Sunday, October 15, 2017

ĂN CUA LÔNG HỒ DƯƠNG TRỪNG


Mới post qua cho các bạn một bài có nói đến món ăn Giang Tô mà khi đến đây phải ăn cho được món cua hấp nổi tiếng, Hồi nãy mở truyền hình Hong Kong có nghe nhắc nhở đến mùa cua hàng năm vào mùa Thu. Dân họ rất thích ăn cua, không phải là cua biển bán cả đống ngoài chợ mà là một loại cua nhỏ họ gọi là 大閘蟹 (đại sáp giải), họ thích vì gạch cua rất béo và thơm, ăn không biết chán. Mỗi con chỉ khoảng 200-220 gram bắt từ hồ Dương Trừng (陽澄湖), Giang Tô (江蘇) Trung Quốc nhưng đôi khi họ pha thêm cua cũng giống như vậy bắt từ Thái Hồ (太湖). Con cua Dương Trừng có màu lợt, lông chân vàng. Cua Thái Hồ thì màu sậm hơn. Cua Dương Trừng rất mắc, có giá từ 350-400 đô HK một con. Ăn một con thì không thấm vào đâu, mỗi lần ăn 3-4 con còn chưa đủ đã. Trong tiệm bán cua, họ trưng bày cua như bán trái cây hay đồ quý. Trên mỗi con cua Dương Trừng đều có đeo một miếng QR code để bảo đảm xuất xứ của con cua.

Bây giờ các đại gia Việt Nam đã biết tên nên bắt đầu nhập vào Việt Nam rồi đó. (LKH)

ĂN CUA LÔNG OÁN TRỜI... BẤT CÔNG

Chuyện có nên "móc hầu bao" gần nửa triệu đồng hay không, để thưởng thức một con cua lông cỡ con cua đồng đá loại lớn (170g) đang nóng hầm hập, trong giới “mê món lạ” Sài Gòn.

Những con cua danh tiếng nơi hồ nước ngọt Dương Trừng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã chầm chậm bò vào mùa Thu sướt mướt mưa TP.HCM.


Đặc sản cua lông (cà ra) họ cua đồng nước ngọt, trông nửa giống con rạm nửa giống cua đồng đá Nam bộ.
Ẩn số cua “dạ xoa”

So với những đóa hoa cúc đoan trang, thì mấy “em hoa hậu” cua lông (cà ra, tên khoa học: Eriocheir sinensis) xấu tệ. Một đằng như Hằng Nga tuyệt thế, một bên chẳng khác Chung Vô Diệm lúc chưa đổi lốt. Ấy vậy mà, khi nhắc đến mùa thu, không ít dân Thượng Hải và du khách biết ăn toàn cầu lại nhớ ngay đến cua “dạ xoa”.

Đặc sản cua lông (cà ra) họ cua đồng nước ngọt, trông nửa giống con rạm nửa giống cua đồng đá Nam bộ.

Giá thành một “nàng” cua cái loại 1, ôm đầy gạch son, có “giấy chứng minh” (mã vạch truy xuất nguồn gốc) hẳn hoi, nặng cỡ 200g lên đến gần 600.000 đồng. Mức giá này, vẫn nhỉnh hơn 1 tô phở bò Kobe ở thủ đô Hà Nội thuở nào và thuộc hàng chót vót so với nhiều đặc sản Việt.

Thế mà, vẫn có người “mạnh miệng” thưởng thức.



Vì sao? Phe ủng hộ mà chúng tôi có dịp tham khảo, đưa ra nhiều ý kiến thuyết phục.

“Tiền nào của nấy! Thưởng thức cua lông là “ăn hương ăn hoa” chứ không phải ăn lấy no được!”, ông Nguyễn Văn Tân, dân kinh doanh địa ốc giàu kinh nghiệm ở quận 2, TP.HCM nêu ý kiến.

Từng đi công tác hoặc du ngoạn Trung Quốc, ghé qua Thượng Hải hàng chục lần, ông Tân đã nghe thiên hạ ca tụng hết lời về hương vị có một không hai của loài cua trông nửa giống con rạm nửa giống cua đồng xứ mình rồi.

Ngặt nỗi, những dịp ấy đều không lọt vào Thu, nên ông bị “hụt ăn”.

Ấn tượng nhất là, mùi vị béo thơm lẫn ngọt thanh đậm - rất đậm - nơi từng tảng gạch nhỏ trong mình cua cái. Đặc biệt, hậu vị hấp dẫn kia vẫn còn lưu lại cỡ 5 - 7 phút, chỗ vòng họng người ăn. Cảm giác này, bạn sẽ không bắt gặp khi ăn cua gạch hay con rạm gạch.


Gạch cua cái béo thơm thanh đậm, nấn ná khá lâu nơi vòm họng thực khách.

Còn gạch cua đực (túi tinh), hơi sền sệt chứ không đông đặc và ngả màu vàng xanh. Nó vẫn béo thơm, nhưng không đậm bằng trứng (gạch) cua cái. Dư vị nhân nhẫn nhẹ, rất riêng.

Thịt cua mềm ngọt tựa thịt cua biển nuôi.

Hằng năm, độ tháng 9 - 10 dương lịch, lũ lượt lớp cà ra trưởng thành trong tự nhiên, theo “tiếng gọi con tim” di chuyển đến đồng bằng châu thổ sông Dương Tử để giao phối, sinh sản.

Đó cũng là thời điểm dân địa phương khai thác chúng. Bởi vì, chúng đang sung mãn nhất.

“Miệng ăn núi lở” - hàng tự nhiên không đủ cung cấp cho hàng quán sang, nên dân địa phương vùng Đông Trung bộ liền ồ ạt nuôi cua lông. Và lạ thay, chất lượng số cua "công nghiệp" tại hồ Dương Trừng vẫn tốt hơn hàng cùng loại ở các khu vực khác.

Sản vật danh trấn tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã “bò” vào Thu TP.HCM.

Ước tính, mỗi năm có khoảng 2.500 tấn cua lông thương phẩm rời hồ này (diện tích khoảng 20 km²), chu du trong - ngoài nước, để tự tình về sản vật Giang Tô, Thượng Hải.

Bay đến TP.HCM, giá của chúng cũng ngang tầm với một số động vật quý hiếm: 5 - 6 triệu đồng/kg. Cho nên giới kinh doanh nhà hàng phải “xắt ra miếng”: bán từng con.

Tuyệt chiêu... “bao ngon!”

“Bữa nay có con này ngộ lắm! Có một không hai luôn nghe anh!”, vừa bước xuống xe hơi, ông Tân đã thấy tổng quản lý nhà hàng Hàng Dương Quán (Quận 1, TP.HCM) đon đả chào mời.

“Con gì, đực hay cái?

- Cua lông, cái + đực đều có.

- Giá cả sao?

- Cỡ 1 tô phở bò Kobe/1 con hảo hạng thôi.

- Thôi mày… cắt cổ tao luôn đi!

- Không! Em bao ngon! Không ngon không tính tiền.”

Một số giới chủ cả hàng quán Sài Gòn từng tặc lưỡi phán: “Thằng này có tài… thổi lỗ tai mà”, quả không sai.

Còn Lý Nhất Hiếu, chủ nhà hàng, lại cười khà khà nói: “Tài cán gì đâu! Tui chỉ học hỏi bạn hàng thôi!”

Lần đầu, được một bạn hàng ở Thượng Hải, gửi cặp cua mẫu trông “xấu đau xấu đớn”, giá lại trên trời, Hiếu cũng trợn mắt gọi điện mắng: “Mày có khùng không?!”

Người kia vẫn cười tươi như hoa cúc đầu Thu, đáp: “Bao ngon! Không ngon không lấy một đồng!”.

Quẹt mở nhật ký mua bán, trên chiếc điện thoại thông minh thời thượng, Hiếu cho biết đã “ăn hàng” con cua lông khoảng nửa tháng nay. Trung bình, mỗi ngày, bán được 10 con. Trong đó, đã có phân nửa là khách Việt, 3 "thượng đế" gốc Hoa. Số còn lại là du khách đến từ: HongKong, Đài Loan, Trung Quốc…


Không hiếm thực khách Việt, dám chi đậm cho con cua lông.

Song doanh thu mỗi con cỡ lớn, đã xấp xỉ bằng tiền bán 1kg cua gạch Cà Mau, cỡ nửa ký/con. (Giá: cua lông cái lớn: 490.000/con, nặng từ: 150g - 170g. 440.000 đồng/con cua đực lớn, nặng từ: 170g - 200g).

Tất nhiên, khoản lợi nhuận đó vẫn “cỡ cục kẹo” so với bán buôn các loại hải sản khủng khác. Tuy nhiên, Hiếu đang nhắm tới việc xây đắp thương hiệu. “Tôi muốn, lúc tán gẫu bên ly cà phê buổi sáng hay ngồi trong tiệc nhậu sang trọng, hễ nhắc đến hàng độc - lạ là có nhiều người nhắc đến Hàng Dương.”, Hiếu tâm sự.

Ngoảnh mặt!


Mặc dù vậy, nhiều dân trong nghề tại thành phố năng động này, thường lắc đầu chào thua. “Bán hàng theo trào lưu, mệt mỏi lắm! Mình sẽ ít nhiều phụ thuộc vào nhà cung cấp về giá cả, nguồn hàng. Chưa kể, đau đầu nhất là chuyện thuyết phục, chứng minh ra làm sao với thực khách rằng mặt hàng đó thật sự đỉnh”, ông Trần Anh Tạo, chủ 2 nhà hàng hải sản lớn ở quận 11 và quận Gò Vấp, TP.HCM phân tích.

Giá cua lông cỡ lớn, đắt đỏ gấp 4 lần giá cua hoàng đế (cân nặng trên 2kg/con) của ta.

Lẽ dĩ nhiên, giới thu nhập trung bình sẽ tức tối phản đối chuyện tách mai hai con cua lông xa xỉ. “Một triệu hai (1.200.000 đồng) tôi mua được 1 ổ cứng một “tê” (1TB = 1024 GB), loại xài được. Chứa một trời dữ liệu cần thiết. Còn vợ tôi, phải mất 60 giờ tăng ca xỉu lên xỉu xuống trong công ty giày da của Đài Loan, tại khu công nghiệp Bình Dương”, anh Nguyễn Chiến Thắng, dân IT ở quận Gò Vấp, TP.HCM vung tay phản đối.

Nhưng biết làm sao được! Đời vốn không công bằng. Thiên tài như muối bỏ biển so với… bất tài. Cũng như, bọn cua đồng thì bao la, quanh năm. Còn hàng cua lông lại có hạn và chỉ “ra mắt” giới sành điệu vào mỗi độ Thu về.



Với khách Việt, chấm cua với muối tiêu chanh hoặc muối ớt hột rang hợp khẩu vị hơn loại xốt đặc chế, chủ vị chua ngọt của các đầu bếp Thượng Hải.

Thuận Giang