Saturday, August 6, 2016

THOẠI SƠN TỨC CẢNH



THOẠI SƠN TỨC CẢNH
thơ Bùi Hữu Nghĩa.


Một thuyền cầm hạc một mình ta,
Đường hiểm gian nan khắp trải qua.
Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi,
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà.
Văn chương mới thử năm hay bảy,
Võ lược chưa truyền sáu với ba.
Gà gáy học đòi người dậy múa,
Luống e năm tháng để sa đà.


Ghi chú:

1. NÚI SẬP:

Núi Sập có tên chữ là Thoại Sơn, là trái núi lớn nhất nằm trong cụm núi Sập bao gồm bốn núi: núi Sập, núi Nhỏ, núi Bà và núi Cậu, nằm trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Núi Sập có độ cao 85m với chu vi 3.800m, cách thành phố Long Xuyên 29km theo đường tỉnh lộ 943.


Trước kia, núi Sập có hình con thỏ nằm phủ phục bên những đồng lúa xanh ngút ngàn đến tận chân trời. Theo thời gian, ngọn núi bị biến dạng thành những hình khối muôn màu, vẽ lên một không gian núi non huyền bí. Sườn phía Tây của núi Sập có danh thắng bậc nhất của vùng núi Thoại Sơn: hồ số 1, hồ số 2, hồ Ông Thoại, được thông nhau bằng các đường hầm xuyên núi và hang núi Sập. Ba hồ nước này chỉ được tạo ra cách đây vài năm khi núi Sập bị con người khai thác sâu vào chân núi để làm nên những sản phẩm bằng đá độc đáo.

Đến đây, bạn có thể bơi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi cao, hang sâu, hồ nước xanh thẳm với những đàn cá lượn bơi. Ngoài ra, quanh hồ và các đảo nhỏ nhô lên mặt nước những tượng đá mang hình Nữ thần Siva, tháp Ponagar, hình tượng Linga, Yony… do những nghệ nhân vùng núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đẽo gọt.

Một hệ thống đường lên núi cũng đã được mở rộng để lên đỉnh, dù không cao lắm nhưng vẫn tạo cho bạn cảm giác sảng khoái nhờ khí trời trong lành và từ đó phóng tầm mắt bao quát được cả thị trấn Núi Sập, xa hơn nữa là cánh đồng lúa mênh mông, vào mùa đốt đồng khói lan tỏa trắng xóa, huyền ảo.


Sự kết hợp hài hoà giữa nét hoang sơ của núi rừng cùng với sự hùng vĩ của thiên nhiên đã làm cho núi Sập không cao nhưng rất đẹp và thơ. Đó là những sợi nắng vàng óng của bầu trời pha lẫn chút tím biếc của núi rừng cùng màu xanh của cây lá hoà quyện với màu lam nhạt cùa nước hồ bên dưới chân núi đã làm cho cảnh đẹp nơi đây thêm quyến luyến bước chân người.

(theo Mytour)

2. VÀM NAO:

Sông Vàm Nao do tiếng Khmer là pãm pênk nàv mà ra . Đây là một dòng sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu, có vai trò quan trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long về mặt thủy lợi và giao thông vận tải. Ngoài ra, Vàm Nao còn nổi tiếng vì từng là nơi "nước xoáy tròn", là nơi xảy ra trận thủy chiến khốc liệt giữa quân Việt và quân Xiêm vào cuối năm 1833, và còn vì các đặc sản như cá hô, cá bông lau...

Tên gọi:

Sông Vàm Nao, sách Gia Định thành thông chí gọi là Vàm Giao. Đại Nam nhất thống chí gọi là Thuận Cảng. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gọi là Thuận Phiếm. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chia sông này thành hai phần và gọi là rạch Vàm Nao Thượng và rạch Vàm Nao Hạ. Những cái tên chữ Hán ấy đều được đặt về sau, trong tiến trình mỹ hóa các tên gọi nôm [2]. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, như Nguyễn Văn Hầu (Nửa tháng trong miền Thất Sơn), Nguyễn Hiến Lê (Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười), Vương Hồng Sển (Tự vị tiếng Việt miền Nam), Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh (Tân Châu xưa)...thì Vàm Nao còn có tên chữ là Hồi Oa (nước xoáy tròn). Trích mô tả của Vương Hồng Sển:


"Vàm Nao, tên chữ Hồi Oa. Sông này nối liền sông Tiền qua sông Hậu, và đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là "pãm pênk nàv"

Cũng theo học giả này, thì Vàm do chữ "Pàm" hay "Péam" của Khmer biến ra. Péam là cửa biển, cửa sông Nao, với nghĩa "nao núng, nao lòng", vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc (nên gọi là Hồi Oa), rất dễ đắm thuyền. Về sau triều đình Huế cho Hán hóa tên Vàm Nao và muốn cho nó nên thơ và đừng "nao" nữa, nên ban cho nó cái tên "cửa Thuận"

Sông Vàm Nao dài 6,5 km, rộng bình quân 700 m, độ sâu trên 17 m, một bờ thuộc xã Kiến An (huyện Chợ Mới), một bờ thuộc xã Tân Trung (huyện Phú Tân), chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam nối liền sông Tiền với sông Hậu. Đây là một tuyến giao thông đường thủy quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, thuộc hệ thống sông ngòi do trung ương quản lý .


Tương truyền, thuở xa xưa, nguyên sông này là con đường của những đàn voi và trâu rừng đi, lâu ngày thành con rạch nhỏ, rồi dần dần bị áp lực của sông Tiền và sông Hậu chảy xiết, mà thành một con sông rộng lớn ngày nay.

Sách Gia Định thành thông chí đã mô tả sông Vàm Nao ở thế kỷ 19 như sau:

"Vàm Giao (tục gọi cửa sông là Vàm, tục chép là Vàm Náo, chữ Náo không đúng, nay đổi làm chữ Giao, nên gọi là Vàm Nao), cửa trên ở về phía nam sông Tiền Giang, rộng 8 tầm, sâu 2 tầm chảy về phía nam 75 dặm rưỡi, đến cửa dưới hợp với sông Hậu Giang; bờ tây có sở thủ ngự, ven sông dân kinh khai khẩn ruộng vườn, rừng rậm ở phía sau là sóc, sách của dân Cao Mên (Khmer)".

Sơ lược tiểu sử tác giả:

Bùi Hữu Nghĩa 裴有義 (1807-1872) hiệu là Nghi Chi, người làng Long Tuyền, Bình Thuỷ, tỉnh Cần Thơ. Ông đỗ giải nguyên trường hương Gia Định năm 28 tuổi (1835, Minh Mạng 16) nên thường gọi là thủ khoa Nghĩa.


Vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn, con ông Nguyễn Văn Lý, là người mà ông Nghĩa ở trọ học.

Sau khi thi đậu, ông được bổ nhiệm làm tri huyện Phước Long, trấn Biên Hoà. Sau đó được thăng đi trấn nhậm phủ Trà Vang (Trà Vinh), tỉnh Vĩnh Long, dưới quyền tổng đốc Trương Văn Uyển và bố chánh Truyện. Tính ông cương trực, không luồn cúi, cũng không tư vị ai. Bấy giờ em vợ bố chánh Truyện cậy thế anh hay có thái độ hỗn xược, ông chẳng nể nang, một hôm cho đánh đòn. Vì thế ông bị bố chánh đem lòng thù và tìm dịp hãm hại.

Trước đó, Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đuổi, lương thực thường thiếu hụt, được người Thổ giúp đỡ, lại thêm một số lớn người Thổ tòng quân. Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh nhớ ơn, xuống chiếu miễn thuế thuỷ lợi cho dân Thổ.

Sau đó, người Tàu lo lót với tổng đốc Uyển và bố chánh Truyện giành quyền đắp đập để khai thác. Các hương mục Thổ kéo nhau đến kiện ở dinh môn tri phủ Bùi Hữu Nghĩa, tri phủ xử rằng "Việc tha thuế thuỷ lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà đúng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao!". Dân Thổ được lời xử ấy bèn phá đập của dân Tàu. Hai bên xảy ra huyết chiến, phía Tàu chết 8 người. Nhiều người Thổ bị bắt. Nhân đó, Tổng đốc và bố chánh Vĩnh Long cũng bắt cả thủ khoa Nghĩa giải về Gia Định, dâng sớ lên triều đình khép vào tội lạm phép giết người, phải xử chết.


Đứng trước nỗi oan tình của chồng, bà thủ khoa quyết lặn lội ra Huế minh oan cho chồng. Bấy giờ, Phan Thanh Giản đang là thượng thư bộ Lại. Bà thủ khoa tìm đến tư dinh ông để trình bày sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long, rồi đến Tam pháp ty khua ba hồi trống "kích cổ đăng văn". Tam pháp ty gồm có quan viên cao cấp của bộ hình, Đô sát viện và Đại lý viện họp xử không có định kỳ, chỉ có những phiên bất thường để xét những vụ đặc biệt, mỗi vụ họp theo tiếng trống của người bị oan khuất tự đến gióng lên. Sớ của bà thủ khoa sau đó được dâng lên vua. Vua giao cho Tam pháp ty nghị án rồi chính vua phán chung thẩm như sau: "Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, song phải quân tiền hiệu lực, lập công chuộc tội". Bà Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức, nghe tin này lấy làm cảm thương cho người liệt phụ đồng hương, bèn sai mời vào, ban cho một tấm biển chạm bốn chữ vàng "Liệt phụ khả gia".

Cứu được chồng, bà từ giã kinh đô, quay về Biên Hoà, quê hương bà, ít lâu sau bị bệnh rồi mất.

Thủ khoa Nghĩa, lúc đó đang trấn nhậm ở Châu Đốc, nghe tin bà mất, bèn vội về, nhưng khi về tới nhà thì việc tống táng đã xong bèn đọc bài văn tế có những câu thống thiết như sau:

"Nơi kinh quốc mấy hồi trống dóng, biện bạch này oan nọ ức; đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng.

Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẳn hỏi lẽ cánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều mất vía."


Đôi liễn thờ vợ ông viết như sau:

"Ngã bần khanh năng trợ, ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ.
Khanh bệnh ngã bất dược, khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu."
(Ta nghèo mình hay giúp đỡ, ta tội mình biết kêu oan; trong triều ngoài quện đều khen mình mới thật đáng là vợ. Mình bệnh ta không thuốc thang, mình chết ta không mai táng; non sông cùng cười ta chẳng xứng gọi là chồng.)

(Sưu tầm trên mạng)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.