Friday, October 7, 2016

MƯỢN MÙI LÀM THUỐC


Vì nhiều nhược điểm của việc dùng thuốc qua đường tiêu hóa nên thầy thuốc trong một số trường hợp phải chọn dạng đưa thuốc thẳng vào máu bằng cách tiêm bắp, tĩnh mạch, tiêm dưới da… Với cách này thì độ hấp thu thuốc đúng là được cải thiện, đúng là giảm được tai hại trên đường tiêu hóa, nhưng phản ứng phụ của thuốc thì trước sau vẫn là vấn đề chưa có giải pháp. Thêm vào đó, nếu không ai vui gì khi phải uống thuốc mỗi ngày thì nỗi khổ đó càng rõ nét nhiều hơn với người phải chịu tiêm thuốc quá thường! Trời sinh mông đâu phải để… chích!

Nhưng cho dù có giải quyết được vấn đề hấp thu thì nhà làm thuốc vẫn chưa thể ngủ yên. Thuốc vào được cơ thể chưa đồng nghĩa với thuốc có tác dụng. Thuốc được hấp thu rồi nhưng muốn lọt vào quỹ đạo hiệu quả phải vượt qua nhiều rào cản do chính cơ thể bày biện ngổn ngang. Một trong số đó là hàng rào mang tên BBB (Blood Brain Barier) có nhiệm vụ ngăn cản không cho thuốc được não bộ ghi nhận. Không qua được chướng ngại này thì thuốc còn tệ hơn nước lã, vì nước lã ít ra không có phản ứng phụ. Ngược lại, thuốc nào vượt nổi BBB càng nhanh thì hiệu quả càng rõ. Trong thời gian gần đây một số đại gia trong ngành dược phẩm đã chào hàng với dạng thuốc chỉ cần thoa ngoài da mà tác dụng thậm chí hay hơn thuốc uống. Được như thế thì trong một ngày không xa, khi xem phim truyền hình loại đầy nước mắt, sẽ không còn hình ảnh diễn viên thất tình nên uống thuốc độc, vì người bị phụ tình chỉ cần… thoa thuốc!

Trên đường tìm kiếm một giải pháp tối ưu, sau không biết bao nhiêu công trình tốn kém, các nhà nghiên cứu cuối cùng lại trở về với kinh nghiệm từ nhiều ngàn năm của nền y học dân gian. Nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại người ta đã xác minh thuốc dưới dạng hương liệu chính là hình thức hội nhập cơ thể không chỉ với tiến độ tối ưu mà còn có cường độ tác dụng tối đa vì không bị cản trở bởi hệ thống BBB. Vì thế, làm sao chế được thuốc dưới dạng hít đã là trọng điểm của kỹ nghệ dược phẩm trong thập niên gần đây. Không cần đợi đến phòng thí nghiệm tối tân, cũng chẳng cần phải có kiến thức y học hiện đại, người xưa đã từ bao đời biết dùng thuốc qua ngõ thần kinh khứu giác. Dẫn chứng cụ thể là hình thức xông hơi cổ họng, xông mũi bằng các loại tinh dầu trong cây cỏ. Cần gì đến nguyên liệu phức tạp. Nếu biết cách phối hợp tinh dầu sả, chanh, cam, tràm, bưởi, húng chanh, gừng, quế, hồi… theo tỷ lệ thích hợp cho mục tiêu điều trị cá biệt thì nhà điều trị có sẵn trong tay đầy đủ phương tiện để dự phòng và điều trị nhiều bệnh chứng, từ cảm mạo cho đến suy nhược thần kinh, thông qua liệu pháp có cơ chế vận hành hợp lý và an toàn cho cơ thể người bệnh. Paracelsus ắt hẳn phải có lý do chắc chắn khi đưa ra nhận định “Không có liệu pháp nào phù hợp với con người cho bằng tuân thủ và áp dụng qui luật của thiên nhiên”. Dùng ngay thần kinh khứu giác để dẫn thuốc vào não còn gì khéo hơn!

Sản xuất được mặt hàng xuất khẩu mà chỉ tồn kho thì chết chắc! Vấn đề là làm sao phăng cho đúng con đường hội nhập thị trường mới để bán được hàng trên đất lạ với giá cao. Khó hơn nữa là làm sao tìm được mặt hàng đúng thị hiếu để nắm bắt cho kịp thời cơ. Dùng thuốc cũng thế. Muốn “lợi dụng” chức năng dẫn truyền của thần kinh khứu giác để phòng và trị bệnh thì việc ứng dụng mùi thơm của tinh dầu thực vật, còn gọi là hương liệu pháp (aromatherapy) chính là một trong các đáp án thực tế, vì vừa đơn giản, an toàn lại thêm hiệu quả. Đâu có bệnh, gần đó có thuốc (Hippocrates).

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.