Thursday, January 12, 2017

ẤU THƠ TRONG TÔI LÀ....KẸO KÉO

Cho tôi hỏi các bạn một câu hỏi nhé: "Các bạn có ăn qua kẹo kéo không ? Nếu có thì lần đầu ăn hồi nào và lần cuối cùng ăn nó là lúc nào ?"


Chắc khó nhớ quá hả ? Tôi cũng vậy, biết ăn kẹo kéo từ thời tiểu học và có lẽ không ăn nữa khoảng lớp đệ ngũ hay đệ tứ. Nhớ hồi đó gần như trước của trường nào cũng có một chiếc xe bán kẹo kéo. Ông bán kéo thật hay, khúc kẹo kéo ra nhỏ xíu nhưng bao được những hạt đậu phọng nằm dài bên trong. Tôi vẫn còn nhớ mùi thơm và giòn của đậu, ngọt ngào của đường, bỏ vào miệng nhai một hồi nó dẽo ra một cục, chất đường tan trong miệng thật tuyệt nhưng dính vào răng, nhiều khi nó mắc vào nứu răng phải thò tay vào miệng mà móc nó ra rồi tiếp tục nhai tiếp. Đúng là tuổi ấu thơ mê kẹo hoặc bất cứ một món ngọt nào.
Hôm nay thật cảm động khi đọc được bài viết về kẹo kéo, nó làm sống dậy trong tôi cái ký ức của tuổi thơ, như được tìm vể quá khứ hạnh phúc của cái thời không biết lo lắng, sống trong sự bảo bọc của cha mẹ. Của cái thời mà phải nói là: (LKH)

"ẤU THƠ TRONG TÔI LÀ....KẸO KÉO"
Ai mua kẹo kéo tôi bán cho một vé về tuổi thơ?


“Kéo đây, kéo đây…” nghe chừng cứ tưởng chú đi xe đạp giữa cái nắng 38, 39 độ kia đi bán kéo nhưng không phải “Kéo đây, kéo đây.. ai kẹo kéo đây”. Tôi luôn tự hào nói với các bạn sinh viên nước ngoài rằng đây là thứ kẹo chỉ có ở Việt Nam. Hãy ngừng đọc một lát và quay lại hồi tưởng xem thức quà dân dã này đã in sâu vào tuổi thơ của chúng ta như thế nào.
Kẹo kéo là món ăn vặt rẻ tiền, thường được bán rong lại có những cách bán hàng hấp dẫn nên đã từng được trẻ em, học sinh trước đây rất ưa thích. Điểm đặc biệt của kẹo kéo là mặc dù nó rất dẻo, dễ kéo dài nhưng khi đã tạo thành thanh nhỏ thì lại trở nên giòn đến lạ lùng. Do vậy khi có khách, người bán dùng vải lót tay rồi kéo kẹo dài ra cho đến khi được một thanh kẹo đạt kích thước phù hợp (thường dài 5-10 cm và to như cây bút viết) thì dùng ngón tay trỏ chặt một cái mạnh và dứt khoát lên thanh kẹo khiến nó gãy rời ra kèm theo một tiếng “RẮC!!!” rất thú vị. Cây kẹo to đùng được chú bán hàng kéo nhẹ nhàng chau chuốt như một nghệ nhân đang tỉ mẩn hoàn thành tác phẩm của mình. Một khúc kẹo được kéo thành công là một khúc kẹo có nhân đậu phộng được rải đều trong que, lớp vỏ trắng phải mịn, mỏng và không bị chảy.


Người bán kẹo kéo rong còn có thể đổi kẹo kẹo lấy các loại phế liệu như: giấy loại, sắt vụn.. thậm chí kích thích trẻ em bằng cách mang theo một bàn quay số đơn giản, khi trả tiền xong, khách quay được số nào thì nhận số thanh kẹo tương ứng hay trò bắn súng của tụi con trai. Những trò chơi thu hút bọn trẻ con tụ tập quanh xe kẹo nhiều hơn, nhanh nhảu, tranh nhau, quát tháo và có cả văng tục hệt như một cái chợ nhỏ.
Để hấp dẫn trẻ con, chú ấy còn cho tụi nó kéo thử kẹo. Và dĩ nhiên, tôi cũng không nằm ngoài đám đông đó. Nhìn thì có vẻ dễ nhưng kéo được khúc kẹo ấy là cả một nghệ thuật, bằng chứng là có lúc nhìn chú bán hàng kéo ghiền quá tôi lúc ấy cũng mạo muội xin… kéo thử. Chú bán hàng mỉm cười khi những giọt mồ hôi đã lấm tấm trên trán tôi nhưng cây kẹo thì cứ “trơ” ra như đá, mất hơn gần 30 phút mà tôi chỉ kéo được 1 khúc nhỏ xíu xìu xiu và dĩ nhiên là… không có đậu phộng trong đó.
Thế tại sao thứ quà dân dã này lại mang một cái tên thú vị như thế?
Cứ Kẹo kéo, Kẹo kéo nghe mà thương đến sắt lòng tuổi thơ.
Lần đầu tiên tôi được ăn kẹo kéo là vào năm lớp Một, hồi đó cứ thấy trong nhà mẹ dọn dẹp chuẩn bị đi bán giấy báo, chai lon cho mấy cô nhôm nhựa là tôi và thằng bạn thân xin trước một xập báo cũ… để đi đổi kẹo. Với xập báo ấy, chúng tôi mua được những bốn cây kẹo thơm lừng đậu phộng béo ngậy và cũng với xập báo ấy, tôi trở thành mối ruột của chú bán kẹo hàng xóm cũng như là nguyên nhân khiến báo chưa đọc xong của ba bị biến mất khó hiểu. 


 Ngày xưa, tôi nghĩ đơn giản vì khi đi cùng đứa bạn thân đi mua kẹo kéo bao giờ cũng phải xếp hàng (gần như là bao cấp), chúng tôi phải đợi chú ấy kéo kẹo cho những đứa nhanh chân hơn. Đến lượt tôi, khi đã an tâm cầm cây kẹo trên tay để chờ thằng bạn thân thì nó đã mềm oặt ra, cong veo xuống đến tận bàn tay mới vọc cát xong. Thế nên mới gọi kẹo kéo dẻo. Lớn lớn một chút mới biết “Dẻo như kẹo kéo” là để chỉ động tác và cách ăn nói rất dẻo, khéo léo của con người.

Ngoài tiếng rao đơn giản “Kẹo kéo đâyyyy!” của người bán kẹo kéo rong, còn có câu rao vui khiến tôi bật cười như:
“Cô nào chồng bỏ, chồng chê
Ăn cây kẹo kéo chồng mê, chồng về“.
Kẹo kéo ngày xưa cũng được bán trong một cái thùng để sau xe nhưng không có nhạc và đặc biệt là không kéo sẵn và nguội ngắt mùi đậu phộng chảy dầu như mấy xe kẹo kéo bây giờ. Cây kẹo kéo bây giờ đã được bán ở các hàng quán, siêu thị nhưng bọc bên ngoài nó là lớp vỏ nilon đậm màu công nghiệp, cứng ngắc và thậm chí chẳng còn đậu phộng nữa. Có lẽ, đó là sự an ủi phần nào cho những ai đã từng thưởng thức món quà vặt bình dân ấy, cho ký ức thực sự của cây kẹo không bị mất hẳn đi trong tâm khảm của họ.
Thi thoảng, giữa lòng thủ đô ngược xuôi lo toan này, tôi cũng bắt gặp những xe kẹo kéo… được chở trên những chiếc xe gắn máy đi vút qua. Rồi những nam thanh nữ tú hát rong, tay cầm một nắm kẹo xộc xệch mời chào ở các hàng ăn lại càng khiến tôi ngậm ngùi thương cái nghề “vàng son” một thời ấy.


Cây kẹo kéo còn sót lại ngần đó lại mang tôi về với những trưa hè đi học về nóng bức nhưng vẫn cắm cổ chạy thật nhanh, nằng nặc ỉ ôi lôi thằng bạn thân đi ăn kẹo cho bằng được. Giờ bạn cũng đã xa tôi, giờ chú bạn kẹo kéo sau một vụ tai nạn bị ô tô đâm trong một chiều muộn bán kẹo kéo về cũng đã bị mất trí – lúc nhớ lúc quên, tiếng cười cất lên như một người vô hồn. Nhưng thực tâm mình, tôi thấu hiểu được sau đó là nỗi tiếc hoài một kí ức về gánh xe kẹo kéo mang lại tuổi thơ trong veo cho những đứa trẻ nghèo ở quê nhà như chúng tôi.
Kẹo kéo ơi… ngày xưa ơi, còn đâu?
Tác giả: Ngô Ngọc Huyền

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.