi.
Si – không làm gì đụng chạm ai nhưng tối ngày chỉ biết có mình – đời sống của mình, nhà của mình, con cái mình, lo chết lên thiên đàng, lo đừng xuống hỏa ngục – đó là bám vào tôi, chỉ biết đến tôi.
Hễ bám vào tôi là bệnh và không thấy đường. Buông được cái tôi ra – vô ngã – thì được giải thoát và thành Phật.
Dễ thì cũng dễ với người có căn cơ, nhưng khó thì lại rất khó với đại đa số người của thế giới, là những người thiếu căn cơ.
Nhưng những người thiếu căn cơ đó, đã si mê, thì làm sao biết được mình bị bệnh, biết được mình đi trong bóng tối, để mà chữa bệnh?
Nhà Phật dùng từ “căn cơ” – căn là rễ, cơ là guồng máy. Đây là nói đến guồng máy nhân duyên (cause-and-effect mechanism, hay dependent-origination mechanism) và gốc rễ sâu đậm tức là các nghiệp tốt (karma) một người đã gieo trồng từ vô lượng kiếp trước. Một người có căn cơ tức là đã có nhân duyên từ vô lượng kiếp.
Trong truyền thống Kitô giáo, thì vấn đề tùy thuộc vào con người liên kết với Thiên chúa chặt chẽ đến đâu. Đa số các đấng Thánh liên kết rất chặt chẽ với Thiên chúa. Sự gắn kết với Thiên chúa làm cho đầu óc con người sáng suốt và thánh thiện ra, nhờ Thiên chúa khai mở, mà người Kitô giáo gọi là Mặc khải bởi Thánh linh Chúa (revealed by the Holy Spirit).
Sự gắn kết này, tiếc thay, cũng chỉ là số ít, vì đa số nhà thờ chỉ có công thức lễ bái và kinh nguyện lễ bái. Chẳng ai biết thực sự kết nối với Thiên chúa là gì để mà dạy nhau.
Tuy vậy, giáo hội luôn có những vị thánh trong mọi thời đại. Thế có nghĩa là dù giáo hội đa phần là công thức, nhưng Thánh linh Chúa vẫn hằng sống động và luôn khai mở những trái tim khiêm tốn và tìm kiếm.
Tóm lại, hãy tìm thì sẽ thấy. Seek and you will find.
Phật tính ở trong ta, hãy “quán” trực tiếp Phật tính trong ta. “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Chỉ nhìn thẳng tâm thật của mình, thấy bản tánh của tâm, thì thành Phật.
Thiên chúa ở trong ta. Sống làm một cùng Thiên chúa, sống như Chúa sống và hành động qua ta, thì ta sẽ là thánh của Thiên chúa để đem ánh sáng của Chúa vào trong thế gian.
Chúc các bạn luôn được mặc khải.
TRẦN ĐÌNH HOÀNH
(Sưu tầm trên mạng)