Rau me đất, chất ngất tình quê
Mới nghe nhắc tên loài rau gia vị thường bị bỏ quên sau vườn hay dưới gốc mấy cây kiểng bonsai trước sân nhà, đầu bếp Nguyễn Văn Bông quê xứ hoa vàng chen cỏ xanh reo lên thật hân khoái: “Canh chua me đất là món canh phổ biến của thôn quê miền Trung, nhất là khu vực Bình Định, Phú Yên”.
Trong ngăn ký ức tươi đẹp của Bông, nồi canh me đất “có gì nấu nấy” của ngoại vụt hiện ra. Lẫn trong muỗng nước thanh dịu phớt hồng ấy, có chút nồng nàn của tư vị mắm ruốc biển Tuy Hòa, xen cùng chất giòn cay của trái ớt xiêm xanh mà hậu vị ngọt thơm đến lạ lùng nơi làng quê xứ nẫu.
Trong ngăn ký ức tươi đẹp của Bông, nồi canh me đất “có gì nấu nấy” của ngoại vụt hiện ra. Lẫn trong muỗng nước thanh dịu phớt hồng ấy, có chút nồng nàn của tư vị mắm ruốc biển Tuy Hòa, xen cùng chất giòn cay của trái ớt xiêm xanh mà hậu vị ngọt thơm đến lạ lùng nơi làng quê xứ nẫu.
Rau me đất. Ảnh: Lê Thoa |
Nhà xa chợ, bà ngoại lụm cụm xách cái rổ tre méo miệng ra sau vườn, “gặp gì quơ nấy”: sam bay, rau muống đỏ… thả vô nồi canh me đất cho mát bụng cháu con. “Cả nhà quây quần xì xụp, ai nấy nhễ nhại mồ hôi. Nồi canh tầm thường nhưng chan chứa cả tấm lòng, kho kinh nghiệm sống của bà ở tuổi xế chiều nên nó thơm ngọt tới mất hồn!”, Bông véo von kể.
Dĩ nhiên, trong mớ rau cỏ hợp tấu ấy, có không ít loại nằm trong danh mục món ngon bài thuốc dân gian. Chẳng hạn, vào đầu mùa mưa ở đất Phú (khoảng cuối tháng Chín đầu tháng Mười âm lịch) có nhóm bông giề (giờ) tím vàng thơ mộng, nhúm lá gừng xanh non nồng nàn - sảng khoái… Nấu với mớ cá ngạnh nhỏ cỡ đầu ngón tay trỏ người lớn hoặc đám rô non cũng ngọt lừ!
Bước sang mùa nắng cháy da, đã có cá trích, cá nục, cá ồ… với mấy lùm lá é trắng tươi lún phún lông tơ, hăng nồng ngất ngát đợi chờ… me đất, trong tô canh quê đượm tình.
Có lần, chúng tôi được một thầy thuốc sành ăn gốc Huế, hiện sống ở TP.HCM, thiết đãi món sườn non heo ta nướng xốt nước cốt me đất với tương đậu mèo + mật ong + ớt xiêm, ăn cùng dĩa cơm thuần Việt (gạo sạch lúa mùa giống cũ - lúa gòn - rau đậu ta trồng hữu cơ). Thống khoái vô cùng!
Hoa và trái me đất |
Còn ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền vương triều Nguyễn, ở quận Gò Vấp, TP.HCM khuyên rằng, dùng me đất toàn tính mới nên thuốc. Có nghĩa, ta cần tận dụng cả hai mặt âm - dương nơi cây me đất. Nên nhổ lúc sáng sớm, nguyên bụi - lấy cả rễ - rửa sạch đất cát, nhấm nháp chậm rãi, có thể chữa chứng trào ngược dạ dày rất linh diệu.
Hoặc món bồi bổ đời thường cho bác nông phu hay anh công chức, chẳng cần sơn hào hải vị chi cho tốn kém, là bát canh me đất nấu với mớ rau: sam bay, bắp chuối non (chuối hột thì càng tốt), mấy cọng ngò gai (rau mùi)… với vài con cá lóc cửng hoặc năm bảy con rô đồng đã đủ đầy dinh dưỡng. Đây là món canh thanh nhiệt, giải độc, trợ tiêu, tăng sức đề kháng cho cơ thể, lại rẻ tiền.
Tiến sĩ Võ Quang Yến đã mô tả rõ ràng về những giống me đất ăn được: “Me đất thường dùng là chua me đất hoa vàng hay tím lạt, thường gặp ở những nơi ẩm ướt, bờ ruộng, đồng cỏ hoang. Nó là một loại cỏ mọc lan trên mặt đất, thân đỏ nhạt, lá cuống dài, gồm ba lá chét, mỗi lá chét có một vết hõm trên đầu thành hình tim ngược… Trong Nam có tên chua me ba chìa, người Tày gọi sỏm hèn, người Thái co - kham - lin…” (lược trích từ sách Cây nhà lá vườn, bài Canh chua me đất, Võ Quang Yến, NXB Đà Nẵng).
Lá me đất được dùng chế biến món gỏi me đất mực sữa ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016. |
Có điều, me đất được nêm sau cùng trong món canh mới “hấp dẫn đến giọt sau cùng”. Vấn đề là làm sao “dụ dỗ” me đất về mọc lũ lượt trong vườn nhà? - Khá đơn giản, me đất thường “ăn ké” chất phân hữu cơ từ những chậu kiểng trồng hoa mai, sứ...
Thời nay, nắng mưa thất thường, bạn có thể giã nhuyễn nhúm lá me đất vắt lấy nước cốt, thêm vài giọt mật ong xịn, đem nấu sôi, nêm ít muối. Để nguội, trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Dùng giải khát thật hân khoái!
Chua me đất, dùng sao thêm bạn bớt thù?
Theo y học cổ truyền Việt Nam, lá có vị chua, tính lạnh; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, tán ứ, tiêu thũng giải độc. Được dùng để chữa một số bệnh như: sổ mũi, viêm họng, viêm gan, bệnh đường niệu, suy nhược thần kinh, tăng huyết áp. Liều lượng: mỗi ngày 15 - 30g khô và tối đa 100g tươi.
Một vài bài thuốc kinh nghiệm cổ truyền có chứa chua me đất:
+ Sốt cao, trằn trọc khát nước: chua me đất hoa vàng một nắm, rửa sạch, giã nát, chế nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước cốt chia ra uống trong ngày.
+ Viêm họng sưng đau: chua me đất hoa vàng 50g tươi, rửa sạch, thêm một chút muối (2g), nhai và nuốt từ từ.
+ An thần, chữa mất ngủ: dùng 20g chua me đất hoa vàng + lá thông đuôi ngựa 6g, cho vào nồi sắc lên, chia 3 lần uống trong ngày.
+ Chữa huyết áp cao: chua me đất hoa vàng 30g + hạ khô thảo 10g + cúc hoa vàng 15g, sắc uống ngày một thang.
+ Chữa vàng da do viêm gan: 30g chua me đất hoa vàng tươi, sắc lấy nước, chia làm 2 - 3 lần, uống trong ngày.
+ Chữa kiết lỵ: chua me đất hoa vàng phơi khô, nghiền thành bột mịn, ngày uống 3 lần (mỗi lần dùng một muỗng nhỏ uống với nước ấm).
+ Trẻ nổi rôm sẩy, ngứa ngáy: lấy lá chua me đất hoa vàng rửa sạch, vò nát, xát vào chỗ ngứa.
Một đặc điểm quan trọng của các cây trong chi này là, chúng chứa nhiều acid oxalic. Vì vậy, khi bạn nhai lá sẽ thấy vị hơi chua và se. Khi dùng với một lượng rất lớn, acid oxalic có thể được xem là chất độc, có hại cho bộ máy tiêu hóa và không thích hợp cho chức năng thận.
Trầm Nguyên (Theo Chiếc Thìa Vàng)