Sunday, October 9, 2016

BÁNH BẢY LỬA - THƠM NGON MÀ DÂN DÃ .

Ở VN, địa phương nào cũng có những đặc sản và cái tên riêng của nó mà người ở vùng miền khác không hiểu hay chưa nghe qua. Hồi nãy lúc ăn cơm tối, tôi có xem chương trình "Ai là Triệu phú" tối thứ ba vừa qua, có một câu hỏi: "Bánh Bày Lửa còn được gọi một tên khác là gì ?".


Nội cái tên "Bảy Lửa" còn chưa nghe qua chứ cái tên khác thì làm sao mà biết. Câu trả lời: tên khác của bánh Bảy Lửa là "Bánh Khô Mè". Với tôi hoàn toàn lạ và chưa nghe qua. Lên mạng tìm hiểu, nhìn cái hình thì dường như có thấy và ăn qua khi ra miền Trung, cắn và nhai nó giòn thơm mùi mè giống như bánh mè chiên của HK nhưng không có dầu, không giống mè xửng Huế vì nó giòn, không giống như kẹo mè vì nó không có đậu phọng.
Nó có cái đặc trưng của nó. Bạn nào chưa biết thì cùng tìm hiểu một loại bánh:

Loại bánh phải chịu qua 7 lần nướng lửa mới tạo nên vị ngon ngọt, thanh bùi…


BÁNH BẢY LỬA - THƠM NGON MÀ DÂN Dà


Ai đã từng về thăm mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, hẳn không thể quên loại bánh khô mè. Chiếc bánh có hình vuông hay chữ nhật, được bao phủ bởi lớp mè thơm phức, qua 7 lần nướng mới tạo nên vị thanh bùi và ngon ngọt… Vì thế, món bánh khô mè ấy còn được gọi bằng cái tên dân dã - bánh 7 lửa.


Có thể nói, sự góp mặt của bánh khô mè đã trở thành một thương hiệu cho văn hóa ẩm thực của người dân đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Nét độc đáo của món bánh này là ở chỗ nó có thể làm từ rất nhiều loại bột trong ngũ cốc mà không chịu sự bó buộc khắt khe. Vì thế mà khi món bánh mới ra đời, từ người nghèo đến khá giả đều có thể chế biến theo nguyên liệu của riêng mình.
Ngày xưa, khách thưởng thức bánh khô mè có thể đoán được gia cảnh của chủ nhân. Những gia đình khó khăn sẽ dùng bột sắn, nhà nào khá hơn thì dùng nếp hương. Chiếc bánh được “bảo bọc” bởi lớp mè thơm nhờ sự kết dính với đường non tinh chất, dẻo tựa mạch nha.
Các cụ già vẫn bảo bánh khô mè xếp theo hình bát giác, ngũ giác hay tứ giác thì sẽ cầu xin được sự giao hòa của trời đất. Vì ý nghĩa tượng trưng cho bát quái, ngũ hành, tự tượng mà bánh 7 lửa trở thành vật không thể thiếu cho những ngày giỗ kỵ hay lễ Tết của người dân xứ sở.


Cái tên bánh 7 lửa được hình thành nhờ cách thức tạo ra nó, nhưng điều làm cho chiếc bánh trở nên nổi tiếng không chỉ vì cái tên lạ. Điều quan trọng chính là hương vị của nó còn đọng lại nơi vị giác của du khách sau khi thưởng thức. Từ những nguyên liệu đơn sơ mộc mạc như bột gạo, đường kính, gừng, mè… qua bàn tay của con người lại trở thành tuyệt hảo.
Gạo vo sạch trắng như bông bưởi, để thật ráo rồi cho vào cối giã thành bột mịn. Đem tẩm nước cho vừa ướt thì cho vào nồi hấp chín. Trong khi chờ nồi bột chín, người ta chẻ tre đan vỉ lót, đan khung đúc bánh với những ô vuông vức. Bột vừa chín thì đổ vào khung rồi gạt bằng.
Tháo khung, những miếng bột vuông nhỏ được đặt trên bếp than hoa lần thứ nhất. Hơi lửa than hoa chỉ vừa nóng để nướng chầm chậm cho lát bánh khô hai mặt. Chiếc bánh trần đã ráo lại được đặt lên bếp than hoa lần thứ hai nướng giòn. Đến đây xem như xong công đoạn thứ nhất. Việc tiếp theo là nấu đường cho đến khi dùng đũa kéo thành sợi tơ không dứt. Mè dùng chân đạp tróc vỏ, rang giòn, vàng, thơm thật thơm.


Lúc này, người ta bưng nồi đường đặt trên bếp than ấm, lấy từng lát bánh trần trắng ngần nhúng vào đường rồi nhanh tay lăn qua mâm mè để ngay bên cạnh (người dân hay nói đùa rằng đó là công đoạn cho bánh “tắm” với mè).
Chiếc bánh khô mè 7 lửa mang trong mình “tấm ruột” xốp và giòn, có vị ngọt của đường, vị bùi của mè và chút thanh của vị gừng. Khi bẻ đôi chiếc bánh, bạn sẽ nhìn thấy đường tơ vàng óng ánh do đường kéo ra mà thành. Và chỉ có những bàn tay khéo léo mới tạo ra được kết quả như thế.
Để có thể thưởng thức món bánh khô mè đúng “chuẩn” thì du khách không thể bỏ qua những ngụm trà nóng thơm ngon. Cắn một miếng, thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn tan thấm dần nơi đầu lưỡi, chất ngon ngọt và thơm bùi hòa cùng hương trà sẽ lưu lại mãi không quên…


Ban đầu, bánh khô mè chỉ là sản phẩm của gia đình, về sau lan rộng và trở nên nổi tiếng, được nhiều người nghe danh và tìm đến thưởng thức. Tuy bánh 7 lửa này xuất hiện nhiều ở Quảng Nam nhưng phải đến tận làng nghề làm bánh ở Cẩm Lệ - Đà Nẵng thì món bánh khô mè mới nức danh hơn cả.
Du khách trong và ngoài nước có thể mua bánh khô mè về làm quà ở sân bay, nhà ga và nhất là khi đến tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng.
Linh Thủy
(Sưu tầm trên mạng)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.