Vũ Thế Thành
Đậu phộng cũng như các loại hạt khác (hạt điều, hạt mắc ca…) đều là những thức ăn vặt có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đậu phộng (sống), chẳng hạn, chứa 48% chất béo, nhưng hơn 80% là chất béo chưa no.
Lợi ích làm giảm rủi ro các bệnh tim mạch của đậu phộng đã được nhiều nghiên cứu dịch tễ nói rõ, ngay cả ngăn ngừa sạn thận ở cả 2 phái nam nữ, cũng đã được chứng tỏ. Đó là chưa kể lợi ích về chất xơ, chất khoáng, các vitamin, các sterol thực vật (phytosterols), các chất chống oxid hoá,…có trong đậu phộng đem lại.
Bài này tập trung vào câu hỏi của độc giả về đậu phộng liên quan đến dị ứng, tăng cân và tiểu đường.
Dị ứng – chia tay không luyến tiếc
Cơ thể có thể không ưa một loại protein nào đó của thực phẩm. Lần đầu ăn vào thì không sao, nhưng bị hệ miễn nhiễm của cơ thể “điểm mặt” (tạo kháng thể). Lần sau ăn vào, cơ thể sẽ phản ứng, mà phản ứng rất nhanh bằng cách sinh ra chất histamin gây dị ứng.
Trong các loại hạt, thì đậu phộng “sinh chuyện” nhiều nhất. Nhưng số người bị xui xẻo dị ứng với đậu phộng không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 1%.
Triệu chứng do dị ứng gây ra rất nhiều kiểu: ngứa, mẩn đỏ, nổi mề đay, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, sụt huyết áp,… Nặng hơn có thể bị sốc phản vệ (anaphylaxis) và gây tử vong, nhưng điều này ít xảy ra. Cô bé 15 tuổi bị tử vong do hôn bạn trai đã ăn đâu phộng trước đó, được xác nhận là chết do suyễn, nhưng đậu phộng vẫn phải bị dính líu cho vừa lòng…dư luận.
Không dễ nhận diện được thực phẩm nào gây dị ứng. Đoán mò có thể dẫn đến “xử oan”, để rồi phải nhịn cả đời một món ăn nào đó thì phí của trời. Nếu nghi ngờ dị ứng với đậu phộng, nên đến gặp bác sĩ để test da (skin prick test) cho chắc ăn.
Một khi đã xác định bị dị ứng, thì phải chia tay với đậu phộng không luyến tiếc.
Tăng cân – thay thế chứ không phải ăn thêm
E ngại đậu phộng chứa nhiều chất béo làm tăng cân là điều…hợp lý. Trong một nghiên cứu trên tờ Journal of Nutrition (2008), và nhiều những nghiên cứu khác cũng nêu ra e ngại này. Tuy nhiên, kết qủa ngược lại, nghĩa là ăn đậu phộng còn giúp giảm cân, nếu chất béo trong khẩu phần ăn bình thường được thay bằng đậu phộng (có lượng dầu tương đương).
Lượng chất béo đóng góp cho nhu cầu Calo hàng ngày (2.000 Calo) nên dưới 25% (nếu ở xứ lạnh có thể 30%). Nghĩa là mỗi ngày tiêu thụ khoảng 55 gr chất béo. Nên nhớ chất béo ở khắp mọi nơi đấy nhé: sữa, yaourt, canh, thịt nạc, hải sản, bánh bông lan,…đều có chất béo.
Tờ Nutrition &Food Science khuyên ăn 30gr đậu phộng/ngày là khoẻ, vừa tốt cho tim mạch, vừa khỏi lo tăng cân.
Tiểu đường – quý bà có phước
Hàm lượng chất béo không no cao trong đậu phộng và các dưỡng chất khác điều hoà mức glucose và insulin. Nghiên cứu trên tờ JAMA (Journal of the American Medical Association -2002) đi đến kết luận, phụ nữ ăn đậu phộng làm giảm rủi ro bệnh tiểu đường type 2. Còn quý ông thì không có diễm phước này, giảm rủi ro thì chắc chắn là không, nhưng tăng rủi ro thì không thấy đề cập. Còn tại sao quý bà lại diễm phước thế thỉ chỉ có Trời biết. Khoa học bó tay, thấy sao nói vậy.
Chế độ ăn kiêng tiểu đường còn phối hợp với nhiều loại thực phẩm khác, để có khẩu phần thích hợp nhất mà không bị ngán.
Dinh dưỡng ở đậu phộng là điều thấy rõ, lại là món ăn lai rai, buồn miệng nhai chơi. Hôm nay (lỡ) ăn hơi nhiều, mai ăn ít lại. Chẳng có gì phải lăn tăn. Vừa ăn vừa sợ thì còn gì là đời!
Vũ Thế Thành