Mùa hè năm ngoái, chúng tôi chứng kiến quán càphê vỉa hè mất đi hàng cây xanh quyến rũ của nó. Tàn cây to lớn từ sân của một công ty nhô cao, vượt qua hàng rào, trở thành một khoảng râm mát và xanh tươi của ngã tư đường. Chúng tôi vẫn hay hẹn nhau ngồi dưới bóng cây và gọi một ly càphê – không còn quan trọng là ngon hay dở – chỉ là để được ngắm một con đường vỉa hè dài, đầy hoa nắng, gió nhè nhẹ thổi.
Phải sống ở Sài Gòn qua những ngày mưa dầm, những ngày nắng điên cuồng… mới thấy tàn cây ấy thú vị đến dường nào trong một đô thị được nuôi lớn bằng sự lãng mạn, mà lãng mạn ấy thì nay cứ bị tước mất một cách chầm chậm và hiển nhiên.
Ngày cái cây xanh to lớn không còn, giống như một người đàn bà đẹp bị bí mật mang đi, không gian đó nhanh chóng vô vị. Mảng tường và giao lộ quen thuộc đột nhiên thay đổi. Mọi thứ sáng rực và trơ trẽn như một căn nhà đột nhiên không còn nóc nữa, giống như một bức tranh được lấp vội bằng một tông màu chói loà của tay chép tranh ngu xuẩn và tham lam.
Những ly càphê đột ngột tệ hơn bao giờ hết. Những câu chuyện không còn sự hấp dẫn, người có ghé thì cũng vội vã ra đi. Ngã tư trở về với xác thịt bêtông vô nghĩa của mình. Người chủ quán buồn buồn nói rằng ngày trước, khi anh còn làm bảo vệ cho chính công ty nhà nước đó, anh đã ước rằng khi nghỉ hưu thì sẽ mượn tàn cây này làm chốn mưu sinh thanh bình cho mình. Nhưng giờ thì thanh bình ấy, anh cũng không định được. Những người khách thưa dần. Người chủ quán có khi đọc hết ba tờ báo vẫn không ai gọi. Nắng đay nghiến vào từng phiến gạch nứt nẻ nơi vỉa hè. Lá không còn rơi bên chân ghế.
Không ai trong chúng tôi quay lại đó. Mặc dù thỉnh thoảng đi ngang, tôi vẫn nhìn vào nơi có tàn cây cũ, ngẫm nghĩ về một hiện tại không thể tiếp diễn. Thành phố đã có rất nhiều những hàng cây xanh bị hạ xuống. Ai biết được mỗi cái cây đã gắn với một mảnh đời nào, gắn kết ra sao với sự thơ mộng nào của thành phố này? Không biết bao lâu thì người Việt mới có thể trồng nên những bóng cây cao lớn cho mình như vậy, nhưng để hạ xuống thì chỉ trong khoảnh khắc. Như tiễn một người quen ra nghĩa trang và hầu như không quay lại vì cảm giác mất mát, chúng tôi cũng không quay lại quán càphê đó, chỉ để không phải vẩn vơ nghĩ đến một hàng cây.
Và chắc tôi nghĩ mình sẽ không quay lại Hà Nội, nơi thành phố ngập những bóng cây. Người Hà Nội chắc cũng như tôi, sẽ không quen khi thấy những tầng cao xanh của mình bị dỡ bỏ. Những tầng cây cao và xanh giống như những thư viện thời gian bí ẩn, lưu giữ linh hồn của một Hà Nội thì thời tàu điện leng keng đến khi những tiếng rao hàng sớm tối. Chắc sẽ không còn nhiều thơ hay nhạc từ chính trái tim của những người nghệ sĩ không còn bóng râm đó. Ngày mà bản tin về chuyện Hà Nội sẽ chặt bỏ đi 6.700 cây xanh của thành phố, có ai nghe hoa lá xôn xao run rẩy?
Dĩ nhiên, những người chủ trương hạ cây có những lý lẽ của mình. Nhưng nên nhớ rằng, mọi lý lẽ được vận dụng chỉ để thuận lợi cho một mục đích thực dụng đơn giản và mới mẻ, đều phải mang đến một sự hy sinh. Trong ngôi nhà tưởng chừng sẽ mãi bình yên, một ngày nào đó, đứa con với nhu cầu hiện đại sẽ cảm thấy bà mẹ quê mùa của mình là vật cản, thì đưa vào viện dưỡng lão hay cho về quê, cũng là một giải pháp buộc phải hy sinh.
Hà Nội có 29.600 cây xanh, với 6.700 cây bị chặt đi đồng nghĩa với bao nhiêu không gian tươi mát bị mất đi? Bao nhiêu hơi thở trong lành không còn? Bao nhiêu trái tim sẽ khô cằn với nơi sinh sống của mình?
Tháng 5 này, trời chắc sẽ nắng gắt lắm. Tháng 5 này thuế bảo vệ môi trường sẽ bắt đầu đánh vào tiền xăng thêm 2.000 đồng/lít. Bao nhiêu tiền bảo vệ môi trường từ xăng có thể trả lại một lá phổi trong lành của Hà Nội, hay của Sài Gòn trong những ngày cây xanh gục ngã? Và bao nhiêu tiền nữa để những người luôn muốn chặt bỏ đi cây xanh hiểu rằng tiền không bao giờ mua được linh hồn đô thị, tiền không thể cứu chuộc được quá khứ, hay chính họ?
Đôi khi phải ngồi ở vỉa hè, nhìn chiếc lá rơi cạnh chân mình, mới hiểu.
Tuấn Khanh
(Sưu tầm trên mạng)