Monday, March 6, 2017

TỪ CA DAO VÀ VÈ, HIỂU THÊM VỀ QUÊ HƯƠNG CẦN THƠ

Cần Thơ là vùng đất trẻ dọc tây sông Hậu. Nơi đây đồng ruộng phì nhiêu, vườn tược xanh tốt, xóm làng trù phú. Do đặc trưng cư dân nhiều vùng miền cộng cư trên vùng đất mới, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt ở giai đoạn khai khẩn hoang, đến đấu tranh chống ngoại xâm trong thế kỷ 19-20, cuộc sống lao động và chiến đấu đã hình thành kho tàng văn hóa phi vật thể, mà tục ngữ ca dao, hò, vè, truyện kể là những sản phẩm văn hóa đặc trưng tiêu biểu nhất. Riêng về ca dao ở miệt Cần Thơ rất phong phú, bởi nơi đây, dần về sau đã thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của khu vực ĐBSCL.


Trước hết, có thể kể câu ca dao quen thuộc đã trở thành biểu tượng khi nói về đất Cần Thơ:

Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về


Ca dao có nội dung kể chuyện quê hương, đất nước, con người một vùng đất có khá nhiều ở miệt Cần Thơ. Những câu ca dao này gắn liền với địa danh lịch sử, con người, như:

Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi mưa nắng sớm chiều
Lên voi xuống vịnh cũng chèo thăm em

hay:

Đâu vui bằng xứ Kinh Cùng
Tràm xanh củi lục anh hùng thiếu chi

hoặc:

Ô Môn lúa tốt đầy đồng
Vàm Nhon, Ba Mít đượm nồng ý thơ
Em về Tân Thới bơ vơ
Ba Se em ở bao giờ thăm anh


ngoài ra còn có:

Trường Long nước trong con gái đẹp
Rạch Ông Hào cảnh lịch người xinh

Trong thời gian đi thực tế ở huyện Phong Điền (Cần Thơ)- xưa thuộc Châu Thành (cũ), Phong Phú (thời Pháp thuộc)- người viết bài này được gặp các bậc cao niên, các nhân sĩ trí thức, những người am hiểu về văn hóa dân gian và đời sống, lịch sử của vùng đất "gạo trắng nước trong". Theo các cụ, đặc điểm của ca dao, dân ca Nam bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng là trữ tình và chân chất, ý tình thể hiện ra ngay trong câu hò tiếng hát, người nghe có thể hiểu liền câu chuyện được kể và liên tưởng đến đời sống cùng những sự kiện xưa qua từng câu ca. Tiêu biểu như:

Quả năm ngăn trong lòng son đỏ
Mấy lời to nhỏ bỏ bạn sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia kiệt máy, anh mới đành bỏ em!


hay:

Kinh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình
Con nhạn bay cao khó bắn
Con cá dưới ao Quỳnh khó câu

Mấy câu trên có xuất xứ từ việc ở miệt Phong Điền giáp với vùng Ô Môn thời đó có những con kênh do người Pháp đào bằng xáng. Kinh đào bằng máy dài, thẳng băng và được đào theo kiểu "lấn dủi" cuốn chiếu. Chủ chiếc xáng đào thường là tư nhân người Pháp, được chính quyền thuộc địa thuê mướn làm những công trình dài hơi. Do đó, những ông Tây chủ xáng thường đem theo vợ con ở luôn dưới xáng. Chiều chiều, bà "đầm" là vợ ông Tây thường đứng sau xáng ngắm cảnh sông nước xứ "An Nam". Hình ảnh "bà đầm" và chiếc xáng (tàu Tây) đã đi vào ca dao như trên. Hiện nay ở Cần Thơ, địa danh Bà Đầm vẫn còn, ở xã Trường Xuân thuộc huyện Thới Lai.


Tôi còn được gặp ông Nguyễn Tấn Sĩ, nguyên là nhà giáo lão thành của Cần Thơ. Ông đã sưu tầm được một số câu ca dao của vùng Cần Thơ cho thấy sự chân chất hồn hậu và nếp sống xưa:

Bước lên cầu ván mỏng, miếng ván cong vòng
Thấy em mê bạc trong lòng hết thương

Bậu có thương qua
Khăn mù xoa đừng đội
Hát bội đừng mê
Cái dê đừng mắc
Tứ sắc đừng ham
Ruộng rẫy lo làm
Dẫu em làm thất, bậu giùm cho…


Có thể nói, qua các địa danh được thể hiện trong ca dao trữ tình, có thể hình dung được chuyện đi lại và đời sống giao thương xứ Cần Thơ xưa:


Tàu số một chạy lên Vàm Tấn
Tàu số hai chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ
Lỡ duyên chịu lỡ, cũng chờ cho được anh

hoặc:

Nước biếc non xanh
Người bạn lành khó kiếm
Đây em cũng hiếm
Chưa lựa được chỗ nào
Mảng lo mua bán ra vào Cần Thơ


Ký ức về một ngôi chợ đôi khi thể hiện chiều sâu và lịch sử của chợ:

Có ai qua chợ Lê Bình
Xin cho tôi gởi chút tình nước non

hoặc:

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về tới chợ Tầm Vu
Mua một cây dù che nắng che mưa

hay:

Chợ Thốt Nốt có lập đài khán võ
Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông
Thấy em mua bán anh chẳng vừa lòng
Để anh làm mướn kiếm từng đồng nuôi em.


Đã ngót nghét một thế kỷ, người yêu ca dao có thể hình dung trước mắt cảnh vật, chợ búa, sinh hoạt thời lập đất ở chợ Cái Răng, ngày nay là thủ phủ của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ:

Chợ Cái Răng xứ hào hoa
Phố lầu hai dải xinh đà quá xinh
Có trường hát cất rộng thênh
Để khi hứng cảnh thích tình hát ca

Những câu ca dao trên được sưu tập từ quyển "Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca" in vào năm 1909.

Xuân Nhi
Nguồn" Cần Thơ Online


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.