Tuesday, January 10, 2017

ĐỘC ĐÁO TƯỢNG NGỰA CÓ CẢ NỘI TẠNG Ở MIỀN TÂY

Người Hoa khi bỏ quê hương đến vùng đầt mới tìm nơi sinh sống, công việc đầu tiên thường làm là lập chùa thờ Thiên Hậu và Quan Công, để mong nhờ sự bảo vệ và ban phước từ đấng linh thiêng.


Hồi nhỏ tôi đã từng theo bà nội đến chùa Ông ở bến Ninh Kiều cúng mà không hiểu sao lúc đó tôi được cho biết đó là chùa Bà nên vẫn còn lẫn lộn . Có lẽ trong chùa vừa có thờ bà Thiên Hâu, thờ Quan Công nên có đôi chút lẫn lộn chăng nhưng trên báo chí và sách sử thì gọi là chùa Ông, hay nói cho đúng nhất là "Quảng Triệu Hội Quán" (廣肇會館). Thông thường chùa Ông hay được gọi là Hiệp Thiên Cung hay Quan Thánh Miều..chùa Bà thì hay được gọi là Thiên Hậu Cung, Thánh Mẫu Cung,..
Từ trước đến nay, đọc "Tam quốc diễn nghĩa" biết Quan Công tên Quang Vũ, tự Vân Trường, là một biểu tượng cho "nghĩa khí vân thiên", khi chết được nhân dân tôn thờ.
- Theo Nho giáo gọi là Võ Thánh
- Theo Đạo giáo gọi là Quan Thánh Đế Quân
- Theo Phật giáo thì đó là Già Lam Bồ Tát.
Các bạn biết không tới ngày hôm nay tôi mới biết "Già Lam Bồ Tát" (伽藍菩薩) là một chức vị của Quan Công theo Phật giáo, bời vì hôm nay tôi tìm được một tài liệu nói về Già Lam Cổ Tự ở Ngã Bảy và về con Xích Thố của ngài:


Bức tượng ngựa có thần sắc như Xích Thố trong Tam Quốc và đặc biệt là trong mình ngựa có đầy đủ lục phủ ngũ tạng. (LKH)

ĐỘC ĐÁO TƯỢNG NGỰA CÓ CẢ NỘI TẠNG Ở MIỀN TÂY


Bức tượng ngựa có một không hai này hiện đang tọa lạc tại chùa Già Lam Cổ Tự (thuộc ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang).
Hòa Thượng Thích Huệ Sanh, trụ trì ngôi chùa cho biết, để tìm hiểu về bức tượng ngựa Xích Thố có đầy đủ nội tạng trước tiên phải hiểu về nguồn gốc ra đời của chùa Già Lam Cổ Tự.
Theo Hòa Thượng Thích Huệ Sanh, ngôi chùa được sư Thích Huệ Đức dựng nên cách đây 75 năm.
Ban đầu ngôi chùa được làm bằng cây đủng đỉnh (một loại cây mọc nhiều ở miền Tây) và lá dừa nước.


Ngoài việc thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng nhiều tượng Phật và Bồ tát khác, Sư Thích Huệ Đức còn cho người đắp 3 pho tượng Quan Công và hai con nuôi là Quan Bình và Châu Thuơng để thờ cúng.
Năm 1971, chùa được xây dựng lại và đổi thành tên Già Lam Cổ Tự. Tên gọi này cũng gắn với một tước vị của Quan Công là Già Lam bồ tát, cùng với Vi Đà bồ tát là hai đại Hộ pháp của Phật giáo.
Hòa Thượng Thích Huệ Sanh cho biết: “Có một điều rất ngạc nhiên là người mang tiền đến cúng dường không theo đạo Phật hay thờ Quan Thánh Đế mà là theo đạo khác. Số tiền mà người này cũng dường cũng không phải là nhỏ mà tương đương với 50 lượng vàng lúc bấy giờ”.
Đã có tiền để đúc tượng ngựa Xích Thố nhưng tìm đâu ra nghệ nhân có thể đúc được tượng ngựa đẹp cũng là một chuyện nan giải. Sau khi tìm khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Sư Thích Huệ Đức được giới thiệu tới gặp một người tên là Ba Đém, quê ở Sóc Trăng. Ông Ba Đém là một nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng trong việc xây dựng đình chùa ở miền Tây.
Sau khi nghe yêu cầu của vị sư trụ trì, ông Ba Đém nhận lời ngay nhưng vị nghệ nhân này đòi một mức thù lao cao ngất ngưởng, đúng bằng 50 lượng vàng. Tin tưởng vào khả năng của ông Ba Đém nên sư trụ trì đồng ý mời nghệ nhân này về đúc ngựa.
Tượng ngựa được ông Ba Đém đúc liên tục trong vòng một tháng. Trong quá trình đúc tượng ngựa ông Ba Đém chỉ dùng một người thợ phụ ngoài ra không cho ai bén mảng tới gần.


Tượng ngựa được làm bằng bê tông cốt thép được pha trộn với tỉ lệ riêng. Ngoài đúc thân ngựa ông còn đúc cả những bộ phận nội tạng của ngựa như tim, gan, phổi... rồi cho vào bụng ngựa trước khi đắp lại. Vị nghệ nhân cho rằng đây chính là yếu tố đặc biệt tạo lên sức sống cho tượng ngựa.
Theo qua sát của phóng viên, mặc dù đã được đúc hơn 50 năm nay nhưng trông tượng ngựa vẫn còn rất mới, hầu như chưa bị sứt mẻ trước mưa nắng, thời gian. Toàn thân tượng ngựa có màu hồng sậm, cao hơn 3m, dài khoảng 2m với thần thái sống động.
Ngựa đứng, đầu ngẩng lên nghiêng về bên phải, từng bắp thịt nổi cuồn cuộn. Đặc biệt là đôi mắt rất có thần. Ngoài ra, bốn chân của ngựa còn có bốn chùm lông (gọi là tứ mã đề), một đặc điểm mà chỉ ngựa Xích Thố mới có.
Tượng ngựa được đặt ngay trước chùa mang thần thái như một con ngựa thật với dáng vẻ sẵn sàng sung trận.
Kế bên tượng ngựa có 4 câu thơ của Hòa thượng Thích Huệ Đức ca ngợi ngựa Xích Thố:

“Xích Thố tiếng rền rạng cõi Đông
Nêu danh tuấn mã sức toàn hồng
Trường đồ ngàn dặm hơi chưa sút
Chiến địa trăm phen sức tựa không”.



Hòa Thượng Thích Huệ Sanh cho biết: "Sau khi tượng ngựa được hoàn thành đã có rất nhiều người đến chiêm ngưỡng và ai cũng thán phục tài hoa của nghệ nhân.
Mấy năm trước có một đoàn là những nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng đi từ Sài Gòn tới. Sau mấy tiếng đồng hồ ngắm nghía, và cuối cùng họ nói với tôi là “Thầy rắng giữ gìn bức tượng vì đây quả là một tuyệt tác không chê vào đâu được. Chúng tôi xin bái phục nghệ nhân đúc bức tượng này sát đất”".
Nhật Quang
(Sưu tầm trên mạng)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.