Sunday, March 26, 2017

LỤC BÌNH LÃNG MẠN VỚI MUỖNG VÀ ĐŨA

Cũng hôm nay vào Garden World, tôi lại phát hiện được loại hoa khác, hoa Lục Bình. Lâu lắm rôi không thấy lại, nhìn hồ đầy hoa Lục Bình, cảm động lắm các bạn ạ. Cái cảm nhận không chỉ bằng mắt mà còn có cả niềm nhớ quê hương. Hai tấm hình hoa Lục Bìng tôi post là chụp trong một khu bán cây thủy sinh trong Garden World, trong đây chuyên môn bán hồ phun nước, thác nước, rong, rêu, bèo, lục bình, bông súng, cá kiểng,...


Hiện nay trong thực đơn của nhiều quán ở ĐBSCL có thêm mấy món ăn từ Lục Bình. Mấy hôm trước tìm tài liệu có đọc được một bài, bây giờ mời các bạn cùng qua Cồn Sơn - Cần Thơ thưởng thức món Lục Bình xào tép nhé. (LKH)

LỤC BÌNH LÃNG MẠN VỚI MUỖNG VÀ ĐŨA.

"Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu,
Ta xào em chút xíu mà ngon."
Lần đầu tôi ăn món lục bình xào tép rong, thịt ba chỉ ở cồn Sơn, Cần Thơ. Ngon lạ lùng…
Lục bình như đọng lại sau chuyến về miền sông nước, đặt chân lên một cái cồn giữa sông Hậu cách đất liền chừng mươi phút đò ngang. Cô lái đò bây giờ chẳng phải chống sào đưa khách qua sông mà ôm vô lăng.


Lục bình xào tép rong
Ở Sài Gòn, những lúc triều cường tới đỉnh, nước ở rạch Bến Nghé dễ làm ta liên tưởng đến dòng nước sông Thao vui tràn trề trong bài Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy lênh đênh một giề lục bình to như cái nia bà má vẫn khom lưng rê lúa ở quê nhà. Mới thấy chữ líu ríu của ông bà đưa vào ca dao thật đắt.
Nếu như những giề lục bình suốt ngày cứ “líu ríu” đi lên đi xuống trên sông Sài Gòn đoạn ngang Củ Chi, bị tai tiếng như là một tệ nạn gây ách tắc giao thông. Thì lục bình cũng lại là nét đẹp xanh ngan ngát, hoa tím mướt rướt của sông nước miền Tây. Bao nhiêu thi ca đã vấp ngã trên loài hoa thuỷ sinh vừa đi vừa trổ bông ấy.


Nghiệm ra mới thấy sự nông cạn của mình khi chợt phát hiện trong cái menu cô hướng dẫn viên du lịch cồn Sơn tên Trân món lục bình xào tép rong, thịt ba chỉ. Một món ăn cũ lắm trong cuộc sống của người dân bao nhiêu đời trên cồn. Cũ với dân miền Tây. Mà mới tinh nguyên với mình. Và với nguyên cái nhóm bạn đi chung lần đầu tiên đặt chân lên cồn Sơn. Đúng là một bọn nông cạn vỡ lòng với sự phong phú của miệt sông nước.
Nhận được điện báo khách đặt món, thì lúc từ bến đò Cô Bắc, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ, sang đến cồn, đã thấy trong con rạch thấp thoáng chiếc ghe của chị Năm Phước đang hái lục bình làm món ăn cho khách. Theo ngón tay chỉ của cô Trân. Chúng tôi lên con đường đê bao quanh cồn, xin chị ngoảnh mặt lại để bấm vài tấm hình con ghe bên vạt lục bình xanh xanh tím tím. Thứ rau thuỷ sinh này lại được kho với những con tép rong xúc bắt ngay trong mương – chưa hề biết đến tủ lạnh – còn tươi hết cỡ. Tép ngọt phải biết. Cũng may hơn nữa là thịt ba chỉ của Cần Thơ không nhập từ nguồn heo siêu nạc Đồng Nai. Những miếng thịt còn đủ ba chỉ, chưa vương chút tật nguyền do lòng tham của những người nuôi ác nhơn. Bắt heo ăn hoài loại thuốc cấm salbutamol.


Ngon quá nên cả bọn tân khách cồn Sơn hôm ấy ăn không đủ để phần cho một người bạn mắc việc sang sông trễ hơn. Phải kêu thêm một dĩa nữa. Lần này rau lục bình còn, tép còn mà thịt lại hết. Chẳng sao, cái quan trọng là tép và rau vô cùng organic đối với dân miệt thành về miệt vườn.
Ngó lục bình trắng phau phau
“Dạy” tôi ăn lục bình là ông bạn Bửu Việt chủ nhà hàng Ven Sông và ông bạn chụp ảnh quay phim Đỗ Khuê. Khuê nói: “Lục bình ngon nhất là cái mà dân ở đây gọi là c. lục bình. Gọi thanh hơn là xúc xích hay lạp xưởng”. Bửu Việt giải thích thêm: “Đúng ra đó là cái ngó lục bình”. Chưa nghe bao giờ luôn, mặc dầu tôi đã từng viết về món ngó môn so với ngó sen. Ngó lục bình trắng lắm nhà thơ Ninh Tốn ơi! Ông mới biết đến ngó sen để so với đôi chân dài của một người thiếu nữ cưỡi ngựa. Ở cái thời mà ông Khổng Tử coi ba cái thứ văn chương sexy ấy là xúc phạm chữ thánh hiền, ông lại gan thiệt. Mà nếu ông biết ngó lục bình mơn mởn ngồn ngộn da thịt, trắng phau phau, hẳn ông sẽ chọn chúng để so. Coi bộ hiện thực hơn.


Ngó lục bình tối hôm tôi vỡ lòng thức ấy được xắt mỏng theo chiều dài để nhúng nước lẩu. Nhúng nhanh, ngó ấy vẫn còn độ giòn. Bỏ vào chén, chan nước còn nghe đậm đà cái vị của thứ rau bị không ít người coi là kẻ thù của sông nước. Chỉ vì chúng sanh sản dữ hơn cả bà tổ họ Âu. Tôi mới thắc mắc sao không thấy ai lấy tên loài bèo thuỷ sinh mắn đẻ này đặt tên cho bệnh viện phụ sản nhỉ? Như là một điềm may mắn mẹ tròn con vuông ấy mà!
Tôi về lại Sài Gòn, dặn lòng lần sau phải đề xuất món canh chua lục bình với cá lóc organic tát mương của cồn Sơn, nhưng mà phải nấu với trái bần sông, nêm nhiều ngò gai và rau om, không bỏ đường. Về miền Tây bạn phải dặn nấu chua không bỏ đường!
Ngữ Yên