Saturday, April 8, 2017

NHÚNG ĐŨA VÀO BÁT CANH CHUNG: THÓI QUEN XẤU XÍ

Xét theo tiêu chuẩn vệ sinh thì việc hôn môi cũng được xem là mất vệ sinh. Nhưng chúng ta có thể vui vẻ chấp nhận nó vì nó chỉ gói gọn trong phạm vi hai người, và nó khác hẳn chuyện nhiều người cùng nhúng đũa vào một bát canh.


Ngày nay ở Việt Nam mình có ai còn sử dụng chung bàn chải răng với người khác nhỉ? 

Tuy nhiên các bạn có biết là ngày xưa, ở nhiều nước phương tây, mỗi nhà chỉ có một bàn chải răng dùng chung cho tất cả mọi người trong gia đình!

Nếu khi đó ai đó nói họ như thế là mất vệ sinh, chắc họ cũng đã làm ầm lên rằng đó là nét văn hoá, rằng mọi người đều làm như vậy mà đâu có ai chết đâu, rằng mỗi người một cái chải răng riêng thì còn gì là tình cảm gia đình, rằng làm như vậy để thể hiện sự gần gũi, rằng mỗi người một cái thì bày vẽ tốn kém quá....

Rồi điều kiện kinh tế cũa họ được cải thiện, họ bắt đầu chuyển sang việc mỗi người sử dụng một cái chải răng. Và ngày nay nếu bạn bảo dùng chung thì chắc ai trong số họ cũng nói như vậy quá mất vệ sinh, thậm chí chạy mất dép!

Trở lại chuyện ăn uống chung của người Việt Nam, nó đúng là có từ rất lâu đời và nó đúng là tạo thêm sự gần gũi giữa những người ngồi chung mâm với nhau.



Và thật ra nếu muốn chúng ta vẫn có thể giữ được nét văn hoá và sự gần gũi đó đồng thời vẫn đảm bảo vệ sinh mà không tốn kém thêm gì mấy.

Chẳng hạn đơn giản là một đôi đũa, một cái thìa chung cho nồi lẩu và mọi người dùng nó cho việc lấy thức ăn vào bát của mình chứ không dùng đũa riêng để lấy.

Một cái thìa cho bát nước chấm và mọi người lấy thức ăn vào bát của mình xong sẽ dùng thìa để rưới nước chấm lên.

Một vài đôi đũa hay cái thìa dùng chung như thế không tốn kém hay rửa ráy thêm bao nhiêu, nhưng ngoài việc đảm bảo vệ sinh, chúng còn tăng thêm sự gần gũi ấy chứ, vì mọi người có cơ hội thể hiện sự nhường nhịn cho nhau: người trước nhường người sau... và mọi người lấy thức ăn, nước chấm có trật tự văn minh hơn. Nó cũng tương tự như văn hoá xếp hàng theo đúng nghĩa đen của nó.


Chuyện nhúng đũa riêng của mình vào nồi lẩu, tô thức ăn chung, chấm một bát nước chấm hay thậm sau khi đã cắn vào miếng thức ăn rồi nhưng vẫn chấm tiếp vào bát nước chấm chung là mất vệ sinh.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận điều đó để tìm cách khắc phục hay cải thiện nó thay vì tìm cách bao biện lớn tiếng, hy vọng nói át đi những vấn đề có tính xây dựng.

Bạn vẫn không thấy thuyết phục rằng đó là mất vệ sinh? Hãy hình dung thế này: trong cơ quan bạn tổ chức cuộc thi xem ai dùng miệng gõ bàn phím nhanh nhất, cách gõ: ngậm trong một cái thìa trong miệng và dùng cái đuôi thìa để gõ. Cả cơ quan chỉ có một cái thìa dùng chung cho cuộc thi, người này thi xong chuyền cho người kia thi tiếp, không lau, rửa cái thìa chung đó. Bạn sẽ tham gia?


Gần như chắc chắn là không, đúng không? Vì bạn sẽ nghĩ ngay: tôi phải ngậm cái thìa dính đầy nước bọt của những người thi trước tôi à? Mất vệ sinh quá! Lỡ những người đó có bệnh gì rồi vi trùng trong nước bọt trên cái thìa đó lây cho tôi thì sao?

Khi mọi người nhúng đôi đũa riêng của họ vào bát canh, thì cũng giống trường hợp cái muỗng tôi đã kể ở trên thôi, thế thì sao chúng ta lại vô tư chấp nhận ăn bát canh như vậy?

Bạn có thể sẽ hỏi: vậy nếu tôi và vợ chồng hay người yêu hôn môi, hôn gì gì khác thì sao? Vâng, cái đó xét theo tiêu chuẩn vệ sinh thì cũng được xem là mất vệ sinh.

Nhưng chúng ta có thể vui vẻ chấp nhận nó vì nó chỉ gói gọn trong phạm vi hai người, và vì lợi ích về mặt tinh thần của chuyện hôn lớn hơn nhiều tác hại!


Trong các bữa tiệc, việc nhúng đũa riêng vào phần ăn chung không phải là chuyện gì lớn lắm, không phải lúc nào cũng lây bệnh. Nhưng nếu chúng ta có thể thay đổi, để việc ăn uống trở nên vệ sinh hơn, ít bị lây bệnh hơn, và việc đó cũng không tốn kém thêm bao nhiêu thì tại sao chúng ta không cố gắng làm?

Trừ những cái chắc chắn làm chết người ngay lập tức, còn lại những cái gì thuộc về thói quen mọi người đều thấy khó thay đổi. Nhưng nếu mỗi người chúng ta cùng nhận thấy mặt không tốt, quyết tâm khắc phục thì chúng ta sẽ làm được.


Nếu không thay đổi được mọi người xung quanh ngay lập tức, hãy thay đổi chính bản thân mình và hãy giáo dục trẻ con trong nhà từ khi các cháu còn nhỏ. Bởi khi đã hình thành thói quen, rất khó từ bỏ.

Hong Nguyen
(Theo: VNExpress)