Thursday, June 1, 2017

ẨN NGỮ TÓC MAI....

Vẫn còn trong âm hưởng của bài "Tóc mai sợi vắn sợii dài", tôi lang thang trên mạng tìm xem còn ai có cùng một bâng khuâng. Tình cờ có một bài tản mạn đóng góp thêm về ý nghĩa của tấm tình tóc mai.(LKH)


ẨN NGỮ TÓC MAI....
Kho tàng ca dao dân ca nước ta có không ít những bài thơ tình tuyệt diệu dù có khi rất ngắn, chỉ vỏn vẹn hai dòng. Tóc mai sợi vắn sợi dài; Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm là một trong số đó.
Hầu như mọi người Việt đều thuộc lòng, ngâm nga câu ca dao ấy. Với con tim tinh nhạy, ta cảm được ngay nỗi buồn thương da diết, cái đau xót khôn nguôi trong tình yêu trắc trở qua lối diễn đạt vừa hàm súc lại vừa giản dị. Tuy vậy, giả như có ai cắc cớ đặt câu hỏi: cái hình ảnh “tóc mai sợi vắn sợi dài” có liên can đến chuyện “lấy nhau chẳng đặng thương hoài...” thì không ít người bối rối. Người viết bài này cũng vậy.
Nếu cho rằng câu ca dao này được làm theo lối hứng (phú, tỷ, hứng), nghĩa là từ chuyện này đột ngột bắt qua chuyện khác, kiểu như Trên trời có đám mây xanh; Chính giữa mây trắng chung quanh mây vàng; Ước gì anh lấy được nàng, Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây...” thì hình ảnh tóc mai sợi vắn sợi dài chẳng ăn nhập gì đến việc lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm. Chẳng qua chỉ là một yếu tố ngẫu hứng để bắt sang chuyện khác. Nói vậy thật không ổn, bởi mái tóc phụ nữ mềm mại là vậy mà lại có khả năng cuốn hút ghê gớm, làm xao xuyến vô số kẻ mày râu: Một thương tóc bỏ đuôi gà..., Tóc em dài em cài hoa lý; Miệng em cười anh để ý anh thương... Hơn nữa, trong ngôn ngữ văn học, hình ảnh mái tóc người con gái thường gắn với chuyện tình duyên, hôn nhân: người ta chẳng đã nói tóc thề, xe tơ kết tóc... đó sao? Cho nên dứt khoát nó có liên quan đến mối tình dang dở trong câu ca dao này. Không có chuyện rẽ ngoặt tùy hứng ở đây. Nhưng liên quan thế nào, chàng thi sĩ vô danh cứ lửng lửng lơ lơ không nói rõ (có lẽ vì vậy mà câu ca dao trở nên đa nghĩa, càng hay) và dành mọi sự liên tưởng, khám phá cho người nghe, người đọc.


Hơn mười năm trước, ở Huế, có lần tôi được nghe người cô của mình hát một câu ca dao khá lạ:

Em có chồng rồi bớt lọn tóc mai,
Bớt khăn chéo hạnh kẻo trai họ lầm

Cô tôi giải thích đó là câu hát của một chàng trai trong một cuộc hát đối đáp nhằm nhắc nhở một cô đã có chồng, chớ có “lộn xộn”. Có thể diễn nôm cái ý của chàng trai là: “Cô ơi, có chồng rồi thì bớt đi các món trang điểm, làm điệu làm dáng như còn con gái ”. Nói “bớt” như thế cũng có nghĩa là “bỏ đi’, thôi đừng làm như vậy (kể ra chàng trai này cũng hơi “rách việc”!). Phía người nữ cũng không vừa, bèn có câu đáp lại:

Trai lầm trai phải mang gông,
Cái khăn chéo hạnh của chồng em cho

Tưởng tượng chàng trai khi nghe câu đáp này hẳn phải chưng hửng, lặng tiếng!
Ra vậy, câu hát này có thể là đầu mối để giải cái thắc mắc từ lâu của nhiều người. Nó tiết lộ một nét trong tục lệ (hay quy ước) để tóc của người xưa - đoán chừng trên dưới hai thế kỷ. Theo đó, phụ nữ khi có chồng thường búi tóc hoặc vấn tóc, còn thiếu nữ chưa chồng thường để xõa tóc hoặc buộc khăn trên đầu, cho nên những sợi tóc mai tự do buông xuống hai bên thái dương (màng tang). Cũng là một cách phân biệt “tình trạng hôn nhân” hiện tại đối với nữ giới - một ràng buộc không công bằng - trong xã hội phong kiến vốn xem nhẹ phụ nữ.
Nhưng cô gái được nói đến trong câu ca dao này liệu đã sang ngang hay chưa và nếu đã có chồng sao không vén tóc mai? Ở trên có nói, nhà thơ dân gian cứ lửng lơ, lãng đãng để lại nhiều khoảng trống khi thở than cho mối tình dang dở khiến ta phải tìm cách suy đoán để điền vào. Vẫn biết rằng dùng lý trí để phân tích thơ thì có khi giết thơ. Nhưng nếu chỉ dùng con tim để cảm thôi thì nhiều khi không hiểu hết ẩn ngữ của thơ ca. Nên đành dùng lối phân tích chi tiết vậy.


Thử xem, nhà thơ đã mô tả tâm trạng của ai trong câu ca dao này: cô gái hay chàng trai? Cách hiểu thông thường nghiêng về phía chàng trai. Nhưng thật ra, cái nội dung thở than ấy có thể là tiếng lòng của cả nam lẫn nữ. Vấn đề “rắc rối” hơn là tình trạng “còn không” hay đã có (chồng, vợ) của hai nhân vật chính. Có thể có bốn tình cảnh sau: cả chàng và nàng đều đã lập gia đình với người khác; cả chàng và nàng đều đang cô đơn “ở hai đầu nỗi nhớ”; nàng đã lấy chồng và chàng cứ ở vậy; chàng đã lấy vợ còn nàng tiếp tục cảnh đơn chiếc. Trong bốn tình cảnh này, thì tình cảnh và - nàng đã về với người khác - liên quan rõ rệt đến cái ẩn ngữ “tóc mai”. Thay vì phải vấn tóc hay búi tóc, vén tóc mai qua tai để tỏ cho mọi người biết rằng mình đã có chồng, nàng cứ để mặc “tóc mai sợi vắn sợi dài” như thuở còn con gái, thuở yêu chàng. Vì sao? Vì nàng đau khổ rồi buông xuôi, phó mặc, chẳng thiết gì đến hiện tại, hay đó là một cách vượt khuôn phép để thể hiện nỗi tiếc nhớ cuộc tình quá khứ? Có lẽ cả hai.
Với tín hiệu “tóc mai...” hẳn chàng nhận ra ngay, nhưng có lẽ khó làm gì khác hơn trước cảnh “sáo đã sang sông”. Xem ra trong một xã hội nặng khuôn phép và đầy định kiến như vậy, chính người nữ đã táo bạo vượt qua khuôn phép, lệ thường để bộc lộ tình yêu mãnh liệt, để cho thấy nỗi xót xa của mình không chỉ dừng lại ở tiếng thở dài não ruột. Ai đó có thể chê trách nàng, nhưng cái tình sâu nặng, sự chân thật thì nên thương, nên trọng.
Đến đây tưởng cũng nên mở dấu ngoặc nói thêm về cái “khăn chéo hạnh” mà chàng trai nhắc đến. Khăn chéo hạnh là khăn gì, tiếc thật lúc ấy tôi cũng quên hỏi lại cô mình cho rõ. Đi hỏi bạn bè người quen, cũng chẳng ai biết nó là kiểu khăn gì, kể cả người rành văn học dân gian. Cuối cùng đành nhờ đến các từ điển xưa. Xem trong Đại Nam quấc âm tự vị (ra đời từ năm 1895) của học giả Huình Tịnh Paulus Của mới biết rằng “hạnh” trong “điệu hạnh” hoặc “làm hạnh”có nghĩa là “làm điệu, làm bộ, làm cao cách”. Thì ra chẳng có loại khăn chéo hạnh (hay xéo hạnh) nào cả như khăn đóng, khăn vuông, khăn vành, khăn rằn, khăn san...) mà chỉ là một cách buộc khăn chéo làm điệu thường thấy ở các cô gái thời đó.


Khi sáng tác câu ca dao tuyệt vời này, hẳn chàng thi sĩ vô danh thuở trước không ngờ rằng hàng trăm năm sau nó trở thành nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ hiện đại làm nên những ca khúc lay động hồn người, chẳng hạn: Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi; Tình đã khơi rồi mộng khó nhạt phai... (Phạm Mạnh Cương), hoặc Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc; Thuở ấy anh vừa thôi học xong... Ngày nào đọc lại câu ca; Mưa rơi mưa rơi trên má: Tóc mai sợi vắn sợi dài; Lấy nhau chẳng đặng... (Phạm Duy). Ra vậy, chuyện tình của người thời nay nào khác người xưa. Nếu có khác chăng chỉ là thay vì biểu cảm một cách kín đáo, tế nhị qua lọn tóc mai thơ mộng thì không ít người thời nay lại đem kể lể tất cả trên... Facebook cho cả thế giới cùng xem.
Công Thắng
(Sưu tầm trên mạng)



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.