Friday, April 21, 2017

SÁCH, TRỜI ƠI LÀ....SÁCH

Ngay trong lời nói đầu của bộ sách, thì “Bộ sách bài tập tiếng Việt nâng cao” là tài liệu dành cho học sinh cấp tiểu học, nhằm giúp học sinh học tốt môn… toán.
Một bộ sách được gọi là “nâng cao”, dành cho học sinh tiểu học, vừa bị phát hiện có hàng loạt lỗi khủng khiếp, đã khiến cộng đồng xã hội xôn xao vì bức xúc.
Đó là bộ sách “Bài tập tiếng Việt nâng cao”, do NXB Đại học Sư phạm ấn hành.
Theo lời nói đầu của bộ sách, thì “Bộ sách bài tập tiếng Việt nâng cao” là tài liệu dành cho học sinh cấp tiểu học, nhằm giúp học sinh học tốt môn… toán.
Giáo viên tiểu học và các bậc phụ huynh cũng có thể sử dụng tài liệu này để giúp con em học tốt môn toán. Bộ sách “Bài tập tiếng Việt nâng cao” gồm 5 tập, tương ứng với 5 lớp của cấp tiểu học. Mỗi tập là một hệ thống bài tập toán được biên soạn theo một cấu trúc chung dưới hình thức trắc nghiệm…
Ngay lời nói đầu này, đã khiến cho người đọc khó hiểu, vì cái sự “đầu Ngô mình Sở” của nó rồi.
Bài tập tiếng Việt nâng cao, là để nâng cao về trình độ tiếng Việt cho học sinh, chứ sao lại có thể giúp học sinh học tốt… môn toán?
Đi sâu về nội dung, mới thấy mức độ sai về lỗi chính tả thật là dày đặc, như thùng rác thì viết thành thùng giác; có giỗ thì viết thành có dỗ; con ngựa viết thành cỏ ngụa; cây nêu viết thành cây lêu...



Rồi thì những bài toán (có lẽ là nhằm mục đích giúp học sinh học giỏi môn toán) được ra bằng những cách mà không một người đọc nào có thể chấp nhận được, vì nó đẫm mùi bạo lực và nhòe nhoẹt những máu me.
Đại loại “Hai bàn tay em có 10 ngón. Do đùa nghịch dao nên bị cụt mất hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?”.
Đã gọi là “sách nâng cao”, thì nội dung phải cao hơn những sách học thông thường một bậc. Vì thế, việc biên soạn những loại sách này càng đòi hỏi phải thận trọng hơn, công phu hơn.


Nhưng đọc phải những cuốn sách “nâng cao” loại này, không khó khăn gì mà không nhận ra rằng người biên soạn sách là người nói ngọng (vì nói ngọng nên cây nêu mới được viết thành cây lêu).
Nhưng, người biên soạn nói ngọng đã đành, còn người biên tập, và người đọc duyệt cuối cùng trước khi đưa vào xuất bảo, thì sao? Chẳng lẽ cũng ngọng nốt?
Câu trả lời chỉ có thể là: Ẩu, một tập thể ẩu, ẩu từ khâu biên soạn đến biên tập, và đọc duyệt.



Không chỉ ẩu mà còn thiếu trách nhiệm. Rồi còn bài toán kia nữa. Mục đích là đang có 10 vật gì đó, nay bớt đi 2 vật, hỏi còn lại bao nhiêu vật? Thế thì thiếu gì cách để thể hiện bài toán đó?
Như là trên cành cây có 10 con chim đang đậu, bỗng 2 con bay đi, hỏi trên cành còn lại mấy con chim, không được hay sao mà lại phải dùng đến hình ảnh một đứa trẻ đùa nghịch dao nên bị cụt mất hai ngón tay?
Học sinh tiểu học, tâm hồn các cháu còn như một tờ giấy trắng. Những gì thầy cô dạy thường in vào đầu các cháu rất sâu, không dễ gì phai mờ.



Mới vào bậc tiểu học mà đã phải “nâng cao” bởi những từ ngữ ngọng líu ngọng lô, những hình ảnh đầy máu me như thế, thì không hiểu tâm hồn các cháu sẽ biến thành những thứ gì?
Và nếu cứ giáo dục trẻ con bằng những cuốn sách loại này, thì không trở thành thảm họa cho đất nước, mới là chuyện lạ.
Vũ Hữu Sự

Theo: Nongnghiep.vn