"Chim Quyên ăn trái nhãn lồng,
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi"
Câu ca dao Nam bộ thật dễ thương, thắm đượm tình nghĩa vợ chồng. Có ai còn nhớ cây và trái nhãn lồng không? Hồi đó mỗi khi về miệt vườn, các bạn ở quê hái trái nhãn lồng cho tôi ăn thử.
Thú thật, ăn chơi cho vui, chớ trái nhãn lồng có gì là ngon. Chua chua, ngọt ngọt, có cái mùi mủ là lạ. Tôi chợt nhớ một câu trong bài viết về trái trứng cá: "ngày xưa trái cây ít nên hay tìm trái cây hoang dại để ăn. Còn bây giờ thì ê hề ngoài chợ, ăn giờ nào cũng có mà lại rẻ rề."
Con nít hồi đó hồn nhiên quá phải không các bạn, còn bây giờ không biết tụi nhỏ còn biết cây nhãn lồng ra sao không? Hoặc nếu thấy, kêu nó ăn, chắc là chẳng đứa nào dám vì sợ trúng độc,..
Có một bài viết nói về món ăn mà tôi chưa từng thử qua thời đó là đọt nhãn lồng. Có bạn nào ăn chưa, ai chưa thì đọc bài này nếu thèm thì khi nào về VN kiếm ăn thử. Cái tựa bài, tôi để nguyên vì thấy nó vui vui. (LKH)
CON GÁI CÓ CHỒNG, ĂN NHÃN LỒNG THÌ NHỚ MÁ
Ở miền Tây Nam Bộ có một loài cây mọc hoang khắp vườn nhà hay dọc các mé kênh, rạch, chằng chịt, dân gian gọi nó là nhãn lồng. Ngoài tên gọi ấy, nó còn được biết đến với những tên gọi khác như lạc tiên, chùm bao, ...
Đây là loài dây leo mảnh, dài trên dưới chục thước tây. Thân cây non mềm, có nhiều lông, cây già ở gốc thân dẽo và chắc, đường kính gốc không quá phân tay. Lá nhãn lồng mọc so le, lá đơn xẻ thùy chia làm 3 phần, dài non gang tay người lớn, mép có lông mịn. Đầu tua cuống thành lò xo. Chính những tua này giúp dây bám vào cây cỏ để leo cao hoặc bò ngang dọc.
Bông nhãn lồng có 5 cánh trắng hay tím nhạt. Cứ ra giêng mùa nắng là loại cây này xanh tốt lạ thường. Đầu hè nhãn lồng cho quả tròn bằng đầu ngón tay, trái non xanh nhạt rồi chuyển dần sang sẫm khi về già, trái chín có màu vàng, hột đen, cơm từ trái cho vị chua ngọt.
Khi đi đồng về các bà, các chị thường tranh thủ hái vài chục trái chín về nhà làm quà cho mấy em nhỏ. Món quà quê đơn giản thế, nhưng dấu ấn tình thương khó phai nhòa ở mỗi người sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo.
Ngoài trái chín mà cả người và loài chim đều thích, lá non và đọt nhãn lồng cũng được người bình dân dùng làm rau ăn.
Hái những đọt này về dùng tay ngắt bỏ những dây tua quấn quanh. Những tua này vừa cứng vừa có vị nhẫn đắng, không ngon. Rau lặt rồi rửa sơ qua nước, để ráo. Khi nồi cơm lúa mùa vừa chắc nước, dở nắp ra để nhãn lồng vào rồi đậy lại. Sức nóng của than làm cơm chín, đọt nhãn lồng cũng chín theo.
Cá lòng tong hay cá cơm chà sạch vảy để ráo ướp nước mắm, đường cát để thấm cho cá cứng rồi cho vào nồi đất để kho. Lửa riu riu cá sẽ thấm dần, lúc này có người còn cho ít nước cơm sôi vừa chắc vào để tạo độ sánh. Khi cá cạn, cho thêm tóp mỡ thắng, tiêu xay, hành, ớt xắt nhuyễn, … Đến khi nước cá còn sền sệt thì nhắc xuống.
Sang hơn một chút thì bắt cá rô kho tộ. Cá rô đồng con cỡ ba bốn ngón tay làm sạch, ướp rồi kho tương tự như cách kho cá lòng tong. Có điều người ta thay nồi đất bằng tô sành. Cơm vừa chín, rau hấp gắp ra dĩa. Nước cơm sôi chắc làm canh, thể là có bữa ăn ngon lành, với những món ăn kiếm từ chung quanh nhà là lành tính.
Đọt nhãn lồng hấp vị đặc trưng chấm với cá kho khô vừa cay, vừa mặn cộng với nước cơm gạo mới ngọt bùi làm cho người ăn ngon miệng, no lòng. Hơn thế, đọt nhãn lồng còn có tác dụng giúp cho giấc ngủ người lao động ngon hơn, sâu hơn sau một ngày họ quần quật trên cánh đồng thửa ruộng.
"Cá kho chấm đọt nhãn lồng
Ngày má gả chồng, con vẫn nhớ quê" – Ca dao
Người xưa có câu: Trời sinh voi sinh cỏ hay Trời sinh Trời nuôi, chắc cũng có nguyên nhân từ những bữa cơm cá kho, chấm rau giản dị này.
Theo sách Trung dược đại từ điển, quả lạc tiên (long châu quả) vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, dùng chữa ho do phế nhiệt, phù thũng, giã đắp chữa ung nhọt lở loét ở chân.
Theo sách Thuốc cổ truyền và ứng dụng lâm sàng của giáo sư Hoàng Bảo Châu, dây, lá, hoa thái nhỏ, phơi khô của lạc tiên có công dụng an thần, giải nhiệt, mát gan; chữa trị chữa đau đầu, mất ngủ, thường phối hợp thêm với một số vị thuốc khác. Có tài liệu cho biết có thể dùng quả lạc tiên sắc lấy nước uống chữa lỵ; lá lạc tiên nấu nước để tắm, rửa trong chữa trị viêm da, mụn mủ, ghẻ ngứa.
Một loài cây mọc hoang nhưng xem ra chúng để lại nhiều giá trị cho cuộc sống của con người miền quê thật thà, chân chất mỗi khi khả năng tận dụng và trí tuệ tuyệt vời của họ được phát huy cao nhất.
Út Tẻo
(Sưu tầm trên mạng)