Tuesday, November 15, 2016

BÁNH KHOÁI THƯỢNG TỨ

Tối nay ngồi xem "Chuyện bên lể" tập 249, xem MC Việt Thảo giới thiệu về quán Tràng Tiền ở Atlanta, tiểu bang Georgia, Mỹ. Cái tên quán đã cho mình biết chủ quán là một người Huế, nghe tiếng nói rặt giọng Huế rất đậm và dù đã có tuổi nhưng chị vẫn còn dễ thương, bẽn lẽn và e ấp như một cô gái Huế làm tôi chợt nhớ bài "Em đi chùa Hương" trong câu "em còn nhỏ lắm chứ mấy anh kia ơi". Dễ thương lắm khi nghe anh Việt Thảo ghẹo cô gái Huế. (Xem video clip post trong phần comment)


Đoạn chót Việt Thảo đòi ăn thêm một món mà không có trong chương trình. Chủ quán làm một món đặc sản Huế: "Bánh Khoái". Bản thân tôi đã nghe nhiều về món này nhưng chưa từng ăn qua, Việt Thảo cũng vậy, chỉ nghe mà chưa thử. Nhờ thế tôi mới biết được một câu chuyện lạ về món bánh này, không biết càc bạn có biết chưa:

Bánh Khoái Thượng Tứ:
Bánh khoái không còn đơn thuần là một món ăn mà đã trở thành một phần văn hóa Huế. Bánh khoái Thượng Tứ nay đã có tên trong sách hướng dẫn du lịch quốc tế. Đặc biệt, “thương hiệu” gần 40 tuổi đời này được khai sinh bởi một gia đình có 7 người câm điếc và tất cả đều làm ăn phát đạt nhờ... bánh khoái!

BÁNH KHOÁI CỦA NGƯỜI CÂM 

Ở phía Đông Nam kinh thành Huế có một đoạn đường đặc biệt - đường Đinh Tiên Hoàng. Từ Thương Bạc vào đến cửa Thượng Tứ, phía số chẵn có 14 nhà nhưng có tới 7 gia đình của anh chị em họ Lê. Tất cả họ đều bị khuyết tật và đang sở hữu một thương hiệu nổi tiếng của đất cố đô: Bánh khoái Thượng Tứ, nay đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Huế.



Béo, ngọt, bùi, chua, chát, the...- Du khách đến Huế mà không đặt chân đến Thượng Tứ để thưởng thức hương vị của bánh khoái Thượng Tứ (Lạc Thiện là quán “gốc”) là coi như chưa đến đất này. Đã gần 40 năm nay, cái tên bánh khoái tuy dân dã nhưng được người đời xưng tụng, khiến cho tên tuổi của nó không chỉ nổi tiếng ở Huế mà đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Chỉ riêng cái tên gọi “bánh khoái” hay “bánh khói” cũng đã gây nhiều cuộc tranh cãi trong giới nghiên cứu văn hóa, văn-thi sĩ, người sành ẩm thực...
Thuở trước, người cố đô gọi bánh này là “bánh khói” vì phải ăn lúc bánh còn nóng hổi, ngào ngạt tỏa khói. Do người Huế phát âm sai nên “bánh khói” được đọc trại ra thành “bánh khoái”. Đến Thượng Tứ, ăn xong thấy “khói” hay “khoái” đều có lý cả. Người Huế có cái “khôn” là biết tiếp thị món ăn bằng cách cho khách tận mục sở thị quá trình chế biến. Khi khách chuẩn bị ăn, cô chủ quán bắc khuôn lên lò, đổ mỡ. Vòng ngoài khuôn được sắp thêm thịt bò hay thịt chim cùng tôm tươi. Giữa khuôn là nấm mỡ hoặc rau giá. Để trên lò mấy phút cho các thứ trong khuôn gần chín thì múc bột lỏng đổ vào rồi rưới trứng đã đánh nhuyễn tráng lên bề mặt bánh, sau đó đậy nắp khuôn lại. Bánh chín vàng, gập đôi lại để trên chiếc đĩa sứ trắng tinh, nghi ngút khói. Có thêm màu xanh của rau xà lách, rau thơm, trắng của giá, vàng kem của trái vả, màu vàng của trái khế ngọt, thật đẹp mắt. Đưa từng miếng bánh giòn tan, thơm phức ấy vào chén nước lèo rồi cho vào miệng để cảm nhận cùng một lúc cái béo, ngọt, bùi, chua, chát, the..., không “khoái” sao được! Chưa ăn, thấy đã khoái nhãn rồi. Ăn xong, hết muốn tranh cãi “bánh khói” hay “bánh khoái” nữa! Người ta thường nói rằng dân Huế là “dân Việt gốc... ớt”, cho nên ăn cái gì cũng cay. Và khi ăn kèm bánh khoái, khách không thể bỏ qua mấy trái ớt chỉ thiên đỏ chót, vừa ăn vừa chảy nước mắt. Lại nhận được câu động viên nhẹ nhàng, thủ thỉ đến dễ thương của cô chủ quán đất thần kinh: Rứa mới ngon!


Huế có nhiều chỗ làm-bán bánh khoái như Đông Ba, Gia Hội, Vĩ Dạ, Kim Long... nhưng bánh khoái Lạc Thiện ở Thượng Tứ trứ danh hơn cả nhờ bí quyết nằm ở chén nước lèo, thứ nước chấm sền sệt chỉ những đầu bếp giỏi mới chế biến được, tạo nên hương vị thượng hạng của bánh khoái. Người Huế còn kể một câu chuyện vui rằng, có hai du khách Tây vào ăn bánh khoái Lạc Thiện. Rau sống và mấy chén nước lèo được dọn ra trước. Trong khi bánh còn nằm trên khuôn thì họ đã ăn sạch rau và nước lèo bởi tưởng bánh khoái chỉ có vậy. Thế mà vẫn tấm tắc khen ngon...! Chị Nguyệt, vợ chủ quán Lạc Thiện, còn cho biết bí quyết tạo nên bánh ngon không chỉ nằm ở chén nước lèo, mà còn ở cách đổ khuôn bánh. Dù đông khách đến mấy, Lạc Thiện cũng chỉ đổ một lần 3 khuôn bánh bởi theo chị, như thế mới bảo đảm chất lượng, bánh lại đẹp.


7 người con câm điếc.- Người khai sinh cho thương hiệu bánh khoái Lạc Thiện là vợ chồng ông Lê Văn Thiện và bà Hồ Thị Trà. Năm 1956, bà Trà từ Quảng Trị vào Huế lấy chồng, mở tiệm làm bánh và bắt đầu lập nghiệp. Hiện nay, ông Thiện đã qua đời, nhưng tấm ảnh còn lại của ông cho thấy thời trẻ ông khá đẹp trai, phong độ. Bà Trà nay đã trên 80 tuổi, trông đẹp lão, phúc hậu. Có lẽ nhờ thế, những người con của ông bà sinh ra đều đẹp trai, xinh gái nổi tiếng một thời ở cố đô. Sau khi sinh người con gái đầu lòng thì bà bị một chứng bệnh lạ dẫn đến lãng tai, sau đó điếc dần. Tiếp theo,7 người con của ông bà gồm 3 trai, 4 gái đều bị câm, điếc bẩm sinh. Nỗi bất hạnh của con cái đã được cha mẹ bù đắp. Hơn 40 năm gầy dựng cơ nghiệp, bà Trà lần lượt truyền nghề cho các con, chỉ duy món nước lèo, là bí quyết gia truyền, bà còn giấu kín. Cũng từ nguyên liệu cơ bản như đậu phụng, mè, ruốc, gan lợn... như những tiệm bánh khoái khác, nhưng độ ngon của nước lèo do bà Trà chế biến vẫn là số một. Chị con dâu đầu, đang cùng chồng theo nghề gia truyền đến nay đã 27 năm, vẫn chưa được pha chế nước lèo. Chị kể rằng, năm ngoái bà cụ bị ốm một trận nặng, nhưng bà vẫn chưa chịu tiết lộ bí quyết. Bà bảo: “Khi nào trăng trối, bà mới cho chị được truyền thừa công thức chế món nước lèo”. Nhờ có tay nghề giỏi, đã có lần, bà Trà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên – Huế mời ra Hà Nội chế biến bánh khoái phục vụ một đại hội lớn. Tên tuổi Lạc Thiện được vang xa. Nhờ giữ gìn được nghề lâu như vậy, cùng với sự chịu khó, tần tảo của hai vợ chồng bà Trà, cả 8 người con của họ đều được cho ăn học đến nơi đến chốn. Vốn liếng tích lũy được, ông bà đã mua được cho mỗi con một căn nhà và tất cả đều đã có gia đình, làm ăn bề thế, khang trang nhờ... bánh khoái.


Người Huế cũng hay gọi đường Đinh Tiên Hoàng là “phố bánh khoái người câm” hay “phố bánh khoái không lời” bởi cả gia đình câm điếc họ Lê này tập trung gần như đầy đủ trên một dãy phố. Ba quán Lạc Thiện, Lạc Thạnh và Lạc Thuận nằm san sát nhau tại cuối đường Đinh Tiên Hoàng. Bất kể Huế có đang trong mùa lễ hội hay không, ba nơi đều nườm nượp khách. Chủ quán Lạc Thiện là anh Lê Văn Trung, con trai lớn của bà Trà. Chủ hai quán còn lại lần lượt là anh Lê Văn Thạnh và chị Lê Thị Thanh Yến. Khách từ phương xa tới, thật bất ngờ khi thấy anh chủ tiệm đẹp trai nhưng chỉ biết ra dấu, cô hàng bánh xinh đẹp, dùng mấy ngón tay làm ký hiệu tính tiền và đặc biệt là rất giỏi ngoại ngữ, bút đàm với khách Tây. Chưa hết, cô em gái Lê Thị Thanh Ngọc còn mang cả thương hiệu bánh khoái Lạc Thiện vào Sài Gòn, mở quán gần chùa An Lạc trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cũng đông khách không kém.
Có tật-có tài, người đời đã nói vậy, 7 anh em tật nguyền nhà họ Lê làm gì cũng giỏi, cũng có tiếng. Chàng trai Lê Văn Lan đã từng là họa sĩ, mở xưởng vẽ tranh truyền thần. Sau có vợ, về mở quán ăn đặc sản với cái tên rất lãng mạn “Huế Xưa”, được đông đảo khách thập phương tìm đến. Ngay bên quán bánh Lạc Thiện là tiệm may Phương Mai do hai người con gái Lê Thị Hoàng Anh, Lê Thị Thu Cúc làm chủ tiệm. Đây là một trong những quán may đẹp nổi tiếng của Huế, rất đông khách nhờ hai cô chủ tiệm khéo tay và khá xinh đẹp. Điều may mắn là hơn 30 người con của 7 gia đình anh em ruột bị câm điếc bẩm sinh này không ai bị khuyết tật như bố mẹ. Đa số được cho ăn học tử tế và nhiều người kế tục nghề làm bánh.


Bánh khoái làm say lòng du khách.- Đã có biết bao giai thoại về gia đình câm và thương hiệu bánh khoái nổi tiếng này. Ban đầu, khách đến ăn bánh khoái Thượng Tứ cũng một phần vì tò mò, muốn biết được nghe cắt nghĩa vì sao 7 đứa con của bà Trà đồng loạt bị câm điếc. Đương nhiên là không có nguyên nhân nào thuyết phục cả, ngoài lời đồn đãi rằng ngôi mộ ông nội của họ táng trúng lưỡi rồng, nên mới sinh con ra bị dị tật như thế (?!). Thế rồi, lời đồn đãi ấy cũng bị lãng quên, thay vào đó là nét đẹp dịu dàng, thuần hậu của những người con gái gia đình họ Lê đã “hớp hồn” du khách. Ăn bánh ngon, lại được ngắm cô chủ quán xinh xinh, có thực khách đã tức cảnh sinh tình, ghi lại hai câu thơ, vừa tán tụng bánh khoái, vừa tán tỉnh cô chủ quán xinh đẹp:

Trăm năm bửu vật đất đế đô
Bánh khoái là đây phải không cô?

Bây giờ, bánh khoái Huế nói chung, đặc biệt là bánh khoái của gia đình người câm họ Lê đã có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân cả nước, kể cả một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Ở Huế, đây là một trong những món ăn được khách Tây ưa thích nhất hiện nay. Nhiều đoàn khách nước ngoài, trước khi đến Huế đã đặt sẵn các suất bánh khoái của tiệm Lạc Thiện. Những cái tên Lạc Thiện, Lạc Thạnh, Lạc Thuận... nay đã được ghi trong cẩm nang hướng dẫn du lịch của các hãng lữ hành quốc tế, được giới thiệu bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật. Đến Huế, muốn ăn bánh khoái, du khách chỉ việc tìm theo sách mà tới. Chị Nguyệt đã cho tôi xem khá nhiều bức ảnh gia đình chụp chung với khách, đủ các quốc gia từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Có khách cao hứng viết cả lời khen tặng trên vách nhà. Có người về nước gửi thư sang, khen ngợi và cảm ơn bánh khoái Thượng Tứ đã để lại cho họ một kỷ niệm đẹp. Tôi cũng được chủ tiệm cho xem nhiều bài báo của các phóng viên nước ngoài viết, ca ngợi bánh khoái của gia đình họ Lê, được cắt ra, gửi về tặng. Trong một bài báo cũ của tờ Bangkok Post (Thái Lan) có ghi lại cảm tưởng: “Huế không chỉ làm say lòng du khách bằng một di sản văn hóa thế giới, mà bằng cả những món ăn bình dân, trong đó có bánh khoái. Lần sau đến Huế, chúng tôi nhất định ăn thật nhiều món này”.


Bánh khoái Thượng Tứ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của khách nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đã biết Huế chính là nhờ cái tên bánh khoái Thượng Tứ. Gần 40 năm tồn tại trên đất cố đô, cũng như cơm hến, tiếng hò sông Hương, tiếng chuông Thiên Mụ, bánh khoái không chỉ đơn thuần là một món ăn nữa mà đã trở thành một phần văn hóa Huế, khiến du khách phải say lòng.

Bài và ảnh: Xuân Hồng - Hiền Trang
(Sưu tầm trên mạng)