Wednesday, August 15, 2018

TIM THIẾU MÁU VÌ QUÁ TẬN TÂM


Nhiều người chưa biết tác giả của quần áo jogging đã tử nạn trong lúc đang… chạy bộ buổi sáng. Chạy bộ đúng là để khỏe. Nhưng đừng quên trái tim cũng như gia chủ, sức tim cũng có hạn dù là tim chịu đựng rất giỏi. Thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở Hoa Kỳ cho thấy 30% nhồi máu cơ tim xảy ra sau giờ thể dục buổi sáng. Đáng nói là không dưới 60% nạn nhân chưa hề tăng mỡ máu cũng như cao huyết áp! Đáng nói hơn nữa là không dưới 80% nạn nhân không có dấu hiệu báo động trước đó như cơn đau thắt ngực. Nạn nhân tất nhiên không việc gì phải đến thầy thuốc khi sáng nào cũng chạy bộ khỏe re cả giờ đồng hồ. Cũng chính vì thế mà thầy thuốc trở tay không kịp trong phòng hồi sinh. Tỷ lệ tử vong ở nhóm này vì thế rất cao. Đó là lý do tại sao Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyến cáo người chạy jogging nên khám tim định kỳ để thầy thuốc qua đó phát hiện dấu hiệu thiếu máu cơ tim trên điện tâm đồ, trên siêu âm, nhất là khi vận động viên ghi nhận tình trạng đau đầu dù chỉ thoáng qua, hay choáng nhẹ sau khi chạy.


Có một điều chắc hơn đinh đóng cột. Bên cạnh chuyện tăng mỡ máu, cao huyết áp là nguyên nhân dễ lý giải, phải có thêm bàn tay đánh lén nào đó khiến mạch máu trên thành tim bất ngờ tắt nghẽn ở người trước đó mấy phút còn hồ hởi chạy lúp xúp. Không cần phải đợi đến quét nhà mới ra rác, chuyên gia bệnh tim ở đại học Mainz, CHLB Đức, đã xác minh đòn bẩy để thành tim bất ngờ thiếu máu chính là sự hiện diện của những chất khiến mạch máu trên thành tim co thắt đột ngột. Đứng đầu trong các chất có tác hại vừa kể là cặp bài trùng troponin và homocystein. Hai chất này một khi vượt quá định mức bình thường, đặc biệt ở người tròm trèm tuổi 50, là nhân tố rủi ro cao độ vì dẫn đến thiếu máu cơ tim và tai biến mạch máu não cho dù huyết áp của nạn nhân trong định mức bình thường. Chính vì tác động của hai chất này mà mạch máu co thắt hết mức cùng lúc với dòng máu trở nên đậm đặc.


Câu hỏi là tại sao hai chất này lại tăng cao ở một số “vận động viên” thích chạy vòng vòng buổi sáng vì không hẳn ai chạy cũng ngã bệnh? Đáp án đã có từ lâu nhờ thầy thuốc ở đại học thể dục thể thao Cologne phát hiện hai lý do khiến cơ thể tự tổng hợp 2 chất vô tích sự troponin và homocystein. Đó là khi:

• “Chạy nhân” tuy chạy nhưng đầu óc quay cuồng với chuyện khác, chuyện sổ đỏ sổ hồng, chuyện thuế má, trắc trở tình duyên, chưa tìm ra trường cho con vào học…!

• Fan của jogging mệt gần chết vì chạy vạy kiếm chén cơm manh áo nhưng vẫn chạy vì tưởng ngày nào cũng chạy mới tốt cho sức khỏe!

• “Vận động viên” thấy mệt trong lúc chạy, có thể vì chưa ăn sáng, hoặc ngược lại vì ăn quá no, nhưng vẫn tiếp tục jogging vì thói quen chạy theo… thành tích với định kiến lượng quan trọng hơn chất!


Chuyên gia ở Cologne ắt hẳn có luận cứ chính đáng khi khuyên người chạy jogging không cần thiết phải chạy mỗi ngày, cũng không nên chạy nếu trong lòng không vui, càng không nên chạy nếu đang mệt mỏi. Ép tim đẩy máu đến bắp thịt nào có lợi gì nếu tim vì quá tận tâm nên quên tưới máu cho thành tim?! Bên cạnh đó, đợi chi mất bò mới lo làm chuồng! Tầm soát bệnh mạch vành định kỳ và áp dụng hoạt chất sinh học có công năng bảo vệ mạch máu để an toàn khi dùng dài lâu, chính là giải pháp đơn giản cho người không muốn sáng ra chạy jogging rồi sau đó sang xe… cấp cứu!

(trích từ ấn phẩm “Viết vì người muốn chơi tới bến”)
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng