Rạch Gầm - Xoài Mút - Thới Sơn
Ba năm trước tôi mới thăm được Rạch Gầm - Xoài Mút. Xuất phát từ thành phố Mỹ Tho theo tỉnh lộ 864, xe chạy dễ dàng. Hai bên đường nhà cửa vườn tược nho nhỏ xinh xắn, thỉnh thoảng có chợ nhỏ rộn rịp. Cô phóng viên trẻ báo Ấp Bắc hướng dẫn. Đường men theo bờ sông Tiền, có lúc đi gần sát sông, thấy các vàm sông và các con rạch đổ vào.
Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho 12 km, khánh thành ngày 20.01.2015, kỷ niệm 220 năm chiến tích. Khu di tích thoáng mát, ngay cạnh con lộ, diện tích 2 hecta, gồm tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hai nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam Bộ. Tượng đài chiến thắng đẹp quá, anh hùng Nguyễn Huệ tuốt gươm thật oai phong, một người lính giương cung và một người dân chèo ghe. Được biết tượng đồng cao hơn 8m, nặng 20 tấn.
Đường lót gạch dẫn ra một cầu dài ở bờ sông. Tôi nhìn ra xa thấy sông mênh mông, chắc rộng cả cây số. Bờ bên kia xanh rì cây bần và dừa nước. Các khóm lục bình lớn nhỏ bồng bềnh trên dòng nước đỏ phù sa. Ôi! nơi đây xưa là chiến trường. Quân Xiêm hai vạn, 300 khẩu pháo, khí thế hừng hực, từ thượng dòng sông Tiền đổ xuống lọt vào ổ phục kích của quân ta giữa khoảng Rạch Gầm và Rạch Xoài Mút bên này và Cồn Thới Sơn bờ bên kia. Toàn bộ quân Xiêm Nguyễn bị tiêu diệt trong một ngày.
Rạch Gầm. Thật khéo đặt khu di tích sát Rạch Gầm. Có cây cầu Rạch Gầm vắt ngang con Rạch. Đi lại trên cầu lòng tôi rộn ràng. Ngó ra vàm sông, ngó lại phía ngọn con rạch. Rộng khoảng 100 mét, đúng là con sông nhỏ, chớ không phải rạch. Gọi rạch chắc vì là nhánh của sông Tiền. Sự tích Ông Gầm - Bà Hét. Một đêm mưa to sấm chớp tiếng gầm thét vang dậy ở hai bên bờ sông, dội qua dội lại như đối đáp. Ông bà ta đặt tên Rạch Ông Gầm bên này, bờ bên kia sông Tiền có Rạch Bà Hét, xã Phú Túc, Bến Tre.
Rạch Xoài Mút. Từ Rạch Gầm trở về Mỹ Tho chừng 5-6 cây số có con cầu bắt ngang Rạch. Rạch Xoài Mút nhỏ hơn Rạch Gầm, chắc là lòng con rạch nhỏ lại theo thời gian. Xưa lòng rạch chắc đủ rộng, vàm rạch cũng tốt cho việc phục binh. Kế bên rạch là cái chợ nhỏ, sinh hoạt ồn ào mà dễ thương. Trước đây từ vàm đến ngọn rạch có nhiều cây Xoài Hột, trái nhỏ xíu mà hột bự, cơm mỏng, tôi nhớ lúc nhỏ có ăn vài lần bằng cách mút mút nên có tên Xoài Mút. Rạch Xoài Mút sát chợ Xoài Hột.
Trong khoảng hai con rạch cách nhau bảy cây số, nhà điều quân thiên tài cho ém quân thủy quân bộ ra đánh tan quân Xiêm Nguyễn.
Cồn Thới Sơn. Xe từ phía Mỹ Tho lên. Thích quá! Đứng trên cầu Rạch Miễu, thấy được trọn đoạn sông chiến lược hai bên bờ sông Tiền. Nhìn cả hai phía cầu, thấy trọn chiều dài Cồn Thới Sơn. Cồn Thới Sơn làm lòng sông hẹp lại. Tôi hiểu được lời giải thích chiến lược phục binh. Một bên có Rạch Gầm - Xoài Mút, một bên có Cồn Thới Sơn, quân mai phục úm kín quân địch không thoát đi đâu được.
Ngày nay có trạm du lịch Thới Sơn. Từ hướng Mỹ Tho qua cầu. thì rẽ trái, có con đường nhỏ dẫn đến bờ sông. Đò nhỏ sức chứa khoảng 20 người đưa khách ra giữa dòng, ghé thăm Cồn Phụng rồi chạy dọc quanh Thới Sơn. Khách được đưa bằng xuồng ba lá vào các con rạch nhỏ để thử mật ong rừng, ăn trái cây và thưởng thức đờn ca tài tử. Nghĩ lại, ngày xưa lá dừa nước và các nhánh bần phủ kín những con rạch nhỏ này là chỗ Tây Sơn ém quân quá đẹp.
Sông Tiền: dấu xưa oai hùng
Đâu chỉ là trận đánh thật hay thật nhanh diễn ra ở một khúc sông. Thấy được hướng tiến quân của hai phía, suốt cả sông Tiền, mới thấy sự vĩ đại của trận chiến. Thật kỳ thú quân Tây Sơn từ Cửa Tiểu theo hạ nguồn đi lên, quân Xiêm từ đầu nguồn đổ xuống. Đụng độ, thoáng chốc quân Xiêm tan tác. Dễ hiểu qua, dễ ăn quá. Bái phục nhà cầm quân thiên tài Nguyễn Huệ.
Theo bước Tây Sơn. Trong “Mỹ Tho xưa trong Nam Kỳ lục tỉnh”, Mặc Nhân Tấn Văn Công cho biết “Nguyễn Huệ xua hai đạo quân, một dùng đường thủy vào Cửa Tiểu, một dùng đường bộ tiếp cận miền Đông để tiến về miền Tây, lập đại bản doanh tại vùng Mỹ Chánh”.
Cửa Tiểu sông Tiền. Chiến thuyền từ Bình Định đi dọc bờ biển vào Nam, vào Cửa Tiểu đi khoảng 40 cây số trên sông Cửa Tiểu đến Mỹ Tho đóng quân.
Hay quá. Tôi biết lộ trình này. Ngồi mui ghe chài (dùng chở nghêu) phát xuất từ ấp Đèn Đỏ, Gò Công Tây tới thật gần nhìn thật rõ nơi dòng sông ra biển. Cửa Tiểu thật rộng, mênh mông nước hồng phù sa, hai bờ đậm màu cây xanh. Lần khác, theo phà qua ngang sông Cửa Tiểu tôi mê man dòng sông cuồn cuộn. Nhà cầm quân từ nơi xa mà biết chọn đường sông vào tới Mỹ Tho. Thật tài tình.
Đại bản doanh đặt vùng Mỹ Chánh. Vùng này có chùa xưa Vĩnh Tràng. Đám học trò nhỏ chúng tôi thường đạp xe vào chùa chơi và học bài vào ngày nghỉ. Thăm lại, thấy chùa có thêm các tượng Phật Thích Ca và Phật Di Lặc thật to. Kiến trúc xưa vẫn giữ. Đâu đây lại phảng phất bóng dáng của anh hùng Nguyễn Huệ.
Quân Xiêm vào rọ. Năm vạn quân Xiêm từ Chân Lạp theo sông Tiền đổ xuống đóng quân tại Trà Tân (Sa Đéc). Tôi có dịp biết đường chuyển của quân địch. Đi dọc theo dòng sông từ Hồng Ngự đến Cao Lãnh, qua phà ngang sông, rồi lại cặp dòng đến Sa Đéc. Trên cầu Cầu Mỹ Thuận hình dung như thấy được các chiến thuyền của Xiêm chở theo 300 đại pháo.
Quân ta bủa lưới. Từ Mỹ Tho lên cầu Rạch Miễu ngó trái thấy rõ, Cồn Rồng, Cồn Thới Sơn và Cồn Phụng. Xa xa bên phải là Rạch Gầm - Xoài Mút. Chỉ nghe kể Cồn Thới Sơn có vai trò chiến lược. Chắc là Nguyễn Huệ cũng dùng Cồn Rồng và Cồn Phụng (lúc đó chưa có tên này). Tôi như thấy chiến thuyền Tây Sơn lui tới trên sông Tiền, bủa lưới giăng quân Xiêm.
Ra tay một trận. Ôi hay quá, có thể ém quân trong vô số rạch nhỏ. Tôi vỡ lẽ là quân ta ẩn núp dọc theo bờ sông, chớ không chỉ phục sâu ở hai con rạch rồi túa ra đánh. Bồi hồi nhớ lại tuổi thơ, hình ảnh đom đóm lập lòe về đêm làm các cây bần sáng trưng. Nay tôi mới thắm thía vai trò chiến lược của những nhánh bần gie, những buội dừa nước và những giề lục bình. Trong nhà trưng bày có hai câu thơ “Bần gie đóm đậu sáng người. Ra tay một trận muôi đời uy danh”. Quá hay!
Mấy tháng trước tôi được đi một vòng lớn thật thỏa lòng. Bao một chiếc đò du lịch Tiền Giang. Phát xuất từ bến đò gần công viên Lạc Hồng. Chạy dọc theo Cồn Rồng, qua vàm sông Bảo Định, băng qua sông rộng, ghé nhanh Cồn Quy uống một trái dừa xiêm, ghé Cồn Phụng viếng di tích ông Đạo Dừa, còn nhớ lúc nhỏ đi bắc Rạch Miễu thấy ông ngồi trên tháp. Nhìn về phía cầu Rạch Miễu thấy rõ Cồn Thới Sơn và Cồn Phụng chia Sông Tiền thành ba nhánh. Đò chạy dọc Cồn Thới Sơn, qua dưới lòng cầu Rạch Miễu, đi mút tới đầu trên cù lao.
Tuổi học trò của tôi trôi qua bên dòng Sông Mỹ Tho. Thật cảm khái, vào khoảng tuổi bảy mươi tôi lại được chiêm nghiệm suốt dòng Sông Tiền, tự hào dấu xưa còn in bóng.
GS-BS.Nguyễn Chấn Hùng