Friday, February 3, 2017

CON BÒ BỌ

Mấy hôm trước tôi có hỏi các bạn biết con "bề bề" là con gì không, thì hôm nay tôi lại hỏi thêm: các bạn có biết con "BÒ BỌ" là con gì không?
Từ nhỏ cho tới bây giờ tôi chưa từng nghe qua, chưa thấy qua và chắc chắn chẳng bao giờ ăn qua loại nầy. Nhìn cái hình, thì đúng là ông bà ta ngày xưa thường nói "trông mặt mà đặt tên", nó giống hệt con bọ khi nhìn trên lưng nhưng nó quá lớn, lớn hơn cái dĩa mà nghe nói có khi còn nặng cả 2kg nữa. Chắc có lẽ nhìn giống con bọ mà lại quá lớn nên kêu là "con bò bọ" cho dễ hiểu.


Những thông tin về con bò bọ tìm hoài mà chẳng thấy được bao nhiêu, chỉ có vài bài viết về con này. Chắn nó hiếm vì ít quá, nó không phài là món quý nhưng lại là món hiếm nên chắc ít người biết ngoại trừ dân chuyên nghề đánh cá miền biển, đã bắt và ăn được một món ngon nên truyền nhau mà nếu ai để ý mới biết. (LKH)

"DANH MỒI" BÒ BỌ
Bà con ngư dân Quảng Ngãi, nhất là những anh chàng biết lai rai chút chút, anh nào cũng chép miệng chép lưỡi nói bò bọ là “danh mồi”.
Có anh khi đã ngà ngà, la đà cánh nhạn, bỗng dưng lãng mạn, đưa bò bọ vào… thơ:
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Không bò bọ nướng sao nhiều hương bay?
Bò bọ cùng họ với tôm, chân cẳng vạm vỡ, mình khoác áo giáp nâu láng bóng. Khi trưởng thành, con nào con nấy mập ú, tròn trùng trục, con nặng nhất có thể trên 2 ký. Sống dưới đáy biển sâu hàng trăm sải tay, chúng được ngư dân mệnh danh là “xe tăng lội nước”. Chỉ những đôi giã cào lớn, rê quét dọc ngang ở những ngư trường xa tít mù khơi mới hòng bắt được nó.


Mỗi mẻ lưới cào, nếu “duyên” lắm cũng chỉ dính khoảng vài chục “em”. Khi ấy cả tàu nhảy cẫng lên, cao hơn sóng biển, mừng như thợ rừng bắt gặp cây huê. Hiếm vậy nên chưa chắc lắm tiền đã mua được “nàng tiên” bò bọ. Thiệt đó! Nếu không có mối quan hệ thân thiết với chủ tàu, chí ít là bạn bè với thuyền viên để nhờ “xí phần” giùm thì chỉ ôm tiền đứng ngó vì bò bọ không ló ra chợ bao giờ.
Thằng em họ tôi, xưa là con mọt sách, rớt đại học, bước chân xuống thuyền được hai năm nay, kể: Ngoài biển, tranh thủ thời gian nghỉ giữa hai lần bủa giã, tụi em lựa những con bò bọ đang ngọ ngoạy đưa lên “dàn hỏa” ngay.
Chu cha! Anh biết không, lửa mới bén lớp áo ngoài thôi, hương đã bay xa… mười ba hải lý. Mùi thơm lạ lùng lắm anh. Nó mằn mặn, nồng nồng, như là mùi gì đó rất xa xăm, chắc là mùi của nắng, của gió, của bọt biển lặn trong vỏ của con bò bọ. Còn thịt bò bọ, nếu anh được “phúc phận” thưởng thức, sẽ nhận ra vị mặn mà, đậm đà, ngọt ngào chẳng kém cạnh tôm hùm hay cua huỳnh đế.
Thấy tôi nuốt nước miếng ừng ực mấy phát, nó “xỏ” ngay, nói đời “thủy thủ” lủ khủ món ngon. Còn anh, đời nhà giáo tuy sạch áo nhưng thiếu cái bềnh bồng, ngồi thong dong, mở… cõi lòng ra mà ăn bò bọ.
Có lẽ vì “cảm kích” cái nuốt nước miếng của tôi mà mới hôm qua nó a lô: “Anh ơi, bò bọ. Nhớ bợ theo thẩu rượu dầm đinh lăng nghen”. Tôi xỏ áo đi ngay. Vừa tới ngõ đã nghe vỏ bò bọ cháy sém, thơm y chang như lời nó… la làng bữa trước. Vừa thấy mặt tôi, nó đã bắt nhặt rau răm. Nó đang giã muối ớt lộp cộp chợt ngẩng lên nhìn xị rượu tôi đem tới liền nhăn như… khỉ, nói trời ơi, ăn bò bọ mà anh… rỉ cho chút rượu vậy à.
(theo Saigonamthuc)


BÒ BỌ NGÓ RAU RĂM
Đó là “phương ngữ” ẩm thực của bà con ngư dân vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) mỗi khi nói đến con bò bọ. Anh họ của mình từ Bảo Lộc về chơi thì cười cười: “Người ta nói có vần cho thuận miệng, nghe cũng thuận tai thôi chứ chắc hổng có gì ghê gớm”. Mình “tức” quá, đãi anh con bò bọ hấp ăn kèm rau răm, dĩ nhiên có muối ớt. Thịt bò bọ dai, chắc, ngọt, đượm mùi thơm đáy biển xa, quyện với rau răm nồng nàn và muối ớt cay xé lưỡi khiến anh vừa gật gù, vừa hít hà, vừa... “khóc”.
Hôm sau anh lò dò xuống bến ôm về hai con bò bọ, hối mình nhóm lò rồi lóc cóc ra chợ mua mấy bó rau răm, lại lạch cạch giã muối ớt, nói chừng đó ăn mới đã. Ăn tới con bò bọ thứ tư thì anh vỗ ngực nói tui đây “rau răm đã tỏ, bò bọ đã tường”. Trước khi về anh còn nhờ vợ mình kiếm mấy con làm quà cho người thân phố núi.
Bò bọ cùng họ với tôm, chưn cẳng vạm vỡ, vỏ cứng màu xám đen, mình trùng trục nung núc những thịt, con nặng nhất có thể trên 2 kg. Nhiều ngư dân gọi bò bọ là “xe tăng lội nước” vì chúng sống dưới đáy biển sâu hàng trăm sải tay. Mùa này, mỗi mẻ lưới cào chỉ có thể tóm khoảng vài chục con là hên lắm. Ít vậy nên đã “lỡ nhớ” bò bọ thì canh cho đúng tầm tàu cập bến, lội ra mép nước mà mua. Nhưng chắc ăn nhứt là nhờ vợ con chủ tàu hoặc ngư dân mua giúp. Bò bọ rẻ hơn các loại tôm nhưng vì là của hiếm nên nhiều khi có tiền cũng lấy con mắt mà ngó thôi.


Ngoài biển, tranh thủ thời gian nghỉ giữa hai lần bủa lưới, ngư dân lựa những con bò bọ đang ngọ ngoạy cho vào nồi hấp ngay. Đĩa thịt bò bọ bao giờ cũng là “bãi đáp” của những đôi đũa trong suốt bữa cơm.
Mình có thằng bạn là ngư dân gộc nên vào mùa này thường “bấm nhỏ” nó kiếm bò bọ. Khi thì nhà mình, lúc thì nhà nó, vẫn là bò bọ nhưng bữa hấp bữa nướng cho lạ miệng. Mới hôm kia nó gọi cho mình, nói vọt lẹ tới nhà “ngoại trưởng” nghen. (Vợ nó đẻ một lèo bốn gái. Nó tự xưng hội trưởng hội ông ngoại. Nói tắt là ngoại trưởng). Mình biết ngay là có bò bọ. Vừa tới ngõ đã nghe vỏ bò bọ cháy sém thơm lừng. Con nó đứa thì rửa rau răm, đứa giã muối ớt rộn cả lên.
Bốn “mầm non” được chia phần hai con. Mình và “ngoại trưởng” bưng một con ra hiên. Xị rượu dần vơi. Hai “bò bọ thủ” đang rủ rỉ chuyện đời thì mấy “mầm non” đã ra ảng nước rửa tay. “Ngoại trưởng” quở bầy con ăn mau quá rồi nháy mình cười hề hề: “Ăn bò bọ khó lấy chồng. Tui nói câu này cả trăm lần mà tụi nó có nghe đâu”.
Trần Cao Duyên / Theo: Thanh Nien online


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.