Nhờ tiến bộ nhảy vọt của ngành y trong thập niên gần đây, người ta đã hiểu rõ hơn về ung thư. Thầy thuốc ngày nay có thể tìm ra nhiều câu trả lời êm tai hơn về căn bệnh chẳng khác nào bản án tử hình dành cho… nạn nhân! Bên cạnh nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngẫu biến trong cấu trúc của tế bào như độc chất trong khói thuốc lá, hóa chất gia dụng, phế phẩm kỹ nghệ, kim loại nặng, tia tử ngoại, siêu vi…, thực phẩm nếu dùng sai cũng là lý do khiến tế bào thay vì phát triển bình thường bỗng trở thành tế bào ung thư. Dễ hiểu vì thực phẩm nếu xét về cơ chế tác dụng cũng tương tự như thuốc, cũng là một loại hoạt chất khi được đưa vào cơ thể, thì phải có tác dụng nào đó, không tốt thì xấu, khó có chuyện vô bổ vô hại.
NÊN KIÊNG MÓN NÀO ?
Theo nhiều chuyên gia ngành dinh dưỡng, muốn ngăn chận tế bào ung thư cần chú trọng nguồn thực phẩm “xanh” trong khẩu phần thường ngày, càng nhiều càng tốt, càng đa dạng càng hay, để cơ thể đừng thiếu sinh tố, khoáng tố thuộc nhóm kháng oxy-hóa như A, C, E, kẽm, selen, crôm… và để qua đó mượn hoạt chất thực vật, như trong cải, hành, tỏi, cà-rốt, cà chua, ớt chuông, dâu tây, atisô, táo, nho, đậu nành… làm phương tiện bảo vệ cấu trúc của tế bào. Nghe rất hợp lý và cũng đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu. Nhưng liệu ăn uống đúng như thế có ngăn chận được ung thư hay không? Tiếc thay, câu trả lời trước sau vẫn là không chắc chắn 100%. Dù vậy vẫn nên ăn vì thà có còn hơn không!
NÊN KIÊNG MÓN NÀO ?
Theo nhiều chuyên gia ngành dinh dưỡng, muốn ngăn chận tế bào ung thư cần chú trọng nguồn thực phẩm “xanh” trong khẩu phần thường ngày, càng nhiều càng tốt, càng đa dạng càng hay, để cơ thể đừng thiếu sinh tố, khoáng tố thuộc nhóm kháng oxy-hóa như A, C, E, kẽm, selen, crôm… và để qua đó mượn hoạt chất thực vật, như trong cải, hành, tỏi, cà-rốt, cà chua, ớt chuông, dâu tây, atisô, táo, nho, đậu nành… làm phương tiện bảo vệ cấu trúc của tế bào. Nghe rất hợp lý và cũng đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu. Nhưng liệu ăn uống đúng như thế có ngăn chận được ung thư hay không? Tiếc thay, câu trả lời trước sau vẫn là không chắc chắn 100%. Dù vậy vẫn nên ăn vì thà có còn hơn không!
Mặt khác, thầy thuốc khuyên nên giảm tối đa lượng thực phẩm gốc động vật vì “thịt đỏ” cũng như mỡ động vật có khả năng tăng nguy cơ phát tán của nhiều loại ung thư. Đồng thời nên tránh các món nướng quá lâu, quá khét để né nhóm độc chất sinh ung thư núp trong khói thơm phức. Tương tự như thế là các món xông khói, cũng như khô mắm. Thêm vào đó là tác hại của rượu bia nếu vượt ra ngoài mục đích làm tăng khẩu vị. Vấn đề là liệu có thể thực sự phòng ngừa được ung thư nếu cữ hết các món “ngon” vừa kể? Lại cũng không chắc chắn! Bằng chứng là người phá giới không hẳn đều trở thành nạn nhân của ung bướu ác tính! Không thiếu người vẫn sống khỏe re dù mạnh miệng với nhiều món “độc”!
Như thế, nếu tưởng muốn phòng ngừa ung thư chỉ cần tuân thủ răng rắc “luật dinh dưỡng” theo kiểu cân đo chi li trong nhà bếp thì lầm. Tế bào vẫn khỏe mạnh hay trở thành ung thư không chỉ vì miếng ăn nào đó trái ý nhà khoa học. Chắc chắn là không, vì bên cạnh tác động của thực phẩm còn là ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác thậm chí có giá trị quyết định. Có bổ sung dưỡng chất đến thế nào cũng bằng không nếu cơ thể vét sạch dưỡng khí vì cuộc sống lao tâm lao lực. Có kiêng bao nhiêu thì tế bào ung thư vẫn tập trung đủ lực lượng nếu bạn đồng hành của món ăn là nhịp sống căng thẳng và cách sống xa rời thiên nhiên. Nhiều khi càng cữ hết sức thì ung bướu càng nhanh chân công phá do sức đề kháng bị đục khoét đến trống rỗng.
Khỏi nói thêm cũng hiểu tại sao “bệnh thời đại” như cao huyết áp, tiểu đường, dị ứng… tiếp tục chiếm thế thượng phong. Không bệnh sao được các cơ quan giữ nhiệm vụ giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, lớp da… rơi lần vào tình trạng kiệt sức vì phải liên tục đối đầu với đủ loại độc chất ngoại lai nay lại thêm chất phụ gia trong thực phẩm công nghệ theo kiểu hàn the, MCPD, melamine… và chắc chắn còn nhiều chất khác, càng lúc càng tàn bạo hơn, càng lúc càng tinh vi hơn.
Nếu không thể thay đổi điều kiện khách quan bên ngoài thì chỉ còn một lối thoát theo hướng chủ động giải độc cho cơ thể để gián tiếp yểm trợ sức đề kháng. Ngành y tế ở nhiều quốc gia tiên tiến không vô cớ mà đã từ lâu khuyến khích hình thức áp dụng dược thảo có tính lợi mật, lợi tiểu nhẹ, nhuận trường, một cách định kỳ, chẳng hạn 10 ngày mỗi tháng, để giảm thiểu lượng độc chất tích lũy trong cơ thể trên tinh thần được chút nào hay chút nấy.
Không thể “Không ăn gì hết!“ vì quá sợ thực phẩm không an toàn. Ngược lại, cũng không thể liều mạng theo kiểu “đụng gì cũng ăn, muốn chết cho chết!“. Cũng không nên tự dằn vặt với trăn trở “Biết ăn gì đây?“. Kiêng cữ thái quá không thể là biện pháp vì nếu sống phải khổ như thế thà chết sướng hơn. Giải pháp tương đối chính là cố sống làm sao để sống chung với độc chất càng lâu càng tốt, sống làm sao cho vui để chỉ phải cữ có mỗi một món. Đó là kiêng… thầy thuốc!
Nói vậy thôi, chứ thỉnh thoảng cũng nên bệnh hoạn chút đỉnh. Nếu không thầy thuốc lấy gì để sống?!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.