Saturday, February 18, 2017

TÌM HIỂU VỀ NGẢI

Hôm nay tôi post lên mấy tấm hình của một loại bông mới nở, có vài bạn nói là bông hẹ, huệ hẹ, ngải,...đều đúng hết. Tôi thích loại này lắm nhưng không có để mà mua chỉ thấy nó trong các cửa tiệm của người Miên họ trồng chưng trong chậu, có khi có loại hoa trắng, có loại hoa hồng hồng. Tôi thích nó vì hồi đó ở Việt Nam, bà nội tôi có trồng một chậu lớn có bông hồng và xen với trắng.

(autumn crocus white)
Lúc đó tôi không biết tên gì chỉ nghe nói là một loại cây ngải may mắn vì đôi khi tôi thấy có người quen đến nhà xin bà nội tôi cho vài củ rồi họ lấy chỉ đỏ cột vòng và kèm một bao lì xì đỏ. Ở Úc khí hậu không thích hơp qua mùa đông có mấy tiệm Miên cũng nói chậu hoa chết hết rôi. Tôi hỏi họ tìm ở đâu, họ nói một số người đi Miên lén mang về và gầy giống trong nhà kiếng nhưng vẫn rất ít nên không bán mà chỉ cho trong vòng người thân và bạn bè. Họ nói tốt nhất là lén ăn cắp về tốt hơn, linh hơn là xin hay mua.

Nguyên buồi tối nay tôi tìm lung lung trên mạng, thấy ở Việt Nam có nhiều lắm, và cuốí cùng tìm được cái tên khoa học của nó là autumn crocus white, người Việt gọi là "Ngải nàng Mơn bông trắng", cùng lúc cũng tìm ra một tài liệu nói về các loại ngải ở VN đăng trong mạng "Phong Thủy Trạch Bằng":




TÌM HIỂU VỀ NGẢI

Các loại ngải cầu tài và ngải yêu thông dụng

A - Ngải là gì ?

Ngải không phải là loài thực vật “ngoại biến càn khôn”. Vì sao vậy ? Vạn vật trên thế gian này, kể cả Thần Tiên Ma Quỷ cũng không qua khỏi Càn Khôn. Ngải chỉ là một loài thực vật hấp thụ linh khí của đất trời, nhờ hơi của đất mà sinh củ rễ, nhờ khí của trời mà mọc lá hoa. Làm sao có thể “ngoại biến càn khôn” cho được?

Ngải cũng không đơn giản “chỉ là một loại dược chất thảo mộc mà các nhà chuyên môn đặc biệt đã tinh luyện gieo trồng, nuôi nấng trong phạm vi thần quyền”. Nói như thế, đã đề cao vai trò của “quyền phép bí thuật” mà người luyện “đã truyền vào cây ngải, hoặc củ ngải”. không cần thiết là cây ngải, bất cứ một loài thực vật nào ta cũng có thể dùng “quyền phép bí thuật” để “truyền vào”.


Vậy, giải thích về ngải thế nào cho đúng?

Ngải là một loài thực vật đa số là thân thảo. Ngải bao giờ cũng có củ. Củ ngải đa dạng khác nhau tuỳ theo họ của nó. Chủ yếu là họ gừng riềng, họ lan chi… còn những loại độc tướng thuộc họ khác không tiện bàn luận ở đây vì xét thấy không phù hợp phổ biến đại trà.

Ngải vốn là loài thực vật có linh tánh sinh hoá không lường. Dựa vào đặc điểm này, nhiều thầy cao tay thường bỏ công trục ngải. Sau khi chuẩn bị chỗ ở sẵn sàng cho ngải, các thầy ra vườn ngồi trục. Cách trục của các thầy cũng đa dạng và khác nhau tuỳ theo môn phái mà mình theo học. Phương pháp trục ngải có lẽ không tiện viết ra đây vì không phù hợp với vấn đề nghiên cứu. Hy vọng các bạn cũng hiểu và thông qua phần này.

Thầy cao tay và có duyên với ngải, chỉ cần trục một đêm là thành. Còn lại thông thường từ ba đêm đến bảy đêm mới có kết quả. Có những loại ngải quý xuất xứ tận bên Miên cũng theo bài trục của thầy về mọc mầm xanh um trong chậu.

Không trồng, không củ, không cây. Tự nhiên ngải mọc trong vườn , trong chậu đất trống không, nếu không có linh tánh và hoá sanh thì làm sao có thể xuất hiện?

Tánh linh của ngải còn thể hiện qua việc chọn người. Nếu hợp duyên, dù thân cây vàng héo, củ ngải bị dập nát hoặc úng gần hết, sau khi vùi vào chậu vài hôm sẽ xanh tốt trở lại. Ngược lại, dù đang xanh tốt, gặp người không hạp chỉ cần vài hôm là chậu ngải tàn rụi, củ ngải úng nát hoặc biến mất.

B - Một số loại ngải thông dụng

Ngải nàng Mơn :

Được trồng trong chậu, đặt phía trước cửa quán với mục đích chiêu tài, quến khách.
Nàng Mơn bông đỏ:



Lá của loại bông đỏ thường có màu xanh tươi hơn so với Mơn bông trắng. Cọng lá cũng dẹp hơn, và rộng hơn so với lá hẹ. Nàng Mơn đỏ có hoa màu hồng và hồng đậm. Cánh hoa có loại 6 cánh, 7 cánh và 8 cánh. Trong 3 loại này, chỉ lấy một loại để làm phép mà thôi. Không phải hoa nào cũng có thể lấy để luyện phép đâu.

Nàng Mơn bông trắng:

Loại này có bản lá hẹp hơn và sống lá khuyết sâu hơn ở phần cuống lá. Màu sắc lá cũng không xanh tươi như màu của nàng Mơn bông đỏ.


Cánh hoa trắng tự nhiên, dáng cứng cáp, không bị lai tạp, giao thoa

Ngoài ra còn có nàng Mơn bông vàng. Nhưng loại này ngày càng trở nên hiếm hoi. Loại bông vàng tính năng rất yếu. Nếu trồng chung hoặc gần với bông trắng hoặc bông đỏ, chẳng bao lâu sau chúng chuyển sang màu trắng đỏ, bông vàng biến mất.

Trong ba loại nàng Mơn phổ biến này, ta còn có Mơn ống bông trắng mà nhiều bạn thường gọi là ngải bún. Đây cũng là một họ của nàng Mơn.



Nàng Mơn ống bông trắng

Công năng chung của loại này là chiêu tài, quến khách, làm phép yêu, dầu ăn nói khiến người nghe cảm mến mà hợp tác.

Trong các loại, thầy thường chọn hoa đỏ để cầu tài vì loại này có tính năng mạnh nhất. Còn loại hoa trắng thường dùng để làm dầu ăn nói, phép yêu.

Ngải nàng Chuyền

Còn có tên gọi khác là dây nhện. Có lẽ người ta thầy nàng Chuyền trổ nhánh toả ra như mạng nhện mà đặt thành tên. Ngải nàng Chuyền có lá màu xanh đậm, chuyền sọc có lá xanh nhạt hơn, dài khoảng 15 cm, sống lá hằn sâu đến cuống.

Nàng Chuyền có 2 loại chủ yếu: nàng Chuyền trơn và nàng Chuyền sọc.


Nàng Chuyền sọc

Màu lá nhạt hơn nàng chuyền trơn. Sống lá có màu trắng, hai bên màu xanh, hoa trắng nhỏ như nàng Rù, có mùi thơm nhẹ lúc khuya và sáng sớm.

Nàng Chuyền lá dài



Nàng Chuyền lá dài

Khác với loại lá ngắn, màu của nó sạm hơn, thân lá dài hơn.

Nàng Chuyền lá dài còn có tên gọi khác là xặc kụ, tức là cây cỏ tu, có tánh linh. Người Kh’mer Nam Bộ thường hay trồng nó trên mộ người mất. Người Việt thì lại trồng loại cây này để mong cầu tài vì thấy nó nhảy con tượng trưng cho việc phát lộc. Kỳ thực loại cây này có đặc điểm như cây sống đời, thường nhảy chuyền bụi ra ngoài đất. Năm nào thấy nàng Chuyền nhảy bụi ra nhiều thì người Kh’mer tin là năm đó con cháu trong nhà có sanh đẻ thêm .

Cũng như các loại ngải nàng, công năng của ngải nàng Chuyền chủ yếu là hoá giải bớt sự xui rủi, vận chuyển tài khí đến cho chủ nhân. Nàng Chuyền chỉ phù hợp khi ở trên cao, cho nên người ta thường trồng trong chậu và treo hai bên cửa. Nếu trồng ở chậu dưới đất, nàng Chuyền sẽ lấy hơi đất mà phát triển thân và lá hơn mức bình thường.

Ngải nàng Sắc




Hình dáng như nàng Chuyền trơn nhưng màu lá xanh đậm hơn và thân lá dài hơn. Phần ngọn lá nhọn chứ không bầu hoặc tròn như các loại nàng khác. Sau này, hiếm thấy nơi nào trồng loại ngải này. Có lẽ vì ít người biết công dụng của nó và khi trồng cũng khó trổ hoa. Công năng của nàng Sắc cũng dùng cho việc vận tài đắc lợi. Nhưng nó hay hơn các loại nàng khác ở chỗ có thể giữ nhà, đẩy bớt ám khí từ những kẻ cạnh tranh phá hoại ngầm việc làm ăn buôn bán.

Ngải nàng Rù



Còn có tên gọi khác là ngải Quến hay ngải Quyến. Nơi bán hoa kiểng gọi đây là Lan chi sọc. Lá nàng Rù thanh mảnh, ngắn khoảng 20cm, đầu lá nhọn, hai bên viền sọc màu trắng, ở giữa có màu xanh lục, không đậm bằng màu của nàng Mơn.


Nàng Rù thường trồng trong chậu nhỏ. Người trồng thường đặt chậu lên cao theo các mức: đầu gối, thắt lưng, ngực, yết hầu, chân mày hoặc qua khỏi đầu. Nàng Rù cần nhiều ánh sáng mặt trời và sự chuyển động của không khí. Cho nên, nếu để úng nước, rễ củ sẽ bị thối dần và héo lá đến chết.


Hoa ngải nàng Rù màu trắng, cánh hoa nhỏ, dáng thanh, có mùi thơm nhẹ vào sáng sớm. Nắng lên sẽ không còn nghe mùi nữa.

Người ta thường treo hoặc đặt chậu ngải này ở hai bên cửa để vận chuyển tài khí cho gia chủ. Chức năng của nó là kêu gọi , rủ rê khách khứa vãng lai đến với cửa tiệm của chủ nhà, giữ cho gia chủ có một lượng khách bình ổn. Tuy nhiên, nàng Rù hay các loại nàng khác cũng thế, nếu gặp lúc chủ nhà gặp vận số quá đen, đem về trồng chẳng bao lâu nó sẽ bỏ đi, châu ngải nhanh chóng tàn úa cho dù chủ nhà chăm sóc rất cẩn thận.

Ngải Nàng Quạt




Nàng Quạt có tên gọi dân gian là cây rẻ quạt. Rẻ quạt có tên khoa học Belamcanda sinensis (L.) DC, họ lay ơn. Đây là một loại cây mọc hoang sống lâu năm; thân rễ mọc bò. Lá mọc thẳng đứng, bẹ lá xếp vào nhau xòe ra như cái quạt. Lá hình mác dài 20-40 cm, rộng 1,5-2 cm. Hoa có cán dài 20-40 cm, chia thành nhiều cành, mỗi cành mang một cụm hoa. Hoa có 6 cánh màu vàng cam đỏ điểm đốm tía. Quả nang hình trứng. Hạt hình cầu xanh đen bóng, đường kính 5 mm. Đông y gọi là xạ can và xếp xạ can vào loại thuốc thanh nhiệt giải độc. Xạ can vị đắng, tính hàn, vào các kinh phế, can, có tác dụng trị đau hầu họng, trừ đờm, dịu ho. Xạ can hơi có độc. Người có tì vị hư hàn, trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ có thai không được dùng.-10-

Trong huyền môn, Nàng Quạt được luyện để làm bùa yêu. Thầy luyện ngải dùng bông của nó để luyện vào dầu. Bông rẻ quạt có nhiều màu sắc, mỗi màu lại sử dụng cho một công năng yêu khác nhau. Ví dụ, bông vàng luyện phép yêu dành cho những người ở gần nhau, bông đỏ dành cho người không có điều kiện gần gũi, bông trắng dùng cho phép yêu mà không thể cưới …


Tuy nhiên, có một điều mọi người cần nhớ. Khi luyện Nàng Quạt, khí vận của người luyện gắn liền với sự sống của cây. Nếu cây bị chết, người trồng sẽ bị xui xẻo không cứu vãn nổi.

Ngải Nàng Mén

Tên gọi khác là Nàng Mén hay Chúa Mén.

Loại ngải này dáng như ngải Hổ nhưng nhỏ và thanh mảnh hơn. Không biết ở các vùng miền Đông Nam bộ và cao nguyên Bắc bộ có hay không, riêng ở miền Nam ngải Mén thường mọc phổ biến trên đỉnh núi Cấm – An Giang.


Ngải Mén rất kén thầy, phải là người có duyên mới bắt gặp được.


Công dụng của ngải Mén là cầu tài, cầu duyên và đặc biệt là làm phép yêu. Người ta thường trồng Nàng Mén trước cửa nhà để chiêu tài, trồng sau nhà gần cửa sổ phòng ngủ để cầu duyên và dùng rể, củ Nàng Mén để làm ngải yêu.

Nhiều bạn ngạc nhiên vì sao có nhiếu loại ngải yêu đến thế. Đó là công năng chung của các loại ngải Nàng cơ mà. Tuỳ duyên và khả năng luyện của mình mà các thầy ngải chọn cho mình một loại ngải phù hợp nhất để luyện phép yêu. Tuy nhiên, sở dĩ các thầy không luyện được ngải Nàng Quạt hay Nàng Mén vì không được người xưa chỉ dạy, hoặc không được ngải này chọn lựa.


Khi Nàng Mén trổ hoa, cánh hoa Mén có số lượng khác nhau. Số lượng khác, công năng cũng khác. Hoa 6 cánh dùng để làm dầu ăn nói, Mén có hoa 7 cánh dùng để làm phép chiêu tài đắc lợi vô cùng.

Ngải Nàng Thâm


Trước đây, trên các diễn đàn tâm linh, nhiều bạn trẻ tung hê không ít về loại ngải này. Ngải nàng Thâm là một loại ngải khó trồng, khó kiếm. Thói đời cái gì hiếm thì trở nên quý giá, thật ra công năng của ngải nàng Thâm cũng khá đặc trưng nhưng chưa phải là ghê gớm như mọi người thường nghĩ. Điều quan trọng là sức luyện của thầy đối với ngải ra sao mà thôi.

Cây ngải nàng Thâm,còn có tên gọi theo Nam dược là thiềng liềng đen. Đây là cây và hoa của loại thiềng liền lá hẹp ,tức loại cây thấp nhất trong các loại địa liềng .

Hiện nay, trong lĩnh vực y học, nàng Thâm được xem là thuốc có khả năng tráng dương mãnh liệt. Người đời thường sử dụng sừng tê giác, hoặc đông trùng hạ thảo gì đó nhưng ít ai biết loại ngải này có khả năng thể hiện “bản lĩnh đàn ông”, chỉ cần sử dụng đúng liều, đúng giờ và hạn chế một số loại thức ăn kiêng kỵ, nàng Thâm đã trở thành vật bất ly thân của quý ông nhà ta.

Nhưng viết để biết vậy thôi, bản thân tôi cũng chưa bao giờ đi sâu tìm hiểu cái loại công năng đầy dục tính này. Trong lĩnh vực huyền môn, đây là loại ngải có ma thuật khá mạnh mẽ. Các thầy ngải có thể dùng loại này để cứu người hoặc hại người đều được.

Tôi nhớ ngày xưa có quen với một huynh đệ chuyên về ngải. Vì mến tôi nên có nhã ý tặng cho tôi một pho tượng đã tơm ngải Nàng Thâm. Pho tượng lục BatBuot bằng ngà voi được huynh ấy tơm ngải một đêm. Hôm sau nó đã biến thành đen mun đầy ấn tượng. Tuy nhiên, đeo thứ này vào phạm nhiều khắc kỵ quá. Vừa mang vào được 2 ngày, tình cờ vào bệnh viện thăm một bệnh nhân, pho tượng nổ một cái “chát” ngay trong áo. Cầm sợi dây chuyền lên xem thì thấy bức tượng đã nứt nẻ rồi nát vụn.

Ngải nàng Thâm dùng để thư người khác thì tuyệt hảo. Có nhiều cách để thư ngải nhưng không tiện trình bày, tôi chỉ giới thiệu cách đơn giản nhất là quăng ngải trước nhà cho người ta đạp phải. Người bị thư ngải có triệu chứng như thư vật, nhưng sau một định kỳ nhất định, thân thể bắt đầu lở loét, chảy nước vàng hôi thối hoặc thân thể bị rút lại dần dần. Trong câu chuyện “Truyền nhân của ngải” huynh Thanh Pali có kể việc thầy Tư Ngỡi phun ngải làm xác chết rút lại đặt vào hòm vừa vặn, phải chăng là loại này?

Ngải nàng Thâm luyện lâu thành hình có thể hiển hiện hình bóng theo ý muốn của chủ nhân, lúc này người thầy có thể sai khiến ngải làm một số việc nhỏ giống như là thầy bùa sai khiến binh gia, hoặc sai khiến vong nhi.

Nhưng, nàng Thâm cũng có nhiều loại. Điều quan trọng là người thầy phải biết chọn đúng loại mà luyện. Loại độc bao giờ cũng chuộng máu huyết chủ nhân.

Ngải Tổ

Cây Ngãi Tổ lá dài như lá cây trinh nữ hoàng cung, hoa lớn cở đầu ngón chân cái, có màu 3 màu vàng trắng đỏ xen vào nhau, rất hiếm ra, khi ra thì đôi ba ngày mới tàn, hoa nầy được người tin tưởng dị đoan phơi khô để vào bóp đựng tiền lấy hên khi giao dịch.

Cây Ngãi Tổ còn gọi là cây ngãi Quấn hay ngãi Thái, sở dĩ có tên gọi như vậy là mô tả theo hình dáng của cây và xuất xứ của nó .

Năm 2006 cây ngãi nầy được tìm thấy tại Thái Lan, có sự chú ý về mặt dược tính của nó trong vấn đề y học : về bó liền xương, tạo dựng lại mô cơ và gân sớm cho người bị nạn. Cây ngãi nầy được mang về Việt Nam và trồng tại Cần Thơ trong 1 vườn thuốc nam, tuy nhiên có lẽ vì lí do phong thổ không phù hợp nên cây phát triển yếu, và dược tính cũng giảm đi khá nhiều .


Để tìm cách khôi phục dược tính của nó, các vị thầy thuốc đã đem nó lên miền Thất Sơn An Giang, nơi đây nổi tiếng là ở ngọn núi Cấm (Thiên Cẩm sơn) từ xưa nay tương tụ vô số, có thể nói là hàng trăm loại nam dược kỳ bí lừng danh …với hy vọng phát triển mạnh hơn về loại cây quí hiếm nầy .


Có lẽ vì do thổ cư phù hợp nên cây ngãi Quấn phát triển khá tốt, đem áp dụng sau khi trồng trên 1 năm với phần củ, thì thấy ứng dụng khá tốt trong việc bó lành gân xương phục hồi mau chóng




.Năm 2008, tại vườn thuốc trên núi Cấm có trồng độ 30 cây đem từ Thái Lan về, được chia 2 tốp, 1 trồng trong chậu, 2 trồng thẳng xuống đất lên liếp vồng, kết quả là cây trồng thẳng xuống đất mau ra cây con và phát triển mạnh hơn, nhưng tánh linh ít hơn cây trồng trong chậu sành.


Tuy có phát triển nhưng số lượng ít và chậm nên cây được bán với giá khá cao. Tại điểm gốc nầy, cây được bán với giá (thời điểm 2008) là hai triệu năm trăm ngàn cho 1 cây … Đương nhiên không bán đại trà, chỉ bán cho người biết nghề thuốc hay nghề huyền bí, theo lời vị chủ vườn thì giá như vậy đã là rẻ… Vì cớ đem từ Thái Lan về rất khó khăn …Không tin, ai cứ đi Thái mua bất kì cây kiểng về đây xem sao, đem được lên phi cơ là cả 1 vấn đề khó khăn khúc mắc !... Còn lí do nữa là cây tại bên ấy bán cũng không rẻ …đem về đây lại khó trồng cho tốt để sanh cây non …khó phát triển đại trà. Cho nên vị thầy thuốc tại đó nói bán như vậy là củng làm phước rồi … Vì khi 1 củ ngãi ấy bó liền xương cho người bị nạn, công thầy và công thuốc có thể lên đến hàng chục triệu hay 12 triệu là ít (hiện nay chỗ nầy không còn bán nữa, vì đa số cây ở đây đã được các thầy thuốc mua và gởi trồng lại tại đây, chỉ còn tại nơi các thầy khác từng thỉnh về trồng cho sanh thêm con. Nhưng điều nầy rất khó, vì có khi trồng đôi ba năm mà cây vẫn không nhảy con … Vì vậy các thầy bán với giá khá cao như 7-8 triệu là chuyện thường, thậm chí còn hơn … nhưng có nghĩa gì với 1 doanh nhân khi 1 tháng không kiếm ra 80 triệu hay 100 triệu ? Cho nên đó vẫn là cái giá hời cho những ai biết coi trọng giá trị của cây ngãi giúp cho mình) .




Nếu biết cách dùng, cây nầy bó gãy xương nhanh và mạnh hơn ngãi Nàng Rế, hay ngãi Hổ trên núi Cấm ….Đặt biệt không để lại dị dạng cho tại chỗ bị thương .

Thực tế ít thầy thuốc Việt Nam biết về công năng của cây ngãi Quấn nầy, vì lẽ nó mới du nhập vào Việt Nam vài năm nay và không hề có tên hay ảnh trong danh mục sách thuốc nam từ trước đến nay .


Nói về hình dạng thì cây giống như 1 phiên bản của cây đại tướng quân thu nhỏ lại, cây thuộc loại thân mềm, lá bẹ, cây già lá lớn dài non 1 mét, cao độ 7 tấc, trồng mấy năm khó thấy ra hoa, chắc là loại hiếm ra hoa như cây phát tài ở Việt Nam .

Đặc điểm có một không hai, để nhận dạng nó là, các lá của cây quấn xoay xoắn vào nhau khi bắt đầu mọc ra từ thân cây, có khi 2 hay 3 lá cùng xoắn vào nhau như ta se chỉ vậy … Nhưng khi lá bắt đầu phát triển thì tự động các các tự dần dần xoay ngược chiều xoắn lúc ban đầu để tự tách riêng biệt ra (cây ngãi Xanh cũng có lá mọc kiểu nầy, nhưng là loại họ ngãi Hổ,có công dụng khác, thân cây như loại nga truật)

Đúng ra thì cây trông có vẻ vừa giống như cây đại tướng quân lại vừa có lá tựa hồ giống cây trinh nữ hoàng cung ….Lại nghe có thầy nói cây này quí ở chỗ trị vô sinh cho đàn ông ...

TÌM HIỂU THÊM VỀ NGẢI

Thường thường chúng ta hay nghe nói bùa ngải... 2 tiếng hay gọi chung, về bùa chú thì ít nhiều người ta có khái niệm về tiếng đó hơn, còn ngải thì có nghe nhưng nhiều người không rõ lắm nó là gì ? xuất xứ từ đâu, linh nghiệm ở chỗ nào v.v...

Ngải là 1 loại thực vật ngoại biến càn khôn, thường mọc trong những vùng rừng núi, nhiệt đới như Thất Sơn, Trường Sơn Việt Nam, Lai Châu, Vân Nam Trung Quốc hay Tà Lơn, Lục Sơn bên Cao Miên. Ngải có rất nhiều loại, tính tất cả vừa nguyên thủy vừa lai giống có thể đến gần 800 loại, có 1 số đã có tên khoa học và đã được công nhận tính năng chữa bệnh hay giúp ích cho cơ thể con người bởi các nhà nghiên cứu khoa học, nhưng đa phần vẫn còn trong bí ẩn mà tên gọi chỉ được truyền miệng qua kinh nghiệm dân gian hay các ngải sư với nhau.

Ngải là loài thực vật có củ, nhỏ nhất thì nhỏ hơn củ nghệ 1 chút (như ngải đen, ngải nàng thâm, nàng xoài) lớn thì có thể bằng bắp vế người đàn ông lực lưỡng (như ngải mãnh hổ, cuồng phong, ngải tượng v.v...) Ngải có tánh linh tự nhiên kỳ diệu, ví dụ như 1 củ ngải khô đã vài năm để trong nhà không chạm đất, nhưng khi để vô chậu kêu 1 câu chú mời thần ngải về chứng thì 1 vài tuần nó sẽ tự động mọc mầm sống lại, lên cây trổ hoa như thường, hoặc có những người làm ăn, buôn bán vô tình trồng 1 vài chậu ngải bún (còn gọi là ngải hẹ) ở trước nhà mục đích chỉ để làm kiểng, nhưng tự nhiên từ đó đông khách đắt hàng, ăn nên làm ra mà nhơn chủ đâu biết là mình đã trồng loại ngải quyến khách cầu tài như vậy, loại này tên khoa học là auttum crosscus có bán ở các chợ ươm cây, trồng cây kiểng trên xứ Mỹ, tuy nhiên cùng 1 loại mà có phân màu sắc khi trổ hoa, cũng do màu hoa mà biết được ít nhiều về sự linh ứng của từng loại theo kinh nghiệm các thầy ngải. Loại trổ bông màu trắng là mạnh nhất, loại bông màu đỏ đứng hàng thứ 2, loại màu vàng vào hàng 3 và sau cùng là loại có bông màu xanh tím nhạt (thứ này thấy thường ở Mỹ),

Ngải so với bùa thì mạnh bạo, nhạy bén hơn nhưng về độ bền thì không như bùa, những chuyện gì cần giải quyết cấp tốc, hiển hiện trước mắt tạo tín tâm cho thân chủ nể phục thì các thầy hay dùng ngải ! Nói như vậy không có nghĩa là ngải mạnh hơn bùa, vì nếu người không học bùa thì không thể luyện ngải được. Bởi vì cần có bùa chú để triệu ngải về, mời ngải ăn (cúng ngải) tom ngải lại không cho đi bậy và người khác không phá được, sai khiến ngải nhứt nhứt đều phải qua phù chú của chư vị tổ sư...!

Các pháp sư luyện ngải qua 2 cách sau đây :

Ngải chậu là cây ngải tươi hay bụi ngải tươi được bứng từ rừng về hoặc được gây giống ra mà trồng ở trong chậu để luyện.

Ngải khô là củ ngải đã đào lên từ bụi ngải trong rừng, trên núi hay trong chậu trồng của thầy mà đem phơi sương, nắng cho thọ khí âm dương sau 3 ngày thì đem vô nhà cúng và luyện.

Luyện ngải chậu cách hay nhất là kiếm 7 cái đầu ông táo (miếng trên của cái lò đất) bỏ hoang nơi chùa, miểu, đình thần v.v... đem về bầm nhuyễn trộn với đất thiên nhiên, tuyệt đối không dùng phân (bất cứ phân gì) sau đó lấy 1 miếng chì vẽ khắc chữ bùa tom (cột) để dưới đít chậu, lấy 1 cái hột gà sống dùng mực đỏ vẽ thêm chữ bùa chủ dụng mà mình muốn luyện cho chậu ngải đó, ví dụ như : ngải thương, ngải ăn nói ngoại giao, ngải cầu tài, ngải quan tư tất thắng (ra toà thưa kiện) v.v... Lễ vật để cúng khởi đầu cuộc luyện rất đơn giản chỉ gồm: 3 cái hột gà sống, 1 dĩa gạo muối, 1 ly nước lạnh, 3 chung rượu trắng, 1 dĩa nổ (nếp rang hay bắp rang bong vỏ) đốt 2 cây đèn cầy bên cạnh, còn lại 3 cây nhang đốt thì cắm vô chậu ngải, khởi sự luyện luôn luôn vào lúc chiều chạng vạng (lối giờ dậu) đầu tiên pháp sư niệm chú hội ngải 3 lần, chú thỉnh 36 mẹ tổ ngải 3 lần rồi chú nguyện, van vái tên họ tuổi của mình (ngưòi luyện) ngày, giờ, năm, tháng này v.v....tôi muốn luyện chậu này gồm loại ngải gì... nói ra (có thể luyện 2, 3 thứ chung 1 chậu cũng được) sau khi tác bạch xong thì định thần, bắt ấn niệm chú sên (đọc thổi) vô chậu ngải, thông thường luyện khoảng 15 phút là được, với cây ngải đã cao lối 2 tấc thì tinh luyện khoảng 21 ngày liên tục thì ngải đã biết chào thầy, chào là khi thầy niệm 1 câu chú hỏi thăm lá ngải sẽ đong đưa qua lại về hướng thầy mặc dù lúc ấy trời không có gió... và cứ thế tiếp tục luyện cho đến khi thấy như có bóng trắng thoáng ẩn hiện là ngải đã có thần, trong thời gian luyện ngải ông thầy tuyệt đối không được ăn tỏi sống, vì thực ra ngải là loại mang khí rất thanh, khác với tỏi nặng về trược được nhà Phật liệt vào ngũ vị tân (tỏi, hành, hẹ, nén, kiệu) mà các vị xuất gia đều phải kiêng cữ... và cứ tiếp tục luyện đều đặn như vậy, càng lâu thì ngải càng mạnh, mỗi tháng cúng ngải 2 lần vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch như bên bùa cúng binh, tướng vậy.

Đến 1 thời gian nào đó đã đủ thì pháp sư chọn ngày thâu ngải, cũng nhang đèn trứng, nổ v.v... khấn vái đợi khi tàn nhang thì đào gốc lấy củ đem vô nhà, việc đầu tiên sau khi rửa sạch là pháp sư phải cắn 1 củ nhai nuốt liền, vì theo thầy truyền là có như vậy ngải nó mới mến và phục tùng thầy lâu dài...!

Sau khi để lên dĩa đặt ngay bàn thờ binh, tướng đối diện bàn tổ, (bàn binh thấp dưới rún, bàn tổ phải cao trên ngực) pháp sư bắt đầu đọc chú kêu ngải ở với mình, các loài ngải thực là linh lắm, tính ý họ như các cô gái e dè, dịu dàng nhưng dấu kín những phong ba, khi luyện các thầy phải dổ ngọt vuốt ve, thủ thỉ... nói chuyện với ngải như những cô tình nhân, thế cho nên từ trước đến nay các ngải sư cao tay, vang tiếng đều là cô độc không vợ không con, vì nếu các nàng ngải biết thầy lấy vợ là hè nhau vật hoặc phá vợ thầy đau bệnh nặng hay rề rề không hết khó làm ăn lắm, các loại ngải ở Việt Nam ta và Miên, Thái, Lào hay dùng đều cùng loại nhưng khác thổ âm địa phương đôi chút thôi, người mình hay gọi : nàng thâm, nàng mun, nàng xoài, nàng gù, nàng trăng, nàng hồng v.v... đều là tiêu biểu cho phái đẹp.

Nói về pháp lực thì ngải rất mạnh và nhạy, chắc ít nhiều trong chúng ta có nghe qua những mẫu chuyện ngày trước ở Việt Nam đại khái như: cô nọ xách giỏ đi chợ tự nhiên có 1 bà xa lạ đến nói vài câu cô bỗng đờ đẫn lột tháo dây chuyền, bông tay, chiếc lắc... cho bà xa lạ đó, chừng 10, 15 phút sau mới hoàn hồn thì bả đã đi mất tiêu rồi ! Đó chính là công năng của ngải, bùa không thể làm con người mất cả hồn vía lập tức như vậy.Còn về mặt lý tính thì ngải nó đơn giản như ta nuôi con chó, con mèo vậy thôi, cho nó ăn đều vỗ về vài câu mỗi ngày là sai nó làm gì nó làm đó, không hề phân biệt thiện, ác trước khi làm, do đó những phù thủy có tâm thuật bất chánh thường hay luyện ngải để trục lợi,

Luyện ngải khô là khi thầy ngải khám phá ra những bụi hay đám ngải hoang trong rừng mà củ đã già, tốt hoặc ngải thầy trồng sau vườn lấy giống mà chưa luyện trong chậu kịp thì được lấy củ, rửa sạch và cũng để lên dĩa để trên bàn binh, tướng, nhưng thầy phải chiều chiều cúng vái niệm chú sên vô dĩa ngải đó như cách luyện ngải chậu vậy ! Thời gian có thể là 360 ngày, 100 ngày, 72 ngày , hoặc 36 ngày hay ít nhứt là 21 ngày mới đủ linh nghiệm.

NGÃI MA LAI !!!

Ngãi Ma lai (mala) là một trong những loại độc tướng dùng để sử dụng trong những trường hợp đấu ngãi, thư ngãi, áp vía nhân gian.

Trước khi luyện thành, thầy ngãi phải đưa đi thật xa tránh nơi ở của gia đình, hàng xóm. thường là nơi có cây cao, đồng vắng, bãi tha ma có bóng cây. Từ khi tế luyện cho đến lúc luyện thành nhanh nhất chí ít cũng 49 đêm.

Khi ngãi thành hình, đối tượng đầu tiên được malai ngãi hỏi thăm sức khoẻ chính là … ông thầy luyện ngãi. Lúc ấy, đạo hạnh không cao, không có công phu hội tổ ngãi và khăn sắc tổ ngãi hộ thân thì nguyên thần ông thầy trở thành bữa ăn bổ dưỡng cho ngãi. Nặng thì tận số, nhẹ thì cũng điên khùng và lở loét.

Ngãi malai được một số người gọi là Hồng Tú cầu. Nhưng, “hồng tú cầu” này trồng ở nhà nào, nhà đó làm ăn không khá, có chuyện lục đục xảy ra liên miên, trẻ con thường hay bệnh nhưng bác sĩ không định rõ bệnh gì, người nhẹ bóng vía thường bị bóng đè, mộng mị lung tung…


Than ôi! Ai xem loại này là “ngãi duyên” thì cứ ôm về trồng để… được hưởng thụ số kiếp “Cô” và “Quả”.

Dưới đây là một vài tấm ảnh “ngãi duyên”








PTTBST

(Sưu tầm trên mạng)