Wednesday, November 29, 2017

CÁI TƯỞNG TẠO NÊN BÓNG DÁNG CỦA HẠNH PHÚC


Kinh Samiddhi là Kinh dạy về niềm hạnh phúc chân thật mà ta có thể kiểm soát được, có thể thừa hưởng được. Người Việt có câu ca dao:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.


Nếu lấy nhau được thì ta sẽ không thương nhau đến ngàn năm, đôi khi chỉ thương được có một năm thôi. Chính vì không lấy nhau được nên ta mới thương một ngàn năm! Thương như vậy là thương cái ý niệm về người kia, thương cái hình bóng đẹp mà ta đã tạo ra từ người kia. Còn nếu lấy người kia thì ta bắt buộc phải sống với cái thực tại của người kia. Mà sống với thực tại thì cố nhiên là ý niệm mơ hồ và đẹp tuyệt vời về người kia sẽ dần dần tan biến. Câu ca dao đó là một câu ca dao chỉ nói về chuyện tình mà thôi. Cố nhiên khi một người thương một người khác thì bóng dáng của người con trai hay của người con gái kia là bóng dáng tuyệt vời mà ta mơ mộng. Một sợi tóc mai đủ để cột ý chí của một đấng anh hùng. Ngưòi Việt hay dùng tiếng kép tóc tơ. Tơ là những sợi rất mỏng, nhưng cột thì rất chắc.

Có một ông gọi là ông Tơ. Ông này chuyên đi cột người ta và làm người ta khổ suốt đời. Khi cạo đầu đi tu, trên hình thức ta không còn tóc để trói, nhưng sự thực, trên nội dung ta phải không có tơ nữa mới được. Tất cả những sợi tơ lòng kia phải cắt hết thì ta mới có tự do, mới có hạnh phúc, vì hạnh phúc không có thể có được nếu không có tự do.

Chúng ta thấy trong Áo Nghĩa Thư, chữ Neti thường được lặp lại hai lần: Neti, Neti, nghĩa là không phải, không phải, tại vì nói một lần chưa chắc người ta đã thấm.




Hình ảnh tuyệt vời của người yêu "tóc mai sợi vắn sợi dài" là một cái tưởng, mọi tri giác. Mình yêu là yêu cái bóng dáng đó, cái ý niệm đó, cái tri giác đó chứ không phải là yêu cái thực tại của con người kia. Giữa ý niệm về người yêu và cái thực tại của người yêu, có thể có sự xa cách một trời một vực, Vì vậy nếu muốn giữa lại cái hình ảnh đẹp tuyệt vời đó, tốt hơn là đừng cưới. Nếu cưới thì có thể trong vòng nửa năm hay một năm hình ảnh đó sẽ tan vỡ và mình sẽ phải va chạm với thực tế. Những người không biết tu có thể làm tan vỡ hạnh phúc của họ rất mau chóng, dầu buổi ban đầu rất đẹp. Đẹp vì hình ảnh lý tưởng của người yêu tan vỡ. Nếu không tu, đến khi hình ảnh lý tưởng đó tan vỡ rồi, chỉ còn lại đau khổ mà thôi. Không tu thì không biết cách xây dựng cho mình và cho người ấy.

Tạp chí Pháp có đăng một chuyện hài hước như sau: "Sau đám cưới của một cặp vợ chồng trẻ, sáu tháng đầu chàng nói và nàng nghe. Sáu tháng sau nàng nói và chàng nghe. Sáu năm sau thì chàng và nàng cùng nói, và lần này thì hàng xóm nghe!" Nói mà nói lớn đến độ hàng xóm nghe tức là hai người đang cãi lộn và làm khổ nhau. Lúc đó thì chân tướng của cả chàng lẫn nàng đều hiện ra, và cái hình ảnh đẹp tuyệt vời của "tóc mài sợi ngắn sợi dài" đã tan biến. Đó là trường hợp của những người không biết tu.

Với người biết tu, khi cái hình ảnh lý tưởng tan vỡ, ta biết cách để làm cho nó chuyển hóa, vì nếu hình ảnh tuyệt đẹp của người kia tan biến nơi ta thì hình ảnh tuyệt đẹp của ta cũng tan biến nơi tâm của người kia. Vậy cho nên năm đầu của hôn nhân là năm học tập cải tạo. Chúng ta biết được sự thật, chung sống 24 giờ đồng hồ và bắt đầu thấy được sự thật, thực tại không còn những cái tưởng nữa.



Chàng Trương sở dĩ đau khổ cùng cực như vậy là vì chàng quá tin ở tri giác của mình. Nhưng cũng vì trong con người chàng còn có những yếu đuối khác, như tự hào và tự ái. Người kia là vợ mình, người kia là người thân yêu nhất trong đời mình, vậy mà mình đã để cho tự ái chen vào giữa mình và người kia để gây thành ngăn cách. Tại sao chàng Trương không hỏi ngay người vợ về điều đang làm cho mình đau khổ? Trong tình thương chân thật không có chỗ đứng cho sự tự ái. Nếu tự ái có mặt thì tình chưa phải là chân tình, chưa phải là "true love". Điều này không những đúng trong trường hợp vợ chồng, mà còn đúng trong trường hợp bạn bè. Nếu bạn bè thương nhau chân thật thì đừng để cho lòng tự ái chia rẽ. Có những đau khổ nào, mình nói cho người kia biết, đừng vì tự ái mà nín thinh. Chàng Trưong vì tự ái nên trở thành một tảng băng sơn, không có khả năng tới với vợ để chia xẻ cái đau khổ của mình. Phải nói cho người mình thương những khổ đau của mình, và người ấy cũng cần nói những đau khổ của người đó cho mình nghe. Tình thương là ở chỗ mình phải có mặt trong khi người kia đau khổ. Cái đó mới gọi là Bi (Karuna). Khi người kia đau khổ mà mình có mặt một bên, mình nói: "Anh ơi, em biết anh dang đau khổ nên em đang có mặt với anh đây", "I know you are suffering, therefore I am here for you". Đôi khi không cần nói lên mà câu đó vẫn có thể được nghe, được thấy, được chấp nhận khi mình thực sự có mặt. Cách mình ngồi, cách mình nhìn cũng đủ chứng tỏ cho người kia biết rằng mình đang có mặt với họ, đang có mặt cho họ vì họ đang đau khổ, nhờ vậy tự nhiên họ bớt khổ. Đó là tình thương đích thực.

Có nhiều khi đau khổ của ta là do người ta thương tạo ra, hoặc ta nghĩ do người ta thương tạo ra! Khi mình nghĩ rằng chính người mình thương đã làm cho mình có thương tích trong lòng, mình lại có khuynh hướng lạnh lùng, không nhìn người đó, không nói với người đó và lánh trốn người đó. Đó là sự dại dột lớn. Theo nguyên tắc thương yêu mà chúng ta học được trong đạo Bụt, khi nghĩ rằng nỗi khổ của ta là do chính người mà ta thương gây ra, ta phải tới với người đó và nói rằng "Chị ơi em khổ quá, chị giúp em với, em cần chị". Dầu người kia đã tạo ra cái khổ cho mình, khi mình nói câu đó, người kia sẽ không thể nào mà không có mặt cho được. Khi có mặt, người đó sẽ hỏi "Em có thể nói cho chị nghe được không?". Lúc đó mình có thể nói "Hôm qua cách nói của chị làm em khổ lắm. Em không biết làm sao cho nên phải tới hỏi lại".



Khi mình làm được như vậy thì niềm đau nỗi khổ của mình không còn kéo dài và hạnh phúc có thể trở về một cách rất mau chóng. Chúng ta đừng bắt chước chàng Trương, cũng đừng bắt chước thiếu phụ Nam Xương. Đáng lý nàng nên tới với chàng và hỏi:"Anh ơi, tại sao ba ngày ba đêm nay anh thèm nhìn mặt em? Tại sao anh không nói với em lời nào hết? Em đã làm những gì để anh đối xử với em như vậy?" Nếu nàng hỏi được một câu như vậy thì chàng sẽ nói: "Tại sao? tại vì ..., tại vì ...". Khi đó vợ chàng Trường sẽ có cơ hội minh oan và nhờ đó mà hai người sẽ tìm lại được hạnh phúc sau bao năm xa cách.

Những bi kịch xảy ra hàng ngày, lớn hay không lớn bằng bi kịch của chàng Trương, đều do chúng ta quá tin chắc ở tri giác của mình. Nó làm khổ bản thân ta và làm khổ người ta thương. Người ta thương có thể là thầy ta, có thể là học trò ta, có thể là sư anh, sư chị, sư em ta, hoặc người bạn tu của ta. Ta đừng để cho bi kịch ấy xảy ra trong đời sống hàng ngày. Thầy đã trao truyền truyền cho ta những tám kính để chiếu soi. Đó là "Are You Sure?". Đó là "Anh có chắc như vậy không?". Đó là "Neti, Neti". Nếu biết rằng "Sunyata", "Neti, Neti", "Are you sure", là những tấm kính chiếu soi có thể giúp ta thoát khổ đau, vưọt thoát tri giác sai lầm, thì ngày đêm ta phải mang những tấm kinh đó theo, phải sử dụng chúng để soi chiếu, để nhận ra cái tính chất sai lầm của nhận thức. Được như vậy ta sẽ có an ninh, ta sẽ không tạo ra những bi kịch trong và quanh ta. Nếu có đọc cuốn Cửa tùng đôi cánh ngài, quí vị chắc còn nhớ câu chuyện của một chàng tráng sĩ. Trước khi người tráng sĩ xuống núi, thầy đã trao cho một cái kính. Nhưng người tráng sĩ chỉ dùng kính trong mấy tháng đầu, sau đó thì không dùng nữa. Vì vậy sáu năm sau, người tráng sĩ trở thành một ác ma mà cứ tưởng mình là người tráng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Cho đến khi về tới núi, người sư đệ hỏi "Cái kính thầy cho anh đâu?, tráng sĩ đưa kính ra soi, mới nhận ra rằng mình không còn là người tráng sĩ của cuộc đời nữa mà là một con ác quỷ. Do đó cho nên kính của Bụt trao, mình phải lau chùi hàng ngày để soi sáng tất cả mọi tâm ý của mình, mỗi nhận thức, mỗi cảm giác của mình. Nếu biết soi chiếu, mình sẽ mỉm cười với nhận thức mình, nhờ đó mình sẽ có tự do và giải thoát.



Khi một người bạn tới than thở với mình là người ấy đang đau khổ, đang buồn phiền vì người này nói câu này, vì người kia nói điều nọ, mình phải ngồi yên và lắng nghe với tất cả chánh niệm của mình. Nếu lỡ bạn mình quên câu thần chú thì mình phải nhắc "Chị có chắc như vậy không? Chị có chắc là người đó đã nói như vậy hay làm như vậy không? Có thể nhận thức của mình sai lầm, mình đến để hỏi lại". Tuyệt đối đừng thêm dầu vào lửa. Bổn phận của mình là phải lắng nghe. Sau khi lắng nghe, phải tìm cách giúp người kia nhớ lại những câu thần chú. Nếu chị khổ như vậy tại sao chị không tới với người kia để hỏi lại? Nếu chị không muốn đi một mình, em sẽ đi với chị. Đây là những điều thực dụng mà mình phải áp dụng trong đời sống hàng ngày, vì đó là hạnh phúc của bản thân mà cũng là hạnh phúc của người mình thương và hạnh phúc của cả đại chúng.

Nói tóm lại, ta có thể hiểu của bài kệ này như sau: "Nếu có được nhận thức chính xác đối với danh, với sắc, và thấy được tính cách sai lạc, tính cách không có thật của chúng, thì ta được gọi là những người biết đi theo con đường của Bụt dạy, vĩnh viễn xa lìa được những nẻo về tối tăm".

Nguồn: Thư viện Thích Nhất Hạnh