Tuesday, May 23, 2017

TƯƠNG TƯ


TƯƠNG TƯ

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông 
Một người chín nhớ mười mong một người 
Gió mưa là bệnh của giời 
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng 

Hai thôn chung lại một làng 
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? 
Ngày qua ngày lại qua ngày 
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng 

Bảo rằng cách trở đò giang 
Không sang là chẳng đường sang đã đành 
Nhưng đây cách một đầu đình 
Có xa xôi mấy cho tình xa xôi? 

Tương tư thức mấy đêm rồi 
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho? 
Bao giờ bến mới gặp đò 
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau? 

Nhà em có một giàn giầu 
Nhà anh có một hàng cau liên phòng 
Thôn Đoài ngồì nhớ thôn Đông 
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?



NGUYỄN BÍNH (1939)



Sơ lược tiểu sử:
Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Định. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1937 với tập thơ "Tâm hồn tôi".
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, Ty văn hóa thông tin Nam Hà. Năm 1958, Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm hoa. Ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 (chiều 30 Tết) tại Hà Nội.



Thơ Nguyễn Bính "chân quê", giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: "Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu,..."
(Sưu tầm trên mạng)