Wednesday, November 23, 2016

VỀ GIÀ Ở VỚI AI?

Ngày xưa  phụ nữ không ra ngoài xã hội làm việc , lấy chồng ở nhà nuôi con và nội trợ , dĩ nhiên có thể trông coi và phụng dưỡng cha mẹ chồng. Ngày nay phụ nữ cũng ra ngoài làm việc như đàn ông nên cả hai vợ chồng đều  phải lo nuôi con , tổ chức sinh hoạt nhà cửa chia xẻ với nhau một cách bình đẳng( không biết ở VN thì sao chứ ở nước ngoài chồng vợ đều có những bổn phận như nhau đàn ông cũng phụ trách nuôi con , đi chợ , làm bếp hay quét dọn nhà cửa như đàn bà không có ai cười ai vì ở xã hội văn minh điều đó là công bằng ) , đàn bà cũng xốc vác và làm đủ mọi việc như một người đàn ông chứ không lệ thuộc vào chồng như ngày xưa.


Như thế đời sống xã hội đâu còn giống như trước đây vài chục năm nữa mà đi so sánh? Các cụ lớn tuổi ở nhà một mình đâu có ai trông? cũng không có hàng xóm ở gần nhà như ở VN vì ở nước ngoài nhà nào cũng quanh năm đóng kín cửa chẳng mấy khi gặp mặt nhau , hàng xóm có người chết còn không hay nữa kià như vậy mấy cụ đâu có ai trông chừng trong trường hợp ngã té nếu không hay kịp thì nguy hiễm tánh mạng. 
Do tình trạng đó nhà dưỡng lão được thiết lập để gia đình an tâm gửi các cụ vào trong đó có người chuyên môn chăm sóc đêm lẫn ngày , có những tổ chức sinh hoạt cho các cụ vui chơi với nhau rất tốt đẹp. Mỗi ngày có người đem thuốc đến cho các cụ uống đúng giờ , tắm rửa có phương pháp không làm cho các cụ đau đớn và nhanh lẹ. Đời sống nơi viện dưỡng lão bên nây không giống như người trong nước tưởng tượng ra đâu . Mỗi phòng có một hoặc hai người , có điện thoại , TV , DVD , tủ lạnh ,phòng tắm và WC riêng  rất tiện nghi. Tới giờ có người mang phần ăn đến nếu mình không muốn xuống phòng ăn chung với mọi người .



Tôi còn nhớ, những năm sau đây, nhóm bạn già chúng tôi đã có lập trường vững chắc, đã viết ra một bản nội qui cho hội, và tất cả đều nhất trí – kiểu Việt Cộng – 100% là khi các con cái ra riêng, thì hai vợ chồng già ở mí nhau là hạnh phúc nhất đời. Đó là một sự tự do tìm lại được sau những ngày tháng miên man lo làm bổn phận mà quên mất hạnh phúc riêng tư. Cứ cho như lúc này là một cuộc hôn nhân mới, một tự do son rỗi mới, một tuần trăng mật triền miên. Cần phải biết tận hưởng bằng cách cùng nhau tổ chức những tuần trăng mật thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ vân vân và vân vân cho tới khi nào sụm bà chè không đi được nữa thì sẽ tính.
Đúng vậy , khi con cái đã thành nhân, đó là thời gian vợ chồng già thảnh thơi hạnh phúc nhất , hạnh phúc còn hơn lúc son trẻ nữa vì không sợ sanh đẻ ngoài kế hoạch , không còn bận rộn lo cơm áo , nuôi dạy con cái , không còn mắc nợ ngân hàng , không phải dậy sớm đi làm , ngày nào cũng là ngày lễ , sung sướng nhất lúc nầy khi sức khỏe còn đầy đủ mình chỉ cần luyện tập về mặt đạo đức nữa để đời sống tinh thần được an lạc là hạnh phúc nhất rồi. 


Khi nào một anh bỏ cuộc chơi, lên đường vinh quang thì anh kia sẽ tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà lo liệu lấy thân. Nhưng tất cả đều đồng thanh, không nên ở với con, cho dù là con trai hay con gái, cho dù là con mình sinh ra toàn là những gương mẫu nhị thập tứ hiếu không à. Cũng không nên ở chung, mất tự do của mình mà lại ảnh hưởng tới hạnh phúc của con. Đấy là chưa kể, trường hợp mình vô phúc, chẳng may, vụng về, khê nát, đẻ ra toàn là hột vịt ung, hột gà thối, thì đừng bao giờ nghĩ chuyện ở chung cho nó thêm phiền não.
Làm cha mẹ trước hết nên thông cảm với các con mình đừng bao giờ đòi hỏi chúng quá khả năng mà chúng có thể làm được. Những gì cha mẹ làm cho con khi con nhỏ dại còn sống chung với mình thì hãy tạo điều kiện cho con mình làm tốt công việc đó cho con cái của chúng , đừng buồn vì chúng không làm được những điều chúng ta đã làm cho chúng lúc nhỏ. Đó là định luật của tạo hóa . Ví dụ như lúc mình đi làm việc thì chỉ có luật cho phép cha mẹ nghỉ làm khi con cái bị bệnh chứ đâu có luật nào cho mình nghỉ ở nhà để nuôi cha mẹ bệnh đâu. Nếu đầu óc mình biết thông cảm thì sẽ thấy không đứa con nào bất hiếu cả và như vậy mình sẽ không có chút phiền não trong lòng mà con cái của mình cũng thấy vui vẻ không áy náy vì sự phiền hà hờn trách của mình.


Trong đầu óc chúng tôi – những hội viên của hội lão này – cụ nào cũng có một vài ba cái kinh nghiệm của bà con, của bạn bè về những vụ ở chung với con cái. Chuyện nào cũng chẳng có happy ending gì hết, mà đều là bẽ bàng, dại dột. Bố hay mẹ góa, nghe lời ngon ngọt của con – trai hay gái – bán nhà, đem tiền về gửi con, rồi ở với con với cháu cho chúng nó có thì giờ trả hiếu. Nhưng chỉ chừng vài ba tháng trăng mật, khi chúng rút hết tiền trong két nhỏ cũng như công lớn, chúng bèn nhắc nhở, khách ở trong nhà giống y hệt như cá như tôm, chỉ đến ngày thứ ba là ươn, là thối sình lên rồi. 
Dĩ nhiên chuyện gì thì cũng có thể xảy ra , những đứa con vô lương tâm như thế chắc không có nhiều trên đời thì đừng đem chuyện đó ra mà phô trương hoài tội nghiệp các đứa con khác.  Bây giờ đa số con cái của chúng ta giàu có hơn cha mẹ vì phần đông cha mẹ già là thành phần người VN tị nạn ra khỏi nước với hai bàn tay trắng gầy dựng sự nghiệp nuôi con từ số 0. Theo cách giáo dục tự lập bên nầy con cái phần đông không đứa nào cần đến tiền bạc của cha mẹ ngoại trừ những đứa con cờ bạc, hút sách, lêu lỏng, thất học….


Thế là ông bà già tức tưởi, khăn gói quả mướp ra đi với hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa trắng. Hỏi đến tiền chúng cứ tảng lờ như không hiểu bố mẹ nói gì. Cụ nào cũng tắc lưỡi nói, vẫn biết đây là chuyện hàng xóm, con mình chả đến nỗi thế, nhưng nó ở nhà mình thì mình là chủ nhưng nó vẫn coi là nhà của nó, nhưng mình ở nhà nó là không được, vì nhà nó là nhà nó, không phải là nhà mình, nó là chủ mà mình là người ở nhờ.

Đúng là nhà của cha mẹ là nhà của con cái  nhưng nhà của con cái không phải là nhà của cha mẹ. 
Có cụ thành thật chia sẻ. Ở nhà nó thì khi mình còn sức khỏe, làm vú em, làm chị sen, chị bếp cho chúng được thì vui, nhưng mà trông cháu coi vậy mà không phải vậy, mệt cầm canh. Nhất là khi mỗi đứa một loại tuổi, đứa thì bú sữa, thay tã, đứa thì thoáng một cái là chạy mất tiêu mất hút, chẳng biết đâu mà tìm, đứa đi đá banh, đứa đi học võ. Ông hàng ngày đưa đi, đón về, lái xe còn nhiều hơn cả tài xế taxi. Cụ nào như cụ ấy, ai cũng nghĩ không nên và không thể ở được với con.


  •  Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để giúp con cháu của mình như vậy thấy mình còn có ích  góp phần gián tiếp giúp xã hội tiến bộ. Tôi làm tự nguyện do tình thương không nghĩ đó là sự lợi dụng của con cái. Chúng nó đều là ruột thịt máu mủ của mình sao lại có thể cho là lợi dụng chứ?! Tôi vui với việc tôi làm và hạnh phúc với việc làm đó chứ không phải là hy sinh gì hết !
Thế mà lâu lâu vẫn có cụ bị mắc lỡm, bị vào tròng. Đã bảo là miệng thì khôn, nhưng đôi khi hành động lại không khôn. Cho nên, lâu lâu vẫn có cụ bị con lừa, ngậm một mối căm hờn trong nhà dưỡng lão. Và đề tài câu chuyện của các cụ trong nhà dưỡng lão luôn luôn vẫn là những chuyện nhị thập tứ bất hiếu thời nay.

Mấy ông bà luôn luôn bất mãn con cái của mình sẽ là những người đau khổ cho đến chết !và đó là lý do đẩy con cháu càng lúc càng xa mình thêm. Lòng thông cảm bao dung nhân ái sẽ đem hạnh phúc đến cho mọi người. 
Nhưng mà, cụ cũng đừng coi những chuyện trên đây là thông lệ hay ngoại lệ, chỉ biết rằng lâu lâu lại có một chuyện như thế. Cụ nào không may thì gặp phải loại con Lý Tường, chứ không phải đứa con nào cũng là Lý Tường cả. Thôi thì cứ cho là, kiếp trước mình nợ nó, bây giờ nó trở vào làm con mình để nó đòi nợ. Chứ thực ra thì, con tôi đâu có thế, mà con cụ cũng đâu có vậy. Tuy nhiên, dù sao thì cũng chẳng nên lợi dụng lòng tử tế của nó. Cứ ở một mình là yên chuyện. Trừ khi nào không thể ở được một mình nữa thì hãy tính.


  •    Đừng nói rằng ai nợ ai, tình thương cha mẹ dành cho con cái là thứ tình cảm thiêng liêng , chính vì họ nghĩ là mắc nợ con của mình nên mới khổ ,chứ nếu chúng ta  cho đi mà không đòi hỏi nhận lại thì có phải cao thượng lắm không? Tại sao mình làm cha mẹ mà đòi hỏi con cái mình phải giống mình?   Mỗi thời đại mỗi khác, tổ chức xã hội khác , quan niệm khác thì mình phải sáng suốt nhận định để có cuộc sống vui và hạnh phúc.
Nếu trời bắt u mê chẳng còn biết ai vào với ai, thì ở đâu mà chả giống nhau, ở nhà nó hay ở nhà mình, mà cho dù có ở trong viện dưỡng lão, thối tha, bẩn thỉu thì cũng có biết gì nữa đâu mà chịu mí lị không chịu!
  •   Tôi không biết nhà dưỡng lão ở xứ khác thì sao chứ nhà dưỡng lão ở Canada đẹp đẽ , sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, nhân viên phục vụ tử tế, không có gì đáng phàn nàn.
Tôi luôn luôn lấy làm mãn nguyện, luôn miệng cám ơn Trời, đã thương tôi cho tôi những đứa con – chả được như nhị thập tứ hiếu, nhưng cũng không đến nỗi thuộc loại nhị thập tứ bất hiếu – chúng là những đứa con có tình, biết điều, có giáo dục, nói tóm lại là có hiếu.
  • Đa số là những đứa con bình thường là như vậy.
Nhiều cụ nghe tôi khoe con, có vẻ lấy làm cay cú, hỏi mát tôi rằng, con cụ hiếu thảo thế, nhà cửa chúng lại đầy đủ tiện nghi, sao cụ không dọn về ở với một đứa, có phải vừa ấm cúng lại vừa đỡ tốn tiền thuê nhà không? Câu hỏi rất có lý, nhưng mà tôi cũng đã suy đi tính lại nát ra rồi cụ ạ. Tôi thấy cái lý luận con ở với bố mẹ thì bố mẹ vẫn là chủ, nó là con, còn bố mẹ ở chung với con thì nó là chủ mà mình là người ở nhờ. Đúng không thể chê vào đâu được. 


  • Vợ chồng già còn đủ đôi đủ cặp thì có nhà riêng được thoải mái sống tự do không ai dòm ngó hưởng thời ky` trăng mật cuối mùa vẫn hơn là sống chung với con cái vừa  ồn ào vừa mất  mất tự do. 
Ở với con không được vì con tôi đứa thì có gia đình cả 35 năm nay, thằng út cũng lấy vợ năm nay là 20 năm rồi. Đứa nào cũng có một nếp sống riêng tư của chúng, tôi cũng có những thói quen của tôi. Chẳng ai có thể bỏ nếp sống quen thuộc của mình mà hòa nhập vào một nếp sống khác. Cho nên, nếu tôi muốn thoải mái, cứ sống một mình là khỏe


  • Nếu một ngày nào sức khỏe không cho phép chúng tôi sẽ vui vẻ chọn cho mình một nhà già để vào ở nương thân những ngày cuối đời bên cạnh những người bạn già khác, chúng tôi sẽ vẫn được sống cạnh nhau, vui vẻ ăn những bữa cơm của viện dưỡng lão và sinh hoạt ở đó cho đến ngày ra đi để các con của tôi an tâm làm việc và lo nuôi dưỡng các cháu của tôi được tốt đẹp
(Sưu tầm trên mạng)