Chu Sỹ Hành cầm bản “Đạo hành bát nhã” ném thẳng vào lò lửa khiến ngọn lửa cháy bừng bừng bỗng tắt lịm, trong khi cuốn kinh vẫn nguyên vẹn.
Chuyến “Tây du” một đi không trở lại
Vào năm 260, Chu Sỹ Hành xuất phát từ Ung Châu (nay là Thiểm Tây) đi thẳng về phía Tây. Trải qua rất nhiều gian nan, hiểm trở, cuối cùng Chu Sỹ Hành cũng đến được nước Vu Điền, nay là Hòa Điền, Tân Cương.
Tại đây, quả nhiên Chu Sỹ Hành tìm thấy bản kinh “Đạo hành” nguyên bản bằng tiếng Phạn. Vui mừng khôn tả, ông lập tức sao chép lại nguyên bản 90 chương của kinh “Đạo hành bát nhã”. Vì cuốn kinh có 90 chương, nên sau này có người gọi là Cửu thập chương.
Sau khi sao chép xong nguyên bản tiếng Phạn, Chu Sỹ Hành định sai đệ tử của mình là Phất Như Đàn cùng 10 người khác đưa bộ kinh “Đạo hành bát nhã” tiếng Phạn về Lạc Dương. Tuy nhiên, các tín đồ Tiểu thừa tại nước Vu Điền cho rằng, nếu để Chu Sỹ Hành mang được bộ kinh “Đại hành bát nhã” của dòng Đại thừa về Trung Quốc ắt sẽ gây ra cản trở, ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của dòng tu Tiểu thừa tại đây.
Chính vì thế, họ mới vu cáo “Đại hành bát nhã” là loại kinh điển ngoại đạo và nói với Quốc vương nước Vu Điền rằng: “Sa môn người Hán dùng sách Bà La Môn để làm mê loạn chính điển, nếu như đại vương cho phép họ về nước, sự phát triển của đại pháp tất sẽ bị tàn lụi và tội lỗi tất cả là do đại vương mà ra”.
Vua nước Vu Điền nghe vậy, nhất định không cho phép Chu Sỹ Hành và các đệ tử ra khỏi đất nước, trở về Trung Quốc.
Chuyện kể rằng, Chu Sỹ Hành biết chuyện những người thuộc dòng tu Tiểu thừa ở Vu Điền vu cáo mình thì vô cùng tức giận, bèn tới gặp Quốc vương Vu Điền nói rằng: trước mặt đức vua, ông sẽ ném bộ kinh “Đạo hành bát nhã” vào lửa, nếu lửa không thể thiêu rụi được bộ kinh, chứng tỏ nó không phải là loại “bàng môn tà đạo” như lời vu cáo và xin đức vua cho phép đưa kinh về Trung thổ.
Nói dứt lời, Chu Sỹ Hành cầm bản “Đạo hành bát nhã” ném thẳng vào lò lửa khiến ngọn lửa đang cháy bừng bừng bỗng tắt lịm, trong khi cuốn kinh vẫn nguyên vẹn và không mảy may tổn hại. Cả triều đình nước Vu Điền đều lấy làm kinh ngạc, còn những người thuộc tăng phái Tiểu thừa thì không nói được lời nào.
Một tiền lệ tốt
Tuy nhiên, đó dường như chỉ là một câu chuyện đẫm chất huyền thoại, được các tín đồ sau này tưởng tượng ra. Còn thực tế, phải mất tới 12 năm sau đó, nghĩa là tới năm 282, khi Chu Sỹ Hành mất, đệ tử của ông là Phất Như Đàn và một số đệ tử khác mới tìm được cách đưa bộ kinh “Cửu thập chương” về tới Trung thổ. Rồi lại phải mất gần mười năm sau đó, tới năm 291, Phất Như Đàn mới mời được người biên dịch cuốn kinh này từ tiếng Phạn ra tiếng Hán.
Theo sử sách ghi chép, năm 291, Phất Như Đàn mời một ban phiên dịch tập trung tại chùa Thủy Nam, huyện Đông Lưu, Hà Nam để tiến hành dịch kinh “Cửu thập chương”. Ban phiên dịch gồm có: Đại sư Vô La Xoa, người nước Vu Điền, đọc văn kinh tiếng Phạn, Đại sư Trúc Thúc Lan, khẩu dịch ra tiếng Hán và Chúc Thái Huyền và Chu Huyền Minh làm người ghi chép lại bằng chữ Hán.
Bộ kinh được dịch xong vào tháng chạp năm đó, tuy nhiên, mãi đến 12 năm sau, tới đời Vua Tấn Huệ Đế niên hiệu Thái An năm thứ 2 (năm 303), Đại sư Trúc Pháp Tịch đến chùa Thủy Nam cùng Sa môn Trúc Thúc Lan đã hiệu đính và đổi lại thành kinh “Phóng quang bát nhã”.
Một năm sau, vào niên hiệu Vĩnh An nguyên niên, tức năm 304 thì hiệu đính xong. Như vậy, tính từ thời điểm Chu Sỹ Hành tới được Vu Điền lấy được kinh cho tới khi bộ kinh này được dịch hoàn tất tổng cộng mất tới hơn 30 năm. Cho tới khi bộ kinh này được dịch hoàn tất ra tiếng Hán theo đúng tâm nguyện của Chu Sỹ Hành thì ông đã qua đời hơn 20 năm.
Mặc dù Chu Sỹ Hành không thể tự tay mang bộ kinh về tới Trung thổ, phần dịch ra tiếng Hán của các đệ tử vẫn được tiến hành theo phương pháp cũ, nhiều chỗ không được hoàn thiện, tuy nhiên, các học giả đời sau đều thống nhất cho rằng, cuộc “Tây du” của Chu Sỹ Hành là một tiền lệ tốt cho những chuyến viễn du Tây Thiên cầu Phật pháp của Pháp Hiển hay Huyền Trang sau này. Hơn nữa, chuyến đi của Chu Sỹ Hành còn mở ra quá trình giao lưu về văn hóa và Phật giáo giữa Trung Quốc với các quốc gia nằm ở phía Tây.
Theo Bằng Hữu/Gia đình Việt Nam
(đăng trong mạng Kiến Thức)