Saturday, June 25, 2016

NGHỈ NGƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU !


Đời thường lắm chuyện oái oăm! Nếu có người cả đời kéo cày nhưng vẫn khỏe thì ngược lại cũng không thiếu người cứ ít tuần lại phải đi xa tìm nơi nghỉ dưỡng, nhưng rồi vẫn cứ than mệt, thậm chí sau kỳ nghỉ vẫn không hứng thú với công việc! Mới nghe tưởng nghịch lý nhưng dưới góc nhìn của chuyên gia khoa tâm lý thì lại hoàn toàn thuận lý. Nhiều người tuy tốn tiền cho công ty du lịch, nhưng tiền càng mất tật càng mang chẳng qua là vì không biết cách tắt máy… Xài hoài tất nhiên khó tránh mau cháy máy, nhất là khi máy đã thiếu nhớt từ lâu.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu về hội chứng “mệt mỏi kinh niên”, mong muốn được nghỉ ngơi nơi xa vắng của đối tượng tuy bề ngoài còn rất khoẻ, cho thấy nạn nhân trên thực tế đã quá mệt mỏi với áp lực của công việc, nhất là khi công việc đơn điệu theo kiểu mỗi ngày như mọi ngày. Thêm vào đó, người muốn đóng vai “người khôn người tìm nơi vắng vẻ” thường là tấm bia lãnh đòn đánh lén từ đồng nghiệp, đối thủ, cấp trên, thuộc hạ…, chẳng khác nào vai chánh trong phim “thập diện mai phục”! Họ vì thế cần tắt máy để cơ thể được nghỉ xả hơi thay vì sống chung với stress. Phần lớn trong số họ, phần vì chén cơm manh áo, vì trách nhiệm với gia đình, với tập thể nên không thể ra đi cái một. Họ đành tìm cách xả stress sau một ngày dài chán chường với công việc bằng các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, báo chí. Khổ một nổi là hình thức này chẳng những không giúp ích, thậm chí có hại vì đó là nguồn cung ứng chất liệu cho stress mới, stress từ hoạt động tư duy do các bản tin giật gân, hình sự, oan trái, bất công… Người đã mệt lại mệt hơn do bộ não phải làm việc ngoài giờ vì chuyện bao đồng thiên hạ!

Tệ hơn nữa là mượn giải pháp nhậu nhẹt sau giờ làm việc để quên đời, vì chẳng quên được bao nhiêu! Theo thống kê được thực hiện ở Hoa Kỳ, chỉ 20% ẩm khách thực sự không bàn đến công việc trong lúc tán gẫu. Số còn lại mượn bàn nhậu nhiều khi để tiếp tục tranh cãi gay gắt về nỗi uất ức bực bội trong ngày. Đã vậy lại cãi rất hăng vì dưới ảnh hưởng của ma men, mấy ai còn đủ sáng suốt để chấp nhận lý lẽ của người đối diện! Người đã mệt vì thế hầu như ra về với cảm giác tức cành hông để rồi trăn trở theo kiểu đặt lưng gục liền vì say xỉn nhưng sau đó ít giờ lại thức đến sáng vì… tức!

Sau một tuần kéo cày nhiều người có khuynh hướng ngủ bù vào cuối tuần vì tưởng càng ngủ được nhiều càng mau khỏe. Tính đúng nhưng vẫn vụng vì không ngờ giờ nghỉ cuối tuần qua rất nhanh nên cơ thể chưa kịp thích ứng thì lại vào đầu tuần. Hậu quả là nhịp sinh học bị xáo trộn càng lúc càng trầm trọng. Theo nhận xét của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hơn phân nửa người dân châu Âu đang có nếp sinh hoạt cuối tuần không thuận lợi cho sức khỏe vì nghỉ ngơi sai cách, ngủ nghê trật giờ lại thêm lạm dụng rượu bia, cà-phê, thuốc lá, thuốc ngủ… Không lạ gì nếu số người đau dạ dày, nhức đầu, mất ngủ, dễ bội nhiễm bên đó càng lúc càng tăng dù không thiếu thuốc, dù vẫn đủ ăn. Không lẽ đó chỉ là chuyện trà dư tữu hậu ở nước người?

Muốn cân bằng Âm Dương phải biết tận dụng nhân tố đối kháng. Thay vì ngã bệnh oan uổng như thế, giới thầy thuốc coi trọng nhịp sinh học đã từ lâu khuyên người muốn nghỉ cho mau khỏe nên tìm mô hình sinh hoạt trái với công việc thường ngày. Nói cụ thể hơn, người thường phải ngồi yên vì làm việc văn phòng cần tham gia hoạt động thể dục thể thao, làm vườn, trồng cây… Trái lại, người mỏi nhừ vì công việc chân tay cần tìm thú giải trí nặng phần tư duy thư giãn như bách bộ, chụp ảnh nghệ thuật, nghe nhạc êm dịu, đánh cờ… Ai làm được chuyện trái ngược người đó dù nghỉ ít vẫn khỏe.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.